TẬP SAN DƯỢC SƯ

Nhất Quán
 
- Mùa Xuân cây cối xanh tươi
Mùa Hạ hoa trái đâm chồi ngát hương
Mùa Thu lá rụng bên đường
Rồi mùa Xuân đến, muôn hương sắc màu.
            
Trước hết Xuân là giao điểm của một chu kỳ mới: Xuân qua, Hạ Lại, Thu mãn Đông tàn. Rồi mùa Xuân lại đến, đêm trừ tịch là giao điểm. Mùa Xuân báo hiệu cho những ngày của mùa Đông ảm đạm trôi qua, để sang vận hội mới. Mùa Xuân là cuộc hồi sinh, của hầu hết mọi tầng lớp, từ con người đến cảnh vật trong xã hội. Đặc biệt là theo truyền thống người Việt Nam, cứ mỗi độ Xuân về là chúc tụng nhau, mừng tuổi nhau, nuôi nhiều ước vọng. Rồi mùa Xuân lại đến, con người trở lại cái bản thể hiếu hòa, những tâm hồn gần nhau hơn, thông cảm nhau hơn, oán thù cùng tiêu tan sầu muộn cũng vơi, và hy vọng chợt đến.
Ngày Xuân bắt đầu cho một năm. Tuổi xuân là khởi đầu cho đời người. Hoài bảo lớn lao nhất của con người là tìm hạnh phúc vĩnh cửu. Hạnh phúc đó không phải chỉ riêng đời sống vật chất mà là theo giá trị tâm linh, tình cảm, trí tuệ cao, đạo hạnh. Cho nên mọi sự tốt đẹp, mọi dự định tương lai đều hướng đến mùa xuân. Nên khi Xuân đến là nỗi vui mừng của mọi người, ai nấy cũng đều tràn đầy hy vọng nơi lòng. Dù đang sống ở đâu, ở vào lứa tuổi nào, trong ngày đầu năm xuân, cũng đều cảm thấy nhen nhúm nơi lòng một niềm hân hoan, rộn ràng bừng dậy nguồn sống hy vọng tươi sáng trong tâm hồn. Niềm vui tự nhiên nẩy nở nơi lòng mọi người trong ngày đầu xuân. Đó là nói theo quan niệm của thế nhân, nhưng đối với người con Phật, mùa Xuân còn được gọi là Xuân Di Lặc.
Sở dĩ gọi là Xuân Di Lặc là vì đức Di Lặc tiêu biểu cho hạnh hoan hỷ, là nguồn vui bất tận, niềm an nhiên tự tại, hạnh phúc muôn đời. Niềm vui này vượt ngoài sự chi phối của hoàn cảnh, thời gian và không gian. Vì thế khi nói đến Xuân Di Lặc, tức là muốn nói đến mùa xuân hoan hỷ, xuân không vướng mắc, không bận lòng, không lo âu, không phải là xuân như những mùa Xuân đến Hạ đi ..., mà là mùa xuân thánh thiện, trường tồn miên viễn. Trong ý nghĩa đó, người phật tử tu đạo giải thoát mong cho mọi người có được đời sống tự tại, giải thoát an vui, hạnh phúc chân thật trường cửu cũng như đức Di Lặc, và đối xử với nhau trong tình huynh nghĩa đệ.
Theo như những nhà điêu khắc tượng, chúng ta thấy nụ cười Đức Di Lặc thật tươi, thật hồn nhiên, thật cởi mở. Nơi đó đã thể hiện tâm hồn thanh thản an nhiên tự tại, không còn mảy may u ẩn chướng ngại nơi lòng. Biểu lộ trọn vẹn cõi lòng rộng mở bao la, buông thả hoàn toàn, mặc dầunăm chú bé chọc phá: Đứa thì mò rún, đứa thì kéo tai, rờ miệng, thọc mũi làm đủ trò nghịch giỡn đủ điều, trong lúc đó ngài Di Lặc vẫn tươi cười xuề xòa tự tại không chút tỏ ra chướng ngại bực mình.
