Thư Viện Chùa Dược Sư
CÁC BÀI VIẾT VỀ VU LAN
Những Người Con Trai Của Mẹ
Thiện Anh Lạc
---o0o---
 
Phần lớn, theo luật tự nhiên, mẹ thương con trai, bố thương con gái. Có những bà mẹ đã ganh tị, ghen ghét với con dâu vì tình yêu thương dành cho bà đã san sẻ bớt cho vợ.  Dù nam hay nữ,  con nào cũng thương mẹ cả, đã vòi vĩnh mẹ khi còn thơ, khóc lóc vì nhớ mẹ, thương mẹ khi xa mẹ. Nhưng nhiều khi, có những người lại quên mất mẹ hiền mới là chuyện lạ bốn phương chứ ….. 
Năm nay, Vu Lan lại đến trên đất khách, cũng như  mọi năm, về chùa, tôi chỉ mong được cài hoa hồng đỏ lên áo. Sau đó, khi về nhà, tôi sẽ cắm hoa vào bình cúng Phật trên bàn thờ nhỏ. Phật cũng có mẹ như chúng ta, nhưng Ngài đã cài hoa trắng suốt đời vì hoàng hậu Ma Gia đã mất vài ngày sau khi sinh hạ Ngài. Những đoá hoa trong bình, trên bàn thờ Phật mỗi năm càng thêm vô giá theo sự già nua của mẹ, đánh dấu   một phần quãng đời trên đất khách, tôi được gần mẹ. Có thêm một đoá hoa đỏ nữa, sẽ nhắc nhở tôi vẫn còn có hạnh phúc được lúc nào, hay lúc ấy.  
Kỷ niệm không bao giờ phai nhoà trong tâm thức tôi là nhìn song thân tôi, lần lượt cài chiếc hoa trắng đầu tiên tại Hải Ngoại. Mỗi mùa Vu Lan là một năm đã trôi qua với biết bao biến cố lành dữ. Vu Lan đầu tiên của bố mẹ tôi tại đất khách lại mang hoa trắng. Tôi đã khóc thầm khi thấy vậy rồi nghĩ  đến phiên tôi.
Nơi đây, họ cũng tổ chức ngày lễ nhớ ơn mẹ vào chủ nhật đầu tháng Năm. Ai còn mẹ thì được hoa "Cẩm Chướng" đỏ gài áo, mồ côi mẹ gài hoa trắng như Á Đông mình vậy, ngày ấy, mẹ không phải làm gì cả.
Phong tục cài hoa đỏ khi còn mẹ, hoa trắng khi mẹ quá vãng là phong tục của người Nhật do Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh du nhập vào nước ta vào thập niên sáu mươi rồi truyền đến ngày nay.
Cách đây gần hai mươi năm, tôi có nhóm bạn "văn nghệ", tôi nhỏ nhất trong đám nên các anh trong nhóm xem tôi như  đứa em gái vì họ không có em gái.
Một anh trong nhóm, tính tình háo thắng, thích châm biến người khác, tuần nào cũng gặp tôi đưa mẹ tôi đi chợ ở siêu thị. Thừa lúc tôi đang đứng chờ bà mua hoa quả, anh ấy len lén đến ghẹo tôi với một câu cố hữu :
"Em chắc chưa dứt sữa mẹ hay sao mà lúc nào cũng thấy em đeo theo mẹ vậy? Lớn như vậy rồi mà còn đi với mẹ hoài, em  phải đi lấy chồng nữa chứ"
Tôi biết rõ tính tình anh này. Nhịn đã lâu, đến hôm ấy mới bộc phát, vì biết anh không còn mẹ nên tôi ôn tồn nói với anh:
" Ai mà đeo theo mẹ, đưa bà đi chợ cho bà vừa ý mua sắm. Như anh bây giờ, có muốn đưa mẹ đi đâu cũng chẳng được"
Anh đâu chịu thua tôi, trả lời lại liền:
Anh lớn rồi, là con trai nữa, ai mà thèm kéo xe đưa mẹ đi chợ hàng tuần như thế Tôi nguýt anh mấy cái rồi ngoe ngẩy, trả đũa lại liền:
"Anh có còn mẹ đâu nữa mà đưa đi chợ, với lại kéo xe. Thèm với lại không thèm. Xì!!! … nghèo mà ham"
 Nói xong, tôi mới biết mình nói bậy vì đã nổi sân, hối hận tràn ngập vì tôi đã ác ý nói với anh như vậy. Tuy hối hận, nhưng hồn tôi đã tê liệt, tôi không nói được gì thêm với anh nữa, miệng, lưỡi tôi tê cứng. Tôi giận chính … tôi.
