TẬP SAN DƯỢC SƯ

Ý Nghĩa Phật Đản
Minh Triều
--o0o--

 

            Đọc lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng ta thấy Đức Phật ra đời bằng hình hài xương thịt như bao người ở trần gian, nên Ngài cũng vui buồn, băn khoăn, thao thức... nhưng có điều hơi khác với chúng ta là Ngài mang trong lòng một thao thức lớn, đó là mong muốn làm sao cho tất cả chúng sanh hết khổ, diệt tận khổ đau. Nỗi niềm này đã có từ thuở bé và lớn dần theo năm tháng, nên Ngài đã khước từ đời sống vương giả, ngôi vị... để khoác chiếc áo hoại sắc, quyết tâm tu hành cứu khổ muôn loài.
Mặc dầu Đức Bổn Sư Thích Ca đã nhập Niết Bàn cách đây 26 thế kỷ, nhưng mỗi năm cứ vào ngày trăng tròn tháng tư, toàn thể Phật giáo đồ trên thế giới đều hân hoan làm lễ kỷ niệm ngày  bậc cứu thế ra đời.
Thông thường khi nói đến sự hiện diện của Đức Phật trên cõi đời này người ta gọi là: Đản Sanh, Giáng Sanh, hay Thị Hiện.
- Đản Sanh: Sự ra đời làm hân hoan sáng lạn.
- Giáng Sanh: Bậc Thánh từ cõi cao quý sanh xuống nhân gian.
- Thị Hiện: Bậc Thánh tùy trường hợp hiện ra hóa độ chúng sanh hữu duyên.
Ngoài ra ngày Phật Đản còn gọi là ngày Khánh Đản, có nghĩa là ngày tươi sáng, vui mừng.
Tuy tên gọi khác nhau, song những từ trên đây đều có cùng một ý nghĩa chỉ cho ngày Đức Phật ra đời.
Theo phật lịch của chúng ta hiện nay thì Đức Phật Đản Sanh vào năm 624 trước Tây lịch. Quê hương của Ngài là một vùng đất với những cánh đồng có những cây Sa La sừng sững. Phía Bắc là dãy núi Hy Mã Lạp Sơn với đỉnh núi quanh năm tuyết phủ. Phụ vương Ngài là vua Tịnh Phạn đang trị vì vùng đất này và mẫu hậu là hoàng hậu Maya. Thủ phủ của vùng đất này là thành Ca Tỳ La Vệ, thuộc miền bắc Ấn Độ, ngày nay là xứ Népal.
Xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ đang có sự phân chia giai cấp trầm trọng như Bà La Môn và Sát Đế Lợi nắm trọn quyền hành trong nước về văn hóa, học thuật, chính trị... còn hai giai cấp Phệ Xá và Thủ Đà La phải phục tùng theo mệnh lệnh hai giai cấp trên, cho nên họ tha thiết trông ngóng một vị cứu tinh giúp họ thoát khỏi vòng kiềm tỏa khổ đau này. Bồ Tát Hộ Minh từ cung trời Đâu Suất vì lòng bi nguyện muốn san bằng những hố thẳm đau thương nên sau ngày vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Maya khai đàn thiết tha cầu tự, thấy hợp với nguyện lực giáng sanh nên Bồ Tát đã giáng xuống trần.
 Đêm hôm đó, trong giấc ngủ Hoàng hậu mơ thấy voi trắng sáu ngà từ trên không sa  xuống và ẩn vào hông phải. Sáng hôm sau, Hoàng hậu đem điềm chiêm bao đó tâu lên đức Vua, đức Vua liền mời các vị bốc sư đoán mộng, những vị này đều đoán là Hoàng hậu sẽ sanh ra một hoàng nam tài đức song toàn.
Dự đoán tốt đẹp ấy đã trở thành sự thật. Sau đó, Hoàng hậu hạ sanh một thái tử khôi ngô tuấn tú thần thái tinh anh rất đặc biệt.
