TẬP SAN DƯỢC SƯ

Nghệ Thuật Làm Đẹp
Thông Trí
--o0o--
 
Nghệ thuật làm đẹp, hay nói cho đủ là Nghệ Thuật Làm Đẹp Cuộc Đời. Muốn làm đẹp cuộc đời thì chúng ta trước phải làm đẹp bản thân của chúng ta trước.
Thường thường trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, ít nhiều gì chúng ta cũng phải đối diện với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống, vì vậy rất có thể tâm tánh tốt, và hạnh nghiệp lương thiện của chúng ta ít nhiều cũng bị bào mòn bởi điều kiện sống của xã hội, và do vậy chúng ta cứ theo đà đó mà tuột dốc và cuối cùng trở thành một con người phàm phu thật sự. Để nhắc nhở chúng ta nhớ lại những bản nguyện hạnh nghiệp kiếp sống nguyên thủy, Đức Phật đã từng dạy rằng:
- Mỗi con người chúng ta ai cũng đều có khả năng hiểu biết trọn vẹn về đời sống và vũ trụ, và chỉ vì vô minh mà chúng ta đã không biết về khả năng này.
Quả thật như vậy, chúng ta vì mù quáng nên sanh tâm phân biệt. Vì những ý nghĩ tán loạn, vì lòng tham dục, cho nên đã quên chân tánh thanh tịnh của mình. Ðó là lý do chúng ta đã gây ra cho mình nhiều đau khổ. Do vậy Ðức Phật dạy chúng ta phải biết về chính mình, về những nghiệp: Thân, miệng, ý thì chúng ta mới có đủ tư lương để khôi phục trí huệ nguyên thủy của chính mình.
Khi tâm trí không còn những ý nghĩ phân biệt, và những tham muốn thì lúc đó chúng ta sẽ đối xử với chúng nhau một cách đúng đắn. Như vậy chúng ta có thể sống hòa hợp với người khác và thành công trong mọi việc. Trong chiều hướng nầy, Ðức Phật cứ luôn luôn khuyến khích chúng ta phải tinh tấn tu tập. Ý định chính yếu của ngài là giúp chúng ta giải trừ vô minh và ái dục. Nhiều người trong số chúng ta cứ luôn thắc mắc:
- Làm thế nào để chúng ta buôn bỏ ái dục.
Theo quan điểm tu Bồ Tát Đạo, là chúng ta phải thực hành Sáu Ba La Mật đó là:
- Bố thí
- Trì giới
- Nhẩn nhục
- Tinh tấn
- Thiền định
- Trí
Sáu Ba La Mật tức sáu hạnh hoàn hảo, nhưng nếu chúng ta thu gọn Sáu Ba La Mật lại làm một, thì chúng ta thấy chỉ còn có một hạnh duy nhất đó là hạnh bố thí. Bố thí có nghĩa là cho, theo như tất cả mọi người chúng ta ai cũng hiểu, bố thí có ba cách đó là:
- Bố thí của
- Bố thí pháp
- Bố thí không sợ hải ...
Tuy nhiên ở đây chúng ta không cần phải làm lớn chuyện như vậy mà chúng ta chỉ biết một nghĩa đơn giản bố thí là buông bỏ, bởi vì:
- Nếu có thể buông bỏ được tham, sân, si, và kiêu ngạo, thì chúng ta sẽ luôn luôn an trụ trong tâm thanh tịnh.
- Nếu có thể buông bỏ được mọi phân biệt, phiền não, và tham muốn, chúng ta sẽ đạt an tĩnh, giải thoát, khỏe mạnh và trường thọ.
- Nếu có thể buông bỏ mọi ý kiến riêng biệt để cùng nhau làm việc vì lợi ích cho mọi người, thì chúng ta sẽ đạt sự hòa hợp với người khác, sự hòa hợp trong xã hội, và rốt cuộc đạt được hòa bình thế giới.
