TẬP SAN DƯỢC SƯ

Đức Phật & Con Đường Mới
Nhất Quán
--o0o--
 
          Trước thời Đức Phật ra đời, tại Ấn Độ về tư tưởng tôn giáo, triết học, cũng như về các phương diện chính trị, kinh tế xã hội thật vô cùng phức tạp, thêm vào đó là nạn kỳ thị tôn giáo cũng rất trầm trọng. Phía Tây Ấn Độ là địa bàn hoạt động của người Bà La Môn Giáo. Phía Đông thì thuộc về lãnh vực cai quản của Kỳ Na Giáo. Hai tôn giáo này tranh giành ảnh hưởng với nhau, và chi phối hoàn toàn đời sống của người dân Ấn Độ, không những về mặt tinh thần mà cả phương diện vật chất nữa. Có thể nói đây là thời kỳ loạn lạc xứ Ấn Độ. Con người lúc này không còn biết tin tưởng và vin vào đâu cả.
          Giữa lúc hoàn cảnh bế tắc và phức tạp ấy Đức Phật xuất hiện như một mặt trời sáng rực rỡ trong buổi sớm ban mai, làm mất đi những bóng tối của đêm đen dày đặc, đang che phủ toàn xứ Ấn Độ. Ngài là vị cứu tinh không những chỉ dành riêng cho xứ Ấn Độ thời ấy, mà còn là của cả chúng sanh nhân loại sau này nữa. Thật vậy, giữa một xã hội luôn luôn sống trong tình trạng báo động, nghi ngờ, áp bức bất công, người cai trị người, người bóc lột người, Đức Phật là người đầu tiên đề xướng thuyết nhân bản, lấy con người làm cứu cánh để giải quyết hết các vấn đề bế tắc của thời đại. Cho nên sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong thế giới loài người là một vinh hiển cho con người và cuộc đời. Ngài là kết tinh của muôn ngàn hoa hương từ bi và trí tuệ, là hiện thân của chân lý, là một điềm lành cho hết thảy chúng sanh trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Nếu cõi đời không bị bóc lột, áp bức, khổ đau tối tăm thì Đức Phật không xuất hiện ở đời. Ngài ra đời vì chúng sanh đang trầm luân trong biển khổ, là một đại sự nhân duyên, có mục đích chỉ dẫn chúng sanh tu hành, tìm ra chân lý, chấm dứt khổ đau, phiền muộn.
Con người sinh ra đời đều phải chịu cảnh khổ nhiều, vui ít, cho nên Đức Phật phải giáng trần để giúp loài người bớt khổ thêm vui. Vì thế sự hiển hiện của con người xuất thế tại vườn Lâm Tỳ Ni vào một ngày trăng tròn cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ là hình ảnh của chân lý viên dung. Từ đó cho đến tận ngày nay đã được các nhà bác học, văn nghệ, truyền giáo thuật lại với nhiều vẻ linh động, nhiều dữ kiện huyền bí:
          Thương muôn loại, luân hồi trong khổ hải
          Xót quần sanh lặn hụp mãi sông mê
          Vì chúng sanh, vì thế gian thị hiện
          Ðấng đại bi cứu khổ giáng liên huê
 
          Ngôi đại giác đã chứng tròn đạo quả
          Gốc Bồ Ðề thiên nhạc tấu ca vang
          Vầng ánh sáng từ quang soi khắp nẻo
          Lời kim ngôn gieo rắc ánh đạo vàng.
 
          Rời cổ thụ chiếc y vàng thanh đạm
          Ðắp kim thân, rạng rỡ đấng đại hùng
          Ân bát đá bốn phương lê gót ngọc
          Gieo duyên lành cứu độ khách trầm luân
          ...........................................................
          Bánh xe pháp lăn tròn muôn quốc độ
          Chiếc huỳnh y sươi ấm vạn con tim
          Cơm ngàn thọ dụng vào một bát
          Ðổi thần y diệu dụng khó mong tìm
                     Trà Giang Tử - Kim Thân Phật Tổ
          Đã hơn hai mươi lăm thế kỷ qua, kể từ khi xuất hiện của bậc vĩ nhân kiệt xuất, thế rồi những mùa trăng tròn Vesak trôi qua, đều đánh dấu bước ngoặc chuyển biến to lớn trong trào lưu tư tưởng thời đại, đồng thời càng khẳng định một cách vẹn toàn hơn nữa về nhân cách tròn đầy của vị cứu thế được mệnh danh là Thầy của Trời Người. Để vinh danh Đức Phật và Con Đường Mới, trước hết chúng ta phải ghi nhận một điều:
          - Đức Phật là một nhân vật lịch sử.
