Thư Viện Chùa Dược Sư
CÁC BÀI VIẾT VỀ VU LAN
Cảm Nghĩ Về Vu Lan
Minh Đăng
--- o0o ---
 
Vu Lan lại về trên đất Úc trong gió lạnh đông tàn. Nhưng trong gió lạnh đông tàn có tia nắng ấm đầu xuân làm cho đóa hoa hồng đào rực nở. Người con Phật hân hoan, phấn khởi khi về chùa lễ Phật, gặp thầy khả kính, gặp bạn thân thương và tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ.
Nói về Vu Lan, thì ta thường nghĩ đến mùa báo hiếu, tưởng nhớ đến Ngài Mụ? Kiền Liên, rồi nguyện noi theo gương hiếu hạnh của Ngài để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nhưng Vu Lan không chỉ nhắc nhở chúng ta lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, mà Vu Lan còn gợi cho chúng ta ý nghĩa thâm trầm về sự giải thoát, và Vu Lan thật sự chỉ dẫn cho chúng ta con đường tự do thênh thang trong từng bước đi, hơi thở.
Trong từ "Vu Lan Bồn", thì "bồn" là cái chậu để đựng thức ăn. Thức ăn này được đem cúng dường cho chư tăng vào ngày rằm tháng bảy, để cầu nguyện vong hồn những người chết không còn phải đọa vào cảnh khổ. "Vu Lan" được dịch từ tiếng sanscrit "Ullabana", có nghĩa là "cứu nạn treo ngược". Được biết, những người làm điều ác, sau khi chết bị đọa vào địa ngục, chịu đựng nhiều hình phạt vô cùng đau đớn trong đó có khổ hình là bị treo ngược. Như vậy, vấn đề trọng yếu là cứu nạn treo ngược, là làm thế nào để được giải thoát, để sống tự do.
Nhơn mùa Vu Lan, Phật lịch 2540, chúng tôi xin được đóng góp một vài cảm nghĩ và kinh nghiệm về vấn đề báo hiếu và vấn đề giải thích.
            Trước hết, người Việt Nam chúng ta, vì chịu ảnh hưởng rất nhiều về Nho giáo, cũng như Phật giáo, mà cả hai tôn giáo này đều đặt trọng tâm vào đạo hiếu, cho nên người Việt Nam thường tự hào mình là một dân tộc rất hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
            Nhưng vấn đề không phải là tự hà? làm một người con hiếu thảo, mà vấn đề có thực hiện đạo Hiếu hay không, và có thực hiện đúng để đem đến hạnh phúc và lợi lạc cho ông bà cha mẹ, cho chính mình và cho mọi người hay không?
Đạo Nho dạy: Hiếu là cội đức. Hiếu đứng đầu muôn hạnh. không tội nào nặng hơn tội bất hiếu.
Gương hiếu thảo của người theo Nho giáo rất nhiều, tuy nhiên cũng có nhiều người quan niệm sai lầm về đạo hiếu vì quá nặng về nghi thức, mà không thực tâm hành đạo.
Có những trường hợp con cái lơ là với cha mẹ, đến khi cha mẹ chết rồi, thì làm đám tang thật lớn, giết trâu, bò, heo để cúng vái, với thịt rượu ê hề, để đãi hàng xóm láng giềng ăn nhậu say sưa, nói năng ồn ào. Đến ngày chôn cất thì khóc than thảm thiết, kể lể không cùng, rồi lại thêm bài điếu văn vừa cầu kỳ vừa lâm ly, để đề cao tài đức của người quá cố, công ơn trời biển của đấng sinh thành, và không bao giờ quên bài tỏ cùng những người dự đám tang, nỗi thống khổ điêu linh của đàn hiếu tử. Trong lúc đó thì những người dự đám tang đã say sưa thịt rượu trong mấy ngày liên tiếp, thỏ thẻ bên nhau:
"Lúc sống thì chẳng cho ăn
Đến khi thác xuống, làm văn tế ruồi"
Bên cạnh sự phô trương lòng hiếu thảo của mình qua bài văn tế, sau những ngày đãi khách thịt rượu say sưa, nhiều người theo Nho giáo vẫn còn giữ cái quan niệm sai lầm và ích kỷ, không chấp nhận được. Quan niệm đó là: "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại". (Trong ba cái bất hiếu thì cái bất hiếu lớn là không có con trai để nối dõi và thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ). Từ cái quan niệm sai lầm, ích kỷ này, qua không biết bao nhiêu thế hệ, người Trung hoa coi trọng người con trai và khinh thường người con gái:
"Nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô" (Có một người con trai là có, có mười người con gái là không)
Có một người con trai là có vì người con trai mang cái họ của mình, thờ cúng ông bà mình, cha mẹ mình và mình. Rồi, con trai của con trai mình, con trai của cháu trai mình... sẽ tiếp tục hương khói phụng thờ. Có mười người con gái là không, vì con gái chỉ làm được việc gọi là "tứ đức, tam tòng" (tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và người con gái chỉ làm được cái việc sanh con đẻ cái và phải ráng sanh con trai - nếu không muốn chồng lấy vợ lẻ, hoặc buộc chồng mình phải làm tờ để vợ - để tiếp nối họ nhà chồng và lo việc thờ cúng cho người ngoại tộc. ("Nữ sanh ngoại tộc").
