Anh Lạc Sang Tàu  Kỳ I
(Bút ký hành hương Trung Quốc)
Thiện Anh Lạc
--o0o--
 
Anh Lạc sang Tàu có nghĩa là Thiện Anh Lạc sang Tàu hành hương, chứ không phải có anh nào đã bị lạc sang Tàu, không biết đường về đâu nhé.
Ngày xưa, tôi đã đọc cuốn "Phi Lạc Sang Tàu", nhưng chưa lần nào có ý muốn đi Tàu vì tôi rất sợ chế độ và dơ bẩn ở xứ này. Cách mạng văn hoá vẫn làm tôi rùng mình sợ hãi. Vậy mà tôi lại có duyên đi, rồi còn lưu luyến những thánh tích nơi đây nữa chứ, mặc dù bên Tàu có những nơi dơ bẩn khiếp hồn, thực tế nhất là hệ thống nhà vệ sinh công cộng, nơi cần kíp cho mọi người để giải quyết phiền não trong vấn đề đã vay mượn 'đất, nước' từ bên ngoài vào. Ai chịu đựng nổi những thực tế phũ phàng này mới có can đảm cất bước lên đường. Với tôi, đó chỉ là chuyện nhỏ nhặt, người ta chịu nổi thì mình cũng phải chịu được mới là 'cừ khôi' chứ ….
Lâu rồi, tôi có đọc chuyện về một vị du Tăng Trung Quốc.
" Ngài đến tu tại một chùa ở trên núi, mà chùa trên núi thì hệ thống nhà vệ sinh này đến nay vẫn còn thô sơ, nên chúng trong chùa, không ai muốn quét dọn nơi đây cả khi làm chấp tác, phân công đến phiên mình, các chúng chỉ làm lấy lệ nên càng lúc càng dơ bẩn. Riết rồi cứ đùn nhau làm việc quét dọn này. Bổng nhiên, sáng hôm ấy, ai nấy đều ngạc nhiên khi nhà vệ sinh được quét dọn sạch sẽ, tươm tất, thơm tho … Thầy trú trì ngạc nhiên lắm, Thầy hỏi ai, ai cũng lắc đầu không phải. Chuyện cứ như thế mà trôi qua, không một ai thắc mắc, lo lắng đến phiên mình dọn dẹp nữa vì sáng nào nơi này cũng sạch sẽ. Thầy trú trì hỏi mãi không được vì chúng Tăng trong chùa quá đông. Thầy nảy ra một ý kiến là sẽ đi rình, trải qua bao giờ giấc khác nhau, Thầy cũng không tìm ra manh mối. Thầy chợt nhớ đến vị Tăng mới nhập chúng không bao lâu, thế là Ngài theo dõi. Ngài theo dõi vị Tăng này khó nhọc và khá lâu mới chợt thấy vào nửa đêm, khi các chúng Tăng khác đã chỉ tịnh, Ngài mới từ từ bước ra khỏi hậu liêu, nhẹ nhàng, thong thả ra giếng gánh nước về đổ đầy lu trước nhà vệ sinh, rồi xối nước, lấy chổi cọ quét thật yên lặng. Ngài làm hết dãy nhà này lại sang dãy khác mà làm cho xong hết rồi mới len lén vào hậu liêu chỉ tịnh. Mọi động tác của Ngài êm đến độ không một ai biết ngay cả Thầy trú trì, Ngài làm trong hoan hỉ và chánh niệm. Theo dõi một thời gian nữa, Thầy trú trì chịu không nổi nữa đã xông ra đãnh lễ vị Tăng này, vị Tăng đang làm việc, trông thấy Ngài Trú Trì, biết việc mình làm đã lộ nên Ngài đã từ chối cái lạy của Sư , chào bái biệt Sư Trú trì rồi ra đi mất dạng."
Sang đây rồi, nhớ lại chuyện xưa, tôi kính phục Ngài không bút nào kể xiết, vì Ngài đã làm được những chuyện không ai làm nổi.
Đây là lần thứ hai, tôi sang Tàu với lòng mong đợi, khẩn cầu để được đến chiêm bái hai nơi còn lại trong Tứ Đại Danh Sơn, đó là Ngũ Đài Sơn và Nga Mi Sơn.
Lần thứ nhất, cách đây bốn năm, tôi chẳng biết gì về bốn ngọn núi thiêng liêng này, chỉ nghe cô bạn thân lấy chồng người Hoa, đi tuần trăng mật về kể lại chuyến đi viếng thăm Trung Quốc, nhất là nơi có nhục thân của Lục Tổ Huệ Năng. Vậy mà Cô ta cản tôi đừng có đi, vì Cô ta hãi hùng quá và nhất quyết không trở lại.
Tôi không thích những thắng cảnh du lịch bằng ước ao được chiêm ngưỡng kim thân Ngài, nên khi ấy, tôi chỉ đi Tàu với mục đích duy nhất được đãnh lễ nhục thân còn lại của Ngài, viếng thăm những chùa có di tích lịch sử. Như nơi Ngài đã trả lời cho hai vị Tăng "không phải là gió động hay phướn động mà là tâm các Thầy động".
Nơi Ngài đã giã gạo vẫn còn cái cối, tháp thờ tóc Ngài, nơi có con suối Long Tuyền Ngài giặt y áo trước khi xuống tóc, nơi thờ nhục thân Ngài ….
