Thư Viện Chùa Dược Sư
CÁC BÀI VIẾT VỀ VU LAN
RẰM THÁNG BẢY
& CHIÊU HỔN THẬP LOẠI CHÚNG SANH
Nhà Thơ Tường Linh
---o0o---
 
"Chiêu hồn Thập loại chúng sinh" (CHTLCS) là một trong số những kiệt tác của Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều. Mỗi năm, cứ vào dịp Rằm tháng Bảy âm lịch, nhiều người Việt Nam chúng ta lại nhớ đến bài thơ đầy tính nhân văn này, mặc dù không thấy ai sử dụng nó trong việc cúng tế cô hồn.
Theo quan niệm từ xưa của dân tộc ta thì người chết có hai dạng : chết bình thường và chết không bình thường. Chết bình thường là chết vì tuổi già, vì bệnh. Chết không bình thường là chết do các loại tai nạn, gươm giáo, tên đạn gây ra ; dạng chết thứ hai gọi là "bất đắc kỳ tử". Cũng theo quan niệm xưa những người chết "bất đắc kỳ tử" phải trở thành cô hồn là khi chết không được chôn cất hoặc chôn cất nhưng không có thân nhân biết và bảo quản mộ phần, không người thờ cúng. Số linh hồn này xuống âm phủ thì bị giữ lại chốn địa ngục, không đượ? xét cho đầu thai, cùng chịu chung cảnh giam cầm tội nghiệp.
Cô hồn cũng là những linh hồn nhưng bị cô độc, không người thờ phụng. Mỗi năm, theo quan niệm xưa, có một ngày là ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, tất cả cô hồn bị giam cầm đều được thả khỏi các cửa ở địa ngục để hưởng tự do trong một ngày một đêm ; ngày ấy có tên là "Xá tội vong nhân". Với lòng nhân ái vốn là bản sắc dân tộc, người còn sống trên trần thế nhân ngày này sắm sửa tế phẩm để tưởng niệm chung như một ngày giỗ hội những linh hồn đau khổ, không được thờ phụng, không cõi đi, về.
Từ xưa, đạo Phật gọi ngày Rằm tháng Bảy là lễ "Trung Nguyên", "Vu Lan Bồn" (phiên âm từ  tiếng Phạn "Ullambhana" : giải thoát).
Cúng cô hồn, theo tục lệ xưa là do từ ý nghĩa ấy và chỉ diễn ra trong một ngày một đêm Rằm tháng Bảy. Tất cả cũng chỉ là việc làm tượng trưng, biểu hiện đạo lý của dân tộc ta về tình đồng bào đồng loại, "thương người như thể thương thân", "sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn" ... Kỳ dư, nào ai biết chính xác "cõi âm" như thế nào đâu ?
Tố Như tiền bối trước tác phẩm CHTLCS cũng dựa trên quan niệm và tín ngưỡng nhân gian ấy, tất nhiên là ảnh hưởng sâu tinh thần Vu Lan của Phật giáo, nhưng chủ yếu là nhằm miêu tả một phần về số phận con người đã chịu mọi bất hạnh dưới thời phong kiến (bị áp bức, khổ đau, nghèo đói, loạn lạc, nhiễu nhương) mà chết. Bài thơ là một tác phẩm văn chương của một thời đại trong kho tàng văn hóa dân tộc chứ không phải một bài để cúng.
Trước nay, không ít người gọi bài chiêu hồn này là "Văn tế thập loại chúng sinh". Gọi như vậy là không đúng, vì văn tế chỉ để tế ngay người vừa mới từ trần, thông thường là chưa mai táng. Lẽ khác, một thi hào kiệt xuất như Nguyễn Du, quá thành thạo về mọi thể văn cử nghiệp, nếu muốn làm bài văn tế cô hồn chắc chắn tác giả đã sử dụng thể văn tế đúng công thức Đường phú với ngũ đoạn mạch, toàn bài toàn những câu thể đối như song quan, cách cú, hạt tất... Văn tế có giá trị kỷ thuật cao nhưng khó phổ biến sâu rộng trong quần chúng. Bài CHTLCS lại chỉ là bài thơ song thất lục bát dạng trường, dễ hiểu, dễ thuộc, dễ sử?ụng đối vớ? mọi tầng lớp người trong xã hội. Chọn thể thơ này hẳn là dụng ý của tác giả. Bài thơ không nhằm tế ngay ngườ? vừa từ trần như văn tế, ma chiêu (vẫy mời lại) nhiều hồn đã trở?hành cô hồn, không phân biệt cũ, mới, địa vị xã hội lúc sinh thời và cách chết.
Hương lửa đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lửa bấy niên
Còn chi ai khá, ai hèn
Còn chi mà nói kẻ hiền, người ngu!
