TẬP SAN DƯỢC SƯ

Nghệ Thuật Dừng Lại
Chơn Đức
--o0o--
 
Nói về dừng lại thì như quý vị đã biết, dừng lại có nghĩa là không tiếp tục nữa, vậy thì bây giờ dừng lại cái gì. Có tính cách thực tiễn, chúng ta đang sống trong xã hội Hoa Kỳ, một nước được coi là vương quốc xe hơi, vì thế mỗi khi đi đâu chúng ta cũng thường hoặc đều phải đi xe Bus hoặc phải lái xe. Như một chiếc xe đang chạy, khi thấy gần chiếc xe phía trước chúng ta phải hãm bớt tốc độ, hoặc xe xuống dốc với tốc độ quá nhanh, vì sự an toàn cho nên chúng ta cũng đều phải hãm thắng. Sự hãm tốc độ, hoặc hãm thắng tưởng chừng như thông thường, nhưng nếu quan sát kỹ chúng ta thấy đó là một nghệ thuật. Quả thật khi hãm thắng, chúng ta phải vận dụng cả đầu óc, cặp mắt, tay và chân sử dụng cùng một lúc, cho nên đòi hỏi một nghệ thuật tuyệt diệu. Nếu không có nghệ thuật, trong lúc hãm thắng rất có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người ngồi trong xe. Vì thế hãm thắng một chiếc xe, nó cũng đòi hỏi một nghệ thuật đẹp. Đó là nói chuyện có tính cách tản mạn ở bên ngoài cuộc sống. Tuy nhiên vấn đề dừng lại chúng tôi muốn giới thiệu đến đại chúng trong phạm vi bài viết này chính là sự dừng lạiÕcủa:
- Những sự tham cầu, vọng tưởng  
- Những sân, hận, si, mê
- Những đố kỵ ganh tỵ 
- Những trạng thái tâm không lương thiện ...
Tất cả những trạng thái tâm lý đó đều có liên quan, và chi phối  đến cuộc sống chúng ta rất nhiều.
Thông thường, chúng ta có thói quen khi làm một việc gì cũng đều có mục đích, và mong cầu đạt cho được mục đích đó. Theo tinh thần thương mại mọi người gọi đó là óc thực tế, nhưng kỳ thực đó không phải là óc thực tế mà là chân lý của những người mua bán. Tại vì khi mua và bán một món hàng gì đó đương nhiên chúng ta phải có lời, cho nên món hàng mà chúng ta cần mua, hay bán đều phải có một giá trị thật xứng đáng theo sự nhận định, và mong muốn của chúng ta. Tương tự như vậy, tu học là để đạt tới chân lý, chắc hẳn chúng ta không cần có sự đền bù xứng đáng, nhưng mà dầu muốn dầu không gì khi có thực tập, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ có được đền bù xứng đáng. Mọi người chúng ta ai cũng có khuynh hướng nghĩ như vậy. Sự ghi nhận này trong cuộc sống tương đối và đầy khích lệ là đúng trăm phần trăm. Đối với người Phật Tử, chúng ta tin tưởng rằng bất cứ một người biết tu học nào cũng có thể làm như vậy. Bởi vì nhờ có niềm tin, nhờ có hy vọng mà chúng ta có thể chấp nhận hiện tại một cách dễ dàng, cho dù là hiện tại đó nó không có cái gì đẹp, cho dù hiện tại không có gì để chúng ta lưu luyến. Nếu không có niềm tin không có hy vọng thì khó có thể chấp nhận hiện tại. Đó là lý do chúng ta thấy nhiều người khi đến những vùng đất mới hay là sống trong một hoàn cảnh mới có nhiều khi thấy họ heo hắt hơn nhiều, là bởi vì không thích hợp với hoàn cảnh mới. Nếu chúng ta tin rằng ngày mai có thể khá hơn thì những gian nan của ngày hôm nay ta không còn thấy nhọc nhằn lắm. Nhưng khi nhìn sâu vào bản chất của hy vọng, chúng tôi vẫn thấy có gì chướng ngại. Bởi vì nếu chúng ta chỉ bám vào cái hy vọng là ngày mai sẽ sáng sủa hơn thì chúng ta sẽ không tập trung mọi nỗ lực cho hiện tại. Chúng ta cứ chờ đợi ở ngày mai sẽ đạt tới một nơi tốt đẹp hơn, an bình hơn, vì thế chúng ta có khuynh hướng gạt bỏ hết tất cả mọi thứ mà chúng ta cho là không lương thiện, để mong chờ một kết quả tốt đẹp trong tiến trình tu học. Chẳng hạn như có những người tu, cứ hy vọng ngày nào đó sanh về nước Phật ... Vì cứ hy vọng ở ngày mai tốt đẹp hơn cho nên chúng ta không sống hết mình cho hiện tại và không thấy được niềm vui đã có sẵn bây giờ và ở đây. Tình trạng này nếu không khéo chúng ta lại rơi vào trạng thái tâm vọng tưởng điên đảo. Do đó hy vọng là một trong những loại trở ngại trên con đường tu tập đạo giải thoát. Quả thật, nếu ngày nào còn suy nghĩ như vậy thì chúng ta sẽ không an lạc, thảnh thơi, bởi vì việc làm hay sự tu học của chúng ta có nhiều khi không như ý chúng ta mong muốn.
Là người Phật Tử, chúng ta phải có cách nhìn khác, tu học theo định nghĩa thông thường thì người ta gọi là sửa, người ta gọi là làm từ xấu trở thành tốt ... Tuy nhiên chúng ta có thể thay đổi quan niệm, và phải nói rằng khi tu học không cần phải sửa gì cả, mà là luyện tập nghệ thuật dừng lại để nhìn mọi vấn đề một cách sâu sắc hơn. Giây phút nào chúng ta dừng lại, là giây phút đó đã có mặt với chính mình, với cuộc đời, như thế là đủ rồi, không cần cầu những thứ gì khác. Khi chúng ta biết dừng lại là chúng ta đã bắt đầu thấy chân tướng của mọi sự vật, và khi thấy là đã có thể hiểu, hiểu được rằng:
- An lạc, thảnh thơi là hoa trái của sự tu tập này.