Tuy nhiên, theo chương trình, tôi có ghé qua Cửu Hoa Sơn ở tỉnh An Huy để đãnh lễ Địa Tạng Vương Bồ Tát, biết về Bồ Tát Kim Kiều Giác, lễ lạy nhục thân của Ngài. Đến Phổ Đà Sơn để biết về Bồ Tát Quan  m"bất khẳng khứ", lễ lạy đức Quán Thế  mở các chùa nơi đây.
Riêng chuyến đi này là một nhân duyên lớn đối với tôi, tôi chỉ biết trước có hai, ba tuần trước khi đi, nhưng tôi còn do dự đủ thứ, rồi như có một sức mạnh vô hình thôi thúc để đi đến quyết định buông hết để ra đi, trong vòng năm phút. Đời tôi, những phút bốc đồng như thế là chuyện thường nhật, tôi làm, hành động theo sự hiện diện, điều khiển từ nghiệp lực, tâm thức.
Con người luôn luôn mong cầu, tôi cũng là con người nên không thoát khỏi nghiệp lực này đã huân tập lâu đời. Biết có bốn nơi linh thiêng, đã đi được hai nơi, còn lại hai nơi chưa biết, cũng hơi ấm ức. Cho nên, tôi vẫn cầu xin Đức Văn Thù, Đức Phổ Hiền cho tôi đến núi các Ngài ngự trị để tôi chiêm bái, đãnh lễ các Ngài ít nhất một lần trong đời - Tôi có chị bạn ở Pháp đã đi Trung Quốc đến bốn lần, sẽ đi tiếp vào cuối năm nay là lần thứ năm. Có một Vị Thầy ở Pháp đã nói với tôi rằng " Đi hành hương cũng là một Pháp môn tu học như những Pháp môn khác như Thiền, Tịnh Độ, Duy Thức, Hoa Nghiêm, Mật …. Tông"
Tôi không có thì giờ, khả năng, định lực và sức khoẻ để theo Pháp môn này. Tôi chỉ đi với tính cách hành hương, chiêm bái Phật tích, học hỏi thêm điều ích lợi.
Đến Bắc Kinh vào buổi trưa, nhiệt độ nơi đây là 40 độ C, trời nóng bức, nắng gay gắt làm tôi say nắng, lảo đảo ra xe, bỏ luôn bữa cơm trưa để về khách sạn nghỉ ngơi. Buổi chiều, nhờ trời có mây, nên tôi tỉnh táo hơn để ra phi trường đón phái đoàn Mỹ. Sau đó, phái đoàn đi ăn tối ở một cao lâu rồi về khách sạn nghỉ ngơi.
Tôi học liền bài học ngày hôm ấy khi tôi được ngồi trong Taxi có máy lạnh cảm thấy mình hạnh phúc hơn những người đang còng lưng đạp xe dưới ánh nắng, giữa không khí hâm hấp nóng, rin rít khó chịu nơi da. Bài học vỡ lòng này phá tan ngay cảm giác khó chịu bởi khí hậu mùa hạ khi tôi ở Bắc Kinh hai ngày, sẽ còn dài dài khi tôi đối diện với cái nóng mùa hạ nơi này … Thành phố này vẫn còn nhiều xe đạp, người nghèo, tuy họ đã thay đổi hẳn, y phục có phần nhẹ nhàng, màu sắc hơn.
Thú vị làm sao khi ngày 'xuất hành' cho chuyến đi này, chúng tôi lại đi xuống … nhà mồ … Thật là hy hữu khi ta thấy chuyện ۠trước cái đã rồi hẳn tính sau …
Thập Tam Lăng Đời Nhà Minh:
Chúng tôi đi thăm một trong 13 ngôi lăng tẩm của nhà Minh, Vua chúa dưới triều nhà Minh đều đóng đô ở Bắc Kinh nên mới có đến chừng ấy lăng. Nơi đây có 13 ngôi mộ của 13 vị Vua. Ngôi lăng này cách thủ đô Bắc Kinh chừng 20 cây số. Chúng tôi chỉ thăm ngôi thứ 13 là ngôi tiêu biểu. Lăng Vua Vạn Lịch.
Vua Vạn Lịch là con thứ tư của Vua Chu Nguyên Chương (Minh giáo - Cô Gái Đồ Long) - lập kinh đô ở Nam Kinh. Vua Vạn Lịch lập kinh đô ở Bắc Kinh. Sau khi kế đô đã vững, Vua nhờ Thầy địa lý xem địa mạch để lập lăng miếu. Thầy địa lý đã cố vấn nhà Vua xây lăng miếu ở vùng dãy núi phía Tây này gọi là Yên Sơn.
Người Trung Quốc quan niệm đào mồ mả của Tổ Tiên lên là điều tối kỵ Nhưng họ đã khai quật đến ba ngôi mộ và mở cửa cho du khách vào xem thu tiền. Đoàn đi thăm Định lăng, tức lăng Vua Minh thần tông, niên hiệu Vạn Lịch thứ 13 (1573-1620) - Minh Triều - Là Lăng lớn thứ nhì, rộng đến 1195 thước vuông, nằm sâu dưới lòng đất, nên còn gọi là Cung điện ngầm. Xây toàn bằng đá kiên cố, cửa chính cao hơn 3 thước, rộng 2 thước, có chốt bằng đá.
