TẬP SAN DƯỢC SƯ

Tự Thắp Đuốc Mà Đi
Trúc Giao
---o0o---
          
- Dậy mà đi, ơi dậy mà đi
           Dậy mà đi, thắp đuốc lên mà đi
           Dậy mà đi mang sứ mệnh con người
           Dậy mà đi mang sứ mệnh tuyệt vời
           Giác ngộ nhân quần
           Giác ngộ cho chúng sanh
           Cho mọi người đạo quả viên thành
           - Dậy mà đi, ơi dậy mà đi
           Dậy mà đi, thắp đuốc lên mà đi.
           Cụm từ Tự Thắp Đuốc Lên Mà Đi đó là lời dạy của Đức Phật lúc Ngài sắp vào Niết Bàn. Đây là lời nhắc nhở quan trọng không chỉ riêng cho phật tử tại gia mà là cả đệ tử xuất gia. Cũng không phải chỉ riêng đối với đệ tử xuất gia mà còn các hàng đệ tử đã chứng thánh, nhưng chưa phải là quả vị rốt ráo. Nói chung là đệ tử của Phật khi không còn bóng cây đại thọ để nương nhờ thì tự mình phải thắp ngọn đèn trí tuệ của chính tự thân để mà đi.
Là đệ tử của Phật cho dù là xuất gia hay tại gia cũng được coi là tăng thân, một tổ chức sống hòa hợp, tuy vậy đại thể có thể chia làm hai loại lớn:
- Hạng người siêu phàm nhập thánh, đó là hạng người đã dứt hết mọi mê hoặc, chứng được chân như.
- Một loại nữa là phàm phu tức là con người ở thế gian, tuy là tu nhưng vẫn còn tham sân phiền não ...
Nói chung người ta coi bậc thánh là đấng sùng kính, còn phàm phu thì kém hơn. Do đó ngày nay có nhiều người tu hành tuy chưa đến đâu vẫn tự xưng là chứng thánh để nâng cao giá trị của mình. Nhưng là người phật tử có tu, chúng ta không những không tự khoe khoang mà còn phải khiêm cung học hỏi.
Theo quan niệm của thế gian, người ta thường phân chia ranh giới của sự hiểu biết:
- Thượng trí
- Trung căn
- Hạ ngu
Nếu lấy thượng trí để so sánh đối với hạ căn thấp kém, thì kẻ hạ căn thấp kém đương nhiên không thể bằng bậc thượng trí. Hạ ngu tuy không bằng thượng trí nhưng cả hai hạng người đó có một điểm chung đó là khó thay đổi:
a- Người Trí
Bậc thượng trí không thay đổi vì nghĩ rằng mình có trí tuệ cao siêu, nhận thức chính xác mọi sự lý, cho nên quyết không thể quay gót theo người và nghe người một cách dễ dãi. Với khả năng của người trí họ tự nghĩ là chỉ có thể dựa vào trí tuệ của mình, kiên định hành động theo điều mình hiểu. Đó là cái không thay đổi của bậc thượng trí.
b- Căn Thấp Kém
Đối với bậc hạ căn thấp kém, tuy trí tuệ thua kém các bậc thượng trí, nhưng cũng có sức kiên trì, khó thay đổi. Đó là tính cách thuần phác của họ. Một khi đã được người khác hướng dẫn, bảo họ làm thế nào thì họ kiên định làm theo như thế. Quả thật như vậy, chẳng hạn như nhiều phật tử lớn tuổi, không hề biết chữ, xem ra rất hiền hòa chất phát, nhưng nếu nói với họ rằng:
- Cụ cố gắng niệm Phật A Di Đà thì Phật sẽ rước cụ về Tây Phương Cực Lạc.
Lời hướng dẫn nầy họ sẽ tin tưởng giữ chặt cái tôn chỉ ấy, không ai lay chuyển hoặc thay đổi được. Đó là cái bất di của kẻ hạ căn thấp kém. Với những người hạ căn thấp kém như vậy, thật là hiếm hoi đáng quý biết bao.
c- Trung Căn
Riêng về hạng trung căn nếu so sánh thì khá hơn những bậc hạ căn, nhưng lại không bằng bậc thượng trí, do vậy hạng người nầy là hạng người dễ dàng thay đổi nhất, bấp bênh nhất. Hôm nay nghe nói đạo Phật tốt thì tin thờ đạo Phật, ngày mai nghe nói đạo khác tốt lại thay đổi tín ngưỡng. Những người như vậy rất khó mà hóa độ.
