TẬP SAN DƯỢC SƯ

Na Tiên Tỳ Kheo
& Các Triết Gia Hy Lạp
Tác Giả: Daisaku Ikeda
Dịch Giả: Trần Ðức Phi Bằng
(tiếp theo TSDS số 023)
--o0o--
 
A- Vua Di Lan Ðà
Trong Kinh Milindapanha(Na Tiên Tỳ Kheo), chúng ta được biết là Chư Tăng thực sự nghiêm túc muốn tìm một người có đủ khả năng tranh luận với vua Milinda.
Lúc nầy là lúc Ngài Nagasena (Na Tiên)xuất hiện. Tương truyền Ngài sinh cùng ngày với một con voi khổng lồ nên được đặt tên là Nagasena. Naga chỉ cho voi, một con vật rất được tôn kính ở Ấn Ðộ. Tên Nagasena nói lên ý nghĩa Milinda là vua của quốc gia, Nagasena là vua của tư tưởng.
Theo bản Kinh, Ngài Na Tiên sinh trưởng trong một gia đình Bà La Môn, từ tuổi thơ ấu đã có một tinh thần ham học. Ngài tinh thông ba Kinh Phệ Ðà(Veda)khi còn là một cậu bé, nhưng về sau, tuyên bố rằng các Kinh điển nầy đều vô nghĩa, rồi xuất gia theo Phật Giáo. Không bao lâu sau, vị tu sĩ trẻ tuổi nầy nổi danh trên khắp nước Ấn Ðộ và tiếng tăm của Ngài lọt đến tai vua Milinda đang ở tại thủ đô Shakala(Sa Kiệt La)
Và điều không thể tránh là hai người đi vào một cuộc chân tranh. Trước khi bắt đầu cuộc tranh luận, chúng ta có thể giả thuyết rằng Ngài Na Tiên đã chuẩn bị cho những việc có thể xảy ra, bảo đảm rằng mình đã sẵn sàng cho cuộc tranh luận, vì Ngài biết rằng tiếng tăm của cộng đồng Phật Giáo tùy thuộc vào Ngài.
Ðối thủ của Ngài là một nhà chinh phục đến từ nước ngoài. Nếu người nầy chỉ thuần túy là một nhà chính trị và quân sự, công việc của Ngài sẽ không có gì khó khăn.  Nhưng đối thủ của Ngài cũng là một người tột đỉnh thông minh, thấm nhuần học thuật và văn hóa Tây phương. Và sự đối đầu giữa hai người trong thực tế cũng là sự đối đầu giữa Ðông Phương và Tây Phương. Nếu Nagasena thua cuộc, chẳng những tiếng tăm của riêng Ngài bị sụp đổ, mà có thể nó còn kéo theo sự sụp đổ lòng tin Phật Giáo.
Chúng ta không nghi ngờ Ngài Nagasena về lòng tin hoàn toàn của Ngài vào sự lớn lao của Chánh Pháp, tuy nhiên Ngài cũng cần phải có một sự can đảm để gánh vác cuộc tranh luận. Khi trình bày với thầy mình là Ngài Rohana, chúng ta được nghe lại lời Ngài:
- Chẳng những một mình vua Milinda, vị vua đáng kính, mà hãy mời tất cả những vị vua trong nước Ấn Ðộ, đến và đặt câu hỏi, và con sẽ đập vỡ và giải quyết mọi vấn đề khó giải quyết.
Sau khi Ngài Na Tiên đi vào kinh đô Shakala (Sa Kiệt La), bản Kinh ghi lại như sau:
- Ngài là lãnh tụ của một Giáo đoàn; người lãnh đạo của một khối tín đồ; vị thầy của một trường phái; tiếng tăm và danh vọng, được người kính mến. Ngài cũng là người học rộng, thông minh, lịch lãm, thánh thiện, và tài ba; là một nhà thuyết minh thiện xảo, tính tình ôn nhu, nhưng đầy can đảm; rành về phong tục, thông suốt ba tạng Kinh điển, và uyên bác về Phệ Ðà. Ngài sở đắc trí tuệ cao tột của Phật Pháp, hiểu biết mọi giáo lý của các trường phái, và lãnh hội được nhiều lối phân biện để có thể giải thích những vấn đề khó hiểu nhất. Ngài hiểu biết tường tận giáo pháp của chín trường phái Phật Giáo, và thấu rõ ngang nhau cả về mặt tinh thần và văn tự. Có thiên phú về khả năng ứng đáp mau lẹ và về nhiều phương diện, ngôn ngữ phong phú, ngôn từ văn hoá, khó có người nào sánh kịp Ngài, huống lại hơn Ngài, khó tìm được một người có thể đối đáp, địch lại, hay thắng được Ngài. Ngài điềm tỉnh như chiều sâu của biển cả, bất động như núi chúa; chiến thắng những điều ác, đẩy lui mọi tối tăm và đem đến ánh sáng; là nhà đại hùng biện, là người làm run rẩy đệ tử của các vị thầy khác, và là người nghiền nát môn đồ của những giáo thuyết đối nghịch.
