TẬP SAN DƯỢC SƯ

Nghĩ Về Ngày Vu Lan
Nhất Quán
--o0o--
 
Mùa Vu Lan lại trở về trên vùng đất Washington State, Seattle. Tuy trời đã vào Thu, nhưng những tia nắng của Mùa Hè vẫn còn chói chang rực rỡ. Nhớ lại những Mùa Vu Lan của những năm nào, trong những tia nắng chói chang đó, thỉnh thoảng có những cơn mưa nhẹ của Mùa Thu làm cho người con Phật hân hoan, phấn khởi khi về chùa lễ Phật, gặp vị thầy khả kính, gặp bạn thân thương và tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ.
Nói về Vu Lan, đối với người con Phật nhất là những ai có phước duyên biết đến truyền thống Đại Thừa Phật Giáo không ai là không biết đến Mục Kiền Liên, và không ai là không nguyện theo gương hiếu hạnh của Ngài để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Tuy nhiên ngày Đại Lễ Vu Lan không phải chỉ để dành riêng cho việc cầu siêu chư hương linh, hoặc cúng dường chư tăng Ni mà còn có nhiều ý nghĩa trọng đại nữa đó là:
- Ngày Phật Vui Mừng,
- Ngày chư tăng xuất hạ,
- Ngày tự tứ,
- Ngày khánh tuế của chư tăng ni.
Như vậy Vu Lan không phải chỉ nhắc nhở chúng ta lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, mà Vu Lan còn gợi cho chúng ta ý nghĩa thâm trầm về sự tu dưỡng, về sự thật và đồng thời chỉ dẫn cho chúng ta trong từng bước đi, và hơi thở để chúng ta có đủ kiên nhẫn đi trên con đường tự do thênh thang giải thoát. Trước hết là:
01- Ngày Phật Vui Mừng.
Ngày rằm tháng bảy gọi là ngày đức Phật hoan hỷ, bởi vì trong bảy chúng đệ tử của Phật, chúng xuất gia là chúng đệ tử gần gủi nhất, chúng thừa đương Phật pháp để truyền bá giáo hóa cho chúng sinh, chúng mang hình dáng của Phật làm gương mẫu ở thế gian, chúng mà trong ba tháng an cư kiết hạ đã viên mãn và kết thúc vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Thông thường, khi chư Tăng thọ giới pháp xong là tu niệm, nhưng vì Phật sự đa đoan nên sự tu niệm ấy không được chuyên cần bằng ba tháng an cư. Ba tháng an cư theo luật Phật chế, chúng xuất gia nói chung và chúng Tỳ Kheo nói riêng phải cấm túc ở yên, hạn chế tối đa sự đi lại, một là vì phong thổ Ấn Độ lúc bấy giời mùa hạ là mùa mưa, các loại côn trùng sinh sản ra nhiều, mà chúng Tăng đi khất thực sẽ dẫm đạp lên nhiều loại côn trùng, làm tổn thương đến lòng từ bi tế vật. Thứ hai là, chúng Tăng đi khất thực thì y, áo, bình bát sẽ bị thấm ướt, mất trang nghiêm, nên thế gian có phần chê trách. Vì vậy, nên đức Phật dạy chúng xuất gia trong ba tháng mùa mưa phải cấm túc an cư, hạn chế việc đi ra ngoài để tập trung vào sự tu niệm, củng cố sự sống trong thanh tịnh hòa hợp, cảnh tỉnh thân tâm để tinh tấn trên con đường đạo hạnh. Cho nên một khi đệ tử của Phật tu hành trong ba tháng viên mãn thanh tịnh, kết thúc ba tháng an cư, đức Phật vui mừng lắm. Mừng cho đệ tử của mình đã hoàn thành ba tháng an cư thanh tịnh, cho nên gọi là ngày Phật vui mừng.
02- Ngày Tăng Tự Tứ.
Thông thường đối với chư tăng có tinh thần tự tứ đều nghĩ rằng:
- Tuy mình đã gắng tu như thế nhưng không chắc đã tránh hết lỗi lầm, nên ngày rằm tháng bảy cùng nhau tập trung lại, cầu mong những vị có giới đức thanh tịnh hơn mình chỉ lỗi lầm cho. Nếu mình tự thấy mắc phải lỗi lầm đó, phải phát lộ sám hối.
Đó là một việc làm hết sức đặc biệt trong ngày Tự tứ. Bởi vì thông thường, mỗi khi có lỗi là chúng ta tìm cách né tránh, tìm cách che dấu kẻo sợ người khác biết thì xấu hổ, hoặc sợ nếu người khác biết lỗi của chúng ta thì lần sau chúng ta không làm lại được nữa, cho nên chúng ta thường thường là che dấu, không bộc lộ, trừ khi có ai hỏi đến, kẹt lắm chúng ta mới nói tới có phạm, có vấp lỗi nọ lỗi kia. Hoặc giả chúng ta có phát lộ sám hối chăng đi nữa thì cũng phát lộ âm thầm trước ngôi Tam Bảo, chớ ít khi công khai nhờ người khác chỉ lỗi cho chúng ta ra giữa Đại chúng. Nhưng theo đạo Phật, ba tháng hạ an cư xong rồi, đức Phật dạy hàng Tỳ Kheo ngoài việc tự mình bộc bạch những sai trái của mình, còn phải nhờ người khác chỉ lỗi cho chúng ta. Đó là một thái độ rất cao thượng cởi mở để làm cho chúng ta hết sạch tội lỗi. Vì vậy trong ngày đó gọi là ngày Tăng Tự tứ.
