Du Hành Cuối Năm
( Ký Sự Về Khóa Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 1,
Được Tổ Chức Tại Tiểu Bang New South Wales
Từ Ngày 27-31/12/2001)
 
Từ lâu, tôi đã nguyện sẽ dành tất cả thì giờ nghỉ phép cho những chuyến đi hành hương, an cư kiết hạ và tu học. Ðã lâu rồi, dễ chừng hơn tám năm qua, tôi không có cơ hội đi tu học do giáo hội tổ chức vì các Thầy còn bận rộn nhiều việc Phật sự tại trú xứ mình.
Vào những tháng cuối năm ngoái, khi về chùa Sám Hối, tôi thấy một yết thị thông báo năm nay giáo hội sẽ tổ chức khoá tu bốn ngày tại Sydney. Lòng tôi mừng thầm, muốn đi, nhưng lại chê ít ngày quá, làm sao tu đủ, chưa ổn định, làm quen với môi trường xung quanh, đã phải sửa soạn đi về rồi. Vì thế, tôi cứ lừng khừng, nửa muốn đi, nửa không vì phải đi xa đến hơn hai ngàn cây số, chỉ để tu học có bốn năm ngày, rồi sau đó lại về thì ... hơi uổng công đi. Nhưng lạ kỳ làm sao, một khi tôi đã khởi tâm niệm muốn đi tu học, là cứ bị ám ảnh ngày đêm, bứt rứt không yên nếu không định đi nữa, phải nghĩ đến mãi, nuôi cho lớn mạnh ý nghĩ, phải thực hiện cho bằng được mới yên.
Thế là tôi quyết định đi Sydney tu học bốn ngày. Ðiều cần làm thứ nhất là phải rủ bà con Phật tử đi đông đông cho vui, chứ thui thủi đi một mình, kể cũng hơi buồn, cô đơn đấy chứ, mặc dầu tôi rất ăn ý với câu:
Nhất bát thiên gia phạn (Bình bát cơm ngàn nhà)
Cô thân vạn lý du... (Thân chơi muôn dặm xa)
Thế mà thực tế thì không mấy gì thích cô thân vạn lý du cho lắm, nên biện hộ ngay bằng hai câu sau :
- Ăn cơm có canh,
Tu hành có bạn ....
Ðến khi đi hỏi từng bà con Phật tử xem có ai đi cùng không, thì chẳng có bạn nào chịu đồng hành đi tu với tôi hết, ai ai cũng bận rộn chuyện này nọ trong mùa này. Tôi hơi buồn và thất vọng, nhưng nhất quyết ra đi vì đã quyết định rồi, không có gì lay chuyển tôi nữa, thế là tôi tiến hành mọi việc. Bấy giờ, tôi không còn hy vọng một ai đi với tôi nửa, nên tôi định đi và về với Sư Ông để được ké việc đưa đón nơi phi trường. Thế mà nhân duyên bất ngờ đưa đến cho tôi trong kỳ thọ bát quan trai cuối năm. Sư Ông đã kêu gọi Phật tử chúng tôi, đại diện cho chùa, đi tu học cho đông đảo, nhân khi ngài thuyết Pháp, tôi thừa dịp ấy, rủ bà con Phật tử mướn xe đi cho đông và vui. Sau đó, khi gặp tôi, Sư Ông dạy tôi là phải đi lên trên ấy tu học, tôi vâng dạ, y giáo phụng hành. Từ đó, công việc đi du hành đã trôi chảy, thông suốt, đủ thấy Sư Ông quá đức độ, một lời nói của ngài thôi, là tất cả đều hoan hỉ, y giáo phụng hành.
Thế là tôi đã có bạn đi tu học. Xe của tôi có đến mười ba người kể cả Sư chú, con nít có, trẻ trẻ có, sồn sồn có, nhưng không có ông già, bà cả, vì xe hết chỗ. Số mười ba đã không mấy gì làm may mắn theo pháp thế gian. Thế mà hôm trước khi đi, một vị Phật tử vì vô tình, hay cố ý, đã phát ra một lời thiếu từ bi làm tôi hơi sửng sốt:
Ði làm sao mà giống xe chùa Phước Huệ hành hương năm xưa thì đi (Ý nói xe bị lật khi đi từ Melbourne đến Sydney) .
Tôi lúc ấy không giận dữ hay bất mãn, chỉ hơi ngạc nhiên và hết ý kiến vì câu nói hàm hồ ấy. Tôi có sức mạnh tự tin nơi tam bảo hộ trì, từ lòng chánh tín nơi chính tôi, nơi những người cùng đi với tôi nên không hề lo sợ, dường như được sự vô úy từ ơn trên che chở, nên từ tốn trả lời:
Không sao đâu, mình đi tu học mà, sẽ có Long Thiên Hộ Pháp che chở, em chắc chắn, bảo đảm là đi đến nơi, về đến chốn, bình an, vô sự. Mọi người đi về sẽ đều hoan hỉ trong chánh Pháp.
Người ấy chỉ trề môi thay câu trả lời, tỏ vẻ không tin tôi, tôi xá chào người ấy, A Di Ðà Phật - rồi lẳng lặng bỏ đi.
            Theo chương trình đã định, chúng tôisẽ khởi hành lúc 10 giờ sáng ngày 24/12/2001 cho thong thả và mát mẻ. Nhưng Sư chú phải đi làm lễ hoả táng vào buổi sáng cho một người bị tử thương vì tai nạn xe cộ đột ngột xảy ra khi xuyên tiểu bang nên chuyến đi bị chậm trễ. Ðến hơn 3 giờ chiều, xe mới lăn bánh, trực chỉ Sydney, bỏ lại sau lưng những vị đang tiếc rẻ vì không được tham dự. Tôi chặc lưỡi nói:
- Nếu biết thế, em đã đứng ra ghi tên tổ chức rồi.
