NAM MÔ HOA ĐÀO
Nhật Chiêu
--o0o--
 
- Trước cành đào hoa  
Rộ đời hương sắc
Nam Mô hoa đào!
                        Bashô  
Nam Mô là dâng hiến thân tâm mình cho Đức Phật.   Trước hoa đào, Bashô niệm Phật (Hana nimo nenbutsu) và như thế, Bashô đang niệm hoa đào.  "Muôn triệu đóa hoa chính là hoa Phật Tổ",  Thiền Sư Dôgen nói: "là vang rền tiếng gọi:   Chư Phật hiện thân giữa đời" (1)
Hoa đào, hoa mơ, hoa ưu đàm… muôn triệu loài hoa.   Do nhân duyên mà hoa đào được nói tới.  Trong họ nhà hồng, chỉ có anh đào (Sakura) là vươn thành cây lớn, hoa phủ cành như mây và chỉ hiện thân trong vài ngày, sau đó tung tán mình trong gió dưới một bầu trời Xuân, không luyến tiếc.  Đó là cái đẹp vô ngã.  Và Bashô cúi mình đảnh lễ.  Anh hoa phát tiết, mùa Xuân xuống đời (Sakura đọc theo âm Hán Việt là Anh)
Và cũng như Bashô, Issa đến bên hoa đào với một thân tâm hoàn toàn thuần khiết:
- Nước nóng tắm rồi
Vừa xong lạy Phật
Hoa đào ta ơi!
                                    Issa
Nước nóng, Phật, hoa đào, Issa đang sống với Niết Bàn.  Tắm đi, niệm Phật đi, ngắm hoa đào đi.  Issa đang sống với mùa Xuân.  Và đọc Issa, ta muốn sống với Issa.
Có một nhà thơ Haiku khác, Onitsura khi nhìn vào hoa đào núi (yamazakura) đã nghe ra một tiếng hát kỳ diệu: Bài ca của đá cuội.
- Hoa đào núi
Đá cuội hát ca
Dưới lòng con suối.
                                                Onitsura
Bạn sẽ hỏi: Suối hát hay cuội hát.  Tất nhiên là cả hai ca hát.  Và cả hoa đào nữa, nó đang ca hát.  Cả ngọn núi, và cả con suối kia.  Trong Sơn Thủy kin (Sansui-kyô) của Dôgen, ta thấy núi đi, núi trôi chảy, đó là vì núi đang ca hát.   Vì sơn thủy là Pháp, sơn thủy cũng là Kinh.  Sơn Thủy Kinh.   Vì hoa đào là Pháp, hoa đào cũng là Kinh.  Kinh Hoa Đào.
Và ta tiếp tục đọc Kinh Hoa:
- Gió và mưa
Giữa những cơn cuồng dại
Những cánh hoa đầu mùa.
                                    Chora
Hoa đào nở ra mùa Xuân.  Gió và mưa không ngăn được điều đó.  Hoa mong manh đến thế, vô thường đến thế nhưng chẳng gì mãnh liệt hơn hoa.  Giữa gió và mưa, hoa là tình yêu.  Hoa là thiên sứ của tình yêu, của bờ bên kia.  Như lời Tagore: "Ở giữa thế gian như thành vàng Ravana, chúng ta luôn luôn sống lưu đày khi cõi trần giăng bã vinh hoa và muốn chiếm hữu chúng ta.  Hoa lại đến với chúng ta, hoa mang tin từ bờ bên kia.  Hoa thì thầm vào tai chúng ta:  Em đến đây, người bảo em đến.  Em là sứ giả của cái đẹp, của người mà tâm hồn chan chứa tình yêu…"(2)
Hoa xuống đời, lẫn vào cuộc sống, lẫn vào tiếng chuông chùa.
- Một đám mây hoa
Chuông chùa Ueno vọng
Hay chùa Asakusa?
                                    Bashô  
Nhà thơ không phân biệt được tiếng chuông từ đâu vọng tới.  Và cần gì phân biệt?  Hoa đào không nở từng đóa đơn độc mà nở thành quần thể muôn nghìn đóa, vì vậy được gọi là "mây hoa" (Hana no kumo: hoa vân).  Hoa không tự phân biệt mà hòa lẫn vào nhau.  Hoa vì tiếng chuông mà đến hay chuông vì hoa mà ngân? Hoa chẳng phải là "một công án sống" sao? Chẳng hạn:
            - Hoa đào nở
Chim thì hai cánh
Ngựa có bốn chân.
Onitsura
Cái như tính của sự vật (Hoa đào tính, chính, ngựa tính…) có thể làm ta ngạc nhiên, có thể không.  Onitsura đơn giản ghi lại cái như như đó.
Trong cõi chân không diệu hữu, sao mai vẫn cứ là sao mai, hoa đào là hoa đào và mây là mây: Kìa ngôi sao mai
- Tách khỏi hoa đào
Giữa trận mây bay.
                                    Kikaku
Sao mai trên trời thì tách mình khỏi hoa đào nhưng áo rơm người trần thế thì lại muốn giữ hoa trên mình.  Giữa cơn gió loạn, hoa đào tung tán khắp nơi, khi rơi xuống chiếc áo rơm mà người phu chèo chống chiếc bè đang mặc, hoa đã dính mắc đầy áo, như trong bài thơ sau: Trên bè giông bão
- Áo rơm người chèo chống
Hóa áo hoa đào.
                                    Buson
Khi hoa đào nở (sau 51 tuần vắng bóng trong năm) thì khắp nơi vây phủ mây hoa.  Thế giới trong vài ngày biến thành thế giới của hoa đào.
- Bước vào hoa đào
Người người lũ lượt
Bước ra hoa đào.
                                    Chora
Đào nguyên có giữa lòng đời.  Chúng ta "bước vào" nó và chúng ta "bước ra" nó.   Thiền Sư Ikkyu (Nhất Hưu) có viết một bài đạo ca như sau:   "Từ dục tình của đời, tôi trở về cõi vô dục, một thoáng nghĩ ngơi, mưa có rơi thì rơi, và gió lên mặc gió!"
Hoa đào đến thế gian, đến cõi Ta bà này như để cứu rỗi nó.  Cái đẹp cứu rỗi thế gian, Issa dường như nói vậy, cũng như Dostoievsky từng nói?
- Hoa đào ban đêm
Như từ trời xuống 
Những người con gái tiên.
                                    Issa
Hoa đào với Issa, Buson, Bashô và với hầu hết nhà thơ Nhật thường chứa đựng trong nó một vẻ huyền ảo, linh thiêng:
- Đỉnh Yoshino
Nuốt mây trên trời cao
Và thở ra hoa đào!
                                    Buson
            - Chuông chiều tắt dần
Hương hoa đào ấy
Vẫn còn rung ngân.
                                    Bashô
Issa dù được mệnh danh là "nhà thơ của đời thường" nhưng dường như với ông, đời thường chính là tôn giáo.  Cho nên:
- Quan Âm Phật Bà
Nơi nào có mặt
Anh đào ra hoa.
                                    Issa
Như vậy, có thể nói nơi nào có hoa, nơi đó có Phật.  Tính chất hoa đào, hay hoa nói chung và tình yêu là một.
(1) Moon  in a Dewdrop, Zen Master Dôgen, Element Books, 1988, trang 115.
(2) Sadhana, Tagore.  Theo bản Việt dịch của NXB An Tiêm: Thực hiện toàn mãn. 
-- o0o --