Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật
QUYỂN THỨ HAI

Hán dịch: Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
PHẨM VÃNG SANH THỨ TƯ

            Ngài Xá-Lợi-Phất thưa: "Bạch đức Thế Tôn! Ðại Bồ-Tát thật hành Bát-Nhã ba la mật có thể tu tập tương ứng như vậy, những vị ấy từ cõi nào chết rồi sanh đến cõi này, từ cõi này chết rồi sẽ sanh về đâu?
            Ðức Phật nói: "Này Xá-Lợi-Phất! Những đại Bồ-Tát ấy hoặc từ cõi khác sanh đến cõi này, hoặc từ cung trời Ðâu-Suất sanh xuống đây, hoặc có vị vẫn từ nhơn-gian sanh trở lại nhơn gian đây.
            Này Xá-Lợi-Phất! Những Bồ-Tát từ cõi khác sanh đến đây mau tương ứng với Bát-Nhã ba la mật. Vì tương ứng với Bát-Nhã ba la mật nên khi sanh đến cõi này những pháp thâm diệu đều hiện ra lại tương ứng với Bát-Nhã ba la mật, Bồ-Tát này sanh đến đâu cũng tường gặp chư Phật.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có bực Bồ-Tát nhứt-sanh-bổ-xứ từ cung trời Ðâu-Suất sanh đến đây. Bồ-Tát này chẳng mất sáu môn ba la mật, tùy sanh đến chỗ nào, tất cả môn đà-la-ni, tất cả môn tam muội mau hiện ra.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có bực Bồ-Tát từ nhơn gian sanh trở lại nhơn gian, Bồ-Tát này căn tánh chậm lụt, trừ bực bất-thối-chuyển, chẳng thể mau chóng tương ứng với Bát-Nhã ba la mật, các môn đà-la ni các môn tam muội chẳng thể mau hiện ra.
            Này Xá-Lợi-Phất! Như lời ông hỏi đại Bồ-Tát tương ứng với Bát-Nhã ba la mật từ cõi này chất sẽ sanh về đâu? Ông nên biết rằng những đại Bồ-Tát này từ một Phật độ chết sẽ sanh đến một Phật độ khác, luôn luôn chẳng xa rời chư Phật.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát chẳng dùng phương tiện mà nhập sơ thiền nhị thiền tam thiền tứ thiền và cũng thật hành sáu ba la mật. Vì đắc thiền nên đại Bồ-Tát này sanh lên Trường-Thọ-Thiên. Rồi từ cung trời ấy sanh xuống nhơn gian gặp chư Phật. Hàng Bồ-Tát này căn tánh không được lanh lẹ.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có bực đại Bồ-Tát nhập sơ thiền đến tứ thiền và cũng thật hành Bát-Nhã ba la mật, vì chẳng dùng phương tiện nên xả thiền sanh xuống dục giới. Hàng Bồ-Tát này căn tánh cũng chậm lụt.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có bực đại Bồ-Tát nhập sơ thiền đến tứ thiền, nhập từ tâm đến xả tâm, nhập hư-không-xứ-định đến phi-phi-tưởng-xứ-định, tu tập tứ niệm xứ đến bát-thánh-đạo, thật hành thập lực đại từ đại bi. Hàng đại Bồ-Tát này dùng sức phương tiện chẳng sanh theo sắc thiền, chẳng sanh theo vô lượng tâm, chẳng sanh theo vô sắc định, mà sanh nơi nào có Phật xuất thế, thường chẳng rời hạnh Bát-Nhã ba la mật. Bồ-Tát này sẽ thành Phật trong Hiền-kiếp.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát nhập sơ thiền đến tứ thiền, nhập từ-tâm đến xả-tâm nhập hư-không-xứ-định đến phi-phi-tưởng-xứ-định. Vì dùng sức phương tiện nên chẳng sanh theo thiền mà sanh ttrở lại dục giới để thành tựu chúng sanh.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát nhập sơ thiền đến tứ thiền, nhập từ tâm đến xả tâm, nhập hư-không-xứ-định đến phi phi-tưởng-xứ-định vì dùng sức phương tiện nên chẳng sanh theo thiền mà sanh vào cõi trời dục giới, như cõi Tứ-Vương hoặc cõi Ðao-Lợi, Dạ Ma, Ðâu Suất, Hóa Lạc, Tha Hóa để thành tựu chúng sanh trong các cõi này và cũng để thanh tịnh Phật độ gần gũi chư Phật.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát thật hành Bát-Nhã ba la mật dùng sức phương tiện nhập sơ thiền, ở cõi này mạng chung sanh trời Phạm-Thiên làm Ðại-Phạm-Vương, rồi đến các Phật độ, nơi nào có Phật mới thành vô thượng chánh giác mà chưa chuyển pháp luân thời khuyến thỉnh chuyển pháp luân.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát bực nhứt-sanh-bổ-xứ thật hành Bát-Nhã ba la mật dùng sức phưong tiện nhập sơ thiền đến tứ-thiền, nhập từ tâm đến xả tâm, nhập không xứ định đến phi phi tưởng xứ định, tu tứ-niệm xứ đến bát-thánh-đạo, nhập không-tam-muội vô-tướng tam-muội, vô-tác tam-muội, chẳng sanh theo thiền mà sanh nơi có Phật xuất thế tu phạm hạnh, hoặc sanh cung trời Ðâu-Suất, lúc mạng chung chẳng mất chánh niệm đủ thiện căn cùng với vô số trăm ngàn ức vạn chư thiên cung kính vây quanh đến sanh nơi đây mà thành vô thượng bồ đề.