Mùa Hè Seattle
Có Gì Lạ Không Em?
Mang Viên Phúc
--o0o--
           
Seattle trung tâm giao dịch kinh tế, thương mại và Văn Hóa của Tiểu Bang Washington được mệnh danh là thành phố Ngọc Bích thật không sai với màu xanh tươi mát của rừng thông, núi đồi, trãi rộng với những cỏ cây hoa lá.
            Một mùa Hè thật lý tưởng với những sinh hoạt nhộn nhịp của phố xá tấp nập vào dịp Lễ Lao Ðộng, một long weekend đầy hấp dẫn cho những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, nhưng lại trong một khu vực khiêm nhường của thành phố rực rỡ nầy, trên đường phố số 42nd phía Nam Seattle, tại ngôi Chùa Dược Sư cũng sáng chói ánh hào quang của những tấm lòng ưu tư đến một nếp sống tâm linh đạo hạnh đã tề tựu từ Vancouver, Portland Oregon, Vancouver B. C. Canada, và các vùng phụ cận trong Tiểu Bang Washington như: Tacoma, Renton, Lynnwood..v..v.. về tham dự Khóa Tu Học Muà Hè 1998 bằng những ngày nghỉ Lao Ðộng 5,6 & 7-9-1998 thật là cao quý! Không chói sáng hào quang sao được. Trong khi có người dùng dịp nghỉ dài để vui chơi, hưởng thụ sau những ngày lao động vất vã bằng những cuộc săn bắn, câu cá, hoặc giải trí trong các sòng bạc, trong các vũ trường, trong cao lâu tửu điếm... thì họ đã can đảm gác lại chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện vui chơi để tìm về một cõi an bình dưới ánh huy hoàng rực rỡ của Phật Pháp bằng những ngày tu học!
            Họ không phải là những cụ già gần đất xa trời đến để nương tựa chốn an lành bằng những buổi lễ lạy, bằng những lời kinh sám hối. Họ không phải là những nhân vật sau những tháng năm dài bôn ba, bon chen trong danh lợi, đến chán chường..v..v.. mà họ là những người có gia thế hạnh phúc, vợ chồng đầm ấm, những thanh niên thiếu nữ học sinh, sinh viên đầy sinh lực yêu đời, đã chọn cho mình một nếp sống nội tâm, tự lau chùi, mài dũa viên ngọc quý vốn sẳn có của mỗi người như lời Phật nói trong Phẫm Tín Giải Thức Tư và Phẫm Ngũ Bá Ðệ Tử Thọ Ký Thứ Tám trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh về người con xa cha giàu có của mình nhìều năm cứ cho mình là hàng hạ liệt chỉ đáng kể tôi tớ, làm thuê ở mướn; hay câu chuyên người bạn được huynh đệ tặng cho viên ngọc quý đáng giá ngàn vàng, gói ghém trong chéo áo mình mà không hay biết, để rồi cũng chỉ tha phương cầu thực cho qua ngày đoạn tháng.
            Mỗi chúng sinh đều có Phật Tánh, nhưng vô minh che lấp nhiều đời nhiều kiếp. Tu học là con đường khai ngộ, thắp sáng để trở về tự tánh, đạt tới cứu cánh Niết Bàn. Niết bàn không phải là một cõi  xa xăm, mà Niết Bàn có thể là ở ngay trên cõi đời nầy.
            Ðoạn thứ tám trong Phẫm Ngũ Bá Ðệ Tử Thọ Ký Tứ tám có ghi:
- Bấy giờ 500 vị A La Hán ở trước Phật được thọ ký xong, vui mừng hớn hở liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật, đầu mặt lạy chân Phật mà tự trách: Thế Tôn, chúng con thường nghĩ như vầy, tự cho mình đã được rốt ráo diệt độ, nay mới biết là như ngườì vô trí. Vì sao? Chúng con đáng được trí huệ của Như Lai mà bèn lấy trí nhỏ cho là đủ...
Vậy con đường tu học là phương tiện giúp cho người con Phật ngày một giác ngộ, chúng ta phải đáng được trí huệ của Như Lai chứ không thể dừng lại nơi trí thức thấp hèn nầy.