Vậy, chúng ta có thể thấy rằng việc tu tập, chính yếu giáo lý của Ðức Phật không có gì cao xa diệu vợi mà chính là sự bố thí, chính là  hành động buông bỏ. Đó là cách, hay đó là nghệ thuật mà chúng ta làm đẹp cuộc đời.Õ
Khi Ðức Phật còn tại thế, ngài không những chỉ dùng ngôn từ để dạy đạo mà còn làm gương để chúng sanh noi theo. Ngài buông bỏ mọi ái dục, mọi thú vui trần tục, mọi danh vọng và của cải để sống đời sống của người xuất gia. Ngài sống một đời sống đơn sơ, thân tâm thanh tịnh, và an lạc. Với cách sống nầy, người đời cho rằng lối sống như vậy là một sự khổ hạnh, nhưng đó là do họ không hiểu biết. Người hiểu biết sẽ có ý kiến khác, vì với trí huệ họ sẽ thấy rằng cuộc đời của Ðức Phật là sự giải thoát, an lạc và thành tựu thực sự. Ðức Phật không còn vọng tưởng, phân biệt, chấp thủ, hay phiền não. Ngài thật sự sống một cuộc sống an nhiên, tự tại! Ngài hòa hợp với mọi hoàn cảnh và biểu lộ trí huệ trong mọi ý nghĩ và hành vi để hướng dẫn chúng sanh ở thế gian này.
Như vậy, chư Phật sống đời sống trí huệ, còn phàm phu thì sống đời sống phiền não. Theo quan điểm nầy, giáo lý của Ðức Phật cho chúng ta thấy rằng, nếu cương quyết thực hành thì chúng ta cũng có thể chuyển đời sống phiền não thành đời sống trí huệ, đồng thời cũng có thể khôi phục trí huệ ban đầu và cũng như những khả năng sẳn có của chúng ta để đạt hạnh phúc và thịnh vượng đích thực. Ðây chính là nền giáo dục của Ðức Phật.
Ðể đạt mục tiêu này, chúng ta phải tu sửa cho tâm trí được thanh tịnh. Trong xã hội ngày nay, những chướng ngại lớn nhất đối với lớp người lớn tuổi là tập khí nặng nề từ nhiều đời nhiều kiếp. Đối với lớp người trẻ là truyền hình, truyền thanh, và báo chí. Bởi vì tất cả những thứ này đều chứa những nội dung có thể gây ô nhiễm cho tâm trí. Do vậy, khi nào tâm trí của chúng ta thoát khỏi những nguyên nhân tạo nên những phiền não vô dụng này, thì lúc đó chúng ta sẽ sống mỗi ngày trong an lạc và hạnh phúc, và như vậy tâm trí của chúng ta sẽ đạt trở lại trạng thái thanh tịnh. Với tâm trong sáng, chúng ta sẽ nhìn thấy sự vật rõ ràng hơn và sâu xa hơn người khác, bởi vì tâm ổn định chính là tâm trí huệ. Ðiều then chốt trong việc tu tập giáo lý của Ðức Phật là đạt được tâm ổn định, hay tâm thanh tịnh là điều quan trọng nhất. Theo Kinh Vô Lượng Thọ dạy rằng:
- Nếu chúng ta muốn gây dựng sự thanh tịnh, bình đẳng, và giác ngộ thì chúng ta phải luôn nghĩ nhớ tới Phật A Di Ðà.
Sở dĩ trong kinh dạy như vậy là vì Phật A Di ÐàÕlà tự tánh thanh tịnh, bình đẳng, và giác ngộ. Cho nên, chúng ta niệm danh Phật A Di Ðà là tự nhắc nhở mình về những phẩm tính thanh tịnh này. Như vậy việc thực hành giáo lý này sẽ giúp chúng ta thiết lập tri kiến thanh tịnh và đúng đắn. Trong khi đó pháp Chánh Tri Kiến trong Tám Chánh Đạo là chìa khóa để chúng ta mở cánh cửa Phật Pháp, được dùng để dẫn chúng ta vào giáo lý của Ðức Phật.