          Là nhân vật của lịch sử cho nên đức Phật đã vào đời bằng con đường cũng như bao nhiêu đứa hài nhi khác. Quả thật, trước tiên chúng ta thấy Ngài là một nhân vật có nguồn gốc hẳn hoi thuộc giai cấp Sát Đế Lợi, giòng dõi Thích Ca là một đại quý tộc ở Ấn Độ lúc bấy giờ, con vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma-Da. Nghĩa là Ngài cũng có phụ mẫu sinh dưỡng theo quy luật sinh tử của con người trong trần gian. Hoàng hậu Ma-Da cũng hoài thai như muôn ngàn thiếu phụ khác. Đúng ngày sinh nở, Thái tử Tất Đạt Đa cũng chào đời qua lòng mẹ như mọi đứa trẻ khác. Có điều, Ngài là một bậc vương giả, sinh trong gia đình quý tộc, phong kiến, giữa thời đại đa thần thì tất nhiên các quan thái sử có thể thêm bớt một vài huyền thoại cho vị Hoàng đế tương lai của họ, đó cũng là chuyện thường tình không có gì ngạc nhiên cả!
          Sanh trong một nước Ấn Độ cổ xưa, nơi phát xuất và hội tụ những dòng triết học Đông Phương thâm trầm huyền diệu. Chính từ các yếu tố ấy mà mảnh đất thiêng liêng Ấn Độ đã sản sinh ra chín mươi hai học thuyết, và để rồi sau này kết tụ lại thành một dòng tư tưởng hoàn thiện bậc nhất trong con người của Thái Tử Tất Đạt Đa, con của Đức Vua Tịnh Phạn, vương quốc Ca Tỳ La Vệ. Người có thể được xem là bậc sáng suốt hơn mọi loài chúng sanh do sự tu tập nhiều đời, nhiều kiếp tạo nên.
          Lớn lên, Thái tử cũng biết nóng đến phải ở cung mùa hè, cũng rét đến ở cung mùa đông và cũng có vợ con như nghìn triệu con người khác. Những dữ kiện đầy nhân tính ấy, không chứng tỏ Thái Tử Tất Đạt Đa là Đức Phật trong tương lai chỉ là một con người tầm thường mà là một bậc Bồ Tát đã thành tựu xong đại nguyện, nhưng vì thương nhân gian mà trở lại cõi đời qua hình thức thị hiện, để gây nên cái ý thức tự cứu nơi mỗi con người. Chính vì thế mà sau khi thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề, chuyển pháp luân Đức Phật không bao giờ truyền bá sự cứu rỗi, không ai cứu ai được. Mỗi cá nhân được chư Phật nói chung và nói riêng là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ cho sự u mê, vạch đường Chân lý để cho mọi người thấy, thấy rồi thì phải tự mình tu tập để tự cứu:
          - Làm dữ cũng do ta
          Làm lành cũng do ta
          Nhiễm ô cũng do ta
          Thanh tịnh cũng do ta
          Tịnh hay bất tịnh đều do ta
          Không ai làm cho ai ô nhiễm
          Không ai làm cho ai thanh tịnh.
                     Kinh Pháp Cú - Phẩm Tự Kỷ
          Từ khuynh hướng đó, nếu Đức Phật giáng trần như một bà tiên cho phép lạ thì có ngay hai sự kiện tai hại nguy hiểm:
          - Một là, con người nảy ra tính ỷ lại.
          - Hai là, không tin mình có thể tự cứu lấy thân phận mình.
          Vì vậy, Đức Phật đã chọn quốc độ Ấn Độ nơi cõi Ta Bà làm điểm xuất phát trong việc độ sanh mà qua đó bốn giai đoạn là một cụ thể:
          - Đản sanh,
          - Xuất gia,
          - Thành đạo,
          - Nhập diệt.
