Thư Viện Chùa Dược Sư
CÁC BÀI VIẾT VỀ VU LAN
NHÂN LỄ VU LAN HÃY ĐỌC LẠI
VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SANH CỦA NGUYỄN DU
GSTS. Nguyễn Chung Tú
--- o0o ---
 
"Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô;
Não người thay bấy chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác sương sa,
Lòng nào lòng chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh,
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói kẻ hiền, người ngu?
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát,
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi,
Muôn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan, cứu khổ, hồn về Tây phương.
  .............................."
Lần đầu tiên, cách đây năm mươi sáu năm, chúng tôi ở lớp 12 ban Toán trường  Trung học chuyên khoa Bưởi, mỗi tuần bên cạnh 9 giờ Toán, 6 giờ Lý, Hóa, còn được nghe 3 giờ Giảng văn của thầy Dương Quảng Hàm về các bài trường thi bất hủ, như bài Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du mà tôi trích dẫn đoạn nhập đè ở trên. Đối với chúng tôi, đấy là những bài thơ dài bất tử trong tâm khảm chúng tôi vì thầy Hàm bảo chúng tôi học thuộc lòng (récitation) mỗi tuần một đoạn. Đã hơn nửa thế kỷ rồi mà chúng tôi còn nhớ như vừa đọc hôm qua ...
Loại chúng sinh mà Nguyễn Du nói tới trước tiên cố nhiên là:
"Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh,
Chí những lăm cướp gánh non sông,
Nói chi những buổi tranh hùng,
Tưởng khi thất thế vận cùng mà đau.
............................"
Vì "tiên sinh gặp khi trong nước có biến, nhà Nguyễn Tây Sơn dấy lên, nhà Lê bại vong ..." (Trần Trọng Kim, Truyện Thúy Kiều), nhưng rồi Tây Sơn cũng bại vong, Nguyễn Ánh dấy lên ... Lịch sử chỉ là một cuộc nhắc đi, nhắc lại; chúng ta nghĩ tới Marcos của Phi Luật Tân, Mobutu của Zaire, Suharto của Indonesia (riêng ông này còn sống) ...
                        "Cho hay thành bại là cơ,
                        Mà cô hồn biết bao giờ cho tan".
Loại thứ hai là những dòng dõi qúy phái, qúy tộc:
"Nào những kẻ màn lan, trướng huệ,
Những cậy mình cung quế Hằng Nga,
Một phen thay đổi sơn hà,
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?
........................."
Trong Kiều cũng có mấy câu tương tự:
 "Khi sao phong gấm, rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió, dạn sương,
Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân"
Chúng ta nghĩ tới vua Charles đệ nhất nước Anh, bị chặt đầu (1649) theo lệnh của Cromwell; cả gia đình Nga hoàng Nicolas đệ nhị bị ám sát năm 1918 mãi vừa rồi mới tìm thấy các hài cốt và được chôn cất lại; vua Louis XVI nước Pháp, bị tử hình năm 1791, hoàng hậu Marie Antoinette bị tử hình năm 1793, thái tử Luoi XVII mất tích.
"Khi sao đông đúc vui cười,
 Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương"
Loại thứ ba là những tay "mũ cao, áo rộng", những quan sang, chức trọng (thời xưa, dân thường chắc là "mũi thấp, áo chật"), như Quản Trọng (tướng của Tề Hoàn Công), Gia Cát Lượng (Thừa tướng của Lưu Bị), Y Doãn (Tể tướng nhà Thương), Chu Công (Tể tướng nhà Chu), Thủ tướng đại gian hùng của vua Louis XIII là Hồng y Richelieu, Talleyrand làm Bộ trưởng Ngoại giao của hoàng đế Napoléon, rồi của vua Louis XVIII, rồi Đại sứ Pháp ở Anh, thống chế De Lattre de Tassigny làm Cao ủy ở Đông Dương, hét ra lửa trong hai năm (1950-1952):
"Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm", "Ân oán giang hồ" cũng nhiều, khi đang "lên voi" thì không ai dám nói gì, nhưng khi "xuống chó" dân chúng mới kể tội, những kẻ cơ hội xa lánh:
"Kẻ thân thích vắng sau, vắng trước,
Biết lấy ai bát nước, nên nhang?"
Pháp có câu tục ngữ: "Trong hoạn nạn mới biết ai thật là bạn"
Loại thứ tư là các ông tướng:
"Kìa những kẻ bài binh, bố trận, 
Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung,
Gió mưa sấm sét đùng đùng
Dỏi thây trăm họ làm công một người"
Đúng như thế:
"Nhất tướng công thành, vạn cốt khô"
"Đống xương vô định đã cao bằng đầu"
Ở Châu Phi, ông đại úy nào cũng có thể tự hỏi: "Tại sao mình không thành Tổng thống, trong khi Tổng thống đương nhiệm trước khia chỉ là một trung sĩ". Lục địa này giữ kỷ lục về số đảo chánh quân sự.
