TẬP SAN DƯỢC SƯ

Pháp Thanh Lọc Thân Tâm
Tâm Như
---o0o---
 
          Cơ thể của chúng ta cũng giống như bình chứa đựng đủ các loại, bổ dưỡng cũng có, mà độc tố cũng có. Tâm của chúng ta cũng như thế, những điều thấy, nghe trong cuộc sống, giúp ích cũng có, mà tàn phá cuộc sống tâm linh của chúng ta cũng có. Những yếu tố, nguyên nhân tàn phá của thân và tâm thông thường thì chúng ta gọi là bệnh.
          Bệnh cũng có nghĩa là phiền muộn, trần lao. Theo Trí Huệ Luận nói, bệnh có hai thứ:
          1- Do ác nghiệp đời trước nên bây giờ chúng ta phải thọ nhận.
          2- Do thời tiết nóng, lạnh, gió của hiện tại mà cảm nên.
Tật bệnh là một trong bốn khổ, hoặc tám khổ. Nếu là bốn khổ thì tính là:
- Sanh
- Già
- Bệnh
- Chết.
Nếu là tám khổ thì:
- Sanh
- Già
- Bệnh
- Chết.
- Thương mà không được gần nhau là khổ
- Ghét mà thường gặp nhau là khổ
- Tham cầu mà không được là khổ
- Thân năm ấm mà không thuận hợp là khổ.
          Bệnh khởi ra có năm nguyên nhân:
          1- Ðất, nước, gió, lửa không điều hoà,
          2- Ăn uống không dè dặt,
          3- Phiền muộn,
          4- Quỷ thần quở trách
          5- Nghiệp báo từ trước.
          Bệnh thì có rất nhiều, nhưng tựu trung có hai thứ: Tâm bệnh và thân bệnh. Số người mang tâm bệnh nhiều hơn số mang thân bệnh. Trong tất cả năm nguyên nhân sanh ra bệnh, chúng ta thấy:
- Ðất, nước, gió, lửa không điều hoà,
          - Ăn uống không dè dặt,
          Hai nguyên nhân nầy tạo thành thân bệnh. Ba nguyên nhân còn lại là:
          - Phiền muộn,
          - Quỷ thần quở trách
          - Nghiệp báo từ trước.
          Ba loại nầy tạo thành tâm bệnh. Theo tinh thần Phật Giáo thì bệnh do nghiệp là đáng lưu ý hơn hết. Bởi vì nghiệp ảnh hưởng đến tất cả những tạo tác và suy tư của chúng ta. Vì thế lâu lâu nếu là thân thì cũng nên thanh lọc cho nó thải cặn bả độc tố ra ngoài. Nếu là tâm thì chúng ta cũng nên thanh lọc tư tưởng để cho tâm thức nhẹ nhàng thoải mái.
Về thân bệnh thì chúng ta thanh lọc, chữa trị bằng thuốc của thân bệnh. Ðối với những người vướng các phiền não, tức là vướng các tâm bệnh. Về phương diện tâm linh thì Phật và Bồ Tát là bực thầy thuốc giỏi, và giáo của các Ngài là linh dược chuyên trị những chứng bệnh như thế.
Bệnh khổ là nguyên nhân khiến cho thái tử Tất Ðạt Ða tỉnh ngộ mà đi tu. Nhơn một buổi sáng kia đi du ngoạn ra cửa thành Nam, Thái Tử trong thấy một người bệnh, mặt xanh xao, hình ghê gớm, mặt mày phù thủng, hơi thở mệt nhọc, vừa đi vừa té, rên la khổ sở. Thái Tử nghĩ trong thế gian ai nấy đều không thoát khỏi bệnh tật, ngài vì đó mà cảm động, xót thương, quyết tìm cách độ cho người ta thoát khỏi cảnh bệnh khổ.
          Sau khi thành đạo Ngài đi hoằng hoá lợi sanh, Ngài truyền đạt chân lý cho mọi người tu tập. tất cả các phương pháp tu tập và yếu tố giác ngộ đều đem lại lợi ích kỳ diệu. Một khi các yếu tố nầy được mọi người tu tập phát triển đầy đủ sẽ có năng lực chấm dứt khổ đau.
Ðức Phật đã thường xuyên nhắc nhở như thế. Ðiều nầy có nghĩa, là cái vòng lẩn quẩn sanh tử, tử sanh tạo bởi danh sắc sẽ hoàn toàn dừng nghỉ khi các yếu tố giác ngộ phát triển đầy đủ. Các yếu tố giác ngộ có khả năng chấm dứt luân hồi khổ đau. Ðức Phật và những vị đã giác ngộ, đã phát triển đầy khả năng tự giác, giác tha nên đã thoát khỏi khổ đau trong vòng tam giới:
          - Dục Giới,
- Sắc Giới, và
- Vô Sắc Giới.