Chúng ta phải nắm vững nghệ thuật dừng lại để thật sự có mặt với người thân của chúng ta, và với những gì mà chúng ta cho là cần thiết trong đời sống hằng ngày. Nếu không biết nghệ thuật dừng lại thì tâm tư của chúng ta chắc chắn sẽ bị trôi nổi bềnh bồng về quá khứ, trôi nổi về tương lai, mà kể cả trong hiện tại chúng ta vẫn trôi nổi như thường. Do vậy có những vấn đề mà chúng ta cần phải biết chẳng hạn như:
- Làm sao để cho an lạc có mặt trong một xã hội mà mọi người đã quen toan tính lợi lộc?
- Làm sao để có được những nụ cười biểu lộ niềm vui thực sự chứ không phải chỉ là một hình thức xã giao?
- Làm sao để chúng ta có được sự hoan hỷ giữa những con người thù hận ...
Với sự suy tư này, đây là cách giúp chúng ta an trú trong chánh niệm. Khi luôn luôn có chánh niệm, chứng tỏ rằng chúng ta có chủ quyền thực sự, và không đánh mất chính mình, tại vì chúng ta có khả năng điều khiển được chính mình. Và như vậy một khi có chủ quyền thật sự, có nghĩa là không đánh mất chính mình, thì lúc bấy giờ chúng ta có thể làm thơ, viết văn ca ngợi sự dừng lại, sự hiện hữu mầu nhiệm không mong cầu, không toan tính.
Nói đi rồi nói lại, thật sự khi mà mỗi giây một phút sống trong chánh niệm, làm trong chánh niệm và an trú vững chãi trong chánh niệm, cho dù chúng ta không viết văn, hay làm thơ thì cũng như ta đang viết văn và đang làm thơ ca ngợi sự dừng lại tuyệt vời đó. Đó là những bức tranh vẽ, và những bài văn, bài thơ tuyệt diệu mà lúc bình thường chúng ta không làm được. Lúc đó con người chúng ta tỏa rạng niềm vui và sự an lạc. Và cứ mỗi một lúc nào đó con người của chúng ta tỏa rạng niềm vui, và có sự an lạc thì chính giây phút đó chúng ta đã làm cho cuộc đời đẹp, và mọi người bên chúng ta thêm vui tươi phấn chấn thêm. Như vậy sự có mặt tươi mát, thảnh thơi và vững chãi của chúng ta, là một cách sống có nghệ thuật mà chúng ta không cần phải nhiều lời để diễn đạt, thế giới quanh ta nhờ thế mà cũng tỏa rạng thêm. Đối với một người mà có sự vững chãi và thảnh thơi, thì người đó chính là nơi nương tựa của tất cả mọi người. Mà đó cũng là lý do mà quý Phật Tử phải đến Chùa, bởi vì tới Chùa ngoài chư tăng ni, chúng ta còn có Đức Phật. Lúc lễ Phật nhìn lên thấy nụ cười tươi tắn của Đức Phật, chúng ta cảm thấy có một cái gì đó ấm áp. Sự ấm áp và nụ cười tươi đó nó làm tỏa rạng chung quanh và làm ảnh hưởng đến tâm tư của chúng ta.
Như chúng ta đã biết, trong đời sống mà có tự do, giải thoát và an lạc của tất cả mọi người, không do ai mang tới cho chúng ta, mà chính chúng ta tự tạo. Tự do, an lạc và giải thoát như cái giếng nước nằm sâu trong chúng ta, muốn có nước là tự mỗi người chúng ta phải tự đào sâu nó ngay bây giờ thì nước ngọt sẽ phun ra. Nói như thế có nghĩa là chúng ta phải trở về với giây phút hiện tại để sống với những gì sâu sắc có sẵn của mình, mà qua đó phương pháp thực tập hơi thở chánh niệm để có thể tiếp xúc được với giây phút hiện tại là cụ thể nhất. Tại vì chỉ hiện tại mới có đầy đủ nhựa sống, và sức sống mầu nhiệm khôn cùng đang hiển bày dưới muôn hình muôn vẻ. Nếu chúng ta không có chánh niệm, nếu chúng ta không biết dừng lại mọi thứ tham cầu, thì chúng ta không thấy được cái đẹp đó. Có nhiều người vì chú trọng quá nhiều vào viễn tưởng một ngày mai huy hoàng nên đã phải hy sinh cái hiện tại. Chỉ vì đặt hy vọng ở ngày mai, do đó mà đã có rất nhiều người không tiếp xúc được với những niềm vui, những tự do và giải thoát đang có mặt trong hiện tại. Điều này không riêng gì những cá nhân không thôi, mà cũng đã có những tôn giáo đặt nền tảng trong niềm tin xa xôi này, cho nên nếu nói ngược lại chắc chắn chúng ta sẽ gây nhiều phản ứng mạnh. Nhưng mà đôi khi chúng ta cũng cần phải nói để cho mọi người thấy, đôi khi những chấn động cũng cần để tạo ra những thay đổi quan trọng. Nếu không thì những con người nuôi hy vọng nhiều quá nhiều ở một thời điểm nào đó khác với hiện tại, đến một lúc nào chắc chắn sẽ thất vọng.
