Tết & Văn Học Nhân Gian
Bạch Y Thư Sinh
--o0o--
 
Vào những dịp Xuân về, phong tục Việt Nam thường có tục lệ trai gái hát đối đáp với nhau. Thú vui nầy thường xảy ra rất nhiều nơi qua những điệu hát như: Quan Họ, Hát Ví, Hát Trống Quân. Có khi trai gái trong cùng một làng xã, nhưng cũng có khi trai gái ở khác làng xã.
            Tục hát nầy có làng xã tổ chức mỗi năm một lần, có những làng xã tổ chức mỗi năm hai lần. Sau khi họ hát thờ ở đình, ở miếu xong rồi, thì đám con gái chủ động mời đám con trai về nhà người đứng đầu trong nhóm để tiếp tục cuộc hát. Lúc nầy các cô gái phải mời các bạn trai. Giã tỷ người đứng đầu cuộc hát đã có chồng, thì người chồng trước mặt các chàng trai khác cũng chỉ nói đó là em gái của mình mà thôi, và ngay cả chính người chồng phải đi làm cơm để vợ và các bạn tiếp các bạn trai.
            Ăn xong họ hát với nhau suốt đêm cho đến gần sáng. Ðêm đó người trong làng, hoặc những người ở làng bên cạnh kéo nhau đến để nghe hát, trong đó có đủ mọi thành phần, có khi trai chưa vợ, gái chưa chồng. Hoặc ngay cả trai gái đã có gia đình cũng cứ đến tham dự. Trong lúc hát với nhau, nếu có cặp trai gái nào ăn ý với nhau, thì họ có thể lẻn dắt nhau đi tình tự, và nguyệt hoa với nhau, nhưng sau đó lại phải trở về đám hát.
            Tục trên chính là tục kết bạn trong lề lối Hát Quan Họ. Hát Trống Quân cũng là một lối hát đối đáp giữa trai gái, những câu hát trống quân cũng nói lên sự gắn bó của trai gái, và sự gắn bó nầy bị lễ giáo ngăn cản không được phép tự nhiên bộc lộ, nếu không phải là dịp ca hát với nhau. Trong dịp nầy họ hát với nhau từ tối đến lúc trăng gần tà mới tan:
- Hát cho lở đất long trời
Cho người biết mặt, cho đời biết tên
Hát từ chợ phủ hát lên
Hát suốt tỉnh Bắc, qua miền tỉnh Ðông
Hát sao cho cạn dòng sông
Cho non phải lở cho lòng phải say
Hát cho biết mặt đó đây
Cho lòng xao xuyến cho ngây ngất tình.
A- Chọc Ghẹo
Nhóm Nam:
Thường thường lúc nào cũng thế, khi mở đầu cho những cuộc đối đáp, có những câu chọc ghẹo thật dễ thương, và thỉnh thoảng cũng có những câu châm chọc không dễ chịu. Chẳng hạn như:
- Trên trời ba mươi sáu vì sao
Vì thấp là vợ, vì cao là chồng
Cô kia gái lớn tồng ngồng
Hỏi thăm cô đã có chồng hay chưa?
Khi đã được khơi ngòi thì đám con trai luôn luôn lúc nào cũng tấn công trước, cho nên khi nghe bạn hỏi các cô đã có chồng hay chưa thì có anh cũng phụ hoạ hỏi theo, nhưng lại chọc ghẹo bằng cách gián tiếp nhắc nhở các cô: Tuổi thanh xuân nên lo hưởng thụ, đừng để tuổi xuân đi qua, mai kia mốt nọ sẽ trở thành bà già, xấu xí lắm:
- Cô kia má đỏ hồng hồng
Cô chưa lấy chồng còn đợi chờ ai?
Buồng không lần lựa hôm mai
Ðầu xanh mấy chốc da mồi tóc sương.
            Có những chàng thanh niên miền thôn dã, quanh năm chỉ lo dẫy sắn nương dâu, nên chữ nghĩa văn chương không được trau chuốt. Tuy nhiên với tâm hồn chân thật thấy sao nói vậy, không có văn chương mỹ từ, cũng chính vì thế mà gần như thô lỗ:
- Vú em chum chúm chũm cau
Cho anh bóp cái, có đau anh đền
Vú em chỉ đáng ba tiền
Cho anh bóp cái, anh đền quan năm.