          Gọi là bốn giai đoạn, nhưng kỳ thực đó là bốn bước tiến tới chân lý từ thấp đến cao. Thật rõ ràng và rất thực tế. Con người trong cuộc đời chỉ chối bỏ hiện tại khi bị đau khổ, nghịch lý áp bức. Trong khi đó Đức Phật đã không chối bỏ thân phận của một con người, Ngài lại cũng không quên sự ràng buộc đớn đau của hoàn cảnh. Sống trong một hoàn cảnh kiêu sa như Thái tử Tất Đạt Đa mà nói tới sự bỏ tất cả để được tất cả không phải là một điều giản dị. Nhưng chính Thái tử đã không chịu được sự thống khổ do vì hoàn cảnh kiêu sa đó. Cho nên nếu nói chỉ có những người cùng hoàn cảnh mới thương mến nhau, thì phải nói Thái tử Tất Đạt Đa là con người lẻ loi nhất thời đó. Bởi vì trong một xã hội nhiều giai cấp như Ấn Độ, không ai có được hoàn cảnh sung mãn và quyến rũ như Ngài, thì biết cùng ai có cùng hoàn cảnh để mà tâm sự. Trong nỗi niềm cô độc, cần phải có sự giao tiếp với tha nhân, với ngoại cảnh. Thế rồi nhân cuộc du ngoạn, Ngài cảm được sự đau khổ của những con người không cùng chung giai cấp, tuổi tác, hoàn cảnh. Sự thông cảm ấy đương nhiên khó mà có ở thường nhân, nhưng lại nhạy cảm đối với một hoàng thái tử có tâm từ bi vô cùng tận.
          Sống trong hoàng thành, trong lẻ loi cô độc, Thái Tử Tất Đạt Đa  đau buồn nỗi đau buồn của nhân thế. Vốn là người giàu tư tưởng, khi tuổi mới lớn là tuổi hay thắc mắc, hoài nghi tất cả, điều này không phải nhờ học nhiều sách, nghe nhiều thầy dạy mà tự nơi bản thân Thái Tử đã nhận định được:
          - Đời là bể khổ.
          Tự Ngài đã thấy, đã chấp nhận sự đau khổ của người khác và cũng là của tự thân, tức cái thân phận con người. Ngài tự biết không một con đường đầy hoa thơm cỏ lạ nào dẫn đến vinh quang mà không có sự thử thách. Mọi phán đoán đã định, người chí khí cao cả ấy nhất quyết từ giã hoàng gia, cắt ngang sợi dây tình ái vượt thành xuất gia, tu đạo giải thoát, chỉ có nguyện vọng duy nhất là đưa muôn loài từ đau khổ, mê mờ tới hạnh phúc và ánh sáng chân lý. Và rồi, Ngài lẫn tránh mọi phiền trược để đi tìm Chân lý.
          - Xa lìa ái dục không nhiễm trước
          Thông đạt từ vô ngại
          Thấu suốt nghĩa vô ngại,
          Pháp vô ngại
          Và thứ lớp của tự cú
          Đó là bậc đại trí, đại trượng phu
          Chỉ còn một thân này là cuối cùng
          Không bị tiếp tục sinh nữa
                     Kinh Pháp Cú - Phẩm Ái Dục 
          Để hiểu được ý nghĩa thâm diệu của giai đoạn này, chúng ta cần lưu ý tính cách liên tục suốt cả hành trạng của đời Ngài, từ giai đoạn đản sanh là một biểu thị nhân bản đến việc du ngoạn chứng kiến cảnh sinh, lão, bệnh, tử là ý thức tự giác. Đến giai đoạn này là giai đoạn tìm chân lý, vẫn có một tiến trình điều hòa vi diệu. Thực vậy, thấy được chân lý là diệu năng của chư Phật. Riêng về Đức Thích Ca sáu năm suy tưởng của Ngài ở Tuyết Sơn là bài học cho thấy con đường suy nghiệm phải xuất phát từ bản thân. Nếu không thì dù cho những bậc Thầy xuất chúng vào thời kỳ đó, nếu có thấy thì cũng chỉ có giá trị tương đối trong đời thường, mà không giúp cho tự thân và chúng sanh thấy được chân lý thật sự. Muốn giải thoát an vui vẫn có thể nhờ đó mà tìm tới chân lý, Đức Phật đã trải qua kinh nghiệm trực kiến này, vì thế mà Ngài đã xác định:
          - Chân lý không ở ngoài con người.