Lối vào lăng bằng phẳng, có bảo tàng viện bên phải, bảng chỉ dẫn, hàng quán hai bên. Từ cửa ngoài vào bên trong là một sân rộng mát, lát những viên gạch lớn, đỏ như gạch "Tàu", xung quanh có trồng những cây lớn tựa hồ cây phi lao, những bồn hoa muôn sắc, lá muôn màu. Có một tấm bia lớn nhưng trống trơn, vua cho rằng công đức Vua quá lớn nên ghi chữ không hết nổi trên một tấm bia này.
Đi một lúc, có cầu thang bằng xi măng, hay đá leo lên, hai bên chạm trổ hình con rồng đang uốn éo trên hai phiến đá trắng. Đường bắt đầu lên dốc từ từ sau khi leo cầu thang. Chúng tôi đi dọc theo những toà nhà xưa, những ngọn đồi nhỏ, đường đi quanh co, có những tảng đá lớn nằm dọc theo đường cùng những cây thông, cây phi lao, tùng bách, những bụi cỏ, cảnh vật buồn tẻ, đồi núi khô khan, ít cây cỏ nên không khí nóng hừng hực.
Cuối cùng, chúng tôi đến cửa Lăng, người đông nghìn ngịt, chen lấn, xô đẩy. Đây chỉ có một lối vào, cuốn theo dòng người, tôi nhích từng bước một xuống Lăng.
Càng xuống sâu, không khí càng trở nên mát rượi, rờn rợn vì ở dưới không khí thật loảng, ẩm thấp tựa như âm phủ vì thiếu lỗ thông hơi. Người ta phải đào sâu đến 28 thước mới thấy được hài cốt. Khi khai quật, tìm được 9 hộp đồ lớn chứa 3,000 đồ quý như ngọc ngà, châu báu.
Bóng tối đã mờ phủ lên chúng tôi dày đặc, tôi chỉ thấy lờ mờ qua những ngọn đèn nê ông lù mù. Bên dưới lòng đất được cấu tạo như ngôi nhà bình thường, gồm phòng ngủ, phòng khách, phòng làm việc. Dưới quan tài có đào cái giếng, người Hoa quan niệm đất và nước là hai thứ không thể thiếu trong đời sống(?) hằng ngày.
Xuống sâu đến tận cùng, tôi mới thấy được ba cái ngai vàng, vài ba cái lục bình, hòm xiểng lủ khủ 3 cái lớn nhỏ của Vua và hai hoàng hậu, tất cả đều sơn màu đỏ. Hòm của Vua là lớn hơn cả, lớn gấp ba bốn lần cái thường vì còn chứa nhiều thứ lỉnh kỉnh trong đó như áo quần, vàng bạc, phải rộng rãi, thoải mái cho Vua … nằm .
Mùi tử khí vẫn còn quanh quất đâu đây chứ chưa hề tan loãng hết theo thời gian, người tôi ớn lạnh, nổi gai óc từng cơn vô cớ. Chợt thấy bùi ngùi thương cảm cho những người vô tội bị chôn sống theo Vua, cầu xin cho họ đuợc siêu thoát.
Dòng người cứ xô tôi đi tới, đi hết một vòng, phút chốc, đã đến những bậc cầu thang đi lên, leo lên một lúc lâu, tôi mừng rỡ khi thấy ấm áp, ồ ánh sáng mặt trời ..
Lững thững bước ra ngoài, tôi suy tư mãi về vấn đề sinh tử và phong tục từng nơi. Dù là Vua hay dân, chết là hết, ra đi với hai bàn tay trắng như lúc mới chào đời, sao lại còn rườm rà quá làm gì vậy ? Để giờ này, nơi yên nghỉ cuối cùng cũng chẳng được yên. Mỗi ngày, rầm rập có đến bao nhiêu ngàn người ồn ào kéo đến dòm ngó, sờ soạng. Nhà nước cấm chụp hình, quay phim nên cũng còn yên được phần nào …Không như những bậc cao Tăng Phật giáo, viên tịch để lại nhục thân trong chùa để hậu thế đến chiêm ngưỡng lễ lạy.
Trong chuyến du lịch ở những thành phố lớn, có những chương trình bắt buộc du khách phải đi vào những cửa hàng quốc doanh. Hai chuyến đi tôi không tránh khỏi, chuyến đi này, còn mất thì giờ đi nhiều hơn chuyến trước. Kỹ nghệ Trung Quốc phát triển nhanh quá nên có nhiều thứ phải xem để mua. Chúng tôi bị bắt buộc phải đi tiệm thuốc "Dân Tộc" để ai có muốn khám bịnh mua thuốc cho khoẻ mạnh mà đi tiếp cuộc hành trình dài …Dù có mất thì giờ, không muốn đi nữa, cũng phải vào ….Trước nhất, đoàn phải vào trong phòng họp, uống nước trà nóng để tỉnh táo nghe quí vị "đốc tờ" quốc doanh nói về bịnh tình về "tam độc" trong người, nhưng "tam độc đây" không phải là "tham sân si" đâu nhé, mà là lục phủ, ngũ tạng, tim gan tì phế có chất độc, bị 'nóng' nên phải làm cho nó mát, thận suy, gan yếu ….. Sau đó, ai nghe bùi tai, thấy mình có bịnh thì cứ sang phòng bên cho bác sĩ đông y bắt mạch cho thuốc. Thuốc rất đắt, nghe đâu cũng rất tốt, uống vào, hết bịnh trong vài ngày.
