VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Linh Khuyển Thiện Thính
Nguyên Tác:Lâm Thanh Huyền 
Người Dịch : Phạm Huê
--o0o--
 
Trong những bức tranh và tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát, chúng ta thường thấy dưới chân ngài phủ phục một con linh khuyển.  Con vật này có một nô bộc trung thành, vừa là con vật để Địa Tạng Vương Bồ Tát cưỡi trong suốt cuộc hành trình phổ độ chúng sinh.  Con linh khuyển này có hai chiếc tai rất lợi hại, một chiếc có thể nghe được pháp âm của thập phương chư Phật, một chiếc kia thì lại có thể nghe được những lời than khổ của thập vạn chúng sinh.  Vì vậy mà trong những bức tranh vẽ về Địa Tạng Vương Bồ Tát, chú chó Thiện Thính này có một tai vểnh lên, và một tai kia thì cụp xuống, trông rất ngộ nghĩnh, nhưng lại không mất phần linh hoạt của một con vật thông minh.
Tôi đối với chú linh khuyển Thiện Thính này có rất nhiều sự thân thiện, ở chỗ là lúc nhỏ nhà tôi cũng có nuôi một con chó có một chiếc tai vểnh lên và tai kia thì cụp xuống.   Tuy rằng giống chó ta không đẹp, không quý và dĩ nhiên là không sang như những con chó nhà giàu ngoại quốc, thế nhưng nó khiến cho người ta có một cái cảm giác thân thiện hơn.
Những pháp tướng của Địa Tạng Vương Bồ Tát trước thời nhà Đường không ghi nhận sự có mặt của con chó trung thành này, chỉ từ khi thái tử Kim Kiều Giác của nước Tân La (miền trung bộ của nước Cao Ly, tức Đại Hàn bây giờ) sang Trung Quốc xuất gia thì sự tích của Địa Tạng Vương Bồ Tát mới được truyền tụng nhiều hơn và hình ảnh của vị Bồ Tát này cũng từ đó có nhiều màu sắc sống động hơn.
Thái tử Kim Kiều Giác của Tân La Quốc là một người hâm mộ Phật Pháp từ nhỏ.  Năm 24 tuổi, ông bỏ cả ngai vàng thệ nguyện xuất gia, lấy pháp hiệu là Địa Tạng.  Vì   hâm mộ sự phát triển Phật Pháp tại Trung Quốc lúc bấy giờ cho nên vào năm Đường Trinh Quan thứ tư, ông dẫn con chó thương yêu tên là Thiện Thính lặn lội từ Cao Ly vào Trung Quốc học đạo.   Tỳ kheo Địa Tạng vân du nhiều nơi ở Trung Quốc, cuối cùng khi đến núi Cửu Hoa tại tỉnh An Huy thì chịu phong cảnh và địa thế ở nơi đó nên đã cất một túp lều tranh để tu hành.  Trong thời gian tu khổ hạnh tại đó, chú chó Thiện Thính luôn là một người bạn trung thành túc trực bên mình của ông.
Sau đó, có một vị trưởng giả lên núi du ngoạn và phát hiện được tỳ kheo Địa Tạng.  Ông ta đã phát nhuyện cất một ngôi thiền viện để cúng dường.  Lúc đó tại địa phương đó có một nhà phú thương tên là Văn Các Lão cũng đã đóng góp rất nhiều tiền của trong việc kiến trúc thiền viện.  Văn Các Lão đến hỏi tỳ kheo Địa Tạng cần bao nhiêu đất để ông ta đứng ra lo liệu để mua. Tỳ kheo Địa Tạng trả lời là chỉ cần miếng đất che phủ bởi tấm cà sa của ông là đủ, thế nhưng khi ông giũ chiếc cà sa ra thì chiếc áo nhiệm mầu đã phủ nguyên một ngọn núi Cửu Hoa.  Văn Các Lão là một người rộng rãi, ông đã giữ lời hứa cúng nguyên một ngọn núi cho chùa này, ông lại còn khuyên người con trai  xuất gia theo Địa Tạng, lấy đạo hiệu là Đạo Minh.  Vì vậy mà sau này trong những pháp tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát, người ta thường thấy, một là đại hộ pháp Văn Các Lão, và vị kia chính là Đạo Minh, con trai của ông.
Trong thời gian tu luyện tại núi Cửu Hoa, tỳ kheo Địa Tạng có nhiều truyền thuyết về thần thông đã được lưu truyền trong nhân gian, vì vậy mà hầu như ai cũng tin rằng tỳ kheo Địa Tạng chính là hóa thân của Địa Tạng Vương Bồ Tát xuất thế để cứu khổ và độ trì chúng sinh.  Hiện nay, Cửu Hoa Sơn đương nhiên trở thành đạo tràng của Địa Tạng Vương Bồ Tát (chú thích 1).
Tỳ kheo Địa Tạng tổng cộng trụ trì 75 năm tại núi Cửu Hoa và thọ đến 99 tuổi.  Suốt thời gian tu luyện ngài không có trở về nước.  Ông nhập Niết Bàn vào ngày 30 tháng 7 năm Đường Khai Nguyên thứ 26.  Tọa quan (chú thích 2) ba năm, đến khi khai quan thì dung mạo ông vẫn y hệt như người sống.  Tay chân ông hãy còn mềm dẻo và có thể di chuyển được.  Mãi cho đến ngày nay, nhục thân của tỳ kheo Địa Tạng vẫn còn được cung phụng tại Cửu Hoa Sơn cho thiện tín chiêm ngưỡng.