Nụ cười của đức Di Lặc là nụ cười cởi mở giải thoát có một không hai trên trần thế.Nụ cười Di Lặc là nụ cười muôn thuở, vượt ngoài giới hạn buộc ràng thời gian không gian và hoàn cảnh không còn mảy may dính mắc. Theo tinh thần của đạo giải thoát, vì muốn cho mọi người, cho dù buôn bán ngược xuôi trên dòng đời, buồn vui có lẫn lộn, nhưng khi Tết đến xuân về là mọi người phải vui tươi để chờ đón vận hội mới. Do vậy, chúng ta có thể lãnh hội được ý nghĩa tại sao ngày xuân, trong giáo pháp giải thoát còn gọi là xuân Di Lặc.
Khi hiểu và thực hành trọn vẹn tinh thần của đức Di Lặc thì cho dù là thời điểm nào, và đang sống trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng đã và đang sống trong sinh khí của mùa xuân miên viễn, chứ không phải mùa xuân theo chu kỳ của vũ trụ như một nhà thơ Việt Nam đã từng nói:
- Xuân trời đất xuân hôm nay mới đến
             Xuân trong tôi Xuân đã đến lâu rồi.
Vậy thì làm thế nào để chúng ta có được mùa xuân miên viễn trong tâm hồn?
Lẽ tất nhiên mùa xuân miên viễn không riêng tư cho người giàu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn, mà là cho tất cả nếu những ai biết giá trị chân thật này. Người muốn có mùa xuân miên viễn với an lạc, hạnh phúc chân thật, trường cửu như đức Di Lặc, trước và trên hết phải thực hành tâm hạnh hỷ xả lợi tha.Thực hành được lòng vị tha, hạnh buông xả thì tự nó đã chứa chan chân thật hạnh phúc.
Như chúng ta thấy mấy đứa bé trèo leo quấy phá trên người đức Di Lặc mà Ngài vẫn an nhiên cười hả hê, tức là tâm ngài đã hỷ xả tự tại vô ngại, rộng mở cánh cửa lòng, không ranh giới, không phân biệt cách ngăn nhân ngã, nên không còn ranh giới giữa mình với người, mình với hoàn cảnh.Ai biết khắc chế cuộc sống buông thả, thực hành hạnh hỷ xả, vị tha là người ấy đã mở rộng cánh cửa hạnh phúc cho mình và cho đời.Nên kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật dạy:
- Người tu hành muốn được tự tại giải thoát thì phải biết sống bất tùy phân biệt.
Tức là:
- Người muốn có đời sống tự tại giải thoát thì phải biết sống không phân biệt, chấp trước dính mắc theo trần cảnh.
Bởi vì còn phân biệt chấp trước theo trần cảnh tức là tâm còn sanh khởi giữa:
- Mình và kẻ khác,
- Được và thua
- Mạnh và yếu
- Giàu và nghèo
- Sang và hèn ...
Mà khi đã có tâm phân biệt rồi thì ba độc: Tham, sân, si cũng theo đó mà sanh khởi.Người còn ba độc là còn sống trong hẹp hòi ích kỷ, người ấy còn chìm đắm trong sóng gió ba đào của phiền não khổ lụy, còn trôi lăn trong dòng thác lũ sanh tử luân hồi.
Chúng ta sở dĩ khổ đau bệnh hoạn, bởi vì do tâm phân biệt chấp trước. Tâm phân biệt cái này tốt đẹp thì mong muốn, mong muốn chụp bắt không được thì sanh ra buồn khổ.Tâm chấp chặt vào tiền của, vợ con, ái tình, danh vọng thì lòng luôn luôn bất an.Bởi vì tâm buồn vui theo những thứ này, cho nên nếu còn thì vui, ly tán thì thất vọng buồn phiền đau khổ.Vì không thấy được thế gian, vạn vật hợp tan, huyển mộng, nên con người thích sống cuồng dại si mê theo tâm phân biệt chấp trước. Do tâm phân biệt, nên đối với bất cứ sự việc gì không thích, thì dù cho có tốt mấy cũng cho là xấu, còn nếu thương thích thì dù có hư xấu ác độc đến đâu đi nữa cũng khen ngợi bao che.Con người do tâm phân biệt chấp trước cho nên phải luôn luôn dính mắc, sống trong trạng thái dày vò, cuồng si, đau khổ suốt kiếp.Vì thế mà cổ đức thường nhắc nhở:
- Tâm an thì lý đắc, thân khỏe, tinh thần vui.Tâm bất an thì lý bất đạt, thân bệnh hoạn, tinh thần suy.