Anh thay đổi hẳn nét mặt, đang từ câng cáo, phá phách, tự mãn, mặt anh bỗng nhiên sa sầm xuống, rồi chìm đắm vào bên trong, khổ đau hằn lên một chút suy tư,  mất mát làm mặt anh đanh lại, hung dữ . Anh không nói gì, bỏ đi, thất thểu ra cửa. Tôi không còn gặp anh cố ý đi chợ mỗi tuần để có cơ hội gặp tôi. Anh đã tránh tôi.  
Sau này, gặp lại anh, anh xin lỗi, thú thật với tôi là đã ganh tị với tôi , với mẹ tôi (???),  nên mới có lời kỳ cục, thái độ quái gở đến thế … Anh kể về cái chết của mẹ anh cho tôi nghe, anh ray rứt vì không gặp được mẹ khi bà qua đời, anh xin về Việt Nam không được. Lúc ấy, anh như người điên dại,  anh khóc, rồi nói, nói rồi lại khóc. Tôi im lặng ngồi nghe, nghe với cả con tim, khối óc, và tấm lòng thông cảm.
            Bây giờ, gặp lại, anh đã điềm đạm, chững chạc, chào hỏi xã giao, nhưng ánh mắt thật xa lạ. Rồi thì … đường ai nấy đi, tôi và anh, hai người đã thành hai kẻ lạ, tôi tránh anh hay ngược lại vì cuộc sống vội vàng nơi đây hay đã có gì mất mát?   
Thời gian trôi qua, vết thương của anh đã lành, hình ảnh mẹ anh … có lẽ … cũng mờ dần theo năm tháng, cuộc sống, ký ức anh không còn nơi dung chứa nữa.
Tôi và anh có những trận cãi nhau kịch liệt vì khác tôn giáo và niềm tin qua câu anh tuyên bố "vật dưỡng nhân" vì tôi ăn lạt. Tôi cho anh biết "vật" ấy có thể là mẹ anh đã nhiều đời luân hồi sinh tử để  "dưỡng" anh. Anh đuối lý, nói tôi là con gái mà hay lý luận, hay phân tích thì đàn ông sợ lắm. Tôi tỉnh bơ, sợ gì lời anh nói.  
Một anh khác, cũng trong nhóm, tính tình hiền lành, nhu hoà. Chuyên môn nghiên cứu giáo lý Phật. Tôi không gặp anh đi sinh hoạt khá lâu, anh đi đâu vắng bóng một thời gian dài, tôi cũng lười sinh hoạt nên không đến thường. Nghe nói anh về Việt Nam 6 tháng, tôi nghi anh về cưới vợ. Bẵng đi một thời gian, tình cờ, đưa mẹ tôi đi ăn trưa ở nhà hàng, thấy anh xuất hiện. Anh đến bàn tôi, xin phép mẹ tôi cho anh ngồi chung bàn, mẹ tôi và tôi đã dùng xong, anh nhìn mẹ tôi thật lâu rồi thở dài …. Biết ý, tôi muốn tạo nên bầu không khí cho vui hơn một chút nên hỏi anh:
"Anh về Việt Nam có vui không? Sao qua đây chỉ  có một mình hà ?"
Anh nhìn tôi thật lâu rồi chậm rãi trả lời:
"Anh biết em đang nghĩ gì … Anh về chuyến này không phải vậy đâu, anh đâu phải như thế Anh về kỳ này thăm mẹhơn mười năm nay anh chưa gặp lại mẹ. Ngày anh ra đi, mẹ anh còn khoẻ lắm, khi anh về, mẹ anh đã già đến nỗi anh nhận không ra mẹ, mắt mẹ anh đã loà vì khóc quá nhiều … Em biết không? Anh không đi chơi đâu cả, trong suốt thời gian anh ở đấy, anh chỉ tranh thủ ở quanh quẩn bên mẹ"
Anh nói một hơi dài không dứt, không thở, cặp mắt anh ướt rượt vì nhớ mẹ, chớp chớp sau cặp kính trắng nhưng không dám lau vì sợ tôi cười.  Tôi im lặng đưa khăn giấy cho anh lau, chờ anh ăn xong, tôi mới đưa mẹ tôi ra xe mặc dù mẹ tôi muốn về sớm. Tôi biết sự hiện diện của mẹ tôi bên anh sẽ làm anh hạnh phúc khi vừa xa mẹ.  Tôi và anh cũng trở nên xa lạ trong những năm gần đây nên tôi không có dịp hỏi thăm về mẹ anh.  Tôi chỉ thấy anh đang bận rộn bên người vợ trẻ, mới cưới. 
