Thư Viện Chùa Dược Sư
CÁC BÀI VIẾT VỀ VU LAN
Hạnh Nguyện Cũng Là Hạnh Phật
---o0o---
 
Để khái quát những sinh hoạt tiêu biểu của mỗi tháng trong một năm, Ca dao từng mô tả:
"Tháng Giêng là tháng ăn chơi,
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
... Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm,
Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân."
Như vậy, chứng tỏ ngày quan trọng nhất trong tháng Bảy chính là ngày "xá tội vong nhân". Mà "xá tội vong nhân" là nhắc đến sự tích báo hiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên, hay nói cách khác là tôn vinh ngày Vu Lan báo hiếu. Do thế, ngày lễ Vu Lan đối với nhân dân ta ngày nay không còn là ngày lễ riêng của Phật giáo mà đã nghiễm nhiên trở thành ngày lễ truyền thống của dân tộc. Bởi vì, Hiếu đạo không phải là một di sản riêng tư của người Phật tử mà là một nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả mọi người. Trên thế gian nầy, từ các đấng thánh nhân cao cả cho đến một người tầm thường nhất không ai là không do cha mẹ sinh ra. Chính cha mẹ đã san sẻ một phần máu thịt của riêng mình để tạo nên hình hài cho mỗi chúng ta. Tất cả chúng ta đều hiểu ràng, nếu không do công ơn bể trời của hai đấng sinh thành thì làm sao chúng ta có mặt trên cõi đời nầy. Cha mẹ không những hy sinh một phần máu thịt cho con, mà còn tốn biết bao mồ hôi, nước mắt cưu mang nuôi dưỡng, tốn biết bao thì giờ và sức lực để dạy dỗ con trở thành người có ích cho nhân quần xã hội. Sự hy sinh ấy là sự hy sinh không giới hạn, hoàn toàn, vô vụ lợi, và tuyệt đối quên mình vì con. Tình thương của cha mẹ dành cho con là thứ tình cảm thiêng liêng không có bất cứ một thứ tình cảm nào trên đời nầy có thể sánh được. Do đó, báo hiếu cha mẹ cũng chính là bổn phận cao quí nhất mà mỗi người cần phải thực hiện. Đúng ra, hiếu đạo không những là bổn phận mà còn là một diễm phúc mà chỉ có những người con đức hạnh mới cảm nhận được một cách sâu sắc. Thế nên, chỉ có những người con hiếu thảo mới hoàn thành trọn vẹn cái thiên chức cao đẹp nhất của mỗi con người. Một con người với ý nghĩa là một sinh vật ưu việt nhất trong tất cả muôn loài. Cái luận điệu cho rằng "cha mẹ vì một phút hoan lạc mà sinh con chứ nào có ân tình gì đối với con" là một luận điệu phi nhân tính. Một người Phật tử chân chính dù mới thoáng nghe qua cái luận điệu ấy thôi cũng đủ cảm thấy rùng rợn, chứ đừng nói là dám manh nha một ý nghĩ càn quấy như vậy. Thế nên, ta có thể khẳng định rằng thứ luận điệu ấy tuyệt nhiên không thể hiện hữu trong tâm hồn của người con Phật.
Đức Phật đã từng dạy: "Hiếu tâm tức thị Phật tâm, hiếu hạnh vô phi Phật hạnh" (Tâm hiếu chính là tâm Phật, hạnh hiếu cũng là hạnh Phật). Vì vậy mà Phật minh định: "Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu, cùng tột điều ác, không gì hơn bất hiếu".
Chúng ta thường nghe người đời ca tụng tình yêu đôi lứa, cho đó là thứ tình cảm cao cả nhất. Thế nhưng, giả sử một ngày nào đó chúng ta lâm vào cảnh ngộ bất hạnh, người yêu phải vĩnh viễn ra đi, thì chúng ta vẫn còn hy vọng tìm được một tình yêu khác trên cõi đời nầy. Trái lại, đối với cha mẹ thì hoàn toàn khác hẳn. Một khi cha mẹ đã khuất núi lìa đời thì dù cho chúng ta có lặn lội đi tìm khắp mặt đất và suốt cả kiếp người, chắc chắn cũng không thể tìm được một người cha, một người mẹ thứ hai, thứ ba nào khác. Bởi vì "Mỗi người chỉ có một mẹ thôi". Thế thường, con có thể không thương cha mẹ, nhưng ít có người mẹ nào mà chẳng yêu con. Cho nên tục ngữ ta từng nói: "Cọp dữ cũng không nỡ ăn thịt con" là vậy. Thế thì, một người có chút lương tâm làm sao dám quên công ơn cha mẹ. Có lần đức Phật đã giải thích mối tương quan ân đức ấy như sau: "Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sinh lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ thân nầy, nhận thân khác, sinh đi, sinh lại bao lần, sữa mẹ mà chúng sinh đã uống còn nhiều hơn nước của bốn đại dương". Điều đó nhắc nhở cho chúng ta thấy công ơn cha mẹ to lớn biết chừng nào, và việc báo đáp công ơn sinh dưỡng là một hành động rất thiết thân với mỗi con người.
