Thư Viện Chùa Dược Sư
CÁC BÀI VIẾT VỀ VU LAN
CHỮ HIẾU TRONG THƠ
Phan Thị Xuân
---o0o---
 
Trước hiện tượng sinh hóa trong vũ trụ, chúng ta thấy cây có cội, nước có nguồn, con người có cha mẹ, tổ tiên: 
Người tai mắt đứng trong thiên hạ 
Ai là không bác mẹ sinh thành. 
Và người ta cũng thường nói : cây nhớ cội, nước nhớ nguồn, cũng như làm con phải hiểu rõ: 
Gương treo đất nghĩa trời kinh 
Ở sao cho xứng chút tình làm con 
Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết 
Thời suy ra trăm nết đều nên. 
 (Nhị thập tứ hiếu) 
Từ xưa dân tộc ta với bản chất thông minh thuần phác đã chịu ảnh hưởng các nền Nho, Khổng và Phật giáo nên xem chữ hiếu là một bộ phận trọng yếu phải làm tròn để xứng đáng là con người có nền nếp giáo dục, có căn bản đạo đức. Tinh thần hiếu thảo đã thấm nhuần trong huyết mạch tổ tiên ta và thể hiện qua ca dao : 
Chị ru em ngủ cho yên 
Mai sau em lớn bút nghiêng học hành 
Mẹ cha công đức sinh thành. 
Công đức sinh thành, nuôi dạy, lấy lẽ sống của con làm lẽ sốntg cha mẹ, đã gắn bó tình mẫu tử từ lúc ấu thơ đến tuổi trưởng thành. Trong những phút trầm ngâm trước cuộc đời, người con vẫn nghĩ đến mẹ : 
Mẹ ơi, con sợ màu sương khói
Làm nhạt lòng con mộng hải hà 
Tám hướng đời say đang réo gọi 
Sông ngàn, núi biếc, bốn phương xa 
 (Thanh Thuyền) 
Người mẹ, ngoài công lao sinh thành, dạy dỗ, còn luôn sát cánh để nâng đỡ con mạnh tiến trên đường học vấn, sự nghiệp đôi khi không được bằng phẳng : 
Ví dầu cầu ván đóng đinh 
Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi 
Khó đi, mẹ dắt con đi 
Con thi trường học, mẹ thi trường đời. 
(Ca dao) 
Tình mẹ ấp ủ làm phát sinh trong lòng con trẻ những tình cảm nồng nàn, cao đẹp đối với gia đình, trường học, xã hội. Khi mất tình mẹ, người con cảm thấy cả một trời băng giá, cô đơn : 
Rồi bỗng một mùa trăng ảm đạm 
Vụt từ đâu lại : mộng vàng tan 
Sô gai áo trở thành côi cút. 
Một mối duyên thơ cũng lỡ làng. 
(Trăng Trung thu - Hoàng Trân) 
Vì là ơn dưỡng dục đức cù lao, cho nên người nào chưa đền đáp được công ơn của mẹ là còn mang niềm khắc khoải cuộc đời. Một nhà thơ, khi thấy người bạn gái đã quyết lòng chung thủy với một ý trung nhân quá cố, đã giúp bạn phân định chữ tình, chữ hiếu như sau : 
Suối tiên từ lạc nguồn trần  
Còn bao nghĩa vụ phải cần chở xong 
Một ngày kia bạn sang sông 
Đẹp hương hồn mẹ, yên lòng dạ cha  
Đông cân sao vụng  tay ngà 
Để con hiếu thảo, cho gia đình duyên ?  
(Gởi bạn Hoàng Trân - Nguyễn Bính) 
Cái gương hiếu hạnh cũng đã có từ ngàn xưa, không những người con gái chỉ thờ kính cha mẹ mình mà còn hết lòng cung phụng cha mẹ chồng khi chồng đi chinh chiến :  
Ngọt bùi thiếp đỡ hiếu nam 
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân. 
(Chinh phụ ngâm) 
Trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, chữ hiếu mang một ý nghĩa đặc biệt. Sau khi đã bán mình chuộc cha rồi sống lưu lạc giang hồ, nàng Kiều vẫn canh cánh bên lòng niềm thương nhớ mẹ cha. Khi ở lầu Ngưng Bích thì : 
Xót người tựa cửa hôm mai 
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ ? 
Khi Từ Hải đang trên đường dọc ngang bốn bể, Kiều ở nhà vẫn khắc ghi hình bóng song thân dầu đã qua mười mấy năm cách biệt: 
Xót thay huyên cỗi thung già 
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi! 
