Tản Mạn Ðôi Ðiều
Về Tiếng Việt
Mang Viên Phúc
--o0o--
 
 
            Văn minh và Văn Hóa của một dân tộc phần lớn thể hiện qua sự phong phú, súc tích trong ngôn ngữ và các sinh hoạt văn học dân gian. Dường như mọi quốc gia đều có hảnh diện riêng về tài sản Văn Học của mình. Dù vậy, đối với các nhà nghiên cứu nhân văn, văn học, văn minh cũng đã có những đánh giá khác biệt để so sánh các nền văn minh và nét đặc thù của mỗi dân tộc
            Việt Nam ta, một đất nước không rộng lớn, khiêm nhường, nếu so sánh với một số nước trong vùng như: Trung Hoa, Ấn Ðộ, hay xa hơn như Anh, Pháp, Nga, Mỹ..v..v..Nhưng may mắn chúng ta đã có một gia sản văn minh từ hơn bốn ngàn năm.
            Chúng ta tự hào không phải với cái Thùng rỗng bốn ngàn năm Văn Hiến, mà chúng ta thực sự tự hào vì văn minh văn hóa đã có thật, có chứng minh bằng những dữ kiện, bằng những giá trị cụ thể không thể chối cãi.
            Quốc gia Phi Luật Tân, sau hơn thế kỷ thuộc điạ, ngày nay người dân Phi đã mang những cái tên Phương Tây như: Bernadette, Ferdinan, Augusto..v..v.. nhưng Việt Nam ta vẫn giữ những cái tên Nguyễn Văn Xoài, Trần Văn Ổi...  Sau hơn một ngàn năm đô hộ của người Trung Hoa và hơn một trăm năm đô hộ của Pháp. Thời gian độ hộ của thực dân, dĩ nhiên cũng đã có những Phillip, André, Robert nhưng con số nầy chỉ trên đầu ngón tay. Ðó là những dữ kiện trong hàng ngàn dữ kiện về tinh thần dân tộc. Chúng ta có thể kiễm chứng mà sử sách còn ghi chép.
            Trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam, một lãnh vực đơn giản và rất thông dụng mà mọi người Việt đều biết, cũng rất phong phú. Tỷ dụ để diển tả hai trạng thái mầu sắc Trắng và Ðen, chữ nghĩa Việt Nam có hàng chục từ ngữ khác nhau để cùng mô tả mầu sắc đó, và rất chi tiết chứ không chung chung.
            Ðể diễn tả mầu Trắng, Việt nam ta có: Trắng tươi, trắng bạch, trắng bóc, trắng phách, trắng muốt, trắng toát, trắng mờ, trắng đục, trắng bốp, trắng dã, trắng nhợt, trắng nõn, trắng phau, trắng tinh, trắng xóa, trắng hếu, trắng nuột, trắng như bông bưởi..v..v.. những từ ngữ nầy nếu diễn tả bằng Anh Ngữ theo sự hiểu biết của tôi very white, whitist, pale. Hay cùng lắm là brilliant white và nếu muốn dông dài thì As white as alabaster.
            Còn nói về mầu đen thì ta có: Ðen huyền, đen mun, đen óng, đen thui, đen nhánh, đen kịt và còn cả những từ ngữ thoạt nghe không dính dáng tới mầu đen đối với sự hiểu biết bình thường và thông thường của một người ngoại quốc học tiếng Việt. Chữ Việt như mực, ô, mun, hay quạ cũng để tả mầu đen, nhưng chỉ trên súc vật.
            Thật vậy, người Việt gọi con chó có mầu đen là chó mực, ngựa màu đen là ngựa ô, gà màu đen là gà quạ, con mèo mầu đen là mèo mun. Và còn một điều tinh vi nữa là tĩnh từ màu sắc đó chỉ dùng riêng cho một loài súc vật không thể lẫn lộn. Không một người Việt nào gọi chó ô, ngựa quạ, gà mực hay chó quạ, ngựa mực, gà ô; hay mèo mực, mèo quạ, mèo ô....
            Trên đây chúng tôi chỉ nêu lên trong muôn một sự phong phú của tiếng Việt. Cũng từ ngôn ngữ đó đã mang lại kho tàng văn học dân gian những sắc thái phong phú, súc tích và trữ tình.