Trong kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, đức Phật kể ra mười công đức của mẹ đối với con:
*  Chín tháng cưu mang khó nhọc.
*  Đau đớn, sợ hãi khi sinh con.
*  Cam chịu khổ cực để nuôi con khôn lớn.
*  Ăn cay đắng, nhường ngon ngọt cho con.
*  Mẹ nằm chỗ ướt, nhường con chỗ ráo.
*  Sú nước, nhai cơm cho con, khi con còn thơ bé.
*  Giặt giũ đồ nhơ bẩn của con mà không nhờm gớm.
*  Khi con đi xa, mẹ già trông đợi nhớ thương.
*  Vì muốn con sung sướng, mẹ có thể gây nên tội lỗi.
*  Chịu đói lạnh để con được ấm no.
Người con đã được mẹ hiền chăm sóc tận tụy như vậy cho nên phải thực hiện sáu bổn phận để báo đáp phần nào thâm ân nuôi dưỡng:
1. Giữ gìn Tam quy, ngũ giới.
2. Thường học hỏi và tụng đọc kinh điển.
3. Siêng năng lễ Phật sám hối.
4. Chí thành phụng sự Tam bảo.
5. Bố thí, làm phước hồi hướng công đức cho cha mẹ.
6. Cúng dường thập phương Tăng trong ngày Vu Lan Tự tứ.
Đó là bổn phận thiết thực của người Phật tử chân chính nhằm báo ân cha mẹ và đồng thời cũng để trang bị cho chính bản thân mình.
Ngoài ra, trong kinh Tâm Địa Quán, đức Phật còn ví công ơn cha mẹ mênh mông như trời bể:
"Ơn cha lành cao như núi Thái,
Đức mẹ hiền sâu tợ bể khơi.
Dù cho dâng trọng một đời,
Cũng không trả hết ân người sinh ta".
Đồng thời, bằng một giọng vô cùng thống thiết, đức Phật còn giảng giải cho các Tỷ-kheo về công đức của cha mẹ, như kinh Tăng Nhất A Hàm minh họa: "Nầy các Tỷ-kheo, có hai người mà thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang; thậm chí, cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai mình đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế mà biết ân đó rất khó trả. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng với chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:
- Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam Bảo.
- Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí.
- Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyến khích cha mẹ hướng về đường thiện.
- Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyến khích cha mẹ trở về với chánh kiến.
Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại mà còn gieo được phước lành trong tương lai.
Chúng ta cũng tìm thấy cách thức báo hiếu cha mẹ mà Phật đã dạy cho chàng thanh niên Thiện Sinh như kinh Trường Bộ đã liệt kê thành năm bổn phận sau đây:
1. Cung kính và vâng lời cha mẹ
2. Phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu.
3. Giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình.
4. Bảo vệ tài sản do cha mẹ trao lại.
5. Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời.
Đó là những cách báo hiếu thông thường mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Thế nhưng phổ biến và cảm động hơn cả là tấm gương báo hiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên đã được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn mà có lẽ trong chúng ta ai cũng biết. Theo tinh thần kinh nầy, đức Phật dạy các Phật tử vào dịp rằm tháng bảy giải đảo huyền xá tội vong nhân, ngày chúng Tăng tự tứ và chư Phật hoan hỷ, các Phật tử nên phát tâm cúng dường mười phương Tam Bảo và hiện tiền Tăng chúng, để hồi hướng công đức cầu siêu độ cho cha mẹ quá khứ và lục thân quyến thuộc đã qua đời. Bởi lẽ, Tam Bảo là đám ruộng phước tốt đẹp và thích hợp nhất cho trời người trông cậy. Trải qua ba tháng An cư, chúng Tăng đã nghiêm trì tịnh giới, thúc liễm thân tâm, nỗ lực huân tu đạo nghiệp, nên phần đông đã gặt hái được những kết quả rất đáng khích lệ. Một khi Tăng chúng cùng nhau tu tập trong tinh thần hòa hợp, giới luật được nghiêm trì thanh tịnh, đó chính là hiện tượng Tăng Bảo hưng thịnh, là minh chứng cho chánh pháp bền vững. Do vậy mà chư Phật hoan hỷ. Ngày chúng Tăng Tự tứ, chư Phật hoan hỷ, các Phật tử có cơ hội thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng báo đáp thâm ân cha mẹ, thì đó quả là một ngày vô cùng có ý nghĩa. Ý nghĩa ấy không phải chỉ dành riêng cho người Phật tử mà dành cho tất cả những ai có hoài bảo hướng đến mục đích Chân Thiện Mỹ.
--o0o--