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát được lục thần-thông chẳng sanh dục giới sắc giới và vô sắc giới, mà từ một Phật độ đến một Phật độ cung kính cúng dường tôn trọng tán thán chư Phật.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát du hí thần thông từ một Phật độ đến một Phật dộ. Nơi nào mà Bồ-Tát này đến thời không có Thanh-Văn và Bíc Chi Phật thừa, cũng không có danh từ nhị thừa.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát du hí thần thông từ một Phật độ đến một Phật độ, chỗ nào mà Bồ-Tát này đến thời cõi đó thọ mạng vô lượng.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát du hí thần thông từ một Phật độ đến một Phật độ, nơi không có tam bảo Phật Pháp và Tăng thời tán thán công đức của Phật Pháp và Tăng. Chúng sanh nơi đó vì được nghe danh của Phật của Pháp và của Tăng, nên sau khi mạng chung sanh trước hỗ chư Phật.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát lúc sơ phát tâm được sơ thiền đến tứ thiền, được tứ vô lượng tâm, được tứ vô sắc định, tu tứ niệm xứ đến bát-thánh-đạo nhẫn đến mười tám pháp bất cộng. Bồ Tát này không sanh trong tam giới mà thường sanh nơi chúng sanh có lợi ích.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát lúc sơ phát tâm thật hành sáu ba la mật lên ngôi Bồ-Tát được bực bất thối chuyển.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát lúc sơ phát tâm bèn được vô thượngÕ bồ đề chuyển pháp luân, sau khi đem sự lợi ích cho chúng sanh xong liền nhập Niết-Bàn chánh pháp trụ thế hoặc một kiếp hoặc dưới một kiếp.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát lúc sơ phát tâm liền tương ứng với Bát-Nhã ba la mật, cùng vô số trăm ngàn ức Bồ-Tát từ một Phật độ đến một Phật độ để thanh tịnh Phật độ.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật được tứ thiền tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, rồi du hí trong đó: nhập sơ thiền, xuất sơ thiền, nhập diệt tận định, xuất diệt tận định nhập nhị thiền nhẫn đến tứ thiền, xuấ1t tứ thiền, nhập diệt tận định, xuất diệt tận định nhập không xứ định nhẫn đến phi phi tưởng xứ định, xuất phi phi tưởng xứ định nhập diệt tận định. Ðó là đại Bồ-Tát dùng sức phương tiện, lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, nhập siêu việt định.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát lúc thật ành Bát-Nhã ba la mật tu tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng mà chẳng trụ lấy những quả Tu Ðà Hoàn Tư Ðà Hàm A Na Hàm A La Hán Bích Chi Phật. Bồ-Tát này dùng sức phương tiện để độ chúng sanh nên phát khởi bát thánh đạo phần, đem bát thánh đạo phần này làm cho chúng sanh được quả Tu Ðà Hoàn đến quả Bích Chi Phật.
            Này Xá-Lợi-Phất! Tất cả những quả A La Hán Bích Chi Phật và trí của các bực này đều là vô sanh pháp nhẫn của đại Bồ-Tát đây.
            Này Xá-Lợi-Phất! Phải biết rằng đại Bồ-Tát như đây thật hành Bát-Nhã ba la mật như vậy, an trụ trong bực bất thối chuyển như vậy.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát an trụ sáu ba la mật mà trang nghiêm cung trời Ðâu Suất. Nên biết đây là Bồ-Tát trong Hiền kiếp.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát tu tứ thiền đến mười tám pháp bất cộng mà chưa chứng tứ đế. Nên biết đây là bực Bồ-Tát Nhứt-sanh-bổ-xứ.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát tu hành đạo vô tượng bồ đề trong vô lượng a-tăng kỳ kiếp.
            Có đại Bồ-Tát an trụ sáu ba la mật thường siêng tinh tấn lợi ích chúng sanh chẳng nói bàn đến sự vô ích.
            Có đại Bồ-Tát an trụ sáu ba la mật thường siêng tinh tấn lợi ích chúng sanh, từ một Phật độ đến một Phật độ để dứt diệt ba ác đạo của chúng sanh.
