Thời Kỳ Tu Bồ Tát Ðạo
Nhất Quán
--o0o--
 
- Ðường xa muôn dặm đâu đâu
Ðến ngày Phật Ðản Năm Châu cũng gần
Nói đến ngày Phật Ðản, thì tín đồ Phật Giáo ai cũng biết, từ ngàn xưa cho đến ngày nay đã trở thành truyền thống lâu đời của những người con Phật. Vì thế khi nói đến Ngày Phật Ðản là chúng ta liên tưởng đến những lời dạy của Ðức Phật, thông thường gọi chung là Phật Giáo. Khi nói đến Phật giáo, thường thì chúng ta phải luôn luôn lấy Ðức Phật làm tâm điểm để tìm hiểu, triển khai, do đó đối với nền giáo lý của Phật Giáo, bất luận là khảo sát về khía cạnh nào, nếu không căn cứ vào nhân cách và sự tự giác của Ðức Phật thì chắc chắn không thể hiểu được chân nghĩa của nó. Ðó là một quy tắc nhất định. Nếu tìm hiểu về sự tự giác của đức Phật, thì Phật Giáo là kết quả của cái trí "Vô Sư Tự Ngộ" của Ðức Phật, nghĩa là Phật Giáo được thành lập bởi cái kết quả của sáu năm tu khổ hạnh, 49 năm thuyết pháp lợi sanh, có nghĩa là những lời nói và việc làm của Phật đều là khuôn vàng thước ngọc cho nhân loại chúng sanh noi theo học hỏi. Cho nên nghiên cứu Phật Giáo mà xa lìa Ðức Phật thì mất hẳn cái bảo chứng đệ nhất về phương diện thể nghiệm. Ðó là lý do tại sao trong nền giáo học của Phật Giáo, Phật Ðà Luận trở thành một phân khoa trọng yếu nhất. Ðặc biệt đến thời Phật Giáo Ðại Thừa, thì cái nhìn vào sự tự giác của Ðức Phật lại càng được phát triển rộng rãi hơn về phương diện lý thuyết cũng như thực hành. Do đó cũng có nhiều nhà nghiên cứu về Ðại Thừa Phật Giáo cũng đã từng nói:
- Nếu lìa bỏ Phật Ðà Quan thì phương diện tôn giáo không thể nào thành lập.
Như vậy cũng đủ cho chúng ta thấy Phật Ðà Quan đã trở thành trọng yếu đối với các hành giả và học giả Phật Giáo.
Vấn đề Phật Thân Quan và Phật Giáo có một mối liên hệ rất là sâu xa như thế, cho nên khi nghiên cứu để thâm nhập vào biển phật pháp một cách chính xác thì lễ tất nhiên không thể bỏ qua vấn đề nầy. Nghĩa là trong tất cả các vấn đề, đã được tất cả các bộ phái luận cứu, có vấn đề Phật Thân Quan và cả đến tiền thân của Ðức Phật lúc còn tu nhân để trở thành một vị Bồ Tát cũng được đề cập đến. Không những thế, mà ngay trong các bộ phái đều lấy bản thân Ðức Phật làm đối tượng lý tưởng, đồng thời khi khai triển đến"Tư Tưởng Pháp Thân"thì vấn đề Phật Thân Quan tăng thêm trình độ trọng yếu. Về Phật thân quan, giữa các bộ phái quan sát thế nào về con người và hành trình tu nhân của Ðức Phật? Giải thích thế nào về địa vị của Bồ Tát trong các kiếp tiền sinh? Chúng tôi xin được trình bày sơ lượt như sau:
A- Tu Hạnh Cúng Dường
Khi nói đến Tu Hạnh Cúng Dường là nói đến Thí Ba La Mật. Một người khi còn là phàm phu thì việc cho các loài chim một vắt cơm đã là khó, thì làm thế nào có thể làm những việc khác to lớn hơn? Vì thế khi lập hạnh tu nhân, phải phát khởi tâm dõng mãnh bố thí. Mở đầu tập tu bố thí hạnh Bồ Tát, trước tiên là bố thí giúp đỡ cho những ai cần, mà cũng là giúp đỡ cho chính mình trong việc lập hạnh, để rồi từ đó tiếp tục công việc bố thí để nâng đỡ những người có chí cầu tiến làm lợi ích cho nhân quần xã hội. Hành giả hành đạo Bồ Tát gieo hạt