Ðoạn Kinh còn tiếp tục theo một mạch như vậy, cách của người Ấn Ðộ bày tỏ lòng tôn kính tột cùng. Có thể đoạn Kinh được những người đời sau thêm vào để nhấn mạnh đến phẩm cách của Ngài Nagasena, nhưng chúng ta cũng có thể coi đoạn Kinh như là một diễn tả khái quát mẫu người truyền bá Phật Pháp lý tưởng. Tuy nhiên, bản Kinh cũng cho chúng ta biết rằng cuối cùng Nagasena đã tranh luận thắng vị vua tiếng tăm và cũng là đại biểu của tinh thần Hy Lạp, thì thấy rằng đoạn Kinh trên không phải là một sự thổi phồng quá đáng.
Nếu chúng ta quan sát những câu hỏi của vua với Ngài Nagasena và những câu đối đáp của Ngài, chúng ta thấy rằng Ngài có sức trầm tĩnh và nhặm lẹ cao tột. Dù những câu hỏi kia hầu hết mọi người đều cảm thấy bị dồn ép vào câu trả lời, Ngài đã trả lời bằng một phép loại suy thiện xảo và những lý lẽ vững chắc theo một đường lối đặc biệt. Chúng tôi trưng dẫn ra đây một đoạn nói về sự hiện hữu thật sự của Ðức Phật.
- Thưa Ngài Nagasena, Ngài có từng thấy Ðức Phật không?
- Thưa Ðại Vương không!
- Thế thì các vị thầy của Ngài có thấy Ðức Phật không?
- Thưa Ðại vương không!
- Thế thì, thưa Ngài Nagasena, không có Ðức Phật!
Ðến chỗ nầy, chúng ta tự hỏi làm sao chúng ta có thể đáp lại lý luận nầy. Ðối phương của chúng ta là một người Hy Lạp và là một người thực tiễn, muốn một chứng minh có nền tảng trên kinh nghiệm cụ thể. Bằng chứng nào trong lịch sử Phật Giáo có thể chứng minh rõ ràng sự hiện hữu của Ðức Thích Ca Mâu Ni, chúng ta tự hỏi. Nhưng Ngài Nagasena đã đi theo một phương cách khác.
- Nhưng thưa Ðại vương, Ngài có từng thấy sông Uha(U Há) trong núi Hymalaya(Hi Mã Lạp Sơn) không?
- Thưa Ngài không.
- Hoặc là cha Ngài có thấy con sông đó không?
- Thưa Ngài không.
- Như vậy, thưa Ðại vương, phải chăng là không có con sông đó?
- Thật có con sông đó. Mặc dù tôi và cha tôi không thấy con sông đó, tuy vậy nó vẫn có đó.
- Thế thì, thưa Ðại vương, mặc dù tôi và các vị thầy của tôi không thấy được Ðấng Ðại Từ, tuy nhiên Ngài đã hiện hữu.
- Hay lắm, thưa Ngài Nagasena!