Bài CHTLCS gồm 184 câu thơ song thất lục bát. Tác giả gọi "Thập loại" là chỉ về số nhiều chứ không phải chẳn mười loài; và "chúng sinh" trong bài không gồm cả thực, động vật mà chỉ nói về con người. Chủ thể của tác phẩm là 27 cách "bất đắc kỳ tử" của nhiều người thuộc nhiều thành phần trong xã hội phong kiến ở thời đại tác giả. Từ câu 21 đến câu 136, tác giả đã "chiêu" các "hồn" : tranh bá đồ vương bị thua mà chết, phu nhân quyền quý của các vua chúa, công hầu gặp phen "thay đổi sơn hà" phải tự vẫn, kẻ làm chính trị thất nhân tâm bị giết, những tướng soái "dải thây trăm họ làm công một người" cuối cùng bị chết thảm, những kẻ ham làm giàu đến "nhịn ngủ quên ăn", người bỏ quê nhà đến chốn kinh đô, thành thị mong cầu chữ "Quý", kẻ làm ăn dọc ngang sông biển, người đi buôn bán đường xa, những quân sĩ chềt trận vô danh, gái lỡ làng buôn nguyệt bán hoa, người hành khất, kẻ mất vong tù tội, kẻ sơ sinh tử vong, những ngườ? bị thuyền chìm, lũ cuốn, té cây, nhảy giếng, thắt cổ tự tử, chết vì hỏa hoạn, vì ác thú, cá dữ, hữu sinh vô dưỡng, hoại thai...
Chữ "Tâm" của tác giả dàn trải khắp tác phẩm, nhưng dành nhiều nhất cho các phần "chiêu" nói trên. Những tiểu kết cho những phân đoạn ấy thật tài tình, gây được sự truyền cảm mạnh cho người đọc, người nghe. Với bất cứ loại cô hồn nào, Nguyễn Du cũng dành cho một niềm thương xót. Chẳng hạn, với cô hồn chết sông chết biển : Gặp cơn giông tố giữa dòng
Đem thân chôn giấp vào lòng kinh nghê !
với quân sĩ chết trận vô danh :
Lập lòe ngọn lửa ma trơi
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương !
với hồn những gái lỡ làng :
Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu ?!
hoặc với hồn những người hành khất
Thương thay cũng một kiếp người
 Sống nhờ hành sứ, chết vùi đường quan !
Hồn nào cũng được tác giả thương, kể cả với kẻ lúc còn sống đã gây nên cảnh "thịt nát máu rơi" cho bao người khác. Tác giả đã sử dụng theo đức khoan dung, giải chứ không nên kết, "bất niệm cựu ác" của người xưa dành cho kẻ đã khuất : Ngàn cây nội cỏ rầu rầu
Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường !
Đến bây giờ vẫn chưa có văn liệu nào cho biết Nguyễn Du đã viết CHTLCS vào khoảng năm nào, trước, sau hay cùng thời hạn với Truyện Kiều ? Tương truyền rằng lúc bấy giờ (?), khắp vùng rộng lớn nơi Nguyễn Du ở có xảy ra một trận dịch khủng khiếp (đại loại như đậu mùa, thổ tả, dịch hạch) làm chết rất nhiều người. Nguyễn Du đi dự các lễ cầu siêu cho những người đã chết vì nạn dịch nhưng không nghe có bài chiêu hồn nào, bèn nảy ra ý định phải viết một bài. Thời gian này vào dịp "Tiết tháng Bảy, mưa dầm sụt sùi" có ngày "Xá tội vong nhân", tiền bối bèn viết luôn bài chiêu hồn cho "Thập loại chúng sinh". Mở đầu bài là cảnh sơ Thu ảm đạm, thê lương: Tiết tháng Bảy, mưa dầm sụt sùi
Toát hơi mây, lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều Thu
Hoa lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng
***
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm!
Lâu nay, bài CHTLCS có được in lại : việc làm này rất tốt để giữ cho những viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa dân tộc không bị may một hay thất truyền. Có điều là những bản in lại ấy đã được hiệu chính, hiệu đính. Đến nay bản chính của CHTLCS vẫn chưa tìm thấy, những bản in lại vẫn dựa vào các lần in trước, mà các bản in trước cũng không được in theo bản thảo gốc. Đã không có bản chính thì lấy cơ sở nào để sửa lại cho đúng (hiệu chính) hoặc đính chính cho khỏi sai với nguyên tác (hiệu đính) ?
Dù sao điều đáng mừng và trân trọng là nhờ một số vị đã có công đứng ra qua việc in lại CHTLCS qua từng thời kỳđể tác phẩm giá trị này được lưu hành mãi mãi.
--o0o--