Nghĩa là:
- Tam mà an vui thì thân thể khỏe mạnh, tinh thần khang kiện
Tâm mà không an thì tinh thần suy nhược, thân thể bệnh hoạn.
Muốn hết đau khổ, chúng ta nên tập sống đời vị tha hỷ xả, mở rộng cõi lòng thương người thương vật như chính thương tự thân chúng ta. Việc gì đã qua nên cho qua, quên đi, đừng thắc mắc nhắc nhở ghi khắc chấp chặt nơi lòng. Bởi vì còn khắc sâu trần cảnh danh lợi năm loại dục lạc trong lòng, thì càng tăng thêm cố chấp tiếc thương buồn phiền. Còn cố chấp thì cõi lòng càng chật hẹp bất an, cướp mất đi những thanh tịnh cần thiết, đồng thời cũng cản ngăn bước tiến bộ trên con đường chân thiện mỹ. Một khi mà tâm lượng bị thu hẹp, thì vũ trụ, tâm thức không còn bao la tươi đẹp thanh bình. Tâm mà hẹp hòi cố chấp thì không khác gì người khát uống nước biển, càng uống càng khát.Tài sắc, danh lợi, tình ái ... chỉ là trò chơi nguy hiểm, có khả năng nhận chìm con người xuống hố thẳm khổ lụy tội lỗi. Cho nên bậc cổ đức đã nói:
- Ngộ thinh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa,
Kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết.
Nghĩa là:
- Gặp được tài, sắc, danh phải coi như hoa trông trên đá, không sống thật bền lâu,
Thấy danh lợi như bụi vướng trong mắt
Bởi vì những thứ nầy hàm chứa tánh chất vô thường, mộng huyễn. Nếu chúng ta mê muội, tham đắm, chấp trước theo năm dục lạc:
- Tài, sắc, danh lợi, ăn, ngủ
Thì đây là sự tham đắm nguy hiểm. Đây là những đam mê của thế gian, vô tình để đời mình rơi vào hầm hố chông gai của luân hồi sanh tử, đau khổ triền miên. Quả thật như vậy, bởi vì dục lạc trần gian có năng lực cuốn phăng như dòng thác lũ, đẩy trôi nhận chìm bao kiếp người. Vì thế mà người xưa đã từng bày tỏ quan niệm đó:
- Cuồn cuộn Trường Giang đăng lưu thủy
Thảo hoa đào tận anh hùng;
Thị phi thành bại chuyển đầu không,
Thanh sơn y cựu tại, cơ độ tịch dương hồng.
Nghĩa là:
- Dòng nước sông Trường Giang cuồn cuộn chảy
Xoáy rễ trốc gốc cuốn đi hết bao cỏ cây hoa lá anh hùng.
Danh lợi, thị phi, thành bại, ở đời rồi cũng trắng tay trong một sớm một chiều.
Núi cây muôn đời xanh biếc, bóng chiều mấy độ tà dương.
Người xưa đã nhận thức được tánh chất huyễn mộng của dục lạc trần cảnh, và biết được tánh chất huyễn mộng. Cho nên các ngài đã giống lên hồi chuông cảnh báo. Nhưng dẫu sao đi nữa, tánh chất huyễn mộng này đã bàn bạc trong các loại hình tướng của năm dục lạc, đã là sức hấp dẫn cuốn lôi người đời một cách phi thường, và đã nhận chìm không biết bao nhiêu thế hệ của kiếp người trong đau thương vì đắm đuối, để rồi bị bào mòn, thiêu hủy khả năng cầu tiến trên đường thánh thiện giác ngộ giải thoát. Người xưa đã cảnh báo, mọi người ai cũng nghe, và cũng biết nguy hiểm của năm dục lạc, nhưng mà con người lại tham đắm năm dục thế gian, chẳng khác gì như người đam mê thuốc phiện, say sưa tửu sắc cờ bạc, mặc nhiên tự hủy hại mình trên đường lập nghiệp, và trở thành con người sa đọa. Không ai tránh khỏi.