Vì quan niệm sai lầm và ích kỷ như vậy, cho nên các nhà Nho Trung Quốc, kể cả vua quan Trung Quốc ngày xưa, rất lo ngại và chống đối mãnh liệt đạo Phật, khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc. Đối với họ, những nhà sư đầu tròn áo vuông, không chịu có vợ con, là những người đại bất hiếu.
Thời gian thấm thoát trôi qua. Trước nạn nhân mãn trầm trọng, trước cuộc sống khó khăn của hơn một tỉ dân Trung Quốc, nhà cầm quền Trung Quốc phải đặt lại vấn đề - dù trễ nhưng còn hơn không - để cứu vãn tình trạng vô cùng khó khăn của xứ sở. Khi đặt lại vấn đề và suy nghĩ chính chắn, nhà cầm quền Trung Quốc hẳn thấy rằng: cái nhiễu nhương của đất nước, cái nghèo đói của dân tộc phần lớn là do tham quan ô lại, mà tham quan ô lại sở dĩ có là do lòng ích kỷ, tham lam, lệ thuộc vào gia đình, vào vợ con, thê thiếp. Thấy rõ như vậy thì hẳn phải nhận định rằng: những người đầu tròn áo vuông, sống độc thân để tu học, là những người sáng suốt nhất, từ bi và can đảm nhất, những người có khả năng dồi dào nhất để hưng đạo và kiến quốc.
            Như chúng ta được biết, người lái xe ở Úc châu có thể hiến tặng - sau khi chết - một vài bộ phận của thân thể, như : mắt, tim, thận... hoặc có thể hiến tặng tất cả thân thể của mình. Thấy được cái nghĩa cử tốt đẹp của sự hiến tặng này, cách đây tám năm, trong lúc làm việc cho Tổng Cuộc Giao Thông Vận Tải ở Sydney, tôi rất sung sướng làm tờ cam kết hiến tặng tất cả thân thể.
Sau bữa cơm trưa hôm đó, tôi ngồi trầm ngâm như thường lệ, vì ở công sở, công việc được rỗi rảnh. Tôi nhắm mắt lại, mỉm cười sung sướng nghĩ rằng, sau khi mình vừa chết xong thì mắt, tim, thận của mình được giải phẫu. Tôi sung sướng và mong mõi cuộc giải phẫu được thành công, những bộ phận này sẽ đem đến hạnh phúc cho những người đau khổ, từ lâu khắc khoải chờ mong.
            Khoảng một tuần lễ sau, anh Peter Hồng, một người bạn Trung Quốc làm cùng sở, đến gặp tôi trong giờ ăn sáng. Sau vài câu mở đầu: trời mưa, trời nắng, anh đi vào vấn đề mà anh cho là trọng đại: do sự tình cờ anh được biết tôi đã cam kết hiến trọn thân thể, sau khi chết, nên anh đến để khuyên tôi rút lại lời cam kết này, vì lẽ quan niệm về đạo hiếu theo truyền thống Nho giáo là phải triệt để bảo toàn thân thể khi còn sống, cũng như sau khi chết.
