Thư Viện Chùa Dược Sư
CÁC BÀI VIẾT VỀ VU LAN
THƠ MẸ TÔI &
ĐỨA CON THƠ BẠC ĐẦU
Phan Hạnh
---o0o---
 
Không biết tại sao mỗi lần nghĩ đến mẹ, tôi cảm thấy mình nhỏ bé trở lại.  Đối với mẹ, bao giờ tôi cũng chỉ là một thằng bé khờ khạo, nhút nhát, bẽn lẽn và ốm yếu.  Vậy mà trên thực tế, tôi đã là một gã trung niên sồn sồn trên đầu hai thứ tóc với hai phần tiêu muối bằng nhau. 
Đối với tôi, mẹ là một hình ảnh cao cả, bao dung, vị tha, nhân đức.  Nhưng ngay cả vợ tôi cũng phải công nhận điều nầy, đánh đổ thành kiến mẹ chồng nàng dâu không ưa nhau, hay nói xấu nhau.  Mẹ tôi là một người luôn luôn nhẫn nhục chịu đựng sống đời bình thường một cách vui vẻ hồn nhiên.  Ai đó nói câu Nul n?est content de so sort là chưa đúng một trăm phần trăm rồi, vì mẹ tôi là người bằng lòng với số phận của mình.  Đối với tôi, chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ để cho bà trở thành một người phi thường đáng kính phục vì tôi nhất định không thể sống như thế rồi.  Ở vào trường hợp của mẹ tôi, tôi sẽ gây gắt, cằn nhằn hoặc nếu đỡ hơn, sẽ dằn nén bất mãn trong lòng chỉ lộ ra nét mặt nhăn nhó như khỉ ăn gừng, như Tây Thi táo bón.  Đố ai biết được một Tây Thi táo bón trông ra sao? 
Năm mười tám tuổi, mẹ tôi đi lấy chồng xa mười cây số.  Tôi nói xa theo nghĩa tương đối thôi vì cha tôi là người khác làng, nơi đó hoàn toàn xa lạ đối với mẹ tôi.  Thật tội nghiệp cho bà, hai làng cách nhau chỉ một con kinh đào Chợ-Gạo mà bà về nhà chồng như thể đi xứ khác.   Tôi tưởng hình ảnh mẹ lúc bấy giờ là một thôn nữ khỏe mạnh đảm đang vì quen với công việc nội trợ từ nhỏ.  Mẹ tôi, người thôn nữ ấy từ giã xóm làng thân yêu và cha mẹ ruột để về nhà chồng, một gia đình tám anh em mà cha tôi là anh cả.  Anh cả của một đàng bảy đứa em gái.  Trong cùng một năm, mẹ chồng và nàng dâu đều có thai một lượt: Mẹ tôi sanh ra tôi; bà nội tôi thì sanh ra chú mười.  Tội nghiệp cho chú út chưa kịp thôi nôi thì mất mẹ.  Bà nội tôi và ba người cô tôi bị giặc Pháp hành quân bố ráp qua làng bắn chết; ông nội tôi thì bị tra tấn dã man, nhà cửa và tài sản của ông đều bị thiêu đốt cháy rụi.  Mẹ tôi vừa phải nuôi đứa con trai đầu lòng, vừa phải cho đứa em chồng bú móm.  Cạnh đống tro tàn nơi nền nhà cũ, cha tôi xây dựng lại một mái chòi tranh vách đất.  Gánh nặng bắt đầu đặt lên vai đôi vợ chồng trẻ phải nuôi dưỡng một người cha mất trí, một đàn em không mẹ bơ vơ và một đứa con khờ là tôi.  Vậy mà mầm sống vẫn vươn lên dưới mái tranh nghèo do sự tảo tần vén khéo của mẹ.   Trong mấy năm sau, tôi có thêm hai đứa em nữa.  Tôi đã đến tuổi biết suy nghĩ.  Tôi bắt đầu ghi nhận vào trí óc non nớt của mình những kỷ niệm của tuổi thơ. 