Thật sự chúng ta cũng cần có hy vọng. Tuy nhiên nếu chỉ có hy vọng không thôi thì chưa đủ, bởi vì nếu chúng ta chỉ muốn trao gửi mình cho hy vọng thì chúng ta không sống hết lòng cho hiện tại. Trong khi đó nếu chúng ta dùng tất cả năng lực để ý thức trọn vẹn những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, thì chúng ta sẽ phá vỡ được bức tường của một tương lai xa xôi, mà ở đó chúng ta có thể khám phá ra ngay trong lúc này và ở đây, với những nguồn suối an lạc đang tuôn trào trong con người và xung quanh chúng ta. Chúng ta không cần phải đợi tới ngày mai. Chúng ta chỉ cần thư giãn và mỉm cười là chúng ta có thể bắt đầu có tất cả những gì chúng ta mong muốn trong giờ phút hiện tại. Như vậy thư giãn mĩm cười là một nghệ thuật, một nghệ thuật có thể dừng lại tất cả các ác pháp.
Có nhiều khi bảo là tập cười, hay là bảo mĩm cười, nhiều người trong chúng ta thấy hơi ngộ nghĩnh. Cười ai lại không biết cười mà phải tập. Mĩm cười thì ai lại không biết cười mà phải tập. Nhưng mà thật sự cười thì cũng có đủ kiểu cười. Cười có nhiều khi vui cũng cười, buồn cũng cười, hay chúng ta gặp một cái gì đó đắc ý cũng cười, đó là chuyện thông thường. Nhưng cười trong tất cả mọi hoàn cảnh dù là vui cũng cười, buồn cũng cười, được cũng cười mà không được cũng cười, và nếu phải cười trong mọi tình huống như thế thì chúng ta phải luyện tập, và đương nhiên chúng ta phải có nghệ thuật. Bắt đầu luyện tập bằng cách nào cũng được, chỉ cần có luyện tập thì dù cho cuộc đời có bão tố, dù cho hoàn cảnh của chúng ta như thế nào đi nữa, cứ thoải mái thư giãn mĩm cười, rồi thì tất cả mọi việc cũng đều giải quyết.
 Có tính cách tản mạn về nghệ thuật mĩm cười, trong giai thoại thiền có câu chuyện mà giới thiền tông ai cũng biết. Mà không phải chỉ có giới Thiền Tôn biết mà tất cả mọi người Phật Tử chúng ta ai cũng biết. Mẫu chuyện mĩm cười giữa Đức Phật và Thầy Ca Diếp, theo như trong sử thiền kể lại:
- Một ngày kia, Đức Phật đưa một cành hoa sen lên trước cử tọa 1250 thầy tỳ kheo, và Ngài không nói một lời nào. Ai cũng suy nghĩ để tìm hiểu ý của Ngài. Bỗng nhiên thấy Phật mỉm cười, Ngài mỉm cười vì một người trong quý Thầy đã mỉm cười với Ngài và với bông hoa. Người đó không ai xa lạ chính là Thầy Ma Ha Ca Diếp. Trong số 1250 thầy Tỳ Kheo, chỉ có một mình Thầy Ca Diếp mỉm cười và được Đức Phật cười lại, và Ngài nói:
- Ta có kho tàng của cái thấy chánh pháp và ta đã trao truyền kho tàng ấy cho Ca Diếp.  
Câu chuyện đã được bàn cãi sôi nổi trong giới thiền tôn qua nhiều thế hệ và cho đến ngày nay người ta vẫn còn đi tìm ý nghĩa của nó. Qua sự tìm hiểu biết chúng ta thấy có nhiều lý giải. Có những lý giải chúng ta còn phải tiếp tục tìm hiểu nữa. Theo sự nhận xét của một số tôn đức, điều này rất đơn giản. Khi có người nâng một cành hoa, hay một món quà gì đó ở trước mắt chúng ta. Người ấy muốn chúng ta nhìn thấy bông hoa hay món quà. Nếu đầu óc chúng ta bận bịu suy nghĩ một cái gì đó thì chắc chắn chúng ta không nhìn thấy bông hoa hoặc món quà. Chỉ có người nào đầu óc không bận bịu tính toán, người đó đang thảnh thơi thì mới có thể tiếp xúc được với bông hoa, hoặc món quà và mỉm cười.
Trong chiều hướng này chúng ta thấy, với lời lý giải đơn giản, và nhiều khi chúng ta cũng chỉ cần một lý giải đơn giản như vậy. Quả thật dầu cho một người nào đó ở trước mặt chúng ta, nếu không để ý thì chúng ta không thấy, cho dù người đó to, người đó cao lớn không có một sự chướng ngại nào hết nhưng chúng ta vẫn không thấy. Nhưng nếu có để ý, có nghĩa là đầu óc thảnh thơi và an lạc thì chúng ta sẽ thấy, và chúng ta sẽ mĩm cười với người đó ngay.   
Được coi là nghệ thuật chính là ở chỗ có mặt trong giây phút hiện tại, nếu không chúng ta sẽ đánh mất tất cả. Đây là cốt tủy của nghệ thuật sống và cũng là nghệ thuật dừng lại mọi động niệm, bởi vì đó là lúc chúng ta trở về với chính mình để chúng ta thấy được thực tại là tuyệt vời, để có thể thấy được những gì chung quanh chúng ta là đẹp. Thực tập chánh niệm là để nhìn sâu vào lòng sự vật trong đời hằng ngày mà qua đó là:
- Lúc ăn cơm,
- Uống trà,
- Tụng kinh,
- Thiền tọa,
- Đi kinh hành ...
Tất cả những cái đó đều là bình thường. Nhiều người thắc mắc, và bảo rằng:
- Đi tu là phải làm một cái gì đó chứ còn đi tu vô Chùa rồi ngày tối lo ăn cơm, rồi đi bộ, tụng kinh rồi ngồi thiền ... thì có gì là tu đâu?
Vậy thì phải làm như thế nào mới gọi là tu. Làm tất cả những gì được coi là bình thường nhất trong đời sống hằng ngày đều được coi là tu, đó là nghệ thuật sống rất là cao, và nó không cần đòi hỏi phải làm cái gì cả. Như vậy ăn cơm phải có nghệ thuật ăn, nói chuyện cũng phải có nghệ thuật chứ không phải là nói ăn là ăn, nói là nói, muốn làm sao thì làm vậy. Đó là lý do mà nhà thơ Tản Đà đã từng nói:
- Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
Uống rượu mà phải có nghệ thuật uống chớ không phải nói uống là cầm ly lên là uống. Và bên cạnh chúng ta cũng còn nghe:
- Rượu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu
Nghĩa là:
- Uống rượu mà gặp tri kỷ dầu cho đã uống cả ngàn chén cũng là ít.