Như chúng ta đã biết, sự đời như bèo mây tan hợp, hợp tan. Kiếp sống con người như gió thoảng, như chiêm bao. Thế mà con người vẫn lao đầu chụp bắt lợi danh sắc tình giả huyễn không lúc nào thôi.Giáo lý nhà Phật, trình bày cho con người nhận chân thế sự vô thường, mạng người trong hơi thở. Có ý thức như vậy, để không đắm đuối, tiếc nuối, khổ lụy vào dục lạc vô thường còn mất, để còn có cơ hội hướng đến cái chơn thường, ngõ hầu được sống trường cửu với tánh linh ngời sáng an lạc. Đó là mùa xuân miên viễn trong tâm hồn, chứ không phải để bi quan yếm thế, trốn tránh cuộc đời.
Cũng như người nào ý thức biết nhận mình dốt, gắng công chịu học để cầu tiến, thì trở nên người kiến thức khôn ngoan. Biết mình bịnh, chịu cầu thầy hay thuốc tốt chữa trị thì thân tâm trở nênlành mạnh. Có ý thức mình đang sống trong hoàn cảnh vô thường, bất an không hạnh phúc chân thật, thì mới nỗ lực tìm cách tạo cảnh sống an lành, hạnh phúc chơn thường.Tất cả sự tiến bộ, hạnh phúc của con người đều do chính con người có ý thức, nhận định nhìn rõ ràng sự thật. Vì thế khinh Hoa Nghiêm đã dạy:
- Nhứt thiết duy tâm tạo
Nghĩa là:
- Tất cả đều do tâm tạo ra.
Tâm trong sáng lành mạnh thì tạo hạnh phúc, và mãi mãi sống trong an vui, thanh bình của mùa xuân bất tận:
- Xuân trong tôi xuân đã đến lâu rồi.
Tâm tham độc thì tạo đời sống bất an, khổ đau phiền muộn. Theo tinh thần của người học phật, ai cũng có thể đạt được an lạc chơn thường, chơn tịnh, hạnh phúc trường cửu, mà qua đó chỉ có một con đường duy nhất là tu tâm dưỡng tánh.
Tu là sửa. Tương tự như đồ vật, bây giờ nó hư, nó xấu, nên sửa lại cho nó đẹp, dễ coi.Con người cũng thế, khi biết mình có tánh hư tất xấu thì chúng ta phải sửa lại cho nó tốt, cho nó thuần lương. Khi làm được như thế tức là trong tâm chúng ta, tự tánh đã có tánh chất thánh thiện, từ, bi, hỷ, xả, vị tha. Nhưng chúng ta đã quên mất bản tâm của mình, vì thế chúng ta chạy theo mộng huyễn, tham dục, sân si, làm cho vẩn đục, lu mờ đặc tánh thánh thiện cao đẹp trong ta, để rồi tự thân phải chịu sầu bi phiền muộn.Tâm tư của con người phàm tục là như vậy. Vì thế Đức Phật đã tha thiết khuyên nhắc, chỉ bày cho chúng sanh nên sớm trở về với đặc tánh thánh thiện, bản năng trí huệ, từ bi, hỷ xả của chính mình, để sống đời vị tha cao thượng, trọn hưởng bầu trời bao la hạnh phúc. Nhưng chúng sanh không nghe theo, lại chỉ thích sống theo phàm tình, dục vọng, ích kỷ, chấp trước danh tướng, đắm mê trong cảnh đời huyễn mộng. Chỉ biết trưởng dưỡng xác thân tham ăn mê ngủ, đua đòi rượt bắt đủ thứ phù hoa danh lợi thế gian, mà không bao giờ biết đủ. Đó là nói đến tâm tư của người trần thế. Tuy nhiên đối với người học đạo giải thóat, chắc chắn chúng ta thấy danh lợi, tình ái vừa nắm trong tay, thì xảy mất liền sau đó. Theo đuổi dục lạc ở đời chẳng khác nào chụp lấy bọt sóng trên biển, bèo trôi trên sông. Càng nắm bắt danh lợi, ái tình thì càng chuốc lấy khổ lụy vào thân, chứ không bao giờ hạnh phúc dài lâu.