Kỷ  niệm đầu tiên về mẹ còn ghi lại trong ký ức là mỗi chiều mẹ dắt chúng tôi ra vườn sau giặt giũ quần áo nơi mé mương rộng.  Nơi đó tôi học bơi lội lần đầu mà thầy dạy là mẹ chứ không ai khác.  Mẹ ngồi đầu ván nắm chặt tay tôi,  thòng người tôi xuống mương đang nước lớn.  Tôi chòi đạp lung tung một cách thích thú.   Dần dần mẹ tôi cột dây lạt bằng bẹ lá chuối khô ngay hông tôi rồi giữ một đầu dây để tôi rảnh rang đủ tứ chi mà bơi chó. 
Mẹ chiên bánh còng, bánh rế rồi mỗi sáng mang ra chợ bán.  Cô tôi thì có người đã đi lấy chồng, có người vẫn còn ở chung và phụ buôn bán với mẹ. Hôm nào mẹ cho phép tôi theo ra chợ chơi thì thật là vui biết mấy.  Mẹ mua cháo lòng dồi heo cho anh em chúng tôi ăn sáng, bánh bò bánh da lợn để ăn lai rai đến trưa tan chợ.  Có hôm cô tôi xin phép mẹ cho chúng tôi ở nán lại chợ chơi vì nhà lồng chợ buổi trưa vẫn mát, không như mái chòi tranh nóng bức.  Tan chợ xong, nhà lồng chợ được quét dọn sạch sẽ, các thớt thịt được rửa sạch nằm mát như bộ ván. 
Hai đứa em tôi đùa chơi một lúc thấm mệt được cô tôi bồng đặt lên thớt thịt ngủ khò trong cơn gió mát hiu hiu, miệng vẫn còn ngậm miếng bánh bò.  Cô tôi mê nhảy cò cò với mấy đứa bạn, còn tôi và chú út tôi thấy xe cam nhông chở lính Tây dừng lại trước chợ thì chạy ra ngó.   Xe hơi bao giờ cũng là điều kỳ thú đối với trẻ con.   Thấy hai đứa bé xinh xẻo, bọn lính Tây lấy biscuits thảy xuống cho.  Về nhà ngày hôm ấy tôi hí hửng khoe mẹ bánh ngon của lính Tây cho, không ngờ làm cho cha tôi rầy la mẹ tôi và cô tôi, còn cấm chúng tôi không được ra chợ.  Mẹ không rầy tôi một tiếng, còn bảo tôi mang bánh ra sau hè ăn đi. 
Một hôm đang trong bữa ăn chiều, cha tôi bị lính quận ập vào  nhà chỉa súng trường vô lưng trần bắt quỳ gối lên để thẩm vấn vì tình nghi hoạt động cho Việt Minh.   Mấy mẹ con cũng bỏ đũa đứng lên nép vào cột mà sợ hãi. Tôi nhìn những họng súng đen ngòm và nhìn những người lính vừa Tây vừa Việt.  Tôi tự hỏi phải chăng chính những người lính nầy đã cho tôi bánh hôm nọ, và tại sao họ lại có thể vừa hiền vừa ác. Cha tôi bị họ bắt dẫn đi, không được phép mặc vào chiếc áo sơ mi mà mẹ tôi vừa vội lấy ra. Mẹ nắm tay chúng tôi, mếu máo nhìn theo tấm lưng trần của chồng với hai cánh tay bị trói thúc ké sau lưng.  Vài tuần lễ sau, một toán tù có lính bồng súng theo canh giữ đi lao động ngang nhà. Tôi đang thẩn thờ chơi đùa với chú tôi ở sân thì chợt nhận ra một trong số mấy người tù thiểu não kia chính là cha tôi vì người vừa đi vừa quay mặt nhìn chăm chăm về phía tôi. Tôi vụt chạy vào gọi mẹ ra. Bà bỏ dở công việc đang làm, phóng ra cửa để rồi chỉ có thể gửi gấm sự thương yêu trìu mến của bà qua ánh mắt thiết tha. 
Một thời gian sau, cha tôi được phóng thích nhờ có sự can thiệp của vị tuyên úy người Pháp đến thăm quận sau khi vị này đả hỏi chuyện oan ức của cha tôi.  
Để tránh khỏi tình trạng một cổ hai tròng, cha tôi sau đó đã rời quê lên Sàigòn lập nghiệp.   Mẹ tôi giao nhà cửa và công việc làm ăn lại cho các cô tôi quán xuyến và dắt anh em chúng tôi về quê ngoại ăn nhờ ở đậu? 
