Thư Viện Chùa Dược Sư
CÁC BÀI VIẾT VỀ VU LAN
 

VĂN HÓA CARTE DE VISITE
Lê Đình Thư Các
---o0o---
 
Cứ mỗi lần lồng tấm carte de visite của người bạn tặng vào album tôi lại nghĩ, nếu cả thế giới này ai cũng trao carte de visite cho nhau : một thế giới của tình bạn !
            Danh thiếp (tiếng Pháp là carte de visite, tiếng Anh : name card) ra đời từ thời cổ đại ở các dân tộc phương Đông. Ở Trung Hoa vào thời chữ Hán hoàn thiện nghệ thuật thư pháp, giới quý tộc trao danh thiếp cho nhau không chỉ đơn thuần là một thẻ thăm viếng, thẻ ghi tên mà còn là sự bày tỏ tình cảm và cá tính : những tấm danh thiếp được viết trên giấy điệp hoa lồng trong phong bì có sợi chỉ đỏ với nét chữ thanh thoát, hài hòa như một bức tranh. Cả người trao và người nhận danh thiếp bao giờ cũng cung kính hai tay !
            Khi nền văn hóa Pháp vào Việt Nam, cùng với sự ra đời của chữ quốc ngữ, tấm danh thiếp in hai mặt hai thứ tiếng khác nhau dùng để giao dịch bắt đầu xuất hiện trong giới quyền quý, trí thức...
Những năm gần đây, khi kỹ thuật in lụa ra đời, danh thiếp bỗng trở thành thứ trang sức hấp dẫn ! Ai cũng có thể in được danh thiếp cho mình, có người in đến 3, 4 kiểu loại với những nghề nghiệp khác nhau và logo khác nhau ; khi thì nhạc sĩ, họa sĩ, luật sư, nhà mỹ học hoặc các học vị cử nhân, cao học, thạc sĩ, tiến sĩ...
Tuy nhiên, có một điều thật thú vị là cũng giống như y phục, và còn hơn cả y phục nữa, danh thiếp bộc lộ ngay tính cách và mỹ cảm của người chủ ! Chỉ cần nhìn qua cách trình bày tấm danh thiếp là ta nhận được đời sống tinh thần phản ảnh trên đó : giản dị / cầu kỳ ; màu mè / công thức ; khiêm tốn / khoe khoang ; thật / giả...
Theo nguyên lý âm dương, để tạo nên sự hài hòa, cân đối, văn hóa phương Đông (xứ nóng) chuộng chiều dọc, đường cong - âm tính (tranh lụa, mái đình, chùa, áo dài, áo bà ba) ; ngược lại văn hóa phương Tây (xứ lạnh) yêu thích chiều ngang, đường thẳng - dương (tranh sơn dầu, kiến trúc nhà hình khối, complet). Do vậy, danh thiếp của người phương Đông, đặc biệt là chữ Nho luôn in dọc, danh thiếp của văn hóa phương Tây in ngang.
Ngày nay, do giao lưu văn hóa và thẩm mỹ cá nhân thay đổi ; nam, nữ học chung trường ngay từ tiểu học nên tính cách dương (dũng mãnh) cần có của một người đàn ông và tính cách âm (dịu dàng) cần có của một người con gái mất dần ranh giới, và tất nhiên, mọi định ước về văn hóa cũng thay đổi : bắt đầu xuất hiện những tấm danh thiếp chiều dọc !
Một điều lý thú cũng cần khuyến khích là người phụ nữ vốn kín đáo, khiêm cung nên rất hiếm khi họ sử dụng carte de visite. Và cũng như vậy, trong trường hợp tối cần thiết, một tấm danh thiếp trình bày giản dị, trong sáng, đúng mức bao giờ cũng gây được cảm tình người nhận ! Tôi xin kể một câu chuyện đầy đạo vị về tấm danh thiếp của Thiền sư Muju trong tác phẩm Góp nhặt cát đá do Đỗ Đình Đồng dịch :
"Keichu, một đại Thiền sư thời Minh Trị, là sư trưởng đền Tofuku, một tu viện ở Kyoto. Một hôm, thống đốc Kyoto viếng Keichu lần đầu tiên.
Một đệ tử đưa lên Keichu tấm danh thiếp của nhà cầm quyền, thiếp viết :
Kitagaki, Thống đốc Kyoto.
Keichu bảo với người đệ tử : "Ta không có việc gì với một con người như thế. Hãy bảo hắn ra khỏi nơi này".
Người đệ tử hoàn lại tấm thiếp với lời xin lỗi. Viên Thống đốc nóiá: "Đây là lỗi của tôi". Và với cây bút chì trong tay, ông xóa mấy chữ Thống đốc Kyoto, rồi bảo người đệ tử : "Hãy hỏi lại thầy anh".
Lần này, thấy tấm danh thiếp, Keichu kêu lên :
"Ô, Kitagaki đấy à ? Ta muốn gặp người đó".
-- o0o --