TẬP SAN DƯỢC SƯ

Nguy Hiểm Cuả Chấp Ngã
Bạch Y Thư Sinh
--o0o--
 
Trong cuộc sống hàng ngày, theo thói quen thông thường:
- Đói thì ăn,
- Khát thì uống,
- Mệt nghỉ ...
Cần làm ra tiền thì chúng ta cứ đi làm việc, cứ như thế mà ngày lại  tháng qua, năm dài tiếp nối ... Không bao giờ chúng ta để ý và cũng không cần tìm hiểu:
- Động cơ nào mà chúng ta có mặt trên cuộc đời này.
Chúng ta cũng chẳng cần tìm hiểu:
- Động cơ nào khiến cho chúng ta có những cách hành xử thiếu nhã nhặn.
Và chúng ta cũng không buồn tìm hiểu:
- Động cơ nào làm cho chúng ta có những lời nói thiếu chánh niệm ...
Đây là điểm then chốt hết sức quan trọng. Về mặt đời cũng vậy, về mặt đạo cũng vậy. Cho nên nếu thấy được chỗ này thì cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn. Và lẽ tất nhiên cuộc đời của chúng ta sẽ thảnh thơi an nhàn nhiều hơn.
Đức Phật cũng đã từng dạy, chư tôn đức cũng thường nhắc nhở, và chúng ta xét cho kỹ các vấn đề từ lời nói cho đến mọi việc làm của chúng ta:
- Tất cả đều vì cái Ta chứ không có gì khác.
Quả thật, ngay từ buổi ban đầu, lúc mới sinh ra đời là đã có cái Ta. Trước khi chưa sinh thì cái Ta chưa có, chưa biết chúng ta là ai, và tên gọi cũng không có, cho đến khi có mặt trên cuộc đời này cha mẹ mình mới chọn một cái tên nào đó để tạm gọi. Từ đó cái Ta của chúng ta mới thành hình. Theo các bậc tôn đức dạy:
- Do lòng tham ái, chấp vào cái Ta cho nên chúng ta mới có mặt trên cuộc đời này. Nếu không có nó thì đã là vô sinh.
Vì thế, nếu sự sống này chấm dứt, tức là cái Ta của chúng ta không có. Do vì lòng tham ái chấp vào cái Ta, cho nên nếu có mất đi cái thân này là chúng ta nhất định phải tìm cái thân khác để thay vào, cũng từ đây mà dòng sinh tử tiếp nối không bao giờ ngừng nghỉ. Và cái gọi là cuộc sống cũng từ đó luân lưu trôi chảy theo nhịp vận hành của ân duyên, nhân quả, thiện ác ... Cũng từ đó trong cuộc đời chúng ta có rất nhiều hoàn cảnh chúng ta gặp phải, để chúng ta thọ nhận, nếm thấy mọi thứ. Tuy rằng nhiều khía cạnh nó đưa đến trong cuộc đời của chúng ta, nhưng tất cả cũng không ngoài ân duyên nhân quả. Khi có ân thì có nghĩa là được ân đền nghĩa đáp, mà khi có thù thì oán phải trả. Dầu cho thay hình đổi dạng các vấn đề như thế nào đi nữa, nhưng cũng không ngoài ân duyên nhân quả, thiện và ác. Cho nên, trừ những bậc Bồ tát thị hiện, còn ngoài ra bất cứ ai có mặt trên đời này cũng đều mang theo một cái tình chấp ngã luôn luôn có mặt trong cuộc sống. Đây gọi là cái vô minh của chúng sinh. Do vì vô minh cho nên chúng ta không biết chỗ nào cần dừng để mà dừng lại. Cứ như vậy mà theo nhịp đời trôi chảy, chúng ta càng chôn vùi cuộc đời chúng ta theo dòng sông vô minh. Chỉ có một số ít thôi, tức là các bậc Bồ Tát thị hiện trở lại cõi đời này, hay là những ai có một nhân duyên lớn mà biết tu học thì mới biết dừng nghỉ. Thành ra có một bài thơ nói như thế này.
- Ta đi vào cõi trần sa,
Nhặt từng hạt bụi kết hoa sen vàng.
Rồi đem cắm giữa thế gian,
Tỏa hương ngào ngạt muôn ngàn tanh hôi.
Ai hay trong cõi luân hồi,
Mà ta đã vạn muôn đời khổ đau.
Dừng chân vọng tiếng kinh cầu,
Hóa trầm giải thoát buổi sầu thế gian.
Chỉ có những bậc Bồ Tát vào đời, chỉ có những ai đó ngộ nhân duyên lớn, ý thức được cuộc đời mới biết dừng lại. Còn hầu hết chúng ta đều theo nhịp vận chuyển của dòng đời, rồi lăn lộn trong cuộc sống luân hồi sanh tử. Do vậy mà vô minh làm duyên cho hành, hành làm duyên cho thức ..v..v. Cứ như thế mà dẫn tới sanh già bệnh chết.
Quả thật, nếu chịu khó để một vài phút trong một ngày, mỗi người chúng ta sống thật lòng với mình, chiêm nghiệm kỹ lại thì sẽ thấy ngay mọi thứ như là:
- Buồn,
- Vui,
- Mừng,
- Giận,
- Thương,
- Ghét,
- Hơn thua ...
Tất cả những trạng thái tâm lý đó sở dĩ mà có trên đời này là vì cái Ta của chính ta nó không được như ý, không được thỏa mãn,  hài lòng. Quả thật:
- Vui là vì cái Ta được thỏa mãn,
- Thương vì thuận với Ta nên ta thương,
- Ghét bởi vì nghịch với Ta nên ta ghét.
Rõ ràng là như thế, cho nên dù ai có chấp nhận hay không chấp nhận, và dù cố biện luận, bào chữa như thế nào đi nữa thì sự thật vẫn là sự thật không bao giờ thay đổi được mà cũng không bao giờ chối bỏ được lý lẽ này.