Loại thứ năm gồm những kẻ muốn làm giàu, bằng mọi cách, không để ý vợ con:
"Ruột rà không kẻ chí thân,
Dẫu làm nên để dành phần cho ai?
Khi nằm xuống không người nhắn nhủ,
Của phù vân dẫu có như không,
Sống thời tiền chảy bạc ròng,
Thác không mang được một đồng nào đi"
Chết không ai cúng bái:
"Cô hồn nhờ gửi tha phương
Gió trăng hiu hắt, lửa hương lạnh lùng"
Nghệ thuật làm thơ của Nguyễn Du, không ai bắt chước được. 
Loại thứ sáu dành cho những người bắt đắc kỳ tử (không được cái chết), chết vì gặp tại nạn:
"Cũng có kẻ vào sông ra bể,
........................
Đem thân vùi dập vào lòng kình nghê"
"Cũng có kẻ đi về buôn bán,
........................ 
Gặp cơn mưa nắng giữa trời"
"Kìa những kẻ chìm sông, lạc suối,
Cũng có người lao giếng đứt dây,
Người trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành.
Người thì mắc sơn tinh, thủy quái.
Người thì sa nanh sói, ngà voi,
Có người có đẻ không nuôi,
Có người sa sẩy, có người khốn thương"
Thời nay, số những người này tăng lên nhiều lắm đông người không theo luật đi đường, máy bay không an toàn, lụt lội, động đất, chiến tranh cục bộ ...
Loại thứ bảy nói về lính (bị động viên):
"Cũng có kẻ mắc vào khóa lính,
Bỏ cửa nhà đi gánh việc quan ...
........................
Buổi chiến trận mạng người như rác,
Phận đã đành đạn lạc, tên rơi"
Chúng ta nhớ lại bài "Lính thú đời xưa" học ở tiểu học:
"Ngang lưng thì thắt bao vàng,
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài.
Một tay thì cắp hỏa mai,
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền.
Thùng thùng trống đánh ngũ liên,
Bước chân xuống thuyền, nước mắt như mưa.
Ba năm trấn thủ lưu đồn,
Ngày thời canh điếm, tối dồn việc quan.
Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân, hữu khổ, phàn nàn cùng ai"
Loại thứ tám là có lẽ loại đáng thương nhất:
"Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp,
Liều tuổi xanh buôn nguyệt, bán hoa,
Ngẩn ngơ khi trở về già,
Ai chồng con đấy, biết là vậy ai?"
Trong Kiều, Nguyễn Du còn tả chi tiết hơn:
"Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng"
Trong truyện ngắn "Đêm ba mươi", Thạch Lam kể cuộc đời hai cô gái giang hồ: hồi nhỏ, hai cô còn cha còn mẹ, cũng được ăn học như ai; nhưng rồi một cô bố chết, mẹ đi lấy chồng khác; một cô mẹ chết, bố lấy vợ khác, hai cổ không chịu nổi cảnh bố hờ, mẹ ghẻ, trôi dạt lên thành phố, và ...
Loại thứ chín là những người cùng đinh trong xã hội:
"Cũng có kẻ nằm cầu, gối đất,
Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi,
Thương thay cũng một kiếp người,
Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan"
Một bài học thuộc lòng hồi thơ ấu lại hiện ra trong ký ức tôi:
"Ngoài ta, bao kẻ mồ côi,
Không cha, không mẹ, không người nào thương.
Ngày đi vơ vẩn trên đường,
Đêm thời gối đất, nằm xương đầu hè"
Những đứa trẻ nói trên cũng có thể xếp vào loại thứ mười:
"Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé,
Lỗi giờ sinh lìa mẹ, lìa cha,
Lấy ai bồng bế vào ra,
U ơ tiếng khóc, thiết tha nỗi lòng"
Tôi chỉ có một nguyện cầu là cha mẹ đừng chết trước khi đứa con út trưởng thành. Nếu tôi có quyền, tôi sẽ cấm bố mẹ không được ly thân hay ly hôn trước khi đứa con út trưởng thành.
"Mười loài là những loài nào?"
Chết rồi, chỉ còn một loại chúng sinh:
"Còn chi ai qúy, ai hèn,
 Còn chi mà nói người hiền, kẻ ngu"
Tin hay không tin là quyền của mỗi người. Đừng bắt ép như Blaise Pascal trong Les
"Cứ quỳ xuống mà cầu kinh đi".
Nhưng may mắn thay cho những người tin tưởng một cách chân thành: "Linh kỳ một lá, dẫn đường chúng sinh".
--o0o--