nhân Bồ Tát vào tâm chúng sanh để họ sau cùng trở thành Bồ Tát mới thể hiện được ý nghĩa của bố thí. Hành giả bố thí để đoạn trừ xan tham, keo kiệt, bởi vì tham lam keo kiệt dẫn ta vào con đường sanh tử khổ đau. Khi biết bố thí, và bố thí ở mức độ hiểu biết rốt ráo thì gọi là cúng dường. Như thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy đức Phật đã tạo căn lành, cầu đạo vô thượng bồ đề từ vô lượng vô biên kiếp về trước. Như trong Kinh có đề cập: Ðức Phật Thích Ca lúc còn đang tu nhân để trở thành Ðại Bồ Tát, làm Chuyển Luân Thánh Vương, lúc đó Ðức Bồ Tát được gặp ba mươi ức Ðức Phật đồng một hiệu là Thích Ca Như Lai, và chúng Thanh Văn, tôn trọng thừa sự, cung kính cúng dàng, đầy đủ bốn việc như: Áo mặc, thức ăn, giường tòa, thuốc thang. Khi đó các Ðức Phật ấy chưa thụ ký cho Ðức Bồ Tát đời sau thành chánh giác. Và cứ như thế Ðức Bồ Tát ngài đã từng gặp tám ức Ðức Phật cùng tên là Nhiên Ðăng Như Lai và chúng Thanh Văn, tôn trọng cung kính, bốn việc cúng dường. Ðức Bồ Tát cũng đã từng gặp chín vạn ức Ðức Phật cùng một hiệu là Ca Diếp, và chúng Thanh Văn, cũng cúng dường đầy đủ bốn thứ. Sáu vạn ức Ðức Phật cùng một danh hiệu là Ðăng Minh Như Lai và chúng Thanh Văn, Ðức Bồ Tát cũng cúng dường đầy đủ bốn thứ. Cứ như thế mà Ðức Bồ Tát cúng dường nhiều Ðức Phật, trong vô lượng vô số kiếp nhưng vẫn chưa thành Phật là vì sao?
Như trên chúng ta thấy thời kỳ Ðại Bồ Tát tu nhân quả thật là lâu xa mà vẫn chưa được thọ ký thành Phật, bởi vì đây chỉ là tu phước, lẽ tất nhiên sẽ có phước báo. Chính vì có phước báo nên Ðức Bồ Tát đời đời ở địa vị chuyển Luân Thánh Vương không thay đổi và thường gặp Chư Phật ra đời để cung kính cúng dường. Nhận thấy rằng đã nhiều đời kiếp gặp Phật, nhưng chưa thành chánh giác, và cũng nhờ phúc duyên nhiều đời, nên Ðại Bồ Tát vẫn ở trong ngôi vị của Chuyển Luân Thánh Vương, và cũng đã từng cúng dường một muôn tám ngàn Ðức Phật cùng một danh hiệu Sa La Vương Như Lai, và chúng Thanh Văn, Ðức Bồ Tát cúng dường đầy đủ bốn thứ, sau đó Ðại Bồ Tát liền phát tâm xuất gia tự niệm rằng đời vi lai sẽ được Phật Ðạo, hộ trì cấm giới. Ðức Bồ Tát cũng đã từng cúng dường một muôn Ðức Phật cùng một danh hiệu Năng Ðộ Bỉ Ngạn Như Lai, và chúng Thanh Văn, Ðức Bồ Tát cúng dường dầy đủ bốn thứ. Sau đó xuất gia. tự niệm rằng đời vi lai sẽ được Phật Ðạo, hộ trì cấm giới. Cứ như thế Ðức Bồ Tát lần lượt gặp và cúng dường một muôn năm ngàn Ðức Phật cùng một danh hiệu Nhật Như Lai, và chúng Thanh Văn. Hai ngàn đức phật cùng một danh hiệu Kiều Trần Như Lai, và chúng Thanh Văn. Một muôn sáu ngàn Ðức Phật cùng một danh hiệu Long Như Lai, và chúng Thanh Văn. Một ngàn Ðức Phật cùng một danh hiệu Tử Tràng Như Lai, và chúng Thanh Văn. Năm trăm Ðức Phật cùng một danh hiệu Liên Hoa Như Lai, và chúng Thanh Văn. Sáu mươi tư Ðức Phật cùng một danh hiệu Loa Kế Như Lai, và chúng Thanh Văn. Một Ðức Phật danh hiệu Chính Hạnh Như Lai, và chúng Thanh Văn. Tám vạn, tám ngàn ức Bích Chi Phật, cúng dường đầy đủ bốn thứ cho đến khi các ngài diệt độ, xây tháp cúng dường, nhưng Ðức Bồ Tát vẫn chưa thành Phật.
