TẬP SAN DƯỢC SƯ

Không Còn Ràng Buộc
Chơn Đức
--o0o--
 
Chúng ta hiện hữu trên cõi đời nầy, và nhất là đã và đang sống trong một xã hội văn minh và vật chất như Hoa Kỳ, không nói chắc ai cùng biết là chúng ta luôn luôn bị tham dục chi phối, kiến chấp, vô minh che lấp trí tuệ sáng suốt và cuối cùng dẫn dắt chúng ta trôi dạt, đắm chìm trong vòng sinh tử luân hồi.
Biết thì biết như vậy, tuy nhiên không mấy ai trong chúng ta nhận chân được thân phận đọa đày của chúng ta trong kiếp sống trầm luân. Cũng có người biết nhưng không mấy ai dám nhìn thẳng vào thực trạng về sự ràng buộc của mình, vì vậy mà chúng ta cứ mãi đắm chìm trong biển khổ vì cứ tưởng bã mồi danh lợi là chân hạnh phúc, và không biết rồi đây sẽ ngã gục ở một phương trời nào, mà cứ tưởng mình đang hướng về một tiền đồ xán lạn.
Thật vậy, con người bị dục vọng thiêu đốt, và màn đen vô minh che lấp, chỉ có ánh sáng trí tuệ mới có thể dập tắt ngọn lửa ái dục, xé toang màn vô minh ấy để đưa chúng ta đến nơi giải thoát. Ai là người thấy được sự khủng bố của thực nghiệp, thì hãy cố tìm cách cắt đứt mọi dây ràng buộc mà mình đã tự trói lấy mình. Hãy thắp sáng ngọn đèn trí tuệ để thấy đâu là chánh đạo, đâu là mê đồ hầu sớm chọn con đường giải thoát.
Tuy chúng ta không sanh nhằm vào thời kỳ Ðức Phật tại thế, nhưng chúng ta cũng được coi là những người có đầy đủ phước duyên, vì chúng ta còn thừa hương nguồn giáo lý nhân bản được trao truyền từ  Ðức Phật qua các thế hệ tổ sư, từ Ấn Ðộ đến Việt Nam, và khắp năm châu bốn biển. Quả thật, Đức Phật là bậc Thầy vĩ đại, Ngài không những đã đánh thức chúng ta, mà còn chỉ cho chúng ta thấy rõ đâu là sự ràng buộc, và sự ràng buộc đó thống trị cả cuộc đời, cả vạn vạn kiếp người. Do vậy Ngài đã ân cần chỉ dạy đâu là nguyên nhân của sự ràng buộc, và đâu là phương cách thoát ly khỏi sự ràng buộc. Một trong những nguyên nhân ràng buộc chúng ta được Ðức Phật đề cập đến trong kinh Trung Bộ đó là các Lậu Hoặc, mà trong bài Sám Quy Mang ngài Duy Sơn Nhiên Thiền Sư đã diễn tả và được cố Hoà Thượng Thiện Thanh diễn dịch theo thể thơ lục bát:
- Ngược dòng chân tánh từ lâu
             Chúng con trôi nổi trên đầu sông mê
             Biết đâu là chốn đường về,
             Bập bềnh trôi nổi không hề thoái lui
             Nguyên nhân hữu lậu gây rồi
             Bao nhiêu tội nghiệp lâu đời tạo ra                 
Biết đâu nẽo chánh đường tà
             Oan khiên nghiệp báo thật là nặng sâu
             Nay con khẩn thiết cúi đầu
             Phơi bày sám hối cần cầu hồng ân
             Chí thành cầu Ðấng Năng Nhơn
             Từ bi cứu vớt trầm luân mọi loài.
             Nguyện cùng thiện hữu khắp nơi
             Cùng lên bờ giác lìa nơi não phiền
             Kiếp nầy xin nguyện xây thêm
             Cao tòa phước đức vững bền đạo tâm             
Chờ mong đạo nghiệp vun trồng
             Từ Bi cứu độ nở mầm tốt tươi
             Kiếp sau xin được làm người
             Sanh ra gặp Pháp sống đời chân tu.                  