Cả một cuộc đời tranh giành được mất, hơn thua, khổ nhọc tạo tác sự nghiệp tốn hao không biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu, có lúc chém giết nhau, cũng vì cái ta này thôi. Rồi nào là tự ái, tự trọng, tự tôn, tự đại, tự kiêu, tự mãn, tự hào, mặc cảm, tự ti ..v..v.. Đủ loại trạng thái tâm lý xuất hiện. Rồi từ đó nếu một ai đụng một chút xíu vào cái Ta là chúng ta thấy không vừa lòng. Đụng tới chỗ ngứa chúng ta không vừa lòng, đụng tới chỗ đau chúng ta cũng không vừa lòng. Đụng tới chỗ nhột chúng ta lại càng nhảy vọt lên nữa. Đụng tới cái tự trọng, chúng ta chửi người ta ngay, tại vì người đó bần tiện quá. Hay là đụng tới cái tự tôn chúng ta chửi tại sao dám ngang hàng với chúng ta. Như thế sự tự đại, tự kiêu, tự mãn, tất cả những cái đó điều là những yếu tố tâm lý nó tạo thành một con người rất là dễ ghét, hay làm cho chúng ta bực bội khó chịu khi thấy thái độ kiêu ngạo của người kia. Nói cho cùng cũng từ gốc cái Ta thôi.
Tự ái là bị chạm đến cái ta. Tự trọng là nâng cái ta lên thôi. Cũng  chỉ vì một cái ta mà sinh ra đủ thứ chuyện trên đời. Cũng chỉ vì một cái ta mà anh em thù địch với nhau, chồng vợ cắn đắn với nhau, sẵn sàng chia tay nhau vì sự tự ái. Không có cái Ta, chắc có lẽ chúng ta, hay những con người khác trên cuộc đời này sẽ không bao giờ giành giật, trách móc, hờn giận, báng bổ lẫn nhau. Lúc đó chúng ta sẽ có cuộc sống rất là hòa bình, rất là tốt đẹp.
Thông thường chúng ta thường hay đổ lỗi cho người, cho huynh đệ, cho hoàn cảnh, nghĩa là nếu có thể quàng lên mình người nào đó cái lỗi gì đó, hay là cái sai nào đó là chúng ta sẵn sàng đặt lên vai người đó liền, không thương tiếc ân hận. Hành động phản kháng, và những hành động không biết nhìn lại bản thân của mình, là kiểu cách trốn tránh trách nhiệm, là bảo bọc cái ta này quá kỹ. Cho nên mỗi người hãy tự xét lại:
- Khi chúng ta buồn phiền, hay oán trách ai, thì phải coi là tại vì ai mà có buồn phiền, oán trách.
Nhưng điều chắc chắn con người ít khi tự nghĩ lại những gì chúng ta làm. Cho nên nếu có một sự cố nào, khi đó nếu có mặt người nào tại đó, chắc chắn chúng ta nghĩ ngay:
- Tại vì cái mặt đó, hay tại vì con người đó đâm thọc cho nên tui mới ra thân thể như thế này.
Hay là:
- Tại vì người kia mà tôi mới bị người này chửi mắn tui, người kia chê trách tui,
Nghĩa là chúng ta luôn luôn không bao giờ thấy được cái lỗi của mình. Vì thế mà chúng ta thường nói tại cái này, tại cái kia, tại người này, người nọ, tại lý do này, tại lý do khác mà quên điểm chính là tại vì cái Ta của chúng ta bị đụng chạm! Lo trách người mà quên trách cái Ta này của chúng ta. Cho nên nó từng được mang tên:
- Cái ta nguy hiểm! Và nguy hiểm của cái chấp Ta là ...
Chủ đề hôm nay là chúng ta giới thiệu đến đại chúng là:
- Nguy hiểm của chấp ngã.
Quả thật rất là nguy hiểm. Bởi vì, do cái Ta mà nó quậy rối, tạo tác không biết bao nhiêu là cái chướng duyên, không biết bao nhiêu cái buồn phiền. Không phải chỉ làm khổ bản thân của mình mà còn có liên quan đến môi trường, liên quan đến cá nhân người khác, liên quan đến trọng đại của tổ chức nữa. Cái ta của Ta nó nguy hiểm thật. Trong Kinh Bách Dụ có câu chuyện:
- Thuở xưa có một lão sư có hai người đệ tử theo hầu. Vì chân ông có bệnh không duỗi ra được, thường phải chống nạng đi, ông phải nhờ hai người đệ tử đấm bóp, mỗi người một chân. Nhưng hai người đệ tử này thường ngày không hòa thuận với nhau, người nào cũng nói:
- Không phải là Ta chán ghét ngươi, mà chính là ngươi chán ghét Ta.
Hai người coi nhau như oan gia nghiệp báo. Hôm nọ, một người có việc đi ra ngoài phố, người ở lại nhà liền dùng búa đập gãy chân lão sư mà người đệ tử đi vắng thường ngày xoa bóp. Khi người đệ tử kia trở về, thấy vậy rất phẫn nộ và định tâm báo thù. Lập tức cũng dùng chiếc búa người kia đã sử dụng đập gãy chân lão sư mà người đệ tử ở nhà thường đấm bóp. Kết quả hai chân lão sư đều bị gãy hết.
Ðọc xong, câu chuyện này ai cũng tức giùm cho vị Lão Sư kia vì lỡ có hai thằng đệ tử ngu ơi là ngu! Chỉ vì sân hận cái mặt kia khó chịu, cho nên nhẫn tâm đập gãy chân của người kia săn sóc, rồi người kia trả đũa lại đập gãy cái chân còn lại. Thù oán là do hai người đệ tử ngu dốt, chỉ vì do lòng sân hận mà không biết thương mến nhau, nhưng hậu quả là vị lão sư lãnh đủ.