          Có người thắc mắc rằng sẽ đi đâu nếu chúng ta ra khỏi Tam Giới nầy? Thật sự nếu một người không có một quá trình tu tập, còn lẫn quẩn trong vòng ba giới thì khó mà xác định là chúng ta sẽ đi đâu. Bởi vì theo nghiệp ác, rất có thể chúng ta sẽ bị đọa vào:
- Ðịa ngục
- Ngã quỷ
- Súc sanh.
Nghĩa là trong ba cảnh giới khổ nầy chúng ta không biết sẽ được cảnh giới nào. Nhưng đối với những người đã có quá trình tu tập, thì chúng ta sẽ biết chúng ta sẽ đi đâu. Nên câu trả lời là:
- Sau khi từ bỏ xác thân huyển mộng, chúng ta tùy theo tâm nguyện:
 - Có thể trở lại cảnh giới cỏi người
 - Sanh lên cỏi trời
 - Sanh về cảnh giới Tây Phương Cực Lạc.
 Như một khi đã nói, ra khỏi Tam Giới thì chúng ta sẽ đến nơi đó là Niết Bàn, thoát khỏi mọi hình thức tái sinh, vì Niết Bàn là sự chấm dứt sanh và tử. Bởi vì từ sanh chúng ta có đời sống, rồi già, bịnh và cuối cùng là chết. Sinh, già, bệnh, chết đó là bốn trong tám cảnh khổ. Thoát khỏi mọi khổ đau tức là thoát khỏi sanh. Mà không có sanh thì sẽ không có già đau chết. Như vậy. Niết Bàn là thoát khỏi sanh và tử.
          Các yếu tố giác ngộ sẳn có, nếu được chúng ta phát triển trọn vẹn sẽ dẫn chúng ta đến Niết Bàn. Bởi thế, phương pháp tu tập là phương tiện duy nhất tạo sức mạnh cho tâm chịu đựng được mọi thăng trầm vinh nhục, của cuộc sống. Thêm vào đó, Thức tỉnh tu tập đạo giác ngộ là trực tiếp tự chính mình chửa trị cả thân bịnh và tâm bệnh nữa. Ngày nay khoa học đã chứng minh nhiều người nhờ thực hành giáo pháp của Phật mà được lành bệnh ngay cả những bệnh không thể chửa. Bởi vì tu tập hoặc thực tập đạo giải thoát là phương thức hữu hiệu để thanh lọc cơ thể và tâm hồn. Cơ thể và tâm hồn có được thanh lọc thì chắc chắc chúng ta sẽ có một tinh thần khỏe trong một cơ thể lành mạnh.
          a- Thanh Lọc Tâm Hồn
          Tâm bệnh là những bệnh tham lam, sân hận, si mê, hoài nghi đố kỵ, ngã mạn bỏn xẻn, ... Khi bị mắc chứng bệnh nầy thì tâm bị mê mờ, u ám, không thanh tịnh, không sáng suốt. Chính tâm bệnh tạo thân bệnh. Thay vì có một tâm hồn hoàn toàn trong sáng, thanh tịnh, chúng ta lại bị đám mây mờ phiền não chi phối, do đó chúng ta trở nên thiếu sáng suốt, buồn rầu bệnh hoạn chẳng khác nào chúng ta hít không khí ô nhiễm.
Tuy nhiên, nếu chúng ta nổ lực thực hành giáo lý giải thoát, tinh tấn chánh niệm, quán sát, đối tượng liên tục từ sát na nầy sang sát na khác, tâm luôn luôn hướng về trên đề mục không bị tán lọan. Tâm định phát triển thì một thời gian sau, tâm sẽ được thanh lọc, khỏi mọi phiền não trên. Lúc Bấy giờ trí tuệ sẽ bắt đầu hiển bày. Khi trí tuệ hiển bày thì tâm sẽ trong sáng thanh khiết trở lại, chẳng khác nào người được hít thở lại không không khí trong lành sau khi thoát khỏi vùng ô nhiễm.
          Từ những niệm niệm liên tục theo dõi quán chiếu các đề mục tinh thần sễ dẫn đến định và huệ. Những trí tuệ mới mẻ liên tục phát triển chẳng khác nào không khí trong lành giúp cho tâm của chúng ta sáng suốt định tỉnh. Tuệ giác thấy được sự sanh diệt của các hiện tượng là tuệ giác đầu tiên do sự thực hành thâm sâu và tốt đẹp đem lại.