Dắt dìu nhờ Bậc Minh Sư
             Một lòng chánh tín, hạnh từ xuất gia               
Sáu căn ba nghiệp thuận hòa
             Không vương tục lụy theo đà thế nhân.
Quả thật Lậu Hoặc như những gánh nặng nhận chìm chúng sanh trong trầm luân khổ hải. Nói về các thứ lậu hoặc thì có tất cả bốn thứ Lậu Hoặc.
1- Dục Lạc:
Dục Lạc tiếng Phạn là Kàma tiếng Việt dịch là Dục Lạc. Xét cho kỹ, dục lạc có hai khía cạnh. Đứng về phương diện chủ thể, dục lạc là ưa thích thụ hưởng những khoái cảm của giác quan. Về phương diện khách thể là buôn trôi theo sức lôi cuốn đối tượng ngoại giới mà trong giới Phật Học gọi là trần cảnh. Ngọn lửa tham dục nầy có khả năng làm nhiễu loạn thân tâm, vì vậy được gọi là dục lậu.
Dục lạc thường biểu lộ dưới nhiều hình thức như:
- Hỷ, Nộ, Ái, Tham Ái, Tham Dục, Ái Dục ... Nhưng dù ở trạng thái nào, về phương diện không lương thiện, dục lậu vẫn là một sự ràng buộc cần phải tháo gỡ mới được tự do.
Đức Phật dạy rằng chính Hỷ, Ái, Tham Ái, Tham Dục, Ái Dục sinh ra phiền muộn và lo âu, chừng nào không còn những tâm dục lạc ấy thì  con người mới thoát khỏi sự ràng buộc.
2- Không Thay Ðổi:
Hầu như tất cả mọi người, ai ai cũng muốn những gì chúng ta có cứ mãi mãi tồn tại với thời gian. Dù sống trong đau khổ, họ vẫn ước ao được sinh tồn với hy vọng một ngày nào đó hạnh phúc sẽ đến. Khát vọng được tồn tại vĩnh viễn, đặc biệt là tồn tại trong cõi Sắc Giới và Vô Sắc Giới gọi là Hữu Lậu. Nhiều tôn giáo, hay Triết phái đã cố gắng đưa ra những hình ảnh trường cửu như Thượng Đế, hay đấng siêu nhiên nào đó cùng với những tín điều khác hấp dẫn nhằm thỏa mãn những thị hiếu này của con người.
Có thật con người sẽ được đời sống an lành dưới sự che chở của thượng đế, đấng Toàn Năng hay đấng siêu nhiên nào đó như những lời hứa hẹn của các Tôn Giáo ấy không? Đó là chuyện của những tôn giáo ấy, tuy nhiên theo đạo Phật, Đức Phật đã khẳng định:
- Những lời hứa hẹn trên chỉ làm cho con người đắm chìm sâu hơn trong biển trầm luân đau khổ, và đó chính là hữu lậu.
Là người Phật tử nếu chúng ta tích cực thực hành đạo giải thoát, cũng có thể đến được những cõi trời hữu sắc, hay vô sắc và sẽ hưởng hạnh phúc ở đó một thời gian khá lâu. Nhưng theo Đức Phật, dù là cõi trời cao nhất như Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ thiên vẫn còn nằm trong vòng Tam Giới, nghĩa là vẫn bị các Hoặc Lậu chi phối, vì thế có câu:
- Tam giới luân hồi chúng khổ duyên
Ða sanh phụ mẫu lục thân tiền
Trượng thừa Tam Bảo oai thần lực
Siêu xuất u đồ vãng lạc bang.
Do vậy mà bao lâu còn hoặc lậu thì chúng ta chưa thể giải thoát. Vì thế tụng kinh, niệm Phật, thiền tọa và kinh hành đối với Đạo Phật chỉ là phương tiện để làm cho tâm thanh tịnh chứ chưa phải là cứu cánh giải thoát. Một cách ngắn gọn, ngày nào mà chúng còn ý tưởng: không thay đổi hay là hữu lậu thì ngày đó chúng ta còn bị ràng buộc.