          Và ngài đã tuyên bố:
          - Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.
          Đây là một lời tuyên bố đầy khích lệ, khơi động cái ý thức tự giác lên trong tâm hồn của từng cá nhân. Và ý nghĩ của chuỗi ngày suy tư dưới gốc Bồ Đề bao hàm một ý dụ là bất cứ một chúng sanh nào, nếu chịu y cứ vào giáo pháp thì đều có thể chứng ngộ được chân lý giải thoát do Ngài đã trực kiến được. Điều này giải thích cho chúng ta hiểu rõ thời gian sau nhiều ngày tháng tham vấn học hỏi với các bậc Thầy danh tiếng, trải sáu năm khổ hạnh vẫn không có kết quả. Ngài đã tự chọn cho mình một con đường, một phương pháp riêng, và bốn mươi chín ngày đêm trầm tư bên cội cây Bồ Đề Ngài đã tiến đạt được quả vị giải thoát, trở thành người giác ngộ hoàn toàn. Và khai sáng ra một tôn giáo mới một con đường mới.
          Trong mùa Phật Đản năm nay, để vinh danh về cuộc đời của đức từ phụ và con đường mới do Ngài sáng tạo, chúng ta cũng nên cùng nhau đi tìm những nhân cách quan trọng nhất đã tạo nên một bậc giác ngộ. Đối với những bậc đã hoàn toàn giác ngộ, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, và tám mươi vẻ đẹp phải nói những nhân cách quan trọng thì có rất nhiều, nhưng theo chúng tôi những nét có thể xem là đặc trưng nhất là:
1-    Trí Tuệ:
          Trí tuệ được xem là một trong những yếu tính tối cần thiết cho việc tạo nên nguồn lực giác ngộ. Đối với xã hội nhân sinh, trí tuệ là thước đo nhân cách và đời sống xã hội. Người có đầy đủ trí tuệ mới đủ khả năng đoạn diệt các quấy tà, ngụy ác, chân giả và từ đó mới có khả năng phân biệt chân ngụy, thiện ác làm quy tắc căn bản cho con người. Chúng ta thấy khi tìm hiểu về cuộc đời của Ngài, ngay lúc còn là một vị Thái Tử trẻ tuổi, nhưng trong tâm tư lúc nào cũng nghĩ đến chúng sanh vạn loại, do vậy mà đề mục luôn chú ý và truy tìm là:
          - Vấn đề con người, và kiếp người.
          Ngài nhận hiểu rằng, con người từ khi có mặt trên cuộc đời là phải luôn luôn chịu sự chi phối và chìm đắm trong các cảnh:
          - Khổ,
          - Vô Thường,
          - Vô Ngã.
          Bản chất cuộc sống của con người là nguồn cảm xúc mà Ngài luôn tìm cách thâm nhập và khám phá. Cuộc sống đã tạo tác con người, hay con người kiến lập nên cuộc sống vốn dĩ được Ngài quan tâm một cách đặc biệt. Góc độ suy tư về cuộc đời về kiếp người khiến Ngài nỗ lực hơn với sự tiếp cận cuộc sống, thể nhập với nó để tìm cho được những mối hoài nghi mà Ngài theo đuổi. Ngài đã vượt thành xuất gia, chọn con đường thực hiện tâm linh bên những cánh rừng thâm u tĩnh mịch, và tham vấn hầu hết các bậc thầy tâm linh đang ẩn cư trong rừng lúc bấy giờ để tìm ra một hướng đi. Sự khoắc khoải chỉ vì mục đích duy nhất mong muốn được khám phá ra nguồn bí ẩn của con người. Và khai phóng tư tưởng. Đó là tính chất của sự biểu hiện trí tuệ trong bản thân của Ngài tương quan với tính Từ Bi cố hữu của con người giác ngộ. Ngài đã xuất gia có nghĩa là từ chối ngồi trên ngai vàng quyền uy tối thượng để đổi lấy một giá trị đích thực của xã hội, con người. Giá trị đích thực ấy trong bối cảnh đa đoan của những mớ triết học hỗn độn mà câu hỏi lớn vẫn chưa có một bậc Thầy nào của đương thời khai mở. Ngài đến cội Bồ Đề bên sông Ni Liên Thuyền, thoát khỏi các pháp tu cực đoan, Ngài tìm được pháp tu trung đạo và đi sâu vào con đường thiền định để phát sinh trí tuệ. Từ nguồn lực trí tuệ dồi dào Ngài đã xem xét và nhận ra:
          - Con người do bị nghiệp lực nên luôn luôn chịu chìm đắm trong luân hồi sanh tử.
