VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Con Dao Trong Tâm
Báo Viên Âm
--o0o--
 
Ngày xưa ở thành Xá Vệ nước Ấn Độ, đức Phật đến hóa độ cho một gia đình kia, hai vợ chồng đều có tánh tham lam độc ác, không biết tôn trọng đạo đức. Ngài liền hóa một vị đạo nhân, mang bình bát đến khất thực. Lúc ấy người chồng đi vắng, người vợ ở nhà, thấy vị đạo nhân vào liền mắng chửi ầm lên. Vị đạo nhân hiền từ nói: "Tôi là người tu hành, chỉ xin ăn mà tự sống. Lòng chỉ mong gia chủ cho bát cơm để đỡ lòng, cớ sao lại mắng chửi đôi đủ điều thậm tệ như vậy". Ngưòi vợ tức giận hét ngược lên, thì vừa người chồng về, trong tay sẵn cầm con dao bén, chẳng nói chẳng rằng, người chồng lặng lẽ xông tới, định chém vị đạo sĩ. Bỗng một bức thành bằng pha lê hiện lên, bao bọc người đạo sĩ, bức thành trong sáng, kiên cố, không có cửa, người chồng đến xô đập, đâm chém đủ cách cũng không sao chuyển được. Người chồng liền nói:
"Ông hãy mở mau cho tôi vào với". Vị đạo sĩ trả lời : "Được, nhưng ông hãy quăng con dao bén đi đã". Người chồng tự nghĩ : "Mình to lớn như thế này, còn người đạo sĩ bé nhỏ thế kia, mình dùng hai tay không cũng đủ giết chết vị ấy trong giây lát" nghĩ đoạn, liền quăng con dao bén đi xa, nhưng sao bức thành pha lê vẫn nguyên như cũ, người chồng tức giận hét lên : "Tôi đã quăng con dao bén đi rồi sao ông không chịu mở cửa cho tôi vào’. Vị đạo sĩ đáp: ‘Không, tôi không có nói ông quăng con dao bén trong tay ông, tôi muốn ông quăng con dao bén trong tâm ông kia mà". Người chồng giựt mình kinh sợ, nhận thấy vị đạo sĩ thấu hiểu tâm lý thầm kín của mình, nên đã bớt độc ác, cúi đầu lạy tạ, ăn năn hối lỗi. Bức thành pha lê kiên cố ấy bỗng biến mất, vị đạo sĩ hiện thành Đức Phật, phóng muôn ánh hào quang chói sáng rực rỡ một phương trời, và ngay khi đó Đức Phật thuyết pháp để hóa độ cho hai vợ chồng người ấy.
 
Con Khỉ Nhân Từ
 
Đời xưa, có một con khỉ lớn, sức lực mạnh mẽ, trí não thông minh và lòng nhân từ của nó chưa chắc người đã bì kịp (tiền thân của Đức Phật Thích Ca), nó đi khắp cả rừng này, núi nọ để cứu giúp những kẻ gặp cơn hoạn nạn. Một hôm, đang ngồi ăn trái ở trên cây, nó nghe có tiếng than khóc ở trong cái hang đá đưa ra. Ngạc nhiên nó nhảy đến nhìn xuống hang, thì ra một người bị rơi xuống đáy mà chẳng có đường lên. Nó tìm lối xuống hang rồi nói rằng:  lên. Nó tìm lối xuống hang rồi nói rằng : "Anh kia, anh đừng sợ hãi. Tôi xuống để cứu anh đây. Anh cứ leo lên lưng tôi để tôi cõng anh ra". Người bị nạn trong lòng sợ hãi, nhưng cũng liều trèo lên lưng khỉ. Khi lần mò vịn từng cành cây khớp đá, cố đem hết sức lực mới ra khỏi hang. Cả hai cùng mừng rỡ nhưng vì quá mệt mỏi, phải nằm lăn trên thảm cỏ xanh, dưới một bóng cây to để nghỉ cho lại sức. Gió hiu hiu đưa người và khỉ vào giấc ngủ say. Khi tỉnh dậy, người vừa được cứu thoát nạn nghĩ thầm : "Ta lâu nay đói khát và đường về nhà còn xa xôi, đồ ăn chẳng có, chi bằng trong lúc con khỉ đang ngủ ta lén giết quách, lấy thịt ăn qua ngày". Người ấy liền lấy một hòn đá to ném vào đầu khỉ. Khỉ bị thương máu ra lai láng, liền nhảy lên cây, nhìn xuống, nó biết người kia cố tâm hại mình lòng ngao ngán nhưng không giận hờn. Nó đau đớn nhìn con người ác độc ấy và để rơi từng giọt nước mắt theo từng giọt máu đỏ xuống đám cỏ xanh. Một hồi lâu, nó liền chuyền qua cây khác đi mất. /.
 