Một vị trên xe nói:
Ừ nhỉ, chắc mướn hai xe cũng đầy người. Thôi, để năm sau vậy.
            Nhờ ba cậu tài xế trẻ, trong đó có cả Sư chú, nên hai bác tài xế già được miễn lái dài hạn. Xe chạy thật êm. Nghỉ ngơi ăn uống ở Renmark, sau đó, ở các trạm đổ xăng. Vì không mất nhiều thì giờ ở dọc đường, nên chúng tôi đến tiểu bang New South Wales vào sáng sớm ngày hôm sau. Vào đến thành phố cũng hơn 10 giờ sáng, chúng tôi về nhà người quen để nghỉ ngơi, làm vệ sinh cá nhân rồi trực chỉ chùa Nan Tien ở Wollongong.
Ðang ở Adelaide, khí hậu mát lạnh, lên đến đấy, nóng hơn 30 độ, lại thêm nạn cháy rừng nên không khí thật mỏng, bụi làm mỗi người chúng tôi mệt nhoài, hắt hơi liên tục, có vị còn bị sưng mắt. Trên xa lộ, kẹt xe liên miên, xe nhích từng chút, từng chút một, thế mà cũng lết đến nơi. Khi thấy được mái chùa cong, ngói vàng cam rực rỡ, ai nấy đều ồ lên một tiếng như thấy một vật gì thân thương sau bao năm xa cách, lòng chúng tôi êm ã, mát dịu hẳn lại. Phải khó khăn lắm, mới tìm được chỗ đậu xe. Hôm nay là ngày lễ lớn của đạo Ky Tô, thế mà bà con Phật tử viếng chùa đông nghẹt, tấp nập như những ngày lễ Phật Giáo.
Dù là ngày lễ Giáng Sinh, chùa vẫn tổ chức hội hè, đình đám thật xôm tụ, rôm rả. Xung quanh khuôn viên chùa, các quầy thực phẩm được bày biện hấp dẩn, chiên xào, nấu nướng ngay tại chỗ, có cả hàng bán đủ thứ nước giải khát. Phía bên kia, có các quầy bán sách báo, tượng ảnh, đồ chơi thắt bằng dây ngũ sắc màu sặc sở thu hút nhãn quan, thị hiếu du khách. Có cả lớp dạy thắt nút thành nhiều hình khác nhau, họ thắt cả những vật biểu tượng cho mùa Giáng sinh để bán cho dân Úc.
            Ðây không phải là lần đầâu tiên tôi viếng chùa này, thế mà tôi vẫn bồi hồi, cảm xúc đi hết điện thờ này đến điện thờ khác lễ Phật, chiêm ngưởng tôn dung các ngài. Các bạn đi cùng với tôi thì quá xúc động trước những cảnh tượng to lớn hùng vĩ đến thế của ngôi đại tự. Chùa xây cất theo lối Trung Hoa nên có những nét kiến trúc thật đaàu7841?c thù của một dân tộc, từ tượng Phật, Bồ tát đến những con kỳ lân, con sư tử dường như tất cả đều nhập cảng từ Trung Quốc hay Ðài Loan. Thăm viếng cảnh chùa trong chốc lát rồi chúng tôi cũng phải từ giã, vì các cháu nhỏ đã mệt, người lớn cũng đừ sau một đêm ngủ gà, ngủ gật trên xe. Thế là tôi vẫn chưa bao giờ được thoả mãn đi thăm viếng tất cả các cảnh của chùa này.
            Chúng tôi trở về Sydney. Trên đường đi, chúng tôi thấy từng cụm khói đen từ trong rừng cây khuynh diệp bốc lên cao và toả rộng trước mặt, xe vẫn chạy thoải mái chứ không bị kẹt như lúc khởi hành, thì ra ... chúng tôi đang đi trong khu cháy rừng mà không biết ... từ hai bên bìa rừng, những ngọn lửa táp ra phía bên ngoài trông thật nguy hiểm đáng sợ, rủi ro, chỉ một nhánh cây to, bị cháy, rời cành, rơi vào xe chúng tôi cũng đủ làm cho chúng tôi toi mạng, thế mà không sao cả. Tôi vừa nhìn cảnh tượng hai bên, vừa lần chuổi niệm Phật không dứt, niệm do thói quen, do một động cơ vô hình thúc đẩy, niệm niệm liên tục thành vô niệm, nếu không niệm, sao thấy thiếu thiếu điều gì. Chúng tôi không sợ hãi chút nào cả, ngồi trong xe có máy lạnh, tôi nghĩ đến những gia đình bị cháy nhà trong dịp lễ Giáng Sinh này, những con thú rừng từ to đến nhỏ đang bị thiêu đốt, phải đau đớn mà chịu đựng một sức nóng khủng khiếp trước khi lìa đời, đây đúng là hoả đồ trần gian, đâu cần tìm nhà lửa trong kinh Pháp Hoa làm gì cho trừu tượng, mơ hồ. Nơi đây chính là nhà lửa rồi, nằm trong nhà lửa vô an của tam giới là dục, sắc và vô sắc. Vỉ thế, chúng tôi phải đi lên đây tu học, tìm sự an tịnh nơi nội tâm, tập sự buông bỏ để thoát ly ba cảnh giới ấy, thay vì vui chơi hưởng thụ, vấn vương mùi tục lụy trần thế trong mùa này.
