Thư Viện Chùa Dược Sư
CÁC BÀI VIẾT VỀ VU LAN
TÌNH CHA
Diệu Ngọc
---o0o---
 
Ðêm nay là tiệc chay gây quỹ xây chánh điện chùa Hoa Nghiêm, có chương trình văn nghệ giúp vui do ca đoàn chùa Hoa Nghiêm đảm trách. Ngồi nghe các em thiếu niên Phật tử trong ca đoàn hát bài "Tình cha":
"Người là vần thái dương     
"Người là ngọn núi cao         
"Người thường nghiêm khắc hơn mẹ yêu
 nhưng bao giờ người cũng chứa chan một tấm long
 thương con vô bờ bến" 
(Trong bài tình cha)
Rồi nhìn các em trong chiếc áo dài đồng phục đang cất lên những tiếng hát chứa đựng vô vàn mến yêu để ca tụng người cha khiến cho trong tôi chợt dâng lên một niềm hoài cảm khó tả và tự nhiên nước mắt tôi chảy ra hồi nào tôi cũng không hay.... Tôi nhớ Ba tôi...
            Người bạn ngồi cùng bàn kề tai tôi nói nhỏ: "Cha là núi Thái sơn nhưng lâu nay bị mây che, nay mây đã tan nên người ta đã nhìn thấy công của cha"   Câu nói của người bạn có thể đúng đối với ai đó nhưng với tôi thì không hẳn là vậy, vì thực sự mà nói dù đã mấy chục năm qua, từ khi ba tôi mất, hình bóng của người không mấy khi vắng mất trong tôi. Bằng chứng là hễ mỗi lần Vu Lan đến, người ta thì sao tôi không biết nhưng với tôi thì Vu Lan là dịp tưởng niệm công ơn trời biển của mẹ nhưng hình bóng người cha cũng đồng thời hiện đến trong tôi.      Tôi thương Ba tôi lắm... nhứt là từ khi tập tểnh đi chùa tụng kinh lễ Phật rồi nghe những bài Pháp thì tôi lại nghĩ rằng... Không biết Ba tôi ngày xưa có biết gì về Phật pháp hay không nhưng cái đức bố thí của người thì thật là bao la... mà tôi sẽ kể sau đây....
Tiệc tan, về tới nhà thì trời đã khuya nhưng tôi không tài nào ngủ ngay được. Tôi cứ nằm đó miên man nhớ đến lời mấy em ca hồi chiều... rồi thì cả một khoảng đời thơ ấu, những kỷ niệm vui buồn với Ba tôi hiện đến rõ ràng như mới mấy ngày qua....
 Ngược giòng thời gian trở về những năm cuối thập niên 40 và đầu thập niên 50... Khi đã có chút trí nhớ thì tôi đã được 7-8 tuổi...
Tôi là con gái út của một gia đình chỉ có... hai chị em.  Quê tôi là một làng ven biển, có thể được gọi là một bán đảo, nằm ở vị trí phía Bắc và cách thành phố Nha Trang chừng 40 cây số đường xe chạy... Làng tôi dựa lưng vào núi và ngó ra biển, dân ở đó sống bằng ba nghề chính: Làm muối, chài lưới đánh cá và một số canh tác ruộng lúa. Dân trong vùng được phân bố ra thành bảy làng... Một điều đặc biệt có thể nói là phần lớn ruộng muối ở đó là thuộc sở hữu của gia đình tôi.... Tôi vì còn nhỏ nên chỉ biết loáng thoáng là ông nội tôi để lại tài sản cho Ba tôi rất nhiều. Ngoài những lô ruộng muối Ba tôi còn làm chủ nhiều đồn diền cà phê, ruộng ngọt trồng lúa và một cái đìa cá rất lớn, chỗ cái đìa cá hồi trước là một cái eo biển, Ba tôi đã muớn người ta đổ đá làm một con đê chận ngang eo biển  làm thành cái đìa, rất rộng, xe hơi đi lại được trên mặt đê. Ðìa dùng để nuôi cá măn.