Được coi là tri kỷ là tâm ý phải tương thông, tuy hai nhưng tâm ý là một, thật sự cả hai đều có mặt cho nhau. Do vậy mà dù uống bao nhiêu chén đi nữa cũng vẫn thấy không đủ. Những cái gì được coi là bình thường nhất, những sự vật trong cuộc sống hằng ngày mọi thứ đều là một nghệ thuật. Nếu chúng ta biết dừng lại để quay trở về với chính mình, chúng ta sẽ tiếp xúc với những nhiệm mầu trong đời sống hiện tại. Chúng ta thực tập chánh niệm là để có thể nhìn sâu vào lòng mọi sự vật trong đời sống hàng ngày, lúc uống trà, lúc đi thiền hành, thiền tọa, hay cắm hoa. Nếu dừng lại để quay trở về với chính mình, chúng ta sẽ tiếp xúc dễ dàng với những gì được coi là mầu nhiệm của đời sống trong giây phút hiện tại.
Để nuôi dưỡng nếp sống đạo vị an lạc này, chúng ta cũng cần có một nơi trú ẩn tạm thời trong nếp sống hiện thực. Theo ý một số chư tôn đức bảo rằng, trong nhà chúng ta đã có đủ các thứ phòng: Phòng ăn, phòng ngủ, phòng khách, nhưng chúng ta không có phòng nào để thực tập chánh niệm. Vì vậy một số tôn đức cũng đã từng khuyến khích chúng ta nên dành một phòng nhỏ để thực tập chánh niệm tức là làm nơi an trú. Nơi đó, những khi gặp chuyện khó khăn, chúng ta có thể vào để được ngồi một mình để thực tập, vừa mỉm cười vừa thở. Căn phòng đó phải được xem như là cảnh Tịnh Độ trong nhân gian mà những người hay giận dữ, la ó không được quyền xâm phạm.  
Như vậy trong cuộc sống hiện tại này, nhà nào cũng cần có một căn phòng tịnh tâm, nơi đó làm nơi trú ẩn, chúng tôi tin tưởng rằng gia đình đó sẽ rất hạnh phúc. Bởi vì khi một thành viên nào đó trong gia đình cảm thấy mình sắp sửa bị la rầy, tốt nhất là đừng cãi lại, người đó có thể vào tạm trú trong căn phòng đó. Người sắp la chúng ta không thể nào la được vì chúng ta được bảo vệ an toàn trong cõi Tịnh Độ ấy, và tâm tư của chúng ta thoải mái vì tránh được một cuộc đụng độ không cần thiết sắp diễn ra. Ở nơi đó chúng ta chỉ cần ngồi, cần tịnh tâm thôi, những người sắp la mình cũng phải có một hứa hẹn không được vi phạm. Một khi mà người kia đã đi tỵ nạn trong cảnh Tịnh Độ Nhân Gian, thì không được quyền lấn vào, tại vì lấn vào la ó lộn xộn trong đó thì cảnh Tịnh Độ Nhân Gian đó sẽ không còn thanh tịnh nữa. Ngay cả những bậc làm cha mẹ đôi khi cũng cần an trú trong căn phòng nhỏ ấy, để có thể khôi phục lại con người thật của mình bằng nụ cười và thực tập lắng nghe. Lắng nghe mà chúng tôi muốn nói đây không phải lắng nghe người kia nói mà là lắng nghe trong tâm tư của chính mình. Trầm lắng lại coi bản thân cần cái gì, với những sự kiện nó sắp xảy ra như vậy trong tâm tư của chúng ta muốn gì, và phản ứng như thế nào. Chúng ta phải thực tập lắng nghe tận sâu thẳm của chính mình chứ không phải lắng nghe người khác nói. Bởi vì nếu lắng nghe người khác thì trong chúng ta không ai thấy mình có lỗi, vì trong mỗi người ai cũng có rất nhiều lý do để lên án người này, người nọ chứ không thấy được chính mình. Cho nên cách hay nhất là chúng ta phải thực tập lắng nghe chính mình, để rồi tự bản thân tìm con đường hóa giải mà không cần đòi hỏi người khác phải hòa với chúng ta. Chúng ta phải hòa, và phải giải thì mọi việc đều yên. Cho nên căn phòng gọi là phòng an trú hay phòng chánh niệm có thể mang lại nhiều lợi lạc cho mọi người trong gia đình. Chúng ta có thể trang hoàng phòng chánh niệm hay cảnh Tịnh Độ Nhân Gian cho thật giản dị, nhất là đừng sáng quá. Trong phòng có một cái chuông nhỏ tiếng thật trong, nếu được cũng cần có một tượng Phật nhỏ và đẹp. Nhìn tượng Phật thấy sáng suốt rạng rỡ là thấy vui. Cần có một vài cái ghế hay nệm ngồi thiền, một bình hoa để nhắc nhở cho mọi người phải trở về cái bản lai diện mục của chính chúng ta. Tự tay hay con cái chúng ta có thể cắm bình hoa đó trong chánh niệm và với nụ cười. Khi nào chúng ta cảm thấy trong người bần thần, khó chịu, thì biết rằng chúng ta nên vào trong căn phòng ấy để tịnh tâm. Khi vào phòng tịnh tâm, mở nhẹ cánh cửa, ngồi xuống, thỉnh tiếng chuông và ngồi tĩnh tọa ... chịu khó lắng nghe. Tiếng chuông không những chỉ giúp cho người đang ngồi trong phòng thở với nhịp thở an hòa, mà là cả những người khác ở trong nhà cũng phải chia sẻ bầu không khí nghiêm tịnh đó.