Theo tập tục nước Ấn Độ thời bấy giờ người phụ nữ khi sắp sanh phải trở về quê mẹ, để được mẹ săn sóc. Hoàng hậu cũng thế khi sắp sanh đã trở về quê song thân ở Devadaha để sanh con, thế nhưng mới đi cách thành Ca Tỳ La Vệ khoảng 15 km, Hoàng hậu thấy cảnh trí vườn Lâm Tỳ Ni thoáng, đẹp nên vào đó nghỉ mệt, khi Hoàng hậu bước chậm chậm về phía cây vô ưu có tàng lá sum suê, lòng thấy nhẹ nhàng nên đưa tay nâng đóa hoa vô ưu thì liền đó hạ sanh Thái tử.
Theo các Kinh điển kể lại việc Đản sanh của Đức Phật như sau:
Kinh Thụy Ứng nói:
- Ngày mồng 8 tháng 4 trong lúc sao mai vừa mọc trời bổng dưng bừng sáng, Ðức Phật từ hông phải xuất sinh, khi vừa sinh ra liền đi 7 bước trên 7 đóa hoa sen và thanh thoát tuyên thuyết: Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn.
Kinh Nhân Quả nói:
- Bồ Tát khi sinh ra liền đứng trên hoa sen không cần nâng đỡ, giơ tay phải lên mà nói tiếng như sư tử hống: Ta đây là bậc tôn quý hơn hết trên cõi trời người. Kể từ nay cảnh sinh tử khôn lường sẽ đều dứt sạch. Bởi ta sinh ra cốt làm lợi ích cho chư thiên, cho loài người và cho số đông.
Lúc Thái tử sanh ra cảnh vật trong thành Ca Tỳ La Vệ đẹp lạ thường, trăm hoa đua nở, khí hậu ôn hòa, sông ngòi ao giếng nước tràn đầy, muôn chim đua nhau hót mừng. Mặt đất rung động hào quang trên không chiếu sáng khắp nơi. Tất cả đều hân hoan đón mừng Thái tử ra đời như đón chào đóa hoa Linh thoại ngàn năm mới nở một lần. Do vậy mà nhiều thơ ca đã ca ngợi Ngài:
- Bảy bước sen vàng nâng gót ngọc
Chín rồng phun nước tắm cho người.
            Chư Thiên rộn rịp niềm hoan lạc
Hoa lạ quý dâng đấng cứu đời.
Bảy bước chân ấy đã làm rung chuyển vũ trụ. Ngài đi 7 bước trên 7 đóa sen. Con số 7 hàm ý chỉ Phật Thích Ca là vị Phật thứ 7 trong số 7 Đức Phật nối tiếp nhau ra đời, bởi vì theo như trong Kinh có ghi chép, trong Hiền Kiếp nầy các đức Phật thứ tự ra đời như:
1- Phật Tỳ Bà Thi
2- Phật thi Khí
3- Phật Tỳ Xá Phù
4- Phật Câu Lưu Tôn
5- Phật Câu Na Hàm Mâu Ni
6- Phật Ca Diếp
7- Phật Thích Ca.
Theo tư tưởng Kinh Hoa Nghiêm toàn thể vũ trụ trên, dưới, trong, ngoài, phải, trái và chính giữa. Từ vật nhỏ như vi trần đến vật lớn như núi Tu di tất cả không ngoài con số 7. Con số 7 còn tượng trưng cho sự thành tựu sinh hóa cả vũ trụ. Nói về không gian là: Đông, tây, nam, bắc. Nói về thời gian là: quá khứ, hiện tại, vị lai. Ngay cả sự sống chết của con người như lập đàn Dược Sư Thất Bảo để cầu an, hay tổ chức thất trai tuần để cầu siêu. Vì thế con số 7 đã gắng liền ý nghĩa với sự hình thành và phát triển của nhân sinh và thế giới trong vũ trụ quan qua tầm nhìn Phật giáo.
