VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Thiên Nga Vờn Gió Lộng
(Tưởng niệm Cố Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải)
Tỷ-kheo Thích Phước Sơn
 
Một sinh thể đã xuất hiện trong cuộc đời như chưa từng có, đến lúc từ giã ra đi cũng thật nhẹ nhàng như cánh nhạn lưng trời. Vốn xuất thân từ dòng dõi trâm anh thế phiệt, được bẩm thụ cái gen của tổ phụ từng nổi tiếng văn chương, lại hấp thụ tinh hoa của địa linh sông Hương, núi Ngự - một vùng đất được xem là cái nôi của văn hóa Phật giáo miền Trung. Khi trưởng thành, thể hiện phong thái của một bậc nữ lưu tài sắc vẹn toàn, nhưng túc duyên thôi thúc, sớm rõ lẽ vô thường, dễ dàng từ bỏ cảnh phú quí vinh hoa, hâm mộ nếp sống Thiền môn thanh đạm. Thế rồi, thầy trò gặp nhau như duyên xưa tái ngộ, cơ cảnh tương ưng. Vị Sư phụ vốn là một Sư Bà giới hạnh trang nghiêm, ôn nhu khiêm hạ, được các bậc Tôn túc Thiền lâm ngợi khen là người giữ gìn Bát kính pháp không chút nhãng sao. Nhờ được huân tu nơi môi trường có thầy lành, bạn tốt, có kỷ cương nghiêm chỉnh như thế, nên đường đạo mỗi ngày một thăng hoa nhanh chóng. Nhưng người xuất gia không ở một nơi nào nhất định, khi cư trú nơi đâu là do chư Phật bổ xứ, để hoàn thành sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh. Trải qua năm tháng thăng trầm, gặp nhiều dâu bể, nhưng lúc nào Ni Trưởng cũng quan tâm đến trách nhiệm xiển dương văn hóa Phật giáo; đồng thời lặn lội đó đây, dang rộng vòng tay Bồ-tát xoa dịu phần nào những nỗi thống khổ của đồng bào, đồng loại. Thế rồi, một hôm, người nhẹ nhàng trút bỏ tấm thân huyễn hóa, trở về cõi vĩnh hằng, để lại trong lòng mọi người một niềm tiếc thương vô hạn. Gần 40 năm qua, những cống hiến của Ni Trưởng đối với đạo pháp thực là đa dạng và thuộc nhiều lãnh vực, nào là văn hóa, giáo dục, hoằng pháp, nào là từ thiện xã hội v.v… Qua những Phật sự ấy, chứng tỏ Ni Trưởng có một khả năng ưu việt trên nhiều phương diện. Đặc biệt nhất là những công trình phiên dịch và trước tác. Khi muốn phiên dịch một bản văn nào, Ni Trưởng thường lựa chọn những tác phẩm có giá trị đặc sắc, như Câu chuyện dòng sông, Thanh tịnh đạo, Tạng thư sống chết, Đức Phật đã dạy nhữnggì chẳng hạn. Thế rồi, Ni Trưởng vận dụng ngòi bút sáng tạo, sinh động, tao nhã và súc tích…, thổi vào bản dịch một sức sống mới khiến cho dịch phẩm trở nên độc đáo, tăng thêm phần hấp dẫn. Khi đọc những dịch phẩm của Ni Trưởng, ta tưởng chừng như Ni Trưởng đã chịu ảnh hưởng phương pháp hành văn mà văn hào Lỗ Tấn đã đúc kết: “Hữu chân ý, khứ phấn sức, thiểu tô tác, vật mại lộng” (Hành văn phải phát xuất từ chân ý, dẹp bỏ sự trang sức, hạn chế sự làm dáng, đừng bao giờ bỡn cợt).