Một anh khác, trong nhóm, tôi chợt thấy anh trong chùa, quỳ trước bàn vong, khăn trắng trên đầu, anh khóc tức tưởi khi Thầy tụng kinh cầu siêu, tôi lẳng lặng gia nhập vào ban hộ niệm cầu siêu cho mẹ anh. Anh chẳng có ai bên đây cả, chỉ vỏn vẹn mình anh với dải khăn tang, tấm ảnh mẹ, ba cây nhang trong bát, một dĩa trái cây. Lễ phát tang cho mẹ anh chỉ có thế, không bạn bè, người thân …
Xong lễ, tôi ra hỏi thăm, anh cho biết, mẹ anh ra đi đột ngột quá, ngủ sáng dậy đã đi luôn, không ai hiểu tại sao như thế. Bên nhà anh cũng đang lo đám, tôi hỏi anh có về Việt Nam dự không? Anh không về vì dù sao mẹ cũng mất rồi, anh còn để dành tiền để bảo lãnh vợ mới cưới từ quê nhà sang. Anh cũng chẳng thờ mẹ anh tại nhà, hiện tại, anh ở nhờ nhà người ta, rày đây, mai đó, không tiện … Thí tự mẹ trong chùa như thế là xong … Tôi đi chùa thường nhưng không hề thấy anh đi vào chùa cúng mẹ anh vào những dịp lễ lớn như Vu Lan, Phật đản … Mấy lần gặp anh, tôi có hỏi thăm thì anh viện cớ bận rộn đi làm vào cuối tuần, còn ngày thường rảnh thì chùa lại đóng cửa. Rồi thì  vợ anh sang… anh có vợ con,  vợ anh là người Công giáo nên anh phải chìu chuộng vợ mà đi nhà thờ, cho con   anh đi rữa tội. Mỗi sáng chủ nhật anh phải đưa vợ con đi nhà thờ rước lễ, xưng tội tổ tông, có lẽ … anh đã rửa tội xong rồi. Anh lại phải đi làm hai việc để bảo lãnh bố mẹ vợ từ Việt Nam sang. Nhưng anh chỉ có một bà mẹ ruột thì anh lại nỡ  để quên … trong chùa cho Thầy Cô lo dùm nhang khói, cúng quảy. 
Chuyện này, tôi thấy rất nhiều trong chùa khi Vu Lan và Tết về. Có nhiều gia đình, đã thí tự bố mẹ trong chùa là xem như xong đạo làm con của mình, họ đã ủy thác cho chùa, tăng ni và ban hộ niệm lo dùm hương khói. Họ cũng không dám thờ phượng bố mẹ trong nhà vì sợ làm mất đi vẻ thẩm mỹ nhà họ hay là sợ chúng bạn chê cười. Sáng chủ nhật, ngày lễ Vu Lan, thay vì về chùa thăm hương linh bố mẹ, thắp lên một nén nhang, cúng dường bố mẹ, họ lại đi đánh quần vợt, đi chơi xa, đi thăm bạn bè, ngã ra ăn nhậu. Nếu khuyên họ về chùa dự lễ, nhang đèn cho hương hồn bố mẹ thì họ viện cớ bận việc này, việc nọ, không đi được. Họ không hề có một chút thì giờ dành cho bố mẹ dù một năm chỉ có một lần trong vài giờ đồng hồ. 
Sau gần hai mươi năm xa cách, tôi liên lạc lại được với người bạn cũ, ngày xưa, tôi và anh ấy đã có hôn ước nhưng chuyện không thành.  Anh tìm đến tôi, hỏi thăm mẹ tôi, anh biết gia đình tôi rất rõ. Chúng tôi đã chia sẻ với nhau những cảm giác khổ đau, vô định trên biển cả, những ngày tháng thiếu thốn nơi trại chuyển tiếp. Anh đã dựa vào gia đình tôi, nhất là mẹ tôi để nương tựa tinh thần khi vừa xa gia đình. Anh  đã thú thật một điều làm anh đau khổ, ray rứt bao nhiêu năm dài trong đời sống anh. Cho đến chết anh cũng không yên lòng vì sợ gặp lại bố mẹ anh nơi chín suối. Anh đã giấu bố mẹ anh về chuyện tan vỡ với tôi, anh không dám nói thật với song thân anh bên nhà nên cả hai vẫn thắc mắc, mong chờ một ngày vui của anh cho đến khi họ lần lượt qua đời. Bố mẹ anh ra đi, vẫn đinh ninh là khi ra trường, tôi và anh sẽ kết hôn vì "môn đăng, hộ đối", ông bà muốn thế vì quen biết gia đình tôi.  