Về quê ngoại, mẹ con chúng tôi có cuộc sống thoải mái hơn, vì ông bà ngoại tương đối khá giả, vườn ruộng có rất nhiều cây ăn trái.  Mẹ khỏi phải buông tảo bán tần nữa, chỉ phụ giúp cha mẹ chăm lo việc nhà.  Tôi được bà ngoại dẫn đi học, mỗi tối mẹ cầm tay tôi tập đồ các mẫu tự bên ngọn đèn dầu, mẹ kiên nhẫn kèm cho tôi học.  Sau hai năm đi học với chiếc cặp đệm và bình mực mồng tơi, tôi đã? biết viết!  Thế rồi vào một buổi tối, mẹ thắp đèn đặt trên nắp rương cạnh giường ngủ rồi gà cho tôi viết bức thư đầu tiên gửi cho cha tôi ở Sàigòn.  Viết xong thư, tôi leo lên giường ngủ, nhưng không phải nằm bên cạnh mẹ mà là nằm dưới chân mẹ vì hai đứa em nhỏ của tôi cần sự chăm sóc của mẹ hơn.  Vậy mà tôi vẫn cho đó là điều hạnh phúc nhất của đứa bé tám tuổi khi mỗi đêm còn được áp má mình vào bàn chân của mẹ mà ngủ thật ngon. 
Thời gian êm đềm trôi, cha tôi thường về thăm vợ con đôi ngày rồi lại đi ngay vì tình hình an ninh vùng quê lúc bấy giờ không cho phép.  Rồi vào một dịp hè, cha tôi nhờ một người quen rước tôi lên thủ đô để cha tôi gặp gỡ một vài tuần lễ. Chuyến đi Sàigòn lần đầu tiên của tôi không phải bằng xe đò mà bằng hàng chở dừa nạo. Tôi được đặt ngồi lom khom trên đống dừa, đầu vừa đụng mui chiếc xe hàng. Cha ra bến xe đón tôi đưa về nhà trọ, đưa tôi đi ăn nhiều món ngon vật lạ, đi xem cải lương và chiếu bóng, đi xe lửa điện Sàigòn-Chợ Lớn trên đại lộ Gallini tức đại lộ Trần-Hưng-Đạo. Bây giờ có nhiều khi thấy street car chây trên Queen ở Toronto, tôi chợt nhớ kỷ niệm ngày xưa đó. 
Sau chuyến du lịch Hòn Ngọc Viễn-Đông và trở về làng quê, thằng khờ tôi phán một câu xanh dờn khiến cho mẹ phải khóc sụt sùi: Ở với ba ngày nào con cũng được ăn xá xíu thịt quay sướng lắm; còn ở với bà ngoại ăn cá kho hoài!  Nơi phần đầu bài, tôi đã nói tôi là một thằng bé khờ khạo rồi mà; nếu không khờ khạo sao lại phát ngôn bừa bãi như vậy làm cho ngoại và cho mẹ phải mủi lòng tủi thân.   Mẹ thì thút thít, ngoại thì thở ra lắc đầu chán nản cho cái thằng cháu ngoại ngu quá!  Công lao cực khổ nuôi nó bấy lâu, dắt nó đi học những ngày đầu tiên nó đến trường; bây giờ nó ỷ được ở xứ Sề-goòng mươi bữa đã ngon mở miệng chê bai, thiệt là đồ bất hiếu! Ngoại không hề nói ra những câu ấy, nhưng bây giờ nghĩ lại, lúc ấy tôi đáng bị mắng như vậy lắm.   Một lý do đáng bị mắng là nữa là ba cái thịt xá xíu thịt quay đó chưa chắc đã ngon bằng cá kho vừa lành vừa bổ hơn là xá xíu thịt quay vốn có nhiều chất cholesterol. 