            Ðể chứng minh phần nào những điều đề cập trên đây, xin nêu hai câu ca dao thể lục bát:
            - Nhà em có bụi mía mưng
            Có con chó dữ anh đừng vô ra!
             Theo sự giải nghĩa của Việt Nam Tự Ðiển, từ ngữ Bụi cây, bụi mía, là một khóm gồm nhiều cây mọc chen chúc.
            Hai câu ca dao trên đây nhắc tôi nhớ lại những năm đầu thập niên năm mươi, khi tôi học Trung Học, có giờ Việt Văn do một nhà thơ nổi tiếng dạy, thầy tôi, nhà thơ Quách Tấn. Trong một buổi giảng về ca dao, tục ngữ, thầy viết lên trên bảng hai câu ca dao trên và hỏi học sinh giải nghĩa. Tôi nhanh nhẩu đưa tay trả lời, và được Thầy chiếu cố giữa hàng chục học sinh cùng đưa tay đua nhau trả lời.
            Sau một hồi đem hết sự hiểu biết phân tích, cắt nghĩa, tôi kết luận đại khái là: Cô bé quê mùa kia sợ người yêu không biết tình hình nhà mình vác xác đến thăm bất chợt thì sẽ bị con chó dữ kia xơi tái và mọi chuyện yêu đương thầm kín kia sẽ bị bại lộ, và xin đằng ấy đừng đến, em sẽ đến với đằng ấy đêm nay. Ráng mà chờ em...!! Nông thôn Việt Nam ngày xưa rất khắt khe trong việc quan hệ tình cảm trước của những thanh niên nam nữ, mà con trai con gái phải đợi cha mẹ đặt đâu con ngồi đó nghĩa là chuyện trăm năm và hạnh phúc của họ chỉ được định đoạt bởi bố mẹ, vì thế mới có câu tục ngữ:
            - Làm thân con gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu.
            Trả lời xong tôi ung dung chờ đợi Thầy khen. Thầy lắc đầu, đảo mắt nhìn quanh lớp tìm xem lời giải nghĩa khác. Tôi ngỡ ngàng. cả lớp im lặng, những cánh tay kia đã khoanh trên bàn bất động. Có lẽ cái tuổi mười mấy của tôi và các bạn lúc bấy giờ đâu có thể thấu hiểu ý nghĩa sâu xa tiềm ẩn, gởi gấm trong những câu ca dao mộc mạc, nhưng sâu sắc trử tình.
            Và Thầy giảng thì trái ngược, cô bé quê mùa ấy rất thông minh, khôn ngoan và là một đặc công có hạng. Cô dặn dò, điểm chỉ cho người yêu mình nơi ẩn nấp an toàn là bụi mía mưng trong vườn, với lời nhắn khéo rằng, đêm nay anh có đến với em thì ém quân ở chỗ bụi mía chờ em ra, chớ đừng có thập thò lấp ló kẻo con chó dữ nhà em đánh hơi thì đời anh sẽ khốn nạn...
            Cái thâm thúy, sâu sắc, đầy trữ tình trong ca dao, tục ngữ và ngôn ngữ Việt Nam là ở chỗ đó. Thoạt đầu của hai câu lục bát, câu sáu chữ nêu lên bụi mía mưng, ta tưởng như dùng làm hứng khởi cho tư tưởng câu tám chữ kế tiếp, nhưng thật sự mỗi câu đều có ý nghĩa của nó.
            Trong ngôn ngữ Việt Nam, nhiều câu, nhiều ý, nhờ tính phong phú súc tích của nó, đôi khi ta cũng có thể rút ra một nhận định nôm na hơi khôi hài rằng: Nói vậy mà không phải vậy.
            Cũng từ tính chất đó thành ngữ già kén kẹn hom chúng ta có thể giải thích bằng hai cách: Tùy theo giới tính của từ ngữ Kén. Giới tính của nó trong câu sẽ thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của câu, khác biệt nhau. Nếu nó là một danh từ thì chúng ta có thể giải thích Già kén kẹn hom trong lãnh vực một kinh nghiệm nghề nghiệp, và nếu nó là một động từ thì nó cũng đúc kết một kinh nghiệm, nhưng không phải nghề nghiệp, mà là một kinh nghiệm sống.
            Chúng ta hãy thử điểm qua hai giải thích:
            - Giải thích từ ngữ kén là một danh từ.