Phiên dịch trước tác chính là sở trường của Ni Trưởng, nhưng tâm hồn vốn đa cảm, thường hành động theo tiếng gọi của con tim từ mẫn nên nhiều lúc đành phải xếp lại sách vở, lên đường đi trang trải tình thương. Dấu chân của Ni Trưởng đã để lại trên nhiều vùng xa xôi của đất nước. Đi đến đâu, Ni Trưởng cũng thể hiện công hạnh Bồ-tát che chở cho những em bé mồ côi, cứu giúp những mảnh đời bất hạnh, xoa dịu nỗi trầm thống của bao kiếp người khốn cùng cơ cực. Hình ảnh nhân ái ấy là biểu trưng cho đạo cứu khổ, gây được nhiều ấn tượng tốt đẹp nơi tâm khảm của nhiều người. Giờ đây, sự vắng bóng của Ni Trưởng không những là một mất mát lớn lao đối với Phật giáo, mà còn là một tổn thất không gì bù đắp được đối với biết bao kiếp sống tối tăm. Ta có thể liên tưởng đến một lời khuyên con rất thâm thúy của một nhà tư tưởng Tây phương: “Khi mở mắt chào đời, chỉ một mình con khóc tu oa ba tiếng, trong lúc mọi người xung quanh đều hoan hỷ đón chào. Vậy con phải sống như thế nào để khi nhắm mắt từ giã cõi đời, con được quyền nở một nụ cười thanh thản ra đi, trong lúc mọi người xung quanh ngậm ngùi thương tiếc, nhỏ lệ tiễn đưa.”
Sự ra đi của Ni Trưởng quá đỗi bất ngờ và đột ngột, khiến cho ai nấy đều bàng hoàng xúc động. Lúc đầu khó tránh khỏi những băn khoăn và lúng túng, vì thiếu mọi sự chuẩn bị. Hơn nữa, đám tang của một Ni Trưởng mà tổ chức tại một ngôi chùa Tăng là điều xưa nay chưa từng có. Thế nhưng, thật là kỳ diệu, tình thương mến của chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử dành cho Ni Trưởng vượt ra ngoài sự dự kiến. Buổi lễ nhập quan của Ni Trưởng vào buổi chiều ngày rằm tháng 11 âm lịch được chư tôn Thượng tọa Đại đức Tăng đến tham dự rất đông. Thế rồi, trong những ngày kế tiếp, các buổi lễ thăm viếng cũng như cung tiến chơn linh của Ni Trưởng đều diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm, thanh tịnh, trầm tĩnh và đầy đạo vị. Hình như để bù lại sự tổn thất mà môn đồ pháp quyến phải chịu đựng, chư tôn đức Tăng Ni đã thể hiện đạo tình một cách nồng hậu. Thiết nghĩ, tình cảm quí báu ấy một phần là do đức độ của chư vị Tôn túc, nhưng phần khác cũng do công hạnh tận tuỵ suốt đời vì đạo của Ni Trưởng chiêu cảm mà có. Đúng như Cổ đức từng dạy: “Muốn biết cái nhân đời trước, hãy nhìn những sự hưởng thụ trong đời này. Muốn rõ kết quả đời sau, hãy xem những việc làm trong hiện tại.”
Có thể nói, Ni Trưởng tuy mang hình hài nhi nữ mà có chí khí của bậc trượng phu. Khi làm việc gì thì có lập trường vững chắc, nhưng giữ thái độ cương, nhu đúng lúc. Ta có thể hình dung một số đức tính tương đối rõ nét nơi con người tài hoa và đức hạnh ấy: nhu nhuyến nhưng không nhu nhược; kiên cường nhưng không cang cường; hòa hợp nhưng không hòa nhập; nghiêm túc nhưng không nghiêm khắc; phóng khoáng nhưng không phóng túng.
Giờ đây,:
 Muôn việc nước xuôi nước,
Trăm năm lòng ngỏ lòng.
Ta hãy thử khái quát công hạnh một đời của vị chân Ni trong sự nghiệp tự độ và độ tha:
Tục giới nặng mê lầm, bể khổ bao la, cứu trẻ giúp già, thi diệu pháp;
Chân tu hằng tinh tấn, kinh văn phiên dịch, chính tâm thu gọn một lần siêu.
--o0o--