            1- Tu Ðâu Cho Thiếp Tu Cùng
Mai Sau Thành Phật Ngồi Chung Một Bàn.
            Có người cho rằng hai câu ca dao trên đây là không nghiêm túc, đem tình cảm vợ chồng vào đời sống tu trì. Theo tôi, phê bình như thế là khắt khe và thiếu am tường. Ta hãy nhìn lại cuộc đời hành đạo của Ðức Phật, trước khi ngộ đạo để thành đấng đại trí, đại giác, Ðức Phật cũng có một đời sống bình thường như mọi người. Ngài cũng có người vợ đẹp là công Chúa Da Du Ðà La, và con xinh là Thái Tử La Hầu La. Năm 29 tuổi Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, khi Công Chúa Da Du Ðà La vừa hạ sinh hoàng nam La Hầu La. Lòng bi mẫn đã thúc dục ngài đến một quyết định bất thối chuyển, xem thường sức quyến rủ tạm bợ, phù du của cuộc sống vương giả, để tìm kiếm một con đường vượt thoát mọi khổ đau. Ngài gác lại cái tình yêu nồng nàn nhưng nhỏ nhoi, để đi tìm một tình yêu cao cả, bao la cho khắp muôn loài muôn vật, cho những chúng sinh đang đắm chìm trong bể khổ trầm luân. Và khi Ngài đã chứng đắc, hoàn toàn chấm dứt mọi ái dục, Ngài cũng không quên độ cho bà Da Du Ðà La, và Thái Tử La Hầu La cùng thành Phật quả đó sao?
            Khóa Tu Học Mùa Hè 1998 năm nay, chúng tôi được biết có nhiều vị tham dự đủ cả ông và bà. Có những cặp còn khá trẻ độ tuổi ba mươi, bốn mươi, có những vị ở độ có cháu nội, cháu ngoại năm mươi, sáu mươi hay lớn hơn, và ngay cả những em nam nữ đang thời gian yêu đương... họ cũng về Chùa tu học với một tinh thần rất thanh thản, cùng nhau học hỏi qua những giờ Pháp Thoại, của quý vị Thượng Tọa, Ðại Ðức, có cả Thượng Tọa Thích Ðồng Trung, Viện Trưởng Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Tại Vùng Tây Bắc, Trụ Trì Chùa Dược Sư, người đứng ra tổ chức các khóa tu học kể từ khi Chùa được thành lập năm 1996. Mọi người cùng nhau sinh hoạt trong các thời lễ, thiền hành ngoài trời, thiền trà và ca hát chung với quý Thầy.
            Những bài ca ở đây không phải là những nốt nhạc ẻo lã, anh anh, em em của thế sự mà là những lời nhắc nhở cùng nhau tu học, gìn giữ nếp sống đạo hạnh.
            Trong bầu không khí trong lành, tươi mát, dưới những tàng cây im bóng được đặt tên Tịnh Xá Kỳ Hoàn, Vườn Lâm Tỳ Ni, Vườn Lộc Uyển..v..v trong khuôn viên Chùa, và của vùng Công Viên Thiêng Liêng(Holly Park) mượt mà cỏ xanh và rợp bóng những cây thông, cây xồi, chúng ta nghe họ ca hát hồn nhiên, Thầy và trò cùng ca, cùng vỗ tay đánh nhịp, với những lời ca đơn sơ:
            - Ðây là Tịnh Ðộ, Tịnh Ðộ là đây
            Mĩm cười chánh niệm an trú hôm nay
            Phật là trái chín, Pháp là mây bay
            Tăng thân khắp chốn quê hương nơi nầy.
            Thở vào hoa nở, thở ra trúc lay
            Tâm không ràng buộc tiêu dao tháng ngày.
            Rồi những vòng tay nối nhau trên những triền đồi, dưới nắng Hè ban mai của vùng Thung Lũng Ngàn Xanh, họ ca những lời ca trông họ vô tư, trong sáng, trở về như tuổi thơ học trò lớp hai, lớp ba với bài hát vòng tròn Viên Giác, với những câu ngắn gọn, nhưng thể hiện được cái tâm từ bi của con nhà Phật.
- Ta sẽ quay vòng tròn tượng trưng cho tánh viên dung
Tâm nối vòng tâm thân ái vô cùng
Tròn cho thật là tròn như vầng hào quang
Tròn thật là tròn mười sáu tròn trăng.