Ðiểm đặc biệt nữa là dân chúng trong cả bảy làng ở đó đều rất mến và rất thân thiện với gia đình chúng tôi, họ rất kính trọng Ba tôi mà theo tôi nghĩ thì không phải vì Ba tôi là chủ đất, chủ rộng mà có lẽ vì tâm từ bi, tánh độ lượng và lòng bố thí ít ai bằng của ông...
Khi tôi đến tuổi đi học thì... Vì quê tôi khi đó còn là một vùng quê xa thành thị nên không có trường, Ba tôi thuê thầy giáo đến nhà dạy chị em tôi học... Nhưng khi nghĩ đến con em của dân làng không có điều kiện để học như chúng tôi... Ba bàn với má tôi rồi họp một số người lớn tuổi trong bảy làng lại và cho họ biết là ông quyết định bỏ tiền ra xây một trường học cho tất cả các trẻ con trong bảy làng có chổ để học hành. Ông cũng nói lên ý của ông là phải tìm một địa điểm trung tâm, thích hợp để trẻ con từ bảy làng đều đến học được chứ không làng nào cách xa quá trẻ con bị bất lợi. Ông sẽ đài thọ mọi chi phí kể cả tiền thuê thầy cô giáo, tức là trường học này cho các em hoàn toàn miễn phí và trường sẽ được xây gồm năm lớp, có văn phòng và chỗ ở riêng của thầy cô giáo...
Tôi còn nhớ trước ngày khai trường Ba tôi mời rất nhiều người trong bảy làng họp lại để thông báo và kêu gọi mọi người có con nhỏ phải cho đi học và học miễn phí... Hơn nữa, các em đi học sẽ được cấp phát đồng phục: Con trai áo sơ mi trắng, ngắn tay, quần đùi màu xanh, con gái áo sơ mi trắng dài tay quần dài đen.
            Ở làng tôi, sáng sớm ngày hôm đó, mấy hồi trống được đánh vang lên từ trụ sở làng như thúc dục mọi người hãy dắt các con cháu tề tựu lại cho đúng giờ. Ðứa nào cũng tỏ ra thích thú trong bộ đồng phục mới. Vì xe nhỏ chở không hết nên Ba tôi cho tài xế lái chiếc xe chở hàng của ông đưa chúng tôi đến trường cách đó chừng hai cây số. Hồi đó tôi mới vào lớp 5, chị tôi học trên tôi hai lớp.
Khi đã lên được lớp ba chúng tôi được dạy dựng lều, dạy cách nấu ăn ngoài trời, dạy tìm dấu đi đường và được tổ chức cho đi cấm trại ở đêm.... Ba tôi còn cho học sinh lớp nhì, lớp nhứt những giải thưởng như được đi Nha Trang du ngoạn xem thắng cảnh một tuần ăn ở miễn phí cho đứa nào học giỏi ...
            Sau khi các lớp học cho lũ trẻ đã được ổn định đâu vào đó, Ba tôi còn cho mở các lớp đêm dành cho người lớn tuổi mà không biết chữ.... Hồi đó gọi là các lớp bình dân giáo dục hay là các lớp chống nạn mù chữ gì đó.... Mà tất cả chi phí cũng do Ba tôi đài thọ, người đi học được cấp phát giấy bút, phấn viết...v...v...
Tôi còn nhớ một chuyện vui vui về lớp học... người lớn này: Lâu lâu thì làng cho các em học sinh giăng dây ở đầu các làng, ngày hôm đó ai muốn ra khỏi làng phải đọc chữ do các em đố.... Ở gần nhà tôi có một bà tên là bà Tám Láng không chịu đi học ban đêm, dù ai có khuyên gì bà cũng không chịu... Hôm dó bà lại cần đi chợ, mà cháu nội bà học rất giỏi, là đội trưởng của nhóm học sinh đố chữ. Mọi người đều len lén chờ coi các em học sinh nói sao với bà... Khi bà đi tới, mấy đứa giữ dây nhứt định không cho bà đi ra, thấy bà quay trở về người ta hỏi thì bà vừa cười vừa chưỡi:          "Mồ tổ cha thằng cháu nội tôi, nó nói nội không đọc được, con không dám mở cổng làng  cho nội, nội về làng xin phép đi...."  