Gieo Gió Gặp Bão
 
Hồi ấy, cách đây hơn 2500 năm, người ta tính trên đất Ấn Độ đã có đến 96 học thuyết và giáo phái. tôn giáo nào cũng tự hào lý thuyết mình là đúng, là hay rồi tìm mọi phương cách để bành trướng. Trong số có một phái tôn thờ qủy thần, thủ lãnh là một bà mập mạnh, có giọng nói oanh oanh,lại thêm có tài hùng biện. Nhờ thế mà phái ấy làm chủ được một vùng khá lớn
Hôm nọ, một tin rung động từ xa đưa đến: Thái tử Tất Đạt Đa đã chứng thành đạo quả ở gốc cây Bồ Đề, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Hiện ngài đã bắt đầu đi truyền giáo. Người theo Ngài rất đông. Lý thuyết ngài dạy là hễ gây nhân nào là hưởng quả ấy. Cuộc sống của mọi người đều do bàn tay của họ sáng tạo. Con người không thể là trò chơi của các đấng thần linh. Hay tin ấy, bà thủ lãnh rất đỗi lo sợ. Bà lo vì ảnh hưởng của đức Phật càng lan rộng tất đạo của bà sẽ hết người tôn thờ. Am đền của bà sè trở nên "hương tàn bàn lạnh". Bà sẽ hết đất để sinh nhai. Nhưng lo cũng không khỏi, cái gì tất sẽ đến, tín đồ của bà hướng về đức Phật mồi ngày mỗi đông. Ăn ngủ không yên, bởi dòng suy tưởng chi phối. Bà mong có phương pháp thần hiểu để hạ uy tín đức Phật.
Đêm hôm ất, trằn trọc mãi không ngủ, bà đánh thức các môn đồ dậy lo cho bà ăn thật sớm. Thấy nỗi thắc mắc và lo toan hiện rõ trên nét mặt của bà, các môn đồ hỏi lý do. Bà cho hay là sáng ngày bà sẽ đi sỉ nhục đức Phật. Bà khuyên môn đồ giữ vững đức tin. Bà hứa với họ rằng, bà sẽ cầu xin đấng thần minh ban phước cho bà triệt hạ uy tín đức Phật.
Cơm nước xong, không gian đang mù tỏa ban đêm, bà hăm hở lên đường trong niềm hy vọng. Vài giờ sau, mặt trời vừa xuất hiện, soi sáng trần gian bà đã đến nơi đức Phật thiền định, bà la rầy khiêu khích dùng lời thô tục mắng nhiếc đức Phật. Mặc cho bà quát tháo, đức Phật vẫn ngồi yên lặng. Thật là hai thức cực! Thấy Phật không trả lời, bà nghĩ là Ngài đã thua cuộc và chứng tỏ rằng Ngài quá ương hèn trước áp lực của người khác. Như thế, Ngài là người không đáng cho mọi người kính trọng và tôn thờ. Do đó bà càng làm già hơn nữa. Nhưng lúc mặt trời vừa đứng bóng, bà mệt lả, vì bụng đói, khát nước và rát cổ. Bà ngồi phịch xuống đất và suy gẫm. Sau cùng thua buồn thua kiện, bà đến hỏi đức Phật.