Tuy nhiên lòng người tối tăm, mê muội lấy giả làm chơn, chấp cái giả dối làm thật, để rồi tự đào huyệt chôn mình suốt đời trọn kiếp vào chuyện hơn thua, thị phi, suốt đời rắp tâm đuổi bắt danh lợi, tình ái, huyễn hóa đang chờn vờn trước mắt. Cứ thế mà đuổi bắt đến sức cùng, lực kiệt mà vẫn chưa có phút giây nào tâm hồn an vui, thanh thản. Ai là người ý thức được cái hạnh phúc giả tạo, mộng huyễn do vì vô minh dục vọng, và tự hướng cuộc đời mình về cõi thanh tịnh chân như, lúc đó mới thấy cuộc đời đạo vị tu tỉnh là cao quý. Chúng ta hãy nghe cụ Ôn Như Hầu trong Cung Óan Ngâm Khúc diễn tả niềm vui chân thường:
- Lấy gió mát, trăng thanh kết nghĩa
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên
Thoát trần một gót thiên nhiên
Cái thân ngoại vật là tiên trong đời.
Quả thật, hạnh phúc của thế gian mong manh như bọt nước trong tay. Vui hạnh phúc thế gian là vui trong năm loại dục lạc.Bản chất của năm dục lạc là uế trược vô thường. Trong khi đó hạnh phúc của người học đạo là người có cõi lòng thanh tịnh, thong dong thì không bao giờ thấy khổ.Chúng ta hãy nghe thiền sư Thiền Lão ở Chùa Trùng Minh, núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du. Ngài sống một đời an bần, lạc đạo, thanh cao của một nhà tu thanh đạm trong chốn thiền môn. Lòng buông thả tất cả việc thế sự, đã kín đáo trao gửi lời nhắn nhủ đến vua Lý Thái Tông, người tượng trưng cho sự sống tràn đầy hạnh phúc trần gian, tột đỉnh danh vọng quyền quý trong thiên hạ, khi nhà vua hỏi:
- Hòa Thượng sống ở đây bao lâu rồi?
Thiền Sư Thiền Lão đáp:
- Đản tri kim nhật nguyệt
Hà thức cựu Xuân Thu.
Nghĩa là:
- Sống ngày nay chỉ biết ngày nay
Còn xuân thu trước ai hay làm gì!
Nhà vua lại hỏi:
- Thường ngày Hòa Thượng làm gi?
Thiền Lão đáp:
- Túy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân.
Nghĩa là:
- Trúc biếc hoa vàng đây cảnh sắc
Trăng trong mây bạc hiện toàn chơn.
Qua cuộc đối thoại của vua Lý Thái Tông và Thiền Lão, chúng ta thấy cõi lòng của Thiền Sư Thiền Lão buông thả tất cả, hài hòa với thiên nhiên vạn vật. Giải thoát không còn mảy may vướng bận dính mắc. Nội tâm, ngoại cảnh rỗng không, nên lòng của Ngài bao la chan hòa cùng vũ trụ, hài hòa pháp tánh chân như:
- Trăng thanh mây bạc hiện toàn chân.