Có thể trước đây chúng ta chưa biết đạo giải thoát, nhưng từ khi biết tu tập, nhất là từ khi học được cách tịnh tâm, mỗi khi có vấn đề, chúng ta biết tốt nhứt là nên đi vào phòng an trú chánh niệm, ngồi xuống và thực tập. Điều đó tuyệt diệu lắm nhưng ít ai chịu làm. Có những gia đình được coi là phật tử thuần thành, dám chi tiền để làm cây giáng sinh thật đắc cho mọi người khen chơi, nhưng mà căn phòng tịnh tâm nhỏ đó lại không làm được. Là người Phật Tử chúng ta nên thấy sự cần thiết của căn phòng nhỏ đó. Bởi vì không lúc nào trong tâm tư chúng ta cũng an bình, mà là có những lúc vui, có những lúc cũng buồn ... Điều mà chư tôn đức thường dạy phải giữ tâm bình thường, không giận, không vui, không gì cả, cứ tự nhiên như vậy thoải mái an lành. Muốn được như vậy là chúng ta phải thực tập. Khi chúng ta biết thực tập như vậy, thì chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy có những trạng thái tâm sẽ trở nên dịu dàng thoáng qua trái tim và chúng ta cảm thấy lòng êm ả lại. Như vậy nếu trong một lúc nào đó trong tâm tư của chúng ta khó chịu, hay là đầu óc của chúng ta căng thẳng, đừng thèm nghĩ gì cả, chỉ cần ngồi, ngồi trong phòng tịnh tâm cho tâm tư lắng đọng lại.
Từ khuynh hướng này, khi chứng kiến những cảnh cãi vã, và biết rằng giông tố sắp nổi lên. Ai cãi vả thì giông tố cũng nổi lên, nhưng nếu chính bản thân chúng ta cãi vả thì lại càng thấy nguy hiểm vì nó sắp xảy ra những điều không tốt cho tánh mạng của mình, chúng ta có thể rút vào phòng, đóng cửa lại, im lặng và thực tập. Đừng nghĩ rằng cách rút vô phòng đóng cửa lại là chúng ta sợ, mất đi nhuệ khí, mất đi oai phong. Có nhiều khi chúng ta nghĩ làm như vậy thì chồng hoặc vợ sẽ khinh là hèn nhát sợ sệt, nhu nhược. Thực ra nếu mà có phải sợ vợ hay là sợ chồng mà để yên ổn trong nhà thì cũng ráng mà sợ một chút cũng chẳng sao. Vấn đề rút vô phòng đóng cửa lại thực tập để cho tâm tư của mình không bị dao động là một hành động tích cực, và vấn đề thực tập sự dừng lại đó không phải là điều xấu, cũng không có vấn đề gọi là mất mặt, mà đó là một hình ảnh thật đẹp. Không có một hình ảnh nào đẹp bằng hình ảnh của một gia đình đang có những cuộc tranh cãi tưởng chừng như khó yên ấm, nhưng lại có thể lắng yên, cùng chung xum họp trở lại trong phòng để cùng nhau thực tập chánh niệm.
Khung cảnh hòa hợp hạnh phúc là một trong những hình ảnh đẹp và sống động nhất của sinh hoạt con người. Chúng tôi biết có nhiều gia đình có con cái sau khi ăn sáng xong, vào phòng chánh niệm, ngồi tĩnh tọa năm ba phút trước khi đi học. Con của chúng ta có thể thực tập chừng năm ba phút cũng đủ. Bắt đầu một ngày bằng cách thở và mỉm cười để nuôi dưỡng chánh niệm thì còn gì tuyệt vời hơn. Nếu có lúc quý vị cứ nghĩ là phải cho con mình trân châu vàng bạc, cái gì quý báu mới gọi là cho con. Đúng là cha mẹ thương con thì chúng ta cho bất cứ món quà gì cũng được, nghĩa là trong khả năng và phạm vi của mình điều đó không có gì phải nói cả. Nhưng mà cũng phải coi chừng, nếu cho con tiêu tiền hoang phí một cách vô độ, thì nó sẽ dẫn con chúng ta đi vào con đường trụy lạc nguy hiểm. Cho tiền bạc như vậy đối với quan niệm cá nhân, chúng tôi thấy không nên. Cho con chúng ta bằng cách thực tập ngồi tịnh tâm trước bàn Phật trước khi làm một việc gì, nhất là những giây phút bắt đầu cho một ngày mới là tài sản quý giá nhất.
Để có thể luôn luôn duy trì được nụ cười, chứng tỏ rằng chánh niệm còn có mặt, cả gia đình đều được hưởng lợi lạc, và hạnh phúc sau những giờ làm việc mệt mỏi, chúng tôi nghĩ rằng mỗi gia đình nên có một phòng chánh niệm để thực tập những phương pháp đơn giản như tĩnh tọa điều tức, điều đó rất quan trọng. Nếu không có phòng thực tập chánh niệm cho đúng nghĩa thì bàn Phật cũng được, nhưng mà nếu một người nào đó ngồi tịnh tâm trước bàn Phật thì chúng ta đừng có quấy rầy, mặc dầu muốn la rầy người đó nhưng mà cũng phải tránh tại vì có Phật ở đó.
Nghệ thuật dừng lại nó không giới hạn trong một phạm vi nào cả mà là trong các khía cạnh trong cuộc sống, mà qua đó chúng ta đã cùng nhau đi thiền hành, học thở và mỉm cười suốt ngày dù là ở nhà hay ở sở làm. Chúng ta cũng đã thảo luận về việc ăn cơm có chánh niệm, rửa chén, lái xe, trả lời điện thoại và cắt cỏ thổi lá ... Dù là việc gì, chúng ta cũng làm trong chánh niệm, đó là nền tảng của nghệ thuật dừng lại, và cũng là một đời sống hạnh phúc. Đừng đòi hỏi là mình phải làm một cái gì đó cho nó cao siêu. Có người hỏi:
- Đối với những xúc cảm mạnh như là giận, buồn, hối hận hay tuyệt vọng thì chúng ta phải đối phó như thế nào?