Hoặc là:
- Hai cô vác gậy chòi đào
Cô lớn cô bé, cô nào với ai
Cô lớn vuốt bụng thở dài
Trời ơi đất hởi lấy ai đở buồn!
Cô bé mặc áo hở lườn
Ðêm nằm ngỏ cửa con lươn lọt vào
Gió nam đánh trốc yếm đào
Anh tưởng oản trắng, anh vào thắp nhang
Hai cô, bốn oản rõ ràng
Anh xin cả bốn hai nàng nghỉ sao?
Ðể diễn tả, chọc ghẹo người con gái trong tuổi dậy thì, một nghịch ngợm có vẻ xoi mói hơn:
- Trên đầu em đội khăn vuông
Trông xuống dưới ngực có buồng cau non
Cổ tay vừa trắng vừa tròn
Mặt mày xinh xắn chồng con thế nào?
            Hội Xuân là nơi tụ hội đủ mọi thành phần, có những cô đẹp thì cũng rất đẹp. Nhưng cũng có cô nhan sắc không được mỹ miều cho lắm. Có những cô nhan sắc đã không đẹp mà lại có vẻ khinh khỉnh làm cao, thì cũng không tránh được sự chọc ghẹo của các thanh niên trong làng:
            - Những người má đỏ hồng hồng
Răng đen rưng rức thì chồng chẳng yêu.
Những người mặt lọ trôn niêu
Thêm hàm răng khểnh chồng yêu thế nào?
Nói là các thanh niên miền thôn dã không giỏi văn chương, điều đó cũng không hẳn là như thế. Chúng ta vẫn thấy có những thiên tài ẩn hiện đâu đây. Chúng ta hãy nghe những lời tâm sự rất là nhẹ nhàng văn hoa:
            - Mấy khi rồng gặp mây đây
Ðể rồng than thở với mây đôi lời
Nửa mai rồng ngược mây xuôi
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây.
            Những người con trai, có lúc họ phá phách không thua gì đám ma cô, nhưng không vì vậy mà cho rằng họ không biết chuyện. Họ rất thông minh và tâm lý, nhất là lúc thấy bạn của mình ăn nói ngọt ngào, các chàng trai khác cũng kiếm lời phụ họa thêm, châm chọc thêm, đốc thúc thêm, và họ không tiếc lời quảng cáo về gia thế người bạn của họ:
            - Cô ấy mà lấy anh nầy
Chẳng phải đi cấy đi cày nữa đâu
Ngồi trong cửa sổ têm trầu
Có hai con bé đứng hầu hai bên.
Từ lúc khởi sự cuộc hát, chỉ có đám con trai độc diễn chọc ghẹo. Các cô chưa nói gì cả. Như không còn nhẫn nại được nữa, có người trong số thanh niên hăng hái đó đã lên tiếng thúc dục:
- Có nên thì nói là nên
Chẳng nên, sao để đó quên đây đừng
Làm chi cho dạ ngập ngừng
Ðã có cà cuống, thì đừng hạt tiêu.
Có yêu thì nói là yêu
Chẳng yêu thì nói một điều cho xong
Làm chi dỡ đục dỡ trong
Lờ đờ nước hến cho lòng chẳng thương.
Nhóm Nữ:
Biết rằng hội Xuân là nơi hội họp, trước là cho vui ba ngày Tết, sau là tạo một nhịp cầu để cho trai gái cùng làng hoặc trai gái khác làng có dịp làm quen. Nhân dịp quen biết nầy, có nhiều cặp trai gái trong làng tiến đến việc hôn nhân. Tuy nhiên trong lúc chọc ghẹo cũng không thể tránh khỏi sự va chạm, tự ái cá nhân. Vì thế khi thấy các chàng thanh niên trong làng ăn nói có vẻ thiếu lịch sự thì các cô cũng không ngần ngại trả lời:
- Mẹ ơi con chẳng lấy dân
Dù xa dù gần, quan lớn mà thôi
Lấy quan được mặc áo đôi
Ðược đi giày đỏ, được ngồi ghế cao.
Nhất là đối với các chàng thanh niên xổ sàng, các cô cũng không còn nể vì nữa. Có thể các cô nghĩ: Có thì cho đáng, không có thì thôi,  chứ gặp người bạn đường thiếu hiểu biết thì cũng khó mà sống chung, cho nên các cô đã xác định:
- Dao vàng cắt giải y môn
Tôi thì đần dại, lấy chồng khôn mà nhờ
Ai dè trăng gió mập mờ
Gặp người vô dụng biết nhờ vào đâu
Vì chàng, chẳng tại thiếp đâu
hàng xe chỉ mảnh thiếp khâu sao bền.