Xe chúng tôi phải băng qua một đoạn đường dài có đám khói dầy đặc. Không còn thấy gì trước mặt, cảm giác là lạ khi tôi đã ngửi được mùi khói cây rừng từ máy điều hoà không khí đưa lại ....Dù xe bật đèn, cũng chẳng thấy gì trước mắt, thật là nguy hiểm đủ thứ vì thiếu dưởng khí, không thấy đường đằng trước, tính mạng như treo trên ngọn cây...Thế mà rồi chúng tôi thoát nạn, về nhà yên ổn, thật là hú vía.
            Cơm tối xong, chúng tôi nghĩ ngơi một chút chờ Sư chú đưa về chùa Pháp Bảo vấn an Sư Ông chúng tôi. Sư Ông rất vui mừng khi thấy chúng tôì đến nơi yên ổn, bình an. Thượng Toạ trụ trì dạy bảo chúng tôi ngày mai đến chùa dự buổi lể bế mạc khoá tu gieo duyên hai tuần. Chúng tôi vâng dạ, cáo từ ,trả sự yên tĩnh lại các vị.
            Sáng hôm sau, chúng tôi đến chùa dự lễ trong bầu không khí thật trang nghiêm, đầy đạo vị. Các học viên đã tu hành thanh tịnh trong hai tuần lể nên trên vẽ mặt và dáng điệu mỗi người đều toát ra một nét thanh thoát, nhẹ nhàng, hoan hỉ. Sau đó là bữa cơm trưa thân mật, chúng tôi dùng qua loa rồi xin về sớm. Chúng tôi dành buổi chiều còn lại đi thăm viếng một số chùa quen thuộc và mua sắm để sữa soạn cho chuyến đi tu học vào ngày mai. Có một số mới lên đây lần đầu nên cần đi xem thành phố, thăm bà con.
            Ðúng mười giờ sáng ngày 27/12/2001, chúng tôi đã có mặt tại chùa Thiên Ấn, bà con Phật tử họp mặt đông đủ, có đến hơn một trăm vị từ các chùa của các tiểu bang hay tại trú xứ vân tập về. Ðúng mười giờ ba mươi, xe buýt đến đưa các học viên lên trại. Trại nằm trên Blue Mountain (Lam sơn) nên phải mất khoảng bốn mươi lăm phút mới đến nơi. Ðây là nơi cắm trại của Hướng Ðạo sinh Úc Châu của tiểu bang New South Wales. Có nhiều nhà tiền chế vách tôn, trần tôn, cao lớn như những nhà kho, gồm nhiều dãy giường hai tầng, nhà ngủ thông với nhà vệ sinh nên không cần phải ra bên ngoài. Những dãy nhà này cách nhau vài trăm thước, có nhà gần nhà bếp, phòng ăn, có nhà gần phòng họp. Nhà này ngày nóng, đêm lạnh.
Quý Thầy khéo léo, sắp đặt biến phòng họp thành chánh điện thờ Phật trang nghiêm, nhờ những bình hoa lớn, cắm thật trang nhã, lư hương bóng loáng. Ở giữa tường là hình đức Bổn Sư Thích Ca, chụp gương mặt hơi nghiêng, ảnh trắng đen, tướng hảo lạ kỳ. Hình này, tôi thường thấy trong các cuốn kinh nhật tụng đã hơn ba mươi năm qua, nhưng chưa bao giờ tôi nhìn kỹ như hôm ấy. Ngày hôm ấy, tôi mới được sống lại để nhìn dung nhan Ngài thật kỹ giữa tranh tối, tranh sáng của hai màu trắng đen, tôi chợt thức tỉnh rằng đã bao năm qua, tôi chưa bao giờ được thấy hình ngài, tướng hảo lạ kỳ, sống động, từ bi tuyệt vời đến thế. Tôi thầm khâm phục nhà nhiếp ảnh và điêu khắc nào đó, đã hài hoà tạo nên một tác phẩm văn học, nghệ thuật, đạo đức siêu việt xuất thần đến nổi rung chuyển nội tâm tôi.
            Còn đang loay hoay tìm chỗ nghĩ ngơi thì chúng tôi phải tập họp lại để làm lễ khai giảng khoá học, lấy bảng tên và phân chia khu ở, tìm tên mình để biết ngày chấp tác. Vất vã lắm, chúng tôi mới tìm được cho mình một chỗ nghĩ ngơi, vì là khách ở xa mới đến, nên còn ngơ ngác, bỡ ngỡ, không biết tuân theo lịnh ai để về đúng nơi nữa. Chúng tôi cứ phải dời hành lý từ khu này sang khu khác khá gau go.
Dùng cơm trưa xong, chúng tôi mới ổn định được chốn ở, nghĩ ngơi chút chút cho tỉnh táo. Có linh tính, chúng tôi vẫn để hành lý trên xe phòng đêm nay khi lửa cháy đến thì chỉ ... cuốn túi ngủ mà chạy. Ðúng ba giờ chiều, Hoà Thượng Hội chủ ban cho chúng tôi bài Pháp từ thật súc tích, đầy đủ ý nghĩa khổ đau trong mỗi người chúng ta qua sáu căn bản phiền nảo là tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến qua sáu căn là mắt, tai, mủi, lưởi, thân, ý của ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Vì thế nên có chuổi tràng 108 hạt. Lần từng hạt niệm hồng danh đức Phật hầu đối trị căn bịnh ấy.
Xong bài thuyết Pháp, chúng tôi có chút thì giờ thảnh thơi trước khi ăn tối nên đi dạo quanh vườn. Trời mát lạnh, không khí trong lành, tôi thiền hành từng bước thảnh thơi, ngắm mặt trời lặn đỏ ối thật kỳ lạ như một khối lửa.