Vị Lão Sư là dụ cho đức Phật, hai thằng đệ tử ngu đần kia chính không ai xa lạ mà là chính bản thân chúng tôi và quý vị đó. Là tại vì nhiều sân hận quá, nhiều đố kỵ quá, cho nên chúng ta sẵn sàng thanh toán nhau, bắn vào nhau những mũi tên ngôn ngữ đau đớn cay độc nhất. Thấy chưa đủ đau thì chúng ta dùng cây dùng gậy, dùng đá  phang ném, ném cho đến khi lỗ đầu chảy máu, rồi nhìn mặt nhau trách mắng:
 - Tại anh, tại chị, hay là tại điều kiện nào đó mà chúng ta đánh nhau cho bể đầu u trán ...
Phải biết trong giáo pháp của Phật có vô lượng pháp môn để tùy cơ đáp ứng với chúng sanh, nếu chỉ nhắm vào sở thích, hay định kiến của riêng chúng tôi hay quý vị thì không ai có thể chấp nhận. Trong cuộc sống này cũng tương tự như vậy. Cho nên những điều mà chúng ta nói ra không chắc người kia có thể chấp nhận, hay là người kia nói ý kiến gì ra, không chắc là chúng ta chấp nhận. Vấn đề chấp nhận hay không còn tùy theo hoàn cảnh, tâm lý, tùy theo mọi thứ. Do vậy chúng ta không nên buồn phiền khi một người nào đó họ không theo ý của mình, hay là chúng ta cũng đừng cảm thấy khó chịu tại vì người kia đưa ra những nguyên tắc bắt buộc làm những điều đó. Phải hiểu rằng tất cả những cái gì chúng ta nói, có thể có người nghe được và có người không nghe được. Nếu nghe được thì họ sẽ làm nếu không nghe được thì họ có quyền không làm, lúc đó phải tự hiểu rằng những điều chúng ta nói ra rất có thể là vô lý. Như vậy chúng ta phải tự hiểu, tự bản thân và người khác phải ghi nhận nguyên tắc:
- Mọi ý kiến có thể phát biểu đề xuất ra để cho mọi người nghe. Nếu đúng thì chúng ta hoặc người kia nghe, còn nói không đúng thì chúng ta hoặc người kia có quyền không nghe.
Hiểu được như vậy, thì không có gì là buồn cả. Vì thế cách hành xử tương đối trong đời sống hằng ngày, đừng bao giờ đặt sở thích của chúng ta vô đó, rồi bắt người ta phải làm theo chúng ta. Mà chúng ta phải hiểu rằng mọi việc nó phải hợp tình hợp lý, để cho đối phương có cơ hội chấp nhận. Có tính cách hiểu biết, chúng ta phải ghi nhận:
- Lời nói, và hành động của chúng ta phần lớn đều do ảnh hưởng phong tục tập quán của mỗi miền của đất nước.
Do vậy nếu không chịu khó tìm hiểu để thương nhau thì chúng ta khó có thể chấp nhận, và không thể nào hài hòa để cùng sống với nhau. Quả thật, ở Việt Nam chúng ta thấy miền Bắc có phong tục của Bắc, miền Trung có phong tục của Trung, Nam có phong tục của Nam. Nếu như chúng ta không hiểu phong tục của mỗi địa phương thì chúng ta sẽ bị hiểu lầm dài dài. Khi chúng ta không chịu tìm hiểu phong tục tập quán của mỗi miền đất nước, thì chúng ta không thể hiểu được hoàn cảnh của mỗi trường hợp đặc biệt. Không hiểu mỗi trường hợp đặc biệt thì không thể thương nhau, và như thế dẫn đến tình trạng khó có thể chấp nhận cuộc sống chung. Trái lại, nếu chúng tôi hay là quý vị để ý tìm hiểu thì đương nhiên chúng ta không có lý do để đả kích, không có lý do để lên án, không có lý do để đập phá cuộc sống bình an của người khác. Tại vì chúng ta hiểu và biết được lời nói đó do vì vô tình hay là cố ý. Nếu là vô tình thì chúng ta có cách xử lý cho nó đẹp, nếu mà cố ý thì  chúng ta cũng có cách xử lý để cho nó trở nên bình thường. Vì không hiểu do vậy mà chúng ta chính là hai thằng đệ tử ngu dốt trong câu chuyện mà chúng tôi vừa kể cho quý vị nghe. Vì không hiểu nhau, không dung chứa nhau, cho nên sẵn sàng thanh toán nhau, mà khi đã thanh toán nhau rồi thì nguy hiểm, bất lợi, thất bại nó không phải ở nơi bản thân của hai người mà là cho tổ chức, cho gia đình, cho xã hội. Có lẽ vì thế mà trong bốn hoằng thệ nguyện, chúng ta phải khấn nguyện một cách sâu sắc:
- Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật Đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Tại sao chúng ta lại nguyện:
- Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Chúng ta đã biết là chúng sanh, thì phải biết người tánh này, người tánh nọ, người tánh kia. Có người lùn, có người cao, có người trắng, có người đen, cho nên không thể nào bắt người ta giống chúng ta  được. Khi đã có người lùn, người cao, người trắng, người đen, thì phải có người có tánh dễ thương, cũng có cái tánh kỳ cục. Bây giờ chúng ta nói:
- Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Có nghĩa là cho dù người đó tánh dễ thương thì chúng ta độ được thì độ. Tánh người kia có kỳ cục, khó chịu đến kiểu nào đi nữa thì chúng ta cũng phải độ. Cho nên nói chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Hay nói có tính cách thực dụng hơn. Nếu các cô cậu thanh niên lập gia đình, đã cưới hỏi với nhau thành vợ thành chồng rồi, thì phải nên biết: Là ông chồng hay bà vợ cả hai đều có những tính tốt, mà cũng có những tính xấu. Nếu đã vì thương cái tốt mà cưới nhau thì cũng phải thương luôn cái xấu khi cùng chung sống. Nếu mà phải ông chồng có tánh ngủ ngáy đến cỡ nào đi nữa, chúng ta cũng phải thương luôn cái ngáy của ông, hay là bà vợ có dơ dáy mỗi buổi tối không rữa chân, để chân thúi lên giường mà ngủ, thì chúng ta cũng phải thương, tại vì đã lỡ cưới nhau rồi.