Tôi cám ơn anh và cho biết, khi nào có dịp, tôi sẽ chia xẻ với anh quan niệm về đạo hiếu theo Phật giáo. Anh trầm ngâm nghĩ ngợi, tôi cũng trầm ngâm nghĩ ngợi, mỗi người theo đuổi một ý tưởng: anh thương hại cho tôi đã làm một việc đại dột, tôi thương anh đã khổ sở vì thân thể, mà sau này, khi chết đi, vẫn còn muốn ôm thật chặt thân thể của mình, khiêng nó đi khắp nơi như lúc mình còn sống.
Vào tháng 3 năm 1996 vừa qua, vợ chồng tôi cùng một số bạn hữu có đi viếng Bắc Kinh 10 ngày. Chúng tôi có viếng Cấm Thành trong mấy ngày liên tiếp và được xem cung điện của các triều đại Thiên Tử.
Như chúng ta được biết trong cung điện của các vua Tàu ngày xưa, có hàng trăm cung phi mỹ nữ. Nhưng có một điều ít người để ý là: không phải chỉ có những cung phi mỹ nữ bị đau khổ vì bị giam cầm trong cung cấm, có khi suốt đời không được gần gũi với Thiên Tử, mà còn có những Thái giám vô cùng khổ đau. Điều mà tôi được biết là một chuyện rất buồn cười và đau thương, nhưng khi kể ra, nếu có lời lẽ kém phần nhã nhặn, thì xin các bạn niệm tình thứ lỗi.
Ai cũng biết Thái giám là những người đàn ông bị thiến, để giao cho nhiệm vụ giữ gìn, dọn dẹp các cung điện nơi đó có hàng trăm cung phi mỹ nữ. Nhưng, ít người được biết, bộ phận "thiến đi" không bị vất bỏ, mà được cất giữ thật kỹ trong một cái hộp có niêm phong rất chu đáo, có ghi tên tuổi đàng hoàng của khổ chủ. Để làm gì? Xin thưa: Để khi khổ chủ chết, thì bộ phận bị thiến đi này, được chôn chung với khổ chủ.
            Thì ra, Thiên Tử, suốt đời si mê sắc dục, khi chết đi lại muốn được tôn thờ, cúng kiếng, nên có một chút thương tình, đối với những Thái giám đã cúc cung tận tụy phục vụ cho mình, bèn "trả lại César cái gì của César", để cho César, sau khi được đầu thai, có khả năng hưởng lạc thú ái dục và nhứt là không làm một người con phạm vào trọng tội "bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại".
Tôi thấy thương cho Thiên Tử, với quan niệm quái gở của mình, thương cho cung phi mỹ nữ bị giam cầm trong cung điện và thương cho những vị Thái giám, chỉ khi nhắm mắt mới hưởng được một chút ân huệ cuối cùng của vị Thiên Tử, vốn tham lam, ích kỷ và độc tài.
Vu Lan là mùa báo hiếu. Vậy, báo hiếu theo đạo Phật được quan niệm như thế nào?
Trước hết, lòng hiếu thảo phải được thể hiện bằng lòng thương kính và biết ơn chân thành ông bà, cha mẹ. Và lòng thương kính và biết ơn này phải được thực hiện trong lúc ông bà, cha mẹ còn sống, cũng như sau khi ông bà, cha mẹ qua đời (ở điểm này, Phật giáo và Nho giáo giống nhau).
Tuy nhiên, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ không phải chỉ được thể hiện trong việc chăm nom săn sóc cha mẹ và phụng dưỡng đầy đủ vật chất cho cha mẹ. Người con hiếu thảo còn phải tạo điều kiện thuận lợi để cho cha mẹ tu học, để cho cha mẹ có được đời sống an lạc, mà muốn tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ tu học, thì chính người con phải tinh tấn tu học, phải thật sự có an lạc khi tiếp xúc với cha mẹ.
Khi ông bà cha mẹ quá vãng, thì lòng hiếu thảo không bao giờ được thể hiện bằng hình thức cúng vái rườm rà. Người con hiếu thảo không khóc than, kể lể thảm thiết, mà trái lại, phải cố gắng giữ tâm thanh tịnh để nguyện cầu cho cha mẹ được siêu sanh Phật quốc.
Trong ngày cúng giỗ ông bà, cha mẹ, thì con cháu tề tựu lại, không nên mời nhiều bạn bè đến, chỉ nên cúng đơn giản với nhang đèn, hoa quả và thức ăn chay thanh đạm, tuyệt đối không có rượu, thịt.
