Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật
QUYỂN THỨ MƯỜI BẢY

Hán dịch: Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

PHẨM THÀNH BIỆN THỨ NĂM MƯƠI

          Lúc bấy giờ ngài Tu Bồ Ðề thưa:
          Bạch đức Thế-Tôn! Bát-Nhã ba la mật rất sâu này vì đại sự mà phát khởi, vì bất khả tư nghị sự, vì bất khả xưng sự, vì bất khả lượng sự, vì vô đẳng đẳng sự mà phát khởi.
          Ðức Phật bảo ngài Tu Bồ Ðề:
          Ðúng như vậy. Bát-Nhã ba la mật rất sâu này vì bất khả tư nghị sự đến vì vô đẳng đẳng sự mà phát khởi.
          Tại sao vậy? Vì trong Bát-Nhã ba la mật chứa đựng năm ba la mật, chứa đựng mười tám không, chứa đựng tứ niệm xứ đến bát thánh đạo, chứa đựng mười trí lực đến nhứt thiết chủng trí.
          Ví hư nhà vua là bực tôn qúy trong nước, bao nhiêu việc nước đều ủy nhiệm cho đại thần, nhà vua vô sự an vui nhàn nhã.
          Cũng vậy, này Tu Bồ Ðề! Bao nhiêu pháp Thanh Văn pháp Bích Chi Phật pháp Bồ-Tát pháp Phật tất cả đều ở trong Bát-Nhã ba la mật, Bát-Nhã ba la mật hay hoàn thành những sự việc đó.
          Thế nên, này Tu Bồ Ðề! Bát-Nhã ba la mật vì đạ sự mà phát khởi nhẫn đến vì vô đẳng đẳng sự mà phát khởi.
          Lại này Tu Bồ Ðề! Bát-Nhã ba la mật này chẳng lấy sắc chẳng dính sắc nên có thể hoàn thành được, chẳng lấy chẳng dính thọ tưởng hành thức nhẫn đến chẳng lấy chẳng dính nhứt thiết chủng trí nên có thể hoàn thành được, chẳng lấy chẳng dính quả Tu Ðà Hoàn nhẫn đến chẳng lấy chẳng dính vô thượng bồ đề nên Bát-Nhã ba la mật này có thể hoàn thành được tất cả pháp.
          Ngài Tu Bồ Ðề thưa:
          Bạch đức Thế-Tôn! Thế nào vì chẳng lấy chẳng dính sắc thọ tưởng hành thức nhẫn đến vì chẳng lấy chẳng dính nhứt thiết chủng trí mà Bát-Nhã ba la mật hay hoàn thành tất cả pháp?
          Ðức Phật bảo ngài Tu Bồ Ðề:
          Ý ông nghĩ thế nào? Vã thấy sắc thấy thọ tưởng hành thức có thể lấy có thể dính được chăng? Nhẫn đến thấy nhứt thiết chủng trí có thể lấy có thể dính được chăng?
          Bạch đức Thế-Tôn! Không thể được.
          Lành thay! Này Tu Bồ Ðề! Ðức Phật cũng chẳng thấy sắc có thể lấy có thể dính được nẫn đến chẳng thấy nhứt thiết chủng trí có thể lấy có thể dính được. Vì chẳng thấy nên chẳng lấy, vì chẳng lấy nên chẳng dính.
          Này Tu Bồ Ðề! Ðức Phật cũng chẳng thấy pháp của Phật, pháp của Như Lai, pháp của đấng Tự Nhiên, pháp của bực Nhứt thiết trí có thể lấy có thể dính được. Vì chẳng thấy nên chẳng lấy, vì chẳng lấy nên chẳng dính.
          Thế nên, này Tu Bồ Ðề! Chư đại Bồ-Tát chẳng nên lấy chẳng nên dính nơi sắc, nhẫn đến chẳng nên lấy chẳng nên dính nơi pháp của bực Nhứt thiết trí.
          Bấy giờ chư Thiên cõi Dục cõi Sắc thưa:
          Bạch đức Thế-Tôn! Bát-Nhã ba la mật rất sâu này khó thấy khó hiểu chẳng thể suy nghĩ so sánh để biết được. Bực thiện xảo vi diệu trí huệ tịch diệt mới biết được.
          Người tin được Bát-Nhã ba la mật này, phải biết là đại Bồ-Tát cúng dường nhiều đức Phật, gieo căn lành nhiều, gần gũi thiện tri thức, nên tin hiểu được Bát-Nhã ba la mật rất sâu này.