Câu thứ hai là:
- Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Là một người tu chúng ta biết rằng cuộc đời này, không bao giờ mọi thứ mọi việc đến với chúng ta một cách êm đềm. Có nhiều khi cũng trôi chảy, có nhiều khi cũng gặp sóng gió. Nhiều khi cũng mang đến chúng ta những niềm vui, mà nhiều khi cũng mang đến chúng ta nhiều cái đau khổ buồn phiền, bất mãn, chán chường. Bởi vì đặc tính của cuộc đời, luôn luôn có những cái buồn phiền và đau khổ, nếu chúng ta không vượt qua thì chắc chắn chết. Như vậy trong định luật sinh tồn bất cứ giá nào cũng phải vượt qua. Cho nên bảo rằng:
- Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Phiền não đến cỡ nào đi nữa, nhưng chúng ta muốn thành tựu những cái gì mà chúng ta đang thực hiện thì cũng phải vượt qua, không vượt qua thì chúng ta sẽ chết chắc. Cho nên chư Tôn Đức thường dạy:
- Nếu mà có phải mười lần mình ngã xuống thì chúng ta phải mười một lần đứng dậy.
Còn nói rằng:
- Pháp môn vô lượng thệ nguyên học.
Như chúng ta đã biết các pháp rất nhiều vô cùng vô tận, cho nên chúng ta phải thệ nguyện, phải thực tập. Chúng ta biết pháp môn nào cứ thực tập pháp môn đó, gặp được pháp môn nào chúng ta cũng phải học, học cho đến nơi đến chốn.
Và câu:
- Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Trong Phật đạo, quả vị Phật là quả vị cao tột, phải tu học dài lâu mới thành đạo. Tuy nhiên nếu có tu thì một ngày nào đó chúng ta cũng thành Phật.
Sở dĩ mà chúng ta không thương mến nhau, không thể sống hài hòa với nhau, là do vì bản ngã, đó là một chướng ngại. Chướng ngại trong cuộc sống gia đình, trong cuộc sống bất cứ ở nơi Tu Viện nào, hay ngoài xã hội cũng vậy. Cho nên dưới ánh sáng của Bốn Hoằng Thệ Nguyện chúng ta phải lột xác cái Ta đáng ghét để chu toàn cho con đường tu học và phục vụ chúng sanh. Quả thật, cái chân ông thầy đâu có tội vạ gì, nhưng vì sao đưa đến trường hợp đau đớn như thế. Xét kỹ, chỉ vì cái ta đố kỵ mà ra. Nguy hiểm của sự chấp cái Ta là như vậy.
Đã thấy được cái gốc của mọi sự phát sinh trên cõi đời là từ cái ta mà ra. Và chính sự chấp ngã mà chúng ta tự đóng khung trong cái vỏ chết, tự mình làm thu hẹp tình thương, tự mình làm cho mình thiếu sức sống, tự mình cô lập không linh động uyển chuyển trong khi làm việc, rồi cuối cùng chúng ta cảm thấy cô độc, cảm thấy chết dần chết mòn trong vỏ cứng của chính mình. Phật gọi đó là sống trong vô minh.
Là người phật tử chắc chắn chúng ta không đành cam chịu sống trong vô minh mãi. Chắc chắn không bao giờ đành cam để chết dần chết mòn trong cô độc. Do vậy, một khi mà ánh sáng của Phật Pháp soi đến đâu, có cơ duyên nghe được Phật Pháp thì chúng ta phải kịp thời tu sửa đến đó. Tu hành có nhiều cách, nhiều phương tiện gồm cả tám mươi bốn ngàn pháp môn, nhưng căn bản để dứt sạch hết tình chấp ngã nguy hiểm là phải nói đến:
- Nhân vô ngã,
- Pháp vô ngã.
a- Nhân Vô Ngã:
Lúc chúng ta thực tập áp dụng tinh thần nhân vô ngã, thì chúng ta phải áp dụng đúng mức. Thí dụ như trong lúc thực tập nhân vô ngã, nếu có ai chửi:
- Ê cái mặt mày tệ lắm ...
Thông thường nếu là tên đó thì chúng ta lên tiếng liền, và phản ứng, giận dữ, khó chịu ... Nhưng thật sự xét cho kỹ tên đó do ai đặt, đặt trong trường hợp nào ... Điều chắc chắn sở dĩ có tên đó là do cha mẹ đặt lúc chúng ta chào đời, đó là nói theo thế gian. Còn các Phật Tử đến Chùa phát tâm quy y Tam Bảo rồi các Thầy mới đặt cho một tên pháp danh. Tất cả đều là tạm, vậy mà khi một ai kia mà đụng tới tên đó, chúng ta nhận là tên của mình, lúc đó nhất định phải ăn thua đủ liền. Nhưng mà thật ra tên đó chỉ là tạm đặt để gọi chứ không phải thật là của mình. Cho nên nói nhân vô ngã thì chúng ta phải hiểu, nếu mà ai có chửi là người đó đang chửi nghiệp của chúng ta, đừng có nghĩ là người ta chửi cái mặt mình. Nếu nghĩ là người ta chửi cái nghiệp mình, thì mình khoái lắm, tại vì khi chửi nghiệp thì nghiệp của chúng ta nó giảm đi, nghiệp giảm thì chúng ta khỏe. Biết như vậy thì chúng ta có nên để tự nhiên nghe người ta chửi, hay sợ người ta chửi. Chúng tôi bảo đảm điều chắc chắn không ai thích bị chửi, nhưng nếu có bị chửi có lẽ không đến độ chúng ta phải sợ sệt. Tại vì càng chửi thì nghiệp chúng ta càng nhẹ. Thực ra chúng ta không mong mỏi ai chửi, nhưng mà nếu có chửi nếu có nhắc nhở đến tên, thì chúng ta phải hiểu rằng người ta đang chửi cái nghiệp nó không liên quan gì tới chúng ta.