Trong khi mình lạy Ông Bà Cha Mẹ thì mình thấy nơi mình có ông bà cha mẹ tâm linh và huyết thống, mình cảm nhận được sự trao truyền và tiếp nối từ  tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình và con cháu.
Trong khi lạy, mình không tìm cách đề cao ông bà cha mẹ, mà thương kính ông bà cha mẹ vì những đức tánh cao quí, đồng thời cũng thương kính ông bà cha mẹ với những khiếm khuyết của ông bà cha mẹ. Lễ lạy như vậy thì lòng mình được thanh tịnh, không khí gia đình trong ngày giỗ được bao trùm bởi tình thương, sự hiểu biết và niềm an lạc.
Người con Phật vẫn quan niệm cái "vô hậu" là cái bất hiếu lớn. Nhưng quan niệm về vô hậu của Phật giáo khác hẳn quan niệm vô hậu của Nho giáo.
Trước hết, người con Phật không phân biệt con trai hay con gái. Có con trai hay con gái đều là "hữu hậu" như nhau. Chẳng những không chấp nhận "nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô", mà chúng ta cũng không tán thành lời khuyên răng co tánh cách giới hạn người con gái trong công việc thêu thùa, canh cửi, trong bài thơ đã được đọc qua đọc lại qua nhiều thế hệ:
"Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha
Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa
Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dồi mài kinh sử để chờ kịp khoa
Mai sau nối được nghiệp nhà
Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân"
Đành rằng con trai có khả năng hơn con gái trong "vòng trời đất, dọc ngang ngang dọc" để "xẻ núi lấp sông, làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ", nhưng người con gái có khả năng mềm dịu, nhu hòa hơn, và phải được đứng ngang hàng với con trai, và được đối xử y như con trai.
Người con Phật quan niệm rằng: chẳng những chúng ta được liên kết chặt chẽ với tổ tiên, ông bà cha mẹ và con cháu, mà chúng ta còn hòa đồng với muôn loài và vạn vật. Trong sự liên kết chặt chẽ và sự hòa đồng này có sự trao truyền và tiếp nối những đức tánh cao quý, đồng thời với những tánh hư tật xấu. Người có hậu là người biết trao dồi những đức tánh cao quý được tiếp nhận để trao truyền lại cho con cháu những đức tánh này. Người có nhiều con mà bê tha rượu chè là người vô hậu. Người không có con, mà biết trao dồi đức hạnh, biết bảo vệ môi sinh là người có hậu.
Một nhà sư tiếp nhận giáo lý giải thoát của đức Phật, tu học thanh tịnh và trao truyền lại giáo lý này là một nhà sư có hậu. Làm sao nói được một nhà sư không có con, khi nhà sư có nhiều đệ tử biết tiếp nhận giáo lý giải thoát và trao truyền giá? lý này cho nhiều thế hệ. Nhưng chúng ta có thê?nói một nhà sư không có con - tức vô hậu - khi nhà sư này chỉ tiếp nhận giáo lý giải thoát của chư Phật, tiếp nhận sự cúng dường của bá tánh, mà không trao truyền giáo lý để giải thoát để đền ơn chư Phật và đền ơn bá tánh. Theo quan niệm Phật giáo, nhà sư này bất hiếu.
Ngoài ra, người con Phật phải luôn luôn nhớ rằng đạo hiếu theo lời dạy của đức Phật không phải chỉ giới hạn trong lòng thương kính và phụng thờ cha mẹ, mà đạo hiếu cần được thể hiện bằng sự đền đáp bốn ơn sâu nặng: ơn cha mẹ, ơn chúng sanh, ơn Tổ Quốc và ơn Tam Bảo. Bốn ơn sâu rộng này không thể nào đền đáp được, nếu không chịu tu học, không biết sống bằng tình thương và sự hiểu biết. Bốn ơn sâu rộng này chỉ có thể đền đáp được nếu ta xóa bỏ hận thù, dẹp đi mọi kỳ thị tôn giáo, chủng tộc.
Do đó, theo thiển ý thì không có sự báo hiếu nào cao đẹp bằng sự cúng dường lên đấng Từ Tôn lòng cởi mở, cảm thông và hòa đồng của người con Phật với tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, để từ sự cởi mở cảm thông này mà thấy lòng mình hòa đồng vào muôn loài vạn vật trong ánh đạo vàng của đấng Từ Tôn.