Bằng cách đó, Ngài Nagasena đã chiến thắng vua Milinda trong cuộc tranh luận về sự hiện hữu của Ðức Thích Ca Mâu Ni. Cuộc vấn đáp phản phất tính chất của những sự đối đáp người ta thường thấy trong văn học Thiền hay chỉ bày ra một trò chơi chữ. Hơn nữa, tùy theo cách thế người ta nhìn vào, cuộc đối thoại trên có thể được coi như một sự phê phán gợi ý và bóng gió sâu sắc về toàn bộ khái niệm về hiện hữu của người Tây Phương. Phương pháp trả lời của Ngài Nagasena với vua Milinda là nêu ra một loạt những câu trả lời của chính Ngài, mà khi nhà vua trả lời những câu hỏi đó, điều không thể tránh và một cách tự nhiên là đưa nhà vua bước dần đến quan điểm của Ngài Nagasena. Ðiều nầy, đối với tôi, dường như là một biểu lộ của minh triết Ðông Phương. Chúng ta được biết rằng, thời bấy giờ, Ngài Nagasena được coi như ngang hàng với Ngài Xá Lợi Phất(Shariputra) về trí tuệ.
Lấy giòng sông Uha làm đối tượng so sánh dường như có một ý hướng đặc biệt. Nhiều con sông ở Ấn Ðộ có nguồn phát xuất từ trong núi Hy Mã Lạp, mở rộng ra khi xuống thấp, mang phù sa cho đồng bằng trước khi cuộn vào biển cả. Cũng như vậy, giáo pháp của Ðức Thích Ca Mâu Ni, phát xuất từ quá khứ xa xôi, đến thời đại của Ngài Nagasena đã truyền rộng khắp nước, làm phong phú cho tâm linh người Ấn Ðộ. Ðức Thích Ca Mâu Ni đã qua đời từ nhiều trăm năm về trước, nhưng tôn giáo Ngài xây dựng đã trở nên thịnh đạt là bằng chứng về sự tồn tại và sự cao cả của Ngài.
Những học giả Tây phương hiện đại cũng đặt câu hỏi về sự có thật của Ðức Thích Ca Mâu Ni, và chúng ta không ngạc nhiên rằng ở vào thời kỳ xa xưa đã có những người như vua Milinda nghi vấn như vậy. Nhà vua đặt nền tảng sự tranh luận trên tiền đề rằng chỉ khi nào được một người chính mắt nhìn thấy và chính tay rờ thấy thì một sự kiện mới là có thật. Một sự mệnh danh là đúng, dù có thể có những tác động trong thời gian được dùng làm khí cụ xác quyết quan điểm của một người, sự mệnh danh đó trong tự thể cũng là sai lầm. Tuy nhiên, có nhiều sự kiện mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy, hay xúc chạm, nhưng vẫn hiện hữu trong thực tế, và hoàn toàn thích đáng khi chúng ta tin vào sự  hiện hữu của chúng.
Ngài Nagasena, để chứng tỏ sự nông cạn của phương pháp lý luận mà vua Milinda xử dụng phương pháp (episteme), đã phá vỡ phương pháp lý luận đó.
Như thường được nêu ra, có một số phương pháp suy tư đối với người Ðông phương thì rất tự nhiên nhưng thật là khó hiểu đối với người Tây phương. Sự kiện hai triết gia lớn của Ðông phương và Tây phương, Ngài Nagasena và vua Milinda, đi vào một cuộc tranh luận thẳng thắn và cởi mở là một sự kiện rất đáng lưu ý. Do đó, chúng ta không lấy làm lạ tại sao các nhà sử học của cả Ðông Phương và Tây Phương lưu tâm đến quyển Kinh Milindapanha.
Cuốn Kinh đặc biệt có giá trị trong việc cho chúng ta biết những giáo lý đặc biệt của Phật Giáo mà người Hy Lạp thích nhất và đôi khi làm cho họ khó hiểu nhất, và trình bày cách thức của người Phật Giáo giải thích những giáo pháp nầy cho những người không quen thuộc với chúng. Trong đoạn Kinh sau đây, về việc nhà vua hỏi Ngài Nagasena về nghiệp, sự tái sinh, và không có một linh hồn trường cửu, chúng ta được đọc:
Vua hỏi:
- Thưa Ngài Nagasena, tái sinh là gì?
Danh và sắc tái sinh.
Có phải cùng một danh và sắc nầy tái sinh?
Không; nhưng do danh và sắc nầy, nghiệp được tạo ra. Nghiệp thiện và nghiệp ác và do các nghiệp nầy, một danh và sắc khác được tạo ra.
Nếu như thế, thưa Ngài, cái hiện hữu mới sẽ không thể rời khỏi nghiệp ác của nó phải không?
Ngài Nagasena trả lời:
- Vâng, nếu nó không tái sinh. Nhưng bởi vì nó tái sinh, nên thưa Ðại vương, nó không thể tách khỏi nghiệp ác.