Đi tiệm thuốc 'Dân Tộc' khám bịnh là chương trình bắt buộc của nhà nước Trung quốc. Tôi chẳng khám bịnh hay bốc thuốc gì cả cho 'tam độc' nơi thân tôi, tôi cần diệt 'tam độc' từ tâm tôi trước cái đã, rồi mấy chục cái độc khác từ thân cũng sẽ theo đó mà tiêu dần ….. Tâm có Lạc thì thân mới An.
Ăn cơm trưa xong, trên đường đến Vạn Lý Trường Thành. chúng tôi lại được "mời" đến thăm cửa hàng khác bán đủ thứ , từ ngọc ngà cho đến tơ lụa, tranh tượng …Giá cả cao vút đến cung trời "Dạ Ma" … khách hàng mặc sức trả giá đưa người bán xuống tận cõi trời "A Tu La" …Vào những nơi này làm mất thì giờ của du khách rất nhiều cho những ai không thích đi, những nơi chính bị cấu thời gian rất nhiều. Đành chịu, đừng có nổi 'sân' bất tử mà 'độc' lại phát sinh thì khốn đốn, ai dại !!!!!
Vạn Lý Trường Thành:
Xây vào đời Minh năm Hoằng Trị thứ 18 (1505) tu bổ vào năm Gia Tĩnh. Thời Xuân Thu, các nước Yến, Triệu, Tần đắp thành phòng Hung Nô ở phía Bắc tràn xuống. Sau khi Tần Thủy Hoàng gom thâu lục quốc, các thành lũy này được xây nối tiếp vào nhau trở nên một bức tường thành ngàn dặm, các triều đại sau tiếp nối tạo ra một trường thành dài 6700 cây số, cao đến 6/7 thước, rộng từ 4/5 thước, hai bên thành có chiều cao khác nhau. Phiá Tây cao gần 2 thước, có chừa những lỗ trống để quan sát địch thủ bên ngoài, phía Nam cao độ 1 thước để dễ quan sát bên trong thành. Thành được xây trên núi cao, dài dài theo thành là những điếm canh cao chót vót để dễ dàng quan sát tứ phía. Tất cả đều xây bằng đá cứng, nhưng đã bị hao mòn nhiều theo thời gian và chân người. Người xưa quá cao lớn căn cứ theo hai bộ áo giáp đặt hai bên cửa thành, nên những bậc thang lên thành vừa cao, vừa thẳng đứng, diện tích mỗi bậc lại nhỏ, vừa đủ bàn chân, leo không khéo, không chánh niệm, rất dễ bị ngã vì mệt, say nắng, chóng mặt. Đây là một kiến trúc cổ vĩ đại nhất thế giới.
Hôm ấy trời đẹp nên tôi cũng leo, mặt trời chói, người đông, leo khó, trời nóng … tôi suýt trượt ngã mấy lần vì mãi lo lấy hình vào máy. Sau cùng, lên đến chòi canh là nơi cao nhất, nhìn xuống, tôi mới thấy không uổng công leo nhưng không dám nhận mình là 'Hảo Hán' mà chỉ thấy mình thở 'hổn hển', rồi 'hồi hộp' bị ngã giữa đường khi đi xuống. Cảnh vật xung quanh nhỏ xíu, núi đồi hùng vĩ chập chùng nối tiếp nhau uốn lượn lên xuống đến tận chân trời. Màu xanh của cây cỏ, nâu của đất, xám của đá, đen của núi trên mặt địa cầu, tiếp giáp với màu trắng của mây, xanh biết của bầu trời trong tương phản hài hoà, điểm thêm một vài tia nắng lung linh hoàng kim, sắc óng ánh, một bức tranh thiên nhiên vô giá tác động mạnh vào tâm hồn người thưởng thức một ấn tượng vô ngã trước tạo hoá bao la, huyền bí. Đứng trên một nơi cao ngất trời làm mình cảm nhận được sự nhỏ bé của mình trước thiên nhiên vi diệu, bao nhiêu tâm lượng xấu xa, hẹp hòi dường như đã tan biến …
Ở Vạn lý trường Thành về, ăn tối xong, đoàn đi xem hát xiệc Trung Quốc. Xiệc diễn rất hay, luyện tập cho dẻo người thật công phu, đó cũng là món đặc thù của Trung Quốc. Nhạc bản xứ phát ra từ chiếc loa vặn hết mức muốn thủng màng nhĩ, rạp chật ních người, không có máy lạnh nên hầm và ngộp đến tắt thở, mùi hơi người xông lên lẫn với mùi rạp hát, nệm ghế cũ, mùi thuốc lá làm tôi chợi nhớ đến quê hương vào những tháng sau cùng, còn ở lại, tôi cùng bạn thân đi xem chớp bóng, mỗi người có cái quạt giấy trên tay phe phẩy ….. Xong hát, ai nấy mừng rỡ ra về … có nhiều người trong đoàn thú thật với tôi là đã đánh hết mấy giấc mộng lành. Tôi trái lại, đã thích thú xem và thu ảnh lại hết từ đầu chí cuối.