            Có đại Bồ-Tát an trụ sáu ba la mật lấy đàn na làm đầu để đem sự an lạc cho tất cả chúng sanh, ban cho họ những thứ ăn uống y phục giường phòng hương hoa đèn đuốc châu ngọc, tùy theo chỗ đáng cần dùng mà cung cấp cho chúng sanh.
           Có đại Bồ-Tát lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật biến thân hình như Phật để vì chúng sanh trong địa ngục trong súc sanh trong ngạ quỷ mà thuyết pháp.
            Có đại Bồ-Tát lúc thật hành sáu ba la mật biến thân hình như Phật đến khắp mười phương hằng sa thế giới để thuyết pháp cho chúng sanh, cũng để cúng dường cư Phật và nghe Phật pháp, cũng để xem xét lựa lấy những tướng dạng thanh tịnh tốt đẹp của các cõi nưóc hầu phát khởi quốc độ của mình cho được siêu thắng hàng đại Bồ-Tát trụ trong quốc độ, đây đều là bực nhứt sanh bổ xứ.
            Có đại Bồ-Tát lúc thật hành sáu ba la mật thành tựu ba mươi hai tướng tốt, sáu căn tịnh lợi. Vì sáu căn của Bồ-Tát đây tịnh lợi nên được chúng sanh mến kính, Bồ-Tát này bèn lần lần đem pháp tam thừa cứu độ họ.
            Này Xá-Lợi-Phất! Vì cớ trên đây, lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, đại Bồ-Tát phải học thân thanh tịnh và khẩu thanh tịnh.
            Có đại Bồ-Tát lúc thật hành sáu ba la mật được các căn thanh tịnh vẫn không tự cao cũng chẳng khinh người.
            Có đại Bồ-Tát lúc sơ phát tâm an trụ đàn na ba la mật nhẫn đến bực bất thối chuyển trọn chẳng sa vào ba ác đạo.
            Có đại Bồ-Tát lúc sơ phát tâm nhẫn đến bực bất thối chuyển thường chẳng bỏ rời hạnh thập thiện.
            Có đại Bồ-Tát an trụ trong đàn na và thi la ba la mật mà làm chuyển luân thánh vương đặt chúng sanh nơi thập thiện đạo và cũng đem tài vật bố thí cho chúng sanh.
            Có đại Bồ-Tát an trụ trong đàn na và thi la ba la mật, trong vô lượng ngàn muôn đời làm chuyển luân thánh vương gặp vô lượng trăm ngàn đức Phật và đều cung kính cúng dường tôn trọng tán thán tất cả.
            Có đại Bồ-Tát thường đem chánh pháp để soi sáng cho chúng sanh cũng được lợi ích tự soi sáng, nhẫn đến lúc thành vô thượng bồ đề trọn chẳng rời sự soi sáng đó.
            Này Xá-Lợi-Phất! Ðại Bồ-Tát như vậy đã được tôn trọng ở trong Phật pháp. Thế nên đại Bồ-Tát lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, thân khẩu ý đều thanh tịnh chẳng để vọng khởi.
            Ngài Xá-Lợi-Phất thưa: "Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là Bồ-Tát thân nghiệp bất tịnh, khẩu nghiệp bất tịnh, ý nghiệp bất tịnh?
            Ðức Phật nói: "Này Xá-Lợi-Phất! Nếu đại Bồ-Tat nghĩ rằng đây là thân là khẩu là ý. Thấy có tướng dạng như vậy thời gọi là thân khẩu ý bất tịnh.
            Này Xá-Lợi-Phất! Lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, đại Bôò-Tát chẳng thấy có thân, chẳng thấy có khẩu, chẳng thấy có ý.
            Nếu thấy có thân khẩu ý, thời do vì thấy có, nên thân khẩu ý có thể sanh những tâm niệm xan-tham, phạmgiới, sân khuể, giãi đãi, tán loạn, ngu si. Phải biết Bồ-Tát như đây, lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, chẳng có thể trừ được thô nghiệp của thân khẩu ý.
            Ngài Xá-Lợi-Phất thưa: "Bạch Ðức Thế-Tôn! Thế nào là Bồ-Tát dứt trừ thô nghiệp của thân khẩu và ý?
            Ðức Phật nnói: "Nếu chẳng thấy có thân khẩu và ý, đại Bồ-Tát này có thể dứt trừ thô nghiệp của thân khẩu và ý.
            Này Xá-Lợi-Phất! Nếu đại Bồ-Tát từ lúc phát sơ tâm thật hành thập thiện đạo, chẳng móng tâm Thanh-Văn, chẳng móng tâm Bích Chi Phật, thời có thể dứt trừ thô nghiệp của thân khẩu và ý.
            Có đại Bồ-Tát lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật thanh tịnh Phật đạo, mà thật hành đàn na, thi la, sằn đề, tỳ lê gia và thiền na ba la mật Bồ-Tát này trừ được thô nghiệp của thân khẩu và ý.