b- Pháp Vô Ngã:
Pháp vô ngã cũng vậy, những gì chúng ta sử dụng đây tất cả điều là tạm, cả kể chúng ta đang ở cái nhà bây giờ đây, nhưng mà nó cũng không thực là của mình. Bởi vì nếu mai mốt chúng ta thích cái nhà tốt hơn, mới hơn, đẹp hơn, thì chúng ta bán nhà cũ mua nhà mới, thì như vậy nó đâu phải của mình nữa. Nói chung là tất cả những cái gì mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hiện tại đều là tạm hết. Nắm được mấu chốt này rồi, khi chúng ta hạ thủ công phu thì cái ta nào cũng đều phải tiêu diệt. Ai mà nói tới tên, hoặc sự việc của chúng ta, thì chúng ta cũng không cảm thấy mất mát điều gì. Một khi mà của không mất danh không kém đi, thì có gì để bận tâm. Cho nên Kinh Kim Cang nói:
- Thông đạt các pháp vô ngã, gọi là Bồ tát.
Tức là:
- Bồ tát thì phải vượt qua nhân vô ngã và thông suốt pháp vô ngã. Thông suốt điều đó thì gọi là Bồ Tát.
Bởi vì, nếu mang cái ta này mà tu hành, quyết không thể giải thoát. Hoặc khi mang cái nghĩ này mà tu, thì chắc chắn chúng ta phải khổ sở vì cái ngã này không bao giờ chấm dứt. Vì thế cho dù tu đạo cao đến cỡ nào đi nữa mà còn mang cái ngã, thì cũng không cách chi thoát khỏi sanh tử luân hồi. Tiêu biểu như ông Uất Đầu Lam Phất là vị thầy đã từng dạy đạo cho Thái Tử Tất Đạt Đa tu sau này thành Phật. Lúc mà Thái Tử Tất Đạt Đa mới học đạo với ông Uất Đầu Lam Phất, ông này chứng đắc được thiền phi tưởng phi phi tưởng định, nhưng do vì ông chấp cái ngã cho nên đến khi ông mất, do nhờ phước báo cho nên ông sanh lên cõi trời phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhưng sau khi hết tuổi thọ trên cõi Trời, ông phải sinh trở lại cõi đời làm con chồn bay. Tức là một khi còn chứa cái ngã vô đó, thì đương nhiên là hiện tại có thể có phước có thể hưởng phước, nhưng mà rồi đến khi hết phước chúng ta sẽ bị đọa ngay. Còn mang cái ngã là chúng ta không thể nào dứt khoát được sanh tử luân hồi. Bởi vậy, trong Kinh Đại Bát Nhã có dạy:
- Bồ tát Thường Đề vì cúng dường Pháp Sư và học Bát Nhã mà sẵn sàng bố thí tim, gan, tủy sống cho tất cả mọi người không luyến tiếc.
Có người thắc mắc:
- Đã bố thí tim gan, vậy lấy gì học Bát nhã?
Thực ra học kinh cũng vậy, hành pháp cũng vậy. Hành pháp không có nghĩa là mình ngồi đây mà đọc kinh cho cả ngày mới gọi là hành pháp. Hay chúng ta ngồi thiền từ ngày này sang ngày nọ. Đương nhiên phương tiện căn bản đầu tiên của những người mới tu học điều đó là cần. Học pháp và hành pháp như đó, là những người mới sơ cơ học đạo thôi. Việc này khác so với sự học Kinh Bát Nhã của Bồ Tát Thường Đề. Ngài Thường Đề không phải học trên chữ nghĩa văn tự thông thường, tại vì khi mà chúng ta còn học trên chữ nghĩa, tức là chúng ta căn cứ trên bản ngã để học. Do vậy khi mà giải trừ tình chấp ngã đó là oan gia cấu kết lâu đời rồi, thì chúng ta phải trừ nó. Cho nên học pháp không có nghĩa là chúng ta phải học từng câu từng chữ, không phải chúng ta nhớ nhiều học rộng. Cái đó chỉ là nghĩa hẹp để chúng ta hiểu biết thêm, hay là nói với người đời biết rằng tôi đây có học, có hành như vậy. Nhiều khi hiểu nhiều lại rơi vào trạng thái tình chấp ngã, nhiều khi lại trở thành cống cao ngã mạn, thì đó là cái chướng ngại cho vấn đề tu học của chúng ta. Do vậy mà vô minh lại sống dậy. Trong khi đó một mặt thì chúng ta lại vượt thoát khỏi vô minh, một mặt chúng ta không biết gì là vô minh, rồi cuối cùng chúng ta lại bị lôi cuốn trong vòng vô minh sanh tử.
Phải ý thức nếu cứ cái gì cũng là của ta, thì đây là nguyên do đang đưa chúng ta đi vào cái hố sâu của tội lỗi. Cái ta đó nó làm cho chúng ta ngăn cách đạo bạn, không còn tình người, làm cho chúng quay mặt với nhau trở thành thù địch, thay vì chúng ta có thể nhìn mặt nhau cười, chia sẻ nhau những cái ngọt bùi, cay đắng. Vì cái Ta mà chúng ta lại quay mặt chửi bới nhau, làm khổ cho nhau. Trong Kinh Viên Giác, Phật định nghĩa vô minh rất rõ. Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi:
- Này thiện nam tử! Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay, nhiều thứ điên đảo giống như người mê lạc, thấy bốn phương đổi chỗ, vọng nhận bốn đại làm tướng tự thân, cái bóng duyên theo sáu trần làm tướng tự tâm. Ví như người bệnh mắt thấy hoa đốm trong hư không và mặt trăng thứ hai.