          Do nghiệp nhân gây tạo từ nhiều đời quá khứ để rồi đành phải cam chịu nghiệp báo của đời hiện tại. Thoát được luân hồi ấy chỉ có một cách duy nhất là chúng ta phải tu tập theo giới luật được quy định. Qua kinh nghiệm tu tập của Ngài để đạt được định, để từ đó phát sinh trí tuệ mới đạt được cảnh giới giải thoát an lạc. Từ đó chúng ta thấy rằng Ngài luôn luôn đề cao trí tuệ, vì khi chúng ta tìm cầu trí tuệ thì ngay lúc ấy chúng ta tìm cầu chân lý con người và xã hội nhân sinh.
          2- Tính Nhân Bản:
          Sự có mặt của Đức Phật Thích Ca trong cõi đời này như một tuyên bố trong kinh Pháp Hoa. Ta vì một đại sự nhân duyên mà ra đời. Đại sự nhân duyên đó chính là:
          - Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật Tri Kiến. 
          Như vậy chúng ta thấy trọn cuộc đời hành đạo của Đức Phật suốt bốn mươi chín năm Ngài vẫn thấy trung thành với lời tuyên bố ấy. Từ những hàng đẳng cấp như Bà La Môn, các hàng vương tôn công tử, cho đến giai cấp Thủ Đà La Ngài đều hoan hỷ tiếp độ, hướng dẫn đi vào con đường tu tập. Qua nguồn giáo lý nhân bản không ai bảo ai mọi người cùng hướng về với Đức Phật và giáo lý giải thoát. Chính vì thế mà những cấp vốn đã ăn sâu trong xương tủy người dân Ấn Độ cùng một lúc phải sụp đổ. Trong tính nhân bản Ngài đã từng dạy rằng:
          - Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn.
          Và:
          - Bất cứ ai y theo giáo pháp thực hành và tu theo Giới, Định, Huệ thì người ấy đều đạt đến kết quả vị Phật.
          Đây là lời tuyên bố khác không kém phần hùng hồn về vấn đề khai phóng con người. Đức Phật với một tâm từ vô biên đã bất chấp mọi rào cản của các dòng tư tưởng, tập tục xã hội để tôn vinh con người, đồng thời giải thoát hoàn toàn ra khỏi sức chế ngự của đấng thượng Đế toàn năng. Đây là tiếng sét vang trời đánh vào tâm thức của những con người vốn có tinh thần yếu đuối, chỉ biết nương tựa vào Thượng Đế để làm nơi trú ngụ giả tạm:
          - Tự ta làm ô nhiễm, tự ta thanh tịnh ta.
          Không ai làm ô nhiễm, cũng không ai thanh tịnh ta.
          Nhờ sự khai thị này đã là kim chỉ nam cho những ai lầm đường lạc lối, với những tâm hồn thụ động, khởi tâm tiêu cực quay lưng cuộc sống, biết quay trở về để nâng niu cuộc sống. Nhân tính và giá trị của nó đã chính thức được khai mở khi Ngài tuyên bố:
          - Tự ta làm ô nhiễm, tự ta thanh tịnh ta
          Không ai làm ô nhiễm, cũng không ai thanh tịnh ai.
          Đó là một thông điệp, một bức thư tuyên chiến với những giáo chủ đương thời, tuyên chiến với những thế lực vô minh mà qua đó là ý niệm Thượng Đế là thí dụ cụ thể nhất. Cũng là một sự kiện triết học chấn động đánh thức tiềm năng vô tận của bản chất nhân sinh, vốn cứ chịu ép mình trước một phạm trù tư tưởng thần quyền áp đặt, một không gian thời gian chi phối và thiên nhiên hùng vĩ tạo tác như mạng lưới tạo hóa vô cùng vô tận. Chính vì thế chúng ta vẫn luôn nhìn nhận rằng:
          - Nhân tính và sự khai mở của nó là quá trình vận động, một lời tuyên bố hùng dũng của một bậc vĩ nhân có trái tim tuệ giác.