Trong nhiều năm qua, chư tôn đức cũng đã từng hướng dẫn một số những phương pháp để chuyển hoá và trị liệu những loại tâm sở như:
- Giận, buồn, hối hận ...
Và nơi đó các Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy tất cả những cảm xúc dù nặng hay nhẹ cũng đều cùng chung một loại cảm thọ, trong đó mỗi một cảm thọ là một yếu tố, yếu tố này nương vào yếu tố kia để tạo ra một chuỗi cảm thọ phức tạp. Chúng ta có thể ngồi tĩnh tâm để quan sát và nhận diện từng cảm thọ một khi chúng xuất hiện, rồi biến mất. Có ba loại cảm thọ:
- Cảm thọ dễ chịu,
- Cảm thọ khó chịu,
- Và cảm thọ không khó chịu mà cũng không dễ chịu.
Khi có một cảm thọ khó chịu, chúng ta có khuynh hướng muốn xua đuổi nó. Tuy nhiên tốt hơn hết chúng ta đừng nên xua đuổi và nên trở về với hơi thở chánh niệm và quan sát một cách lặng lẽ để thấy rõ nó hơn. Có như vậy chúng ta mới gọi đúng tên, bản chất và nguyên do của một cảm thọ, như:
- Giận, buồn, vui, hay hạnh phúc ...
Giúp chúng ta nhận diện nó một cách rõ ràng và sâu sắc. Chúng ta có thể dùng hơi thở để tiếp xúc với những cảm thọ và chấp nhận sự hiện diện của các loại cảm thọ. Nếu hơi thở nhẹ nhàng, êm ái là kết quả của sự thực tập hơi thở ý thức, thân tâm nhờ đó cũng trở nên nhẹ nhàng, trong sáng, tĩnh lặng. Ngược lại, nếu hơi thở của chúng ta không đều hòa, thân thể nặng nề thì biết là chúng ta đang thất niệm. Đó là lý do lý giải tại sao nhiều khi chuyện đâu không ra đâu cả mà nó làm cho chúng ta đầu óc nặng trĩu, khó chịu, tâm tư rối bời. Do vậy chúng ta phải biết quan sát, và nhận diện những cảm thọ với tâm không phân biệt:
- Chúng ta biết là cảm thọ không phải ở từ bên ngoài, mà cảm thọ chính là chúng ta, chúng ta chính là cảm thọ.
Do vậy chúng ta không để cảm thọ làm chìm đắm hay hốt hoảng, mà cũng không hất hủi nó. Không hất hủi hay bám víu là thái độ buông xả của người thực tập giáo pháp giải thoát, đó là cách mà chúng ta cần phải làm. Chúng ta phải biết săn sóc một cách nhẹ nhàng và ưu ái những cảm thọ khó chịu, thì chúng ta có thể chuyển hóa chúng thành những năng lượng lành mạnh, có khả năng nuôi dưỡng chúng ta. Chẳng hạn như chúng ta đang rinh một khối đá, nếu là một người có thể rinh không nổi hoặc nổi nhưng rất khó khăn, nhưng nếu hai người hoặc nhiều hơn nữa thì khiêng rất là nhẹ. Bằng phương pháp quan sát và nhận diện, chúng ta có thể được soi sáng bởi những cảm thọ khó chịu, chúng sẽ giúp chúng ta hiểu nhiều về chính chúng ta và về xã hội nơi mà chúng ta đang sống. Bằng phương pháp săn sóc và ưu ái những cảm thọ trong chúng ta, sẽ giúp chúng ta chuyển hóa chúng thành những năng lượng cần thiết. Điều này khác hẳn với ngành y học Âu Tây, vì quá chú trọng về khoa giải phẫu, cho nên bác sĩ luôn luôn chủ trương cắt bỏ những gì họ cho là không còn dùng được nữa, vì thế khi có một cái gì không ổn trong thân thể, họ thường khuyên chúng ta nên cắt bỏ. Trong ngành tâm lý trị liệu cũng vậy, những nhà trị liệu tâm lý cũng muốn chúng ta vứt bỏ những gì không thích và chỉ giữ lại những gì chúng ta ưa thích. Cái mà chúng ta có thể giữ được thường thường thì chẳng có là bao, cho nên nếu cần vứt bỏ cái gì chúng ta không thích, thì chúng ta phải vứt bỏ phần lớn con người của chúng ta. Trong khi đó theo tinh thần Phật Giáo, do sự biết săn sóc các cảm thọ, cho nên chúng ta không loại bỏ bất cứ một loại cảm thọ nào. Thay vì cắt xén, chúng ta học cách chuyển hóa. Ví dụ, ta chuyển hóa cái giận, làm cho cái giận trở thành một cái gì lành mạnh, như sự hiểu biết. Chúng ta không cần đến khoa giải phẫu để cắt bỏ cái giận của chúng ta. Nếu giận thì cái giận đó là của chúng ta, và vì chúng ta không thể có sự hoan hỷ và cái giận cùng một lúc, cho nên thay vì chúng ta cắt xén cái giận thì chúng ta chỉ cần quan sát nó một cách chăm chú và từ hòa là chúng ta có thể chuyển cái giận thành niềm vui, và hoan hỷ ngay. Bằng cách này tâm lý giận hờn sẽ được chuyển hóa và chúng ta không cần phải chạy trốn nó. Đây là một nghệ thuật dừng lại hết sức đẹp, với nghệ thuật này chúng ta sẽ làm hòa rất dễ dàng với cái giận. Với buồn lo, chán nản, sợ hãi hay với bất cứ trạng thái khó chịu nào cũng vậy. Cho nên nghệ thuật dừng lại rất quan trọng với chúng ta. Nghệ thuật chuyển hóa hay dừng lại có hai bước:
1-   Nhận Diện:
Việc trước tiên là biết nhận diện một cảm thọ khi mới xuất hiện. Muốn vậy thì phải có chánh niệm. Khi có một nỗi sợ hãi chẳng hạn, chúng ta phải trở về với chánh niệm để nhìn rõ nó và nhận diện đó là một nổi sợ hãi. Chúng ta đã biết là sự sợ hãi phát xuất từ tâm thức thì chánh niệm cũng vậy, cũng phát xuất từ tâm thức, và đều cũng từ chúng ta mà ra, cho nên chúng ta không những không đánh nhau mà còn phải chăm sóc cho nhau.  