Nhóm Nam:
Người đời ai cũng thích sang giàu, vì thế khi nghe các cô thích lấy chồng quan, họ không ngạc nhiên cho lắm. Nhưng lấy chồng giàu sang không chắc đã được hạnh phúc, lấy chồng thôn dã không hẳn đã thua kém. Có hạnh phúc hay không là tùy theo cách nhìn và quan niệm sống của mỗi người, cho nên đừng nhìn cao mà có ngày thất vọng:
- Núi kia ai đắp nên cao
Sông kia bể nọ ai đào mà sâu
Vì ai cá chẳng cắn câu
Vì thích sang giàu em lấy chồng xa.
Hoặc là:
- Ai về đường ấy hôm mai
Ngựa hồng ai cưỡi, cổ tay ai cầm
Ngựa hồng đã có tri âm
Cổ tay đã có người cầm thì thôi.
Theo quan niệm xưa, trai gái cùng làng sinh và lớn lên quen biết nhau, và đi đến việc lập gia đình với nhau, họ cho đó là tốt. Vì thế dân trong làng, có vẻ không muốn con của mình, mà cũng không thích trai hoặc gái trong làng của mình cưới vợ hoặc lấy chồng người ngoại quốc, hoặc người khác làng khác xóm. Nếu có phải xẩy ra thì thường bị mọi người trong làng, nhóm năm nhóm ba, xầm xì chê cười. Do đó các thanh niên khi nghe những lời trịch thượng của các cô: Ðòi lấy chồng quan, nên cũng đã thẳng thừng chỉ trích những người có tư tưởng tham giàu sang, thích vọng ngoại:
- Lẳng lơ chẳng một mình em
Làng trên xóm dưới cũng đôi ba người
Nói ra anh sợ người cười
Lấy chồng tháng chín tháng mười có con.
Nhóm Nữ:
Mục đích tập họp lại hát với nhau cho vui ba ngày xuân, nhưng khi chọc ghẹo đã làm cho tự ái lòng nhau, nên cuộc vui không được trọn vẹn. Vì thế khi thấy các thanh niên trai trẻ trong làng thô lỗ quá nên các cô đã tế nhị chê trách:
- Người ta lên núi thì vui
Sao tôi lên núi những chui cùng trèo
Gập ghềnh hòn đá cheo leo
Biết đâu quân tử mà gieo mình vào.
            Theo quan niệm xưa, nói đến việc hôn nhân là người ta nghĩ đến duyên nợ, hoặc nhân duyên tiền định. Ðã vậy trong xã hội Việt Nam là một xã hội có truyền thống cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đó. Do đó nếu cha mẹ gả cho một người biết chuyện, thanh cao thì không nói làm chi, nhưng nếu cha mẹ đặt để cho một anh chàng thô kệch, quê mùa dốt nát thì các cô chỉ còn có nước buồn than cho duyên phận:
            - Mẹ em tham thúng xôi tiền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Em bảo mẹ em rằng đừng
Mẹ hấm mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.
            Hoặc là:
            - Cho hay tiên lại gặp tiên
Phượng hoàng mà lại đứng chen với gà.
Nhóm Nam:
Các cô mặc dầu ít nói, nhưng khi nói câu nào cũng đều gián tiếp trả lời cho đám thanh niên biết rằng: Các em đây đều là những con phượng hoàng thanh cao trong loài người chớ không phải bở đâu! Ðó cũng là lý do làm cho nhóm nam thấy mình thua sút, và đã không tiếc lời chỉ trích các cô là gái già hư đốn:
            - Trai tơ ơi hởi trai tơ!
Ði đâu mà vội mà quơ nạ dòng
Nạ dòng lấy được trai tơ
Ðêm nằm hí hửng như mơ được vàng
Trai tơ vớ phải nạ dòng
Như nước mắm thối, chấm lòng lợn thiu.
Hoặc là:
- Tốt duyên lấy được bà già
Sạch cửa sạch nhà, lại ngọt cơm canh
Dại gì mà lấy trẻ ranh
Ăn vụng xó bếp ỉa quanh đầu nhà.