B- Phát Ðại Thừa Tâm
          Như trên chúng ta thấy Ðức Ðại Bồ Tát có đầy đủ phước duyên gặp chư Phật cung kính cúng dường, hơn nữa còn phát tâm xuất gia, nhưng tại sao vẫn chưa thành Phật? Ðây là vấn đề mấu chốt cho chúng ta suy nghĩ! Theo tinh thần tu học và chí nguyện cầu đạo giải thoát của Ðức Bồ Tát chúng ta thấy đã quá đầy đủ nhưng vẫn chưa có kết quả là vì chưa phát đại thệ nguyện. Quả thật như thế. Chúng ta hãy tìm hiểu một đọan kinh văn như sau:
- ... và tâm cầu đạo chánh  giác vẫn không bao giờ thôi nghỉ. Thời gian đó trôi qua không biết bao nhiêu là a tăng kỳ kiếp, cho đến một kiếp Ðại Bồ Tát đã gặp được Ðức Phật tên là Thiện Tư. Ở nơi Ðức Phật kia, có vị Ðại Bồ Tát tên là Di Lặc mới phát tâm trồng căn lành, cầu đạo vô thượng Bồ Ðề. Khi đó Bồ Tát Di Lặc làm Chuyển Luân Thánh Vương tên là Tỳ Lô Giá Na, thời đó nhân dân thọ tám mươi vạn tuổi. Ðức Thiên Tư Như Lai hội đầu thuyết pháp được chín vạn sáu ngàn ức người đắc quả A La hán, hội thứ nhì thuyết pháp được tám muôn bốn ngàn ức người, đắc quả A La hán. Hội thứ ba thuyết pháp được bảy vạn hai ngàn ức người được quả A La hán. Ðức Chuyển Luân Tỳ Lô Giá Na cúng dường đức Thiên Thiên Tự Như Lai và chúng Thanh Văn, cung kính tôn trọng, phan long hương hoa đầy đủ bốn thứ. Lúc đó Tỳ Lô Giá Na Chuyển Luân Thánh Vương, thấy được Như Lai đủ ba mươi hai đại nhân tướng, tám mươi vẽ đẹp, chúng Thanh Văn, cõi Phật trang nghiêm, thọ mạng lâu, liền phát đạo tâm, tự miệng nói ra: Hy Hữu Thế Tôn, và đem năm trăm áo xiêm đẹp đẽ nhất thời, bố thí. Cho đến sau khi Phật nhập Niết Bàn xây tháp thờ xá lợi cao một do tuần, rộng nửa do tuần, bảy báu trang nghiêm, vàng bạc ngọc, pha lê, ngọc lưu ly, xích châu, xa cừ, mã não tạo thành. Lại đem các phướng lọng, chuông linh, hương hoa, đèn đuốc cúng dường. Cúng dường những thứ cúng dường đó rồi ngày đêm chăm chỉ quảng phát đại thệ nguyện:
- Ðời mai sau khi ta thành Phật, có những chúng sanh bất hiếu phụ mẫu, bất kính sa môn, chẳng biết trong nhà thân sơ, trên dưới, không có tâm kính tin, chẳng tin ba đời nhân duyên nghiệp quả, chẳng tin hiện tại thánh nhân, không một pháp hành, chỉ toàn là những sự tham dục, sân hận ngu si, đủ mười điều ác, chỉ tạo những tạp nghiệp không một việc lành, con nguyện ở trong thế giới ấy đắc đạo vô thượng Bồ Ðề, thương xót những chúng sanh ấy. Con nguyện đời sau sẽ được làm Phật, đầy đủ mười hiệu như Ðức Thiện Tư Như Lai ngày nay, làm cho đại chúng Thanh Văn, Trời, Người, cung kính vây quanh, nghe Phật thuyết pháp tín thọ phụng hành, một thứ không khác. Ngài Di Lặc Bồ Tát lại nói: Tôi nguyện đời sau vì chúng sanh mà làm nhiều điều lợi ích cho được an vui, thương xót tất cả trời người thế gian.