Như chúng ta được biết Vu Lan là mùa báo hiếu, nhưng Vu Lan còn có nghĩa là "cứu nạn treo ngược". Vậy làm thế nào để cứu nạn treo ngược, để được giải thoát, để sống tự do.
Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1950, trong thời chiến tranh chống Pháp, tôi có đọc một bài thơ Đường luật, ca ngợi tự do, được đăng trong một tờ báo Việt ngữ. Đã 46 năm trôi qua, tôi vẫn còn thuộc lòng bài thơ đó, vì chí nguyện của tuổi thanh xuân là chống lại áp bức, là tranh thủ tự do. Nguyên văn bài thơ như sau:
Tự Do
Sung sướng chi bằng cái tự do
Loài người đến thế khỏi âu lo
Chẳng ai cản trở lời ăn nói
Mặc sức toan lường sự ấm no
Cất cánh tung mây, hồng vạn dặm
Trương vi lướt sóng, cá năm hồ
Song le há phải ngồi không hưởng
Phấn đấu bền lòng mới được cho.
Vẫn biết sự tranh đấu để đạt được tự do cho mình và cho người khác là một điều rất cần thiết, nhưng, với tuổi đời chồng chất, qua bao nhiêu biến đổi thăng trầm, tôi thấy được rằng, nếu chỉ quan niệm tự do bằng sự tranh đấu, để tranh giành cho kỳ được, thì tự do sẽ bị lạm dụng, và dễ biến thành tự do của kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu, tự do của một quốc gia mạnh đàn  áp một quốc gia yếu. Và, người mạnh, hay quốc gia mạnh, ngỡ rằng mình chiếm đoạt được tự do, nhưng thật sự bị trói buộc bởi phiền não vì hành động bất chánh, phục vụ cho cái ngã của mình.
Lạm dụng tự do, dựa vào quyền thế, thì không phải chỉ có quốc gia này áp đảo quốc gia khác, cá nhân nọ bóc lột cá nhân kia, mà ngay trong nội bộ quốc gia, nhà cầm quyền chuyên chế cũng thẳng tay đàn áp nhân dân; ngược lại, ngay trong nội bộ quốc gia, mà công dân lạm dụng tự do dân chủ, cũng làm điên đảo chánh quyền. Sự kiện "nhân dân làm chủ" này được thấy rõ trong các nước Âu Mỹ và đặc biệt là nước Pháp.
Riêng ở Tasmania (thuộc Úc châu) vào tháng 4 năm 1996 vừa qua, đã xảy ra vụ thảm sát mà thủ phạm là Martin Bryant đã vô cớ sử dụng súng bán tự động, bắn bừa bãi vào dân chúng và giết chết 35 người. Sau vụ thảm sát làm chấn động dư luận thế giới này, chánh quyền Úc đã quyết định thu hồi, với bất cứ giá nào, bằng cách mua lại - chứ không phải tịch thu - các loại súng tự động và bán tự động. Nhưng nghiệp đoàn người sử dụng và sở hữu chủ các loại súng tự động và bán tự động, nhứt định bảo vệ tự do của mình, nên đã xuống đường phản kháng mãnh liệt (và phản kháng với cử chỉ và lời lẽ vô cùng khiếm nhã), khiến cho chánh quền phải điên đầu và riêng Thủ tướng Úc, John Howard, phải mặc áo giáp để ra điều trần trước công chúng.
Theo nhận xét của chúng tôi, thì việc Martin Bryant đơn phương dùng súng bán tự động để bắn bừa bãi và gây thiệt mạng 35 người không đáng ghê sợ bằng việc tập thể người có súng đồng thanh xuống đường, lạm dụng tự do dân chủ để phản kháng mãnh liệt, để đòi duy trì tự do sử dụng các loại súng bán tự động.
Người con Phật tích cực tranh đấu cho tự do, nhưng quan niệm rằng cuộc tranh đấu trường kỳ cam go này không được nung nấu bằng hận thù, mà trái lại được hướng dẫn và thực hiện bằng tình thương và sự hiểu biết. Chỉ có tình thương và sự hiểu biết, do tiếp xúc và cảm thông mới có thể giải thoát cho mình và cho chúng sanh, khỏi sự trói buộc của phiền não gây nên bởi si tham sân hận. Tự do, theo quan niệm nhà Phật, là thương yêu và hiểu biết, là an nhiên tự tại, là Niết Bàn tịch tịnh. Vì quan niệm tự do như vậy, cho nên đối với chế độ bất công, tàn ác, dựa vào tiền tài, quyền thế, chính trị, bạo lực và bom đạn, để đàn áp tôn giáo, để khống chế nhân dân, Phật giáo vẫn giữ truyền thống cố hữu là tranh đấu mãnh liệt và kiên trì, bằng từ bi và trí tuệ.