Trong tâm lý cụ Nguyễn Du, đức hiếu thảo của nàng Kiều đã được đánh giá một cách tương xứng. Chúng ta thử nhắc lại đoạn đường trong khi Kiều giã từ Vãi Giác Duyên để tiếp tục dấn thân vào cuộc đời sóng gió, Giác Duyên cũng rời ngôi chùa, đeo bầu quảy gánh rộng đường vân du. Gặp bà Tam Hợp đạo cô, Giác Duyên đã hỏi về chung cuộc của đời Kiều thì được Sư Tam Hợp trả lời : 
"Sư rằng : Song chẳng hề chi 
Nghiệp duyên cân lại nhắc đi đã nhiều 
Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều 
Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm 
Lấy tình thâm trả nghhĩa thâm 
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời 
Hại một người, cứu muôn người 
Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng 
Thửa công đức ấy ai bằng 
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi ! 
Do đã thấu triệt lẽ nghiệp duyên nhân quả của Phật giáo nên cụ Nguyễn Du minh định rằng : Mọi người sinh ra trong đời này đều mang sẵn cái nghiệp nặng nề do đã tạo nhân nhiều kiếp trước và phải trả nợ trong kiếp này, thì không ai có thể thay thế được, chỉ trừ trường hợp bản thân mình biết tích trữ công đức hữu vi và vô vi thì có thể giải nghiệp mà thôi. Việc Kiều bán mình chuộc cha và "hại một người, cứu muôn người" mang tính chất hiếu và nhân rất hoàn hảo. Nhờ đó, Kiều được thoát khỏi số đoạn trường và được hưởng "duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào". 
Xưa nay những tấm gương hiếu hạnh rất nhiều, không tiện kể hết, chỉ nên nhắc vài trường hợp điển hình : Vua Thuấn họ Ngu lúc hàn vi, tấm lòng hiếu thảo đã vang dội đến triều đình và đã được vua Nghiêu mời ra xin nhường cả thiên hạ. Ông Tử Lộ nước Lỗ thuở trẻ cơ hàn đã đội gạo phụng dưỡng cha ruột mẹ ghẻ và hai em cùng cha khác mẹ. Đến khi làm nên sự nghiệp, thân được vinh hoa thì cha mẹ đã mất, ông vẫn thường nhớ tiếc một thời "đội gạo canh rau" mà có cha mẹ bên mình. Huệ Năng Lục tổ,  trước khi tìm thầy học đạo, đã nhận sự tự nguyện giúp đỡ của một Phật tử để có tiền cho mẹ tự túc trước khi Ngài ra đi. Đức Bồ Tát Mục Kiền Liên khi tu hành đạt hoàn hảo thần thông đã tìm thấy mẹ đang bị hành hạ ở địa ngục và đến xin Phật cứu độ. Ngay Đức Thích Ca khi thành Phật rồi cũng vì mẹ là Ma Gia phu nhân mà thuyết kinh Địa Tạng trên cung trời Đao Lợi. Đó là những gương hiếu hạnh có mãnh lực soi sáng tâm hồn để chúng ta ý thức triệt để rằng đã là Phật tử thì phải hoàn thành hai nhiệm vụ : phụng dưỡng cha mẹ về vật chất và làm cho cha mẹ giác ngộ đạo lý để tìm được giải thoát vĩnh cửu. 
Trong những giờ phút, quang cảnh trang nghiêm của mùa Vu Lan báo hiếu, chúng ta cần phải cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được no ấm, an vui, cha mẹ bảy đời, tổ tiên quyến thuộc được phiêu diêu Lạc quốc, cầu thập loại chúng sinh âm và dương đều nhất tâm theo chánh đạo tu hành để tự giải thoát. Với ý nguyện ấy, chúng ta không quên đem phẩm vật thanh tịnh cùng với tâm thanh tịnh dâng cúng chư Tăng trong ngày Tự tứ. 
Hơn lúc nào hết, chúng ta chợt nhận thấy rằng những tấm lòng từ, dầu cách nhau bao nhiêu không gian và thời gian, vẫn được gặp nhau trong một niềm thông cảm vô biên, và đã nhắc nhở, kêu gọi nhau bằng những lời khẳng khái: 
Lợi danh một giấc hoàng lương
Cương thường hai chữ đá vàng muôn thu
Văn chương chẳng thiếu làng Nho
Nghĩa phu hiếu tử kiếp tu mới là
Hồng nhan chẳng thiếu đàn bà
Hiền thê, hiếu phụ kể ra mấy người
Soi gương chớ thẹn với đời
Bỉ đi, thái lại có trời, có ta.
(Truyện Tỳ Bà Hành qua phóng tác của Nguyễn Bính) 
--o0o--