Thấy đức Bồ Tát Di Lặc phát đại thệ nguyên rộng lớn như vậy cho nên Ðại Bồ Tát liền khởi tâm niệm thệ nguyện trụ Phật Hạnh. Như thế chúng ta biết đức Di Lặc Bồ Tát phát Bồ Ðề tâm trước Ðại Bồ Tát hơn bốn mươi kiếp, sau đó Ðại Bồ Tát mới phát đạo tâm trụ Phật Hạnh, trồng mọi căn lành cầu đạo vô thượng Bồ Ðề. Thời gian phát thệ nguyện cho đến thời đức Phật tên là Thi Hối Tràng Như Lai ra đời rất là lâu xa, lúc đó Ðại Bồ Tát là một vị Chuyển Luân Thánh Vương tên là Lao Cung, khi đó Ðại Bồ Tát cúng dường Ðức Phật ấy đủ một ngàn năm, và chúng Thanh Văn, cung kính tôn trọng, lễ bái khen ngợi, cúng dường đầy đủ bón thứ, thuyết pháp giáo hóa, làm nhiều lợi ích cho chúng sanh, cứu độ chúng sanh lìa khỏi sự đau khổ, vì Trời Người nói rộng tất cả các pháp Chư Phật có những hạnh khổ hiếm có như vậy là vì chúng sanh. Và chúng sanh thì nhiều bệnh nghiệp khác nhau, nên Bồ Tát phải có bốn thứ vi diệu tính để mà điều phục tâm mình trong lúc tu nhân, mà cũng là điều phục tâm của chúng sanh:
1- Tự Tính Hành:
Là các Bồ Tát phẩm hạnh, bản hoài hiền lương chánh trực, thuận lời giáo huấn của cha mẹ, tin kính sa môn, Bà La Môn, khéo biết trong nhà, kẻ thân người sơ, kẻ trên người dưới, biết rồi cung kính hầu hạ, không có lỗi ác, đủ mười điều lành, hơn nữa còn làm nhiều nghiệp lành khác nữa, cho nên gọi là Tự Tính Hành.
2- Nguyện Tính Hành:
          Các Bồ Tát phát nguyện như vầy: Khi thành Phật thì cũng đủ mưởi hiệu, thế mới gọi là Bồ Tát Nguyện Tính Hành.
3- Bồ Tát Thuận Tính Hành:
Các Bồ Tát đầy đủ sáu Ba La Mật, gọi là Thuận Tính Hành.
4- Chuyển Tính Hành:
Là muốn nói nhờ ở sự cúng dường từ thời Ðức Nhiên Ðăng Thế Tôn, nương vào nhân duyên mà thành tựu các căn lành, ấy là Bồ Tát Chuyển Tính Hành.
C- Tu Trụ Phật Hạnh
          Chúng ta thấy Bồ Tát phát tâm đại thừa, đó chỉ là giai đoạn mở đầu cho sự nghiệp tu học để kết nhân tạo duyên với chư thiện tri thức. Muốn đạt được đạo quả không phải chỉ phát tâm đại thừa không mà thôi, mà còn phải tiếp tục nổ lực hành trì theo bản hoài của mình, và phải hội đủ điều kiện của một người tu bồ tát hạnh quên mình, vì người, nghĩa là lấy việc"Trên Cầu Phật Ðạo, Dưới Hóa Ðộ Chúng Sanh" làm tư cách. Nói như thế là muốn xác định đó là phương châm của người tu hành cầu thành phật đạo. Tuy nhiên trong quá trình tu học đó, cũng có khi mang thân phàm phu với nhiều phiền não, có khi mang thân hình của một Chuyển Luân Thánh Vương với uy quyền tuyệt đỉnh, và ngay cả đến các loài cầm thú. Nhưng dầu cho dưới một dạng hình như thế nào đi nữa trong khi Bồ Tát nổ lực tu hành vạn thiện, nhưng công hạnh đặc biệt của Bồ Tát vẫn không ngoài mười Ba La Mật:
01- Bố Thí Ba La Mật:
          Nghĩa là xả hết thảy tài sản trân bảo cho đến vợ con, và bản thân mình, chỉ vì một mục đích duy nhất là cầu đạo bồ đề.