Chùa chiền đã bị đấp phá, hủy diệt, tăng sĩ bị đàn áp, sát hại, nhưng tinh thần bất khuất và an nhiên tự tại để chuyển hóa nhân tâm, nhứt định sẽ sống mãi trong lòng người con Phật. Điển hình là Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã bình thản an nhiên khi tự thiêu. Ngài đã nhập định và dùng ngọn lửa từ bi thiêu đốt nhục thân để cảm hóa kẻ độc tài, đồng thời nêu gương sáng cho người con Phật. Người con Phật thấy rõ hơn ai hết, cái gông cùm xiềng xích trói buộc con người không phải là những vua chúa độc tai? áp bức, ngồi chễm chệ trên ngai vàng, mà cái gông cùm xiềng xích trói buộc con người chính là phiền não do si tham sân hận gây ra. Chỉ có từ bi và trí tuệ mới có thể chặt đứt những gông cùm xiềng xích này.
Kẻ thù của chúng ta không phải là con người, không phải là muôn loài vạn vật. Con người và muôn loài vạn vật là bạn đồng hành. Kẻ thù của chúng sinh ngự trị trong lòng chúng sinh, là ngã mạn, là hận thù, là ích kỷ, là tham lam.
Kẻ thù chỉ khuất phục nếu ta tranh đấu trong tư thế an nhiên tự tại, nếu ta biết dùng gươm trí tuệ.
Trong mùa Vu Lan, khi nói đến lòng hiếu thảo thì người con Phật nghĩ ngay đến Ngài đại hiếu Mục Kiền Liên, để rồi thương kính Ngài và thương kíng Ông Bà Cha Mẹ. Người con Phật khi nói đến tấm gương hiếu thảo của Ngài Trưởng Lão Xá Lợi Phất, thì ta sẽ thấy rõ lòng hiếu thảo của Ngài để thể hiện từ bi hỷ xả, an nhiên tự tại.
Ngài Xá Lợi Phất có ba người anh trai và ba chị em gái. Cả bảy anh chị em đều xuất gia và là đệ tử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Cả bảy anh chị em đều đắc quả giải thoát A La Hán. Nhưng bà mẹ của Ngài Xá Lợi Phất vì trung thành với đạo Bà La Môn, nên chẳng những không có thiện cảm với Phật giáo, mà trái lại còn thù ghét Phật giáo.
Có lần, nhơn tiện đi qua làng Nalaka, trong lúc khất thực cùng tăng chúng, Ngài Xá Lợi Phất ghé thăm mẹ.
Người mẹ, vì thương Ngài quá, nên giận Ngài lắm. Bà giận lắm vì con bà không chịu ở nhà hưởng sự giàu sang, mà lại đi làm một thầy tu, để phải đi khất thực rày đây mai đó. Thương nhiều, giận lắm, bà không giữ được bình tĩnh, nên khi bố thí thức ăn cho con, bà đã nói những lời rất khiếm nhã. Cơn giận bà không nguôi, bà quơ đũa cả nắm, cho nên khi bố thí cho các vị tăng cùng đi khất thực với Ngài Xá Lợi Phất, bà kết án nặng nề các vị này: "...theo cái nhóm bắt thằng con trai của tôi đi làm tôi mọi..."
Bị người mẹ thân thương sỉ nhục trước Tăng chúng và chứng kiến việc mẹ mình sỉ nhục Tăng đoàn, Ngài Xá Lợi Phất chẳng nói một lời nào. Ngài an nhiên tự tại, nhận thức ăn trong im lặng, ăn uống trong im lặng và trở về trong im lặng.
Ngài La Hầu La (con của Đức Phật) vì trong lúc khất thực cũng bị làm nhục, nên đem câu chuyện này thuật lại cho đức Phật nghe. Đức Phật đã khen ngợi Trưởng giả Xá Lợi Phất giữa Tăng chúng. Trong lời khen ngợi có câu: "Kẻ đã từ bỏ được sự nóng giận là người có thể làm tròn bổn phận của mình một cách chánh đáng..."