Công lao của mẹ và của ngoại nuôi nấng tôi thật ví như trời biển, dấu tích bằng chứng còn rành rành trên cơ thể tôi đây.  Thứ nhứt là hai cái đầu gối đầy thẹo.  Thằng nhỏ đi học chân đất đạp gai mắc cỡ, đạp miểng sành, trợt đường mương v.v té đều chi, té mệt nghỉ, báo hại hai cái đầu gối không bao giờ kịp khô mài ghẻ, chẳng khác nào hai cái mặt có vẽ mắt, vẽ mũi, vẽ miệng đầy đủ.  Hèn chi mà người ta mới có thành ngữ: Nói chuyện với đầu gối.   Những lần xức thuốc đỏ, thuốc dán là ngoại, là mẹ xức chớ ai trồng khoai đất nầy.  Nhức đầu trúng gió cũng ngoại và mẹ nấu cháo trắng với đường phèn cho ăn, bắt gió màng tang.  
Dấu tích thứ nhì là cánh tay mặt cán dá của tôi.  Cũng tại lần đó khỉ khọt thằng nhỏ chơi trò đánh kiếm leo lên đóng củi dừa mất đà té chúi nhủi chống tay xuống đất nên bị trật gân lại cũng ngoại đón xe ngựa chạy lên ông Bang trên tỉnh Mỹ-Tho sửa gân, băng bó cho.  Mỗi lần đi như vậy là ngoại đãi cho ăn hủ tiếu đặc biệt Mỹ-Tho tiệm Phánh-Ký ở dốc cầu quây, ngon hết xẩy! 
Dấu tích thứ ba là cái đầu móp.   Đi học lội bộ về nhà mỗi ngày là yên thân rồi không chịu, một hôm tôi bắt chước chúng bạn lén đeo miếng bửng sau xe ngựa.   Chẳng dè xe tới nhà rồi mà ngựa cứ phi đường xa, cứ chạy ào ào như ngựa, vì có hành khách nào xuống cái khoảng đó đâu mà bảo ngừng!  Xe chạy càng lúc càng xa nhà thêm, xa hơn khoảng cách từ trường về đến nhà khiến thằng nhỏ quýnh quá phóng đại xuống đường bị đập ót xuống lộ đá xanh tráng nhựa một cái bốp móp sọ!  Chắc tại vậy mà tôi hay nhức đầu và khờ khạo suốt đời, sinh ra học hành dở dang, cuộc đời chẳng lấy gì làm tươi sáng.  Tôi không bao giờ dám kể lại chuyện động trời đó lại với ngoại và mẹ, đành ngậm đắng nuốt cay niềm đau thế kỷ bởi cái tính nhút nhát, bẽn lẽn như con gái nhà quê.  Sau cái tai nạn tự biên tự diễn đó thằng bé trở nên ốm yếu thêm, cứ nay bệnh mai đau,  thuốc bắt uống hà rầm, tốn công hao của ngoại và mẹ chớ ai vô đây. 
Vậy mà tôi dám làm cho mẹ phải phiền lòng, thật đáng tội.  Tuy nhiên, ba cái vụ lẻ tẻ đó cũng chưa phải là điều khiến tôi ân hận nhất.  Điều khiến tôi ân hận nhất chính là cái chết của Bích Ngọc, đứa em gái tôi, mặc dù mẹ tôi không bao giờ đổ lỗi cho tôi. 
Năm đó tôi chính tuổi, Tuấn Kiệt sáu tuổi và Bích Ngọc bốn tuổi.  Buổi chiều hôm ấy nơi đám ruộng cạnh lộ có một cuộc đá banh, tôi dắt Tuấn Kiệt đi xem, Bích Ngọc lẫn quẩn bên mẹ nơi nhà bếp.  Chỉ trong mấy phút mẹ bận rộn với củi lửa, Bích Ngọc đã dò dẫm ra sàn nước vọc mương và trợt chân rơi xuống nước.  Mương không sâu, nước chỉ ngập tới đùi người lớn.  Nhưng chiều sâu đó cũng đủ giết hại một đứa bé ngây thơ bốn tuổi đi  chưa vững.   Khi mẹ nhận ra sự vắng mặt của Bích Ngọc và đi tìm thì muộn.   Mặt úp dưới nước mương, Bích Ngọc đã ngộp thở.  Nơi sân banh tôi và Tuấn Kiệt đang mãi mê theo dõi những pha gây cấn của trận đấu thì một người nào đó đến giật tay tôi nói: Em mầy bị chết chìm dìa lẹ lên! 