Chúng ta học và thực hành giáo lý của Ðức Phật là để sửa chữa những quan điểm, ý nghĩ, và hành vi sai lầm của chúng ta. Ða số Phật tử có khả năng thực hành phương pháp này, nhưng đây là một hành trình lâu dài, giống như đi tới trường học để học qua các lớp tiểu học, trung học, và đại học. Học xong lớp nào thì chỉ đạt lợi ích của riêng lớp đó.
Như chúng ta đã biết, theo tinh thần của pháp Môn:
- Thiền Tịnh Song Hành.
Là chú trọng việc gây dựng tâm thanh tịnh, và qua phương pháp thực hành giáo lý thanh tịnh, mọi người thuộc mọi khả năng, dù thông minh hay kém thông minh đều có thể thực hành và thành tựu tâm thanh tịnh trong việc tu tập theo phương pháp của pháp môn này.
Về mặt tu tập, pháp môn Nhị Lực dạy chúng ta tu luyện sự thanh tịnh tâm trí, tránh xa ô trược. Bởi vì hiện tại chúng ta đang sống trong trần gian tức là nhà bụi, do vậy không ít thì nhiều chúng ta cũng phải dính bụi. Bây giờ đây chúng ta biết và nghe theo lời Phật dạy, cho nên chúng ta phải làm sao cố gắng thực hành lời Phật dạy, để tuy là chúng ta đang sống ở trong cuộc đời ô trược nhưng lại không nhiễm ô trược. Tất nhiên, đối với đa số người với trạng thái này rất khó đạt được, nhưng đạt được mới gọi là tài.
Trí tuệ đích thực chỉ phát xuất từ sự thanh tịnh của tâm trí, vì vậy, trí tuệ mà giáo lý của Ðức Phật nói tới thì không thể đạt được chỉ bằng việc đọc và nghiên cứu kinh sách mà phải thực hành sâu rộng miệt mài mới có, trong khi đó trí tuệ mà chúng ta đạt được bằng cách đọc sách và nghiên cứu thì chỉ là trí thức thế gian chứ không phải là chân trí huệ.
Õ         Trí huệ đích thực để phụng sự cho nhân loại, làm đẹp cho cuộc đời chính là công năng của chân tánh. Chân tánh của chúng ta bao gồm:
- Trí huệ vô lượng, tức là một tâm hồn bao dung vô bờ bến. Loại trí tuệ nầy chỉ lo phục vụ cho chúng sanh nhân loại.  
- Đức hạnh và quyền năng, tức bi, trí và dũng.
Những phẩm tính này có ở trong chân tính của mỗi người chúng ta. Chúng ta cần phải biết cách làm cho những phẩm tính này hiển lộ.
Từ ngữ Chân Tánh đó là cách nói khác của từ ngữ Phật Tánh. Mà Phật Tánh chính là Phật là Thanh Tịnh, Bình Ðẳng, và Giác Ngộ, do vậy mà trong giáo lý của Ðức Phật có thể được tóm tắt một cách đơn giản qua mười khía cạnh như sau:
01- Chân Thành với người khác,
02- Thanh Tịnh trong tâm,
03- Bình Ðẳng trong mọi vật,
04- Tri Kiến đúng đắn về cuộc đời và vũ trụ vạn vật,
05- Từ Bi giúp đỡ người khác một cách khôn ngoan, vô tư, và vô điều kiện,
06- Nhìn Thấu lý vô thường
07- Buông Bỏ mọi vọng niệm và tham dục
08- Ðạt Tự Do nơi thân và tâm  
09- Hòa Hợp với mọi hoàn cảnh
10- Quán Niệm Phật A Di Ðà, làm theo lời dạy của ngài và nguyện vãng sanh Tịnh Ðộ.Õ
Trong mười điều tóm tắc ở trên, chúng ta thấy năm điều đầu tiên là tâm của Phật và là đức hạnh của chân tánh của chúng ta. Hiện tại chúng ta không thể biểu lộ trọn vẹn những phẩm tính này, vì thiếu tu tập năm điều sau. Do vậy muốn biểu lộ và thực hiện năm điều trên một cách trọn vẹn, chúng ta cần phải tinh tấn tu luyện để làm biểu lộ những đức hạnh của Phật tánh bên trong mỗi người chúng ta.Õ
Mục tiêu tối thượng trong việc tu học Phật Giáo là sự đạt đến giác ngộ viên mãn. Vì thế nếu có lúc trong mọi lãnh vực của đời sống, chư Phật, Bồ Tát là khuôn mẫu là hình ảnh để cho chúng ta noi theo, thì chúng ta là đệ tử của Ðức Phật có thể là tấm gương sáng cho người khác cho cuộc đời. Cho nên nếu là Phật Tử tại gia thì chúng ta nên làm điểm tựa cho con cái, cho những người bạn khác đạo nương tực học hỏi, đừng để những người ngoại đạo, hay người thân chúng ta làm người chỉ đạo cho mình. Còn đối với tăng đoàn cũng vậy, dầu cho bất đồng ý kiến như thế nào đi nữa cũng đừng có ẩu đả với nhau trước mặt mọi người, để rồi các Phật Tử phải đứng ra can thiệp hòa giải thì ê mặt ê mày.