Thanh niên cũng nhiều loại thanh niên, có những chàng trai ăn nói ngọt ngào dễ thương, cũng có những chàng trai thâm trầm ít nói. Có những chàng trai không tế nhị, và cũng đã gay gắt chê bai:
- Chưa chồng nón trẩm quai thao
Chồng rồi nón rách quai nào thì quai.
Chưa chồng yếm thắm thêu hoa
Chồng rồi, hai vú bỏ ra ngoài đường.
Trong dịp hội xuân, tất cả thanh niên nam nữ trong làng đều có quyền tham dự. Trong số thanh niên nam nữ đó có những người chưa lập gia đình, đồng thời cũng có những cô đã từng dang dỡ trên tình trường. Vì thế đây cũng là đối tượng để cho các cậu thanh niên tánh tình háo thắng, châm chọc để giải toả những bực tức vì bị các cô nhẹ nhàng chê trách:
- Chính chuyên lấy được chín chồng
Vò viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi
Ai ngờ gióng đứt lọ rơi
Bò ra lõm ngõm mỗi nơi mỗi chồng.
Hoặc là:
- Chính chuyên lấy được chín chồng
Ba chồng thành Lạng(Sơn), ba chồng thành Cao(Bằng)
Ba chồng để ngọn sông Ðào
Trở về đỏng đảnh làm cao kén chồng.
Hoặc là:
- Gái nầy là gái chẳng vừa
Gái bán vải tấm, gái lừa vải con
Gái nầy là gái chẳng non
Gái lường chợ Quán, gái buôn chợ Cầu.
Nhóm Nữ:
Thực ra không phải các cô làm cao kén chồng, nhưng đây là tâm lý chung của các bạn gái. Khi lấy chồng cũng giống như mình mua một món đồ. Món đồ nào mà mình thích thì mình mới xài, và trân quý món đồ đó. Cũng vậy, một người chồng, không những là người cùng chia ngọt xẻ bùi trong lúc trở trời trái nắng, những khi gió lạnh lúc đêm về, mà còn là một người bạn đường tri kỷ, vì thế tâm lý các cô không thể nào là không lựa chọn một người con trai cho vừa ý mình. Ngày mai sẽ ra sao không ai biết được, nhưng việc trước mắt là cần phải có một đối tượng coi cho được. Tuy nhiên số người trong đám thanh niên hiện tại, chưa thấy được một đối tượng thích hợp, vì thế các cô hết sức thất vọng:
- Tiếc thay cây gỗ lim chìm
Ðem chôn cọc dậu cho bìm nó leo
Bìm leo thì mặc bìm leo.
Ta đạp bìm xuống, ta trèo lên trên.
Nhận thấy trong nhóm thanh niên có vẻ sôi nổi, gây cấn và có vẻ như là những người không biết thương hương tiếc ngọc, nên có cô cũng không ngần ngại lên tiếng:
- Giương cung rắp bắn phượng hoàng
Chẳng may lại gặp phải đàn chim ri
Lấy sào mà đuổi nó đi
Nó kêu rút rít rầm rì điếc tai.
Nhóm Nam:
Phận con gái mười hai bến nước trong nhờ đục chịu, đó là lời dạy của ông bà tổ tiên xưa nay. Ở điểm nầy mặc dầu biết các cô muốn có một người bạn đường tri kỷ như ý của mình tất nhiên phải kén chọn,  nhưng người ta cũng thường nói: Già kén thì kẹn hom. Do đó các bạn thanh niên cũng đã gián tiếp khuyến cáo:
- Ði đâu mà chả lấy chồng
Người ta lấy hết chổng mông kêu trời
Kêu rằng trời hởi đất ơi!
Sao không thí bỏ cho tôi tấm chồng
Ông trời ngoảnh lại mà trông
Mày hay kén chọn, ông không cho mày.
            Có những cô mặc dầu bên ngoài dường như có vẻ lạnh lùng, kén chọn đối tượng, nhưng không phải vì vậy mà không có sự thèm khát của lứa tuổi xuân thì, do đó các chàng trai cũng đã chỉ trích:
            - Cha đời con gái mười ba
Ðêm nằm với mẹ, khóc la đòi chồng
Mẹ giận mẹ phát ngang hông
Ðồ con mất nết đòi chồng thâu đêm.