- Ông kia, sao tôi la rầy ông từ sáng đến giờ mà ông không nói gì cả. Thường thường tôi mắng ai, tôi một thì họ mười. Trái lại tôi chưa gặp ai như ông, mặc cho người khác nguyền rủa.
Cơ duyên đã đến, đức Phật xuất định, dịu dàng cất tiếng:
- Ta xin hỏi ngươi một điều này : một hôm nọ, nhà ngươi có giỗ ngươi mang bánh cho hàng xóm, nhưng họ không nhận, thế thì bánh ấy về ai ?
- ! Nghe thiên hạ đồn, ông là bậc giác ngộ, trí tuệ tuyệt vời, song giờ đây nghe ông hỏi, tôi nghĩ buồn cười quá, tôi mang cho hàng xóm, nhưng họ không nhận vậy thì tôi mang về. Tôi giữ lại cho gia đình tôi ăn chứ nó về ai nữa mà hỏi. Ông thật là điên rồ.
Vẫn bình tĩnh, dịu dàng, đức Phật lại nói:
- Ngươi mang bánh cho hàng xóm nhưng họ không lấy thì ngươi mang về, cũng như thế, từ sáng đến giờ ngươi biếu ta không sót một tiếng gì nhưng ta không lãnh, vậy những cái ấy tự trở về với ngươi tất cả. Điều ấy có khác gì kẽ cầm được đi ngược gió, tất sẽ cháy tay, kẽ đứng ngược gió bãi bụi tất sẽ lấm mình, hoặc kẽ ngửa mặt lên không trung mà nhổ nước miếng tất nước miếng đó sẽ rơi vào mặt.
Suy gẫm một hồi, bà ta xác nhận rằng, mình hại người, tội lỗi về sau phải chịu đó là thứ vô hình mình không thể thấy, song hiện tại mình mình quá ư lỗ lã. Xưa nay mình không ăn sán, nay phải mất một bữa cơm, đó là điều lồ thứ nhất. Sáng nay bỏ mất một buổi làm ăn, đó là điều lồ thứ hai. Khát nước, bụng đói, rát cổ nhưng trưa nay về không thể nuốt được cơm nước, đó là điều lồ thứ ba. Với sự mệt mỏi, dầm sương phơi nắng từ khuya đến giờ, thế nào cũng mang bệnh. Nếu bệnh tất phải bỏ làm ăn tốn thuốn men, phiền lụy đến thân thuộc, đó là điều lồ thứ tư. Sau phút suy gẫm bà cảm thấy đức Phật là một bậc có sức mạnh vô song khôn hơn mọi người, bà hết sức khâm phục và trở nên hòa dịu. Bà đến qùy trước đức Phật cầu xin sám hối lỗi lầm, xin quy y làm môn đệ và nguyện sau khi trở về sẽ dẹp thần tượng, hướng dẫn môn đồ trở về con đường chân chánh.
Trên đường về, người đệ tử của đức Phật - bà thủ lãnh của đạo qủy thần miên man nghiêm lời Phật dạy. Để dằn sự hung bạo quen thói của mình, đồng thời để nói lên ý nghĩa của lời Phật dạy, bà ta lặp đi lặp lại: "gieo gió gặt bảo"./.
 