03- Ngày Tăng Nhận Thêm Tuổi Thọ.
Theo thế gian, nếu cha mẹ sinh ra đủ năm 12 tháng thì mới gọi là tròn một tuổi. Nhưng trong luật Phật chế, hàng xuất gia thọ giới của đức Phật không tính tuổi theo năm tháng kiểu thế gian, mà tính tuổi theo hạ lạp. Nghĩa là năm nào có an cư kiết hạ được trọn vẹn thì được tính một tuổi. Thí dụ:
- Vị nào an cư kiết hạ từ 15-4 âm lịch đến 15-7 âm lịch là mãn hạ, như vậy được tính một năm hạ, tức một tuổi hạ. Ai đã thọ Cụ túc giới nhưng không an cư thì không tính tuổi hạ, còn ai kiết hạ an cư liên tục thì được tính nhiều tuổi hạ.
Cho nên chúng ta thường nghe ở các chùa khi đọc tiểu sử của một vị Tăng nào viên tịch, thường nhắc đến tuổi đời và hạ lạp. Chẳng hạn như:
- Vị Hoà Thượng đó 90 tuổi đời và 70 hạ lạp, nghĩa là vị đó có tuổi cha mẹ sinh là 90 năm, còn tuổi hạ là 70 hạ lạp. Hạ lạp được tính và ngày rằm Tự tứ, sau khi đã tu hành tròn ba tháng hạ.
Nếu một vị Tỳ Kheo thọ giới rồi mà không an cư lần nào cả thì coi như vị ấy hoàn toàn không có tuổi hạ, khác với cha mẹ sinh ta ra, dù chúng ta có làm hay không làm gì đi nữa hoặc giả có ngủ cả năm đi nữa thì tròn một năm cũng vẫn được tính tuổi từng năm một. Trái lại, vị Tỳ Kheo thì phải có kiết giới an cư thì mới nhận tuổi, còn không an cư, thì không tính hạ lạp. Hạ lạp cũng gọi là cũng gọi là giới lạp, hay pháp lạp. Đó là ý nghĩa của ngày Tăng Thọ Tuế hay là ngày Tăng nhận thêm tuổi đạo.
04- Ngày Vu Lan Xá Tội Vong Nhân.
Từ ngữ Vu Lan được dịch từ tiếng sanscrit Ullambana, có nghĩa là:
- Cứu nạn treo ngược.
Theo định luật nhân quả, những người làm điều ác, thì thọ lấy quả xấu, nghĩa là sau khi chết bị đọa vào địa ngục, chịu đựng nhiều hình phạt vô cùng đau đớn, trong những cực hình đó có khổ hình bị treo ngược. Như vậy, vấn đề trọng yếu là cứu nạn treo ngược, là làm thế nào để được giải thoát, để sống tự do. Người có công giới thiệu cho chúng ta truyền thống tốt đẹp nầy chính là Thầy Mục Kiên Liên.
Theo trong kinh có ghi rằng đệ tử đắc đạo của Đức Phật thì rất đông, nhưng trong số đệ tử nổi tiếng của Đức Phật có Thầy Mục Kiên Liên chứng được lục thông đó là:
- Thiên nhãn thông: Được con mắt như mắt trời, thấy khắp tất cả.
- Thiên nhĩ thông: Được lỗ tai như tai trời, nghe thấy khắp tất cả.
- Tha tâm thông: Với tâm của mình biết được tâm của người khác muốn gì, thích gì.
- Túc mạng thông: Là biết đời trước của mình.
- Thần túc thông: Được thần thông đi dưới đất hay bay trên không đều tự tại vô ngại. Cũng gọi là Thần cảnh thông.
- Lậu tận thông: Dứt trừ mọi lậu hoặc, vượt thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Ngoài ra Thầy Mục Kiền Liên còn chứng được tuệ nhãn(*) tức là con mắt trí tuệ, thấy được mọi sự vật và tự tính của nó. Khi Thầy chứng được lục thông và tuệ nhãn liền nhớ đến cha mẹ, cho nên Thầy liền dùng tuệ nhãn nhìn khắp bốn phương, tìm kiếm vong linh của thân mẫu của mình hiện đang ở đâu. Khi thấy được vong mẫu của mình đang ở trong loài ngạ quỷ hết sức đau khổ và đói khát, Thầy liền dùng thần thông bưng bát cơm đến tận nơi A Tỳ Địa Ngục để dâng mẹ, nhưng mẹ của Thầy vì tâm xan lẫn từ kiếp trước quá nặng nề khởi lên, sợ người khác trông thấy mà đến giành giựt hoặc xin bớt, cho nên bà một tay che bát cơm lại, một tay bốc ăn. Nhưng cơm chưa tới miệng đã hóa thành than lửa không thể nào ăn được. Thầy Mục Kiền Liên thấy vậy đau xót, không biết làm sao cứu vớt mẹ được, cho nên về bạch với đức Phật và được đức Đạo Sư chỉ dạy:
- Tội lỗi của mẹ ngươi, dù có thần thông phép lạ cũng không cứu được, duy chỉ có dùng thần lực của chúng Tăng sau ba tháng an cư, tinh tấn tu hành thanh tịnh tập trung chú nguyện cho, may ra mới chuyển hóa được nghiệp lực, thì mẹ ngươi mới được thoát khổ cảnh mà thôi.