Và cũng nghệ sĩ không kém, quý Thầy cũng đã hát cho đại chúng nghe. Ðại Ðức Thích Viên Giác, nguyên là Tổng Thư Ký Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Tại Canada, hôm nay trong chiếc áo nhật bình màu lam, tay ôm đàn guitar, hình ảnh nổi bật trên nền cỏ xanh của Công Viên Thiêng Liêng trong ánh sáng của buổi mai hè đầy thanh thoát, Thầy hát bài ca nói về Tình Mẹ, có lẽ là sáng tác của ông. Và những lúc thực tập Thiền, Quán Niệm, mọi người cùng hát bài ca Thiền Tọa, sáng tác của Thượng Tọa Viện Trưởng Trung Tâm Văn Hóa Tại Vùng Tây Bắc:
- Một ngồi xuống dứt trầm luân
Thân an lành trong thế hoa sen
Miệng không còn tạo chư ác duyên
Ý không còn bay nhảy khắp miền
Bồ Ðề kia quả chứng đạo liền.
2- Những Tài Tử Bất Dĩ & Cô Em Xi Khả Ái
Nếu nhận định một cách lạc quan và hài hước, cho rằng ba ngày tu học như một show trình diễn, thì quý vị Thượng Tọa, Ðại Ðức là những vị tài tử gạo cội, phải vất vã chạy show từ Ottawa, Vancouver B. C, Canada đến Seattle cho kịp trình diễn, và cô Em Xi(MC) là cô Ðồng Nguyệt cũng hối hã từ Portland, Oregon tới hội ngộ với Ðại Chúng trong phần điều hợp chương trình. Từ lâu người phật tử khả ái nầy đã có nhiều gắn bó với các sinh hoạt phật sự của Chùa Dược Sư, hôm nay trông cô trang nghiêm, nhưng không kém phần duyên dáng trong bộ áo tràng màu lam, năng nổ, lịch duyệt trong nhiệm vụ điều hợp chương trình ba ngày tu học: Từ giờ giấc học hành, ăn nghỉ, vui chơi, cho đến các thời lễ lạc. Ðại Chúng câu hội đều rất thỏa mái và vui lây với nụ cười hồn nhiên của cô Em Xi.
Quý vị tài tử chính thay nhau ra mắt đại chúng với những bộ áo nâu sòng, màu lam hay những tấm y rực rỡ ánh vàng, với những bài pháp nào là: Tam Bảo, Hoa Nhân Phẩm, Kinh Thương yêu, Kinh Phước Ðức.
Thượng Tọa Thích Bổn Ðạt, Phó Chủ Tịch Ðiều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Tại Canada cũng đã bày tỏ tâm trạng rằng ông cảm thấy như một tài tử trình diễn trên sân khấu mà ông không quen. Nhưng sân khấu ở đây là bục giảng và bản viết, và mọi người đều công nhận rằng các nghệ sĩ trình diễn rất xuất sắc, lôi cuốn đại chúng từ phút đầu cho đến phút cuối, đến nỗi có vị đã phát biểu trước giờ kết thúc ba ngày tu học như sau:
- Ðối với bà trong ba ngày tu học là những thang thuốc bổ, làm tiêu tan mọi phiền muộn, và ước gì lớp học kéo dài thêm vài ngày nữa.
3- ...Vậy Ðạo Phật Có Phải là Ðạo Chán Ðời Chăng?
Tu học đã làm tiêu tan phiền muộn, tu học là thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, đẩy lui vô minh để nhìn rõ sự thật dù cho đó là sự hợp ly, ly hợp trong cuộc đời. Nói một cách tổng quát, tu học là để thắp sáng ngọn đuốc chánh niệm, để hiểu rõ những sinh động, biến thái của Sinh, Già, Bệnh, Chết.
Trạng thái chán chường là hậu quả của mọi tinh thần u tối, lẫn quẩn, không lối thoát. Nhưng Phật Pháp đã mang lại ánh sáng, soi rọi cho ta thấy đuợc những điều vô thường, giúp người tin Phật tự giác, tìm thấy nguyên lý, một nhân sinh quan để sống và chấp nhận trong tư thế đầy tự tin để không cầu xin van nài. Giữa hai mẫu người:
- Một chấp nhận trong tự tin mọi điều vô thường, đến hoặc đi và sẳn sàng không ngăn ngại.