Cơm tối cũng gần giống như cơm sáng, chúng tôi ăn trong sự yên lặng chánh niệm tuy được quyền thì thào chút chút. Quý Thầy cho biết hôm nay thì được, chứ ngày mai phải vào khuôn khổ của thiền môn quy củ, nghĩa là ăn quả đường, không khác gì ăn trong im lặng nhưng phải quán tưởng sau khi đọc tam đề, ngũ quán. Cơm chiều xong, chúng tôi được nghỉ ngơi nửa giờ, sau đó lên thời khoá Tịnh Ðộ, rồi vào lớp học giáo lý. Khoá học chia làm hai lớp, lớp một cho những ai chưa biết chút gì về giáo lý Phật pháp, lớp hai cho những vị đã thông hiểu kinh, luật, luận. Tôi cùng các Phật tử đi chung một chuyến xe vào lớp một. Hôm ấy học về đề tài ăn trai lạt (chay), thiết tưởng tôi cần giải thích thêm ở đây là đúng chữ là ăn lạt, ăn trai lạt chứ không phải ăn chay, và ăn mạng (sống sinh vật) chứ không phải ăn mặn (mòi).
Ðang học say mê thì Thầy quản chúng vào cho biết cảnh sát yêu vầu chúng tôi phải rời khỏi trại ngay lập tức vì lửa đã cháy gần đến nơi, chỉ còn cách nơi đây 10 cây số, gió lại thổi về hướng này. Bà con Phật tử hốt hoảng chạy ùa ra ngoài hổn độn, đến nổi quý Thầy phải trấn an là chưa có gì đâu. Lớp tôi có nhiều vị lớn tuổi nên tôi chờ cho các vị ra hết rồi mới đi. Cả đời tôi chưa bao giờ đối mặt với cảnh tượng này nên tôi không biết cảm giác lúc bấy giờ ra sao nữa, không sợ hãi, không hoảng hốt, biết rõ mình sẽ thoát nạn, bình tĩnh đi chung quanh trại để xem có ai còn sót lại và tìm đi Sư Ông, Sư Chú chúng tôi. Nhưng tôi buồn man mác, buồn nhiều nhất là khoá tu đầu tiên do giáo hội tổ chức đang bị gián đoạn và giải tán, không hiểu có còn tiếp tục được hay không? Tôi thầm cầu xin ơn trên gia hộ cho khoá học sẽ được tiếp tục và hoàn tất viên mãn. Tôi không được phép đi vòng vòng nữa mà phải trở vào xe gấp để xe chúng tôi đi thu dọn đồ nhà bếp cùng những thứ lặt vặt khác như chiếu, chuông báo hiệu.... Các vị Phật tử trong xe, có vị cũng hơi mất bình tỉnh nên hối thúc Sư chú quay về thành phố cho lẹ tạo nên bầu không khí trong xe hơi xao động vì chúng tôi phải chờ Cảnh Sát mở đường. Tôi nhức đầu, mệt mỏi, cố gắng tập trung vào câu trì chú thường nhật quen thuộc. Thế rồi sau hai ba giờ chờ đợi, xe buýt đã đến để đưa các học viên về thành phố. Ngồi trên xe, tôi thấy thương những bác lớùn tuổi phải tự lo toan cho chính mình, có bác phải đi bằng khung chứ không phải bằng gậy, nhưng vẫn lên tận núi để tu học, thật đáng phục, bác treo lủng lẳng cái giỏ của bác trên khung đi và khập khểnh bước từng bước một ra xe buýt. Có bác đi không nổi nửa, phải nhờ hai anh thanh niên dìu hai bên ...
Ðám cháy này gợi cho tôi chiêm nghiệm ra một điều suy tư nhỏ: "Dù chúng ta có nắm giữ những tiện nghi cho mình nhiều đến đâu đi nữa trong cuộc sống, tạm bợ vài ngày hay cả một đời, thì khi ra đi, chúng ta cũng phải bỏ lại hết ." ....
            Về đến chùa Pháp Bảo hơn 11 giờ khuya, quý Thầy ra lệnh giải tán và sẽ tập họp lại ngày mai để quyết định. Tôi muốn ngủ lại chùa để sáng tụng Lăng Nghiêm thì ngay lúc ấy, một Phật tử đi cùng xe cũng ra rủ tôi ở lại để sáng công phu, rồi sách hành lý tôi đi vào chùa, tạo thêm một sức mạnh đẩy tôi phóng ra khỏi xe và nghỉ lại chùa Pháp Bảo. Tôi nhất quyết không bỏ cuộc nếu quý Thầy không giải tán khoá tu. Ðêm đầu tiên, tôi nằm đất, sao mà đau lưng quá chừng hà, vừa lạnh, vừa muỗi đốt, sàn lại cứng, xoay chiều nào cũng đau hết, ngủ không thẳng giấc, lạ chỗ nên tôi thao thức gần như suốt đêm. Tuy vậy, tôi không mệt vì tôi được nghĩ ngơi, thư dãn, điều hoà hơi thở. Tôi cầu xin cho các vị cùng đi với tôi sẽ trở lại đây vào sáng ngày mai, đừng bỏ tôi nơi đây một mình.
Sau thời khoá Lăng Nghiêm, chúng tôi được chùa cho ăn điểm tâm, thời ăn sáng chưa xong, tôi đã thấy các bạn hữu tôi đến đông đủ và đang nháy nhó, nhìn tôi cười. Tôi mắc nghẹn, mừng quýnh lên, nước mắt hơi ứa ra nơi khoé vì lời cầu xin của tôi được linh ứng. Tôi thầm cảm ơn chư Phật, chư vị Bồ Tát đã linh cảm gia hộ.
