PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Phát Hiện
Một Ngôi Chùa & Giếng Cổ
 
 
Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang vừa phát hiện một ngôi chùa cổ và một chiếc giếng cổ thời Trần - Lê tại thôn Trại Xoan (xã Nhữ Hán, Yên Sơn).
Trên đỉnh Gò Chùa của thôn Trại Xoan, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều dấu tích của một kiến trúc cổ và những viên gạch vuông chuyên dùng để lát sân.
Phần lớn số gạch này đều để trơn, không hoa văn, thường có màu đỏ hoặc đỏ tím sẫm, độ nung cao, khá cứng. Một số viên có trang trí hoa văn họa tiết hình hoa cúc được in nổi với cánh nhỏ, đều và uốn lượn mềm mại trong khung nổi hình tròn, ở góc cũng in nổi các cánh hoa cúc nhỏ; một số được trang trí họa tiết hoa sen cách điệu.
Tại đây còn phát hiện được những bộ phận kiến trúc bằng đất nung dùng để xây những những ngôi tháp nhỏ nhiều tầng.
Đó là những mảnh phù điêu khắc hình hoa sen với 2 lớp cánh sen xòe nở lên trên, một lớp cánh sen rủ xuống; nhiều mảnh trang trí thân rồng, chân rồng thể hiện một con rồng có thân khá mập, thân uốn cong, nhiều vảy, chân nhiều ngón; một số mảnh ngói âm dương có trang trí hoa cúc trên sống lưng.
Cũng có mảng trang trí được phủ men màu xanh có chạm nhiều hình Phật ngồi khoanh chân xếp bằng trong những vòm khum hình lá sen...
Các nhà khảo cổ học cho rằng tất cả những loại gạch và những di vật trên đều mang những nét đăc trưng của vật liệu kiến trúc thời Trần thế kỷ 13-14.
Ngoài những đồ bằng đất nung, trên bề mặt Gò Chùa còn tìm thấy nhiều chân tảng đá dùng để kê cột nhà và hai lớp bờ kè đá bó nền. Đào hố thám sát, các nhà khảo cổ tìm thấy một số mảnh gạch vỡ nhỏ và một số mảnh vỡ đồ gốm sứ hoa lam thời Lê.
Căn cứ vào quy mô, phạm vi phân bố các lớp bờ kè đá và khối lượng lớn của vật liệu kiến trúc, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là dấu tích của một ngôi chùa khá lớn được xây dựng vào thời Trần và tồn tại ít nhất đến cuối thời Lê.
Phát hiện này đóng góp quan trọng vào việc tìm hiểu lịch sử và những giá trị văn hóa của văn minh Đại Việt thời Trần ở vùng núi phía Bắc nước ta.
Chiếc giếng cổ được phát hiện một cách ngẫu nhiên ở một cánh đồng, nằm cách khu vực chùa Trần khoảng 800 m về phía Đông.
Giếng được xây bằng những viên gạch hình khối chữ nhật có kích thước 30cm x 20 cm x 11cm, bề mặt bên trong cong lõm hình máng, tạo độ cong tự nhiên của lòng giếng.
Lòng giếng hình tròn, có dường kinh 1,31 m, đương kính bên ngoài 1,53 m. Trong lòng giếng, các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều mảnh gạch vỡ và nhiều mảnh ngói bản.
Căn cứ vào kỹ thuật xây giếng, vào vật liệu xây dựng và những di vật chứa trong lòng giếng, bước đầu các nhà nghiên cứu cho rằng đây là chiếc giếng được xây dựng từ thời Lê (khoảng thế kỷ 15 - 16). Đây là loại hình di tích rất hiếm gặp ở khu vực vùng núi phía Bắc.
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện những việc tiếp theo để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của 2 di tích này.
(Theo TP)
--o0o--