Hoa Vương
 
Ngày xửa, ngày xưa có một Minh Quân cai trị một quốc gia thanh bình trù phú. Mọi việc đều xuôi chèo mát mái, ngoại trừ một điều là dù tuổi đã khá cao, nhà Vua hiền đức của chúng ta vẫn chưa có được Hoàng nam nối dõi. Một bữa tốt trời đức Vua cho yết bảng, truyền lệnh cho vời các đồng tử lên 7 đến 12 vào sân rồng cho Ngài tuyển chọn người kế nghiệp. Các thần dân của đức Vua trong số tuổi ấn định lũ lượt kéo nhau về kinh đăng ký. Bất kể gia tộc sang hèn, nghèo giàu mỗi cậu bé đều được nhận một hạt giống tí tẹo. Các thí sinh phải đem hạt giống về tự tay gieo trồng và chăm bón. Đến bao giờ hạt giống nẩy mầm, nứt lộc, đâm chồi, ra nụ kết hoa thì sẽ mang đến Hoàng cung dự thí. Ngày khảo thí được ấn định vào đêm rằm tháng tám, chậu hoa nào được đức Vua chấm giải nhất thì người gieo trồng đó sẽ được vào cung làm Hoàng tử. Người sẽ kế vị đức Vua sau này. Cái ngày chờ đợi đó đã đến, vườn ngự uyển chất đày các lẳng hoa do thí sinh đem nộp, không chê vào đâu được, vì loài hoa nào cũng rực rỡ ngát hương. Nhưng đức Vua và Hoàng hậu xem chừng vẫn chưa chọn được thứ nào vừa mắt. Cuối cùng một chú bé khoảng 8 tuổi, áo quần rách rưới nhưng mặt mũi dễ thương, xin được vào chầu đức Vua của chú. Mọi người cười ồ khi thấy chú khư khư ôm một cái chậu bằng đất nung chứa đày phân và rác bẩn. Vị thần dân tí hon này quỳ trước bệ rồng, nước mắt chảy quanh, sụt sịt nói : - Muôn tâu, con đã làm hết sức mình, con đã chọn chiếc chậu lành lặn nhất, để vào đó thứ đất mịn nhất, trộn vào đất thứ phân đã hoai và tốt nhất... rồi mới đặt hạt giống của đức Vua ban cho con ào đó.... Con đã phơi sương ủ nắng và tưới nước cho nó.... Vậy mà nó không chịu nứt cái mầm nào cả. Đức Vua nghe xong không dấu được sự xúc động, ôm chầm lấy cậu bé reo : - Ôi ! Con chính là vị Hoàng tử mà ta chờ đợi. Mọi người kinh ngạc lẫn bất bình. Đức Vua vuốt râu mỉm cười giải thích : - Tất cả các hạt giống trao cho thí sinh đều đã được hấp chín.... Nó chỉ có thể nở hoa trung thực mà thôi.... Đưa tay chỉ chiếc chậu đầy đất bẩn của chú bé dân giả, đứcVua tiếp : - Đóa hoa trung thực ấy chỉ đâm chồi nẩy lộc trong mỗi một chiếc chậu này. Con người đã gieo trồng được loại hoa ấy, nhất định sẽ là vị anh quân mà đất nước ta chờ đợi. Đức Vua đã không lầm trong sự lựa chọn ấy./.


Đường Lầy
Thiền Sư Nhật Muju
Có hai nhà sư cùng thong dong bước xuống một con đường lầy. Cơn mưa nặng hạt vẫn còn rơi. Đến khúc đường quẹo, hai người gặp một cô gái xinh xắn trong chiếc áo Kimono và chiếc khăn quàng cổ bằng lụa, đang đứng bên lề đường vì không thể băng qua ngã tư đường lầy được. Lập tức một nhà sư bảo: "Đi nào, cô bé" tức khắc đưa tay nhấc bổng cô gái lên và đưa qua quãng đường lầy.
Nhà sư bạn của anh ta, từ đó không buồn nói một tiếng nào, cho đến khi cả hai dừng lại trong một ngôi chùa. Rồi không còn chịu đựng được nữa, nhà sư bạn lên tiếng nói với anh ta:
-Chúng ta là những nhà sư, không được phép gần đàn bà, nhất là với những người đàn bà trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm! Sao anh lại làm như vậy?
Nhà sư mỉm cười:
-Tôi đã bỏ nàng từ chỗ đó rồi! Anh còn mang nàng theo đấy sao?
(Truyện cổ Phật Giáo Nhật Bản)
 