Nghe vậy, Thầy Mục Kiền Liên thưa với đức Phật:
- Bạch Thế Tôn, con nay làm sao mà mời chư Tăng trong mười phương cúng dường một lúc như vậy được?
Đức Phật dạy rằng:
- Trong ngày Vu Lan là ngày tự tứ của chư Tăng, ông nên sắm các thứ cúng dường chư Tăng trong ngày Tự tứ, ngày đó dầu cho các vị trong thiền định, hay thọ hạ kinh hành, hay hóa độ nhơn gian, cũng tập trung lại để tự tứ và cầu nguyện cho mẹ ngươi, thì mẹ ngươi sẽ được thoát khổ.
Thầy Mục Kiền Liên liền thực hành theo lời dạy của đức Phật cho nên chính trong ngày đó, mẹ của Thầy được thoát khỏi cảnh ngạ quỷ mà hưởng phước báu ở cõi Trời.
Và như chúng ta đã biết Vu Lan là mùa báo hiếu, nhưng Vu Lan còn có nghĩa là cứu nạn treo ngược. Vậy làm thế nào để cứu nạn treo ngược, để được giải thoát, để sống tự do.
Từ ngữ tự do ở đây nếu chúng ta chỉ hiểu quan niệm tự do bằng sự tranh đấu, để tranh giành cho kỳ được những gì mà chúng ta nghĩ là bị cưỡng đoạt chiếm hữu thì việc tranh đấu cho sự do nầy sẽ bị lạm dụng, và dễ biến thành tự do của kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu, tự do của một quốc gia mạnh đànÕáp một quốc gia yếu. Và, người mạnh, hay quốc gia mạnh, ngỡ rằng mình chiếm đoạt được tự do, nhưng thật sự bị trói buộc bởi phiền não vì hành động bất chánh, phục vụ cho cái tham vọng của mình.
Người con Phật tích cực tranh đấu cho tự do, nhưng quan niệm rằng cuộc tranh đấu này không được chế tác bằng hận thù, mà trái lại được hướng dẫn và thực hiện bằng tình thương và sự hiểu biết. Chỉ có tình thương và sự hiểu biết, do tiếp xúc và cảm thông mới có thể giải thoát cho mình và cho chúng sanh, khỏi sự trói buộc của phiền não gây nên bởi si tham sân hận. Như vậy, tự do, theo quan niệm nhà Phật, là thương yêu và hiểu biết, là an nhiên tự tại, là Niết Bàn tịch tịnh. Vì quan niệm tự do như vậy, cho nên đối với chế độ bất công, tàn ác, dựa vào tiền tài, quyền thế, chính trị, bạo lực và bom đạn, để đàn áp tôn giáo, để khống chế nhân dân, Phật giáo vẫn giữ truyền thống cố hữu là tranh đấu mãnh liệt và kiên trì, bằng từ bi và trí tuệ. Theo tinh thần nầy, cho dù chùa chiền có bị đấp phá, hủy diệt, tăng sĩ bị đàn áp, sát hại, nhưng tinh thần không bạo động bất khuất và an nhiên tự tại để chuyển hóa nhân tâm của người con Phật không vì vậy mà thay đổi.
Người con Phật thấy rõ hơn ai hết, cái gông cùm xiềng xích trói buộc con người không phải là những luật lệ khắc nghiệt của các vua chúa độc tài, áp bức, mà cái gông cùm xiềng xích trói buộc con người chính là phiền não do si tham sân hận gây ra. Chỉ có từ bi và trí tuệ mới có thể chặt đứt những gông cùm xiềng xích này. Như vậy, kẻ thù của chúng ta không phải là con người, không phải là muôn loài vạn vật, mà kẻ thù của chúng ta chính là ngã mạn, là hận thù, là ích kỷ, là tham lam. Loại kẻ thù nầy chỉ khuất phục nếu chúng ta biết tranh đấu trong tư thế an nhiên tự tại, và trí tuệ.
Như vậy truyền thống nầy có từ thời Đức Phật còn tại thế cho đến ngày nay, và đã trở thành truyền thống hiếu đạo trong lòng dân tộc Việt Nam nói riêng và các dân tộc theo truyền thống Phật Giáo Đại Thừa nói chung. Tuy nhiên người đời sau nhất là tuổi trẻ trong một xã hội văn minh vật chất cứ thắc mắc:
- Truyền thống có thật không, có quá mê tín dị đoan không?