Ngày cuối ở Bắc Kinh, đoàn đi thăm 'Cố Cung', chùa An Lạc hay chùa Lạt Ma.
Cố Cung:
Vốn là Tử Cấm Thành, chữ Tử có nghĩa là màu tím chứ không phải là chết. Cung điện trên trời màu tím, nên cung Vua dưới trần thế cũng vậy, đàn ông, không ai được vào đây ngoại trừ Vua, và các Thái Giám. Các quan khác đã có nơi gặp riêng ở phía sau điện Thái Hoà. Cấm là Cung cấm, người nữ được (hay bị) tuyển vào đây rồi thì khó có ngày trở ra thế giới bên ngoài gặp lại người thân.
Nơi đây có kiến trúc cổ kính, to lớn còn lưu lại hoàn chỉnh nhất ở Trung Quốc. Khởi xây năm Vĩnh Lạc thứ tư (1406) triều Minh, hoàn thành 14 năm sau đó, cách nay gần 600 năm, trải qua 24 đời vua - Nhà Minh và Thanh. Chiếm một diện tích hơn 72 vạn thước vuông, bao gồm 9999 phòng ốc chiếm khoảng 15 vạn thước vuông, Ngọc Hoàng có 10,000 phòng, còn Thiên Tử Trung Hoa ví như con trời, nên phải thua Vua trời một phòng. Thế thì câu "Con hơn cha thì nhà có phước" chẳng hợp thời nơi đây tí nào cả.
Được chia làm hai phần là Ngoại triều và Nội đình. Ngoại triều lấy ba điện Thái Hoà, Trung Hoà & Bảo Hoà làm trung tâm, hai cánh có Văn Hoa điện và Võ Anh điện , Ngoại triều là nơi Vua hành xử quyền lực, tiếp đón khách khứa. Sau khi qua sông Kim Thủy và cầu Ngọc Đai sẽ gặp hai con Sư Tử đứng giữ cửa. Dưới chân Sư tử đực có quả cầu tượng trưng cho sức mạnh, dưới chân Sư Tử cái là Sư Tử con tượng trưng cho việc lưu truyền nòi giống. Gần đấy có hòn đá chạm mặt Sư Tử, trên mặt Sư Tử có đục một lỗ sâu để Vua cho roi cưỡi Ngựa vào đây. Các quan đại thần muốn đến gặp Vua, cứ đến đây xem có roi hay không, roi không có là Vua đã đi vắng. Hai bên có hai dãy nhà cho các quan để mũ của mình lại đây để tôn kính nhà Vua. Khi Vua thấy mũ tại đây, Vua biết các quan đại thần muốn gặp Vua.
Thái Hoà điện là nơi Vua tiếp các vị quan. Là điện lớn nhất, nơi đặt Ngai vàng, diễn ra những nghi lễ lớn, quan trọng, như lễ đăng quang, thượng thọ. Các quan phải quỳ xuống trong sân, trước điện Thái Hoà để tung hô nhà Vua. Chỉ có Tăng Sĩ Phật giáo là không phải quỳ dưới chân Vua, ngược lại, cả gia đình, gia quyến các vị Vua phải quỳ mọp đảnh lễ các Ngài.
Nơi đây, trống hốc, trơ trọi, không có trồng cây cỏ vì sợ Vua bị phục kích. Hai bên sân điện, có những chiếc lư rất to lớn, bên dưới có lò đun, có những giả thuyết, lư đựng nước để chữa cháy - lư để đun nước cho ấm vào mùa đông - lư để nước để không khí bớt khô khan vì không có thảo mộc - Hay là những lò hương. Dưới sân điện lót đến 15 lớp gạch chồng chéo lên nhau để phòng kẻ ám sát Vua đào hầm. Nền điện xây cao 3 tầng, trên mái ngói có 9 con vật tượng trưng 9 ngôi sao trên trời, chỉ có Vua mới được như vậy. Còn nhà dân không được cao hơn 1 tầng, nhà quan không được cao hơn 2 tầng. Điện có 9 gian, hai bên có nhà kho đựng lương thực, có đồng hồ bằng ánh sáng mặt trời. Trên điện có hai con hạc cưỡi hai con rùa, tiêu biểu cho hạnh phúc (hạc), sống lâu (rùa). Chính giữa điện có chiếc Ngai Vua, ngay lối giữa bước lên 9 cấp, hai bên thấp hơn chỉ có 7 cấp.
Trung Hòa điện cũng có Ngai Vua nhưng nhỏ và xấu hơn, nơi đây chỉ là nơi Vua nghỉ ngơi, thay xiêm y trước khi ra tiếp các đại thần.
Bảo Hoà điện dùng để tổ chức các khoa thi cử và các vị Tiến Sĩ, Thám Hoa, Bảng Nhãn, tuyển chọn phò mã cho Công Chúa.
Nội đình gồm Càn Thanh cung, Văn Thái điện, Khôn Vũ cung, cùng với Đông Tây lục cung, là nơi Vua xử lý chuyện hằng ngày, nơi ở của cung tần, mỹ nữ.