3- Cái Thấy Sai Lầm:
Thông thường trong cuộc đời, quan niệm của mỗi người về vũ trụ và nhân sinh có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của họ. Do vậy mà khi chúng ta có những quan niệm sai lầm thì chúng ta chắc chắn còn phải bị ràng buộc bởi phiền não, vì thế mà cái thấy sai lầm được xem là một trong những sự ràng buộc, hay lậu hoặc cần phải tiêu trừ.
Vào thời kỳ Đức Phật còn tại thế, tại Ấn Độ có rất nhiều tôn giáo, mỗi tôn giáo có những quan niệm sai lầm về Vũ Trụ và nhân sinh. Tuy nhiên không phải tất cả các quan niệm ấy đều hợp với chân lý. Với chín mươi hai tôn giáo, trong số các quan niệm ấy đều bị Đức Phật chứng minh là tà thuyết gồm có:
- Thường Trú Luận,
- Vô Thường Trú Luận,
- Phi Phi Tưởng Luận,
- Đoạn Diệt Luận,
- Hiện tại Niết Bàn Luận
Và các luận thuyết chắp nối các quan niệm trên.
Chúng ta có thể phân loại các loại thấy sai lầm trên thành hai nhóm:
a- Cái Thấy Vĩnh Cữu:
Là quan niệm cho rằng bản ngã của chúng ta, và thế giới mà chúng ta đang sống đều trường tồn vĩnh cửu.
b- Cái Thấy Hủy Diệt:
Là quan niệm chủ trương bản ngã của chúng ta hoàn toàn hủy diệt sau khi thân hoại mạng chung. Với quan niệm nầy nên đã đưa con người đến chỗ bất chấp thiện ác và nhân quả.
Cả hai thấy sai lầm trên đều là những trở ngại lớn lao trong việc hướng dẫn con người ra khỏi thành trì bản ngã.
4- Vô Minh
Bản tính của vô minh là không sáng suốt, vì không sáng suốt cho nên chúng ta không thấy được đâu là chân, đâu là giả hay nói một cách khác là chúng ta không thấy được thực tướng của bản ngã và thế giới.
Qua lớp màn đen u minh ấy, chúng ta thấy vô thường là thường còn, khổ não là hạnh phúc và vô ngã là hữu ngã.
Đứng về một phương diện khác, vô minh ám chỉ những người trong chúng ta chưa thực hiểu được lý Tứ Diệu Đế, và thấy được vận hành của mười hai nhân duyên. Mãi đến lúc Đức Phật thành đạo dưới cội cây Bồ Đề Ngài mới thật sự thấy rõ đâu là khổ, đâu là nguyên nhân của sự khổ, đâu là nơi diệt khổ và đâu là con đường đưa đến nơi diệt khổ. Và Ngài nắm được giềng mối hình thành của vòng luân hồi qua mười hai duyên khởi. Nhờ đó Ngài mới hoàn toàn trút bỏ được mọi sự ràng buộc của phiền não và thật sự sống một cuộc sống tự tại giải thoát.
Như vậy theo tinh thần của Trung Bộ, chúng ta thấy có bốn loại lậu hoặc ràng buộc chúng ta trong vòng sanh tử luân hồi. Cũng theo trong Trung Bộ muốn thoát ly mọi sự ràng buộc, và nguyên nhân dẫn chúng ta vào sanh tử luân hồi, thì chúng ta phải xử dụng bảy phương pháp để thực hiện. Bảy phương pháp nầy không những có tính cách đạo đức mà còn phù hợp với khoa Tâm Lý Trị Liệu ngày nay đó là:
- Thấy các pháp,
- Ðiều phục:
- Tỉnh thức
- Kham nhẫn
- Từ bỏ
- Dứt khoát tư tương
- Tôi luyện ý chí
Trước và trên hết là:
1- Thấy Các Pháp
Nghĩa là chú tâm quan sát bằng trí tuệ để làm chủ cho chính mình, và đồng thời kiểm soát các đối tượng của ngoại cảnh cho đúng với chân tướng của chúng. Đức Phật dạy:
Về phương diện nội tại, có hai cách chú tâm là:
- Chú tâm hợp lý, và
- Chú tâm phi lý
Về phương diện đối tượng, có hai pháp là:
- Pháp đáng chú tâm, và
- Pháp không đáng chú tâm.