- Một lo âu, sợ hãi, mất mát, ôm giữ và cầu xin để được thủ đắc.
Như thế thì kẻ nào yếm thế, và ai là người yêu đời?
Vậy Ðạo Phật chắc chắn không phải là đạo chán đời mà là đạo yêu đời mới đúng... và ta hãy nghe những người tu học tập yêu đời trong lời hát:
- Giận mà chi cho lòng thêm tê tái
Giận mà chi cho lòng thêm khổ sầu
Nhức thêm cái đầu
Thôi thì đừng giận hờn
Nhìn nhau đi
Cười mĩm chi
Cười cười mãi trong đời.
Những kẻ chỉ biết cười, không sân hận đâu thể tìm được trong lớp người chán đời phải không thưa quý vị?
4- Ðêm Thiền Trà & Ban Ngũ Ca... Tía M.
            Không khí thật trang trọng đượm màu Thiền trong buổi Thiền Trà đêm Chủ Nhật 7-9-1998 dưới ánh nến lung linh và màu vàng rực rỡ. Trong ngôi chánh điện khiêm nhường, hơn 70 Thiền Sinh cùng nhị vị Thượng Tọa Thích Ðồng Trung và Thích Bổn Ðạt quây quần trước bệ thờ Ðức Bổn Sư cùng nhau cử hành nghi lễ Thiền.
            Chánh điện mờ ảo dưới ánh sáng lung linh của hàng nến trên chiếc bàn thấp kiểu trà đạo của người Nhật. Sau phần nghi lễ của buổi Thiền Trà do Thượng Tọa Thích Ðồng Trung làm Trà Chủ, là phần giải thích về ý nghĩa Hoa Ðạo do Thượng Tọa Thích Bổn Ðạt phụ trách. Những chất liệu của khay Hoa Ðạo gồm có những khúc cây khô, những khối đá nhẳn nhụi, cành lá và những đóa hồng mà Thượng Tọa đã góp nhặt trong vườn Lâm Tỳ Ni của chùa để trang trí khay Hoa Ðạo cho buổi thiền trà.
            Khay hoa đơn giản, với từng ấy chất liệu nhưng đã nói lên trọn vẹn ý nghĩa hợp tan của Vô Thường. Những khúc củi khô đét kia cũng đã có thời là những thân cây xanh tốt với những tàn lá xum xuê, những hòn đá nhẳn nhụi nọ chắc chắn là một thành phần của cụm núi nào đó đã từng hùng vĩ, thênh thang. Những cộng lá xanh kia, những đóa hồng tươi thắm hôm nay qua thời gian rồi cũng điêu tàn, khô héo theo định luật của Vô Thường. Cuộc đời của con người cũng vậy. Thế mà mấy ai chịu nghĩ mọi việc trên thế gian nầy đều là Vô Thường. Quyền quý, danh vọng, của cải, vàng bạc, châu báu, cha mẹ thân yêu, vợ con, chồng con quý mến rồi cũng chỉ là duyên hợp. Còn duyên hay có duyên thì duyên hợp, hết duyên thì tan. Không tham luyến, si mê hay hận thù vì bị mất mát hay chiếm đọat để không còn khổ, để giải thoát. Con đường mà Ðức Phật đã tìm ra để cứu khổ chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi.
            Trong khung cảnh trang nghiêm, ấm cúng, bên tách trà nóng, duới ánh hào quang của ngọn điện trên bàn thờ Phật lập lòe và ánh nến lung linh, tâm tư mọi người đều trong tư thái thư giãn, tĩnh lặng của Thiền Ðạo đại chúng cũng đã nghe Thượng Tọa Thích Ðồng Trung hát bài kinh Dâng Hương Cúng Phật bằng một điệu tân nhạc rất thu hút. Buổi Thiền Trà kéo dài đến 10:00 đêm với những lời ngâm thơ, những bài hát, và đặc biệt nhất là ban ngũ ca không tên chùa Dược Sư xin đặt tên là Ban Ngũ Ca Tía Má vì đã hợp ca bản nhạc Ngày Mùa:
            - Tía em hừng đông đi cày bừa
            Má em hừng đông đi cày bừa...