Lúc bấy giờ niềm thảnh thơi sẽ bắt đầu ổn định trong tâm chúng ta, và chánh niệm trở nên càng lúc càng sâu hơn. Sự sanh diệt của các đối tượng sẽ được thấy một cách rõ ràng, bản chất thật sự của sự vật hiển bày. Dần dần việc thực hành đạo giải thoát trở nên thâm sâu, thiện xảo và sự thực tập trở nên đều đặn quân bình, từ đó sự thực tập trôi chảy một cách tự nhiên, không cần thúc đẩy. Chúng ta thấy dường như không có ai tạo nên sự luân lưu nầy. Lúc bấy giờ niềm an lạc sẽ phát sanh, nhờ ở sự thấy rõ một cách trực tiếp bản chất thật sự của các tiến trình thân tâm.
Tiếp theo sau niềm an lạc là thanh tịnh, trong sáng trí tuệ, không còn lo âu thắc mắc phiền muộn nghi ngờ. Trong sự an lạc tĩnh lặng nầy chúng ta càng thấy rõ ràng, sâu sắc bản chất của các hiện tượng giới hơn, và chánh định cũng nhờ đó mà thâm sâu hơn. Khi việc hành trì đến mức độ thâm sâu như vậy, thì tâm của chúng ta sẽ thực sự quân bình. Lúc bấy giờ an lạc cũng không làm cho tâm chúng ta giao động. Cũng vậy, mọi cảm giác hay đối tượng không hài lòng cũng không còn ảnh hưởng đến tâm của chúng ta. Ở trong trạng thái nầy không đau khổ hay hạnh phúc nào có thể chi phối đuợc tâm của chúng ta.
          b- Thanh Lọc Cơ Thể
          Khi các yếu tố tỉnh thức, giác ngộ được phát triển thì thân sẽ được thanh lọc.
Thân và tâm có một sự liên hệ khá chắc chẻ và phức tạp. Khi tâm thực sự trong sạch, với một tâm hồn cầu học, một ý chí thực tập, một ý niệm tỉnh thức cao độ, và các yếu tố giác ngộ sung mãn thì sẽ đem lại nhiều hiệu quả lớn lao đối với hệ tuần hoàn trong cơ thể. Khí huyết sẽ thay đổi điều hoà và sẽ trong sạch hơn. Khí huyết nầy thấm nhuần toàn thể cơ thể. Lục phủ ngũ tạng được gội rửa và trở nên trong sạch. Mắt sẽ sáng và trở nên tinh tuờng.
Một số người có thể thấy ánh sáng phát ra từ thân mình. Ánh sáng còn có thể tràn ngập khắp phòng vào ban đêm. Tâm cũng tràn ngập ánh sáng. Ðó là sự trong sạch của đức tin. Ðức tin nầy được gia tăng và cũng cố khiến mọi hoài nghi trước đây bị loại trừ. Tâm trở nên nhẹ nhàng và linh hoạt. Thân cũng khinh khoái, thư thái nhẹ nhỏm và dễ chịu.
Nhiều người cảm thấy mình nhẹ nhàng như lơ lửng trong không gian. Thông thường cơ thể nhẹ nhàng thanh thoát thì chúng ta không còn cảm nhận gì về thân thể nữa. Nhờ thế mà thiền sinh có thể ngồi nhiều giờ mà không cảm thấy đau nhức gì cả.
          Nói tóm lại, vì ý thực được cuộc sống thế gian làm ô nhiễm thân và tâm, cho nên chúng ta phải hết lòng thanh lọc. Do sức mạnh kỳ diệu của lòng nhiệt thành, tỉnh thức, một lòng tu tập, khi các yếu tố giác ngộ nầy phát triển đến độ cao thì có thể chữa trị được nhiều chứng bệnh nan y. Ðây là những chứng minh cụ thể được các nhà nghiên cứu trị liệu xác định như vậy. Một cách khác theo tôn giáo thuần túy mà nói, một con người có tu tập đạo giác ngộ, phát triển tâm từ bi thì đó là những tự chửa cho chính mình không có tật bệnh, mà còn có thể chửa bệnh khổ cho chúng sanh, để thực hành và hoàn thành Bồ tát hạnh. Vì thế trong Kinh Niết Bàn có hai nhân duyên làm cho không sanh ra bệnh khổ:
          1- Thương xót tất cả chúng sanh.
          2- Bố thí thuốc cho người bệnh.
Ðức Phật trong vô lượng kiếp đã từng thực tập hai hạnh ấy trong mỗi đời, mãi cho đến khi thành Phật, Ngài không hề vướng bệnh khổ. Như vậy những ai tu tập đạo giác ngộ là chính mình tự tạo một căn bản trí tuệ chân thật, vững chãi. Trí tuệ chơn thiệt là chiếc ghe chắc chắn chở người qua biển già, bệnh, chết, là ngọn đèn rất tỏ soi tận cùng chỗ vô minh hắc ám, là thang thuốc lành trị hết thảy các thứ bệnh, là cái rìu bén để đốn cây phiền não do thân và tâm gây ra.
--o0o--