            Nhóm Nữ
            Khi thấy nhóm thanh niên chỉ trích phe ta mới mười ba tuổi mà cứ đêm đêm đòi chồng, thì các cô có vẻ không vui. Biết rằng đó là tâm lý bình thường của lứa tuổi dậy thì. Trong xã hội phong kiến và nông nghiệp như Việt nam ta, thường có những tục lệ như tục tảo hôn. Có nhiều khi cô thiếu nữ mới mười ba hoặc là mười lăm, mười sáu tuổi phải lấy một người chồng năm sáu mươi tuổi, tuổi người đàn ông đó đáng hàng cha, ông. Nhưng cũng có nhiều gia đình cưới những cô thiếu nữ, mười tám, hai mươi tuổi cho con trai mới bốn năm tuổi. Trong hoàn cảnh hiện tại thấy các chàng thanh niên ăn nói có vẻ như trẻ con nên các cô cũng đã trả đũa:
            - Cái bống cõng chồng đi chơi
Ði đến chỗ lội, đánh rơi mất chồng
Chú lái ơi, cho tôi mượn gàu sòng
Ðể tôi tát nước múc chồng tôi lên.
Có cô còn như thầm nhắn nhủ các cậu là thứ đàn ông già dịch mất nết dám đến nơi nầy chọc ghẹo gái thanh xuân:
- Trời mưa nước chảy qua sân
Tôi lấy ông lão qua lần mà thôi
Bao giờ ông lão chầu trời
Thì tôi lại lấy một người trai tơ.
Nhóm nam:
Thấy bên các cô có vẻ trịnh thượng, các câu thanh niên cũng không chịu kém, nên có người đã hùng hổ đứng dậy chỉ trích:
- Ðừng nên miệt thị em ơi
Ðừng nên ăn nói những lời chua ngoa
Tôi xin các bạn giãn ra
Ðễ tôi đối lại nhãi con phen nầy.
Ðược thì ăn miếng trầu đầy
Thua thì cởi áo bỏ đây ra về
Ai chê thì mặc ai chê
Không chồng mà chửa là nghề cô em.
Và các cậu cũng không ngần ngại cho các cô biết là các cô cũng không phải là thanh xuân, trẻ trung như các cô đã tưởng:
- Cổ yếm em nó lòng thòng
Cổ tay đeo vòng như bắp chuối non
Em khoe em đẹp em dòn
Anh trông nhan sắc, em còn kém xuân.
Nhóm nữ:
Thấy thái độ thiếu lịch sự, miệng nói tay hành động giống như người uống rượu say, coi phẩm giá các cô con gái nhà lành giống như ong bướm bên đàng, nên các cô cũng đã nghiêm khắc lên tiếng:
- Rau muống bắt cuốn rau răm
Làm chi đến nổi chàng cầm cổ tay
Anh đừng dỡ thói người say
Quen khi mất nết tính hay la cà
Xin chàng hãy bỏ tay ra
Ðến mai về cửa về nhà sẽ hay
Chàng đừng cầm lấy cổ tay
Khi xưa cành mận, mà nay cành đào.
Ðể nói lên một người rượu chè be bét, cờ bạc nghiện ngập là những thứ hại làng hại nước, chắc chắn các cô gái con nhà lành không ai có thể chấp nhận, nên các cô nàng đã long trọng thông báo:
- Quả sầu đâu trong tươi ngoài héo
Cây đu đủ trong héo ngoài tươi
Rượu chè xái thuốc chơi bời
Gẫm trong nhân loại, ít người như anh.
Nhóm nam:
Chế độ đa thê trong xã hội phong kiến như Viêt Nam ngày xưa đã cho phép người đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện thường. Tuy nhiên khi thấy các cô nàng kén chọn quá, nên các chàng thanh niên cũng cần nói cho các cô biết đó là một sự thật hiển nhiên không cần phải dấu diếm:
- Năm voi anh đúc năm chuông
Năm, cô anh đóng năm giường gỗ lim
Còn một cô bé chưa chồng
Lại đây anh kén cho vừa lòng cô
Một là ông cống ông đồ
Hai là ông Cửu, ông Ðô cũng vừa
Nếu mà cá nước duyên ưa
Thì anh sính lễ đến đưa em về.