            Tất cả thiền sinh đều vỗ tay phụ họa và hát theo rất nhịp nhàng... và tất cả cùng cười khi kết thúc... bể dĩa. Ngoài trận cười do ban ngũ ca ca, các thiền sinh còn được nghe bài thơ tả chân do phật tử Diệu Long đọc:
- Bon, bon, ba tiếng chuông Chùa vọng lại
Bạn nhớ chăng lời Phật dạy trong lòng....
Ðại chúng cùng cười trong niềm an vui thoải mái khi phật tử Diệu Long vừa bắt đầu đọc thơ cho đến khi kết thúc bài thơ. Nghe nói ban ngũ ca thề nguyền sẽ lấy lại thanh thế trong khóa tu học năm tới với các ca sĩ bất đắc dĩ đó là: Diệu hạnh, Trúc Chi, Lệ Ý, và hai vị khác không rõ tên, và sẽ chiêu mộ thêm nhiều ca sĩ tự giác tình nguyện đúng như tinh thần giáo lý Ðạo Phật là đạo tự giác.
            5- ... Và Những Chuyên Viên Bất Ðắt Dĩ
            Tường thuật về những ngày tu học năm nay sẽ không đầy đủ nếu không nói đến khâu: Trai sọan, tiếp tân, và ban kỷ thuật, tổ chức từ nơi ăn chốn ở đến các phương diện ánh sáng, âm thanh và phim ảnh. Trước hết là chuyện ăn, vì câu người ta thường nói:
            - Có thực mới vực được đạo
            Hơn lúc nào hết, câu tục ngữ trên đây đã được chứng minh một các hùng hồn. Việc ẩm thực cho 70, 80 người vừa là khách, vừa là thiền sinh trong điều kiện chật hẹp của bếp núc và nhân sự, ai ai cũng siêng năng tu học nên việc nầy cũng chỉ do một tay chị Quảng Giáo lo liệu. Ngày ba bữa đàng hoàng: Sáng điểm tâm hủ tiếu, cơm tấm, bánh mì cà ry, bánh ngọt, cà phê, nước trà nóng. Trưa cơm bốn món: Cơm trắng, cá kho, canh chua, cải xào. Chiều đổi món: Cơm trắng, lòng xào, canh rau..v..v.. Chúng tôi dùng chữ cá và lòng ở đây để nói lên cái khéo tay của các cơ sở sản xuất thực phẩm chay, dùng nguyên liệu rau đậu mà chế biến để phục vụ thị trường thực phẫm chứ không phải cá hay lòng heo thật sự. Ba ngày mỗi ngày ba bữa, thực đơn đều hay đổi. Thấy chị bận rộn như chạy đua với thời gian, kể cả vừa nấu nướng vừa bày dọn. Tôi bông đùa hỏi chị có mệt không? Chị tươi cười bảo tôi hãy nhìn vẻ mặt lúc nào cũng vui tươi của chị đủ biết chị có mệt hay không! Chị vui tươi thật, nhưng có lẽ chị cũng mệt. Tôi nghĩ việc làm của chị có lý vì đó cũng là cách tu học, đem nguồn vui và phương tiện đến cho mọi người để họ có điều kiện tu học là một hạnh nguyện cao quý.
            Còn chuyện ở thôi thì lắm chỗ. Mặc dù Chùa mới thành lập, mọi phương tiện còn thiếu thốn, nhưng Chùa có cả một chánh điện, tầng trên của Chùa. Và thoải mái như một cuộc picnic ngoài trời, gia đình anh chị Long và các cháu ở Portland đã mang cả lều cắm trại ở Vườn Lâm Tỳ Ni, dưới chân tượng Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát trước Chùa dựng lên hai chiếc lều xinh xắn, kín đáo, ấm cúng. Vợ chồng, con cái thanh thản trong không khí trong lành của vườn cây mà Thượng Tọa Trụ Trì đã tự tay bảo trì từ ngày thành lập Chùa, và thu dọn từng chiếc lá úa.