Ba cung lớn tráng lệ là nơi Vua sống với Hoàng Hậu. Cung tần mỹ nữ ở hai bên. Ngày nay, có một gian trở thành viện Bảo Tàng, trưng bày áo mão, xiêm y, nữ trang của Từ Hy Thái Hậu hay những cung phi khác.
Đi hết từ điện này sang điện khác, thú thật, tôi thấy sơ sơ nơi nào cũng giống nhau. Trời thì nắng chang chang đến hoa cả mắt, phần thì sợ ‘lạc’ đường phải nhớn nhác chạy theo đoàn, người lại đông nghìn nghịt, chen lấn, xô đẩy, tôi còn phải thu hình, chụp hình (không phải cho tôi đâu) nên không la cà quan sát được trọn vẹn từng nơi một. Đại khái là từ cổng chính vào có một cái sân chầu lớn trước điện Thái Hoà, đi sâu vào trong, có thêm mấy cái sân nhỏ nữa làm khoảng cách cho những cái điện, gạch đá màu xám, những con Sư Tử chầu hai bên cầu thang lên điện, bao quanh điện là một hành lang, dài rộng, có lan can bằng đá, chạm trổ công phu. Điện nào mái cũng cong vút, gạch đỏ đã đổi màu, có nơi bị nứt, vỡ vụn, rêu phong lấm chấm. Máng xối có lưa thưa vài nhánh cây xanh mọc lơ lửng trên không. Trước mỗi điện, trên cao, sát với mái nhà, có tấm bảng ghi tên, vài cái cửa vào điện đã khoá chặt, trong điện chỉ còn vỏn vẹn cái Ngai nẵm giữa ...
Tôi cũng tò mò ghé mắt nhìn qua những tấm kính để thấy phòng ngủ của Vua. Đó là một phòng rộng với chiếc giường lớn, nệm gối bọc gấm, màu sẫm đã cũ, có màng che, trướng rũ, giữa phòng có chiếc tràng kỷ dài, nệm bọc gấm. Đồ đạc chỉ có thế. Gian bên cũng đại khái như vậy …Căn phòng âm u, ảm đạm …
Sâu bên trong, có vườn thượng uyển để Vua giải trí, vườn mát mẻ với nhiều cây cổ thụ lâu đời, nhất là tùng bách, cùng những hoa thơm, cỏ lạ với những tượng, bức phù điêu khắc đẹp tuyệt, những nhà lồng. Không khí nơi đây mát rượi, chim hót líu lo, cảnh vật tao nhã. Chẳng ai muốn rời khỏi nơi đây vì mát quá ….
Rời Cố Cung, đoàn lên đường đi tiệm tơ lụa, ngọc thạch, ngọc Trai, nơi nào, giá bán cũng trên trời ….Những cô bán hàng vồn vã đến độ làm người xem cũng rụt rè không dám lại gần, họ níu kéo, dai dẳng với khách hàng. Những nơi đây chiếm thì giờ còn nhiều hơn ở những nơi viếng thăm chính trong chương trình, một số quí vị trong đoàn cũng thích mua sắm, nên yêu cầu hướng dẫn viên du lịch đưa đi thêm những nơi khác trước khi rời Bắc Kinh. Tôi vẫn chờ như tôi đã chờ ……
Dùng trưa xong, phải ghé thêm cửa hàng nữ trang, tơ lụa, y phục, trước khi đến 'Ung Hoà Cung' đãnh lễ Đức Di Lạc và các Vi Phật, Bồ Tát. Hãy kiên nhẫn chờ.
Ung Hoà Cung Hay Chùa An Lạc:
Công nguyên 1694, Vua Khang Hy xây cung điện cho hoàng tử thứ tư là Diệu Chân. 28 năm sau, Diệu Chân lên ngôi, lấy niên hiệu là Ung Chính (1723 - 1735). Nhà vua dời vào Cố Cung, cung cũ một nửa vẫn giữ làm hành cung, một nửa làm tăng viện. Chẳng bao lâu, hành cung bị thiêu hủy, chỉ còn sót lại tăng viện.
Năm 1725 cung này được đổi tên thành Ung Hoà cung, năm 1744, chính thức trở thành 'Lạt Ma Tự Viện'.
Vì vốn là cung điện trước kia nên Ung Hoà có kiến trúc đặc thù so với các chùa chiền khác. Từ nam đến bắc, cung dài đến 480 thước, gồm có Bi lầu, Chiêu Thái môn, Thiên Vương điện, Ung Hoà đại điện, Vĩnh Hưu điện, Pháp luân điện, Vạn Phúc các, Tuy Thành lầu, Cung rộng khoảng 120 thước. Trang hoàng theo văn hoá
Tây Tạng, những bức phù điêu chạy dọc trên tường, những hành lang, trên trần, đều vẽ và sơn màu nghệ thuật xứ này.
Ung Hoà điện trước kia là Ngân An điện (điện chính của Thân Vương phủ), thờ Tam Thế Phật (Thích Ca, Dược Sư , Di Đà) và 18 vị La Hán. Trong cung có đỉnh lô bằng đồng chạm trổ rất tinh xảo, đúc vào năm 1747.