            Phật tử tề tựu về chùa mỗi lúc một đông, không có bao nhiêu vị bỏ cuộc nên quý Thầy chỉnh đốn lại hàng ngũ và tuyên bố tiếp tục khoá tu trong tự viện Pháp Bảo. Mọi người đều hoan hỉ đón nhận, y giáo phụng hành. Dường như, ai cũng mong mỏi được hoàn tất khoá tu học mới bắt đâu hôm qua. Ban tổ chức khoá học phân chia lại nơi chốn học tập, ngủ nghỉ, vệ sinh và tiếp tục những nội quy khoá học, chấp tác, ẩm thực .....
Thế là bánh xe Pháp bắt đầu quay lại trong niềm mong mỏi của mỗi người con Phật được nếm vị ngọt an lạc, giải thoát, được nhìn thấy những vị sứ giả của Như Lai đang kề cận, gần gũi bên mình để noi theo gương sáng của các ngài.
Giường ngủ tại chùa được nhường lại cho các vị lớn tuổi, tôi ở lại nghỉ ở Thiền Ðường cho khoảng khoát và đúng nghĩa "ăn chay, nằm đất". Tuy vậy, thời khoá áp dụng còn thoải mái hơn cả những ngày tôi 'thọ bát quan trai' .
Sáng năm giờ rưỡi thức dậy hô canh, niệm Phật, tất cả học viên phải ngồi dậy để toạ thiền tại chỗ, Thầy quản chúng niệm hồng danh đức Phật A Di Ðà và chúng tôi niệm theo đúng ba lần. Sau đó ngồi thiền năm phút thay vì hai mươi phút.
Sáu giờ sáng là thời khoá công phu khuya tụng Lăng Nghiêm, quý Thầy lưu lại chùa lên đông đủ tạo nên bầu không khí trang nghiêm. Một thần lực oai nghi qua những chiếc y vàng choé và những lời tụng chú thật hùng mạnh. Thân tâm tôi nhất như hoà vào những câu chú huyền diệu, những câu tán, tiếng trống, tiếng mõ hoà âm nhịp nhàng làm tâm hồn tôi thanh thoát theo. Ðây là giờ phút tôi thích nhất trong ngày, vì tôi rất thích chú Lăng Nghiêm. Chú có khả năng giúp cho người tụng nhiếp phục sáu căn và giữ chúng thanh tịnh suốt ngày khi trì tụng liên tục mỗi sáng.
Bảy giờ ăn sáng, học viên ăn trong im lặng, quán chiếu sau khi đã niệm Phật, tam đề – 1) Nguyện dứt sạch các việc ác, 2) Nguyện làm tất cả các việc lành 3)Nguyện độ tất cả chúng sinh. Ngũ quán – 1) Kể công nhiều ít so chỗ kia đem đến 2) Xét đức hạnh của mình đủ hay thiếu mà thọ của cúng dường 3)Ngừa tâm xa lìa các tội lỗi :tham sân si là cội gốc 4) Chính là vị thuốc hay để chữa bệnh khô gầy 5) Vì muốn thành đạo nghiệp nên thọ thức ăn này. Ăn xong, đã có ban hành đường dọn dẹp hết cho mình, mình chỉ việc rời phòng ăn trong trật tự, giữ im lặng tuyệt đối.
Học viên nào có tên trên bảng phải đi chấp tác, không có tên thì làm gì cũng được.
Chín giờ rưởi, có kẻng báo vào lớp học giáo lý, học cho đến mười một giờ. Lớp một đông nên học trên lầu, lớp hai học ít hơn nên ở dưới nhà. Quí Thầy dạy những bài căn bản Phật pháp như tu hành cần ăn trai lạt (chay), sám hối, cầu an, cầu siêu , cúng dường tam bảo.... Ðồng thời, học viên còn học cách thức hộ niệm cho những người sắp lâm sàng, làm sao trang nghiêm nơi thờ tự, thực hành nghi lễ ...Hiểu về những câu đối thoại thiền cũng như thế nào là Tam đồ, bát nạn. Chúng tôi học say mê đến độ quên cả mỏi mệt khi ngồi dưới đất và quên luôn cả giờ đã hết. Học viên nghe chăm chú tạo cho quí Thầy những hứng thú khi giảng dạy, ấy thế mà thời gian quá ngắn để truyền đạt tất cả những gì muốn nói ra đếnhọc viên.
Ðúng mười hai giờ, các học viên phải y áo chỉnh tề vào phòng ăn chờ quý thầy vào sau. Qua nghi thức cúng quả đường, phải niệm Phật, tụng chú biến thực, cam lồ thủy chân ngôn, phải tam đề, ngũ quán .... trước khi thọ trai. Khi thọ trai, ăn bằng thìa, gắp thức ăn bằng đũa, cầm bát cho đến khi ăn xong mới được buông bát xuống và uống nước phải chờ quí Thầy tụng chú rồi mới được uống theo quí ngài ... Tuy gò bó nhưng tôi thấy rất ích lợi vì giữ được chánh niệm, oai nghi. Khi ăn, nhai nuốt chậm rãi, quán chiếu sâu sắc giúp cho tôi thấy được những nhân duyên khởi lên trùng trùng trong từng hạt gạo, cọng rau, trái táo ... .
Ở thế gian, phần lớn ăn uống trong tranh luận, lời qua, tiếng lại, đàn ca, múa hát, chỉ ăn như người gỗ, người máy nên không nhìn thấy được bản chất thật của vạn pháp qua từng bữa ăn, thức uống. Thọ thực xong, chúng tôi theo quí thầy đi kinh hành, đó là vừa bước, vừa niệm danh hiệu đức Phật A Di Ðà, đi hàng một từ phòng ăn bọc ra ngoài vườn, ngang cửa chánh điêïn để vào thiền đường. Vì đông học viên nên quí thầy đi thành hình trôn ốc và kết thúc bằng những hàng ngang đều tăm tắp. Các học viên đi theo quí Thầy, đứng sau thành những hàng dọc ngay hàng, thẳng lối thật trang nghiêm khi lễ Phật.