 Hoa sen là loài hoa quý biểu thị cho sự thanh cao:
- Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Chân đứng trên hoa sen là biểu thị cho sự vô nhiễm. Đi trên hoa sen ý nói Ngài là người cao quý nhất trong đời, nó ăn khớp với câu:
- Duy ngã độc tôn.
Hình ảnh này tượng trưng cho tinh thần của đạo Phật là lời nói và việc làm phải đi đôi:
- Tri hành hợp nhất.
Chữ Ngã mà Ngài tự xưng ở đây không phải là bản ngã vô minh đen tối, mà ý nói trong vô minh đen tối có cái Ngã cao thượng cần làm cho sáng ra đó là Phật Tánh.
Đối với chữ ngã trong bối cảnh lịch sử Ấn Độ thời Phật Đản Sanh là một phạm trù vô cùng quan trọng giữa khi 62 học thuyết chấp ngã và vô ngã, giữa khi nhân lọai chấp thủ ngã và ngã sở bị chìm sâu vào vòng sanh tử khổ đau, thì chơn ngã là tiếng nói của bậc giác ngộ vào đời đem sự an lạc giải thoát cho muôn loài.
Trong câu:
- Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn.
Chữ độc tôn còn có nghĩa là chỉ ở cõi người này, con người mới có cơ hội thuận tiện nhất để tu tập đến giác ngộ giải thoát, vì ở địa ngục, ngạ quỷ thì đói khát khổ sở bức bách ép ngặt, còn cõi trời thì mãi hưởng sự vui sướng khoái lạc mà sao lãng việc tu tập. Cho nên sanh về cõi trời không phải là quý, quý nhất là có thân này, tuy là giả tạm, mượn các duyên mà hợp thành nhưng nhờ nó mà ta tu tập để bước lên cõi Thánh đầy hương hoa giải thoát nghĩa Độc tôn là vậy.
Là người con Phật, chúng ta phải hiểu một cách sâu sắc, ngày Phật Đản đi vào lòng người không phải chỉ những điềm lành khác lạ như chín rồng phun nước, thiên thần trổi nhạc, thiên nữ tán hoa... và sẽ chẳng ai nhớ làm gì nếu có một Thái tử Tất Đạt Đa với lung linh ngọc ngà vương miện, sống đời quý tộc bảo vệ ngai vàng. Mà hằng năm vào ngày trăng tròn tháng 4 của những năm tháng xa xưa, cả thế giới nhân loại, đồng nhất tâm cảm niệm qua thơ văn, tán dương ngày sinh của Phật, chính là kính mừng sự ra đời của một bậc siêu nhân mà về sau trở thành đấng Pháp Vương đã đem lợi ích, an lạc cho toàn thể chúng sanh trên cõi đời này.
Trong khi cử hành lễ Phật Đản, luôn luôn có một phút nhập Từ bi quán là để cho chúng ta tiếp nhận dòng suối tình thương của Phật. Khi đó bản thân chúng ta là Từ bi, không khí chung quanh là Từ bi, niệm phát khởi đều do Từ bi thúc đẩy, chính lúc này là lúc chúng ta quay trở về với chơn tâm thanh tịnh của chính mình.
Nói tóm lại, ngày Phật Đản rất có ý nghĩa an lạc trong cuộc sống nhân sinh, đã giúp cho hàng triệu con tim biết thương yêu nhau, biết sống đời cao đẹp. Đồng một dạ chí thành hướng về Đức Phật phát lời thệ nguyện, nguyện noi gương Đức Phật, nguyện vì hạnh phúc và an lạc cho chúng sanh mà không nài khó nhọc. Chính vì vậy mà chúng ta đã làm sống lại sự kiện lịch sử của 2630 năm về trước, để tự trong tâm của mọi người cũng có một vị Phật Đản Sanh, và từng bước từng bước nở hoa sen.
--o0o--