02- Giới Ba La Mật:
          Là bảo toàn giới hạnh.
03- Xuất Ly Ba La Mật:
Là xa lìa thế gian.
          04- Trí Tuệ Ba La Mật:
          Là xây dựng trí phán đoán chính xác.
          05- Tinh Tấn Ba La Mật:
          Nổ lực tu học và làm các việc thiện không phân biệt kỳ thị.
          06- Nhẫn Nhục Ba La Mật:
          Là nhẫn nại những khổ khó, khó làmtrên thế gian mà mình cũng có thể làm được.
           07- Chân Thực Ba La Mật:
           Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa cũng phải nói thật không được dối trá.
           08- Quyết Ðịnh Ba La Mật:
           Trong bất cứ hoàn cảnh, và trường hợp như thế nào đi nữa thì cũng phải quyết đoán một cách bình tĩnh.
           09- Từ Bi Ba La Mật:
           Thương Yêu hết thảy chúng sanh
           10- Xả Ba La Mật:
           Là luôn luôn giữ tâm bình đẳng.
           Làm trọn vẹn tất cả những mục tiêu trên đây gọi là Ba La Mật, chữ Ba La Mật gọi là hoàn toàn. Vì thực hiện để Tu Trụ Hạnh Phật nên nhiều đời kiếp xa xưa, Ðại Bồ Tát đã từng gặp chư Phật rất nhiều, nhưng theo Kinh Phật Bản Hạnh Tập nói bắt đầu từ thời Ðức Phật hiệu là Ðế Thích Tràng Như Lai, Ðức Ðế Tràng Như Lai hay vì tất cả vô lượng chúng sanh làm chỗ quy y, thường hay vì chúng sanh làm nhà từ bi, khéo hay lân mẫn tất cả chúng sanh, hay cho tất cả chúng sanh an vui, có đại uy đức vô lượng thánh chúng vây quanh trước sau. Ðức Ðế Thích Tràng Như Lai có năm trăm ức chúng Thanh Văn, hết thảy chúng đều chứng quả A La hán, thọ trăm ngàn tuổi, Ðức Ðế Thích Tràng Như Lai thọ ký cho một vị Bồ Tát, sau sẽ thành Phật hiệu là Thượng Tràng Như Lai. Phật Thượng Tràng Như Lai lại thọ ký cho một vị Bồ Tát sau sẽ thành Phật hiệu là Tràng Tướng Như Lai. Thời gian đó trải qua rất nhiều a tăng kỳ kiếp, tất cả các Ðức Như Lai lần lượt thụ ký cho nhau đến Phật Thắng Thượng Như Lai tổng cộng là một trăm sáu vị, Ðại Bồ Tát vẫn cúng dường hầu hạ. Sau Ðức Phật Thắng Thượng, là:
- Bảo Thể Ða Ðà A Lộ Già Ðộ
- Ðức Phật Nhiên Ðăng
- Ðức Phật Thế Vô Tỷ
- Ðức Phật Liên Hoa Thượng
- Ðức Phật Tối Thượng Hạnh
- Ðức Phật Ðức Thượng
- Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni
- Ðức Phật Phất Sa
            - Ðức Phật Kiến Nhất Thiết Lợi
            - Ðức Phật Tỳ Bà Thi
            - Ðức Phật Thi Khí
            - Ðức Phật Tỳ Sá Phù
            - Ðức Phật Câu Lưu Tôn
            - Ðức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni
            - Ðức Phật Ca Diếp
            Tất cả Chư Phật thay nhau ra đời như thế bậc Ðại Bồ Tát vẫn phát nguyện tiếp tục hộ trì hầu hạ cúng dường với một tâm thành không lay chuyển. Tất cả những nỗ lực đó được ghi trọn vẹn trong bài kệ:
- Các Ðức Như lai kia
Thích Ca Ðại Sư Tử
Lấy mắt Phật thanh tịnh
Ðều coi thấy tất cả
Trí Như Lai như thế
Phật hạnh chẳng nghĩ bàn
Tất cả các trời người
Hết đều chẳng hay biết
Nhân quả và Phật trí
Các pháp tướng hiển hiện
Duy các cảnh giới Phật
Phàm phu chẳng hay biết
Nói tên các Ðức Phật
Hiển hiện hạnh các Phật
Có tướng đại uy đức
Dùng mắt Phật thấy hết
Nếu người có trí tuệ
Muốn cầu đạo Bồ Ðề
Nên đọc tên Phật đây
Chẳng lâu được làm Phật.