Giờ chỉ tịnh, nghỉ trưa dài khoảng hai giờ hơn, học viên có thể nghỉ ngơi, thiền hành hay tranh thủ đi tắm, giặt vì chỉ có ba phòng tắm nữ cho số lượng trên một trăm học viên ưu bà di nên phải chực sẳn để có cơ hội đến phiên mình. Thế mà đâu cũng vào được đấy yên lành. Trước giờ vào lớp học 15 phút, có tiếng kẻng báo thức.
Ba giờ rưởi chiều học giáo lý đến năm giờ, đó là giờ buồn ngủ nhất, vậy mà tôi không thấy ai ngủ gục hết, tất cả học viên trong lớp đều học tập hăng say, ngồi nghe chăm chú như buổi sáng, tuy thế ngồi đôi khi thay đổi vì không quen ngồi dưới đất.
Chúng tôi có gần một giờ để chờ cơm chiều, trời chiều mát, vườn chùa đẹp, nhiều hoa thơm, cỏ lạ, cây cảnh quê nhà như hoa Ngọc Lan, hồ sen hồng nên các học viên ngồi hóng mát rải rác khắp nơi xung quanh chùa. Còn trên những lối đi lát gạch trong chùa, Thầy trồng nhiều loại Phong Lan khác nhau, có những giò Lan được treo lên cao, có những giò được hạ xuống đất, điểm thêm nhiều loại hoa khác nhau trong chậu, trong đó, có cả Quỳnh Hương thơm ngát, các học viên ngồi tản mát trên những băng dài dọc theo tường nhà bếp, bàn luận chuyện Phật Pháp, ôn lại bài vở đã nghe qua. Chim hót líu lo khắp nơi như cùng chia sẽ niềm hân hoan với các học viên tại đây. Ôi cần chi chờ cõi Tịnh Ðộ xa vời nơi Phương Tây, ngay tại chùa Pháp Bảo đây đã là cõi tịnh độ rồi nếu khi ấy tâm ta tự tại, nhẹ nhàng.
Sáu giờ ăn cơm chiều, cũng phải tam đề, ngũ quán, ăn trong chánh niệm, ăn xong ngồi chờ quí Thầy dùng xong mới được rời phòng ăn, y như buối ăn sáng và trưa vậy. Ðó là Thiền Môn Quy Củõ, vào nhà chùa, phải biết có trật tự trên dưới, vào trước các Thầy và ra sau các vị. Tập lâu ngày, tính tình sẽ dần dần thuần thục, biết kính trên, nhường dưới, sống hài hoà trong tinh thần đạo pháp, trong mọi hoàn cảnh cho dù ở trong gia đình, chùa, hay ngoài đời xả hội sẽ đem lại lợi ích lớn lao.
Bảy rười lên Thiền đường dự thời khoá Tịnh Ðộ hay sám hối nếu vào ngày mười bốn. Tôi ít khi nào được tụng kinh chung với nhiều Thầy như thế nên thấy hạnh phúc, sung sướng vô tả khi nhìn thấy một hàng y vàng ngay phía trước và giọng tụng kinh trầm bổng lên xuống, nhịp nhàng theo tiếng mõ, tiếng chuông . Ôi thiêng liêng cao cả làm sao lời kinh, câu kệ âm vang, chấn động cả mười phương thế giới.
Tám rưởi học giáo lý đến mười giờ. Cuối ngày rồi, lẽ ra phải mệt mõi, uể oải ngồi nghe, nhưng cả hội trường im phăng phắc, các học viên vẫn nhất tâm ngồi nghe các Thầy giảng không chớp mắt như đang thấm nhuần những vị ngọt từ giọt nước cam lồ, nhỏ xuống, thấm sâu vào từng mảnh đất tâm cằn cổi, khô khan.
Mười rưởi hô canh, học viên phải nhanh chóng về nơi nghỉ, ngồi thiền, niệm Phật, sau đó năm phút, ba tiếng kẻng báo hiệu giờ chỉ tịnh, đi ngủ. Nhưng đã có mấy ai chịu ngủ liền đâu, học viên vẫn thì thầm, chuyện trò to nhỏ cho đến gần nửa đêm mới dứt, làm Thầy giám thị và quản chúng đôi khi phải ...thở dài, từ bi thông cảm .
Vào hai ngày cuối tuần, số Phật tử về chùa tham dự đông hơn, lên đến gần hai trăm vị, thế mà sinh hoạt vẫn đều đặn, hài hoà, không có gì chướng ngại, tuy phòng ăn hơi chật nhưng rồi cũng dung chứa được hết quí Thầy và số lượng đông học viên.
Thời khắc như thế đều đặn được hai ngày, ngày thứ ba cũng thế, duy chỉ có buổi chiều sau khi dùng cơm, không có tụng kinh hay giáo lý chi cả. Quí Thầy dành trọn buổi tối cho thời Pháp đàm, tham vấn, văn nghệ. Phật tử góp phần văn nghệ thật hào hứng, quý Thầy cũng đóng góp nhiều tiết mục thật đặc sắc.
Tôi thì ..... không được hưởng trọn vẹn niềm vui, vì sau bữa cơm chiều, Thượng Toạ trưởng ban tổ chức đã giao cho tôi một trách nhiệm nặng nề là đại diện cho các học viên đứng ra phát biểu cảm tưởng. Tôi như người mất hết hồn vía khi nghe như vậy, tôi tài hèn, sức kém, đâu thế nào qua một đêm mà có thể ‘nặn óc’ viết ra một bài cảm tưởng rồi đọc, phát biểu trước gần hai mươi vị Thầy, gần hai trăm học viên và ống kính thu hình ... eo ơi, ghê quá, hãi hùng quá ...
