Nếm Trái Kim Quất
Trúc Giao
Phỏng theo Kinh Bách Dụ
--o0o--
 
Lúc Ðức Phật cư trú tại Vườn của ông Trưởng Giả Cấp Cô Ðộc, trong Thành Vương Xá, thuộc nước Ma Kiệt Ðà. Ðại chúng nghe pháp rất đông trong số thính chúng đó có một ông Trưởng Giả giàu có, tên là Bửu Bình, bản tánh thì rất là hiền lương, nhưng có phải một cái bệnh là keo kiệt bỏn xẻn. Có một hôm nói về phước báo của sự Bố Thí, Ðức Phật ngài dạy:
            - Ðời người giàu nghèo, sang hèn tất cả đều nương vào phước báo hoặc ác nghiệp đời trước mà sanh ra, thế nên đại chúng phải tư duy và thấu triệt vũ trụ Vô Thường, thân hình biến chuyển. Trẻ và mạnh sẽ phải già yếu, đừng ỷ sắc đẹp mà tự trầm mình trong những hành động nhơ bẩn. Vạn vật biến động, tất cả cũng sẽ chết, trên trời dưới đất không một ai lưu được. Tuổi trẻ thì đẹp và thơm, nhưng những thứ ấy không thể bảo đảm thân mạng cho con người. Sự sống là do bởi kết hợp, thì tất phải có ngày tan rã mất. Sinh già bệnh chết đến không ước hẹn, và không ai có thể ngăn chận cho ta. Tai họa bất thần, không một ai thoát khỏi. Bất cứ sang hèn chết cũng sình thối, không thể ngửi được. Như thế, cưng dưỡng thân nầy một cách vô lối đâu có ích gì? Nếu không nổ lực thực hành tu tập các thiện nghiệp một cách vượt bực thì không có cách gì làm cho thân nầy giải thoát. Bởi vì thân con người như sương mai, mạng như nắng chiều, cuộc đời nghèo nàn, không một ưu điểm đáng ca tụng. Trí không sáng suốt như vĩ nhân, thức không thấu triệt như thánh hiền, lời nói không có cái hoa mỹ của sự trung hoà nhân hiếu, thế thì gây ra biết bao nhiêu là nghiệp ác trong cuộc đời. Vậy đại chúng hãy thiết tha và cẩn trọng mà phát động tâm chí dũng mãnh, tâm chí không phóng dật, tâm chí bao la, tâm chí đại từ bi, tâm chí ưa thích điều thiện, tâm chí hoan hỷ, tâm chí che chở và hóa độ tất cả, tâm chí đồng đẳng với chư Phật, Bồ tát có như thế thì sẽ hưởng được phúc lành quả tốt đời sau...
Nghe Ðức Phật giảng đến đây, vị Trưởng Giả keo kiệt kia như cảm thấy có một cái gì đó cởi mở dễ chịu, nên từ ngày ông ở Tịnh Xá trở về mọi người ai cũng ngạc nhiên vì thái độ của ông Trưởng Giả ấy thay đổi hẳn đi. Bởi vì, nếu có lúc trước đây ông khó khăn với đám gia nhân bao nhiêu thì giờ đây ông trở nên dễ dãi và thân thiện bấy nhiêu. Ngay cả những người thiếu nợ của ông, thay vì trước đây ông cho người đi đòi nợ ngày một, thì bây giờ đây ông lại bảo khi nào có trả cũng được. Ông còn căn dặn thằng Khờ, người có trách nhiệm đi đòi nợ cho ông:
- Khờ con, từ đây về sau con đừng đi đòi nợ nữa, để khi nào người ta có họ trả cho mình cũng được, con coi trong truờng hợp họ túng thiếu quá mức thì con cứ nói cho ta hay, ta sẽ giúp cho.
Thế là từ đó tiếng tốt của ông được loan truyền khắp nơi. Những người thiếu nợ của ông ai ai cũng đến để mong ông giúp đỡ, và cuối cùng ông cho hết tất cả những số nợ mà người ta đã thiếu ông. Vì cảm kích tấm lòng nhân từ của ông nên từ đó cũng có rất nhiều người về ở giúp việc cho ông, để gọi là bày tỏ một chút ân đền nghĩa đáp. Nghĩa là ngày xưa người ta ghét ông bao nhiêu, thì bây giờ mọi người lại quý trọng ông bấy nhiêu.