          Trái tim đó luôn luôn dành cho một lý tưởng duy nhất vì lợi ích của chư thiên và loài người, và của chúng sanh vạn loại.
          3- Không Tham Cầu:
          Con người khi sanh ra đã có sự mong cầu ham muốn. Ham muốn được sống, được ăn, được nâng niu, và hạnh phúc ... Có những lúc ham muốn đó là chân hạnh phúc, nhưng có lúc những lúc ham muốn đó lại đưa con người vào biển khổ. Pháp thế gian được xem là những sự hiện diện của thế giới quan vật chất, bắt nguồn từ sự ham muốn do tâm tạo tác. Nguồn tâm ở đây muốn nói là vọng tâm khởi nguyên từ cái chạy lăng xăng theo vật dục tạp nhiễm. Do tìm cầu vật dục cho nên nhân loại phải chìm đắm trong sự đấu tranh, chém giết, thù hận ... tạo nên một xã hội bất an hỗn loạn. Hiện nay nhân loại đang đứng trước những thử thách mới bởi lòng ham muốn, và tranh danh đoạt lợi, tìm cầu của con người mà qua đó các phương diện:
          - Vật chất,
          - Kỹ thuật khoa học ...
          Hiện nay tuy là các ngành công nghệ tiến nhanh như vũ bão, nhưng ngược lại đây chính là giai đoạn mà sự khủng hoảng về ý thức hệ toàn cầu diễn ra một cách gay gắt. Sự cáo chung của hầu hết các chế độ phong kiến tập quyền, thay thế là nền tảng tư bản phát triển nhanh chóng lan mạnh ... Nhìn chung nó vẫn là khởi điểm của sự tham muốn vật dục, cho dù là chế độ phong kiến hay tư bản thì cũng đã và đang đưa đến cho nhân loại những sự thiếu thốn về tinh thần, và sự đói khát cơm áo một cách triền miên. Chừng nào con người còn chìm đắm trong sự tham muốn của vật dục, thì nhân loại còn tiếp tục đối diện với những vấn đề mới nẩy sanh, mà hệ quả của nó càng phức tạp và gay gắt hơn trước. Nhìn thấy vấn đề này từ ngay bản chất, cho nên Đức Phật đã chủ trương cho các hàng môn đệ của mình:
          - Phải sống một đời sống tri túc, bằng đời sống giản dị và thanh cao.
          Phương pháp Ngài đưa ra cho các hàng đệ tử phải diệt tham muốn không được hướng ngoại tìm cầu, biết vừa đủ để làm trong sạch sự sống, không tham cầu danh lợi. Cuộc đời của Ngài là một minh chứng sống động về vấn đề này. Ngài luôn luôn phản tỉnh từ tâm, phát triển giác tính và mở mang lãnh vực tâm linh, sống bằng đời sống phạm hạnh không tìm cầu, xem vật chất giống như đôi giày rách cần loại bỏ.
          Ba trong những nhân cách được xem là những chất liệu quan trọng được sử dụng, và thành công vĩ đại nhất của Ngài về vấn đề kiến tạo một xã hội an lạc hạnh phúc cho nhân loại, thích ứng trong bất cứ thời đại nào của chúng ta. Suy ra cho cùng thì những điểm then chốt kia không vượt ra ngoài ý niệm căn bản:
          - Đức Phật chỉ là một con người như mọi con người.  
          Quả thật, Đức Phật là một siêu nhân chứ không phải là đấng siêu nhiên. Thật ra, nếu đứng trên quan điểm thường nghiệm như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa nhân bản của Đạo Phật, và tâm nguyện độ sanh của các Đức Phật. Điều trước tiên ai cũng thấy rõ, Chân lý có thể đến trong trí tuệ nhân loại bằng hai đường: Thấy và Tìm.
          - Thấy được Chân lý là con đường trực kiến.
          - Tìm Chân lý là con đường suy nghiệm.