Tôi đã làm việc này khi đi Ấn Ðộ, cũng được chỉ định vào giờ chót nên tôi biết rất là khó khăn, nan giải, khi ấy, ít Phật tử nhưng nhiều Thầy Cô hơn nhưng tôi chỉ là kẻ lạ. Tôi đã đứng phát biểu cảm tưởng trong hội trường khách sạn trước mặt tất cả mọi người và ống kính, nhờ ơn trên giúp đỡ, tôi đã thành công viên mãn. Nhưng ở đời, dễ gì được thành công mãi mãi? Tôi suy nghĩ kỷ rồi rụt rè lên xin Thầy cho con miễn, vì con ở tỉnh nhỏ lên thành phố lớn tu học, ở Sydney, thành phố lớn, có rất nhiều nhân tài ẩn danh. Nhưng Thầy dạy cho tôi là phải ‘y giáo phụng hành’ , không được cãi lại Thầy, nên tôi sợ ngoan ngoãn tuân theo lời Thầy.
Hôm sau, ngày cuối tôi bận bù đầu, phải thi cử mà chưa dò bài vì tôi có tên trong ban ẩm thực phải nấu cơm. Tôi rất sợ thi nên viện lẽ với Thầy là tôi phải viết bài tác bạch vào máy vi tính, Thầy đâu có cho tôi miễn phần đó, Thầy lùa tôi vào phòng thi. Phòng thi không nghiêm trọng và kinh khiếp như những kỳ thi ở đại học nên tôi hơi an tâm làm bài và tạm thời quên bài tác bạch trong giây lát.
Thi xong, tôi còn chút thì giờ viết lại bài tác bạch sau khi Thầy Quảng Hoà đã ‘kiểm duyệt’, cũng nhờ Thầy Phổ Huân viết vào máy vi tính dùm tôi một đoạn nên tôi yên tâm phần nào. Chỉ còn cần thực hành, đọc cho trơn tru là đủ, tuy mình viết ra, đó là tác phẩm của mình, nhưng vẫn cần đọc lại cho mượt mà, xuôi vần, êm tai.
Tôi lại được hân hạnh trao thêm một trọng trách quan trọng khác là tác bạch cúng dường tịnh tài lên quí Thầy. Lần này tôi đở sợ nên rất hoan hỉ vâng lời Thầy.
Cúng quả đường, thọ trai xong, các vị đi kinh hành lên Thiền Ðường, còn lại ban chúng tôi phải dọn dẹp, rửa chén bát, gần xong thì được Thầy gọi lên dự lễ bế mạc. Tôi buồn man mác vì mới họp mặt đây, giờ đã chia tay trong khung cảnh trang nghiêm, trong tình thương, thông cảm, cùng một tầng số tâm tư khắc khoải được giải thoát giữa những người con Phật khắp bốn phương về đây quy tụ. Ð?y là một mái ấm đại gia đình của những người con Phật. Một gia đình tâm linh cao quý không dễ gì tìm được giữa đời sống xa hoa, vật chất ở Hải Ngoại này.
Lễ bế mạc đã được mở đầu với kết quả kỳ thi của hai lớp một và hai, đọc tên những thí sinh ưu tú, phát chứng chỉ tu học cho mỗi học viên, điểm hay nhất của khoá học làm tôi tâm đắc là học viên nào cũng có chứng chỉ, trong chứng chỉ không hề ghi kết quả, xếp hạng kỳ thi để thể hiện sự bình đẳng. Kế đến là đạo từ của quý Thầy. Rồi đến phiên tôi đại diện cho tất cả học viên , ra phát biểu cảm tưởng. Tôi biết tôi đang lãnh một trách nhiệm thật cao cả, danh dự, thiêng liêng, tôi phải cố gắng hết sức mình để làm sao không phụ lòng tín nhiệm của quí Thầy.
Trước ảnh đức Phật Thích Ca và quí Thầy, sau lưng tôi là hơn một trăm học viên, trước ống kính thu hình, thu thanh, đang chú mục đến một mình tôi, tôi biết đây là giờ phút quan trọng, tôi phải thực hành cho nghiêm chỉnh. Tôi niệm thầm hồng danh đức Quán Thế AÂm để cầu gia bị, cúi lạy tam bảo ba lạy rồi quỳ xuống từ tốn đọc bài phát biểu cảm tưởng như sau:
 
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
- Kính bạch Hòa Thượng Hội chủ, Kính bạch chư tôn Ðức Tăng Ni lãnh đạo Giáo Hội.
- Kính bạch Thượng Tọa Trưởng Ban Tổ chức Khóa Học và chư tôn đức Tăng Ni trong Ban Tổ Chức, Ban Chức sự, Ban Giảng huấn của ---Khóa Tu học,
- Kính thưa quý vị pháp hữu Phật tử đồng tu.
Sau đây, chúng con đại diện cho các học viên, có đôi lời cảm tưởng về những ngày tu học vừa qua.
Kính bạch chư tôn đức,
Chúng con thiết nghĩ: ‘Con người có hai phần là tâm linh và thể xác’. Phần thể xác một ngày kia sẽ bị hũy hoại . Phần tâm linh trường tồn mãi mãi, cho dù thể xác không còn.
Phật tử có hai gia đình là huyết thống và tâm linh.
Gia đình huyết thống gồm có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em.
Gia đình tâm linh gồm có mái chùa, chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tăng Ni, huynh đệ.
Năm nay, chúng con câu hội về đây từ khắp các tiểu bang để tạo nên một đại gia đình tâm linh, trong 4 ngày ngắn ngũi. Tuy chỉ 4 ngày thôi, nhưng công năng tu học đã làm cho " lòng đất nở hoa", từ những cụ già sáu mươi, bảy mươi đến những em bé mới bảy tám tuổi. Chúng con sống những ngày tu học tại chùa còn hơn sống 100 năm trên trần thế mà chưa tỏ ngộ đạo mầu !!!