Là người tu, chúng ta tự nhận là kẻ trí tuệ kém chẳng qua chỉ là tự mình khiêm cung, những người như vậy chắc chắn không phải là người ngu muội không biết gì. Cái kém cỏi mà chúng ta tự nhận, chúng ta có thể hiểu là:
- Đại trí nhược ngu
Nghĩa là:
- Bậc đại trí xem ra như người ngu đần.
Đối với loại người, biết mình là con người phàm phu, nhưng chúng ta có thể hiểu biết về chúng ta. Chúng ta tự nhận xét, tuy là một người có tu học, nhưng không giống một phật tử đúng phép, do vậy mà chưa có đủ những phẩm cách hoàn mỹ của một kẻ tu học. Một khi đã hiểu biết như vậy, thì chúng ta là người trí. Hơn thế nữa, trên thực tế, người có chí tu học thì đã là người có chí của đại trượng phu, mà lại có tâm cầu được vãng sinh Tây phương Cực Lạc thì chắc hẳn không thể là người phàm phu bình thường. Vãng sinh Tây phương, được gặp đức Di Đà mà giác ngộ, thì chắc chắn không phải là người hạ căn kém cỏi.  
Chúng ta nên biết rằng, chư vị thiền tổ đã đi qua trên cuộc đời, là một đệ tử của Phật, lẽ tất nhiên là phải nói năng khiêm tốn đối với mọi người. Hơn nữa, Phật pháp là không thể nghĩ lường, thường thường trong Pháp hội, lúc nào cũng có chư Phật, Bồ Tát chứng minh, nhưng vì chúng ta là người phàm mắt thịt không thấy được mà thôi. Đồng thời trong hàng đại chúng có mặt tại chỗ có thể có những đại thiện tri thức, cho nên mỗi khi trình bày một quan điểm nào đó thì đức tánh khiêm cung không thể thiếu.
Nếu chúng ta là người có những suy tư như vậy, khi đứng trước hoàn cảnh đạo pháp suy vi, chúng sinh đau khổ thì chắc chắn tự nhận cho mình một trách nhiệm để cứu vãn Đạo Phật đang suy vi, cứu vớt chúng sinh đang đau khổ. Chúng ta nên cảm thấy đó là niềm đau của chính bản thân mình, nếu cần thổ lộ cũng nên thổ lộ lòng mình, để cầu mong mọi người phát tâm hướng thượng, trên thì hoằng dương Phật đạo, dưới thì hóa độ chúng sinh. Sự kiện nầy, ngoài hiện tiền đại chúng ra, chúng ta còn phải có bổn phận truyền đạt đến:
- Những Thính Chúng Không Tham Dự.
Là những người có mặt trên đời lúc bấy giờ, vì ngoài những người hiện có mặt tham dự Pháp hội Niết bàn ra, đương thời còn rất nhiều tín đồ khác không đến tham dự. Chúng ta cũng mong muốn họ cùng phát tâm hướng thượng, và hành đạo Bồ Tát như chúng ta.
2- Người Đời Sau.
Vì là giáo pháp cao thâm vi diệu, không những cần tác động đến những tín đồ Phật Giáo đương thời, mà còn mong muốn những lời đó tác động đến những tín đồ các tôn giáo khác trong tương lai, hy vọng họ cũng phát tâm Bồ Đề như thế. Cư sĩ là chỉ cho những người tu hành tại gia. Tất cả những tín đồ học Phật tại gia, không luận là nam nữ, trước hết cần phải có lòng tin đối với Tam bảo. Nếu không có lòng tin, thì không những chúng ta không thể hành trì Phật pháp, mà còn có thể làm tổn hại Phật pháp. Vì vậy, đối với tín đồ Phật giáo, lòng tin là vô cùng quan trọng. Tuy là lòng tin, nhưng lòng tin cũng cần phải có sự thanh tịnh đó là vấn đề rất quan trọng. Bởi vì lòng tin thanh tịnh tuyệt đối thì gọi là tịnh tín, là nói lòng tín ngưỡng Phật pháp rất thuần khiết, trong đó không nhiễm một tí tư tưởng tà đạo nào. Tin tưởng Tam bảo nếu như còn tạp nhiễm những tà kiến không thuần khiết, thì rất khó mà tu hành Phật pháp, và đồng thời cũng khó thể hiện được sự thực hành chân chính. Kinh nói:
- Tín vô trọc nhiễm linh tâm tịnh,
Khí trừ ngã mạn cung kính bản.
