Thư Viện Chùa Dược Sư
CÁC BÀI VIẾT VỀ VU LAN
Tình Cảm
Giữa Cha Mẹ Đối Với Các Con
Mộng Bình Sơn
---o0o---
 
Đọc Kinh Thi, nhớ Lục Nga :
Phụ hề sinh ngã
Mẫu hề cúc ngã
Ai ai phụ mẫu
Sanh ngã cù lao
Dục báo thâm ân
Hạo thiên võng cực
Nghĩa là :
Cha thời sinh ta
Mẹ thời dưỡng ta
Ôi ! Ôi ! Cha mẹ
Sinh ta khổ nhọc
Muốn báo thâm ân
Trời cao lồng lộng
Lòng thương yêu của cha mẹ đối với con cái là thiêng liêng, dù là loài cầm thú cũng mang nặng bản chất thiêng liêng ấy. Nhưng đối với con người là một sinh vật cao cả, có lòng nhân ái, và chính lòng nhân ái đã hình thành đạo nghĩa làm người, đem lại cho xã hội loài người những tình cảm tốt đẹp trong cuộc sống.
Một triết gia phương Tây đã nói : "Con người là một cây sậy biết suy tư" (Pascal). Nhà Nho cũng bảo rằngá: "Con người linh diệu hơn vạn vật" (Nhân linh ư vạn vật). Phật giáo cũng xác định : "Con người là hơn hết" (Nhân thị tối thắng).
Con người có khả năng như vậy là do biết quay về với bản chất đích thực, dung hợp được cái "Đức sáng của trời và đất" (Nhân giả kỳ thiên địa chi đức). Do vậy, con người là trung tâm điểm của vũ trụ, kết hợp và bảo tồn được vũ trụ một khi con người gạn lọc hết những cặn bã xấu xa bằng cách lấy đạo đức giải tỏa mối tham vọng trong lẽ sống.
Riêng Nho giáo đã ảnh hưởng vào tâm hồn người Việt rất sâu đậm qua đạo "Tam cương ngũ thường". Ảnh hưởng đó không phải vì triết lý cao siêu, mà chính nền luân lý thực tiễn đã kiến tạo nên trật tự cho cuộc sống, đem lại an vui, hạnh phúc cho con người. Đó là sự đối xử cho hoàn thiện giữa con người với con người, kết hợp và phân định lằn ranh cha con, chồng vợ, thầy trò...
Muốn kiến tạo một thế giới tốt đẹp thì phải có một xã hội an vui, muốn xã hội an vui thì từng gia đình phải có hạnh phúc, gia đình muốn hạnh phúc phải được hoàn chỉnh ngay từ bản thân của mỗi người, tức là bổn phận mỗi cá nhân (cha mẹ, con cái, anh em...). Đó là nguyên tắc của người xưa : Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Mặc dù tình thương của cha mẹ đối với con cái và lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ là thiêng liêng, là truyền thống của văn hóa dân tộc Việt Nam, nhưng nhận xét về ý thức giáo dục và đào tạo con cái trong mỗi gia đình cũng cần có một phương pháp tốt mới phát huy được tình thương của cha mẹ ăn sâu vào tình cảm của con cái, và tình cảm của con cái được un đúc sẽ tác động vào đạo làm con, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ.
Có người cho rằng làm cha mẹ là một thiên chức. Có người giản dị và thực tế hơn như bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, bằng một cuốn sách in trước năm 1975 ở Sài Gòn, cho rằng làm cha mẹ là một nghề, "nghề làm cha mẹ".