Như vậy, nếu chúng ta chú tâm vào các pháp không đáng chú tâm thì các lậu hoặc chưa có sẽ phát sanh và các hoặc lậu đã có sẽ có cơ hội tăng trưởng. Trái lại nếu chú tâm hợp lý vào các pháp đáng chú tâm thì các lậu hoặc chưa có sẽ không phát sinh, và các hoặc lậu đã có sẽ bị hủy diệt.
Đó là con đường hủy diệt các Lậu Hoặc bằng cái thấy chân tướng của các pháp.
2- Ðiều Phục:
Tức là chế ngự hay tự chúng ta thúc liễm thân tâm cho sáu căn thanh tịnh. Như vậy sự tiếp xúc giữa sáu căn và sáu trần gây nên những kết quả nguy hiểm không lường được nếu sáu căn không được điều Phục đứng đắn.
Với tâm niệm sai lầm, chắc chắn sáu căn sẽ bị lôi cuốn và đắm chìm trong sức hấp dẫn của sáu trần, nghĩa là khi:
- Mắt thấy sắc,
- Tai nghe thanh,
- Mũi ngửi hương,
- Lưỡi nếm vị,
- Thân tiếp xúc ...
Từ đó các tình cảm nội tại như yêu, ghét sẽ phát sinh. Vậy muốn sáu căn tiếp nhận sáu trần mà không bị tình cảm chi phối, một mặt chúng ta phải dùng đến cái thấy các pháp để nhìn rõ chân tướng của hiện tượng nội giới, và ngoại giới như đã đề cập ở trên. Mặt khác, chúng ta phải nhiếp phục sáu căn, tức là tập cho: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tiếp nhận sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp với một tâm bình thản không thiên chấp. Do vậy mà Đức Phật dạy:
- Nếu sống không nhiếp phục sáu căn, các hoặc lậu có tính cách tàn phá và hủy hoại rất có thể sinh khởi thì cuộc sống không có ý nghĩa. Nhưng nếu sống mà biết chế ngự sáu căn thì những hoặc lậu mang tính cách tàn phá và hủy hoại ấy không thể phát sanh được, như thế là cuộc sống đầy thú vị. Đó là con đường diệt trừ Hoặc Lậu bằng điều Phục.
3- Tỉnh Thức
- Bậc tu hành khi dùng một nhu cầu cần yếu nào phải sáng suốt nhận định những lợi ích thiết thực của nó, đừng để tâm ưa thích vật dụng này, chê bai vật dụng kia, và nhất là tri túc không tham đắm trong các xa xỉ phẩm.
Các nhu cầu cần thiết cho đời sống tu hành gọi là Tứ Y Pháp. Những vật dụng tối yếu này càng giản dị thanh bần chừng nào tốt chừng đó, những vật dụng đó là:
a- Áo Mặc
Khi dùng y phục vị ấy phải niệm tưởng rằng:
- Ta mặc đây chỉ tránh sự nóng lạnh, muỗi mòng, gió nắng, rắn rết, và che thân thể vậy thôi.
 b- Cơm ăn
Khi dùng vật thực, vị ấy quán tưởng rằng:
- Ta dùng của cúng dường không phải để vui chơi, không phải vì dục lạc, không phải để bồi dưỡng xác thân cho duyên dáng, cũng không phải để điểm tô nhan sắc cho xinh đẹp, mà chỉ để giữ gìn và duy trì thân thể được quân bình hầu dũng tiến trong đời sống phạm hạnh.
c- Chỗ ở
- Khi cư ngụ trong tịnh thất phải biết rằng đó chỉ là phương tiện để tránh nguy hiểm về thời tiết, thú dữ, nhất là để có nơi thanh vắng phù hợp với việc hành đạo như tụng kinh, niệm Phật, tham thiền, suy tư, quán tưởng....
d- Thuốc uống.