Tôi điếng hồn cùng Tuấn Kiệt chạy bay về nhà.  Tới đầu ngõ đã thấy một  người trong họ đang vát ngược đầu thi thể quặt quại của đứa em gái xấu số của tôi chạy lúp xúp để sốc nước với hy vọng may ra cứu sống nó.  Vô ích.  Em tôi đã chết thật rồi, đứa em vừa trãi qua một trận ốm bệnh ban kịch liệt và đang ăn khỏe tròn người trở lại.  Mẹ tôi đau đớn vô vàn, ôm xác con khóc vật vã thảm thiết.  Bà ngoại trong cơn đau buồn đã hỏi tôi một câu: Sao không ở nhà coi chừng em con  Câu ấy ghi khắc vào tim tôi một niềm ân hận sâu xa trọn đời không phai.  Phải, tôi đứa con khờ của mẹ dại của mẹ-có phần trách nhiệm làm mất đứa em, dù mẹ không bao giờ trách tôi vì mẹ quá cao cả, bao dung.   Từ đấy về sau, dường như tôi không ham thích tắm sông nữa.   Không phải tôi sợ chết chìm và tin dị đoan có huông, có lẽ tôi chỉ mất cảm tình với nước sông vì nó đã vô tình cướp mất mạng sống của em tôi. 
Một việc làm khác khiến cho tôi mang mặc cảm tội lỗi mãi với mẹ là một lần tôi nói dối.  Hôm ấy tôi đi câu cá rô ở ruộng và mương lộ.  Bình thường tôi đã rất nhạy câu, hôm ấy ngoài mấy chục con cá rô, tôi còn câu được bốn con cá trê vàng mập mạp định mang về cho mẹ làm một bữa cá trê chiên dầm nước mắm gừng.  Nhưng trên đường về, bà Sáu Móm trong xóm đón tôi lại xem giỏ cá rồi nằng nặc đòi mua mấy con cá trê.  Bà móc túi bà ba đưa cho tôi tờ giấy năm cắt rồi tự nhiên bắt mấy con cá trê đi.   Lần đầu tiên kiếm ra tiền, thằng nhỏ đứng chết trân, không biết liệu cách nào.  Cầm tiền lên tay rồi nghĩ đến khúc bánh mì thịt có nhét đồ chua, chan nước mắm ớt và cây cà rem đậu xanh bán ở cái quán nhỏ gần trường học, tôi đã để cho sự thèm muốn của mình lấn áp tấm lòng hiếu thảo nhẹ hều.  Về nhà, tôi dấu nhẹm chuyện bán bớt phần cá ngon của mẹ.  Nhưng cái bà Sáu Móm thật là nhiều chuyện, đã nài mua cá ngon của thằng nhỏ lại còn đi kể lại tới tai ngoại, ngoại nói lại với mẹ khiến một hôm, mẹ bỗng dưng hỏi tôi:
-Mấy hổm rày đi học sài hết năm bạc cắc chưa? 
Thằng tôi khờ khạo hỏi:
- Sao má biết vậy?
            Mẹ tôi cười không đáp lại câu thắc mắc của tôi, chỉ dặn:
-Lần sau con đòi một đồng nha! Mấy con cá trê đó mà bán năm bạc cắc, rẻ quá! 
Chắc vì tôi có tội với mẹ cho nên bị quả báo, phải xa mẹ hầu như thường xuyên, ngay cả từ lúc còn ở quê  nhà.  Năm mười sáu tuổi, tôi từ Sàigòn về tỉnh học vài năm xa cha mẹ.  Năm hai mươi tuổi, tôi bị động viên vào lính.  Tôi còn nhớ cái ngày tôi nhận được lệnh nhập ngũ của Bộ Quốc Phòng gởi.  Ông phát thơ gọi tên tôi nhận thư bảo đảm.  Tôi mở thư ra, lòng bàng hoàng.   Xế chiều mẹ đi bán ở chợ về, thấy tôi ngồi nơi bàn phòng khách với vẻ mặt buồn hiu, mẹ hỏi: 
- Con sao vậy?
Tôi im lặng không nỡ báo tin.  Mẹ đặt giỏ xách xuống , đến bên tôi đặt tay lên vai tôi:
- Con có chuyện gì buồn hả? 