Chữ "nghề " thoạt mới nghe có vẻ kỳ cục nhưng nội dung lý luận lại có vẻ xác đáng. Để lý giải "nghề làm cha mẹ", ông Lê Anh Dũng trong cuốn Núi cao biển rộng có viết : "Giữa cuộc đời thường, giả tỉ chúng ta thất bại trong nghề nghiệp sẽ có thể đưa đến lỗ lã, thậm chí bị phá sản. Nếu chúng ta làm cha mẹ mà thất bại, chúng ta mất đứa con, thì đấy cũng là một kiểu phá sản. Sự phá sản đó có nhiều cách thể hiện mà không có gì xót xa hơn khi cha mẹ bị chính đứa con mình sinh ra, đặt vào đó biết bao công lao nuôi dưỡng, lại cam tâm chối bỏ mình. Ngược lại, không có gì hạnh phúc hơn khi con cái luôn luôn chấp nhận đấng sinh thành, tôn quý cha mẹ, dù cha mẹ có kém hơn thế hệ chúng về phương diện nào đó". Có người than rằng con cái lớn lên, càng trưởng thành lại càng khó gần gũi cha mẹ. Chúng chỉ cần cha mẹ khi nào chúng cầu xin điều gì đó.
Tình cảm con cái đối với cha mẹ không phải xuất phát từ lý trí, luân lý, đạo đức giáo điều, mà phải là tự nhiên, vô điều kiện, do tâm hồn tác động. Cho nên trách nhiệm người làm cha mẹ phải biết gieo mầm yêu thương và nuôi dưỡng trong lòng trẻ từ buổi ấu thơ.
Người Việt mình có câu thành ngữ "Xa mặt cách lòng". Người Anh, người Mỹ cũng nói : "Out of sight out of mind", người Pháp cũng cho rằng "Loin des yeux loin du coueur". Xem thế con người dù ở bên trời Đông hay trời Tây thì quy luật tình cảm cũng vận động giống nhau mà thôi. Cha mẹ muốn con cái thường gần mình thì trước tiên cha mẹ phải gần gũi con cái.
Cuộc sống chúng ta ngày nay hầu như ai cũng đầu tắt mặt tối, cha đi làm mẹ cũng đi làm, lắm lúc Chủ nhật cũng không được nghỉ. Có khi cha mẹ từ sở làm về đến nhà thì con đã đi ngủ rồi,mà lúc bừng mắt vào buổi sáng đầu ngày thì cha mẹ đã ra khỏi nhà từ sáng sớm. Cứ như cùng chơi trò cút bắt với nhau.
Hiếm hoi những dịp cha mẹ gần gũi được con trẻ thì tai hại thay, lại xảy ra một vài sự cố nho nhỏ phá hỏng giây phút thân yêu được gần con. Chẳng hạn sau một ngày làm việc mệt nhọc, dễ quạu quọ với con trẻ vì những lỗi lầm thông thường của trẻ thơ, và chúng ta dễ dàng trách phạt trẻ vì bị trẻ quấy rầy.
Tiếc thay, chính những lúc ấy, khi mà trẻ đang cần tình thương, cần được gần gũi bên ta thì ta lại vô ý thức xua đẩy chúng ra xa ta. Ta không ngờ rằng những hành động đó làm cho trẻ quen dần với tâm lý xa rời cha mẹ, không còn cảm thấy cần thiết có cha mẹ bên cạnh nữa.
Ngày nay, người mẹ không dễ gì chịu giam mình trong bốn bức tường để làm công tác nội trợ, chăm nom săn sóc cho con cái. Thậm chí có những bà mẹ trở thành cột trụ gia đình về mặt kinh tế, tài chính. Người mẹ càng thành công trên đường đời, càng thắng lợi trong xã hội, gia đình càng sung túc thì quan hệ giữa cha mẹ và con cái càng dễ phá sản hơn bao giờ hết. Và như thế, dù ta có được cả thế gian này mà đánh mất chính con cái mình thì chung quy ta vẫn là kẻ phá sản đáng thương nhất trên cuộc sống hiện tại.
Xưa nay đã có nhiều nhà giáo dục lỗi lạc, rất nhiều chuyên gia tâm lý dày công nghiên cứu về mối quan hệ gia đình giữa cha mẹ và con cái. Con người càng văn minh kỹ thuật, tăng trưởng về vật chất, thì hình như vấn đề giáo dục con cái càng thêm phức tạp, nan giải.