            Ngài Xá-Lợi-Phất thưa: "Bạch đức Thế-Tôn! Thế nào là Phật đạo của đại Bồ-Tát?
            Ðức Phật nói: "Này Xá-Lợi-Phất! Nếu chẳng thấy có thân khẩu và ý, chẳng thấy có đàn na,thi la, sằn đề, tỳ lê gia, thiền na và Bát-Nhã ba la mật, chẳng thấy có Thanh-Văn Bich Chi Phật, Bồ-Tát và Phật, đây gọi là Phật đạo của đại Bồ-Tát. Chính đó có nghĩa là vì tất cả pháp đều bất khả đắc.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát lúc thật hành sáu ba la mật không ai có thể phá hoại được.
            Ngài Xá-Lợi-Phất thưa: "Bạch đức Thế-Tôn! Thế nào là đại Bồ-Tát lúc thật hành sáu ba la mật không ai phá hoại được?
            Ðức Phật nói: "Này Xá-Lợi-Phất! Nếu lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, đại Bồ-Tát chẳng nghĩ rằng có sắc,thọ, tưởng, hành và tức,chẳng nghĩ rằng có nhãn, tĩ, thiệt, thân và ý, chẳng nghĩ rằng có sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp, chẳng nghĩ rằng có nhãn giới, nhĩ giới, tĩ giới, thiệt giới, thân giới, ý giới, sắc giới, thanh giới, hương giới, vị giới, xúc giới, pháp giới, nhãn thức giới, nhĩ thức giới, tĩ thức giới, thiệt thức giới, thân thức giới, và ý thức giới,chẳng nghĩ rằng có tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần, chẳng nghĩ rằng có đàn na ba la mật, thi la ba la mật, sằn đề ba la mật, tỳ lê gia ba la mật, thiền na ba la mật, Bát-Nhã ba la mật, chẳng nghĩ rằng có thập lực, tứ vô úy, tứ vô ngại trí, thập bát bất cộng pháp, chẳng nghĩ rằng có những quả Tu-Ðà-Hoàn nhẫn đến quả vô thượng bồ đề, thật hành tăng ích sáu ba la mật như vậy thời không ai phá hoại được.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát an trụ trong Bát-Nhã ba la mật đầy đủ tríÕ huệ, nhờ trí huệ này mà không sa vào ác đạo cũng chẳng sanh vào trong loài người tệ ác nghèo cùng. Thân thể của Bồ-Tát này cảm thọ chẳng bị hàng thiên nhơn và a-tu-la chê ghét.
            Ngài Xá-Lợi-Phất thưa: "Bạch đức Thế-Tôn! Những gì là trí huệ của đại Bồ-Tát?
            Ðức Phật nói: "Nhờ trí huệ ấy mà đại Bồ-Tát thấy hằng sa chư Phật ở mười phương và cũng nghe Phật thuyết pháp cùng thấy tăng chúng và thấy Phật độ nghiêm tịnh.
            Do trí huệ ấy mà đại Bồ-Tát chẳng có cảm tưởng Phật Bồ-Tát Bích Chi Phật Thanh Văn, cũng chẳng có cảm tưởng ngã và quốc độ.
            Nhờ trí huệ ấy mà đại Bồ-Tát thật hành đàn na đến Bát-Nhã ba la mật mà chẳng thấy có đàn na đến Bát-Nhã ba la mật, thật hành tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng mà chẳng thấy có tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng.
            Trên đây gọi là trí huệ của đại Bồ-Tát. Nhờ trí huệ ấy mà đại Bôò-Tát có thể đầy đủ tất cả pháp mà vẫn không thấy có tất cả pháp.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật thanh tịnh được nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Ðây cũng gọi là ngũ nhãnÕ thanh tịnh.
            Ngài Xá-Lợi-Phất thưa: "Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là nhục nhãn thanh tịnh của đại Bồ-Tát?
            Ðức Phật nói: "Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát nhục nhãn thấy xa trăm do tuần, có vị t hấy hai trăm do tuần, có vị thấy toàn cõi Diêm-Phù-Ðề, có vị thấy hai thiên hạ hoặc ba bốn thiên hạ, có vị thấy khắp tiểu thiên thế giới hoặc thấy trung thiên thế giới, có Bồ-Tát nhục nhãn thấy suốt đại thiên thế giới. Ðây là nhục nhãn thanh tịnh của đại Bồ-Tát.
            - Bạch đức Thế-Tôn! Thế nào là thiên nhãn thanh tịnh của đại Bồ-Tát?
            - Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát thiên nhãn thấy như Tứ-Thiên-Vương đã thấy, hoặc như Ðao-Lợi-Thiên, như Dạ-Ma-Thiên, như Ðâu-Suất-Thiên, như Hóa-Lạc-Thiên, như Tha-Hóa-Thiên, như Phạm-Thiên-Vương nhẫn đếnÕ như Sắc-Cứu-Cánh-Thiên đã thấy.