Lẽ tất nhiên chúng ta có quyền thắc mắc. Về vấn đề nầy, đứng trên phương diện tu và học đạo chúng tôi xin chia xẻ đến đại chúng một vài ý nghỉ thô thiển. Trước hết chúng ta phải có một sự tin tưởng về vấn đề cầu nguyện, bởi vì cầu nguyện là truyền thống của các tôn giáo nói chung và Phật Giáo nói riêng. Nương theo tinh thần nầy mà người Phật Tử chúng ta cũng có truyền thống cầu nguyện, trong sự cầu nguyện đó, nếu là người quá cố thì gọi là Cầu Siêu, và cho người hiện tiền được tai qua nạn khỏi, nghiệp chướng tiêu trừ thì gọi là Cầu An.
Chúng ta phải hiểu rằng, cầu nguyện có nghĩa là đem năng lực của nhiều người cộng lại để hồi hướng có thể cho một người, một gia đình, một cộng đồng, một tổ chức, hay lớn hơn nữa là một quê hương đất nước.
Sự cầu nguyện có một ý nghĩa rất là mầu nhiệm rất là sâu xa, nếu chúng ta biết ý nghĩa, biết học hỏi, biết thực tập, thì ý nghĩa cầu nguyện như một sự tu học, một công trình tích lũy công đức và hồi hướng, không những nó không mang tính cách tín ngưỡng thuần tuý, mà nó còn mang một ý nghĩa của tình thương và sự tụ hội tích luỹ tình thương để hồi hướng năng lực thương yêu đó đến cho người còn, kẻ mất, người xa, kẻ gần. Từ cá nhân, đến gia đình, cho đến tập thể được an vui.
Sự cầu nguyện có một linh ứng, lợi ích rất là sâu xa, nếu người cầu nguyện, có tâm trong sạch, có cảm nghỉ trong sạch, có cái lợi đọc tụng khởi sướng trong sạch, có nghĩa là người cầu nguyện tự nơi chính bản thân của mình, từ lời nói, ý nghĩ của mình đều trong sạch, và càng nhiều người bao nhiêu, thì sự trong sạch đó càng tạo thêm một năng lực, năng lực đó có thể hồi hướng cho bất cứ ai. Người chết mà chưa siêu thì được siêu thoát về cõi lành, người sống bị đau ốm bị tai nạn thì có thể nhẹ và lành bệnh, tai qua nạn khỏi.
Khi chúng ta hiểu, và chúng ta có kinh nghiệm thì sự cầu nguyện như là một phép lạ, như là một nguyên tắc làm cho chúng ta có nhiều niềm vui, hạnh phúc và làm cho những người đang vương mắc, đang đau khổ cởi bỏ sự vướng mắt đau khổ đó, và an vui. Do vậy, một khi quyết tâm cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy năng lượng của sức mạnh ý chí và cầu nguyện, nếu một người có giới đức thanh tịnh, một người có thiền quán, khả năng cầu nguyện của người đó chia sẻ với những người bệnh, người đang bị tai nạn. Cũng vậy sự cầu nguyện của một người có giới đức thanh tịnh nhờ vậy mà người được nhận sự hồi hướng lành bệnh. Người không siêu thoát cũng được siêu thoát. Người bị tai nạn nghiệp, báo oan gia chửa hoài không lành thì được lành. Cho nên thế lực của sự cầu nguyện rất lớn đối với một người tu hành, năng lực đó nó càng lớn hơn là đối với đại chúng. Nghĩa là đại chúng đó có nhiều thầy, nhiều phật tử cư sĩ tại gia có sức tu học. Một khi người nào cũng đều có sự thanh tịnh, người nào cũng có đức từ bi, người nào cũng có đức hiếu sinh, thì sự cầu nguyện đó đều có thể cảm động đến những vong thức vô hình và chuyển hoá những niềm đau nổi khổ của những người chưa có được siêu được siêu thoát, một cách rất là dễ dàng.
Tiếng tụng kinh lạ lùng lắm, có những ngôi chùa, tăng ni đông đảo người bệnh chỉ nằm trong căn phòng nghe các ôn các thầy tụng kinh. Nghe xong là lành bệnh chứ không cần chửa thuốc thang gì hết. Bởi vì khi nghe tiếng tụng kinh là thức dậy cả một linh hồn, thức dậy cả những sự mê muội. Thức dậy tất cả những năng lực, ngủ chìm trong con người mang thân năm ấm. Và khi thức dậy rồi tự nhiên những tế bào bộ phân trong cơ thể tự chửa lấy và bình an tức là chữa bệnh bằng cảm giác, bằng âm thanh. Và những cách chữa bệnh nầy là những bệnh nan y, mà đối với các vị tu hành đạo cao đức trọng đều có thể chửa được bằng nặng lượng tu hành. Ðó là lý do vì sao mà mỗi khi cầu siêu cho người qua đời hay cầu an cho người còn, người bị bệnh, bị tai nạn, thường tới những chỗ chư tăng tu tập, tới những đạo tràng thanh tịnh, tới những tu viện, bởi vì người ta nghỉ rằng những người tu là những  người có nhiều năng lực cho nên có thể chuyển hoá được những nghiệp chướng trầm kha của những người bệnh, và những người chết cũng nhờ năng lượng đó mà được siêu thoát. Ðiều nầy đức Phật đã nói rõ ở trong kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn như sau:
- Chúng sanh nào mà gặp những tai bay hoạ gởi, chỉ cần tâm thành niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm thì người đó sẽ được như ý nguyện.