Nghĩa là:
- Lòng tin không nhuốm đục là lòng thanh tịnh,
Trừ bỏ sự kiêu mạn của cái tôi, là gốc của sự cung kính.
Kinh Thập Pháp lại nói:
- Tín vi tối thắng thừa,
Vận tải thành chính giác,
Thị cố tín đẳng sự,
Trí giả ưng thân cận.
Nhược nhân vô tín căn,
Bất sinh như bạch pháp,
Thí như tiểu cốc chủng,
Diệc bất sinh nha kính.
Nghĩa là:
- Lòng tin là cỗ xe tốt bậc nhất
Để chuyên chở chúng sinh đến chốn giác ngộ chân chính.
Vì thế cho nên
Lòng tin là điều mà bậc trí giả phải gần gũi.
Người ta nếu không có gốc lòng tin
Thì không thể nẩy sinh bất cứ thiện pháp nào
Cũng như hạt giống thóc thối,
Không thể nẩy mầm thành cây được.
Vì lẽ đó, chúng ta phải cung kính phụng thờ Tam Bảo, tiếp thụ lời răn dạy của Tam Bảo với một lòng tin tín thành thuần khiết nhất. Chúng ta bất luận nghe gì, nếu chỉ nghe mà không xét thì cũng bằng như không nghe, cho nên nghe rồi phải xem xét. Theo Phật pháp:
- Nghe là văn tuệ, xét là tư tuệ.
Chỉ có nghe rồi phải nghĩ thì mới tiếp thụ được Phật pháp. Thực ra, ngoài nghe và nghĩ ra, còn phải hành, cho nên trong đoạn trên có đủ cả ba loại trí tuệ:
- Văn, tư, tu.
Người nghe và thực hành Phật pháp một cách thực sự thì phải dùng cả ba tuệ văn, tư, tu. Nếu có thể nghe Phật pháp với cả ba tuệ thì sẽ tiếp thụ được Phật pháp. Bởi vì cửa chính vào Đạo, phát tâm làm đầu, việc cần kíp của người tu hành, trước hết phải lập nguyện. Nguyện lập thì độ được chúng sinh, phát tâm thì Đạo Phật sẽ thành, nếu như không phát tâm quảng đại, lập nguyện vững chắc thì cũng vẫn không thoát khỏi luân hồi, tuy có tu hành nhưng vẫn cứ uổng công vất vả.
Như những người tu học Phật pháp, tất cả đều phải đi vào đạo Phật. Nhưng muốn đi vào Đạo Phật thì nhất định phải qua một cái cửa. Như muốn đi vào giảng đường, chắc chắn phải qua một cái cửa của giảng đường. Cũng vậy, cái cửa chủ yếu phải đi qua để vào Đạo Phật tức là phát tâm, tự mình thắp đuốc lên mà đi, tự mình mở cửa bước vào nhà Phật Pháp. Chỉ có phát tâm, mở cửa mới vào được Đạo Phật. Vì vậy bất kể trong kinh điển Đại thừa hay Tiểu thừa, Đức Phật đều chỉ dạy cho chúng ta phát tâm là số một.
Chúng ta muốn vào con đường giải thoát, cố nhiên phải phát tâm, muốn vào con đường Bồ Đề lại càng phải phát tâm nhiều hơn. Cho dù là theo thiên đạo và nhân đạo của thế tục đi cũng cần phát tâm. Nếu như không phát tâm, thì dù cho cửa rộng mở, đường đi bằng phẳng, chúng ta vẫn không thể qua cái cửa ấy để bước lên con đường lớn mà chúng ta hy vọng bước lên. Theo đó, có thể chứng tỏ rằng phát tâm quả là hết sức quan trọng. Nói một cách nghiêm túc, không chỉ cho những ai muốn đi lên con đường lớn của Phật pháp mới cần phải phát tâm, mà muốn hoàn thành bất cứ một việc gì ở thế gian cũng phải phát tâm. Không phát tâm thì bất cứ việc lớn việc nhỏ gì cũng không thể thành công.
Sau khi phát tâm rồi, việc phải làm tiếp theo là theo cái tâm đã phát mà thực hiện. Từ điểm khởi đầu cho đến điểm kết thúc, mọi việc phải liên tiếp không gián đoạn, bước này tiếp với bước kia mà tiến lên, như vậy mới có thể gọi là tu học đạo giải thoát. Như vậy việc trước và trên hết trong sự nghiệp tu học là tự mình thắp đuốc lên mà đi. Khi chúng ta muốn bước lên bất cứ một con đường lớn nào của Phật pháp, thì trước hết là lập chí nguyện vững bền. Với cái chí nguyện vững bền không thể chuyển lay ấy, chúng  ta có thể từng bước tiến mạnh đến mục tiêu, không ngừng không nghỉ. Vì vậy, nếu chúng ta muốn tu hành có thành tựu, thì việc lập nguyện là một sự kiện quan trọng tuyệt đối không thể thiếu được, hơn nữa là một trong những điều kiện tiên quyết.