Không cần chờ đến khi anh qua đời, đến nay, tôi tin tưởng ông bà đã biết anh dối gạt ông bà, tôi khuyên anh phải sám hối với ông bà. Anh là đứa con hiếu thảo, cưng chìu của ông bà, khi ông bà mất trong lúc nhớ thương anh, ông bà sẽ tìm đến   anh và biết tất cả, lúc ấy, ông bà sẽ buồn giận anh biết chừng nào?
Chuyện không thành là do tôi gây ra vì chấp "ngã" quá cao khi còn trẻ, chưa biết quán chiếu. Khi nghe như thế, tôi áy náy vô cùng nên thành tâm ăn năn, sám hối tội lỗi mình đã làm bấy lâu. Đồng thời, tôi hướng về ông bà song thân anh mà xin lỗi.  Tôi cho anh biết như thế và khuyên anh nên thành tâm sám hối với song thân. Khổ thay, anh cho lời tôi nói là chuyện nhảm nhí, hoang đường, anh không tin, không làm. Mặc dù vậy, hàng năm, đúng ngày giỗ, anh tự tay đi chợ, nấu nướng trai soạn để dâng cúng, tưởng nhớ cha mẹ anh.    
Cách đây hơn bốn năm, tôi đi dự đám tang cậu bé em chị bạn. Chị còn có người anh chết vì bạo bịnh ở đây, hai chuyện đau lòng này mẹ chị không hề biết. Bà cụ vẫn thấy chị về thăm thường nhưng không có con trai bà, bà vẫn hỏi thăm luôn, chị nói dối là họ bận rộn lắm, không thể về thăm bà được. Chị tạo cho bà sống trong mộng, nuôi hy vọng hai người con trai cưng của bà sẽ về thăm bà một ngày nào đó. Bà đã lẫn nhiều nên chuyện ngày tháng trôi qua, bà không tính đếm rõ ràng, khi bà hỏi, chị cứ hẹn lần, hẹn lữa mãi, bà đành chịu, chờ đợi con trai về thăm bà.
Hai tháng trước, tôi đã ngủ mơ thấy có năm người đến gặp tôi trong nghĩa trang. Trong mơ, trời cũng về khuya nên ánh trăng chiếu lờ mờ. Tôi nhận ra người em và người anh đã khuất của chị bạn, tôi biết người anh của chị qua thần giao cách cảm,  tôi đã phụ chị cắm nhang, trưng hoa quả trước mộ anh khi đưa chị đi thăm mộ. Còn lại ba người kia, tôi không biết họ là ai, tôi nghi là ba ngưới anh lớn mà chị hay nhắc đến, các anh ấy rất vui khi thấy tôi, vẫy chào tôi, lạ làm sao, tôi không thể nào bước đến gần họ được. Tôi thức dậy, hoang mang, vẫn nhớ giấc mơ ấy rõ ràng, thắc mắc tôi điện thoại thăm chị và kể hết mọi chuyện, miêu tả bốn người kia, chị xác nhận đó là bốn người anh chị đã khuất. Chị kết luận làm tôi rởn tóc gáy:
"Em đưa chị ra thăm mộ, họ mến thương em đã giúp chị nên về thăm em đấy"
            Chị cho tôi biết mẹ chị lẫn  nhiều vì quá đau khổ khi chứng kiến ba người con trai của bà đã lần lượt ra đi. Bà đau khổ cực độ đến mất trí khôn, trí nhớ … nếu biết thêm hai người nữa đã đi chắc bà đi theo họ luôn, gia đình đã quyết định giấu bà. Trong năm người đã khuất, tôi chỉ quen biết người em út của chị.  Vì ở xa nên chị không về thăm mộ hay vào chùa thắp nhang cho anh em được nên chị buồn. Tôi đã hứa với chị là khi   nào vào chùa, tôi sẽ luôn thắp dùm nén hương cho anh em chị.  Hằng ngày, khi niệm Phật tôi cầu siêu cho họ sớm vào nhà Phật, quy y tam bảo. 
Câu chuyện cuối, gần đây nhất là chuyện bên …Tàu.