Pháp luân điện giữa hai nghệ thuật, kiến trúc Hán Tạng, là nơi tụng kinh của Lạt Ma, trên nóc có Lư Kim Bảo Tháp theo lối Tây Tạng. Vạn Phúc các có ba tầng lầu, cao đến 25 thước, xây năm 1750 để thờ pho tượng đức Di Lạc cao 18 thước. Tượng này khắc bằng cây gỗ Bạch Đàn cao đến 26 thước, đường kính rộng 3 thước, do Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 7 thỉnh từ Nepal tặng vua Càn Long, 6/8 thước được chôn dưới đất.
Tượng Đức Di Lạc đây khác hẳn với những tượng khác có bụng to, miệng cười.
"Đại đổ năng dung, dung thế gian, nan dung chi sự"
Bụng Ngài lớn để dung chứa những thứ thế gian người không chứa nổi.
" Từ dung năng tiếu, tiếu thế gian, nan tiếu chi sự"
Miệng Ngài cười những chuyện người thế gian không cười được.
Ngược lại, Ngài có tướng hảo trang nghiêm, đứng uy nghi, trầm tư, miệng chỉ mỉm cười khe khẽ, nhẹ nhàng. Hai tay đều bắt ấn, một tay trong tư thế đưa xuống như đang cứu vớt chúng sinh. Trông Ngài rất dễ lầm với những vị khác nếu không biết hay không đọc bảng chữ trước điện thờ.
Mãi đến bây giờ, chuyến hành hương mới mang đúng ý nghĩa. Đây là lần thứ hai tôi đến đây, vẫn xúc động mãnh liệt khi ngước cao cổ lên nhìn Ngài, chiêm ngưỡng Ngài để tìm chút an nhiên, tự tại, hoan hỉ cho tâm hồn, Ngài mỉm cười, nụ cười thật từ bi, thánh thoát, êm dịu làm sao. Tôi đứng lặng nhìn Ngài một hồi lâu không chớp mắt như bị thôi miên bởi nét điêu khắc hoàn mỹ của cổ nhân, không bút nào tả xiết, cổ mỏi nhừ mà tâm vẫn an lạc, mắt nhìn Ngài, hào quang toả ra từ thân kim sắc phủ lên người tôi một luồng từ điện tôi như được hoá kiếp, cho đến lúc bị hối thúc, tôi bị ném trả lại thực tại, xá Ngài ba lạy rồi lui bước…. Lần này, tôi không được leo lên lầu chiêm ngưỡng Ngài như lần trước vì không đủ thì giờ ở lại lâu.
Bên ngoài sân chùa có một đại hồng chung lớn, bên trên có ghi lại nguyên bài chú "Đại Bi". Vì ngày xưa là Cung điện của Hoàng Tử nên vườn trong chùa rất rộng, đẹp, chăm sóc kỹ lưỡng, có nhiều điện thờ khác nữa nhưng tôi không vào được vì bị lùa ra xe. Phật tử trong đoàn đã tản mát để đi tìm những cửa hàng đầy dãy khắp nơi để mua chuỗi tràng và tượng Phật …..
Phái đoàn phải yêu cầu và làm eo với nhân viên du lịch lắm mới được viếng thăm Di Hoà Viên vào cuối ngày. Không còn nhiều thì giờ, giờ giấc thăm viếng cũng gần hết nên không vào được bên trong, tuy nơi đây có ghi trong chương trình.
Di Hoà Viên, Vườn Nghỉ Mát Mùa Hạ Của Bà Từ Hi:
Vua Càn Long nổi tiếng là rất có hiếu với mẹ, như vua Tự Đức nước ta. Khi mẹ về già, ông báo đền công sinh thành dưỡng dục bằng cách cho xây Di Hòa Viên để mẹ ông an hưởng tuổi già. Nhưng nhiều người đời sau không trọn tin vào lòng hiếu của vua, nên bảo đó chỉ là cái cớ, thật ra vua xây cho vua để hưởng nhàn. Công quỹ đổ vào đây rất nhiều: nào đào hồ, đào non bộ, xây chùa, dựng tháp, hàng hàng lớp lớp tòa ngang dãy dọc, gần như một cung điện chính tại Tử Cấm Thành .
Ngoài vườn trồng nhiều cây tùng, cây bách rất quý và có cả ngôi tháp thờ tóc của mẹ Vua. Từ cửa vào đến bên trong, đến bên hồ là khu vườn trồng nhiều loại cây xanh, có cây sống hơn 500 năm, có những tảng đá nhỏ trang trí rải rác khắp nơi, đá quí được mang về từ miền Nam TQ. Những căn nhà nhỏ, những bãi cỏ xanh rì …. Đi một khúc quanh, đến được bờ hồ Côn Minh, hồ rộng mênh mông, có thuyền cho du khách dạo, tôi không nhìn thấy cảnh bên kia hồ, một hồ sen trắng nhỏ, nằm ở góc hồ, phong cảnh rất thơ mộng, yên tĩnh. Một dãy nhà dọc theo hồ dài đến 793 thước gọi là Du Nguyệt Môn. Mỗi gian có 4 cột, có tất cả 280 gian, tôi cứ thả bộ dọc theo từng gian một, mái cong, thấp, cửa sổ, cửa cái đã đổi màu sậm, những gian này bị siêu vẹo theo thời gian nhưng chưa có gian nào được trùng tu lại.