Về vấn đề này như tất cả mọi người chúng ta ai cũng đều biết. Muốn làm bất cứ việc gì ở thế gian, nếu không tự mình đứng lên mà đi thì không thể hoàn thành được sự nghiệp chúng ta muốn hoàn thành. Sự nghiệp thông thường ở thế gian còn như vậy, thì việc lớn tu học Phật pháp, hóa độ chúng sinh, ở chốn trang nghiêm tịnh độ lại càng không thể thiếu. Do vậy, nếu không lập được nguyện lớn kiên định, thì khó có thể hoàn thành được những việc lớn. Vì vậy, trong Kinh, đức Phật nhiều lần chỉ dạy cho chúng ta:
- Việc khẩn cấp trong khi tu hành trước hết phải tự mình thắp ngọn đèn trí tuệ cho chính mình.
Như vậy, việc phát tâm và lập nguyện có tầm quan trọng ngang nhau trong Phật pháp. Lập nguyện sở dĩ quan trọng là vì:
- Nguyện lập tắc chúng sinh khả độ
Nghĩa là:
- Lập được nguyện thì có thể hóa độ được chúng sinh.
Chúng ta biết rằng, bất cứ việc gì trên đời, nếu không xác lập được ý nguyện kiên định bất di bất dịch còn khó có thể hy vọng hoàn thành, huống gì việc lớn học Phật, hóa chúng sinh độ?
Nhiệm vụ của người tu phát tâm Bồ Đề không có gì trọng yếu hơn là hóa độ chúng sinh nhiều đến vô lượng vô biên. Bồ Tát hóa độ được những chúng sinh cang cường hay không mấu chốt không phải ở chỗ chúng sinh nhiều và cang cường, mà là ở chỗ chúng ta có lập được chí nguyện kiên định, rồi dựa vào cái nguyện lực kiên nghị đó để bền bỉ nhẫn nại để hóa độ chúng sinh. Khi đã có tâm bền bỉ như vậy thì sẽ có ngày chúng sinh sẽ được chúng ta hóa độ. Vì tầm quan trọng của việc lập nguyện, cho nên Đức Phật đã từng khai thị chúng ta:
- Như Lai đại chí tôn,
Hiển công đức chứng,
Nhẫn tuệ phúc nghiệp lực,
Thệ nguyện lực tối thắng.
Nghĩa là:
- Bậc Đại trí Như Lai tôn kính
Đã từng nói rõ công đức chúng.
Nhân lực, trí lực, phúc lực, nghiệp lực,
Chỉ có nguyện lực thù thắng nhất.
Ý nói bậc đại trí đại bi Như Lai đã từng chỉ rõ công đức cho chúng ta, muốn thành tựu công đức trong sự nghiệp tu học, vì thế trước và trên hết chúng ta phải thực hiện:
1- Nhẫn Lực:
Tức là sức nhẫn nhục chịu đựng. Trong Kinh nói:
- Năng hành nhẫn giả, nãi khả danh vi hữu lực đại nhân
Nghĩa là:
- Người nào chịu nhẫn nhục được, thì có thể gọi người đó là bậc đại nhân có sức mạnh lớn.
Như vậy, một người được coi là có sức mạnh hay không thì phải xem công phu chịu đựng nhẫn nhục của người đó đạt đến mức nào. Người có thể nhẫn nhục thì rốt cục sẽ thành công, có thể thấy rõ sức mạnh của nhẫn lực đó là rất lớn.
2- Trí Lực:
Tức là sức mạnh của trí tuệ. Có thể phân biệt trái phải, quyết định tà chính được hay không, hoàn toàn là do có trí tuệ hay không. Người không phân biệt được đúng sai, tà chính là người trái phải không phân minh, tà chính không rõ. Do đó trí lực là không thể coi nhẹ được.
3- Phúc Đức Lực:
Người ta nếu làm theo điều thiện thì phúc đức được tích tụ sau này rất lớn. Phúc đức đó sẽ tạo ra một sức mạnh cho thân tâm chúng ta mà không một ai có thể cướp đoạt được cái sức mạnh đó.