Tâm Nhìn
 
Xưa có một vị Tỳ kheo, cất một cái am trên một sườn núi vắng vẻ để tu tập thiền định. Dưới chân núi là một con sông, có một con đò qua lại. Vị Tỳ kheo muốn hạ sơn hóa đạo phải đi qua chuyến đò ấy. Kẻ đưa đò là một bà lão trên 50 tuổi, còn khỏe mạnh.
Một hôm, khách qua sông ngạc nhiên thấy kẻ đưa đò không phải là bà lão nữa, mà là một thiếu nữ rất duyên dáng đẹp đẽ, dung nghi trang trọng, cử chỉ thanh cao. Hỏi ra mới hay rằng, người con gái ấy không biết người ở xứ nào, một ngày nọ, tới xin bà lão ở trọ và giúp bà một tay đưa khách qua sông. Thấy nàng xinh đẹp, lại đoan trang, lão bà vô cùng thương mến.
Từ đó, khách sang sông thăm thầy Tỳ kheo ngoạn cảnh mỗi ngày một đông. Có lẽ ai cũng thích qua đò để được ngắm dung nhan giai nhân và cái vẻ thướt tha mềm mại của tay ngà đưa mái chèo nhẹ trên mặt nước. Thầy Tỳ kheo thỉnh thoảng có việc phải hạ sơn, cũng qua đò. Nhưng có điều lạ, khi qua bên kia sông rồi, khách chỉ trả có một tiền, cô gái đòi thầy phải trả hai tiền. Vị Tỳ kheo ngạc nhiên hỏi tại sao lấy tiền đắt hơn. Cô gái cười nói: Mọi người qua đò chỉ có qua đò thôi. Còn thầy, ngoài việc qua đò, thầy còn ngắm tôi nữa nên phải trả gấp đôi. Không lý cãi cọ lôi thôi với cô gái, vị Tỳ kheo đành phải chịu trả cho cô hai tiền.
Lần sau, có việc phải xuống núi. Vị Tỳ kheo bước xuống đò không dám nhìn cô gái mà úp mặt xuống lòng đò. Đến bến, mọi người lên trả tiền đò, đến lượt thầy, cô gái bắt trả gấp bốn lần. Thầy Tỳ kheo hỏi: Lần trước, cô bảo tôi qua đò nhìn cô nên phải trả gấp hai, nay tôi không hề nhìn cô mà chỉ úp mặt xuống đò, tại sao cô đòi gấp bốn lần? Cô gái nói rất trang nghiêm: "Mấy lần trước, thầy chỉ dùng mắt nhìn nơi mặt và bên ngoài của tôi. Hôm nay thầy dùng tâm và nhìn hết toàn thân bên trong của tôi nên phải trả gấp bốn lần. Nghe xong, thầy Tỳ kheo phát lên cười và hình như có sở ngộ. Ngoảnh lại cô gái đò đã biến đi đâu mất. Từ đó, chỉ còn bà lão đưa khách sang sông.
Trích trong "Truyện Cổ Phật Giáo", Minh Chiếu Sưu tập, Tập 3, Thành Hội Phật Giáo TP. HCM ấn hành 1994, trang 87-88.
 