Này thiện nam tử! Hư không thật không có hoa mà người bệnh vọng chấp. Do vì vọng chấp nên chẳng những lầm tự tánh của hư không này, cũng lại mê luôn chỗ hoa sinh kia là thật có. Do đây vọng có luân chuyển nơi sinh tử, nên gọi là vô minh. Vì chúng ta thiếu hiểu biết, không thấy rõ vấn đề mà sống trong vô minh điên đảo, không nhận được tình chân thật người thân của mình, chúng ta không tiếp nhận được những thâm tình những ân ái, mà người thân đã trao cho chúng ta.
Vọng chấp thân bốn đại này và tâm duyên theo sáu trần để làm ta, đó là vô minh. Bởi nó không phải thật ta mà chấp là Ta. Chính đó là nguồn gốc của sinh tử. Chừng nào còn bóng dáng của cái Ta, là còn đi trong luân hồi không thể nào tránh khỏi.
Đã thấy rõ cái nguy hiểm của tình chấp ngã như thế rồi, đó là chỗ chướng đạo, là che mờ chân lý! Tình chấp có khả năng đào sâu chia rẽ tình cảm của chồng vợ, của gia đình đạo bạn, thầy trò và tất cả. Rõ ràng nó ở ngay trước mắt đây thôi, nhưng chúng ta không thấy, nguyên do chỉ vì chúng ta còn thấy có cái Ta của chính mình nó to, nó quan trọng. Cho nên chúng ta còn bám víu vào cái Ta của một trăm mấy chục pounds này thì làm sao sống yên bình với nhau được, làm sao chúng ta có thể chấp nhận được cuộc sống chung của những người thân, làm sao chúng ta có thể nhìn nhau với những người đạo bạn của mình. Một ngày nào đó cái Ta đáng ghét còn ngự trị trong tâm hồn của mỗi cá nhân, ngày đó còn có chiến tranh, chiến tranh trong gia đình, chiến tranh trong tổ chức, tôn giáo, và trong cộng đồng xã hội thì làm sao thấy Đạo được!
Hiểu rõ lẽ thật đó rồi, điều quan trọng nhất là phải ứng dụng thực hành. Tức là phải luôn luôn soi sáng lại mình, để thấy rõ mọi chỗ, mọi kẻ hở của cái Ta len lỏi vào và sống dậy. Phải khám phá trọn vẹn cái Ta nguy hiểm, không nên để bóng tối mọi ngõ ngách trong tâm hồn cho cái Ta có chỗ ẩn núp. Vì chúng ta cứ mãi lo chiếu cố đến những lỗi lầm của người này, người nọ mà quên chiếu cố cái Ta nguy hiểm của bản thân! Chúng ta chỉ thích nhìn mặt người kia, nhìn mặt người nọ, chê người đó kẻ lông mày không đẹp, chê người kia có cái môi méo xẹo, cái mũi vuốt lên ... Thấy lỗi người khác mà quên, hoặc không thấy lỗi của tự thân.
Nên nhớ mọi sự sai biệt ngăn cách trong cuộc sống này đều từ cái Ta mà ra. Cho nên tuy hai người ngồi bên nhau mà quên sự có mặt của nhau, là vì mỗi người đang sống với một cái ta riêng trong đầu, mà qua đó cuộc sống gia đình là một bằng chứng cụ thể. Có nhiều khi chồng vợ ngủ chung giường, nhưng mà mỗi người theo đuổi một ý, cho nên gọi là:
- Đồng sàng dị mộng.
Nghĩa là:
- Ngủ chung giường mà mỗi người thấy một giấc chiêm bao khác nhau.
Một khi mà hai vợ chồng không thống nhất ý chí, chồng thì nghĩ xuôi, vợ thì nghĩ ngược, mà người Việt Nam thường hay ví von:
- Trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
Thì ngày đó sự nghiệp không bao giờ thành tựu được, và trong cuộc sống hằng ngày còn xáo trộn dài dài, và xa hơn nữa không biết hai người lúc nào phải lôi nhau ra tòa ly dị!. Không có cái Ta nguy hiểm thì không có động cơ để chia cách, mọi người chắc chắn thông cảm, hiểu nhau, và sẽ thương mến nhau lắm.
Vì vậy, người học đạo phải thường nhìn lại mình, để thấy rõ tướng Ta mê lầm của tự thân mà giải trừ, bào mòn. Đừng bao giờ nói rằng tại cha sanh mẹ đẻ tui ra nó đã vậy rồi thì không ai thay đổi tui được. Đừng tưởng tuyên bố dõng dạc như vậy là oai, không oai đâu. Tuyên bố về cái gì còn là quá đáng thì huống gì tuyên bố về cái Ta kỳ cục của mình. Nếu có tuyên bố thì nên tuyên bố:
- Lúc cha sanh mẹ đẻ ra đời, tui kỳ cục ghê lắm, nhưng từ khi biết tu rồi, tui không còn những cái kỳ cục đáng ghét đó nữa.
Có soi lại tự thân mới thấy rõ chính chúng ta, mới khám phá những điều còn dở, xấu để gạn lọc, tiến tu, không tự kiêu, ngã mạn. Làm phơi bày những chỗ thiếu sót của chính mình mà lo công phu tu tập, trau giồi sửa đổi càng ngày càng cho tốt đẹp hơn. Nên nhớ, dù là một chút tình phân biệt không đáng kể còn bị chư tôn đức quở rầy, còn bị nghiệp chướng, thì huống gì là giận hờn phiền não ôm ấp trong lòng thì rất khó mà tu học.