          Thấy Chân lý là trực giác ngoại lý siêu việt của đấng xuất thế. Thấy Chân lý là trực tiếp thấy được quy luật sâu xa chi phối mọi hiện tượng hữu hình, mọi định mệnh chi phối thân phận con người. Đã là cái thấy trực tiếp thì không thể giải thích được. Bởi thế, con người học đạo trong khi suy nghiệm Chân lý giải thoát là để thấy rõ cái thấy vi diệu của chư Phật chứ không phải đi tìm. Chúng ta phải công nhận rằng, nhờ chín mươi hai học thuyết có trước Đức Phật để tạo thành một mớ triết thuyết tào tạp. Tuy đây chưa phải là chân lý tuyệt đối nhưng cũng là những tư liệu cần thiết cho Thái Tử Tất Đạt Đa, và trong lúc những bật Thầy không vượt nổi hình thức, giáo điều khuôn khổ khô cứng thì một Thái Tử Tất Đạt Đa đã ghi nhận:
          - Biết đạo chưa phải là hiểu đạo. Hiểu đạo chưa phải là hành đạo. Hành đạo cũng chưa phải là liễu đạo.
          Cho nên Ngài đã dấn thân một cách trọn vẹn, thế là con đường trở về với nguồn nội tại sau bốn mươi chín ngày đêm tư duy đã khai mở cho tuệ giác của Ngài một sự bừng sáng:
          - Chỉ còn một thân này là cuối cùng
          Không bị tiếp tục sinh nữa.
          Theo chân đức từ phụ để thực tập đạo giải thoát, từ ngàn xưa cho đến tận bây giờ, khi nói đến sự thị hiện của Đức Phật và một tôn giáo mới hay là một con đường, hay là một luồng gió mới là chúng ta phải thấy tinh thần của Phật giáo trước và sau luôn luôn:
          - Đức Phật không bao giờ tự xưng là đấng sáng thế mà chỉ bày tỏ thiện niệm cứu thế.
          Thật vậy, Đức Phật đã không tự phong cho mình chức vụ sáng thế mà chỉ muốn hoàn thành nhiệm vụ cứu thế. Tinh thần tự nguyện của Ngài đã đi trước thời đại hằng ba mươi thế kỷ và để hoàn thành thiện nguyện ấy, Ngài cũng không tạo ra những phép thuật mầu nhiệm để phạt tội, đe dọa, tha tội hay ban phước cho ai như một vài tôn giáo đã chủ trương. Ngài đã đản sanh trong nhân thế, với thân phận của một con người bình thường. Ngài gợi ra cái ý thức tự cứu của cá nhân. Sống trong một xã hội phong kiến, trong khi nhân loại còn đắm mình trong hoang đường, hoang tưởng, mà Đức Phật lại đề ra một phương thức tự giác như vậy thì quả là táo bạo và tiến bộ. Táo bạo vì dám ngang nhiên công khai hướng dẫn tín đồ ngược lại truyền thống lâu đời của người Bà La Môn Giáo, thì sẽ khó lòng thoát khỏi tay bọn phù thủy Bà la môn. Tiến bộ vì không chịu mặc lấy bộ áo hoang đường do các giáo phái đương thời bày vẽ. Thuận theo quá trình tiến triển của tư tưởng nhân loại thì trong trạng thái con người chỉ chấp nhận những gì hoang đường huyền bí, mà phủ nhận những gì hiện thực. Đức Phật đã đi ngược lại. Người đi vào con đường của khoa học thực nghiệm, và bắt đầu việc truyền giáo từ ý thức tự cứu tức là Ngài tìm sự giác ngộ cho mình rồi, và sử dụng thời gian bốn mươi chín năm đi giác tha cho nhân loại.
          Căn cứ vào các dữ kiện, ai cũng thấy Đức Phật đã đi vào lòng người để cứu rỗi con người. Dù vậy, những chất người trong đời Ngài chỉ có tính cách biểu thị mà thôi. Chứng cớ, là khoảng thời gian hoằng pháp lợi sanh, Ngài và giáo đoàn đi từ cực Bắc xuống đến cực Nam, rồi từ cực Đông sang qua cực Tây, khắp toàn cõi Ấn Độ. Sau bốn mươi chín năm thuyết pháp, Ngài đã tuyên bố:
          - Trong suốt bốn mươi chín năm, ta chưa hề nói một lời nào.