            Thật ra trong tâm tư của ông Trưởng giả từ khi nghe những lời vàng ngọc của Ðức Phật nên ông ý thức đời là vô thường, phù du giả tạm. Có phước được của giàu có chẳng qua là phước hữu lậu, và cũng vì nghe nói có phước đừng có tiêu xài hết, mà hãy cố gắng vun trồng thêm để tích đức cho đời sau. Vì lẽ đó mà ông bắt đầu có khuynh hướng tu phước cho chính mình, ngoài ra ông còn khuyến khích tất cả những người gần gũi ông cùng nhau tu tập. Lẽ dĩ nhiên những người chịu ân của ông lại mến phục ông, hơn nữa thấy ông chăm lo dạy dỗ khuyến khích làm lành nên ai ai cũng vâng dạ, và hết lòng tu tập. Những lúc làm lụng vất vả ngoài đồng áng thì thôi, tối về họ đều tụ hợp tại sảnh đường và yêu cầu ông Trưởng Giả, thuyết pháp dạy họ tu tập. Riêng về ông Trưởng Giả cũng tự biết mình không biết Phật Pháp là bao, cho nên ông chỉ khuyên mọi người lấy tâm từ khoan dung độ lượng mà sống với nhau, hãy thương yêu mọi người, và coi nhau như anh em trong một gia đình. Lời dạy đó được mọi người coi như khuôn vàng thước ngọc, vốn họ đã quý trọng, và bây giờ họ càng quý trọng ông gấp bội. Vì là quý trọng cho nên ai ai cũng muốn làm một cái gì nổi bật để cho ông Trưởng Giả thấy mình là người biết biết ơn và muốn đền ơn.
            Thời gian thấm thoát trôi mau, ông Trưởng Giả cũng đã bảy mươi tuổi, và những cảnh khổ trong cuộc đời cũng không ai tránh khỏi, ông đã bệnh. Chứng bệnh cảm lạnh nầy cứ làm cho ông ho liên miên, và mặc dầu ông uống rất nhiều loại thuốc, nhưng vẫn không thấy thuyên giảm. Thấy thế những ngưòi từng trân quý ông, họ lại tranh nhau đem những món thuốc, hoặc cây cỏ có công dụng trị ho tới cho ông Trưởng Giả. Thấy thế ông hỏi:
            - Các người làm gì thế? Tại sao lại đem nhiều cây cỏ đến đây như vậy?
            Nghe ông Trưởng Giả hỏi cả đám đều nhao nhao lên:
            - Vì chúng con quý mến ông, nên chúng con đem những phương thuốc ngoại khoa đến cho ông uống trị ho, để tỏ dạ chân thành, quý kính của chúng con.
            Nghe mọi người nói thế ông Trưởng Giả rất lấy làm sung sướng.
            Thời tiết lại ác quái, nên bệnh ho của ông Trưởng Giả không lành, thế là mọi người có cơ hội đem hết cây cỏ thuốc này đến cây cỏ thuốc khác. Trong số những người từng trân quý ông, có thằng Khờ là người được ông Trưởng Giả thương mến nhiều nhất, nhưng tay chân của nó lại chậm lụt, đầu óc nó không đủ thông minh, nên nhiều lần nó muốn bày tỏ lòng quý trọng của mình đối với ông chủ, nhưng nó không biết làm sao. Buồn quá không biết tâm sự với ai, nên trở về túp lều con của nó ngoài vườn mía, nói với thằng Sân là bạn thân của nó:
            - Nầy Sân, mày thấy bây giờ tao phải làm sao để cho ông chủ biết là tao quý trọng ông?
            Nghe Thằng Khờ hỏi Thằng Sân nói không do dự:
            - Thì mầy cứ đi tìm những phương thuốc trị bệnh ho cho ông chủ, thì ông chủ biết mầy thương ổng rồi.
            Nghe Thằng Sân nói Thằng Khờ tỏ vẻ thất vọng :
            - Sân à, bộ mấy hôm nay mầy không thấy hay sao? Biết bao nhiêu người đã tìm thuốc cho ổng rồi, mà có món thuốc nào nên thân đâu, mầy bảo tao phải làm sao bây giờ? Thôi mầy thông minh hơn tao, nghĩ coi có cách nào hay hơn không?
            Nghe Thằng Khờ khen thông minh, thằng Sân lấy làm khoan khoái vô cùng, vì từ hồi nào tới giờ nó chỉ nghe người ta mắng chưởi nó là đồ dại dột, thô lỗ, vậy mà bây giờ được thằng Khờ khen là thông minh, nên tự thấy nó bổng nhiên trở thành một nguời rất quan trọng. Nghĩ thế nó nói:
            - Ðược rồi mình là anh em tốt, thế nào tao cũng giúp mầy. Nhưng hiện tại tao cũng chưa nghĩ ra phương pháp nào hay, mầy ráng chờ đợi ít ngày coi tao có cách gì hay không?
            Sau khi hai đứa thảo luận kế sách để bày tỏ lòng biết ơn của mình, Thằng Sân nó cảm thấy có bổn phận phải giúp bạn, nhưng đầu óc nó cũng không khá hơn thằng Khờ, cho nên nó rất lấy làm bức rức trong lòng, vì vậy nó đi hết chỗ nầy đến chỗ khác để học hỏi những cái hay của người để về chỉ cho bạn. Thế rồi trong buổi cơm tối hôm đó xong thằng Sân gọi nhỏ Thằng khờ đi ra ngoài nói:
            - Nầy Khờ, tao có một phương thuốc hay có thể giúp mầy đạt thành ý nguyện, nhưng trước tiên mầy phải gọi ông đây là sư phụ thì ông mới chỉ dạy cho mầy.