Khi chánh niệm có mặt, chánh niệm sẽ trông chừng sự sợ hãi. Điều căn bản là phải nuôi dưỡng chánh niệm bằng hơi thở ý thức, luôn luôn giữ gìn chánh niệm cho mạnh mẽ. Lúc đầu, chánh niệm của chúng ta có thể yếu, nhưng nếu chúng ta biết nuôi dưỡng, nó sẽ trở thành mạnh. Bao lâu chánh niệm còn có mặt, thì chúng ta sẽ không bị chết chìm trong sự sợ hãi. Thực vậy, ngay khi chúng ta nhận diện được sự có mặt của sợ hãi là nó đã bắt đầu chuyển hóa.
Nhờ có chánh niệm trông chừng nỗi sợ hãi, cho nên chúng ta thấy lòng dịu lại, và chánh niệm của chúng ta, phát xuất từ nơi sâu thẳm của tâm thức sẽ chăm sóc cho nỗi sợ hãi của chúng ta. Cho nên đừng trốn tránh những cảm xúc của mình. Nhờ sự trầm tĩnh, dù giữa cơn sợ hãi, chúng ta vẫn cảm thấy dễ chịu, bởi vì chúng ta biết rằng nỗi sợ hãi sẽ không lớn hơn thêm và sẽ không đến nỗi làm hốt hoảng. Khi biết rằng chúng ta đủ khả năng chăm sóc nỗi sợ hãi của mình, là chúng ta đã giảm thiểu nỗi sợ đến mức tối thiểu, nó đã trở nên không khó chịu lắm.ÕSự làm dịu và sự buông bỏ chỉ mới đối trị được những triệu chứng.ÕBây giờ là cơ hội để chúng ta đi sâu hơn và làm chuyển hoá cội nguồn của cơn sợ hãi, để thấy rõ nguyên nhân nào đã tạo ra sự bất an và sợ hãi trong chúng ta, dù nỗi sợ hãi đã tan biến.
Chúng ta phải tập nhìn sâu tận gốc rễ mới có thể khám phá những nguyên nhân nội tại hay ngoại tại. Biết được nguyên do rồi, chúng ta có thể chăm sóc cho chính mình, thì chúng ta sẽ tươi tỉnh ngay. Cũng vậy, nhìn sâu vào nỗi sợ hãi, mới có thể thấy rõ chúng ta cần làm gì, và không cần làm gì để chuyển hóa tận gốc rễ của nỗi sợ hãi. Lúc đó ta mới có an lạc thật sự.
Nhà tâm lý trị liệu cũng theo tiến trình này để chữa trị bệnh nhân. Ông ta mời bệnh nhân nhìn sâu vào bản chất của cơn đau. Thông thường người bệnh đau khổ là do cách nhìn của họ đối với sự vật và do những tri kiến sai lầm sẵn có của họ. Cho nên nhà tâm lý trị liệu mời người bệnh cùng ông mổ xẻ những cái nhìn này và dần dần giúp họ tháo gỡ được cái nhà tù mà họ tự giam vào. Nhưng điều quan trọng vẫn là sự nỗ lực của chính người bệnh. Nhà tâm lý chỉ là người khai mở cho bệnh nhân thấy chính họ là người chữa trị. Có như vậy người bệnh mới biết tự mình chữa trị ngày đêm và kết quả mới xảy đến nhanh chóng được. Cho nên nhà tâm lý trị liệu không gieo thêm những tín điều cho bệnh nhân. Ông chỉ giúp họ nhận diện được những nguyên nhân đưa tới sự đau khổ của họ, thông thường là do những tri giác sai lầm của họ. Cũng vậy, dưới ánh sáng chánh niệm, chúng ta có thể chuyển hóa những cảm thọ không mấy khó khăn. Một khi chúng ta thấy được gốc rễ của những cảm thọ, tự chúng sẽ bắt đầu chuyển hóa.  
Một trong các cảm thọ chúng ta thấy giận là một cảm thọ khó chịu nhất. Nó như một ngọn lửa cháy phừng phựt trong lòng và làm tiêu hao cả sự tự chủ của chúng ta. Nó khiến chúng ta nói và làm những điều mà sau này có thể sẽ hối tiếc. Khi một người nổi giận, chúng ta thấy rõ ràng là người ấy đang ở trong hỏa ngục, do sân hận tạo ra. Khi giận, chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ nhiều về người làm ta giận, hơn là trở về để quan sát chính mình. Chúng ta chỉ nghĩ đến những cái đáng ghét nơi người ấy, sự cộc cằn, sự thiếu chân thật, sự tàn bạo, sự ranh mãnh..v..v... Càng nghĩ đến người ấy, càng nhìn thấy người ấy, càng nghe người ấy nói, thì lửa giận trong chúng ta cháy phừng lên.
Thật sự có thể người kia có nhiều cái đáng ghét thật, cũng có thể do ta tưởng tượng và phóng đại lên, nhưng cái chính yếu làm cho chúng ta đau khổ vẫn là cơn giận của chính bản thân. Cho nên điều trước tiên là chúng ta quay trở về với chính mình để thấy cơn giận. Và tốt nhất là đừng nhìn, đừng nghe người mà chúng ta cho là nguyên nhân của cơn giận. Tuyệt đối đừng nghĩ gì về người kia, và nhất là đừng làm, đừng nói gì hết trong khi đang giận. Nếu để hết tâm ý quan sát cơn giận, chúng ta sẽ tránh được nhiều lầm lỗi mà sau này ta có thể hối tiếc.  