          Điều này chúng ta phải hiểu, giáo lý của Ngài giống như là ngón tay trỏ, và chân lý là mặt trăng. Mục đích tu học là giác ngộ giải thoát, cho nên đừng bao giờ giam hãm vào phương tiện mà quên phần cứu cánh, không nên bám vào ngón tay mà quên Chân lý. Ngài đã dùng cái cụ thể để biểu hiện cái trừu tượng là Chân lý. Ngài đã đản sanh và hành đạo qua nhân thể là đem cái chân thật truyền đạt cho mọi chúng sinh từ những hạng sơ cơ cho tới những bậc thượng trí đều có thể hiểu được, bắt chước mà làm theo. Dù vậy, với nguyên lý:
          - Thành, trụ, hoại, không.
          Ngài luôn luôn nhắn nhủ cho nhân loại thấy mọi biểu tượng đều giả trá, tạm bợ, phải tìm cho được cái chân thường trong cái vô thường.
          Những khám phá của các nhà khoa học, triết học hiện tại chỉ là những dẫn chứng cụ thể cho giáo lý vi diệu của Đức Phật càng ngày càn sáng tỏ thêm. Cũng vì tính chất đượm hài hòa nhiều nhân bản tính, mà Đạo Phật đã không mâu thuẫn với khoa học, và triết học. Nhờ ở viễn kiến của Đức Phật mà Phật Giáo đã không vấp phải một trận thánh chiến nào, dù trong lãnh vực tư tưởng. Điều đó chúng ta không ngạc nhiên khi làm một cuộc so sánh cụ thể:
          - Các nhà khoa học chủ trương đả phá thần quyền, trong khi đó Đạo Phật không đề cao thần quyền cho nên không phải đối tượng để cho các nhà khoa học đả phá.
          - Triết học chủ trì hoài nghi, nhưng không làm sao nghi ngờ được Chân lý Phật giáo, vì Phật Giáo luôn luôn chủ trương phải đạt cho được cả ba đối tượng Chân, Thiện, và Mỹ.
          - Các nhà chính trị cũng không phủ nhận được giá trị của đạo Phật, vì cùng song hành trong việc xây dựng một xã hội hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc, chưa có chủ nghĩa nào đủ sức tiến bộ hơn Sáu Pháp Hòa Kính, và Bốn Nhiếp Pháp của đạo Phật.
          Nói tóm lại, kỷ niệm ngày đản sanh của Đức Từ Phụ, chúng ta đón nhận luồng tư tưởng giác ngộ chói rạng tâm hồn. Không nên coi đây là sự xuất hiện của một con người thánh thiện đến cõi đời, mà phải chiêm nghiệm sự ban bố của Chân lý. Chân lý giác ngộ ấy không ở ngoài chúng ta. Đức Phật thị hiện trong mọi người chúng ta, trong sự đau khổ hiện thực của chúng ta, và chúng sanh vạn loại. Đức Phật vì sự đau khổ của con người mà tìm phương giải khổ cho con người. Ngài không phải là một nhà khoa học, vì Ngài không đem cái trí tuệ minh mẫn của mình để chế ngự thiên nhiên bằng tư tưởng. Ngài không phải là một nhà triết học vì Ngài không biện giải những tư tưởng hoài nghi ... Ngài không gì cả, mà Ngài cũng là một con người đến với cuộc đời như bao nhiêu con người khác, nếu có khác vì Ngài xuất thân là một vị vương giả, nhưng đã nghiêng mình xuống, hòa mình với kẻ bần cùng, đau khổ. Đến khi tu thành đạo quả, nguồn giáo lý nhân bản của Ngài tồn tại trong tim óc những người bị áp bức, đày đọa. Xưa nay, giáo lý của Ngài chưa bao giờ bị bọn thống trị dùng làm khí cụ để khống chế nhân loại. Các vị tăng chuyên chính dù hữu hành hay vô hành, cũng đều chỉ có hai đường lối:
          - Hoặc là nhập thế độ sanh,
          - Hoặc là ly thế nhập định.
          Nhưng điều chắc chắn là không hề có một vị nào trở thành một phần tử của đẳng cấp thống trị. Cho nên, hãy nghĩ rằng Đức Phật đã vì chúng ta mà đản sanh, Đức Phật đã vì chúng sanh mà thị hiện, để mở ra một con đường mới:
          - Tuệ giác, nhân bản, không tham cầu ...
          Để mọi người cùng tu cùng giải thoát, và sống đời an vui.    
--o0o--