            Thiên nhãn của đại Bồ-Tát lại thấy chúng sanh trong hằng sa thế giới chết nơi đây sanh nơi kia. Chỗ thấy này chư thiên từ Tứ-Vương đến Sắc-Cứu-Cánh-Thiên chẳng biết, chẳng thấy được và cũng chính là thiên nhãn thanh tịnh của đại Bồ-Tát.
            - Bạch đức Thế-Tôn! Thế nào là huệ nhãn thanh tịnh của đại Bồ-Tát?
            - Này Xá-Lợi-Phất! Huệ nhãn của Bồ-Tát chẳng nghĩ rằng có những pháp là hữu vi, là vô vi, là thế gian, là xuất thế gian là hữu lậu, là vô lậu, mà không pháp nào chẳng thấy, không pháp nào chẳng nghe, không pháp nào chẳng hay, không pháp nào chẳng biết. Ðây là huệ nhãn thanh tịnh của đại Bồ-Tát.
            - Bạch đức Thế-Tôn! Thế nào là pháp nhãn thanh tịnh của đại Bồ-Tát?
            - Này Xá-Lợi-Phất! Do nơi pháp nhãn đại Bồ-Tát biết người này là tùy-tín-hành, người này là tùy-pháp-hành, người này là vô-tướng-hành, cũng biết người này tu môn không-giải-thoát, người này tu môn vô-tướng giải-thoát, người này tu môn vô-tác giải-thoát, người này được ngũ căn, do được ngũ căn mà được vô gián tam muội, do được vô-gián tam muội mà được trí-giải-thoát, do được trí giải thoát mà dứt trừ tam-kiết, là thấy có ngã nghi ngờ và giới thủ, người này gọi là được quả Tu-Ðà-Hoàn. Bồ-Tát cũng biết người này được tư-duy-đạo, làm mỏng bớt tham sân si được quả Tư-Ðà-Hàm, người này tăng tấn tư duy đạo, dứt tham sân si dục giới được quả A-Na-Hàm, người này tăng tấn tư duy đạo, dứt tham si mạng sắc giới và vô sắc giới được quả A-La-Hán. Bồ-Tát cũng biết người này tu môn giải thoát không vô tướng, vô tác, được ngũ căn, được vô gián tam muội, do vô gián tam muội mà được trí giải thoát, do trí giải thoát rõ biết bao nhiêu phiền não, nghiệp nhơn tích tập đều là pháp tịch diệt được quả Bích Chi Phật. Pháp nhãn thanh tịnh của Bồ-Tát thấy biết như vậy.
            Này Xá-Lợi-Phất! Do nơi pháp nhãn, đại Bồ-Tát biết người này sơ phát tâm bồ đề thật hành sáu ba la mật thành tựu tín căn và tinh tấn căn, người này thiện căn thuần hậu, vì dùng sức phưong tiện mà thọ thân để lợi ích chúng sanh: hoặc sanh dòng sát-đế-lợi, hoặc sanh dòng bà-la-môn, hoặc sanh dòng cư sĩ, hoặc sanh cõi trời Tứ-Vương, trời Ðao-Lợi, trời Dạ-Ma, trời Ðâu-Suất, trời Hóa-Lạc, trời Tha-Hóa, luôn giáo hóa thành tựu chúng sanh và cấp thí cho họ đủ mọi thứ cần dùng, đồng thời thanh tịnh Phật độ cung kính cúng dường chư Phật mãi đến đạo vô thượng bồ đề chẳng sa vào bực Thanh-Văn Bích Chi Phật. Pháp nhãn của Bồ-Tát thấy biết như vậy.
            Này Xá-Lợi-Phất! Do nơi pháp nhãn, đại Bồ-Tát biết vị Bồ-Tát này thối chuyển nơi đạo vô thượng bồ đề, vị Bồ-Tát này không thối chuyển, vị Bồ-Tát này đã được thọ ký làm Phật, vị Bồ-Tát này chưa được thọ ký, vị Bồ-Tát này đã đến bực bất thối chuyển, vị Bồ-Tát này chưa đến bực bất thối chuyển, cũng biết vị Bồ-Tát này đã đầy đủ thần thông, cũng biết vị đầy đủ thần thông bay đến mười phương hằng sa thế giới cung kính cúng dường chư Phật, cũng biết vị này chưa được thần thông rồi sẽ được thần thông, cũng biết vị này thanh tịnh Phật độ, vị này chưa thanh tịnh Phật độ, vị này thành tựu chúng sanh, vị này chưa thành tựu chúng sanh, vị này được chư Phật khen ngợi, vị này hầu gần chư Phật, vị này không hầu gần chư Phật, vị này thọ mạng vô lượng, vị này thọ mạng hữu lượng, vị Bồ-Tát này lúc thành Phật chúng Tỳ-kheo hữu lượng, vị này chúng Tỳ-kheo vô lượng, vị này lúc thành Phật dùng Bồ-Tát làm Tăng, vị này không dùng Bồ-Tát làm Tăng, vị này tu khổ hạnh khó làm, vị này không tu khổ hạnh khó làm, vị này là nhứt sanh bổ xứ, vị này chưa nhứt sanh bổ xứ, vị này thọ thân tối hậu, vị này chưa thọ thân tối hậu, vị này có thể ngồi đạo tràng, vị này không thể ngồi đạo tràng, vị này có phá ma, vị này không có phá ma. Những sự thấy biết này là pháp nhãn thanh tịnh của đại Bồ-Tát.