Những sự tích của tỳ kheo Địa Tạng có ghi chú trong những quyển Cao Tăng Truyện và Thần Tăng Truyện của Trung Quốc.   Đây là một câu chuyện có thật và là một người có thật được ghi nhận trong sử sách.  Chỉ tiếc rằng trong những quyển sách này ít đề cập đến chú linh khuyển Thiện Thính vừa kể ở trên.  Nhiều người tin rằng chú linh khuyển này là đầy tớ trung thành của Địa Tạng Vương Bồ Tát cho nên sự tích trên mới được lưu truyền và những hình ảnh của chú chó tinh khôn này.
Mỗi khi đảnh lễ Địa Tạng Vương Bồ Tát tôi thường chú mục và nghiêm chỉnh kính lễ linh khuyển Thiện Thính.  Mỗi lần như vậy tôi cảm thấy trong tâm hồn thư thái.  Cứ thử nghĩ một con chó bình thường của người phàm nuôi cũng đã rất nhạy cảm với âm thanh, có thể nghe và diễn đạt được những tín hiệu từ xa, huống hồ gì linh khuyển Thiện Thính là một thần vật đã nhập tâm những Phật pháp nhiệm mầu của Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Thiện Thính hay lắng nghe, đó là bước khởi đầu trong tâm học Phật Giáo, lắng nghe được những di động của hoàn cảnh chung quanh, lắng nghe được những sự kỳ diệu trong tâm linh, và cũng lắng nghe để có thể "trên hợp cùng giác tâm của thập phương chư Phật, cùng Như Lai đồng nhất từ lực, dưới hợp cùng thập phương nhất thiết lục đạo chúng sinh (chú thích 3), cùng chư chúng sinh đồng nhất hướng Phật".
Chúng ta dùng một tâm trạng để lắng nghe những sự việc xảy ra trong thế giới này ?  Khi lắng nghe như vậy thì tâm hồn chúng ta đã chuẩn bị để đối phó với những sự việc này ra sao ? Phật dạy, trong trăm ngàn vui mừng, chúng ta hãy thản nhiên tiếp nhận. Trong muôn vàn đau khổ, chúng ta cũng nên bình thường đối diện.
Chúng sinh là ta, ta là chúng sinh; Chúng sinh là sự thành tựu của Bồ Tát, Bồ Tát là sự viên mãn của chúng sinh.   Trong cái vũ trụ bao la bát ngát này, Bồ Tát và chúng sinh đều là một thể duy nhất.  Chúng ta đối đãi với chúng sinh cũng y như vậy.  Chúng ta lắng nghe Bồ Tát và chúng sinh như thế nào, thì cũng chính như lắng nghe tiếng lòng của chúng ta như vậy.
Vậy thì chúng ta hãy cùng cất bước nối tiếp theo lời thề nguyền của Địa Tạng Vương Bồ Tát , đi cứu giúp những chúng sinh còn đang ngụp lặn trong ác đạo.  Và hãy noi theo gương của linh khuyển Thiện Thính, mở rộng đôi tai trong tâm hồn để nghiêm khắc, kính cẩn, khoan dung, và ôn hòa để lắng nghe cái thế giới mà chúng ta đang ngụp lặn.
 
Chú Thích
1. Cửu Hoa Sơn : Nằm trong tỉnh An Huy, là Thuyết Pháp Đạo Trường của Địa Tạng Vương Bồ Tát.  Xin xem chi tiết ở bài Cửu Hoa Sơn, Thánh Địa Phật Giáo Trung Quốc trong quyển nầy.
2. Tọa Quan: Những vị cao tăng viên tịch trong lúc tĩnh tọa được gọi là tọa quan.  Trong những chùa chiền lớn ngày xưa, người ta di chuyển thân xác của chững vị cao tăng vào trong mộ đài xây dưng hình dạng tháp đứng.
3. Lục Đạo Chúng Sinh : Trong lý thuyết của nhà Phật, thì chúng sinh được chia ra làm sáu cõi luân hồi, hay còn được gọi là Lục Đạo.  Đó là Thiên giới, A tu La, loài Người, Súc Sinh, Ngạ Quỷ, và Địa Ngục.  Thiên giới và A Tu Là gồm có những chúng sinh đã tạo được thiện căn ở vô số kiếp, giới này gồm có các Thiên Tiên, các Thần, Long Vương, QuỷVương, Dạ Xoa v. v….  Loài người thì thấp hơn một bậc.  Còn ba cõi Súc Sinh, Ngạ Quỷ va Địa Ngục là những chúng sinh có nghiệp chướng nặng hơn. Nhất là Địa Ngục gồm có những chúng sinh mà tiền kiếp đã có nhiều tội lỗi nên phải ở lại đó để chịu những hình phạt.  Trong nhiều sách Phật, có sách đã gọi chung ba cõi Súc Sinh, Ngạ Quỷ, Địa Ngục là hạ tam đạo, hay là ba cõi thấp.
--o0o--