Có thể nói rằng những gia đình nào thực hành lời dạy của Ðức Phật, và có thể hành xử một cách xứng đáng với vai trò khuôn mẫu cho tất cả những gia đình khác, thì gia đình đó mới thật sự là đệ tử của đức Phật. Đối với tự thân, một người sống trong một gia đình, thì việc siêng năng, chăm chỉ, hạnh kiểm, nết na sức khỏe của chính mình là tấm gương cho các thành viên trong gia đình. Khi đã làm đệ tử của Đức Phật, thì trong việc làm hay công việc kinh doanh, chúng ta cũng có thể trở thành khuôn mẫu cho các đồng nghiệp. Vì vậy có thể nói việc đến Chùa, tu học và hành trì theo lời Phật dạy, đó là một thói quen tốt nhất. Một cá nhân có được những cư xử tốt như vậy là một cá nhân toàn hảo, một gia đình biết cư cư xử với trí huệ hoàn hảo là gia đình hạnh phúc, may mắn và mãn nguyện nhất thế giới.
Một trong những phương cách chỉnh đốn tự thân, và làm đẹp cuộc đời, theo trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ có đề cập ba điều kiện nền móng căn bản. Một khi ba điều kiện căn bản được thực tập hoàn hảo, tức khắc chúng ta sẽ có trí huệ, cơ duyên, và đức hạnh hoàn hảo.
a- Ðiều kiện thứ nhất bao gồm bốn pháp dựa trên luân lý của loài người:
1- Hiếu kính cha mẹ
2- Tôn kính thầy và các bậc trưởng thượng
3- Từ bi không sát sinh
4- Làm Mười Ðiều Lành.
b- Điều kiện thứ nhì bao gồm ba pháp tu luyện bản thân:
1.- Quy Y Tam Bảo
2- Gìn giữ các giới đã thọ
3- Có hành vi đúng đắn và nghiêm chỉnh.
c- Ðiều kiện thứ ba bao gồm pháp dựa trên các pháp thực hành của bậc Bồ Tát:
1- Phát Bồ Đề tâm.
2- Tin sâu giáo luật nhân quả,
3- Tụng niệm và đề cao kinh điển Ðại Thừa,
4- Khuyên người khác đi theo đường đạo Giác Ngộ.
Tất cả mười một pháp này đều thâm diệu và đầy ý nghĩa, và nên được thực hành trong đời sống hằng ngày, vì đây là nền móng của bốn mươi chín năm hoằng pháp của Ðức Phật.
Như chúng ta đã biết, điều kiện đầu tiên để chúng ta có trí tuệ và tạo được một cơ duyên hoàn hảo, là phải nói đến hạnh hiếu. Nói về hạnh hiếu, người Phật Tử Ðại Thừa, chúng ta thường nghe nhắc nhở nhiều đến Ngài Ðịa Tạng Bồ Tát, và như chúng ta đã biết Bồ Tát Ðịa Tạng tượng trưng cho sự hiếu kính. Do vậy ở đây chúng tôi xin được mạn phép đề cập một vài khía cạnh về Ngài Địa Tạng.