Ở đây, Ngài Nagasena giải thích về vấn đề không có một linh hồn thường tồn và vĩnh cửu. Danh và sắc chính là tâm và thân, cái tạo nên con người trong một đời sống, khác với tâm và thân mà y có trở lại sau khi tái sinh và một đời sống khác. Ngài cũng nêu ra rằng chính nghiệp, sự tích tập của những hành động tốt và xấu trong một cuộc sống tựu thành một sức mạnh tạo nên sự tái sinh.
Triết học Phật Giáo dạy rằng các chúng sinh được tạo thành do năm thành tố (năm uẩn). Một trong năm thành tố nầy là Shiki hay Sắc, chỉ cho vật chất hay yếu tố xác thịt. Bốn thành tố khác là thọ, tưởng, hành và thức chỉ cho yếu tố tinh thần. Bởi vì năm thành tố nầy tập hợp nhau để tạo ra con người trong những cuộc sống nối tiếp, không có một thực thể hay linh hồn vĩnh viễn trong con người.
Chúng ta thấy rằng nghiệp được tạo ra do một người trong một cuộc sống là nguyên nhân làm cho năm yếu tố tập hợp nhau để trở lại để tựu thành một con người trong cuộc sống kế tiếp. Suy tư về những câu trả lời của Ngài Nagasena trong đoạn Kinh trên, chúng ta có thể thấy rằng hai hiện sinh trong hai đời sống không phải đồng nhất cũng không phải là không đồng nhất. Tư tưởng Ấn Ðộ thường dùng những khái niệm như vậy, được diễn tả bằng những ngôn từ dường như đối nghịch hay mâu thuẩn. Chúng ta phải hiểu khái niệm về đồng nhất nầy là đồng thời với bất đồng nhất nếu chúng ta muốn hiểu quan điểm Phật Giáo về tái sinh hay luân hồi và sự bác bỏ quan niệm về một linh hồn trường cửu. Dĩ nhiên chúng ta cũng phải hiểu khái niệm về nghiệp, tác nhân tạo ra động năng cho sự tái sinh.
Khi được hiểu thấu đáo, những giáo lý về luân hồi của Phật Giáo đem đến cho chúng ta một ý nghĩa vô cùng tốt đẹp, ngay cả ngày nay. Ngược lại, giáo lý về linh hồn hay một thực thể vĩnh cửu trong con người qua tiến trình luân hồi dường như quá cứng nhắc và mang nhiều mâu thuẫn.
Ngài Nagasena tiếp tục đưa ra nhiều chứng minh để làm sáng tỏ cho nhà vua sự liên hệ giữa một hữu thể trong cuộc sống trước với hữu thể trong cuộc sống sau qua sức mạnh của nghiệp. Cuối cùng, Ngài thành công trong việc thuyết phục nhà vua chấp nhận chân lý trong Phật Pháp. Những đoạn Kinh trên cho chúng ta thấy cách thức người Phật Tử xử dụng phương pháp luận thuyết hùng hồn và đầy tính chất luận lý như được xử dụng trong triết học Hy Lạp để làm sáng tỏ và bảo vệ Giáo Pháp của mình.
Sau khi vua Milinda và Ngài Nagasena kết thúc hai cuộc tranh luận dài và sâu sắc về triết lý Phật Giáo, chúng ta đọc thấy đoạn Kinh sau đây:
- Tất cả các câu hỏi của nhà vua đều được Na Tiên ứng đáp rành rẽ và mau lẹ, cho nên ông hết sức hài lòng. Ông liền truyền mở kho lấy ra một cây gấm đáng giá mười vạn đồng dâng cúng cho Na Tiên và bạch rằng:
- Bạch Ðại Ðức, từ nay về sau, trẫm nguyện cúng dường tám trăm đại đức sa môn ngay tại cung điện nầy. Chư đại đức cần dùng những gì thì xin cứ tùy thích, của trong kho có sẳn.(theo bản dịch G.S. Cao Hữu Ðính).