4- Nghiệp Lực:
Là sức mạnh tạo nghiệp. Bất luận chúng ta tạo ra nghiệp thiện hay nghiệp ác thì nó cũng tạo ra một sức mạnh thúc đẩy, khiến cho ta phải tất tả chạy ngược chạy xuôi. Không một sức mạnh nào có thể kháng cự nổi nghiệp lực. vì vậy nói:
- Nghiệp lực là sức mạnh không thể nghĩ bàn.
Sau khi nói đến các loại sức mạnh đó, Đức Phật chỉ rõ cho chúng ta biết:
- Thệ nguyện lực tối thắng,
Nghĩa là:
- Nguyện lực sức mạnh hơn tất cả các loại lực nói trên.
Chúng ta cứ thử nghĩ:
- Mọi việc chúng ta muốn làm trong thế gian này, cho đến việc liễu ngộ sinh tử, được giải thóat, hóa độ chúng sinh, thành tựu Phật đạo, việc nào chúng ta cũng đều cần đến sức mạnh của nguyện lực.
Không có việc nào mà chúng ta không tự mình thắp đuốc lên mà đi. Như vậy không tự mình thắp đuốc lên mà đi, không có nguyện lực thì việc gì cũng không thành. Cho nên trong các Kinh Luận thường có lời khuyên chúng ta nên phải phát nguyện. Vì khi đã thực sự phát nguyện, thì dựa vào nguyện lực đó chúng ta sẽ không lười biếng, lùi bước trên con đường tiến đến mục tiêu và nhất định có thể đạt đến mục tiêu cuối cùng.
Trong sự tích của chư Phật, và Bồ Tát, chúng ta có thể tìm thấy những tấm gương lập nguyện lớn hóa độ hóa chúng sinh, với niềm tin chúng sinh sẽ được chúng ta hóa độ. Chư Phật Như Lai sở dĩ có thể hóa độ chúng sinh cần phải hóa độ, nguyên nhân là nhờ có sức mạnh của chí nguyện lớn như:
- 48 nguyện Phật A Di Đà,
- 12 nguyện của Phật Dược Sư.
Các vị Đại Bồ Tát tuy đang ở trong vòng sinh tử mà có thể hóa độ được chúng sinh, chính là nhờ có sức mạnh của nguyện lực lớn như:
- 12 đại nguyện của Đại Sĩ Quan Âm,
- 10 đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền.
Quả thật, nếu muốn hóa độ chúng sinh trong bể khổ sinh tử, nếu không tự mình thắp đuốc lên mà đi, nếu không có nguyện lớn kiên định bất di bất dịch thì không thể nào làm nổi. Mỗi vị Bồ Tát phát tâm đều phải phát bốn thề nguyện lớn là vì thế
- Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyệc học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Chư Phật Như Lai, chư Bồ Tát đều có chí nguyện riêng biệt của các Ngài, cũng chính là vì thế chúng tôi xin được gợi ý đến đại chúng học Phật, trước hết hãy lập nguyện vững bền.
Nếu có lúc chúng ta biết việc lập nguyện là quan trọng cho việc thành tựu đạo nghiệp, thì sự phát tâm là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho việc thành tựu đạo nghiệp. Quả thật, bất luận làm gì không phát tâm thì thôi, một khi đã phát tâm thì làm gì cũng có thể thành công. Trên lập trường Phật pháp, chúng ta đều hy vọng cuối cùng được thành Phật. Để chứng được Phật quả tối cao vô thượng, trước hết ta phải phát tâm Bồ Đề. Một khi đã phát tâm Bồ Đề rồi thì dù hành trình đến quả vị Phật có xa xôi đến mấy, dù đường Bồ Đề khó đi đến mấy, dù trên đường gặp bao nhiêu ma chướng, chịu bao nhiêu đả kích cũng không lay chuyển được chúng ta. Được như thế là vì nhờ đã có cái tâm mong muốn thành Phật, tinh tiến không mệt mỏi trên đường tu học, mà qua đó chúng ta tìm được cách gạt bỏ mọi khó khăn, phá trừ mọi ma chướng. Trên đường đạt Bồ Đề, chúng ta cố gắng không ngừng, vấp váp không nản bước tiến trên đường tu đạo giải thoát. Khi chưa đạt được Phật quả, thì quyết không dừng bước. Như vậy, tầm quan trọng của việc tự mình thắp đuốc lên mà đi là khởi đầu cho công việc lập nguyện và phát tâm, nếu không phát tâm quảng đại, không lập nguyện kiên cố thì cũng vẫn không thoát khỏi luân hồi, tuy có tu hành, cũng vẫn uổng công vất vả.