            Như vậy cầu nguyện có nghĩa là tâm ý của chúng ta hướng tới một mục tiêu đó là mang tới cho người nào đó một sự trọn lành. Người có lòng thương thì lòng thương càng lớn thêm, người có trí tuệ thì trí tuệ càng sâu thêm, và đạo hạnh mình có sự tươi mát thì sự tươi mát đó trở nên sâu sắc hơn, lớn hơn kỳ vị hơn.
Như chúng ta đã hiểu, cầu nguyện là chúng ta dùng năng lượng đó cho người kia, ban cho nguời kia, đọc tên tuổi người kia làm cho họ được thừa hưởng như một món quà tinh thần. Do đó người nào có:
- Giới Thanh Tịnh:
Là những người không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm... không làm những điều xấu ác gọi là giới thanh tịnh.
- Ðức Thanh Tịnh:
Là người đó, trong cuộc sống hằng ngày nói những cái lời dễ thương. Lời xây dựng lời mà không tác hại đến ai, không làm đau khổ đến người khác dù cho một cảm giác nhỏ, người đó được gọi là đức thanh tịnh, đây là nói đến con người có lòng từ bi. Khi nói ra điều gì là lợi ích của người khác, và không vì lợi dưỡng và cá tình hẹp hòi của mình để làm cho người khác đau khổ bằng lời nói gọi là đức thanh tịnh.
- Tánh Thanh Tịnh:
Tức là người đó thường ngày ngồi thiền, lễ phật làm điều lành tránh điều dữ và thường ngày có hành trì công phu bái sám thì người đó có tánh thanh tịnh, hiển lộ được Phật tánh.
Người nào mà có giới thanh tịnh, đức thanh tịnh, tánh thanh tịnh, thì người đó đều có thể cầu nguyện cho bất cứ người nào, và người được cầu nguyện đó cũng đều thừa hưởng rất là lớn. Vì vậy một lời cầu nguyện của đức Phật, của chư tổ, của các vị tăng tu hành tinh tấn nó có tác dụng rất lớn cho những người nghe và cho những thân nhân mà mình muốn quý thầy hồi hướng.
Về giới thanh tịnh, đức thanh tịnh, và tánh thanh tịnh chúng ta có thể hiểu một cách rộng rãi hơn, như việc cúng dường trai tăng, việc cúng dường tịnh tài, việc bảo trợ Chùa để phát triển mỗi ngày lớn hơn, làm cho đạo tràng ngày càng thêm khang trang để nhiều người về có chỗ tu tập, tụng kinh bái sám, tất cả những cái đó gọi là làm phước, cúng dường. Và người nào biết cúng dường cũng có trong phần gọi là giới thanh tịnh, tức là người có tâm ngưỡng mộ phật pháp cho nên cúng dường. Ðức thanh tịnh vì hiểu được Phật pháp cho nên sống dễ thương và hiền lành, và tánh thanh tịnh, nếu chúng ta biết tu thiền, biết quán chiếu, theo sự chỉ dẫn của các Thầy, trong các khoá tu và trong những khi tu tập hằng ngày thì có tánh thanh tịnh.
Nói tóm lại, việc tu tập, và nguyện cầu, không những chúng ta tu tập cho chúng ta, cầu nguyện cho chúng ta, làm cho chúng ta an ổn hạnh phúc mà chúng ta còn đem năng lực đó cho vợ, cho chồng, cho con, cho cha mẹ, cho người còn kẻ mất, người xa kẻ gần đều được lợi lạc. Vì vậy cầu nguyện là một phép tu, cầu nguyện là một sự tích tụ năng lực, cầu nguyện là một nguyện tắc tất cả các giới bình dân trí thức đều thực tập được hết. Vì chúng ta không hiểu ý nghĩa nầy, cho nên có nhiều người cho rằng:
- Tụng kinh cầu nguyện, cầu siêu, cầu an, cúng sao giải hạn có tính cách tín ngưỡng thuần tuý, và có tính cách thiếu khoa học.