Địa là đất. Tạng là chứa. Như vậy đất là nguồn gốc sự sống của chúng sinh. Vì đất lớn nuôi dưỡng chúng sinh và là kho tàng chứa tất cả những gì quý báu, cho nên Ðức Phật lấy đất tượng trưng cho tâm địa của chúng ta. Chân tâm hay bản tánh của chúng ta gồm có trí huệ, đức hạnh, và tài năng vô tận. Vậy chúng ta nên biết cách khai mở kho tàng này để dùng những lợi ích của nó. Bồ Tát Ðịa Tạng dạy chúng ta có hiếu với cha mẹ và tôn kính các vị thầy, vì đó là chìa khóa mở cửa kho tàng chân tâm của mình.
Trong lãnh vực hiếu kính như chúng ta đã biết là rất rộng lớn. Cha mẹ của chúng ta đã biểu lộ tâm từ bi rất lớn khi các vị nuôi dưỡng và giáo dục chúng ta, vì vậy chúng ta không những phải phụng dưỡng các vị trong tuổi già mà còn phải chăm lo cho các vị được phúc lạc về mặt tâm trí và tinh thần. Ðó là thực hành đạo hiếu.
Về việc thực hành hiếu để, chúng ta nên hết sức cố gắng sống đúng theo ý nguyện của cha mẹ. Khi muốn một ngày nào đó chúng ta trở thành người tốt, thì chúng ta phải làm theo ý nguyện này, nếu không thì sẽ là những đứa con bất hiếu:
- Là một học sinh, đi học ở trường mà học kém là làm cho cha mẹ lo buồn, như vậy là không có hiếu. Hạnh kiểm xấu, không giữ gìn sức khỏe, không biết tôn kính thầy, hay không hòa hợp với người khác cũng là bất hiếu.
- Khi trưởng thành, sống trong xã hội mà chống đối cấp trên và bất hòa với đồng nghiệp, như vậy cũng là bất hiếu.
- Khi đi tu trên thì phạm thượng với Thầy dạy đạo của mình, dưới thì bất hòa trong huynh đệ đồng môn, ngoài thì gặp Phật tử đâu đâu cũng nổ cũng phang được, cũng bổ bán như vậy cũng là bất hiếu.
Từ những điều này, chúng ta thấy lãnh vực gây dựng lòng hiếu kính quả thật là rất rộng lớn, và toàn thể Phật Pháp thực sự chỉ giảng dạy sự bố thí tức là sự buông bỏ:
- Buông bỏ những, những tham sân si mạn, thói hư tật xấu ...
Và đạo hiếu, chính là sự kính trên nhường dưới, phục vụ cho chúng sanh không phân biệt.
Trong Phật giáo, lòng hiếu kính hoàn hảo chỉ được thành tựu khi người ta đắc Phật Quả Giác Ngộ Vô Thượng.
Ngày nay, con người đã bị ô nhiễm nặng trong từ trong tâm trí, ý nghĩ, cho đến thể xác, vì vậy mà nhiều căn bệnh kỳ lạ đã xuất hiện. Nguyên nhân của bệnh tật về tinh thần là sự nhiễm ô của tâm trí. Nếu thân thể và tâm trí trong sạch thì người ta sẽ không bị bệnh tật hay già lão. Không bệnh tật và già lão là hạnh phúc đích thực. Ðể đạt mục tiêu này, chúng ta chỉ cần phải học và tu tập theo giáo lý của Ðức Phật.
Thế giới ngày nay, khi thực phẩm đã bị ô nhiễm, thì chúng ta nên trưởng dưỡng lòng từ bi, vì từ bi là thuốc đối trị mọi loại chất độc. Tâm từ bi đích thực có thể hóa giải tất cả các loại độc chất. Do vậy mà Ðức Phật đã nói:
- Mọi vật đều do tâm tạo ra.
