Thư Viện Chùa Dược Sư
CÁC BÀI VIẾT VỀ VU LAN
 

NGÀY RẰM THÁNG BẢY
NHỚ TỚI
DỊCH GIẢ KINH VU LAN BỔN
Nguyên Định
--- o0o ---
 
Lễ hội Vu Lan Rằm tháng Bảy là mùa báo hiếu của người Phật tử Việt Nam. Ca dao được sáng tác từ cửa thiền đã nêu rõ:
Cha già là Phật Thích Ca
Mẹ già như thể Phật Bà Quan Âm
Nhớ ngày xá tội vong nhân
Lên chùa lễ Phật, đền ơn sinh thành
Người Phật tử không chỉ lên chùa vào ngày mười bốn, Rằm tháng Bảy, mà còn lên chùa trước đó nữa, có thể có mặt hầu như thường xuyên trong 3 tháng an cư củ chư Tăng Ni, không chỉ lễ Phật mà còn tụng kinh. Một trong những bộ kinh được đọc tụng nhiều vào dịp báo hiếu ấy là kinh Vu Lan Bồn.
Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu một số nét về kinh Vu Lan Bồn và dịch giả kinh ấy là Tam Tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ.
1. Theo Đại tạng kinh đại chính tân tu (ĐTK/ĐCTT) thì kinh Vu Lan Bồn được sắp vào phần kinh tập bộ, No. 685, tập 16, trang 779 (bản in 1992). Hán dịch là Pháp sư Trúc Pháp Hộ (hậu bán thế kỷ thứ 3, đầ thế kỷ 4, đời Tây Tấn), gọi đủ là Phật Thuyết Vu Lan Bồn kinh. Ngoài bản dịch của ngài Trúc Pháp Hộ, còn có một bản nữa, mang tên Phật Thuyết Báo Ân Phụng Bổn kinh, No. 686, mất tên người dịch. Như vậy, trong Hán tạng, kinh Vu Lan Bồn, với bản dịch của Pháp sư Trúc Pháp Hộ, được xem là bản tiêu biểu. 
Kinh Vu Lan Bồn từ lâu đã được các bậc tôn túc dịch ra chữ Việt, đáng chú ý hơn cả là bản dịch có dẫn nhập, chú giải kỹ lưỡng của HT Trí Quang.
2. "Vu Lan hay Vu Lan Bồn là dịch âm Phạn tự (Ullambana). Còn có một dịch âm nữa là Alamnàna. Trí Húc Đại sư nói, Vu Lan Bồn dịch nghĩa là Cứu đảo huyền: giải cửu cái khổ như sự bị treo ngược. Như vậy, Vu Lan có nghĩa là bản kinh chỉ cách giải cứu cái khổ khốn cấp trong các đường dữ. 
Đó là nghĩa chính, và Vu Lan Bồn toàn là dịch âm Phạn tự. Tuy nhiên, nhờ trùng âm, ngẫu nhiên chữ Bồn lại có nghĩa của chữ Trung Hoa, và quan trọng là chữ ấy, kinh văn dùng để nói đến dụng cụ đặt đồ hiến cúng, trong cách cứu đảo huyền. Như vậy, Vu Lan Bồn ngẫu nhiên mà có cái nghĩa Bồn Vu Lan. Nhưng nghĩa này chỉ phụ thuộc, dầu theo kinh văn, nghĩa này khá quan trọng". (Kinh Vu Lan, HT Trí Quang dịch, bản in 1994, tr.52). 
3. "Nội dung kinh Vu Lan có hai phần. Phần trước là nguyên nhân và cách thức của thắng pháp Vu Lan. Phần sau mang một huấn thị của đức Phật mà Tôn Mật Đại sưu nói có tính chất Luật. Nói giản dị, phần đầu Phật chỉ dạy cách báo hiếu cha mẹ, phần sau Phật quy định Phật tử thì phải phụng hành cách ấy". (HT Trí Quang, sđd, tr.52-53). 
Cần nhắc lại cái nguyên nhân của thắng pháp Vu Lan mà hầu hết người học Phật đều biết. Đó là trường hợp của Tôn giả Mục Kiền Liên, một trong số các vị đại đệ tử của Phật, sau quá trình tu tập, đã chứng đắc sáu pháp thần thông, vì lòng hiếu, muốn cứu độ mẹ, nên dùng thiên nhãn xem xét, thấy mẹ mình hiện bị đọa nơi cõi ngạ quỷ. Tôn giả liền vận dụng thần thông đến cứu mẹ, nhưng chẳng những không cứu nổi, mà vì nghiệp lực của người mẹ qúa nặng, nên ngay bát cơm Tôn giả đem đến dâng mẹ, bà mẹ cũng không thể thọ dụng được, vậy là Tôn giả phải nhờ đến sự chỉ dạy của đức Phật. 