Thật đúng như lời khen của Đức Phật, chính nhờ từ bỏ được sự nóng giận mà Ngài Xá Lợi Phất đã độ được mẹ của Ngài, trước khi Ngài nhập diệt. Tâm an nhiên tự tại của người con hiếu thảo đã chuyển hóa được lòng nóng giận căm hờn của người mẹ đáng thương.
Khi quán sát cái giận của mẹ Ngài Xá Lợi Phất thì ta thấy rõ đây là cái giận thường tình, vì thương mà giận. Thương mà giận vì thương mà không hiểu. Thương mà không hiểu thì không phải là thương. Mà không phải là thương thì phải giận. Khi mới nhìn qua nghĩa cử báo hiếu cao đẹp của Ngài Xá Lợi Phất, thì ta nghĩ rằng Ngài đã hết sức nhẫn nhục, vì người mẹ yêu kính đã sỉ vã Ngài trước Tăng chúng, và đã sỉ vã Tăng chúng trước mặt Ngài. Nhưng nếu ta nhìn sâu vào nghĩa cử cao đẹp này, thì ta sẽ thấy rõ Ngài đã an nhiên tự tại thì làm gì có nhẫn nhục nữa. Nhưng thật sự Ngài đã nhẫn nhục, mà không thấy nhẫn nhục, nên cái nhẫn nhục của Ngài viên mãn. Cái nhẫn nhục này là trí tuệ, là từ bi hỷ xả, là an nhiên tự tại.
Đức Phật có dạy rằng: Chiến thắng muôn quân không bằng tự chiến thắng. Tự chiến thắng mình mới là cái chiến công oanh liệt nhứt.
Ngài Xá Lợi Phất đã đạt được cái chiến công oanh liệt nhứt: Ngài sống an nhiên tự tại và thật sự giúp hữu hiệu cho chúng sanh sống an nhiên tự tại.
Nhơn mùa Vu Lan, Phật lịch 2540, chúnh tôi tự kiểm điểm lại mình và thấy mình vẫn còn nóng giận, nhứt là nóng giận với người thân thương. Khi quán chiếu nghĩa cử cao đẹp của Ngài Xá Lợi Phất, tôi thấy hình bóng của một Tăng sĩ trầm lặng an nhiên trước lời sỉ vã, tôi nghe văng vẳng lời chua cay của bà mẹ giận hờn.
Thì ra, hằng ngày nơi mình vẫn có bà mẹ giận mất khôn, trách mắng bừa bãi rồi tự bào chữa vì thương mà giận, nhưng thỉnh thoảng, trong một vài phút chánh niệm, nơi mình cũng có cái tâm an nhiên của Tôn giả đại trí Xá Lợi Phất, khi lắng nghe mà không phê phán.
Ngài Xá Lợi Phất và mẹ của Ngài, cũng như tất cả chúng sanh, đều trải qua không biết bao nhiêu kiếp lỗi lầm. Nhưng giữa Ngài Xá Lợi Phất và mẹ Ngài có điểm khác biệt: Ngài đã dừng lại từ  lâu lắm rồi, còn mẹ Ngài, tuy cũng có khả năng dừng lại, nhưng mới vừa dừng lại, sau khi nghe Ngài giảng pháp trước khi Ngài nhập diệt.
Tôi không có khả năng nghe bài pháp mầu nhiệm mà Ngài Xá Lợi Phất, trước khi nhập diệt, đã giảng cho mẹ Ngài nghe, nhưng tôi đang lắng nghe và lắng nhìn một bài pháp mầu nhiệm. Bài pháp mầu nhiệm này là cảnh tượng trong đó mẹ Ngài Xá Lợi Phất sỉ vã Ngài thậm tệ trước Tăng chúng và sỉ vã Tăng chúng thậm tệ trước mặt Ngài, trong lúc Ngài thản nhiên, không nói một lời nào, nhận thức ăn trong im lặng và trở về trong im lặng.
Tôi mỉm cười sung sướng, thấy mình và tất cả chúng sanh đều có khả năng dừng lại. Tôi gọi thầm:  "Angulimala, hãy dừng lại".
--o0o--