Vậy, tâm trí thanh tịnh, bình đẳng, và giác ngộ tự nhiên sẽ mang lại sức khỏe cho thân thể.
Nói tóm lại, muốn có một nghệ thuật sống, hay một nghệ thuật làm đẹp cuộc đời thì chúng ta phải biết mọi vận dụng mọi hoàn cảnh để thực hiện sự bố thí, tức là sự buông bỏ toàn diện, và hạnh hiếu cho tột cùng thì tức khắc chúng ta có đủ nghệ thuật làm đẹp cuộc đời. Để nuôi dưỡng tinh thần nầy, là người phật tử thực hành pháp môn nhị lực, chúng ta nên cố gắng tụng niệm sáng chiều, cho dù là trước tượng Phật, Bồ Tát hay bất kỳ nơi nào không có tượng Phật và Bồ Tát cũng vậy, chúng ta vẫn cứ coi như có sự hiện diện của chư Phật, Bồ Tát. Lúc đó chúng ta cứ chân thành phát nguyện và làm theo lời dạy của các ngài. Chúng ta phải hành trì như vậy, bởi vì trong thời Kinh buổi sáng là sự nhắc nhở, sách tấn chúng ta không quên giáo lý của Ðức Phật và hành xử đúng đắn trong ngày. Tụng niệm buổi tối là xem lại những hành vi trong ngày của chúng ta, để biết chúng có làm theo lời dạy của Ðức Phật hay không, đồng thời chúng ta cũng hồi hướng công đức đến pháp giới chúng sanh, để cho họ biết con đường đạo, và cũng tu đạo như chúng ta.
Cách hành trì nầy cho chúng ta biết, nếu chúng ta đã làm được như vậy, thì chúng ta có thể cố gắng nhiều hơn nữa trong những ngày sau, còn nếu không thì chúng ta cần phải sửa đổi bản thân mỗi ngày. Chỉ bằng cách thực hành như vậy, chúng ta cũng có thể đạt được lợi ích thực sự. Tụng niệm sáng tối là pháp tu tập căn bản trong việc hành trì Phật Pháp. Chúng ta cần phải nhắc nhở mình mỗi ngày, suy xét và tu sửa.
Để bổ túc cho việc hoàn thành nhân hạnh tốt đẹp, và là đệ tử của Ðức Phật, chúng ta cũng nên học theo hạnh Bồ Tát Di Lặc, mà ở Hoa Kỳ gọi là:
- Người Trung Hoa Hạnh Phúc.
Bồ Tát Di Lặc tượng trưng cho những điều kiện căn bản nhất cần phải có để trở thành một Phật tử, đó là một khuôn mặt tươi cười, để nói lên hạnh hoan hỷ tuyệt vời, và một tấm lòng bao dung, được tượng trưng bằng cái bụng lớn của ngài. Tất cả những bức tranh và những bức tượng Phật có mục đích nhắc nhở chúng ta về những lời dạy của chư Phật, Bồ Tát chứ không phải là những pho tượng để thờ phụng không có ý nghĩa. Phật Hạnh Phúc dạy chúng ta phát tâm vô phân biệt và an lạc để có thể đi vào Phật Ðạo.
Giáo lý của Ðức Phật thâm diệu và rộng lớn vô cùng, không thể nào nói hết được. Tuy nhiên, một khi chúng ta thông hiểu giáo lý của Ðức Phật, chúng ta sẽ đạt lợi ích trong đời sống, trong công việc và trong sự tương tác với mọi người và mọi sự việc chung quanh chúng ta. Làm được như vậy chúng ta mới thấy được tinh thần của Phật Giáo thực sự vượt qua tất cả mọi ranh giới, quốc gia, chủng tộc, và các tôn giáo khác. Giáo lý của Ðức Phật thực sự là một nền giáo dục hoàn hảo. Hành trì theo giáo pháp của Đức Phật là chúng ta đã và đang thực hành một nghệ thuật làm đẹp cho cuộc đời.
--o0o--