- Và khi uống thuốc ngừa bệnh hay trị bệnh phải biết rằng chỉ dùng để làm dịu những cơn đau, trừ khử hoặc ngăn ngừa những bịnh hoạn nguy hiểm có thể gây trở ngại cho việc tu hành.
Nhờ tỉnh thức như thế mà các hoặc lậu không thể phát sanh được.
4- Kham Nhẫn
Bậc tu hành không nên than van, hay phàn nàn, dù gặp bất cứ một hoàn cảnh khó khăn nào. Trong cuộc đời tu hành cần phải kiên nhẫn chịu đựng mọi gian khổ, thiếu thốn hay nghịch cảnh xảy đến với mình, có như thế mới phá bỏ được sự ràng buộc của ái dục.
Đức Phật dạy rằng:
- Này các hiền giả, thế nào là diệt trừ hoặc lậu bằng kham nhẫn.
Trong giáo pháp của Ðức Phật, Ngài xác định, một vị tỳ kheo suy nghĩ đúng đắn là người biết chịu đựng:
- Lạnh nóng,
- Ðói khát,
- Muỗi mòng,
- Gió sương,
- Rắn rết,
- Chịu đựng những lời nói bực mình,
- Không niềm nở ...
Vì thiếu kham nhẫn các hoặc lậu có tính cách tàn phá sẽ phát sanh, và ai là người làm được như vậy là người can đảm, dám đương đầu với những cảm giác đau đớn mãnh liệt, nhức nhối, khó chịu, khốn khổ và nguy kịch, là người có khả năng thành tựu đạo nghiệp. Nhưng trong cuộc đời nầy, nhờ kham nhẫn mà những lậu hoặc mang tính cách tàn phá, hủy hoại không thể phát sinh được.
Nếu chúng ta làm được như thế gọi là chúng ta sẽ diệt trừ các hoặc lậu bằng kham nhẫn.
5- Từ Bỏ:
Khi gặp những hoàn cảnh khó khăn không thể tránh được thì chúng ta phải có thái độ sẵn sàng chấp nhận, và đương đầu mà không than van, hay chạy trốn. Nhưng tốt hơn ta nên từ bỏ những nơi nguy hiểm xấu xa để khỏi bị quấy rầy trong khi chúng ta cần tu học, và đang hành đạo. Chúng ta không nên vào cư ngụ những nơi có nhiều thú dữ, hoặc cây cối gẫy đổ, rừng bụi chông gai, vực thẳm, dốc núi và nhất là tránh xa những người bạn không có chánh niệm, và thiếu vững chải. Cũng không nên đến những nơi ồn náo trong thế gian. Bởi vì không tránh xa những nơi nguy hiểm và những người không có chánh niệm và thiếu vững chải thì:
- Sự sợ hãi, kinh hoàng, nó làm cho thân chúng ta luôn dao động
- Tính hung dữ, nếu chưa có sẽ có cơ hội phát sanh, nếu đã có rồi sẽ có cơ hội tăng trưởng.
- Lười biếng ... sẽ phát sanh. Một khi lười biếng mà phát sanh thì chúng ta sẽ nhìn đời bằng con âu sầu than vàn, buồn thảm....  
Và do đó các hoặc lậu không thể trừ được. Vì lý do đó mà chúng ta phải trừ diệt các lậu hoặc bằng cách phải từ bỏ những nơi tụ lạc, từ bỏ những người bạn thiếu vững chãi và ngay cả những yêu ghét, những thân thương triều mến ...
6- Dứt Khoát Tư Tưởng:
Dứt khoát tư tương ở đây là muốn nói đến việc dứt bỏ những vọng niệm. Có ba thứ vọng niệm hay còn gọi là tà tư duy đó là:
- Suy nghĩ về dục lạc,
- Suy nghĩ về ác tâm,
- Suy nghĩ phương kế hãm hại kẻ khác.
