Chuyện Phiếm Về Con Dê

Thiện Anh Lạc

           Lại một năm nữa đến với chúng ta giữa thế giới ta bà này, năm nay là năm Mùi, hay năm con dê. Một con thú có tên không mấy gì đẹp lắm trong văn học Việt Nam chỉ cho phái Nam “làm quen” hay “làm bực mình” phái Nữ bằng lời nói hay hành động. Từ ngữ “dê” không hiểu phát xuất từ đâu để chỉ cho hành động không mấy đẹp đẽ này nên thật là tội cho nó. Có một lần Tôi hỏi người lớn động từ này phát xuất từ đâu ra thế ? Có vị giải thích cho Tôi nghe ở bộ râu của nó, vị khác lại giải thích ở tính tình nó hay húc lung tung nên mới có tên này .... Mọi giải thích không làm Tôi thoả mản chút nào hết và cũng thôi, vì tự nghĩ tại con người lẫn lộn giữa hai chữ chỉ cho hai thứ, con dê là danh từ để chỉ một con vật hiền lành bé nhỏ, dễ thương. Còn “dê xồm” là chỉ động từ mà Tôi đã tạm giải thích ở trên, xin miễn nhắc lại.
          Dê là một con vật ăn thực vật và không phải là loại gia súc thông dụng, thường thấy ở Việt Nam ta, dường như Tôi ít thấy những con dê khi còn ở quê nhà,  chỉ thỉnh thoảng Tôi lại nghe câu nói rất quen thuộc là” ăn cà ri dê” mà Tôi cũng chưa bao giờ nếm qua nữa. Dê dường như sống nhiều ở miền núi, miền quê và được những người theo đạo Hồi chăn nuôi rất nhiều để ăn thịt, lấy sữa, lông vì Tôi thấy từng đàn ở Ấn Ðộ. Dường như chỉ có người Ấn mới ăn món này thôi, còn Mít ta thì thỉnh thoảng cũng ra nếm thử ở nhà hàng và kết luận rằng “thịt gì mà hôi quá trờ hài”, sữa dê cũng thế, nghe nói là hôi lắm, nhưng đỡ béo và ít mở hơn là sữa bò. Tại sao lại “hôi quá trời” vậy ? Hỏi người lớn thì được trả lời là thịt nó hôi lắm vì mồ hôi nó nặng, nghe rồi chẳng để ý gì đến chuyện này nên cũng quên tuốt luốt .  Thế rồi thôi, đến khi mới sang Úc, chúng tôi ở cạnh một nhàcó nuôi một con dê, họ nuôi ở trước sân vườn nên ngày nào đi ngang Tôi cũng thấy nó “bbbee hhhee” rất vui khi thấy Tôi. Tôi quen với gia đình nhà này nên hay đến vuốt ve nó mấy cái, cho nó trái táo, trái lê rối mới đi về nhà, nó cũng lim dim cặp mắt thưởng thức và dúi đầu vào người Tôi, ai bảo súc vật không có tình cảm và không biết, nó biết hết đấy chứ. Mỗi lần đến bên cạnh nó, Tôi lại nhớ đến câu chuyện ngắn đã đọc thời thơ ấu của Alphonse Daudet – chuyện “Con dê của ông Séguin” (La chèvre de monsieur Seguin). So với con dê đó, thì con dê này bạc phước hơn nhiều vì là dê thành phố, bị cột dưới gốc cây bữa đói, bữa khát thất thường. Còn con dê trong chuyện sống  ở ngay miền núi không khí trong sạch, rộng rãi, thức ăn, nước uống đầy đủ. Thế mà vì tự do, nó đã bỏ đi vào một đêm nọ để đánh nhau với chó sói, tranh đấu với tử thần rồi gục chết vẻ vang trong niềm tự hào đã được “sổng chuồng” . Khi còn bé, không hiểu nhiều về chiều sâu câu chuyện nên Tôi cho là con dê này ngu, được chỗ êm ấm như thế thì cần gì phải bỏ đi để làm mồi cho chó sói ăn thịt ? Sau này mới hiểu thấu triết lý câu chuyện là sự tự do, dầu phải trả bằng mạng sống như những vị đã tranh đấu cho nền tranh đấu cho nền tự do nhân loại dưới mọi hình thức. Miên man nghĩ như thế rồi cũng quên đi, chợt một ngày cuối tuần ở nhà, Tôi chợt nghe tiếng kêu thét thất thanh và tiếng chạy huỳnh hịch của con dê này hoà lẫn với tiếng chạy của người hàng xóm, cùng những tiếng vun vút quất xuống da thịt  