Cây Ưu Đàm
Đinh Công Bảy

---o0o---
          Theo truyền thuyết Phật giáo, hoa Ưu đàm gọi là hoa Linh thụy, 3000 năm mới xuất hiện một lần. Khi hoa Ưu đàm xuất hiện thì Kim Luân Vương xuất hiện. Hoa Ưu đàm được dùng để chỉ những việc hiếm thấy.
          Cây Ưu đàm (ưu đàm thụ) tức cây sung, còn gọi là vô hoa quả, tên khoa học Ficus racemosa L., thuộc họ Dâu tằm (Moraceae).
          Cây thân gỗ, cao trung bình, có khi tới 15-20m. Lá hình ngọn giáo hay bầu dục, hơi có lông nhung trên cả hai mặt lá khi còn non, cứng, nguyên hay hơi nhăn nheo, dài 8-20cm, rộng 4-8cm; mọc so le; thường bị sâu ký sinh tạo thành mụn nhỏ (gọi là lá sung tật). Quả loại sung (tức là cụm hoa bao gồm hoa đực, hoa cái trên một đế hoa lõm làm thành quả giả) trên những nhánh không có lá nằm trên thân, dạng quả lê không cuống; khi non có màu lục, khi chín có màu đỏ nâu. Toàn cây có nhựa màu trắng.
          Sung phân bố ở Ấn Ðộ, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, thường mọc hoang ở những nơi ẩm ướt và cũng được trồng quanh bờ ao hoặc ven sông. Người ta dùng quả sung, lá sung làm thực phẩm và dùng cả nhựa, lá, vỏ cây để làm thuốc.
Trong 100g quả sung có chứa các chất sau: Protéin 1g, chất béo 0,4g, đường 12,6g, Ca 49mg, P 23mg, Fe 0,4mg, caroten 0,05mg, vitamin B1 0,04mg, B2 0,03mg, PP 0,3mg và C 1mg.
          Trong 100g lá sung tươi có các thành phần sau: nước 75,0g, protein 3,4g, lipid 1,4g, cellulose 4,8g, dẫn xuất không protein 12,3g, khoáng toàn phần 3,1g.
Quả sung thường dùng muối ăn như cà muối, luộc ăn với nước chấm hoặc kho. Lá sung non có thể ăn sống như rau, lộc sung dùng gói nem.
          Theo Ðông y, quả sung có vị ngọt, hơi chát, tính mát, tác dụng thông huyết, lợi tiểu, chỉ thống, tiêu đàm, tiêu thủng, tiêu viêm, sát trùng, bổ huyết. Quả còn xanh dùng cầm tiêu chảy. Quả sung và lá non ăn giúp lợi sữa cho sản phụ.
Nhựa mủ dùng bôi ngoài chữa các chứng sang độc, chốc lở, đinh nhọt, bỏng, các loại ghẻ. Cành lá và vỏ cây sung dùng chữa phong thấp, sốt rét, sản phụ ít sữa. Liều dùng 10-20g, sắc uống.
          Trong sách Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh đã dùng nhựa sung chữa các loại đinh nhọt và dùng lá sung non chữa trẻ em bị lở ghẻ. Trong sách Bách gia trân tàng, Hải Thượng Lãn Ông dùng lá sung tật nấu nước cho uống và xông rửa mặt chữa trên mặt bị nổi từng cục u nhỏ sưng đỏ.
          Ở Ấn Ðộ, rễ sung dược dùng chữa lỵ, nhựa rễ cây dùng chữa tiêu khát (đái tháo đường); lá sung sấy khô, tán bột, trộn với mật ong chữa bệnh túi mật; quả dùng chữa rong kinh, khạc ra máu; nhựa sung dùng chữa bệnh trĩ và tiêu chảy. Ngày nay, cây sung còn được trồng trong bồn, chậu non bộ làm cảnh rất được ưa chuộng. Người ta nhân giống bằng hạt (nhân hữu tính) hoặc bằng cách chiết cành, giâm cành (nhân vô tính). Thường nhân bằng hạt được thực hiện nhiều hơn vì tạo ra cây con khỏe hơn.
          Muốn có hạt để gieo, cần chọn các quả đã chín mềm bổ lấy hạt rồi chà xát để lớp vỏ hạt sạch nhớt, sau đó đem gieo ngay hoặc ủ hạt nơi ẩm để hạt dễ mọc. Ðất gieo cần nhỏ, mịn, sạch cỏ rác. Sau khi gieo, tủ rơm rác mục, tưới nhẹ và ít tưới dần. Khi cây đạt chiều cao 15-20cm có thể bứng đi trồng.
          Sung là cây ưa sáng song sinh trưởng kém khi ánh sáng gay gắt hoặc cường độ ánh sáng tán xạ làm lá bị mỏng, ít phân cành và các cành nhánh vươn dài. Cây không có yêu cầu khắt khe về đất đai; thích hợp trên nhiều loại đất, miễn sao đừng bị khô hạn là được.
Mùa hoa tháng 6-8, mùa quả tháng 9-11.
          Ðặc biệt, người dân Nam Bộ còn dùng quả sung chưng trên mâm quả ngày Tết cùng với các loại quả khác như mãng cầu, đu đủ... với ước mong được sung mãn, đầy đủ suốt năm.
          Ở phương Tây, vùng Ðịa Trung Hải, người ta dùng một loại sung gọi là sung ngọt (Ficus carica L.) có thân gỗ nhỏ, dạng bụi cao trung bình 3-4m, lá có hình chân vịt với 5-7 thùy cách nhau bởi những góc lõm sâu. Cây sung ngọt này mới được nhập trồng ở Phú Yên, Khánh Hòa. Cây chịu vùng nắng khô.
          Quả sung ngọt có vị ngọt, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, làm mạnh dạ dày, trừ ho, cầm máu, trừ lỵ, tiêu thủng và nhuận phế. Nạc quả khi chín ngọt, phơi khô có vị ngọt như chà là. Người Ấn Ðộ dùng quả sung ngọt để giải khát, làm dịu và bổ dưỡng. Người Trung Quốc dùng làm thuốc chữa táo bón, viêm ruột, hầu họng sưng đau, bổ dạ dày, giải độc. Sung ngọt còn dùng chế biến thành mứt ăn bổ huyết. Ngoài ra, còn có cây vả tức cây ngõa (Ficus auriculata lour) có quả phức to, xếp dày đặc trên thân cây, hình cầu dẹp, có nhiều lông thưa; khi non có màu xanh lục, khi chín có màu đỏ thẫm. Mùa hoa quả tháng 12 đến tháng 3. Vả cũng được gọi là vô hoa quả.
          Quả vả có vị ngọt, tính bình, tác dụng làm mạnh dạ dày, nhuận trường, điều hòa hoạt động ruột, lợi tiểu. Thường dùng làm rau ăn, ăn sống hoặc luộc chín đều được. Quả chín ăn ngọt, ngon, thơm, được dùng để làm mứt khô hoặc chế thành rượu. Người ta dùng quả vả để chữa kiết lỵ, lòi dom, táo bón, trừ giun.
          Rễ và lá vả có tác dụng giải độc, tiêu thủng. Nhựa dùng bôi chữa mụn đỏ mọc trên mũi nam giới.
 
          Source : Báo Giác Ngộ, số đặc biệt,  Xuân Nhâm Ngọ - 2002