Đức Phật Với Con Voi Dữ
 
Thời kỳ Phật hành đạo tại thành Vương Xá, kinh đô của vua A Xà Thế, vua A Xà Thế rất tham lam hung bạo, đã sát vua cha để dành ngôi báu. A Xà Thế lại hay thù ghét và manh tâm làm hại những kẻ trung lương nên thường lập vây cánh bè đảng làm hậu thuẫn.
Trong số bè cánh nhà vua lại có Đề Bà Đạt Đa em họ Đức Phật. Vị này cũng sẵn lòng ganh tới kẻ khác, thấy Đức Phật được nhiều người cung kính, Đề Bà Đạt Đa cũng giả cách tu hành như Phật, nhưng không hề được ai cung kính, nên tức giận muốn tìm cách hại Phật. Nhưng những điều không may có bao giờ đến với những người có lòng từ bi cao cả, đấng Giác-ngộ đã tu hành trong nhiều kiếp. Nhưng chứng nào tật ấy, ông liền liên kết với vua A Xà Thế cầu xin nhà vua cộng tác trong việc sát hại Phật. Nhờ sự bằng lòng của nhà vua, nên Đề Bà Đạt Đa đến tại sở nuôi voi năn nỉ với bọn nài: "Ta đây là bạn thân của nhà vua, các ngươi giúp ta việc nầy, ta sẽ xin nhà vua cho lương cao chức lớn. Sáng mai thầy Gotama (Đức Phật) sẽ đi trì bình khất thực qua đây, các ngươi cứ việc thả con voi hung dữ Nalagiri ra để làm thịt thầy". Sáng hôm sau, Đức Phật cùng một số đệ tử đi vào thành Vương Xá để trì bình khất thực, trông thấy bóng Ngài, bọn nài thả voi Nalagiri ra. Dân chúng nội thành phải tán loạn, dày xéo nhau mà chạy, lo sợ cho tánh mạng của mình, kẻ leo lên cây người núp ở tường cao nhà kín. Sau khi đã tìm được chỗ ẩn núp chắc chắn, những con mắt hiếu kỳ hay lo sợ cũng cố tìm mắt để nhìn cho được sự việc sắp xảy đến. Voi thấy bóng người đàng trước, nó cong đuôi, thẳng vòi chống tai xông tới như vũ bão. Các vị đệ tử thấy cơ nguy mới bạch với Đức Phật: - Bạch Thế Tôn ! Con voi Nalagiri nó có tánh hung dữ và thù ghét loài người đã đến nơi kìa ! Đức Phật vẫn thản nhiên dạy rằng: - Nầy các Tỳ-kheo, các người không nên sợ hãi. Không bao giờ một vị Chánh-giác phải chết vì một tai nạn ghê gớm như thế. Những đấng Như-lai chỉ tịch diệt khi thì giờ đã đến bằng cái chết tự nhiên và vẫn sống mãi trong tâm linh mọi người. Trong khi ấy có tiếng bàn tán nhỏ to của mọi người đang ẩn núp. Những kẻ thiếu đức tin, u mê cho rằng: đó là một sự hy sinh vô lý, nên thốt ra những câu đầy mỉa mai: - Chà, uổng quá, vị Sa môn kia trẻ đẹp như thế mà lại hy sinh cho con voi hung dữ giết hại thì thiệt là một việc dại khờ.
Nhưng nhóm người có đủ đức tin hơn và hiểu biết Chơn lý đôi chút thì cho rằng: đó là một cuộc thử thách, sự tranh đấu giữa loài vật với vị Từ phụ của loài người.
Voi hung hăng đã phóng tới trước mặt Đức Phật, mọi người phập phòng lo sợ. Nhưng Ngài vẫn điềm nhiên đem tất cả lòng Từ bi vô lượng để đối lại với sự hung dữ của con voi. Voi như bị một sức thôi miên huyền bí, từ từ hạ vòi và quỳ ngay trước mặt Ngài.
Đức Phật dịu dàng thoa vào đầu quy y cho voi và nói: - Này voi ơi ! Ngươi nên ăn ở hiền lành để đạt đến an vui chớ nên hung hăng như trước đây nữa. Voi như hiểu được lời Ngài, từ từ lấy vòi hút tất cả các bụi đã bám vào chân Ngài và rải lên khắp đầu nó như để chứng tỏ nó đã biết ăn năn và xin phục thiện. Đoạn cúi đầu đảnh lễ Ngài rồi trở về chuồng cũ. Từ đó về sau voi Nalagiri trở nên hiền lành dễ thương. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho Đề Bà Đạt Đa biết hối hận ! Vua Tần Bà Ta La biết trở về với Chánh Pháp./.