Càng bị Tình Chấp Ngã che đậy, càng khó tu cho sáng được đạo. Người tu hành là nhắm đến con đường giải thoát khổ đau. Tình Chấp Ngã là đầu mối mọi thứ phiền não đau khổ trên thế gian này. Người biết tu, khéo biết được giáo lý vô ngã là chúng ta không bao giờ tiếp tay, và không thể nào nuôi dưỡng bản ngã đáng ghét này.
Vào đạo Phật là phải vứt bỏ cái Ta. Bỏ ít thì bớt khổ ít, bỏ nhiều thì bớt khổ nhiều, bỏ trọn vẹn thì dứt khổ, có được niết bàn an vui. Người tu mà còn ôm ấp cái Ta nặng nề, cố chấp không buông là trái với con đường chúng ta đi, là quay lưng với ánh sáng giác ngộ. Mà như thế là đi ngược lại cái nguyện vọng tha thiết của chư Phật, Chư Tổ. Để hiểu rõ thêm về sự từ bỏ cái Ta, trong kinh có ghi lại rằng:
- Xưa Bồ Tát Đề Bà để lại tấm gương vô ngã sáng ngời. Khi Ngài cảm hóa một vị quốc vương trước đây vốn tin theo ngoại đạo. Rồi lại dùng biện luận hướng dẫn quần chúng, đánh bại chủ thuyết của ngoại đạo. Chỉ trong vòng ba tháng đã thắng các ngoại đạo, và độ hơn một trăm vạn người. Trong số ngoại đạo có một đệ tử vì căm hận cho Thầy mình bị thua, liền thề:
- Ngươi đã dùng miệng mà thắng phục Thầy ta, ta phải dùng dao thắng phục ngươi. Ngươi dùng dao không làm khốn Thầy ta, ta sẽ dùng dao thực làm khốn ngươi.
Một hôm Ngài Đề Bà đi một mình trong rừng vắng, gã ấy xách dao đến bảo:
- Ngươi dùng miệng phá đổ Thầy ta, sao bằng ta dùng dao phá vỡ bụng ngươi!
Nói xong y bèn mổ bụng Ngài. Ngài Đề Bà tuy bị mổ bụng, ruột lòi ra ngoài nhưng mà chưa chết, Ngài vẫn thương xót kẻ ngu si kia nên bảo:
- Tôi có y bát để ở đằng kia, ngươi có thể đến đó lấy, rồi hãy lên núi gấp, đừng đi bằng đường bằng. Những đệ tử của tôi chưa chứng được pháp nhẫn họ sẽ bắt ngươi, ngươi có thể bị bắt giải đến quan, hay là giết chết nhà ngươi.
Khi các đệ tử hay tin chạy vội đến hiện trường, lúc đó rượt theo bắt được người đã làm khổ Thầy Đề Bà, có những vị chưa được pháp nhẫn bèn gào khóc. Ngài Đề Bà thấy vậy bảo đừng làm khổ nó để cho nó đi. Nhân cơ duyên này Ngài khai thị cho các đệ tử rằng:
- Lý thực của các pháp, chính là ở chỗ không có người thọ, không có người hại. Thân ai, oán ai, giết ai, hại ai? Kẻ bị si độc lừa dối, mê lầm nảy sinh chấp trước mà gào khóc, trồng căn bất thiện. Ta bị kẻ kia hại, là hại nghiệp báo không phải hại ta. Các ngươi phải xét thận trọng, đừng đem cái cuồng đuổi theo cái cuồng, mà hãy đem cái thương buồn cho cái tình thương!
Dặn dò xong, Ngài nằm xuống rồi thị tịch.
Theo tinh thần từ bỏ cái Ta mà Thầy Đề Bà bị ngoại đạo mổ bụng vẫn thương xót kẻ kia, không sanh tâm thù hận, kết oán. Trong khi đó chồng vợ thương nhau, hứa hẹn ở với nhau cho trọn đời, thế nhưng do vì cái Ta mà làm khổ cho nhau. Trong các ngôi Chùa cũng vậy, các huynh đệ cùng một thầy, sống chung với nhau hằng ngày, lại vì một chút bất đồng ý kiến, vì một chút hơn kém nhau, một chút không chìu chuộng cái Ta của chính mình, mà đành xem nhau như kẻ nghịch, do vậy mà sẵn sàng dứt áo ra đi. Còn người ở lại cũng phải mang tiếng, và  tổ chức rối loạn lên. Phải xét kỹ lại chỗ này, phải giải tỏa cái Ta đáng ghét và cũng nên nhận thức sự nguy hiểm của chấp ngã. Bởi vậy, Kinh Kim Cang bảo:
- Quét sạch hết tâm ba thời qua khứ, hiện tại, vị lai. Trừ tận cùng bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tức là làm mất dấu vết cái Ta.
Phải làm cho tận diệt cái Ta này, để rồi không còn cái bám víu vào cái Ta nữa, vì biết rằng ngày nào còn bám vào cái Ta là chúng ta còn khổ hoài. Cho nên chúng ta phải tinh tấn tu tập để tận diệt cái Ta thì mới thật sự thể nhập thật tướng Bát Nhã, sống trong Vô Thượng Bồ Đề. Đến đây xin kể đại chúng nghe câu chuyện:
- Xưa có con chim Cú mèo làm tổ chung trên một cây với chim Gáy. Một hôm Cú mèo từ giã chim Gáy để dọn đi nơi khác, Gáy ngạc nhiên hỏi:
- Bác đi đâu thế?
- Tôi dời nhà sang phương Tây.