Kỳ thực khi mà chúng ta chưa có cảm ứng được, chưa có thấy được những năng lực của sự cầu nguyện thì chúng ta coi đó như là những việc làm không tưởng, mê tín dị đoan. Nhưng khi hiểu một cách sâu sắc rồi thì chúng ta sẽ thấy việc cầu nguyện cũng là một phương pháp thiền quán, cầu nguyện là cái phép lạ ở trong các tôn giáo, và cầu nguyện là một phương phép rất là giản dị rất là bình thường mà bất cứ người có học, người không có học, người sang kẻ hèn, người trí thức, đều có thể làm được điều đó cho bản thân, cho thân nhân mình, cho quyến thuộc của mình, cho người còn kẻ mất đều được lợi lạc. Ðó là lý do tại sao người Phật Tử chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào ngày rằm tháng bảy, ngày xá tội vong nhân là sự thực chứ không phải việc làm mê tín dị đoan như có người đã từng nói.
Khi chúng ta cũng đã hiểu và coi ngày Vu Lan là ngày báo hiếu, là ngày cởi trói cho những người bị tội treo ngược, thì vấn đề khác được đặc ra là theo tinh thần báo hiếu theo đạo Phật, bổn phận của một người con thảo chúng ta phải hành xử như thế nào?
Trước hết, lòng hiếu thảo phải được thể hiện bằng lòng thương kính và biết ơn chân thành ông bà, cha mẹ. Và lòng thương kính và biết ơn này phải được thực hiện trong lúc ông bà, cha mẹ còn sống, cũng như sau khi ông bà, cha mẹ qua đời. Tuy nhiên, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ không phải chỉ được thể hiện trong việc chăm nom săn sóc cha mẹ và phụng dưỡng đầy đủ vật chất cho cha mẹ. Người con hiếu thảo còn phải tạo điều kiện thuận lợi để cho cha mẹ tu học, để cho cha mẹ có được đời sống an lạc, mà muốn tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ tu học, thì chính người con phải tinh tấn tu học, phải thật sự có an lạc khi tiếp xúc với cha mẹ.
Khi ông bà cha mẹ quá vãng, thì lòng hiếu thảo không bao giờ được thể hiện bằng hình thức cúng vái rườm rà. Người con hiếu thảo không khóc than, kể lể thảm thiết, mà trái lại, phải cố gắng giữ tâm thanh tịnh để nguyện cầu cho cha mẹ được siêu sanh Phật quốc.
Trong ngày cúng giỗ ông bà, cha mẹ, thì con cháu tề tựu lại, nếu có bạn bè đến cũng tốt, những chỉ nên cúng đơn giản với nhang đèn, hoa quả và thức ăn chay thanh đạm. Trong khi chúng ta lạy Ông Bà Cha Mẹ thì chúng ta thấy nơi chúng ta có ông bà cha mẹ tâm linh và huyết thống, chúng ta cảm nhận được sự trao truyền và tiếp nối từÕ tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta và con cháu. Trong khi lạy, chúng ta không tìm cách đề cao ông bà cha mẹ, mà thương kính ông bà cha mẹ vì những đức tánh cao quí, đồng thời cũng thương kính ông bà cha mẹ với những khiếm khuyết của ông bà cha mẹ. Lễ lạy như vậy thì lòng chúng ta mới được thanh tịnh, không khí gia đình trong ngày giỗ được bao trùm bởi tình thương, sự hiểu biết và niềm an lạc.
Người con Phật vẫn quan niệm cái vô hậu là cái bất hiếu lớn. Nhưng quan niệm về vô hậu của Phật giáo khác hẳn quan niệm vô hậu của Nho giáo.
Trước hết, người con Phật không phân biệt con trai hay con gái. Có con trai hay con gái đều là có hậu như nhau. Chẳng những không chấp nhận câu:
- Nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô.
Nghĩa là:
- Cho dù là chỉ một người con trai thôi thì gia đình đó vẫn được coi là có hậu, trong khi đó trong gia đình tuy có cả mười cô con gái không có con trai cũng vẫn được coi là vô hậu.   
Ngoài ra người phật tử chúng ta cũng không tán thành lời khuyên răn có tánh cách giới hạn người con gái trong công việc thêu thùa, canh cửi, bếp núp việc nhà. Đành rằng con trai có khả năng hơn con gái trong những lãnh vực nào đó, nhưng người con gái cũng có khả năng mềm dịu, nhu hòa hơn, và do vậy cũng phải được đứng ngang hàng với con trai, và được đối xử y như con trai. Người con Phật quan niệm rằng:
- Chẳng những chúng ta được liên kết chặt chẽ với tổ tiên, ông bà cha mẹ và con cháu, mà chúng ta còn hòa đồng với muôn loài và vạn vật. Trong sự liên kết chặt chẽ và sự hòa đồng này có sự trao truyền và tiếp nối những đức tánh cao quý, đồng thời với những tánh hư tật xấu. Người có hậu là người biết trau dồi những đức tánh cao quý được tiếp nhận để trao truyền lại cho con cháu những đức tánh này.