Tôi buồn không phải vì chuyện tôi đi lính mà tôi buồn  vì biết chắc khi nói ra, mẹ tôi sẽ buồn.  Cái buồn của mẹ sẽ lớn gấp ngàn lần cái buồn của tôi.  Mẹ cao cả, bao dung thì cái buồn của mẹ cao lớn, bao la.  Tôi ngước nhìn mẹ, thấy tội nghiệm cho mẹ quá.  Mẹ lại hỏi:
- Giấy gì đây?,
Và cầm cái lệnh nhập ngũ lên xem: Thanh niên tên:,địa chỉ:,thuộc lớp tuổiđược lệnh gọi nhập ngũ để theo khóa trừ bị.  Đương sự phải trình diện nhập ngũ tại Quân Vụ Thị Trấn Sàigòn đúng tám giờ sáng ngày.  
Mẹ đọc dứt mảnh giấy, ngồi xuống bên tôi nghẹn ngào kêu lên một tiếng con rồi ràn rụa nước mắt.  Tôi cũng khóc theo.  Tôi là đứa con thơ của mẹ mà.   Khóc một lúc rồi mẹ mới nói: Vậy là chỉ còn có mười ngày nữa là con đi? Rồi mẹ lại khóc.  Thằng tôi khờ khạo an ủi mẹ một câu hết sức vô duyên:
-  Con không sao đâu má.
            Làm sao tôi biết là tôi đi lính sẽ không sao  Trong xóm lúc bấy giờ cứ lâu lâu là có đám ma mà hòm chở bằng xe nhà binh, người đưa tan bận đồ lính đi rần rần; như vậy bảo mẹ tôi không khóc sao được  Như vậy mà tôi dám nói là không sao, đúng là xạo hết chỗ nói! 
Từ hôm đó cho đến ngày tôi đi trình diện, mẹ tôi đều nấu nướng thức ăn ngon mỗi ngày cho tôi ăn mặc dù người đang thắt ruột héo gan, dàu dàu nét mặt.   Sáng ngày tôi đi, mẹ dậy thật sớm nấu cơm tấm sườn chả cho tôi ăn một dĩa thật đầy, lại còn cụ bị một lon nhôm guy-gô đựng đầy thịt ba rọi xáo mắm ruốc và hai trái dưa leo, nửa chục cam sành để dằn bụng trong mấy ngày đầu sống trong hàng rào kẽm gai của Trại Nhập Ngũ số 3 dưới những hàng cây bã đậu. 
Rồi những lần cuối tuần mẹ lặn lội đi Trung-Tâm Huấn-Luyện Quang-Trung để thăm tôi.  Vườn Tao-Ngộ, Trại Nguyễn-Tri-Phương đã có rất nhiều giọt mồ hôi của mẹ rơi ở đó, đã lưu lại vết chân của mẹ và biết đâu có cả những giọt nước mắt lau vội nữa.  Tính nhẫn nhục chịu đựng gian khổ của mẹ như là một điều hiển nhiên.  Trước mặt tôi, mẹ đưa tay quệt mồ hôi tóc mai mà vẫn cười dịu dàng đôn hậu.  Trong suốt cuộc đời tôi, dường như  ít khi nào tôi nghe mẹ thở than và chắc chắn là mẹ không bao giờ lớn tiếng rầy la tôi. 
Hai năm tiếp đó, tôi phục vụ một đơn vị ở Nha-Trang, mẹ đáp xe đò từ Sàigòn ra miền quê hương cát trắng thăm tôi  mấy lần với quà của ngoại từ Mỹ Tho, quà của mẹ từ Sàigòn, lại thêm quà mua dọc đường ở Phan Thiết. 
Dạo đó có một bài vọng cổ mang tên Trái Gùi Bến-Cát rất thịnh hành thường nghe hát qua luồng sống điện của đài phát thanh mà tôi rất thích vì nội dung của bài vọng cổ đó nói lên tình mẫu tử rất thắm thía.  Bài vọng cổ mở đầu với những câu nói lối như sau: 
Nghe vẻ nghe ve, vè tình mẫu tử 
Ai đi xe lửa, về miền Lộc-Ninh 
Qua vùng Bến-Cát, nghe trẻ con hát? 
Mẹ đi chợ chớ ở lâu 
Khi về mẹ nhớ mua xâu trái Gùi 
Con chờ xe lửa tút còi 
Ra ga đón mẹ lấy Gùi ăn chơi?