Nên nhớ, khi giận thì chúng ta chính là cơn giận. Nếu chúng ta đàn áp hay xua đuổi nó, tức là chúng ta đàn áp và xua đuổi chính chúng ta. Tương tự như vậy, khi vui thì chúng ta là niềm vui... Do đó, khi cơn giận xuất hiện, chúng ta nên nhớ rằng giận là một nguồn năng lực có công năng phá hoại, mà chúng ta có thể chuyển hóa thành một nguồn năng lực khác có lợi hơn. Tương tự như nguyên tắc của một người làm vườn, khi nhìn vào một thùng rác đang bốc mùi, chúng ta biết rằng nó có thể biến thành phân đất và những bông hoa thơm. Lúc đầu, chúng ta thấy rác và hoa là hai thực thể chống trái nhau, nhưng khi nhìn kỹ và sâu, chúng ta thấy hoa đã có sẵn trong rác và rác đã có sẵn trong hoa. Chỉ cần một hai tuần là hoa sẽ biến thành rác, và chỉ cần một thời gian thì rác cũng sẽ trở thành hoa.
Là một người làm vườn giỏi, nhìn vào rác là đã thấy ngay điều đó, cho nên chúng ta không cảm thấy buồn chán hay ghê tởm rác, trái lại còn thấy được giá trị của rác. Chỉ cần một vài tháng là rác sẽ biến thành hoa, vì thế chúng ta hãy tập làm người làm vườn giỏi. Được như thế khi chúng ta nhìn vào cơn giận sẽ không còn thấy sợ hãi và muốn xua đuổi nó nữa. Nếu có lúc rác có thể biến thành hoa, thì cái giận cũng như rác có thể biến thành một cái gì khác đẹp hơn. Chúng ta cần nó như nhà làm vườn cần phân. Khi biết chấp nhận nó, chúng ta đã bắt đầu có chút nào an lạc rồi. Từ đó chúng ta dần dần chuyển hóa nó thành năng lượng của sự hiểu biết và thương yêu.
Thực tập nghệ thuật dừng lại chúng ta sẽ có cơ hội hiểu biết đây không phải là điều tốt mỗi khi cơn giận xuất hiện. Khi để cho cơn giận biểu hiện và duy trì là chúng ta càng làm cho hạt giống giận mạnh hơn trong tiềm thức chúng ta. Khi để biểu hiện sự giận dữ cho chính mình đã là việc không nên, nhưng nếu biểu lộ sự giận dữ với người làm cho chúng ta giận lại càng không nên, vì đó là nguyên nhân có thể gây nhiều đổ vỡ.
Nói tóm lại, hiểu rằng những lúc giận dữ hay trạng thái tâm ganh tỵ, tật đố... không phải là những hành vi của những con người tốt, thì chúng ta phải nên lập tức dừng lại để cho những hạt giống xấu không có cơ hội phát sinh. Trong lúc mới sơ cơ thực tập, chúng ta có thể lựa chọn cách đập gối để trút cái giận ra ngoài. Phương pháp này, chúng ta có thể vào phòng đóng kín cửa lại và trút tất cả cơn giận dữ bằng cách đập túi bụi vào gối. Sau khi đập gối một lúc thì chúng ta mệt đừ và cảm thấy đỡ tức tối hơn. Nhưng thật ra căn nguyên cái giận vẫn còn nằm y nguyên chứ chưa thay đổi. Có thể sau khi ăn uống no nê, sức lực trở lại bình thường, và lúc đó nếu có ai tưới tẩm hạt giống giận, cơn giận sẽ bộc phát lại ngay, và chúng ta lại phải đi tìm cái gối để đập cho đỡ khổ. Cách thực tập dừng lại này chỉ giải quyết tạm thời, cho đỡ giận chỉ làm ta nguôi ngoai trong chốc lát, chứ không làm cho chúng ta hết giận thật sự. Do vậy, bước kế tiếp chúng ta phải nhìn sâu vào cơn giận, tìm hiểu cho tận gốc rễ, nếu không hạt giống của cái giận sẽ mọc trở lại rất nhanh.
Bước cuối cùng cũng là cách thực tập lâu dài, chúng ta phải hiểu và lưu ý trong đời sống hằng ngày, nếu chúng ta chuyên tâm gieo trồng cho thật nhiều hạt giống tốt lành, thì những hạt giống này sẽ chăm sóc cho hạt giống giận, ganh tỵ ... và dần dần chuyển hóa nó mà chúng ta không cần phải cố gắng nhiều. Để trợ duyên tích cực trong bước cuối cùng này, yếu tố chánh niệm rất là cần thiết. Quả thật chánh niệm giống như mặt trời rọi ánh sáng lên mọi thứ. Mặt trời có vẻ không làm gì nhiều, thế mà khi cây cối được ánh sáng mặt trời chiếu soi là chuyển đổi không ngừng. Hoa phù dung thường khép cánh lại khi trời sụp tối, thế mà chỉ cần có ánh mặt trời chiếu xuyên qua nó trong vài giờ là nó lại hé mở không cưỡng lại được. Chánh niệm của ta cũng vậy, nếu được nuôi dưỡng thường xuyên, sẽ soi thấu vào lòng cái giận, và các trạng thái tâm không lương thiện khiến nó phải mở tung ra để chúng ta thấy rõ bản chất của nó. Khi chúng ta thấy rõ được bộ mặt thật của cái giận, và tất cả các trạng thái tâm không lương thiện thì chúng ta sẽ không còn bị nó khống chế nữa, là chúng ta sẽ được giải thoát. Đó là nghệ thuật dừng lại hết sức tuyệt vời.
--o0o--