            Trong thời buổi văn minh hiện tại, mọi hệ thống tổ chức có tính chất công cộng đều cần đến mọi hệ thống âm thanh tốt. Lại nữa Chùa Dược Sư là một thành phần của Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Tại Vùng Tây Bắc có trách nhiệm hoằng hóa Phật Pháp nên cần có một kỹ thuật tương đối để thu lại các bài pháp thoại, những giải đáp thắc, cũng như phục vụ hệ thống phát thanh cho các giờ pháp, giúp cho đại chúng thu nhận được tối đa những lời giảng dạy, phát thanh trong các giờ nghỉ, các bài pháp của các Hoà Thượng và chư Tôn Ðức. Mọi việc cũng đã có những chuyên viên bất đắc dĩ, nhưng professional không kém, đó là Thầy giáo Lộc, pháp danh Nguyên Ngọc, một giáo sư của Trường South Seattle Community College, Phật tử Lê Quang Phước, cô Diệu Lệ, và các huynh trưởng trong đoàn Thanh Thiếu Nhi Phật Tử Chùa Dược Sư. Họ đã làm việc từ 5 giờ sáng, để chuẩn bị cho khóa lễ buổi mai, và đến hơn 10 giờ đêm để thu dọn trong khi đại chúng an nghỉ.
            ...Và nhanh tay nhanh chân nhất cũng là phó nhòm bất đắc dĩ Nhật Hoa Quang. Tuy tuổi cũng đã kha khá cao, nhưng trông anh rất nhanh nhẹn, vai đeo túi xách phim ảnh, tay vác máy Canon chạy đây chạy đó để thu vào ống ảnh những hình đẹp đẽ nhất, súc tích nhất cho các tài liệu của Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo. Dáng người nhỏ thó có tài làm thơ, và ngâm thơ với giọng Hà Nội tuyệt diệu, nhưng khi cầm máy ảnh cũng nhạy bén không kém. Vất vả và tội nghiệp nhất là khi anh vác máy ảnh chạy từ ngọn đồi nầy sanh ngọn đồi khác để kịp thời chụp ảnh đoàn thiền hành ở trong những khung cảnh đẹp nhất. Trong thời gian khóa tu học đang diễn tiến, anh đã tranh thủ cho rữa ảnh nhanh đem trưng bày cho đại chúng xem. Ai nấy cũng đều trầm trồ khen ngợi được thấy hình ảnh mình trong các khóa lễ, trong giờ cơm, lúc đi thiền hành, hoặc trong giờ pháp thoại.
            Cuối cùng, nhóm quay phim thì có một già, một trẻ đó là đạo hữu Phúc và em Hùng cũng làm việc hết mình để ghi lại trên những cuốn băng nhựa như là một tài liệu sống phản ảnh một sinh họat đặc thù có ý nghĩa của Chùa Dược Sư trong mùa Hè 1998. Nghe đâu bộ băng video cho Khóa Tu Học Mùa Hè 1998 đã được ráp nối hoàn tất và sắp được phát hành trong nay mai.
            Trong hoàn cảnh khó khăn của một Trung Tâm Phật Học vừa mới thành lập, Trung Tâm Văn Hóa Hóa Phật Giáo Tại Vùng Tây Bắc, Chùa Dược Sư đã thực hiện được những khóa tu học đáng kể, đây là lần thứ hai. Phải nói đây là một cố gắng vượt bực để thể hiện nhiệm vụ cao cả, để tiếp nối sứ mệnh, con đường hoằng pháp của chư Phật.
            Mùa Hè năm 1998 là một gợi nhớ cho gần cả trăm tấm lòng đã không quản ngại khó khăn, đường xá xa xôi, thời giờ eo hẹp cùng nhau về Chùa để cùng tu tập. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng đạo tình đầy ắp ngút ngàn, chắc chắn sẽ lắng đọng trong tâm tư mỗi người như một kỷ niệm dễ thương, nồng thắm và thơm ngát như đóa hoa sen đang bừng nở dưới ánh sáng chói chang nhưng dịu dàng của những ngày Hè tại Thành Phố Ngàn Xanh Seattle.
Thân gởi một tấm lòng quý mến nhất đến những thiền sinh đã tham dự khóa tu mùa Hè 1998, đang, và sẽ tham dự những Khóa Tu Học Mùa Hè tại Chùa Dược Sư.
-- o0o --