Kết Luận:
Như trên chúng ta biết, ở vào những a tăng kỳ kiếp đầu, nghĩa là từ thời cổ Phật Thích Ca cho đến thời cổ Phật Ca Diếp, tuy Bồ Tát thành tựu khổ hạnh, nhưng vẫn chưa tự biết mình sẽ thành Phật, cho đến những a tăng kỳ về sau tuy đã biết mình sẽ thành Phật nhưng vẫn chưa đạt đến quyết định. Mãi cho đến thời từ Ðức Phật Nhiên Ðăng đến Phật Ca Diếp trong hiền kiếp, Bồ Tát mới đạt được tính ly sinh, mới thoát khỏi địa vị phàm phu, và tu hạnh lợi tha, nghĩa là nỗ lực phát triển sự nghiệp"Trên Cầu Phật Ðạo, Dưới Ðộ Chúng Sanh". Do đó dù cho Bồ Tát có ở trong các nẻo luân hồi, thì đó không phải là do nghiệp lực mà là vì nguyện độ sinh mà vào ác đạo. Mặt dầu trong các nẻo luân hồi nhưng tư cách của một vị Bồ Tát trong giai đoạn luân hồi nầy, từ lúc phát tâm đến lúc trở thành chánh giác, tâm Bồ Tát đều luôn luôn hướng thượng. Tuy nhiên khi chưa thành chánh giác thì vẫn còn phiền não, nhưng vẫn không bao giờ bỏ nghiệp tu dưỡng, đồng thời trong khoảng thời gian nầy tuy là Bồ Tát nhưng vẫn còn có dục tưởng, huệ tưởng, và hại tưởng và có khi cũng khởi dục vọng và tâm sân hận, nhưng được gọi là Bồ Tát là vì biết chế ngự tâm lý đó không để chúng phóng túng sai sử. Tích tập tất cả những tu hành trên đây dần dần tiến đến ngôi vị thù thắng, và đặc trưng ngôi vị nầy tự biết mình sẽ thành Phật.
Tóm lại, trước khi trở thành Nhất Sanh Bổ Xứ ở trên Cung Trời Ðâu Suất trong những kiếp làm Bồ Tát, như chúng ta đã biết, Ðức Phật Thích Ca luôn luôn gặp nhiều vị Phật ra đời, và mỗi lần gặp một vị Phật đều hy sinh tự kỷ để cúng dường Ðức Phật đó, nhận chịu sự giáo hóa của Ngài và con số đó không thể kể hết. Cứ như thế Bồ Tát Thiện Tuệ đã trải qua bốn a tăng kỳ trăm ngàn kiếp, dần dần tiến đến chính đẳng chính giác và thành một vị Nhất Sanh Bổ Xứ trên cung trời Ðâu Xuất là tối hậu thân của ngài. Bồ Tát ở tại cung trời Ðâu Xuất được mấy ngàn tuổi thì thời gian thành Phật đã đến. Lúc đó, Bồ Tát liền dự liệu về thời gian giáng sinh, quốc độ, và ai là người xứng đáng là cha mẹ....
Như trên chúng ta thấy khi Ðức Phật xuất hiện cõi đời nầy để thành Phật, đó là kết tinh của một thời gian dài không biết bao nhiêu a tăng kỳ kiếp về trước. Vì thế mỗi lần chúng ta tham dự ngày Ðản Sanh của Ðức Từ Phụ, có nghĩa là chúng ta đón mừng tinh anh của vô lượng vô số a tăng kỳ kiếp về trước, mà thuật ngữ của Phật Giáo gọi là "Mùa Hoa Ưu Ðàm Nở”
 
Tài Liệu Tham Khảo
- Kinh Phật Bản Hạnh Tập
- Phật Học Tinh Hoa
- Phật Học Tự Ðiển
- Kinh Ðại Bảo tích
-- o0o --