            - Bạch đức Thế-Tôn! Thế nào là Phật nhãn thanh tịnh của đại Bồ-Tát?
            - Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát từ nơi tâm cầu Phật đạo tuần tự nhập Kim-Cang tam muội được nhứt thiết chủng trí, bấy giờ thành tựu thập lực, tứ-vô-sở-úy, tứ-vô-ngại-trí, thập bát bất cộng pháp, đại từ, đại bi. Dùng nhứt thiết chủng trí, trong tất cả pháp không pháp nào cẳng thấy, chẳng nghe, chẳng hay, chẳng biết. Nên biết đây là Phật nhãn thanh tịnh lúc đại Bồ-Tát được vô thượng bồ-đề.
            Này Xá-Lợi-Phất! Muốn được ngũ nhãn thời phải học sáu ba la mật.
            Tại sao vậy? Vì trong sáu ba la mật nhiếp tất cả thiện pháp, những là Thanh-Văn pháp, Bích Chi Phật pháp, Bồ-Tát pháp và Phật pháp.
            Này Xá-Lợi-Phất! Nếu có thiệt ngữ có thể nhiếp tất cả thiện pháp thời chính đó là Bát-Nhã ba la mật.
            Này Xá-Lợi-Phất! Bát-Nhã ba la mật hay phát sanh ngũ nhãn. Bồ-Tát học ngũ nhãn thời được vô thượng bồ-đề.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật tu thần thông ba la mật, do đây được những sự như ý. Như là chấn động đại địa, biến một thân làm vô số thân, vô số thân hoàn lại một thân, hoặc ẩn hoặc hiện tự tại đi qua núi vách cây đá không chướng ngại như đi trong hư không, đi trên mặt nước như đi trên đất bằng, đi trong không gian như chim bay, vào trong đất đá như trồi hụp trong nước, trong thân tuôn lửa tuôn nước như đống lửa to như nguồn suối trên núi tuyết, có thể lấy tay rờ mặt nhựt, mặt nguyệt, có thể rờ đến Phạm Thiên thân thể luôn được tự tại. Dầu hiện những thần thông như ý mà đại Bồ-Tát này chẳng thấy có thần thông, chẳng thấy có sự thần thông cũng chẳng thấy có thân, tất cả đều bất khả đắc, vì là tự tánh không, tự tánh ly-tự-tánh vô sanh. Thế nên đại Bồ-Tát này chẳng nghĩ rằng ta được như ý thần thông,trừ khi vì tâm nhứt-thiết-trí.
            Lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, đại Bồ-Tát được như ý thần thông trí chứng như vậy.
            Này Xá-Lợi-Phất! Vì thiên nhĩ thanh tịnh hơn nhơn nhĩ, Bồ-Tát này nghe hai thứ tiếng: tiếng của cõi trời và tiếng của loài người. Dầu như vậy nhưng Bồ-Tát này cũng chẳng thấy có thiên nhĩ thần thông. Thiên nhĩ cùng âm thanh và thân mình đều bất khả đắc. Vì là tự-tánh-không, tự-tánh-ly, tự tánh vô-sanh nên Bồ-Tát này chẳng nghĩ rằng ta có thiên nhĩ, trừ khi vì tâm nhứt-thiết-trí.
            Lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, Bồ-Tát này được thiên nhĩ thần thông trí chứng như vậy.
            Này Xá-Lợi-Phất! Ðại Bồ-Tát này biết đúng như thiệt, tâm của chúng sanh khác. Nếu là dục-tâm, sân-tâm, si-tâm, khát-ái-tâm, thọ-tâm, tán-tâm, loạn-tâm, tiểu-tâm, bất-giải-thoát tâm, hữu-thượng tâm thời Bồ-Tát này biết đúng là dục-tâm nhẫn đến biết đúng là hữu-thượng tâm. Nếu là ly-dục tâm, ly-sân-tâm, ly-si-tâm, vô khát-ái-tâm, vô-thọ-tâm, nhiếp-tâm, định-tâm, đại-tâm, giải thoát tâm, vô thượng tâm thời Bồ-Tát này biết đúng là tâm ly-dục nhẫn đến biết đúng là tâ m vô-thượng. Dầu biết đúng như thiệt nhưng Bồ-Tát này chẳng thấy có những tâm ấy. Tại sao vậy? Vì tâm ấy chẳng phải có thiệt tâm tướng, vốn là chẳng thể nghĩ bàn. Vì là tự-tánh-không, tự-tánh-ly, tự-tánh vô-sanh, nên Bồ-Tát này chẳng nghĩ rằng ta được tha tâm trí chứng, trừ khi vì tâm nhứt thiết trí.
            Lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, Bồ-Tát này được tha tâm thần thông trí chứng như vậy.
            Này Xá-Lợi-Phất! Ðại Bồ-Tát dùng túc-mạng trí chứng thần thông nhớ một ngày, một tháng, một năm, một kiếp, nhẫn đến nhớ vô số trăm ngàn muôn ức kiếp ta ở chỗ đó, tên họ đó, sanh hoạt ăn uống như vậy, sốngÕ bao lâu, bị khổ hưởng vui như vậy, từ chỗ đó chết sanh đến chỗ kia, từ chỗ kia chết sanh đến chỗ đó, có tướng dạng có nhơn duyên như vậy. Dầu nhớ rõ như vậy nhưng Bồ-Tát này chẳng thấy co túc mạng thần thông, chẳng thấy có sự túc mạng thần thông và thân mình. Tất cả đều bất khả đắc. Vì là tự tánh không, tự tánh ly, tự tánh vô sanh nên Bồ-Tát này chẳng nghĩ rằng ta có túc mạng thần thông, trừ lúc vì tâm nhứt thiết trí.
            Lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, đại Bồ-Tát này được túc mạng thần thông trí chứng như vậy.
            Này Xá-Lợi-Phất! Ðại Bồ-Tát này dùng thiên nhãn thấy những chúng sanh lúc sanh, lúc tử, thân đẹp hay xấu, chỗ ở tốt hay xấu, hoặc thân lớn hoặc thân nhỏ, cũng thấy chúng sanh theo nhơn duyên của nghiệp, có những chúng sanh vì thân khẩu ý ác nghiệp thành tựu nên hủy báng hiền thánh, do nhơn duyên tà kiến mà khi chết phải đọa ác đạo sanh trong địa ngục, có những chúng sanh thân khẩu ý thiện nghiệp mà kính tin hiền thánh do nhơn duyên chánh kiến mà khi chết được vào thiện đạo sanh lên cõi trời. Dầu thấy biết như vậy mà Bồ-Tát này chẳng thấy có thiên nhãn thần thông cùng sự thiên nhãn thần thông và thân mình. Tất cả đều bất khả đắc. Vì là tự tánh không, tự tánh ly, tự tánh vô sanh nên Bồ-Tát này chẳng nghĩ rằng ta có thiên nhãn thần thông, trừ lúc vì tâm nhứt thiết trí.
            Lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, đại Bồ-Tát này được thiên nhãn thần thông trí chứng như vậy.
            Bồ-Tát này cũng thấy rõ chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương chết đây sanh kia nhẫn đến sanh lên các cõi trời, tất cả bốn thần thông đều có công năng thấu suốt như vậy. Ðây là lậu-tận thần thông của Bồ-Tát. Dầu được lậu tận thần thông mà Bồ-Tát này chẳng sa vào hàng Thanh-Văn Bích Chi Phật, mãi đến quả vô thượng bồ-đề vẫn chẳng y cứ pháp nào khác ngoài Bát-Nhã ba la mật. Bồ-Tát này cũng chẳng thấy có lậu tận thần thông cùng sự lậu tận thần thông và thân mình. Tất cả đều bất khả đắc. Vì là tự tánh không, tự tánh ly, tự tánh vô sanh nên Bồ-Tát này chẳng nghĩ rằng ta được lậu tận thần thông, trừ lúc vì nhứt thiết trí.
            Lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, đại Bồ-Tát được lậu tận thần thông trí chứng như vậy.
            Này Xá-Lợi-Phất! Lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, đại Bồ-Tát đầy đủ thần thông ba la mật, do đây mà quả vô thượng bồ đề được tăng ích.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật an trụ trong đàn na ba la mật để thanh tịnh nhứt thiết chủng trí, vì rốt ráo, rổng không, chẳng sanh tâm xan-lẫn vậy.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật an trụ trong thi-la ba la mật để thanh tịnh nhứt thiết chủng trí, vì rốt ráo rổng không, chẳng dính mắc nơi có tội cùng chẳng tội vậy.
ÕNày Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật an trụ trong sằn-đề ba la mật để thanh tịnh nhứt thiết chủng trí, vì rốt ráo rổng không chẳng sân hận vậy.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật an trụ trong tỳ-lê-gia ba la mật để thanh tịnh nhứt thiết chủng trí, vì rốt ráo rổng không, thân tâm luôn tinh tấn chẳng trễ lười thôi nghỉ vậy.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật an trụ trong thiền na ba la mật để thanh tịnh nhứt thiết chủng trí, vì rốt ráo rổng không chẳng laọn động chẳng say sưa thiền vị vậy.