Bàn về việc phát tâm, chúng ta cũng phải biết sự phát tâm tuy là một, nhưng có lớn có nhỏ khác nhau rất nhiều, chẳng hạn như:
1- Phát tâm vì mình, vì gia đình, thôn xóm, quốc gia, cho đến vì cả thế giới mà phát tâm. Sự phát tâm nầy không được coi là phát tâm quảng đại.
2- Phát tâm độ tận chúng sanh như tận hư không, khắp pháp giới, thì gọi là tâm quảng đại. Như chúng ta thường đọc được trong kinh Phật:
- Hư không hữu tận
Ngã nguyện vô cùng.
Nghĩa là:
- Hư không tuy rộng lớn nhưng vẫn có chỗ cùng tận.
Trong khi đó nguyện của chúng ta không cùng tận.
Chỉ có phát tâm như vậy mới đủ tư cách là phát tâm quảng đại. Vì phải có tâm quảng đại như vậy, thì mới có thể hóa độ hết thảy chúng sinh.
Còn nói về lập nguyện, đứng trên phương diện thế gian mà nói. Mặc dù mỗi người đều lập nguyện riêng, nhưng đại thể là ai cũng có chí nguyện của mình. Có người lập nguyện rồi, có thể thành được sự nghiệp mà mình kỳ vọng, hoàn thành được tâm nguyện của mình. Nhưng cũng có người lập nguyện rồi, kết quả cũng không nên việc gì, không được nguyện vọng của mình, đó là thiếu yếu tố tự mình thắp đuốc lên mà đi, nghĩa là chúng ta không tùy thuộc vào bất cứ một chi phối nào ở trong cuộc đời.
Cũng là lập nguyện, nhưng lại có người thành công có người thất bại, lý do là vấn đề lập nguyện có kiên cố hay không. Có người lập nguyện rồi, không thể kiên định ý chí của mình, do vậy khi hơi bị trắc trở, hơi bị đả kích một chút là lung lay chí nguyện, như thế không thành công là lý đương nhiên. Đã lập nguyện rồi thì nguyện đó phải cho kiên định:
- Không vì trắc trở mà dao động
- Không vì đả kích mà sợ hãi
- Không vì khó khăn mà lùi bước
- Không vì trở ngại mà nản lòng.
Lập nguyện kiên cố như vậy thì không có việc gì là không làm nổi. Cho nên lập nguyện không chỉ để mà lập nguyện, mà còn phải lập nguyện kiên cố, dứt khoát không vì bất cứ khó khăn nào mà để mất bản nguyện của mình, phải có quyết tâm, sinh mệnh ta có thể hy sinh, chí nguyện ta quyết không thay đổi mới được.
Nếu không đạt được sự phát tâm quảng đại như đã nói, thì cho dù chúng ta có tu hành trong ba đại a tăng kỳ kiếp, cũng không thể nào thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Tức là, cho dù chúng ta có tu trì đúng phép trong thời gian dài vô số kiếp vi trần, thì cũng cứ đắm chìm trong bể khổ tử sinh không thể giải thoát được. Trần kiếp là chữ thường nói trong kinh Phật có vẻ hơi khó hiểu, tuy nhiên nếu lấy thế giới Ta Bà nơi mà chúng ta đang sống đây để nói thì rất dễ hiểu:
- Đem cái thế giới này chia nhỏ mãi ra thành những hạt bụi nhỏ li ti, lấy mỗi hạt bụi như vậy làm một kiếp, có bao nhiêu hạt bụi như vậy là có bấy nhiêu kiếp.
Tu hành trong thời gian bấy nhiêu kiếp vi trần, mong thoát khỏi luân hồi sinh tử, kết quả vẫn ở trong vòng sinh tử ấy, không sao thoát được. Nói theo quan điểm chung, tu hành Phật pháp không ngoài hy vọng đạt được thành tựu về Phật pháp. Nhưng nếu không có yếu tố tự mình thắp đuốc lên mà đi, thì dù có tác dụng công sức tu hành, kết quả vẫn là vất vả vô ích.