4. Tuy chỉ là một pháp thoại rất ngắn, nhưng âm vang của kinh Vu Lan thật là lớn lao. Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, phần giải thích về nguồn gốc của Tết Trung nguyên, đã viết: "Rằm tháng Bảy gọi là Tết Trung nguyên. Ta tin theo sách Phật, thường cho ngày hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là dưới âm phủ được tha tội một ngày hôm đó. Bởi vậy, nhiều nhà mua vàng mã cúng gia tiên, các nhà có người mới mất cũng hay đốt vàng mã, làm chay về hôm ấy" (Việt Nam phong tục, bản in 1970, S, tr.44). 
Hai chữ "sách Phật" mà ông Phan Kế Bính dùng ở đây nên hiểu là kinh Phật và đó là kinh Vu Lan Bồn. 
Trong số các truyện Nôm khuyết danh ra đời vào khoảng thế kỷ 15-16, chúng ta có tác phẩm Mục Liên bản hạnh, được xem là một "diễn ca" sự tích tu hành đắc đạo và cứu mẹ khỏi kiếp đọa đày của Tôn giả Mục Kiền Liên, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, người phát hiện và công bố tác phẩm trên, nơi phần Dẫn nhập đã nêu rõ: "... Đây là chuyện đức Bồ Tát Mục Kiền Liên được soạn bằng tiếng Việt xưa, theo thể lục bát, để Phật tử nhớ và tôn sùng một vị La Hàn có tiếng rất hiếu hữu, đã cứu mẹ ra khỏi địa ngục. Cũng nhờ hành động của Ngài mà nay có lễ Vu Lan Rằm tháng Bảy để báo hiếu cho tổ tiên ...". (Tập văn Vu Lan, số 33, tháng 7-95, tr.22). Mục Liên bản hạnh gồm 162 câu thơ lục bát, giữ lại khá nhiều từ ngữ cổ của ông cha chúng ta ngày trước. Xin giới thiệu 8 câu ở đoạn cuối viết về ngày Rằm tháng Bảy:
Trung nguyên phóng xá lao tù
Mục Liên tiếp dẫn, Diêm Phù sạch không
Từ rày đắc đạo thành công
Muôn năm hưởng phúc, quốc trung khỏe bền
Viên dung báu phiệt vạn tuyền
Hữu tội, vô tội thoát liền lâng lâng
Thủy thanh, nguyệt thiện trừng trừng
Một cơn gió thổi, quét chưng bụi tà
(Câu 145-152, dẫn theo Hoàng Xuân Hãn, bđd, tr.27).
5. Dịch giả kinh Vu Lan Bồn là Tam Tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ. HT Trí Quang, nơi bản dịch kinh Vu Lan Bồn của mình, đã dựa vào các tài liệu có giá trị để giới thiệu tương đối đầy đủc về cuộc đời và hàng trạng cùng sự nghiệp hoằng pháp của ngài Trúc Pháp Hộ như sau: "... Ngài Trúc Pháp Hộ, người được tôn xưng là Đôn Hoàng Bồ Tát, Phạn tự thì tên Ngài dịch âm là Đàm Ma La Sát, người gốc Nhục Chi (còn đọc là Nguyệt Chi), xưa là vùng giữa Đôn Hoàng và Kỳ Liên, nay là miền Tây Trung Bộ tỉnh Cam Túc và miền Đông tỉnh Thanh Hòi. Nhục Chi tuy chỉ là một quốc gia thuộc Tây Vừc xưa, nhưng có một thời đã là một đế quốc lớn, và rất liên quan đến Phật giáo cùng văn hóa của Ấn Độ và Trung Hoa. Ca Nị Sắc Ca vương chính là người xứ ấy ... Đồng hương với ngài Pháp Hộ mà có tiếng trong giới phiên dịch của Phật giáo Trung Hoa là các ngài Chi Lọu Ca Sấm và Chi Khiêm. Tiểu truyện của ngài Pháp Hộ chép, Ngài gốc Nhục Chi (hoàng tộc Nhục Chi), nhưng tiền nhân qua cư ngụ ở Đôn Hoàng. Xuất gia lúc lên 8, thờ ngài Cao Tòa làm thầy, rất thông minh, ký ức cực mạnh, bẩm tính thuần hậu, tiết tháo, chuyên tinh, chịu khổ, quyết chí, hiếu học, muôn dặm tìm thầy cũng không từ. Tuy nhiên, thế sự khen chê không chen được vào lòng Ngài. Bây giờ là thời đại Vũ Đế nhà Tần. Tự viện, tượng, tranh tuy đã có khắp cả kinh thành và thôn ấp, nhưng kinh điển Đại thừa vẫn nằm bên kia rặng Thông Lĩnh. Ngài phát phẫn, quyết chí hoằng dương đại pháp, nên theo thầy vào Tây Vức, đi khắp các nước, 36 ngữ văn Ngài biết được cả. Ngài mang về Trung Hoa rất nhiều kinh điển Phạn tự. Từ Đôn Hoàng, Ngài vào Tràng An. Trên đường đi, Ngài bắt đầu phiên dịch ra Hoa văn. Trong tổng số phiên dịch của Ngài, có Chánh Pháp Hoa và Quang Tán Bát Nhã. Cần cù với công việc, chỉ lấy sự hoằng pháp làm chí ngiệp, nên Ngài phiên dịch suốt đời, mệt nhọc mấy cũng không từ. Kinh điển lưu hành rộng rãi tại Trung Hoa, đầu tiên là nhờ Ngài". 