            Này Xá-Lợi-Phất! Có đại Bồ-Tát lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật an trụ trong Bát-Nhã ba la mật để thanh tịnh nhứt thiết chủng trí, vì rốt ráo rổng không chẳng sanh tâm ngu si vậy.
            Này Xá-Lợi-Phất! Ðại Bồ-Tát lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật an trụ trong sáu ba la mật như vậy để thanh tịnh nhứt thiết chủng trí, vì rốt ráo không, vì chẳng đến, chẳng đi, vì chẳng thí, chẳng thọ, vì chẳng phải giới cấm, chẳng phải phạm tội, vì chẳng phải nhẫn, chẳng phải sân, vì chẳng phải siêng, chẳng phải lười, vì chẳng định, chẳng loạn, vì chẳng trí, chẳng ngu vậy. Bấy giờ đại Bồ-Tát chẳng phân biệt bố thí cùng chẳng bố thí, chẳng phân biệt trì giới cùng phạm giới, chẳng phân biệt nhẫn nhục cùng sân khuể, chẳng phân biệt tinh tấn cùng giải đãi, chẳng phân biệt định tâm cùng loạn tâm, chẳng phân biệt tríÕ huệ cùng ngu si, chẳng phân biệt hủy hại khinh mạng cùng cung kính tôn trọng.
            Tại sao vậy? Vì trong pháp vô sanh chẳng có ai lãnh thọ sự hủy hại, không có ai lãnh thọ sự khinh mạng hay cung kính.
            Này Xá-Lợi-Phất! Thật hành Bát-Nhã ba la mật đại Bồ-Tát được những công đức như vậy. Hàng Thanh-Văn và Bích-Chi Phật không có được những công đức này. Do đây đại Bồ-Tát đầy đủ thành tựu chúng sanh thanh tịnh Phật độ được nhứt thiết chủng trí.
            Này Xá-Lợi-Phất! Lúc thật hành Bát-Nhã ba la mật, ở trong tất cả chúng sanh đại Bồ-Tát sanh tâm bình đẳng. Ðã sanh tâm bình đẳng đối vơí tất cả chúng sanh, Bồ-Tát được tất cả pháp bình đẳng, Bồ-Tát đặt để tất cả trong chúng sanh trong pháp bình đẳng đó.
            Ðại Bồ-Tát này hiện đời được chư Phật mười phương yêu mến, cũng được tất cả Bồ-Tát Bích Chi Phật Thanh Văn kính mến.
            Bất luận thọ sanh ở chỗ nào, đại Bồ-Tát này, trong nhãn căn chẳng thấy có sắc cũng chẳng ái sắc, nhẫn đến trong ý căn chẳng biết có pháp cũng chẳng ái pháp.
            Này Xá-Lợi-Phất! Ðại Bồ-Tát thật hành Bát-Nhã ba la mật như vậy chẳng tổn g iảm vô thượng chánh đẳng chánh giác.
            Lúc đức Phật giảng thuyết phẩm Bát-Nhã ba la mật, trong pháp hội có ba trăm Tỳ-kheo đứng dậy dâng y cúng dường đức Phật và phát tâm vô thượng bồ đề.
             Ðức Phật mỉm cười, từ miệng Phật chiếu ra những ánh sáng nhiều màu.
            Ngài A-Nan liền đứng dậy sửa y phục quỳ gối chắp tay bạch đức Phật hỏi duyên cớ mà đức Phật mỉm cười.
            Ðức Phật nói: "Này A-Nan! Sáu mươi mốt kiếp sau, ba trăm Tỳ kheo này sẽ thành Phật hiệu là Ðại-Tướng. Sau khi bỏ thân này ba trăm Tỳ-kheo đây sẽ sanh về cõi nước của đức Phật A-Súc, cùng với sáu vạn Thiên tử dục giới đồng phát tâm vô thượng bồ đề, sẽ xuất gia tu hành Phật đạo trong chánh pháp của đức Phật Di-Lặc.
            Bấy giờ do oai thần của Phật mà hàng tứ chúng trong pháp hội thấy ngàn đức Phật ở mỗi phương trong mười phương, quốc độ trong mười phương ấy đều nghiêm tịnh hơn cõi Ta-Bà này. Có mười ngàn người phát nguyện tu tịnh hạnh để sanh về thế giới của chư Phật đó.
            Ðức Phật biết tâm nguyện của chúng Thiện nam tử này nên lại mỉm cười, từ miệng Phật phóng ra những ánh sáng.
            Ngài A-Nan bạch đức Phật hỏi duyên cớ. Ðức Phật nói mười ngàn người ấy sẽ sanh về thế giới mười phương mãi không rời chư Phật. Sau đây sẽ đều thành Phật đồng hiệu là Trang-Nghiêm-Vương Như-Lai