Như chúng ta đã biết, không phân biệt thì không chấp trước. Không chấp trước thì không dính mắc.Không chấp trước, không dính mắc thì không bị lợi danh ân tình sai khiến. Không dính mắc, không bị thế sự cuốn lôi sai khiến thì tự tại vô ngại, thản nhiên trước mọi quyền uy danh vọng tình đời. Người chánh tâm cầu đạo giác ngộ, là người biết hy sinh tham vọng tự kỷ, tự thân đã buông thả hy sinh tất cả, để kiến tạo cảnh tịnh độ nhân gian, để hàng phục ma quân, làm rạng ngời chánh pháp. Là người thức tỉnh quần sanh, chứ không phải len lỏi tìm cách quen thân với kẻ quyền thế, để phô trương danh vọng của mình. Kẻ thích dựa quyền thế để cầu danh lợi dưỡng, là kẻ tục hóa đạo, lấy đạo tạo đời. Chư Phật, chư tổ nói những kẻ đó thân tuy xuất gia mà tâm chưa vào đạo, lấy đạo tạo đời mong cầu lợi dưỡng. Do vậy, đối với những ai càng biết xa lánh danh vọng, quyền uy dục lạc trần gian, an bần lạc đạo, thì càng gần ánh sáng giác ngộ của Phật, càng được tự tại giải thoát.
Hôm nay mùa Xuân lại trở về, chúng ta đang hưởng xuân trần gian. Xuân trần gian là xuân tết hữu hạn theo tháng, theo mùa có đến có đi, chúng ta cũng nên ghi nhận:
- Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường.
Nghĩa là:
- Trời thêm năm tháng, người thêm tuổi
Xuân đầy vũ trụ phúc đầy nhà.
Như có lần chúng tôi nói, sự thật điều này cũng còn tùy vào tâm tư của mỗi con người, và cũng tùy hoàn cảnh nào, vì đã có những người không chờ đợi mùa Xuân, hoặc cảm thấy khó chịu vì mùa Xuân như Chế Lan Viên đã từng xác định:
- Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Mang chi Xuân đến gợi thêm sầu
Với tôi tất cả đều vô nghĩa
Tất cả không ngoài cái khổ đau.
Và Xuân Diệu đã thảng thốt:
- Mùa Xuân khó chịu quá đi thôi
Cảnh đẹp làm em thấy lẽ loi!
Đối với người có thực hành đạo giải thoát, chắc chắn chúng ta không khó chịu, mà cũng không vui mừng theo thường tình của nhân thế. Trái lại, cần phải làm những điều mà chúng ta cầm làm. Điều mà chúng ta cần làm là chúng ta nên chuyển xuân tết trần gian thành Xuân, Tết hoan hỷ Di Lặc.Xuân, Tết Di Lặc là Xuân, Tết chân thật trường cửu siêu việt thời tiết tháng năm.Chúng ta ai cũng có khả năng chuyển hóa. Bởi vì:
- Tất cả khổ, vui, thăng trầm, vinh nhục, mất, còn, chơn, giả đều do tâm người tạo ra.
Và:
- Tâm xuân vũ trụ đều xuân.
Để thực hiện điều nầy, trước và trên hết là chúng ta nên thật lòng quán xét lại tự tâm, xem thử hành vi tâm niệm và cách hành xử trong đời sống hằng ngày của chúng ta trong năm qua như thế nào? Điều gì đã sai quấy gây phiền khổ cho mình cho người? Và chính mình có ân hận gì không? Khi thấy rõ thì chúng ta phải biết làm gì. Nếu còn ray rứt buồn khổ nơi lòng, thì chính tâm chúng ta quá nhiều vọng động theo trần cảnh, nên chưa giảm bớt phiền lụy, chưa nhổ sạch gốc rễ ích kỷ, ba độc: Tham, sân, si. Ngày nào mà gốc ích kỷ: Tham, sân, si còn trong lòng, thì ngày đó chúng ta chưa hưởng được trọn vẹn ý nghĩa mùa Xuân Di Lặc.