MÌNH THƯƠNG AI NHẤT
 
Phàm nói đến thương yêu thì những người được thương là cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em... Đó là những đối tượng được thương đứng hàng đầu mà không ai phủ nhận. Nhưng tại sao đây hỏi "mình thương ai nhất?" "Ai" mà mình thương nhất đó là nhân vật nào mà quan trọng đến thế? Trong kinh A Hàm có đoạn ghi: Một hôm vua Ba Tư Nặc hỏi phu nhân Mạt Lợi, "Trên đời nầy ái khanh yêu ai nhất?"
Phu nhân Mạt Lợi đáp: Dĩ nhiên, người thiếp yêu chính là bệ hạ.
Vua Ba Tư Nặc nói: Trẫm cũng đoán rằng khanh sẽ nói như thế.
Phu nhân Mạt lợi mĩm cười: Tâu bệ hạ, nếu thánh thượng cho phép, thần thiếp sẽ nói khác đi một tí, nhưng xác thực hơn.
Vua Ba Tư Nặc bảo: Khanh cứ nói!
Phu nhân Mạt Lợi thưa: Tâu bệ hạ, người mà thần thiếp yêu quý nhất, chính là thần thiếp.
Vua Ba Tư Nặc ngạc nhiên: Sao? Mình lại yêu mình? Trẫm không hiểu khanh muốn nói gì?
Phu nhân Mạt Lợi thưa: Tâu bệ hạ, vì có ái trọng tự ngã mình, nên thần thiếp mới yêu thương bệ hạ, vì bệ hạ là người đem lại hạnh phúc cho cái tự ngã nầy.
Vua Ba Tư Nặc nói: Trẫm biết điều đó, nhưng vẫn chưa hiểu rõ ý của khanh.
Phu nhân Mạt Lợi dè dặt: Tâu bệ hạ, thần thiếp mạn phép nêu ra một câu hỏi, "Trên đời nầy bệ hạ yêu thương ai nhất?".
Vua Ba Tư Nặc cười: Ái khanh chứ còn ai!
Phu nhân Mạt Lợi hỏi tiếp: Giả sử thần thiếp yêu thương một người đàn ông khác thì bệ hạ sẽ làm gì?
Vua Ba Tư Nặc lúng túng: À, trẫm sẽ... trẫm sẽ...
Phu nhân Mạt Lợi tiếp lời: Bệ hạ sẽ nổi trận lôi đình, chém đầu thần thiếp ngay lập tức phải không?
Vua Ba Tư Nặc giả lả: Khanh hỏi rắc rối qúa! Rắc rối thật!
Phu nhân Mạt Lợi hỏi: Tâu bệ hạ, có đúng thế không ạ?
Vua Ba Tư Nặc đáp: À... à...
Phu nhân Mạt Lợi hỏi dồn: Đúng, phải không bệ hạ?
Vua Ba Tư Nặc im lặng giây lâu, nói: Có lẽ khanh nói đúng.
Phu nhân Mạt Lợi nói: Thế là bệ hạ đã đáp câu hỏi của thần thiếp rồi!
Yêu người ta nhất đời mà người ta yêu kẻ khác thì chặt đầu. Như vậy có yêu nhất đời chưa? Nếu yêu nhất đời thật, thì dù người ta có thương ai khác, mình cũng vẫn thương người ta. Đằng nầy người ta không thương mình thì mình chặt đầu, vậy thương đó là qua ai? Thương đó là vì mình! Mình chỉ thương mình thôi! Tất cả mọi đối tượng mà mình thương mến đều vì mình mà mình thương, thương người qua tự ngã của mình đó vậy.
Hôm sau vua Ba Tư Nặc xa giá đến tinh xá Kỳ Viên thăm Phật, và trình bày câu chuyện đối đáp giữa vua và hoàng hậu. Phật xác nhận ý kiến của phu nhân Mạt Lợi qua bài kệ như sau:
Tâm ta đi cùng khắp
Tất cả mọi phương trời
Cũng không tìm thấy được
Ai thân hơn tự ngã
Đi tìm khắp phương trời
Cũng không tìm đâu thấy
Ai thân hơn tự ngã
Vậy ai yêu tự ngã
Chớ hại tự ngã người
Đó là lời xác nhận của Phật: Chúng sanh yêu tự ngã mình hơn hết. Đa số người đời thương tự ngã mình hơn hết mà không biết, cứ nghĩ thương người nầy hết lòng, thương người kia hết lòng. Hoặc giả có biết mình thương tự ngã mình cũng không can đảm nói thật, nói gạt thiên hạ là mình thương chúng sanh, chớ đích thực mình thương mình là gốc
        Trích báo: VIÊN ÂM
--o0o--