          Bạch đức Thế-Tôn! Nêu trong cõi đại thiên có bao nhiêu chúng sanh, tất cả đều làm người tín hành người pháp hành, làm bát nhơn, làm Tu Ðà Hoàn Tư Ðà Hàm A Na Hàm A La Hán, làm Bích Chi Phật hoặc trí hoặc đoạn, đều chẳng bằng được Bồ-Tát này thật hành Bát-Nhã ba la mật này trong một ngày. Tại sao vậy? Vi người tín hành pháp hành nhẫn đến Bích Chi Phật hoặc trí hoặc đoạn chính là vô sanh pháp nhẫn của Bồ-Tát.
          Ðức Phật bảo chư Thiên cõi Dục cõi Sắc:
          Ðúng như vậy. Này chư Thiên Tử! Người tín hành người pháp hành nhẫn đến Bích Chi Phật chính là vô sanh pháp nhẫn của đại Bồ-Tát.
          Này chư Thiên Tử! Nếu thiện nam thiện nữ nghe Bát-Nhã ba la mật sâu xa này rồi biên chép thọ trì đọc tụng nhẫn đến chánh ức niệm thì sẽ mau được Niết Bàn hơn thiện nam thiện nữ vì cầu Thanh Văn hay Bích Chi Phật mà lìa bỏ Bát-Nhã ba la mật đi thật hành theo kinh khác hoặc một kiếp hoặc dưới một kiếp.
          Tại sao vậy? Vì trong Bát-Nhã ba la mật sâu xa này nói rộng về pháp thượng diệu này mà người tín hành người pháp hành nhẫn đến đại Bồ-Tát đều phải nên học. Học xong chứng được vô thượng bồ đề.
          Lúc bấy giờ chư Thiên cõi Dục cõi Sắc đồng phát thanh rằng:
          Bạch đức Thế-Tôn! Bát-Nhã ba la mật này gọi là  ma ha ba la mật, gọi là bất khả tư nghị, bất khả xưng, bất khả lượng, vô đẳng đẳng ba la mật. Người tín hành pháp hành nhẫn đến Bích Chi Phật họa Bát-Nhã ba la mật này được thành đại Bồ-Tát, được thành vô thượng bồ đề, Bát-Nhã ba la mật này cũng chẳng tăng chẳng giảm.
          Bạch xong chư Thiên cõi Dục cõi Sắc đảnh lễ chưn Phật, nhiễu Phật rồi trở về Thiên cung.
          Ngài Tu Bồ Ðề thưa:
          Bạch đức Thế-Tôn! Nếu đại Bồ-Tát nghe Bát-Nhã ba la mật sâu xa này mà liền tin liền hiểu. Người này từ nơi nào chết rồi sanh trong nhơn gian đây?
          Ðức Phật bảo ngài Tu Bồ Ðề:
          Nếu đại Bồ-Tát nghe Bát-Nhã ba la mật sâu xa này lền tin liền hiểu chẳng quên chẳng bỏ chẳng thắc mắc chẳng ghi chẳng ăn năn mà vui mừng ưa nghe, nghe xong ghi nhớ chẳng rời lìa, hoặc lúc đi đứng lúc nằm ngồi chẳng hề quên sót, thường theo sát pháp sư.
          Như trâu nghé theo sát trâu mẹ, Bồ-Tát vì thường nghe Bát-Nhã ba la mật mà thường theo sát pháp sư, khi được Bát-Nhã ba la mật rồi miệng tụng tâm hiểu chánh kiến thông suốt.
          Này Tu Bồ Ðề! Phải biết đại Bồ-Tát này từ loài người chết mà sanh trở lại trong nhơn gian này.
          Tại sao vậy? Người cầu Phật đạo, đời trước nghe Bát-Nhã ba la mật rồi biên chép cung kính cúng dường, nên sau khi chết sanh trở lại nhơn gian được nghe Bát-Nhã ba la mật liền tin liền hiểu.
          Ngài Tu Bồ Ðề thưa:
          - Bạch đức Thế-Tôn! Có vị Bồ-Tát nào ở phương khác thành tựu công đức trên đây cúng dường chư Phật rồi bỏ thân mà đến sanh tại nhơn gian này được nghe Bát-Nhã ba la mật liền tin liền hiểu biên chép đọc tụng chánh ức niệm chăng?
          Ðức Phật phán:
          - Có. Ở phương khác, Bồ-Tát thành tựu công đức trên đây cúng dường chư phật bỏ thân mà đến sanh tại nhơn gian này được nghe Bát-Nhã ba la mật sâu xa liền tin liền hiểu biên chép thọ trì đọc tụng chánh ức niệm. Phải biết đó là do công đức thành tựu ở đời trước nên được như vậy.
          Lại này Tu Bồ Ðề! Có Bồ-Tát ở nơi Di Lặc Bồ-Tát được nghe Bát-Nhã ba la mật sâu xa, do căn lành ấy mà đến sanh tại nhơn gian này.
          Này Tu Bồ Ðề! Lại có Bồ-Tát đời trước nghe Bát-Nhã ba la mật mà chẳng thưa hỏi những cớ sự trong đó. Vì không thưa hỏi nên đến sanh tại nhơn gian nghe Bát-Nhã ba la mật sâu xa này lòng họ tiếp tục nghi ngờ khó tỏ ngộ.
          Này Tu Bồ Ðề! Nếu Bồ-Tát đời trước hoặc nghe thiền ba la mật, hoặc nghe tinh tân ba la mật, hoặc nghe nhẫn nhục ba la mật, hoặc nghe trì giới ba la mật, hoặc nghe bố thí ba la mật mà không thưa hỏi cớ sự trong đó. Vì đời trước không thưa hỏi nên đến sanh tại nhơn gian này nghe Bát-Nhã ba la mật sâu xa lòng họ tiếp tục nghi ngờ khó tỏ ngộ.
          Này Tu Bồ Ðề! Nếu đời trước Bồ-Tát hoặc nghe nội không ngoại không nhẫn đến nghe nhứt thiết chủng trí mà không thưa hỏi cớ sự trong ấy, vì đời trước không thưa hỏi để được hiểu quyết định nên đến sanh tại  nhơn gian này nghe Bát-Nhã ba la mật sâu xa lòng họ tiếp tục nghi ngờ khó tỏ ngộ.
          Lại này Tu Bồ Ðề! Nếu đời trước Bồ-Tát nghe Bát-Nhã ba la mật sâu xa rồi thưa hỏi sự việc trong ấy mà không thật hành, khi bỏ thân sanh đời sau nghe Bát-Nhã ba la mật sâu xa này trong khoảng một  ngày hoặc hai ba bốn năm ngày lòng họ vững chắc không ai phá hoại được. Nếu họ xa rời chỗ nghe thì sẽ thối thất. Tại sao vậy? Vì ở đời trước lúc nghe Bát-Nhã ba la mật dầu họ có thưa hỏi sự việc trong ấy nhưng họ chẳng thật hành đúng như lời. Người này có lúc muốn nghe có lúc chẳng muốn nghe tâm chẳng vững chắc chí chẳng quết định, như cái lông nhẹ theo gió mà bay qua đông hoặc qua tây.
          Này Tu Bồ Ðề! Phải biết Bồ-Tát này phát tâmchẳng được lâu, chẳng thường gần gũi thiện trí thức, chẳng cúng dường nhiều Phật, đời trước dầu được nghe mà chẳng biên chép chẳng đọc tụng chẳng chánh ức niệm Bát-Nhã ba la mật, chẳng học sáu ba la mật, chẳng học nội không ngoại không nhẫn đến chẳng học nhứt thiết chủng trí. Bồ-Tát này mới phát tâm đại thừa vì ít tin ít thích nên chẳng thể biên chép được nhẫn đến chánh ức niệm được Bát-Nhã ba la mật sâu xa này.
          Này Tu Bồ Ðề! Nếu thiện nam thiện nữ cầu Phật đạo mà chẳng biên chép chẳng thọ trì nhẫn đến chẳng chánh ức niệm Bát-Nhã ba la mật sâu xa này cũng chẳng được sự gia hộ của Bát-Nhã ba la mật sâu xa này, nhẫn đến cũng chẳng được sự gia hộ của nhứt thiết chủng trí. Người này cũng chẳng thật hành Bát-Nhã ba la mật đúng như lời nhẫn đến nhứt thiết chủng trí cũng chẳng thật hành đúng như lời. Người này hoặc sa vào bực Thanh Văn hoặc Bích Chi Phật.
          Tại sao vậy? Người này chẳng biên chép nhẫn đến chẳng thật hành Bát-Nhã ba la mật được sự gia hộ của Bát-Nhã ba la mật sâu xa, thế nên họ sẽ sa vào một trong hai thừa ấy.

 

--o0o--