Mọi người đều cười nhưng là cười vui chớ không phải cưòi chế nhạo nên bà cũng cười theo. Sau này Bà Tám là người đọc thơ Lục Vân Tiên hay nhất xóm....
Ngoài chuyện lo cho dân và con em trong các làng về việc học, ba tôi còn mở đường trong làng cho rộng ra để xe hơi chạy được để giúp người ta dễ dàng trong việc chuyên chở hàng, cho sửa chữa nhà cửa cho những người quá nghèo mà nhà dột cột xiêu lại còn đặt mua các giống cây ăn trái để phát cho dân trong làng để họ trồng trong đất của họ, vừa tạo bóng mát vừa có huê lợi.
Hồi trước khi mới sanh tôi ra thì má tôi đau bịnh luôn cho nên ba tôi có rước một người về nuôi vú cho tôi, vì Ba tôi không muốn cho tôi bú sữa bò, lúc đó bà vú cũng vừa sanh em Lan. Vì vú nuôi sữa cho tôi nên ba tôi dặn người nhà phải lo cho vú ăn uống cho đầy đủ nên vú rất khỏe, đủ sữa cho hai chúng tôi... Ba tôi giao cho vú vừa cho bú, vừa trông nom tôi và em Lan. Chúng tôi ngày càng lớn khôn và ba tôi cũng coi em Lan cũng như tôi vậy, có quà cho tôi thì cũng có quà cho em Lan, dẫn đi chơi đâu thì thường là hai đứa, ba tôi thường nhắc cho tôi là không được ganh tị hay tranh giành, phải biết thương nhau cho nên hai chị em rất thuận thảo... Vú ở với gia đình tôi cho đến khi tôi rời nhà đi vào Nha trang học vú cũng khăn gói đi theo để lo cho tôi...
Với em Lan tôi có một chuyện vui vui... Có một hôm ba tôi dẫn tôi và em Lan đi chơi bằng ngựa, chị tôi thì thích quẩn bên má tôi coi làm bánh hay nấu ăn chớ không như tôi, đi xe hơi thì nhanh nhưng không thích bằng đi ngựa. Phần tôi thì mấy chú người nhà có tập cho tôi đi ngựa rồi cho nên tôi đã quen còn em Lan, sau khi ba tôi đở em lên lưng ngựa rồi dạy em cách thức cỡi ngựa: Muốn ngựa chạy mau thì chỉ cần giựt nhẹ dây cương và hai chân thúc đều vào bụng ngựa, muốn quẹo mặt thì kéo dây cương bên mặt, quẹo trái thì kéo dây cương bên trái. Muốn ngựa dừng lại thì kéo dây cương thật mạnh, đồng thời hai chân kềm sát vào bụng ngựa...  
Không biết em Lan làm sao mà lúc ngựa tôi và ngựa của ba tôi chạy một đoạn nhìn lại thì thấy em đã quay ngựa chạy trở về một khoảng khá xa. Tôi theo Ba tôi lật đật quay ngựa lại... chạy về tới nhà thì thấy ngựa của em Lan đứng ở trong chuồng mà em Lan vẫn ngồi yên trên lưng ngựa không xuống, em nói: "Nó không chịu đi, nó quay về, về tới đây con muốn leo xuống thì nó dậm chân và hí lên con sợ quá... " 
Ngoài ra tôi và em Lan còn có nhiều kỷ niệm của những ngày thơ ấu mà mỗi khi nhớ đến tôi hãy còn ngất ngây và mơ ước một chuyện không bao giờ có: Ước được sống lại những ngày cũ.... và nhứt là ước vẫn được kề cận bên Ba... Ba tôi dẫn hai chúng tôi đi thăm đìa cá, đi ngang qua mấy giồng dưa leo của ai đó vừa có trái non, tôi đòi ăn cho được mà em Lan cũng hùa theo, ba tôi đành phải  hái cho chúng tôi mỗi đứa một trái rồi ông cột tiền vào một que cây cấm ở đó để trả cho chủ dưa, ba tôi nói nếu không làm vậy thì người ta nói  mình ăn trộm, không nên... Về đến nhà tôi kể lại cho má tôi nghe, má tôi rầy:                  
            "Ði đâu cũng dắt hai đứa, đứa nầy dòi thì đứa kia cũng bắt chước..."