Cho nên cũng là dụng công tu hành, mà tự mình thắp sáng ngọn đèn tuệ giác, tự mình phát tâm quảng đại, lập nguyện kiên cố thì thành tựu sẽ lớn. Ngược lại, với tâm hồn ươn yếu, không phát tâm quảng đại, không lập nguyện kiên cố, thì thành tựu sẽ nhỏ, nhiều khi còn là uổng phí công lao vất vả. Vì vậy, tự mình thắp sáng đèn tuệ giác, tự mình phát tâm quảng đại, lập nguyện kiên cố là ba điều kiện không thể thiếu được của việc tu đạo giải thoát. Cho nên kinh Hoa Nghiêm nói:
- Vong thất Bồ Đề tâm
Tu chư nghiệp pháp
Thị danh ma nghiệp
Nghĩa là:
- Quên mất tâm Bồ Đề
Mà tu các thiện pháp
Thì gọi là ma nghiệp.
Quên mất còn như vậy, huống gì chưa phát tâm, cho nên muốn học đạo giải thoát, việc trước hết phải phát nguyện Bồ Tát, không thể chậm trễ. Tự mình thắp đuốc lên mà đi, phát tâm quảng đại, lập nguyện vững bền. Nói khác đi là chúng ta phải tinh tấn vượt bực, phải phát tâm Bồ Đề, lập nguyện Bồ Tát. Với tuệ giác, phát khởi tâm Bồ Đề, lập nên nguyện Bồ Tát, lấy cái tâm nguyện đó mà tu mọi hạnh lành, mới có thể thành Phật nghiệp, Bồ Tát nghiệp, cũng gọi là thiện nghiệp vô lậu xuất thế gian. Nếu không phát tâm Bồ Đề, không lập nguyện Bồ Tát thì mọi thiện pháp đã tu, có thể tương ứng với Phật pháp hay không cũng trở thành những khó khăn lớn. Theo Kinh Hoa Nghiêm:
- Một hành giả dù đã phát tâm Bồ Đề, động cơ phát tâm lúc đầu, tuy nói là để hóa độ chúng sinh, nhưng lâu dần trên đường đạo Bồ Đề, hoặc vì bận xử lý việc đời, hoặc vì không chịu được thử thách, hoặc vì cảm thấy chúng sinh khó hóa độ, thế rồi tự nhiên quên mất tâm nguyện Bồ Đề đã phát lúc đầu.
Về việc này Đức Phật đã nói cho chúng ta biết:
- Quên mất tâm Bồ Đề thì tu mọi thiện pháp cũng thành ma nghiệp.
Gọi là quên mất tâm Bồ Đề. Chúng ta không nên nghĩ là chưa từng có tâm ấy. Bởi vì trong Kinh nói:
- Xưa có một vị Bồ Tát gặp được một đấng Như Lai, liền phát tâm Bồ Đề.
Như vậy đáng lẽ là rất tốt, nhưng về sau trong tu hành ở thế gian, quên mất cái tâm Bồ Đề đã phát, cứ như là chưa hề xãy ra chuyện đó. Chúng ta quên mất tâm Bồ Đề như vậy, mặc dù vẫn tu hành thiện pháp ở thế gian, như tu:
- Năm giới tại gia,
- Mười giới thiện,
- Như bắt cầu, làm đường, bố thí quần áo, cơm ăn, thuốc men .. v. v.. đều có thể gọi là thiện pháp.
Như vậy, phàm việc gì có ích cho nhân quần xã hội, thế giới, nhân loại, dù các loại việc từ thiện nhỏ đến đâu cũng đều có thể gọi là thiện pháp. Nhưng mọi thiện pháp đã tu, nếu tương ứng với tâm Bồ Đề, tự nhiên sẽ trở thành tư lương thành Phật. Còn nếu không tương ứng với tâm Bồ Đề thì tất cả đều thuộc ma nghiệp.
Cái gọi là ma nghiệp tức là ma vương, tác dụng duy nhất của ma vương là cản trở chúng ta hướng lên, hướng về cái thiện, hướng về quang minh. Tuy nhiên chúng ta không nên nghĩ chỉ có ma vương trên trời lục dục mới là ma, mà chúng ta phải biết là những gì ngăn trở chúng ta trên con đường xuất thế cũng đều gọi là ma. Vì thế khi có một người muốn vượt ra ngoài ba giới, là ma vương phát hoảng, sợ rằng quyến thuộc của nó lại thiếu đi một thành viên. Thế là nó thi triển mọi chước quỷ mưu ma, cản trở lưu giữ những người ấy, không cho ra khỏi tam giới. Do đó quên mất tâm Bồ Đề mà tu thiện pháp, thì nhiều nhất cũng chỉ cảm thấy được quả phúc báu sinh lên cõi trời mà thôi, không thể thoát ra khỏi bàn tay ma vương, vẫn nằm trong sự khống chế của ma vương, ngoan ngoản làm họ hàng thân thuộc của ma vương.