            Theo diễn nghĩa của Việt Nam Tự Ðiển thì kén là tổ bằng tơ của một loại sâu bướm, như tằm dệt ra để ẩn lúc hóa nhộng. Chu kỳ thành kén được mô tả tằm nở ba ngày là rụng lông, tằm từ màu đen chuyển dần sang màu trắng, rồi nằm một ngày một đêm không ăn uống gì, lột xác, đội lốt lớn lên gọi là dậy vào ăn một. Sau đó cứ ba ngày lại nằm một ngày mà người chăn nuôi tằm tính lần là ăn hai, ăn ba, và ngày cuối cùng là ăn rỗi, bốn lần như vậy thì chín.
            Tằm chín là tằm đã to lớn hết cỡ, thân mình từ trắng bên ngoài, đen trong ruột, chuyển sang hoàn toàn thân vàng óng và trong bóng vì dâu đã tiêu hóa hết thành tơ trong bụng tằm. Lúc bấy giờ người nuôi tằm phải thả chúng trên những cái né để cho chúng kéo kén. Né là những tấm phên mắt cáo đan bằng nan tre, nan nứa. Những nan tre nứa nầy người ta con gọi là hom. trên mặt né có đặt các búi rơm sóng hoặc dây khoai từ để cho tằm làm tổ.
            Thế là con tằm kéo kén trên các né đan bằng những hom tre. Nếu người nuôi tằm gở kén đúng lúc thì đương nhiên là dễ dàng, còn như để cho kén già, nghĩa là quá hạn thì kén sẽ khó róc do dính quá chặt vào hom, nghĩa là kén sẽ bị kẹn lại. Cũng theo Việt Nam Tự Ðiển  thì kẹn có nghĩa là sát quá, không róc(không tróc).
            Do đó, người trồng dâu nuôi tằm đúc kết thành kinh nghiệm già kén kẹn hom là vậy.
            Còn nếu giải thích từ ngữ kén là một động từ thì được hiểu như một đúc kết của một kinh nghiệm sống:
            - Theo Việt Nam Tự Ðiển thì động từ kén là chọn lựa quá kỷ, đòi hỏi nhiều điều kiện nơi đối tượng. Nguyên câu có ý lựa chọn kỹ quá mà lại kéo dài quá lâu thành kẹn hôn nên tình duyên lỡ làng, cuối cùng gặp cảnh không như ý. Chữ kẹn ở đây mang ý nghĩa không suông sẻ, khó khăn, rắc rối. Còn hôn là hôn nhân, việc lứa đôi có âm giống chữ hom.
            Thành ngữ già kén kẹn hom của các nhà tang tằm đi vào ngôn gữ chung của toàn xã hội và ngay cả kinh nghiệm sống trong lãnh vực lứa đôi từ chỗ kén chọn quá kỹ thành ra lỡ làng đã biến đổi ra già kén kẹn hôn.
            Hai thành ngữ, một đúc kết qua kinh nghiệm nghề nghiệp, một được cô đọng từ những xót xa của cuộc sống, chưa biết kinh nghiệm nào phát sinh trước và bên nào đã mượn ý bên nào. Nhưng có lẽ kinh nghiệm đời sống tức là nghề nghiệp chứ không phải cuộc sống đã phát sinh trước.
            Dù vậy cũng chưa hết, nếu xét trên thực tế con tằm cái kén, người ta có thể rút ra một kết luận Phàm làm việc gì phải đúng lúc đúng thì, không thái quá mà cũng không bất cập, có nghĩa là đúng mức thì mới mong đạt thành quả tốt, và kết luận nầy áp dụng vào lãnh vực nào cũng giải thích được. Áp dụng như một kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất tằm tơ cũng đúng, mà nếu đem vào sinh hoạt cuộc sống như việc lựa chọn người bạn đường cũng không sai.
            Ngôn ngữ và chữ nghĩa Việt nam ta là như vậy. Rõ ràng niềm hãnh diện về một nền văn hóa phong phú, súc tích mà mỗi người Việt Nam ta vinh dự nhận lãnh là một hãnh diện thật sự được đúc kết lâu đời mà chúng ta phải cố gắng duy trì và phát huy, nhất là cho thế hệ trẻ tại hải ngoại.
-- o0o --