Nói chung là tất cả các pháp không lương thiện.
Tư tưởng của chúng ta thường hướng đến các pháp không lương thiện, tức là chú tâm đến các pháp không đáng chú tâm. Vì thế mà các lậu hoặc chưa có sẽ phát sinh lên, và các lậu hoặc đã có thì có cơ hội tăng trưởng. Vậy muốn thoát khỏi những ràng buộc của lậu hoặc chúng ta phải chấm dứt, trừ đoạn, hủy diệt các tư tưởng không lương thiện.
7- Tôi Luyện Ý Chí
Tức là chúng ta phát huy năng lực tinh thần. Muốn cho thành tựu được việc tôi luyện ý chí, Đức Phật đã từng nhắc nhỡ chúng ta cần phải xử dụng đến Bảy Giác Chi đó là.
a- Niệm Giác Chi:
Thực tập niệm giác chi là để giúp chúng ta luôn luôn giác tỉnh để ghi nhận và biết rõ tất cả những hành động, lời nói, ý nghĩ của mình một cách chân thực.
b- Trạch Pháp Giác Chi:
Là muốn nói, chúng phải lựa chọn để thấy đâu là khổ, đâu là nguyên nhân của sự khổ, đâu là nơi diệt khổ và đâu là con đường dẫn đến nơi diệt khổ.
c- Tinh Tấn Giác Chi:
Với tinh tấn giác chi là để dõng mãnh tiến lên trên đường đạo.
d- Hỷ Giác Chi:
Thực hiện hỷ giác chi để giúp ta phấn khởi dễ dàng vượt qua mọi trở ngại.
e- Thư Thái Giác Chi:
Thực tập thư thái giác chi là để giúp cho thân tâm lắng dịu, không bị lửa ái dục thiêu đốt.
g- Định Giác Chi:
Thực tập định giác chi có mục đích giữ tâm thanh tịnh, khi tâm được an trú thì các ác pháp sẽ bị tiêu diệt, nhờ đó tâm trở nên sáng suốt, trí tuệ phát sanh.
h- Xả giác chi:
Với xả giác chi là giúp cho tâm quân bình không bị ảnh hưởng của ngoại vật, đó là tâm không thiên vị, không bị tình cảm chi phối.
Khi tâm được rèn luyện, các giác chi được phát huy thì những hoặc lậu sẽ bị hủy diệt, vì vậy luyện lâm là một trong những phương pháp hữu hiệu để diệt trừ phiền não.
Bảy phương pháp diệt trừ hoặc lậu để chúng ta có được cuộc đời thảnh thơi nhàn nhã mà Ðức Phật đã dạy trong Kinh Trung Bộ, hiện nay đã được nhiều nhà tâm lý học hoan nghinh, và áp dụng trong ngành tâm lý trị liệu thực dụng. Như vậy Ðức Phật không những là một nhà tôn giáo đại tài, mà Ngài còn là một vị Bác sĩ ngành tâm lý liệu lỗi lạc với một hệ thống tâm lý liệu vượt bực nhờ nguyên tắc nhân quả. Bởi vì đời sống hiện tại chỉ là một trong các chuỗi sanh tử luân hồi, trong lúc Ðức Phật không những đã tìm cách giúp cho môn đệ, cho con người thoát khỏi các tâm bệnh trong đời sống này, mà còn trong cả kiếp sống vị lai.
Nói tóm lại thực hành theo giáo pháp của Ðức Phật không phải chỉ nhằm mục đích giải quyết những phiền não và khổ đau của con người trong cuộc đời hiện tại, mà xa hơn nữa mục đích của Đạo Phật là giúp con người giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi ràng buộc của phiền não và khổ đau, để có được một đời sống thoải mái, hồn nhiên, thánh thiện trong cuộc đời hiện tại và đời kiếp ở tương lai.
--o0o--