Trong Hồ có xây một ngôi chùa rất lớn gọi là Phật Hương Các. Đường lên chùa có trang trí 12 con giáp làm bằng đá Thái Hồ rất đẹp, trồng những cây cảnh quí báu.
Tôi không đủ duyên viếng chùa, lễ Phật.
Không thẹn với tên Cung điện mùa hạ, bên ngoài thành phố, khí hậu nóng bức đến phát mệt, vậy mà bước sâu vào đây, không khí mát rượi hơi nước, gió thổi lồng lộng …. Tôi đi dọc theo hành lang bờ hồ ngắm cảnh, mặt hồ gợn sóng lăn tăn xa tít đến tận chân trời, mặt trời đỏ ửng, hoàng hôn lướt trôi chầm chậm, ráng chiều soi xuống nước, kéo lê một vệt vàng lóng lánh, óng ả, rồi chợt đứt khúc theo những đợt sóng dập dềnh, như cuộc đời chuyển biến theo tâm thức phân biệt, khi đẹp, khi xấu, khi vui, khi buồn, khi thịnh, khi suy, cứ nối tiếp nhau mãi không dứt, nhưng ... nước vẫn là … nước, sóng đâu có ngoài nước mà có được đâu ….. Chiều dần tà, những cánh chim, từng đàn, bay về tổ ấm, ríu rít gọi nhau …nhìn lại bên kia hồ, sừng sững cuối ghềnh đá, căn nhà Thủy Tạ, xây sát bên mặt hồ. Những cây liễu xanh mướt, ẻo lã, thỉnh thoảng lại nghiêng mình đón nhận những làn gió lướt qua, từng chiếc lá rũ xuống mặt hồ, nô đùa với làn nước mát. Một loài thảo mộc có sức chịu đựng bền bỉ, kiên cố nên đã được đức Quán Thế Âm cầm lấy trên tay.
Đi một lúc, tôi đến ao sen trắng, nơi đây, có khúc quanh, uốn tròn vào nội địa thành một cái ao, mùa này, sen chưa có nhiều nên chỉ lưa thưa vài búp, còn lại toàn lá, đi đâu mà thấy được hồ, ao sen là tôi vui rồi …. Đi vòng theo hành lang một đoạn nữa, nhà cửa, cung điện đã biến mất sau khúc quanh, còn lại là khu vườn hay công viên, tôi không rõ. Đường dọc theo hồ trải gạch, đá trắng xám, có hai rặng phi lao, song song với dãy hành lang chạy dài có nóc nằm phía trong. Tận cùng là vườn cây với một ao sen trắng, có chiếc cầu bắc ngang, Phật tử trong đoàn chỉ dừng lại, ngồi chơi nơi đây rồi vòng trở ra ….
Ăn tối xong, đoàn đi thăm quảng trường Thiên An Môn để chờ giờ ra ga xe lửa đi Đại Đồng.
Quảng Trường Thiên An Môn:
Rộng độ 44 mẫu tây (hectare metre). Đây là quảng trường lớn nhất thế giới, đèn đuốc sáng choang, cảnh trí khoáng đãng, nhưng sao tôi cảm thấy ớn lạnh nơi xương sống khi nhớ lại khung cảnh sinh viên biểu tình đòi dân chủ, tự do đã bị đàn áp nặng nề và chết rất nhiều nơi đây.
Ảnh và lăng Mao Trạch Đông trước mặt, còn có ảnh Bác Sĩ Tôn Dật Tiên. Quốc hội cũng gần đó, bên trái. Trời nóng, sau một ngày mệt mỏi, nơi này chẳng có gì thú vị để thưởng thức, tôi ra xe sớm nghỉ ngơi chờ đoàn về sau.
Ga xe lửa ở Tàu khá hơn ÂẤn Độ nhiều, tân tiến, sạch sẽ, có chỗ có thang cuốn lên lầu, nhưng không đông bằng nhưng chưa bằng được các nước tân tiến vì vẫn còn chen lấn. Từ cửa vào sân ga khá xa nên việc chuyển hành lý thật nhiêu khê, hành lý phải khuân vác lên lầu, rồi lại xuống lầu vài lần vài đoạn đường mới đến được sân ga. Quý Thầy trẻ và các anh thanh niên phải đi làm hai ba chuyến mới xong đám hành lý cồng kềnh như vậy đến sân ga. Còn một đoạn trường nữa là chuyển tất cả hành lý từ sân ga lên xe lửa thật nhanh, chỉ có 8 phút để hoàn tất.
Tuy nhiên, nhân viên du lịch đã đặt trước một toa hạng nhất riêng cho đoàn nên chúng tôi thoát nạn xô đẩy. Toa có giường ngủ hai tầng, thanh niên nằm trên, già cả nằm dưới, giường chiếu, chăn gối tương đối trắng, sạch, máy điều hoà không khí chỉ chạy khi xe chạy nên những lúc ngừng, trong phòng hơi ngộp ….
Tất cả đã lên Tàu lửa hết, ai nấy thở phào, nói chuyện thăm viếng nhau đôi ba câu rồi về giường mình ngủ vì đêm đã khuya.
Tôi dễ ngủ nên đã thiếp đi một lúc cho đến đúng giờ thức dậy, Công Phu khuya xong thì xe cũng sắp đến Đại Đồng thuộc tỉnh Sơn Tây.
=> Xem tiếp phần 02
-- o0o --