Nói là tu các thiện pháp, không phải là chuyên chỉ cái thiện pháp thế gian, mà bao gồm cả các thiện pháp xuất thế gian. Ở đây có người hỏi rằng:
- Quên tâm Bồ Đề mà tu các thiện pháp thế gian, cố nhiên có thể nói là ma nghiệp. Quên tâm Bồ Đề mà tu các thiện pháp xuất thế gian, có được coi là ma nghiệp không?
Trong Kinh Lăng Nghiêm nói:
- Đem cả Thanh văn, Duyên giác cũng liệt vào trong 50 loại ấm ma, thì nói tu cái thiện pháp xuất thế cũng là ma nghiệp.
Hơn nữa ma vương không những tu thập thiện nghiệp, và cũng tu thiền định nữa. Nhưng sở dĩ không được địa vị như chư Bồ Tát, hoặc Phạm Thiên ở cõi Trời chỉ vì ma vương không phát tâm Bồ Đề, cho nên còn bị quả báo sinh vào cõi trời dục giới mà trở thành ma vương nhiểu loạn thế gian, khiến cho mọi chúng sinh ở dục giới đều thành quyến thuộc của nó. Hơn nữa phát tâm bồ đề rồi mà lại quên mất tu các thiện pháp còn là ma nghiệp, huống gì căn bản không tự mình thắp đuốc lên mà đi, không tự mình phát tâm Bồ Đề, không tự mình lập nguyện Bồ Tát. Chỉ có quên đi còn như vậy, huống gì là chưa phát. Từ đây có thể thấy rõ hơn phát tâm Bồ Đề rất là quan trọng.
Căn cứ vào những điều vừa trình bày có thể hiểu rõ, một người tu học đạo giải thoát nếu như tự nguyện tu tập thiện pháp Nhân, Thiên thừa, hoặc chỉ muốn tu Thanh Văn, Duyên giác thừa thì không nói, còn nếu muốn tu học pháp Đại thừa, thì trước hết phải tự mình thắp ngọn đèn tuệ giác, tự mình phát nguyện tu hạnh Bồ Tát, và điều đó không thể chậm trễ.
Nói tóm lại, chúng ta tu học đạo giải thoát, hy vọng sau này thành Phật, tức là mục đích cuối cùng của việc tu học. Nhưng Phật do tu hạnh Bồ Tát mà thành. Không có một đức Phật nào không qua con đường tu học hạnh Bồ Tát mà thành được quả vị Phật tối cao. Vì thế, nói đến người thực hành hạnh Bồ Tát là nói về người đã phát tâm Bồ Tát. Có nhân tu Bồ Tát hạnh thì sẽ từng bước tiến đến Phật quả. Còn nói quả vị Phật là nói đến mục tiêu, kết quả. Bồ Tát thừa là nhân, Phật thừa là quả cả hai đều có quan hệ nhân quả. Bất luận là Bồ Tát thừa hay Phật thừa, khi muốn bước lên con đường lớn Bồ Đề này thì trước hết phải có một điều kiện, tức là phải khơi dậy tánh giác, phát nguyện Bồ Tát. Khơi dậy tánh giác, phát nguyện Bồ Tát không những là điều kiện không thể thiếu được, hơn nữa còn phải mạnh dạn không thể nào trì hoãn. Trong khi đó tâm lý con người thường có cái tật là rề rà trì hoãn, việc gì cũng muốn để đến ngày mai, nhưng nhiều người đã không biết:
- Ngày mai là ngày không bao giờ đến, bởi vì qua cái ngày mai này, lại đến cái ngày mai khác.
Cho nên, chúng ta không những phải khơi dậy tánh giác, phát tâm Bồ Đề, mà còn phải phát tâm Bồ Đề thật sớm, phát tâm Bồ Đề ngay lập tức, không thể đợi ngày mai. Nếu như ngày mai rồi lại ngày mai, qua mấy ngày mai thì chúng ta đã lão rồi, thậm chí sắp xuống huyệt rồi. Đến lúc đó cho dù muốn phát tâm Bồ Đề thì cũng quá muộn mất rồi. Quả thật như vậy, việc gì cũng có thể từ từ, riêng việc học đạo giải thoát, việc phát tâm Bồ Đề là tuyệt đối không thể từ từ, phải bắt đầu ngay lập tức, bởi vì thời gian không bao giờ chờ đợi chúng ta. Chúng ta hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.
--o0o--