Anh bạn đi chung với tôi luôn hai chuyến hành hương đã lớn tuổi nên không còn mẹ. Đôi lúc, trong chuyến đi, tôi khổ tâm với anh vô cùng vì anh cứ nhắc tôi trông chừng mẹ tôi thường, hễ không thấy tôi đi bên bà là anh hỏi và trách tôi liền:
"Mẹ đâu rồi em ? Sao em không dắt mẹ đi cho đàng hoàng, coi chừng mẹ té đó"
Anh nói chuyện với tôi thân mật như thế vì tôi gọi anh là anh Hai, mặc dù anh chỉ nhỏ hơn cậu út tôi, em mẹ, hai tuổi. Anh không chịu chụp hình chung với tôi tấm nào cả mà chỉ thích chụp hình với mẹ tôi, anh thích ôm mẹ tôi khi chụp hình …
Tôi phải nhiều lần giải thích cho anh rõ là mẹ tôi còn khoẻ, thích độc lập, tự nhiên, không thích tôi kè kè kế bên dắt bà đi như người … già, mẹ tôi có khi mắng tôi một chặp khi tôi nắm tay dắt bà lên núi, nhiều lúc tôi tủi thân vì bị la rầy vô cớ.
            Một buổi sáng nọ, mẹ tôi giận tôi, người già hay giận và hờn mát lắm, vì  tôi không nghe lời bà ăn trứng. Bà sợ tôi mất sức trong chuyến hành hương nên ép tôi ăn, bà có lý của bà. Còn tôi, tôi không ăn trứng, bà "mát mẻ" với tôi, tôi trả lời lại là bà vô lý, thế là hai mẹ con có chuyện bất hoà.
Trên xe, tôi ngồi cạnh anh mà không nói, không vui như thường ngày. Đùa mãi, anh không thể làm tôi cười được nên hỏi nguyên nhân. Tôi giải thích đủ điều và cho là lý của tôi đúng. Anh thở dài rồi nói một câu rất đơn giản nhưng giá trị:
"Bông hồng cài áo đi em"
Tôi chợt thấm thía vô cùng với câu nói đó, tôi chớp nhẹ hàng mi giữ cho không ứa lệ. Tôi tủi hổ với anh, vì tôi hay hát bài ấy … Anh đã thích bài ấy … Tôi âm thầm ôn lại hết những lời trong bài ca ấy mà thấm thía với cuộc đời.
Bao nhiêu hờn giận tiêu tan hết trong tôi, cho dù mẹ tôi có vô lý, kỳ cục đến đâu đi nữa thì tôi cũng phải cam chịu vì tôi là phận con. Huống hồ gì vì trái ý một chút mà tôi sinh ra phiền não, nội kết. Tôi còn chấp ngã quá cao …
Anh thỏ thẻ tâm sự thêm với tôi:
"Càng lớn, làm cha, làm mẹ rồi mới thấy thương ổng bả, hồi còn sống thì không biết quí trọng, đến khi mất rồi mới thấy nhớ thương và quí mến thì còn đâu nữa,
em còn cha mẹ thì ráng lo cho chu toàn đi nhé, đừng đánh mất những gì quí báu đang có trong tay …như anh giờ, muốn có cũng đâu tìm lại được. Em sung sướng vì còn có mẹ lo cho mà không biết, chìu bà một chút thì có sao đâu ?"
Anh còn nói nhiều, nhiều lắm, tôi vừa nghe, vừa chiêm nghiệm, suy nghĩ lời anh nói rồi chợt hiểu tại sao anh gọi mẹ tôi bằng 'me'ﬠhay 'bà già' một cách sung sướng, tự nhiên như thế mỗi khi nói chuyện với tôi …
Dường như đã lâu, tự trong đáy lòng, anh không có cơ hội lập đi, lập lại một chữ thật thương yêu, trìu mến, bao la và cao cả …. "M
            Có bao giờ, ta thử một điều thật dễ làm nhưng lại rất khó thực hiện như trong bài "Bông hồng cài áo" của Hoà Thượng Nhất Hạnh.
"Rồi, một chiều nào đó, con về … nhìn mẹ yêu ..nhìn thật lâu … rồi nói …, nói với mẹ rằng:
Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ có biết hay không ?
"Biết gì ?"
"Biết là, …biết là … con thương mẹ hay không ?" 
Tôi thương mẹ vô vàn, tôi đã hiến dâng cả cuộc đời tôi cho mẹ, bên mẹ, nhưng tôi cũng chưa bao giờ làm được việc này …  tôi sợ mẹ tôi sẽ cười tôi 'thúi mũi',  mặc dù sung sướng, bà vẫn không chấp nhận có chuyện như thế, cho nên, bà sẽ chế nhạo,  mắng  yêu tôi là …
"Thật là dấm dớ, …cải lương …Sao hôm nay bày đặt quá vậy ?"
Lúc đó, tôi quê và ngượng chín người đi được, tôi sẽ ngả lăn quay ra đất mà độn thổ vì tôi còn chấp ngã … 
--o0o--