            Thằng Khờ nghe nói nó mừng húm lên và khẩn cầu:
            - Ðược tao sẵn sàng tôn mầy làm sư phụ, mày nói nhanh lên đi, tao rất là nóng lòng muốn biết.
            Nghe thằng Khờ khẩn cầu, thằng Sân làm bộ quan trọng chẩm rãi nói:
            - Ðừng có nóng lòng, lại đây ông mách nuớc cho mầy.
            Thấy Thằng Khờ đứng nghiêm chỉnh để lắng nghe, Thằng Sân trịnh trọng nói tiếp:
- Ông mới có học một phương thuốc thật hay, đó là trái Kim Quất có thể chữa được bệnh ho một cách kỳ diệu, nhà ngươi cứ đi tìm trái Kim Quất mang về cho ông Trưởng Giả ăn, sau khi ăn xong ổng hết bệnh thì công của nhà ngươi lớn lắm, như thế ông chủ sẽ coi ngươi là người ân của ổng rồi, có đồng ý không?
            Sáng sớm hôm sau, thằng Khờ vội vã đi tìm trái Kim Quất để trị bệnh cho ông chủ. Ðến vườn cây nó thấy trái Kim Quất rất nhiều, nhưng không biết phải mua những trái như thế nào, vì vậy nó hỏi ông chủ vườn:
- Nầy ông chủ à, tôi muốn mua loại Kim Quất chua chua ngọt ngọt, ông bảo tôi phải hái trái như thế nào?
Nghe Thằng Khờ hỏi, ông chủ vưòn trả lời:
- Trái Kim Quất trong vườn của tôi, trái nào cũng chua chua ngọt ngọt như nhau, cậu muốn hái trái nào cũng được, nhưng nếu cậu không tin thì cứ nếm thử thì sẽ biết.
Thằng Khờ nói:
- Tôi nếm thử một trái thì làm sao biết được các trái kia! Vậy thì tôi xin nếm từng trái một, khi nếm trái nào có vị chua chua ngọt ngọt thì tôi sẽ mua trái ấy cho chắc ăn.
Nói xong Thằng Khờ tự tay hái trái Kim Quất, hễ hái một trái thì nó cắn nếm một miếng. Chủ vườn thấy thế không nói gì cả. Quả thật sau khi nếm Thằng Khờ biết được trái nào cũng có mùi vị ngọt ngọt chua chua, nó liền mua hết đem về cho ông chủ ăn trị bệnh.
Thấy Thằng Khờ mang về một rổ trái Kim Quất đưa cho ông, nhưng trái nào cũng bị cắn, nhâm lỡ dỡ, thấy thế ông hỏi:
Khờ con, trái Kim Quất nầy con định làm gì mà trái nào cũng cắn, nhâm lỡ dỡ như vậy?
            Nghe ông Trưởng Giả hỏi Thằng Khờ thành thật trả lời:
            - Bẩm ông, con quý trọng ông lắm, do đó con ao ước được trị bệnh cho ông, nên con mua trái Kim Quất nầy về cho ông ăn trị bệnh. Nhưng con sợ mùi vị không chính xát, nên con thấy phải nếm trước khi mua. Sau khi nếm, con biết chắc là nó đủ vị có thể trị bệnh cho ông, ông hãy yên tâm mà dùng cho mau lành bệnh.
            Ông Trưởng Giả nghe Thằng Khờ nói, ông vừa bực mình, vừa tức cười và chỉ lắc đầu mà không nói.
 
Lời Bình:
Qua câu chuyện nầy chỉ cho chúng ta thấy về phước đức của sự bố thí, và trì giới sẽ đưọc giàu sang, gia đình thường an ổn không bị hoạn nạn tai ương, nhưng họ không tin là thật và muốn chính mình chứng nghiệm cho rõ ràng, nên bỏ mất cơ hội. Cũng giống như Thằng Khờ không tin lời ông chủ vườn, nên nó muốn chính miệng nó ghi nhận được mùi vị chính xát trước khi nó mua. Nhưng nó đâu có biết rằng: Tất cả những trái Kim Quất bị nó cắn lỡ dỡ như vậy, ông Trưởng Giả đã không ăn được mà trái lại còn buồn nôn muốn mửa, do đó mà tất cả trái Kim Quất đều quăng vào thùng rác.
            Nên biết rằng mọi việc trên đời đều do nhân duyên phước báo từ đời kiếp trước mà hình thành quả giàu, nghèo, sang hèn. Tuy nhiên người đời không chịu từ nơi nhân duyên nghiệp quả mà khảo xét cho rõ ràng, để thông suốt mọi việc. Từ một việc có thể hiểu được nhiều việc, để tiến tới tu học, tô bồi phước huệ cho căn lành, cho cuộc đời hiện tại, hoặc kiếp tương lai. Trái lại cố chấp: Cần phải tự bản thân mình thấy, nghe, chứng biết mới tin. Cuối cùng phó mặc cho thời gian năm tháng đưa đẩy trôi qua, một mai gần chết, tất cả đều xả bỏ, chừng đó có ăn năn cũng không kịp.
-- o0o --