của con dê vô tội nghe chan chát. Tôi chạy ra sân xem thì bủn rủn cả tay chân khi thấy con dê mà Tôi thương yêu đang hốt hoảng kêu ầm ỉ lên chạy quanh gốc cây vì bị cột nên không chạy xa được, chủ nó cũng chạy theo nó và cầm một nhánh cây quất mạnh vào nguời nó, nó bị đau vì những đòn đánh chí tử. Tôi chết lặng không hiểu nó đã làm nên tội tình gì mà bị đánh đập tàn nhẫn, quái ác như thế ? Mẹ Tôi khi ấy cũng nghe nên ra xem, đứng cạnh Tôi, bà buồn bã nói:  “Con dê này sắp sữa bị làm thịt rồi”. Tôi vẫn im lặng cố nén lòng để tỏ ra mình cứng rắn nên không khóc, nhưng không nói gì được vì nói ra là Tôi sẽ khóc oà lên liền. Mẹ Tôi giải thích tiếp:  “Thịt dê hôi lắm nên trước khi ăn, người ta phải đuổi nó chạy cho toát mồ hôi ra để hết hôi và đánh cho thịt nó mềm ra mới ăn được”. Tôi nghẹn ngào hỏi lại: “Sao má biết như vậy ạ ?”. Mẹ Tôi liền kể: “Hồi đó, Tôi còn nhỏ, thời chiến tranh, đi tản cư  ở Lái Thiêu, ở đó Chà Châu Giang nhiều lắm, họ đạo Hồi nên chỉ ăn thịt dê thôi nên họ nuôi dê nhiều lắm, mà dê lại dễ nuôi, ăn gì cũng xong. Mỗi lần họ giết dê để làm thịt, Tôi thấy họ cũng làm y như thế, có nhiều người không biết điều này nên cứ giết đại, nấu lên, thịt dê hôi rình, ăn không được.”. Bà lại tiếp: “Có khi họ làm xong, nấu cà ri lên thơm phức, mang qua nhà cho một dĩa, cả nhà thấy tội nghiệp con dê, không ai dám ăn hết nên bà ngoại không lấy, đem đi trả lại”.  Tôi nói: “Không ai ăn là khôn đấy má à, thứ thịt ấy ăn vào là mắc bịnh thêm chứ ngon lành, báu bổ gì ? Con dê bị đánh đập và giết chóc như thế, nó sẽ uất nghẹn lên, bài tiết ra những độc tố sân hận, sợ hãi trong từng tế bào thịt, ăn vào dễ bị ngộ độc lắm, còn không thì nóng nảy”. Mẹ Tôi bĩu môi: “Cô nói như  ‘trạng mẹ’ vậy, khối gì người ăn mà có thấy khỉ khô gì đâu?”. Tôi chống chế: “Chưa thấy không có nghĩa là không có xảy ra đâu nhé má”. Mãi mê nói chuyện, Tôi quên bẵng mất hiện tại nên không còn nghe những tiếng kêu gào thống thiết nữa, giờ nhìn lại thì con dê đã ngã quỵ dưới gốc cây vì đuối sức. Ông hàng xóm cũng mệt nhoài,  một tay quẹt mồ hôi, một tay cầm con dao phay thật bén tiến đến..... Cùng lúc đó, Mẹ Tôi nói: “Thôi đừng nhìn nữa, tội nghiệp quá, mình đi vào nhà đi, con dê sữa soạn bị cắt cổ rồi đó, thật là tội nghiệp cho kiếp thú vật. Cô nhớ niệm Phật A Di Ðà cầu vãng sinh cho nó nhé”.
          À, thì ra là vậy,  bởi nghiệp dĩ là nó hôi nên nó mới bị đánh đập cho toát mồ hôi ra như thế trước khi bị “làm thịt”, chứ những con khác như trâu, bò, ngựa, lợn, gà vịt đâu có như vậy đâu, bị vào lò sát sinh là cứ vào hàng loạt thôi, có biết gì cho đến khi cận kề cái chết mới hoảng sợ thì ôi thôi đã rồi. Thế thì có lẽ trước sau gì con dê của ông Séguin cũng vào nồi ragu hay nồi cari  nên nó “dzông” sớm cho khoẻ, theo câu ngạn ngữ Tàu : “Tẩu vi thượng sách” để tránh bị đánh đập tàn nhẫn.  Trước cũng chết, sau cũng chết, con dê của ông Séguin chết trong mãn nguyện, vinh quang, còn những con dê khác bị đánh đập, chết trong thù hận, khiếp sợ. Ðang kiệt sức và đau đớn, chúng đâu còn tỉnh táo để chống cự với tử thần mà buông xuôi đón nhận một cái chết cho yên một phận đời hẩm hiu qua những người bạt bẽo đã nuôi dửng chúng .... biết đâu chừng .....Chết còn sướng hơn
                       
---o0o---