Bài vọng cổ nầy được sáng tác dựa trên một chuyện có thật về một người đàn bà tên Trương Thị Nhành, quê làng An-Thạnh, quận Lái-Thiêu chuyên nghề buôn đồ gốm chở từ Lái-Thiêu bằng xe lửa lên Hớn-Quản Bình-Long bán.   Chiều ngày 8 tháng 5 năm 1960, chị Nhành bán xong chuyến hàng, đáp chuyến xe lửa khứ hồi.  Xe dừng lại ở ga Bầu-Bàng Bến-Cát, chị Nhành xuống xe mua sản phẩm địa phương là hai xâu Gùi để mang về làm quà mọn cho con.  Khi xe vừa từ chuyển bánh, chị bước lên xe, nhưng rủi ro bị té xuống đường rầy, bánh sắt đã cán qua người chị trong lúc trên tay chị vẫn còn nắm chặt trên tay hai xâu trái Gùi.  Hình ảnh đứa con thơ đứng chờ mẹ trước nhà ga Lái-Thiêu mà không bao giờ thấy bóng dáng thân yêu của mẹ trở về nữa làm cho tôi xúc động nghẹn lòng.  Tôi thật may mắn quá.  Tôi vẫn còn có mẹ tôi. 
Mẹ lúc nào đối đãi tôi như khi lúc tôi vẫn còn là một đứa con thơ, trách gì tôi không còn thấy mình nhỏ dại, khờ khạo ốm yếu luôn cần sự bảo bọc của mẹ.  Thuyên chuyển về Sàigòn làm lính kiểng được vài năm sống gần mẹ, tôi lại đi tu nghiệp ngoại quốc, về nước, rồi lại đi phục vụ một nhiệm sở ở ngoại quốc cho đến tháng 4 năm 1975; tính đến nay tôi đã liên tiếp xa mẹ suốt mười chín năm qua.   Tôi xa mẹ lần sau cùng lúc tôi chưa đầy ba mươi tuổi, mái tóc còn đen.  Tôi định nói mái tóc còn xanh như người ta thường nói, nhưng tôi kịp nghĩ lại tóc mình có bao giờ xanh đâu, cho dù khi tôi còn bú sữa mẹ.  Về điểm này có lần mẹ tôi dịu dàng lên tiếng:
- Hồi nhỏ tóc con không xanh nhưng đầu con xanh.  
Trước sự ngơ ngác của tôi mẹ cười bảo:
- Đầu con có màu xanh vì ghẻ lở nhiều quá, má phải tắm cho con bằng nước lá ổi mỗi ngày đó. 
Tôi chỉ biết cười bẽn lẽn, trong bụng thầm nghĩ Cũng may bầy giờ mặt mày sáng sủa, dấu tích của ghẻ lở đã được xóa sạch rồi. 
Bây giờ tôi vẫn còn là đứa nhỏ nhưng đầu đã bạc.  Mẹ tôi tóc trắng như bông, vẫn còn làm lụng vất vả vì chồng vì con.  Bà ngoại tôi vẫn còn sống ở làng quê như hơn bốn mươi năm về trước, lúc bà dẫn tôi đi học lần đầu.  Nếu ngoại hay mẹ một  mai có mất đi thì trên cõi đời nầy, hình ảnh của mẹ và ngoại luôn luôn hiện diện trong tôi cho đến ngày cuối của cuộc đời cũng giống như   những dấu tích đầu gối thẹo, tay cán giá và đầu móp trên thân xác nầy.  Thỉnh thoảng trong giấc ngủ tôi vẫn nằm mơ được ôm bàn chân ấm áp và tròn trịa của mẹ; lúc ấy tôi có được cái cảm giác được an toàn, thật êm đềm và hạnh phúc.   Tuy sống thật xa mẹ về khoảng cách địa lý, nhưng tôi vẫn có thể cảm thấy rất gần gũi với mẹ trong ý nghĩ, trong tâm hồn.   Qua thư từ và hình ảnh, mẹ đang ở ngay bên cạnh tôi. 
Vào ngày lễ Vu-Lan mỗi năm, tôi sẽ xin nhận một đóa hoa hồng để cài lên áo mình, và tôi sẽ tiếp tục làm như vậy ngày nào tôi còn sống. 
--o0o--