Cuối đời Vũ Đế nhà Tấn, Ngài ẩn cư trong núi. Về sau, Ngài dựng chùa ngoài Thanh Môn của Trường An, tinh tiến hành đạo, đức hóa vang xa, Tăng tín vài ngàn thờ Ngài tu học. Đến đời Huệ Đế nhà Tấn bôn tẩu về hướng Tây, Ngai cùng môn đồ tỵ nạn vê 2 hướng Đông, đến Thăng Trì thì bệnh mà mất, thọ 78 tuổi. Sự phiên dịch của ngài Pháp Hộ được ngài Đạo An phê phán như sau: "Kinh sách xuất từ tay ngài Pháp Hộ thì cương lĩnh chắc chắn, chính xáx. Số lượng dịch phẩm của Ngài, căn cứ theo Mục lục Đại tạng kinh ĐCTT, tổng cộng có 95 thứ hay bộ (nói rõ hơn là tên kinh - NĐ), 207 cuốn (nếu kể luôn 1 cuốn nơi bản biệt dịch kinh No. 315 thì là 208 cuốn - NĐ)" (Kinh Vu Lan, sđd, tr.46-49).
Về sự nghiệp dịch thuật, hoằng pháp của Pháp sư Trúc Pháp Hộ, có hai điểm cần được chú ý thêm:
a) "Lịch sử phiên dịch của Phật giáo Trung Hoa rõ ràng có 3 cái mốc là Pháp Hộ, La Thập và Huyền Tráng. Nhưng ngài Pháp Hộ thuộc thời kỳ phôi thai, lại không có sự hỗ trợ của thế quyền. Công tác với Ngài chỉ có cha con cư sĩ Nhiếp Thừa Viễn và bốn nhân vật có tiếng ...". (HT Trí Quang, sđd, tr.50-51).
b) Tuy số lượng dịch nhiều như thế, nhưng các kinh do ngài Trúc Pháp Hộ dịch, được dịch sang tiếng Việt, hiện tại chỉ mới có kinh Vu Lan Bồn và 3 hội trong kinh Đại Bảo Tích (hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ, quyển 8-14, hội Tịnh Cư Thiên Tử, quyển 15-16 và hội Bảo Kế Bồ Tát, quyển 117-118). Hiện nay, công tác phiên dịch Hán tạng đang được xúc tiến, một số kinh Hán dịch của Ngài đã lần lượt được dịch như: kinh Sinh, No. 154, ĐTK/ĐCTT, tập 3, Bản Duyên bộ, 5 quyển; kinh Phổ Diệu, No. 186, tập 3, Bản Duyên bộ, 8 quyển; kinh A Duy Việt Trí Già, No. 266, tập 9, Pháp Hoa bộ, 3 quyển; kinh Hiền Kiếp, No. 425, tập 14, kinh Tập bộ, 8 quyển ... 
            Tất cả sẽ cùng với kinh Vu Lan Bồn, các hội trong kinh Đại Bảo Tích, có mặt trong Đại tạng kinh tiếng Việt, càng làm cho tên tuổi của ngài Trúc Pháp Hộ thêm gần gũi hơn trong niềm kính mộ của Phật tử chúng ta.
Xin mượn những dòng viết của HT Trí Quang để làm kết luận: "... Chỉ nói, tuy đã gần hết 17 bách kỷ, mà Vu Lan Bồn, một bản kinh rất ngắn, nhưng hàng năm, cứ đến mùa Vu Lan báo hiếu, lời dịch của Ngài non 1700 năm về trước, vẫn được duy nhất tụng lên, và hình ảnh Ngài lại càng hiện rõ trong niềm ngưỡng mộ của học giả Phật học, cũng đủ rõ ..." (sđd, tr.51).  
-- o0o --