Do vậy, người có nhiều con mà bê tha rượu chè là người vô hậu. Người không có con, mà biết trao dồi đức hạnh, biết bảo vệ môi sinh là người có hậu. Từ khuynh hướng nầy chúng ta thấy có một số quan niệm, những người tu không có gia đình, không có con là bất hiếu với dòng họ ông bà tổ tiên là không đúng. Bởi vì, tuy là một vị Thầy không có gia đình, không có con, nhưng khi tiếp nhận giáo lý giải thoát của đức Phật, tu học thanh tịnh và trao truyền lại giáo lý này cho chúng sanh vạn loại, đồng thời thu nhận nhiều đệ tử biết tiếp nhận giáo lý giải thoát và trao truyền giáo lý này cho nhiều thế hệ thì vị Thầy đó có hậu, và có hiếu. Nhưng chúng ta cũng có thể nói một Thầy không có con tức vô hậu là khi vị Thầy này chỉ tiếp nhận giáo lý giải thoát của chư Phật, tiếp nhận sự cúng dường của bá tánh, mà không trao truyền giáo lý giải thoát cho chúng sanh vạn loại để đền ơn chư Phật và đền ơn bá tánh. Theo quan niệm Phật giáo, vị Thầy này bất hiếu.
Ngoài ra, người con Phật phải luôn luôn nhớ rằng đạo hiếu theo lời dạy của đức Phật không phải chỉ giới hạn trong lòng thương kính và phụng thờ ông bà cha mẹ, mà đạo hiếu cần được thể hiện bằng sự đền đáp bốn ơn sâu nặng:
- Ân cha mẹ,
- Ân chúng sanh,
- Ân Tổ Quốc và
- Ân Tam Bảo.
Bốn ân sâu rộng này không thể nào đền đáp được, nếu không chịu tu học, không biết sống bằng tình thương và sự hiểu biết. Bốn ân sâu rộng này chỉ có thể đền đáp được nếu chúng ta xóa bỏ hận thù, dẹp đi mọi kỳ thị tôn giáo, chủng tộc.
Do đó, theo thiển ý thì không có sự báo hiếu nào cao đẹp bằng sự cúng dường lên đấng Từ Tôn lòng cởi mở, cảm thông và hòa đồng của người con Phật với tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, để từ sự cởi mở cảm thông này mà thấy lòng chúng ta hòa đồng vào muôn loài vạn vật trong ánh đạo vàng của đấng Từ Tôn.
Như có lần chúng tôi nói về mùa Vu Lan, khi nói đến lòng hiếu thảo là chúng ta nghĩ ngay đến Thầy đại hiếu Mục Kiền Liên, để rồi thương kính Thầy và thương kính Ông Bà Cha Mẹ. Khi quán chiếu nghĩa cử cao đẹp của Thầy Mục Kiền Liên, chúng ta sẽ thấy hình bóng của một Tăng sĩ trầm lặng an nhiên, tuy là chúng ta không có diễm phúc ở thời kỳ của Thầy Mục Kiền Liên để thấy Thầy bôn ba khắp nơi để cung thỉnh cho được mười thanh tịnh tăng tập trung cầu nguyện cho mẹ Thầy, nhưng chúng ta cũng đã lắng nghe những tâm tư những nguyện vọng sâu xa từ trái tim của Thầy như một thông điệp, một bài pháp mầu nhiệm. Bài pháp mầu nhiệm này là cảnh tượng mà trong đó mẹ của Thầy đang đói khát dước cõi A Tỳ Địa Ngục, và Ngài đem cơm dâng cho mẹ. 
Như vậy, sự tích của tôn giả Mục Kiền Liên là một gương quí nhắc nhở chúng ta vun bồi lòng hiếu thảo của mình, đừng để lòng hiếu thảo bị các thứ khác làm vẩn đục, làm cho mù quáng, mà đánh mất đi.
Trong xã hội từ xưa cũng như ngày nay, có những người con rất có hiếu với cha mẹ, nhưng khi chung đụng với xã hội, gặp hoàn cảnh không tốt, ít thân cận bạn hiền, bị tác động bởi sự xấu xa nên khi trở về nhà, cha mẹ nói không nghe, anh chị khuyên bảo không chịu, lại còn cãi lại, cha không hiểu chi, mẹ không biết chi, còn mình đây mới hiểu, mới sáng suốt, mới có học. Đó là một thái độ thiếu cảnh tỉnh nên bất hiếu.
Do đó, cho nên ai có gần gũi bạn lành, lo tinh tấn tu niệm thì mới trở thành nhũng người con có hiếu. Trong Kinh Trường A Hàm, đức Phật có chỉ cho chúng ta cách báo hiếu tốt nhất là: Nếu gia đình nào có những người con mà biết bố thí, biết ái ngữ, biết lợi hành và biết đồng sự thì cha mẹ mới nhận được sự hiếu kính của con. Nếu người con nào không biết bố thí, không biết ái ngữ, không biết lợi hành và không biết đồng sự thì cha mẹ không hưởng được sự hiếu kính của con.
a- Bố Thí.