Nhưng ba tôi cười và nói:                     
            "Chim có đàn cùng hót, tiếng hót mới hay, ngựa có đàn cùng phi nước phi mới mạnh."
Bây giờ tuổi đã lục tuần, có hoàn cảnh thuận tiện, hàng ngày tôi đi chùa tụng kinh, nghe các băng giảng Phật pháp, đọc thêm kinh sách, hiểu được chút ít giáo lý Phật.... Trong tôi chợt khởi lên một câu hỏi: Không biết Ba tôi có biết gì về giáo lý Phật hay không mà sao cách sống của ông lại hoàn toàn phù hợp với những lời Phật dạy? Ở ông "Tứ vô lượng tâm" được phát huy một cách thật trọn vẹn:
TỪ là ban vui thì ông đã đem lại nhiều nguồn vui cho dân của cả bảy làng khiến cho ai nấy đều yêu mến ông một cách chân thực, khi ông mất, rất nhiều người tới xin được để tang dù không phải là bà con quyến thuộc, ai cũng muốn ghé vai đồng khiêng quang tài để đưa ông đi...
            BI là cứu khổ thì ông đã giúp cho bao nhiêu người qua được những khổ cực trong cuộc sống, ngoài cái việc cất nhà cho người nghèo, ông còn nhận rất nhiều con nuôi để giúp đở cho ăn học... Sau này có mấy người đã lên đến hàng tướng lãnh... Vì công việc làm ăn ông thường đi đây đi đó, từ tỉnh này qua tỉnh khác... Ngày ông mất có nhiều người tới xin để tang và nói là đã được ông nhận làm con nuôi... mà má tôi chưa hề biết mặt....
HỈ là vui theo cái vui của mọi người thì đó như là cái bản tánh của Ba tôi, những dịp lễ Tết các làng có tổ chức các trò vui chơi thì cũng do Ba tôi bày đặt ra, đánh bài chòi thì chính ông cầm trống, chơi cờ người thì ông cũng tham gia... Thấy mọi người vui thì ông cười hễ hả...
XÃ nếu hiểu là xã bỏ, là cho, là bố thí thì tôi xin kể thêm: Ngày Ba tôi mất Ba tôi không để lại tiền bạc gì nhiều mà toàn là giấy nợ (!) ông cho người ta mượn tiền nhưng không hẹn ngày trả...   Một số ruộng muối và ruộng ngọt ông đã cho luôn cho người thuê, người thì ông nói: "Cho để nó làm nó nuôi con..." người thì ông nói: "Cho nó để nó biết cố gắng và rán sức làm để nuôi má nó tật nguyền..."  Ông có đủ lý do để cho mà má tôi thì chưa bao giờ có ý kiến trái ngược với ông về bất cứ chuyện lớn chuyện nhỏ nào...
Ba tôi mất khi tôi ở tuổi 13, tôi chưa làm gì được để trả hiếu, còn bây giờ, tôi chỉ biết hàng đêm đi chùa tụng kinh hồi hướng công đức cho ba tôi, cho má tôi và tôi tự hứa với lòng là sẽ noi theo gương ba tôi để phát huy "TỨ VÔ LƯƠNG TÂM" cho được như ông mà thôi....   
--o0o--