Và khi Ngài Nagasena từ chối, bảo rằng Ngài có đủ để sống, vị vua nói:
- Trẫm vẫn biết như vậy. Nhưng đại đức nên tự bảo vệ và đồng thời bảo vệ luôn cho trẫm nữa. Vì sao vậy? Vì nếu đại đức từ khước thì e dư luận sẽ cho rằng, một là trẫm là người keo lẫn, được đại đức dạy bảo và cởi mở hết mọi hoài nghi thắc mắc mà không chịu đền ơn; hai là đại đức không đủ sức giải đáp các thắc mắc của trẫm nên trẫm không ban thưởng gì hết. Ngược lại, nếu đại đức không từ khước thì điều đó khiến trẫm được phước mà chính đại đức cũng vẹn toàn tiếng thơm.(theo bản dịch G.S. Cao Hữu Ðính)
Ngài Nagasena trả lời:
- Thế thì xin vưng lãnh ý đại vương.
Sau khi họ từ giả, Ngài Nagasena trở về căn lều của Ngài. Hai người đều nghĩ đến cuộc tranh luận và đều cảm thấy vui với những kết quả đạt được. Cả hai đều kết luận rằng nhà vua đã hỏi những câu hỏi hay ho và nhà tu sĩ đã đáp lại bằng những câu trả lời thích đáng. Cũng nên ghi nhận ở đây rằng vị vua không phải vui vì những câu hỏi thông minh hay sắc sảo của mình, cũng không phải Ngài Nagasena vui vì sự sâu sắc và hùng biện mà Ngài đạt được khi trả lời những câu hỏi khó khăn của vị vua. Niềm vui của hai người nằm ở chỗ họ đã để ra ngoài những thành kiến và cảm tình cá nhân để có một tinh thần nghiêm chỉnh trong việc tìm cầu chân lý. Ðiều nầy nói nhiều với chúng ta về ý nghĩa của lòng thành khẩn và tính chất của một sự đối thoại chân chính.
B- Cuộc Tranh Luận Của Những Nhà Hiền Triết Và Của Những Bậc Vua Chúa.
Trước khi khởi sự cuộc tranh luận lịch sử với vua Milinda, Ngài Nagasena đầu tiên xác định vị thế mà họ sẽ đứng trên đó, như được ghi lại trong đoạn Kinh sau đây, nhà vua nói:
- Thưa Ðại Ðức, ngài sẽ tranh luận với tôi chăng?
- Nếu Bệ Hạ sẽ tranh luận như một hiền giả, tôi sẽ tuân theo, còn nếu Bệ hạ tranh luận như một vị vương giả, tôi sẽ không tuân theo.
- Những người hiền giả tranh luận như thế nào?
- Khi những người hiền giả tranh luận về một vấn đề, mục đích là để giải quyết, làm sáng tỏ vấn đề; khi một trong hai người thấy sự sai sót của mình, liền thừa nhận là mình sai lầm; những khác biệt và trái nghịch được vạch ra; và vì vậy họ không sân hận. Thưa Ðức Vua, những nhà hiền giả tranh luận như vậy.
- Và các vị vua chúa thì tranh luận như thế nào?
- Thưa Bệ hạ, khi một vị vương giả tranh luận một vấn đề, vị vương giả đặt trước một quan điểm, nếu ai trái ngược lại quan điểm ấy, người ấy có thể bị trừng phạt. Thưa Bệ hạ, các bậc vương giả tranh luận như vậy.
- Hay lắm, Tôi sẽ tranh luận trên cương vị một hiền giả, không trên cương vị một vương giả. Xin Ngài hãy đối thoại một cách thoải mái như Ngài nói chuyện với anh em, hay với một người sơ học, hay với một người đệ tử tại gia, hoặc ngay cả như đối với một người tôi tớ. Xin Ngài đừng ngại!
- Thưa Bệ Hạ, thế thì tốt lắm Ngài Nagasena nói.
Ngài Nagasena muốn bảo đảm ngay từ đầu rằng những vị thế triết lý và thẩm quyền chính trị cần được phân biệt một cách rõ ràng. Những người nắm trong tay quyền lực chính trị thường có khuynh hướng muốn áp đặt quan điểm của họ lên người khác dựa vào quyền hành của họ, nếu thất bại, họ sẽ dùng áp lực để ép đối phương quy phục. Nhưng cách thế nầy không bao giờ có thể đưa đến chỗ mở bày chân lý và không thể được gọi là một chân tranh triết lý hay cuộc tranh luận của người minh triết. Trong thực tế, nó cũng không phải là cách thế đúng cho những vị vua chúa, bởi vì một sự tán đồng do bị ép buộc không phát xuất từ con tim và vô giá trị.