Nơi chốn A Lan Nhã, nơi rừng núi bao la, cỏ cây tươi mát tạo cho chúng con dịp rũ áo phong sương, quay về lại chính mình.
Môi trường thiên nhiên thanh tịnh giúp cho chúng con thư thái tâm hồn, thư dãn thể xác hầu quên đi những tháng ngày bận rộn nơi đô thị hồng trần.
Chúng con đang lội ngược dòng nước nên bị thử thách cam go: Ngay trong ngày đầu, những cơn cháy rừng đã gây chướng ngại khiến phải trở về chốn già lam Pháp Bảo.
Dù bị trắc trở chúng con không hề thối bồ đề tâm. Về gần đô thị lại tạo thêm cơ hội, nhân duyên cho những vị không đi được trọn khoá, vẫn có thể vào chùa tham dự được vài ngày cuối tuần. Ðó cũng là một thuận duyên lớn lao cho các vị thiếu phương tiện nhưng muốn tu học. Thành viên gia đình lên đến gần 200 vị.
Khung cảnh tự viện gồm có tượng các vị Phật, Bồ Tát, đã nhắc nhở chúng con tu theo hạnh nguyện các Ngài; có hồ sen thơm ngát để chúng con gieo hạt từ hoà, chờ ngày đơm hoa, kết trái.
Có các thầy để chúng con chiêm ngưởng, học, nghe và tuân hành.
Mặc dù phương tiện sinh hoạt quá tải, nhưng sống trong pháp lục hòa nên chúng con sống an nhiên tự tại, tu học thật tinh tấn.
Chúng con đã hưởng trọn những cơn mưa pháp trong suốt thời gian này. Nhờ những trận mưa rào, hạt giống Phật đã từ từ nẩy mầm trong tâm thức, trên mỗi khuôn mặt đại chúng, niềm hoan hỉ an lạc đã hiển lộ, toát ra bên ngoài một nét nhu nhuyễn, tự tại, tuy chúng con phải ăn chay nằm đất.
Nhờ chư Phật, Bồ Tát, Long Thiên Hộ pháp gia hộ, chúng con vẫn khoẻ mạnh, vui vẻ, hài hoà cho đến ngày cuối.
Quý thầy đã từ bi, thương xót cho chúng con nên không quản ngại đường xá xa xôi, bỏ những công việc đa đoan nơi trú xứ để đến đây dìu dắt chúng con trên con đường đi lên chánh giác. Chúng con xin thành tâm tri ân chư vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ðại Ðức, Tăng Ni cùng ban ẩm thực đã hết lòng lo lắng cho chúng con trong suốt thời gian qua. Chúng con nguyện sẽ đem về nơi tiểu bang chúng con những lời quý Ngài giảng dạy, để những vị không có nhân duyên đi tu học có thể học hỏi thêm, đồng thời, khuyến khích các vị trở thành một thành viên gia đình trong tương lai.
Chúng con ngưỡng mong các vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ðại Ðức, Tăng Ni từ bi gia hộ cho đại gia đình tâm linh này được duy trì, đoàn tụ mỗi năm và sẽ lớn mạnh, trường tồn mãi mãi trong tương lai.’
Tôi phải vén khéo bài phát biểu trong vòng mười phút, nhưng bài trên ngắn gọn nên chưa đến mười phút, tôi đã kết thúc và lui về chỗ ngồi.
Sau đó, Tôi cùng hai em Phật tử ở chùa Phổ Minh lên cung kính cúng dường tịnh tài lên quí Thầy với bài tác bạch ngắn gọn như đã ví chúng tôi là những gã cùng tử găp được ông Cha lành dìu dắt trên con đường chánh giác, sống trong thiện pháp lạc trú, hiện tại nhiệm màu. Ðể tỏ lòng hiếu thảo của chúng con đối với đấng Cha hiền, chúng con có chút tịnh tài kính dâng lên người Cha thân yêu. Xin Cha từ bi, hoan hỉ nạp thọ cho chúng con được ơn triêm công đức.
Buổi lễ kết thúc trể hơn dự tính một giờ, vào lúc bốn giờ , quí Thầy và các học viên nhanh chóng thu dọn hành lý trở về. Khung cảnh chia tay bao giờ cũng buồn hơn vui, nhất là vào buổi chiều cuối năm 2001, chúng tôi cũng từ giã, cám ơn quý Thầy và bà con Phật tử rồi ra xe về nhà người quen nghĩ ngơi.
Chuyến du hành đã kết thúc bằng chương trình thăm viếng một số tự viện ở Canberra và Melbourne. Lúc đi thì vui, khi khoá tu đã kết thúc, không còn ai muốn đi đâu nữa nên chúng tôi về lại Adelaide sớm hơn dự tính. Qua chuyến du hành, chúng tôi đã hiểu và gần nhau hơn trong đạo pháp để rồi hẹn hò nhau sẽ tổ chức đi một chuyến tu học nữa khi nào giáo hội tổ chức vào cuối năm nay. Tôi và các bạn vẫn còn hưởng niềm vui này và nhắc đến mãi mỗi khi gặp lại nhau ở chùa thọ bát hay sám hối. Tôi chỉ thầm mong rằng sẽ được “hữu cầu, tất ứng” như năm vừa qua.
Chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp quan trọng và trường cửu trong đời tôi qua bốn câu:
"DUY TUỆ THỊ NGHIỆP".
Adelaide 13/01/2002
TAL
-- o0o --
Xem Trang Kế Tiếp