- Sao thế? Có việc gì làm trở ngại cho bác? Tôi trông nơi đây sinh sống dễ dàng, mát mẻ, sao bác lại bỏ đi?
Cú mèo buồn rầu đáp:
- Dân cư vùng này không ưa tui. Ai cũng ghét tui gặp tui đâu cũng lấy cây liệng lấy đá ném, ai cũng chỉ mặt tui mắng nhiết là đồ Cú Mèo thì làm sao tui sống được.
Chim Gáy dịu dàng bảo:
- Này bác ạ! Chỗ thân tình với nhau tôi nói cho bác nghe ... Sở dĩ người ta không ưa bác là vì tiếng kêu của bác. Khi mà bác kêu lên là người ta có cái cảm tưởng giống như bác đang mang tang tóc đến cho họ. Thay vì bác đi một nơi nào đó thì chi bằng bác đổi tiếng kêu của bác, rồi thì sống ở bên Đông cũng được bên Tây cũng được chẳng ai ghét bác nữa đâu. Nếu sang phương Tây bác cũng kêu như thế thì người ta cũng ghét bác thôi ...
Cú Mèo nghe nói, nó giận lắm:
- Mày dám dạy đời tao hả, cha sanh mẹ đẻ tao ra, tao đã có tiếng gáy đó rồi, mày còn lên mặt dạy đời tao biểu tao đổi hả! Còn lâu tao mới đổi!
Cú Mèo giận dữ bỏ đi đến miền Tây ở. Ðúng như lời tiên đoán của chim Gáy, dân chúng miền Tây cũng ghét bỏ nó. Cú Mèo đâm ra hận người, hận đời và thề:
- Từ đây về sau tui không thèm nhìn đến mặt loài người nữa. Tui phải vào rừng sâu sống với thế giới của tui ...
Và từ đó con chim Cú Mèo bay vào thâm sơn cùng cốc, lánh xa loài người, loài vật, mặt trời, mặt trăng ... Không còn trông thấy loài người nữa. Nhưng mà có một điều, nơi nào có Cú Mèo xuất hiện là nơi đó có tang tóc đến với loài người.
Nói tóm lại, thật ra đổi chỗ ở bao giờ cũng dễ dàng hơn sửa đổi một số tật của tự thân. Chúng ta bỏ đi thì dễ, nhưng thay đổi tính kỳ cục của mình rất là khó. Cho nên dầu cho chúng ta có đến nơi nào đó cũng thế, nếu không thay đổi chứng kỳ cục của chúng ta thì ở nơi nào người ta cũng chửi như thường. Nhưng phản ứng nhất thời của chúng ta mỗi khi gặp trở ngại, thường hay nghĩ hay tưởng tượng là bị bạc đãi. Hoặc khi bị người ta nhắc nhở, thì chúng ta giận dữ bảo rằng người này thích sửa lưng tui, người kia oán ghét tui, người này thù hận tui ... Chúng ta viện đủ lý do rồi giận dữ bỏ đi.
Tâm lý thông thường, chúng ta chỉ muốn giữ lại mối tương giao nào mà cái huyễn ngã của chúng ta được ái mộ chìu chuộng vuốt ve, và những hành động của chúng ta được tung hô vạn tuế ... Tung hô vạn tuế là chúng ta thích lắm, bằng ngược lại chúng ta hờn, dỗi, hận đời đen bạc. Chúng ta chỉ biết trách người tại sao nhỏ mọn, tại sao hẹp hòi, tại sao cứ nói móc chuyện này, soi tui chuyện kia. Lên án đời tại vì đời đen bạc xấu xa đối với tui, rồi than rằng sao người ta không hiểu, rằng sao mà mình cô đơn quá không ai sống chung với mình ...
Vậy thì nên đổi cảnh hay đổi tâm đây?
Đổi tâm hơi khó, nhưng chúng ta đổi tâm được cũng nên đổi vẫn hơn. Bởi vì chúng ta không có buồn mình, không buồn đời, không trách người, không trách mình lúc đó chúng ta sẽ thấy yên ổn lắm. Chúng ta thấy rằng chư vị Bồ Tát dù ở địa ngục mà vẫn sống cuộc sống hỷ lạc. Địa ngục là nơi cực hình của những tội nhân nhưng mà chư vị Bồ Tát vẫn vui. Tại vì các ngài đã có một thái độ hỷ lạc chấp nhận vào nơi đó để hóa độ chúng sanh, cho nên các ngài không thấy đó là cực hình mà còn thấy đó như ở cõi trời, như cảnh giới niết bàn. Còn chúng ta ở giữa cảnh đời này với trăng thanh gió mát, hoa thắm lá xanh, bụng no thân ấm mà vẫn phiền muộn. Có những cái chúng ta không vừa lòng, bất mãn, hận đời hận người, có phải tại vì mộng ước, hay tham vọng của chúng ta nhiều quá chăng? Nếu mà cứ nghĩ như vậy, thì có lẽ chúng ta cứ mang cái mạng mộc của mình đi lang thang từ nơi này sang nơi khác, dù gặp được những chốn thong dong như cõi Cực lạc của Ðức Phật A Di Ðà đi nữa, chúng ta vẫn để cái ngã to tướng lên bàn rồi chúng ta tự làm phiền mình và các chúng sanh lân cận mà thôi.  
Mong rằng tất cả mọi người phải hiểu điều này, thay đổi tâm vẫn tốt hơn là thay đổi hoàn cảnh. Chấp nhận cuộc sống chuyển hóa tâm của mình từ xấu trở nên tốt, từ dở trở nên hay, mỗi hành giả luôn luôn soi sáng lại mình, để thấy rõ tường tận mọi bóng dáng cái Ta lộ ra mà cảnh tỉnh không lầm theo. Quyết không để nó làm mờ đi ánh sáng chánh giác. Đó là con đường tiến tu đạo chân thật.
--o0o--