ÐẤT ƯƠM MẦM SỐNG

Tịnh Minh 

---o0o---

          Một đêm nọ, sau cuộc hành trình vất vả, xuyên suốt cả một vùng nông thôn rộng lớn, các Sa môn cùng Ðức Thế Tôn cuối cùng cũng về tới Kỳ Viên. Các sư nhứt trí họp nhau trong chánh điện để rút ra những bài học kinh nghiệm cho các chuyến viễn hành, du hóa về sau. Thượng tọa Chơn Tâm bắt đầu đề cập đến những hình thái sinh động qua các mẩu đất đá đa dạng với màu sắc lung linh, kỳ dị của chúng. Sư nói:
          - Quý huynh đệ thấy đấy, chuyến viễn du vừa qua đã giúp ta tai nghe mắt thấy vô số điều thú vị. Ai bảo cỏ cây hoa lá, sỏi đá núi rừng không tình không nghĩa với con người, nhứt là với những bần tăng viễn ly dung dị, du hóa bốn phương theo hạnh nguyện mà Ðức Thế Tôn đã dày công tu tập, chứng ngộ và truyền đạt cho chúng ta:
          - Bát cơm lý tưởng khắp ngàn nhà
          Bước chân đạo nghiệp muôn dặm xa
          Chỉ vì sinh tử hai việc lớn
          Xuân thu giáo hóa tháng ngày qua.
          Không biết quý huynh nghĩ sao, thấy gì, chứ Chơn Tâm này đắc ý nhứt là những loại đất đá kiên gan bền chí, phơi mình ra trước phong ba bão tố, nắng hạn mưa dầm, không than thân trách phận mà lại tô điểm thanh sắc, khí vị cho khách đi đường. Tuyệt quá!
          - Thượng tọa nói sao chứ em thấy có gì đâu mà phải thi vị hóa như vậy! Ðất đá muôn đời vẫn là đất đá. Không khéo như sư Chánh Trí suýt nữa trượt chân lăn xuống đồi vì một cục đá mất nết, thấy người đi tới mà vẫn nằm chình ình ra đó. Sư Thiện Hỷ phát biểu và đại chúng che miệng cười thú vị.
          - Em thấy cũng nên suy nghĩ, đúng hơn là quán niệm về các loại đất đá, sư Ngộ Giải trịnh trọng nói. Suốt cuộc hành trình, chúng ta chứng kiến vô số cảnh quan, nổi bật nhất vẫn là đất đá. Mà không đáng quan tâm sao được! Chúng ta sống cũng nhờ đất mà chết cũng nhờ đất. Vạn loại hữu tình và vô tình đều đang nương nhờ, tá túc và sanh sôi nảy nở trên mặt đất này. Kỳ diệu thay! Quý huynh xem, cùng từ dưới lòng đất vươn lên, nhưng mỗi loài hoa đều có màu sắc và hương vị khác nhau, đó là chưa kể ngô khoai lúa nếp, cây trái bốn mùa; chúng luân lưu sinh diệt với muôn màu, muôn vẻ trên ruộng đồng, rừng núi từ năm này qua tháng nọ, nhưng khí chất đất đá có khác gì đâu!
          - Có chứ! Sư Nhất Thanh tỏ vẻ không cùng quan điểm. Nói đất đá có cùng khí chất thì hình như chưa chính xác. Em thấy đất đá cũng có hình dạng và màu sắc khác nhau, vậy là khí chất và biên độ của chúng không đồng, nhất là các loại đất ruộng, đất gò : nơi này bằng phẳng, nơi kia ghồ ghề; chỗ này lầy lội, chỗ nọ khô khan; rối thì đất đen, đất đỏ, đất trắng, đất vàng... úi dzời, nhiều loại pha tạp lắm!
          - Hay! Không ngờ Nhất Thanh nín nín mà nay ra đòn ác liệt ta! Sư Tâm Trực vụt nói và Tăng chúng cười ồ vui vẻ. Nghe đại chúng nói cười hưng phấn trong chánh điện, Ðức Thế Tôn bước vào, hoan hỷ ngồi giữa các sư, nói:
          - Chà! Các thầy có gì mà hân hoan, sôi nổi vậy hè?
          - Bạch Thế Tôn, trưởng lão Minh Hạnh đáp, quý huynh đệ đang nhận xét về các loại đất đá đã bắt gặp trên cuộc hành trình vừa qua.
          - Vậy sao! Này các thầy Tỳ kheo, các thầy chỉ mới luận bàn hay góp ý cho nhau về những lớp đất đá dễ thấy bên ngoài. Các thầy nên nhìn sâu, thấy rõ những lớp đất đá cô đặc bên trong để rồi lau chùi, mài giũa sao cho chúng trở thành những hạt kim cương lung linh phản chiếu ra muôn màu muôn vẻ, thế mới là đúc kết kinh nghiệm, quán sát tinh tường sau mỗi chuyến hành trình. Ngài mỉm cười, đọc kệ:
          Ai chinh phục Thiên giới,
          Ðịa cầu và Dạ ma,
          Thông giảng kinh Pháp Cú,
          Như người khéo hái hoa.
          Hữu học chinh phục đất,
          Thiên giới và Dạ ma,
         Thông giảng kinh Pháp Cú,
          Như người khéo hái hoa.
                            (PC. 44, 45)
o0o

 

          Ðức Thế Tôn và môn đệ của Ngài tứ thời đầu trần chân đất, vân du giáo hóa cùng khắp thành thị thôn làng, đôi chân các Ngài thường bị đất đá ma sát đến chai cứng, vậy mà các Ngài vẫn nâng niu trân trọng từng hạt cát viên sỏi bằng cái nhìn quán chiếu thanh lương. Ðạo Phật lúc nào cũng trải rộng tình thương và tôn trọng sự sống. Ðất đá vô tri nhưng góp phần không nhỏ cho sự tồn vong của muôn loài. Nhân dịp năm mới, Nhâm Ngọ, 2002, nguyện cầu đất đá được cày bừa, vun xới bởi những bàn tay lao động chân tình, trái ngọt cây lành và hoa màu lương dược được đón chào khắp bốn biển năm châu.
 
          Source : Báo Giác Ngộ, số đặc biệt,  Xuân Nhâm Ngọ - 2002
  

-- o0o --

Trang Nhà / Mục Lục Xuân / Xem Trang Kế Tiếp