Thế kỷ 21 đã bước sang, thời đại ngày càng hướng về những phát minh mới mẻ, con người từ vị trí công dân của một quốc gia đang trong xu thế trở thành ý thức hưởng thụ vật chất trong cộng đồng khu vực đa quốc gia. Người ta có thể tin tưởng rằng con người có đủ khả năng tái tạo lại thế giới này theo khuôn khổ quy luật tác động nào đó. Nhưng ...ngoài tất cả những diễn tiến văn minh hiện hữu, hình như con người vẫn chưa tìm được phương pháp bảo vệ tình nghĩa và đạo đức trong nếp sống gia đình, giữa tình thương và việc giáo dục con cái theo truyền thống tốt đẹp tự ngàn xưa.
Trên lĩnh vực văn học, xưa nay để lại rất nhiều tấm gương hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.
Ở đây chúng tôi xin kể lại một vài mẩu chuyện quen thuộc, lưu truyền qua sử sách Chuyện Từ Thứ quy Tào Thời Tam quốc, Từ Thứ đang làm quân sư cho Lưu Bị, chẳng may bị Tào Tháo bắt mẹ giam cầm ở nước Ngụy, buộc Từ Thứ phải bỏ Lưu Bị qua đầu Tào.
Vì hiếu đạo, Từ Thứ đành phải bỏ cả thân danh sự nghiệp để cứu mẹ.
Lúc ra đi, Từ Thứ có làm bài thơ chia tay Lưu Bị :
Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi
Muối xát lòng ai nấy mặn mòi
Ở Hán còn nhiều rường cột cả
Về Tào chi sá một cây còi.
Bâng khuâng nhớ mẹ khôn nâng chén
Bịn rịn thương vua khó giở roi
Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Ngụy
Mình này tan tác ngoại vòng thoi.
Chuyện Lão Lai múa áo
Trong Nhị thập tứ hiếu có chép chuyện Lão Lai múa áo.
Lão Lai lúc đầu râu tóc bạc nhưng cha mẹ vẫn còn sống. Thường tình các ông cụ bà lão hay suy nghĩ và thỉnh thoảng man mác buồn. Lão Lai là một người đại hiếu, ngoài việc nuôi dưỡng tận tình đối với cha mẹ, ông còn tìm cách làm cho cha mẹ giải buồn.
Một hôm thấy cha mẹ đang ngồi trước thềm nhà suy tư, ông liền mặc áo quần sặc sỡ, chạy ra sân tung múa trước mặt cha mẹ ông, làm cha mẹ ông phát cười ầm lên, quên hết buồn phiền.
Người sau cho đó là việc hiếu thảo đáng nêu gương.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du khi tả Kiều ở lầu Ngưng Bích có câu :
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Chuyện Giới Tử Thôi cõng mẹ vào rừng
Thời Đông Chu có Giới Tử Thôi là một người rất có hiếu. Vua nghe tiếng, mời ra làm quan nhưng Giới Tử Thôi còn mẹ già muốn phụng sự, dưỡng nuôi nên không chịu, lại sợ trái mệnh vua, nên cõng mẹ chạy trốn vào rừng để săn sóc.
Triều thần đi mời mãi không được, bày kế đốt rừng để cho Giới Tử Thôi cõng mẹ chạy ra. Không ngờ đốt rừng làm cho mẹ con Giới Tử Thôi bị chết cháy.
Nhà vua ân hận, để chuộc lại lỗi lầm nên truyền dân chúng cả nước vào ngày Giới Tử Thôi bị chết cháy không được đốt lửa.
Thế là hàng năm, vào ngày đó cả nước phải ăn thức ăn nguội lạnh gọi là ngày "Hàn thực".
Trong Truyện Kiều có câu :
"Đêm đêm Hàn thực, ngày ngày Nguyên tiêu"
Là lấy sự tích hiếu thảo của Giới Tử Thôi làm điển tích trong văn thơ.
Những mẩu chuyện hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ trong văn học để lại rất nhiều, nhưng có thể kết luận là "lòng hiếu thảo của con cái là do cha mẹ ươm mầm để tâm hồn con cái có ngày nở hoa".
--o0o--