Rồi mùa Xuân lại đến. Trong giờ phút thiêng liêng của đêm giao thừa, tống cựu nghinh tân, tiễn biệt những điều xấu cũ, nghinh tiếp mới, cho một tương lai mới tốt đẹp hơn. Nhưng, xin xác định một lần nữa, tương lai ấy có huy hoàng xán lạn, hay mịt mù tối tăm, đều tùy thuộc vào nhân cách, đạo đức và tri thức của mỗi chúng ta lựa chọn trong ngày hôm nay. Ðó là điều quan trọng. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn hết là định hướng. Phải có định hướng cho tương lai bằng sự lựa chọn sáng suốt của mình trong ngày hôm nay. Lẽ tất nhiên mỗi người chúng ta ai cũng sống vì một ý nghĩa gì đó, và đi tìm một cái gì đó cho sự sống, hay lẽ sống của cuộc đời mình. Cái đó có thể là tình yêu, là tài sản, là danh vọng, là quyền lực. Cái đó là hạnh phúc, là lẽ sống. Và để đạt được điều đó, người ta tự đọa đày tâm trí mình, làm khổ nhọc hình hài mình, để đuổi bắt những gì gọi là tinh hoa của đời sống.
Chúng ta hân hoan đón mừng xuân Di Lặc. Xin quý vị cùng tôi, thành kính trang nghiêm: Nếu là ở trước bàn Phật, thì nhìn thẳng tượng Ngài dâng trọn lòng thành phát nguyện:
- Chúng con một dạ chí thành
Năm mới hết lòng tinh tấn
Sống đời vị tha,
Quyết xả bỏ dục tình ngoan cố
Học theo đức tánh quang minh
Sống cuộc đời từ bi, hỷ xả.
Cúi xin Phật Tổ thương tình
Từ bi gia hộ.
Từ năm mới trở đi, chúng ta hãy quyết tâm sống trọn với lời phát nguyện.Một khi đã sống với lời phát nguyện, thì mùa xuân Di Lặc hân hoan đã hiện về tràn ngập lòng ta, và chan hòa khắp mọi nguồn sống.
Tóm lại, trong cuộc vận hành của vũ trụ, mùa Xuân là thời điểm âm dương giao hòa và khai mở. Nắng ấm bắt đầu cùng với những gió của mùa Xuân, nhẹ nhàng làm tan băng giá, các loại côn trùng cũng bắt đầu giao động, các loài chim trốn lạnh cũng bắt đầu trở về. Hoa đào cũng bắt đầu nở, bèo bắt đầu sinh, các mầm mộng thảo mộc cũng bắt đầu nẩy ra và mọc lên ... Và mọi con người như có gì cũng đổi mới, lòng người cũng rạo rực tình yêu thương. Do đó niềm vui dâng lên làm cho con người bình thường cảm thấy:
- Vui như Tết, và đẹp như Xuân.
Đây là tâm ý thường tình của con người sống trong chu kỳ sinh diệt của vũ trụ và kiếp người. Lẽ tất nhiên là con người trong cuộc đời hữu hạn nầy, ai cũng mong đợi mùa Xuân. Mùa Đông tuy là âm u, mưa tuyết lạnh lẽo nhiều, nhưng nếu không có mùa Đông thì không có mùa Xuân ấm áp. Bởi vì Mùa Xuân của Vũ Trụ và con người đều có sự tương quan với nhau, cho nên ai cũng mong đợi Xuân đến, vì đây là vận hội mới, hy vọng một tương lai ở mùa Xuân tái tạo, mong cho cuộc đời được đổi mới, hạnh phúc hơn. Sự chờ đợi đó chắc chắn sẽ không bị cô phụ khi thời gian cho phép, và rồi mùa Xuân đã đến. Đối với tất cả mọi người, chúng ta hãy vui mừng với sinh khí hào hùng:
- Lượng Xuân trời đất vui chưa hết
Sông Nhị dòng hăng nước chảy ào
Máu đời lai láng hòn đất đỏ
Nhịp đời cuồn cuộn dwòng sông cao
Nghe đời chuyển mạnh vầng thế núi
Nghe đời thở mạnh vầng trăng sao.
             (Huy Cận 1945)
Và đối với những người bạn trẻ:
- Đầu mùa Xuân cùng em đi lễ
Lễ chùa nầy, vườn nắng tung bay
Và ngàn lau màu vàng khép kín
Bãi sông mây, một con bướm đẹp.
             (Phạm Thiên Thư)
Và đối với những người bạn sắp bước vào đời:
- Ðã thấy Xuân về với gió Ðông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong.
             ( Thi Nhân Việt Nam)
--o0o--