Các học giả Phật Giáo thường đề cập đến đoạn Kinh nầy như là một điển hình của tinh thần tự do ngôn luận và thẩm vấn. Người ta thường có khuynh hướng nghĩ rằng sự tự do ngôn luận là một lý tưởng của chế độ dân chủ chỉ được nhận thức rõ ràng ở Châu Âu trong những kỷ nguyên gần đây. Nhưng như chúng ta thấy, ở Ấn Ðộ thời xa xưa đã có một diễn đàn cho sự trao đổi tự do về tư tưởng. Chúng ta không chối cải là do ở tính khí của người Ấn Ðộ, với sự sùng kính lý tưởng về dharma(Pháp) hay sự công chính, nhưng ý niệm nầy được đẩy mạnh với sự toả rộng của tư tưởng Phật Giáo.
Bản Kinh ghi lại tất cả 262 câu hỏi do vua Milinda và Ngài Nagasena nêu ra. Chúng ta cũng được cho biết rằng có một số câu hỏi không được ghi lại. Toàn bộ là 304 câu.
Ngài Nagasena trả lời một cách rõ ràng, chính xác, và hoàn toàn thích hợp từng câu hỏi của vua Milinda, và khi kết thúc một phần, Ngài đưa ra một câu hỏi, và nhà vua đều trả lời: Ngài nói đúng. Thưa Ngài Nagasena, tôi nhận chân được đúng điều Ngài muốn nói. Theo chiều hướng nầy, người đọc được đưa đi từng bước từng bước qua nhiều phương diện của tín ngưỡng Ðạo Phật, cho đến khi nhận chân ra là mình đã sở đắc được những chân lý sâu xa và nền tảng nhất của Ðạo Phật.
Vì vậy, cuốn Kinh được coi như một dẫn lối vào Ðạo Phật, và được phái Theravada(Phật Giáo Nguyên Thủy) dùng làm tài liệu học hỏi của chư Tăng. Có thể với những mục đích như vậy, nhà sưu tập(hay những nhà sưu tập) đã gom chung thành một tập ghi chép về cuộc chân tranh.
Theo bản Kinh, cuối cùng vị vua tràn trề niềm vui, mọi nghi ngờ về Ba Ngôi Báu Phật, Pháp và Tăng được giải quyết. Không còn kiêu hãnh và ngạo mạn, nhà vua đạt được sự trong sạch cao cả của niềm tin. Nhà vua trở nên một tín đồ Phật Giáo tại gia và cúng dường một ngôi chùa đặt tên là Milinda. Thêm nữa, chúng ta được nghe kể rằng, về cuối đời, nhà vua truyền ngôi cho con trai rồi xuất gia, chứng quả A La Hán.
Ðây là thời kỳ chuyển tiếp khi Phật Giáo Ðại Thừa, với sự nhấn mạnh vào vai trò quan trọng của người Phật tử tại gia, vươn mình ở Ấn Ðộ, và có thể với ảnh hưởng của Ðại Thừa, tinh thần phá chấp, một tinh thần năng động và xông pha, tìm đường cho sự tựu thành những con người đổi mới trong niềm tin, phản ảnh qua toàn bản Kinh mà chúng ta vừa thảo luận. Chắc chắn tư tưởng Ngài Nagasena, xuyên qua tinh thần đả phá thành tựu trong việc biến cải một vị vua, có liên quan trực tiếp với tinh thần của những tín đồ Ðại Thừa về sau. Và cuộc tranh luận giữa hai triết gia Ðông phương và Tây phương tiêu biểu cho một sự đối chất công cộng về tín ngưỡng. Như vậy chúng ta có thể thấy rằng vào thế kỷ thứ hai trước Tây Lịch, Ðạo Phật đã có một ảnh hưởng lớn lao vào thế giới Hy Lạp ở phương Tây.
Trong chương kế tiếp, tôi sẽ xin cống hiến khảo cứu về tính chất của sự ảnh hưởng nầy một cách chi tiết hơn, cũng như thảo luận về sự phát triển của Ðạo Phật về Phương Nam đến Tích Lan và Miến Ðiện, và về Phương Ðông đến Trung Hoa.
--o0o--