Kinh A Hàm dạy người hiếu kính cha mẹ là người biết tu hạnh Bố thí. Người biết bố thí thì luôn luôn đem tâm hoan hỷ bố thí cho mọi người, dù chỉ là một nụ cười, một cử chỉ cung kính. Nụ cười ấy, cử chỉ cung kính ấy, sự dịu dàng ấy, cách ăn nói ôn hòa ấy là của mình, nhưng nếu mình không làm, không thể hiện là không có bố thí. Khi mình làm và thể hiện thì sẽ đem an vui đến cho mọi người, chứ không nhất thiết phải hạn cuộc ở bố thí tiền bạc. Đôi lúc một nụ cười khiến cho người ta tiêu tan đau khổ, trong khi mình đem một túi tiền cho họ chưa chắc họ đã hết đau khổ. Như vậy, người con biết bố thí thì cha mẹ mới hưởng được sự hiếu kính của con, còn nếu con chỉ biết quí tiền của, xan tham, chỉ muốn bòn rút của cha mẹ, thì chắc chắn cha mẹ không hưởng được sự hiếu kính của con. Nếu vì tâm bỏn xẻn, anh em giành nhau, nghi nhau, không có tâm bố thí thì cha mẹ sẽ không hưởng được sự ích lợi từ con cái. Và ngược lại, con cái có tâm bố thí thì sẽ đem lại an lạc cho cha mẹ. Đó là lợi ích của bố thí.
b- Ái Ngữ.
Ái ngữ là một điều hết sức cần thiết, nó cũng rất dễ làm mà cũng rất khó làm. Ái ngữ là nói dịu dàng, thân ái. Có người cho rằng: Lời nói dịu dàng có chi đâu mà khó làm. Thế nhưng khó vô cùng, nếu không tu không thể nói ái ngữ được. Do đó, đối với cha mẹ, ta phải dùng ái ngữ, nếu không sẽ trở thành bất hiếu.
c- Lợi Hành.
Lợi hành là làm việc lợi ích. Khoan nói lợi ích cho xóm làng, cho xã hội mà nói lợi ích cho mình, cho gia đình mình. Có những người con coi việc gia đình mình như việc ai đâu, không liên quan đến mình, không thèm sờ tay tới, thậm chí như bưng chén nước chén cơm cho cha già mẹ yếu cũng không hề làm tới. Đó là những việc lợi hành mà không làm, không làm như vậy thì cha mẹ làm sao hưởng được sự hiếu kính của con!
d- Đồng Sự.
Cùng làm chung với nhau, cùng làm lụng đồng sự với nhau, gây cảm tình thương yêu vui vẻ lẫn nhau, còn không thì không làm sao gây tình cảm hiếu kính với cha mẹ được.
Cho nên Phật dạy một cách thấm thía rằng:
- Người nào biết Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự thì cha mẹ mới hưởng được sự hiếu kính của người con.
Như vậy, báo hiếu cha mẹ bằng cách biết công ơn cha mẹ sâu dày như non cao bể cả, mà tiền nhân của chúng ta đã nhắc tới. Tiền nhân chúng ta nói thiết tha lắm. Nhưng báo hiếu cha mẹ bằng hình thức chưa đủ mà còn phải báo hiếu bằng tinh thần. Trong kinh đức Phật dạy rằng:
- Cha mẹ chưa an trú trong Chánh Pháp, làm sao giúp đỡ, dắt dẫn cha mẹ an trú trong Chánh Pháp, cha mẹ chưa an trú trong điều Lành thì làm sao cho cha mẹ an trú trong điều Lành, cha mẹ chưa Quy y Tam Bảo thì nên đưa cha mẹ an trú trong Quy y Tam Bảo.
Làm được như vậy, cha mẹ không những hưởng được phúc lạc vật chất bên ngoài mà còn hưởng được phúc lạc trong tâm hồn, giải thoát bớt phiền trược, xa lánh được thế gian chấp trước, vọng tưởng luân hồi sanh tử, mà đức Phật đã nhắc nhở. Khi cha mẹ giải thoát, an vui thì sự báo hiếu của người con mới thành tựu. Nên cổ đức có câu:
- Phụ mẫu đắc ly trần,
Hiếu đạo phương thành tựu
Nghĩa là:
- Cha mẹ được giải thoát, lìa khỏi trần ai
Thì người con mới tròn hiếu đạo.
Nói tóm lại, ngày Vu Lan là ngày của Phật tử đền ơn đáp nghĩa bằng cách đến chùa cầu thỉnh chư Tăng sau ba tháng an cư thanh tịnh, chú nguyện, hồi hướng công đức về cho tiền nhân của mình, cho vong nhân của mình, ngoài ra tự bản thân, chính chúng ta cũng phải thành tâm chí kính, niệm Phật, tụng Kinh, lạy Phật, cúng đường Tam Bảo, cúng dường chư tăng tự tứ, để cầu mong sự chú nguyện của Chư Tăng cho tiên vong của mình thoát khỏi cảnh đọa đày tăm tối của địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh, đồng thời cầu nguyện cho tất cả người khác cũng thoát khỏi tội khổ đau cùng cực như Tôn giả Mục Kiền Liên đã làm khi cứu mẹ mà siêu sanh lạc quốc. Đó mới tạm gọi là con hiếu, là người Phật tử thuần hành trong mùa báo hiếu vậy.
 
Ghi Chú:
(*) trong ngũ nhãn là nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhã và Phật nhãn
 
--o0o--