*          *          *
            B- Duyên Tình Gặp Gở
Trong khi mọi người hát với nhau, có thể đôi bên, một cặp trai gái nào ăn ý với nhau, thì họ có thể lẻn dắc nhau đi tình tự, và nguyệt hoa với nhau, nhưng sau đó lại phải trở về đám hát, nên càng về sau cuộc đối đáp có vẻ thưa dần, và có thể chỉ còn lại đôi nam nữ đối đáp nhau. Ðể thoa dịu bầu không khí căng thẳng người con trai đã an ủi:
- Ðời người có bao nhiêu năm để sống mà phải nhọc tâm suy nghĩ, tìm cầu. Giàu, nghèo, sang, hèn cũng do số mệnh và do hai bàn tay của mình mà ra, đâu có việc gì mà phải bận tâm. Nếu phải duyên gặp được ông chồng giàu, mà mình không có số sang giàu thì cũng không được hưởng. Lấy một người chồng nghèo mà mình có số giàu sang thì cũng sẽ trở nên giàu có:
- Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần
Làm thân con nhện mấy lần tơ vương
Biết đâu trong đục mà chờ,
Hoa thơm mất tuyết, mong nhờ vào đâu
Số giàu lấy khó cũng giàu
Số nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo
Phải duyên phải kiếp thì theo
Thân em lại quản khó nghèo làm chi
Chữ nhân duyên thiên tải nhất thì
Giàu ăn khó chịu lo gì mà lo.
Thấy nàng có vẻ còn chưa vui, nên người con trai cho biết rằng tâm sự của anh đây cũng rất buồn, vì anh cũng đã đi nhiều nơi chưa gặp được người vừa ý, bây giờ gặp em đây còn gì vui cho bằng:
- Ngồi buồn may túi đựng trời
Ðan xề sảy đá, bắt voi xem giò
Ngồi buồn đem thước đi đo
Ðo từ núi Sở, núi So chùa Thầy
Lên trời đo gió, đo mây
Xuống sông đo nước, về đây đo người
Ðo từ mười tám đôi mươi
Ðo được một người vừa đẹp vừa xinh.
           Là thanh niên sống trong trời đất, lớn lên trong xã hội loài người, làm gì mà không có chuyện yêu thương. Các cậu thanh niên cũng giống như các cô. Ðối tượng mà được chàng ta yêu thương không phải là dễ chọn, vì thế cho đến chừng ấy tuổi đầu mà vẫn chưa có ý trung nhân. Nay gặp nàng đây, chỉ có nàng là người đầu tiên trong cuộc đời nên anh đã nói:
            - Anh đây mục hạ vô nhân
Thấy em nhan sắc mười phân vẹn mười
Xưa nay những khách má hồng
Anh thề, anh có thèm trông đâu nào
Lấy anh em phải tự hào.
Ở điểm nầy em nên tự hào về nhan sắc và phẩm hạnh của em, vì rằng chỉ có em là người xứng đáng được anh ưu đãi và lưu ý tới:
- Trầu bọc khăn trắng cau tươi
Trầu bọc khăn trắng đãi người xinh xinh
Ăn cho nó thoả tâm tình
Ăn cho nó thoả sự tình kết đôi.
Yếu điểm của các cô là thích người ta khen, cho dù là thật hay không thật, đúng hay không đúng, các cô vẫn cảm thấy vui hơn là bị người ta chỉ trích. Do đó thấy chàng trai tế nhị khen ngợi nên nàng cũng cảm thấy hài lòng, và từ đó một cảm tình ấm áp nồng nàn đã len lỏi trong tâm tư nàng. Cho nên khi thấy chàng ta đã có lòng đãi trầu, thì nàng phải đáp lễ mời chàng:
- Sớm mai gánh nước mờ mờ
Ði qua ngõ giữa tình cờ gặp anh
Vào vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm tám mời anh xơi trầu
Trầu nầy ăn thật là say
Dù mặn dù lạt dù cay dù nồng
Dù chẳng nên đạo vợ chồng
Xơi dăm ba miếng, kẻo lòng nhớ thương
Cầm lược thì nhớ tới gương
Cầm trầu nhớ túi, nằm giường nhớ nhau.
Cảm tình đã thắm thiết, vả lại nàng thấy chàng nói có vẻ như thành thật, nên nàng muốn tìm hiểu thêm về gia đình giòng họ, kế sinh sống và cuộc đời riêng tư của chàng:
- Thấy anh em cũng muốn theo
Sợ mẹ anh nghèo bán váy em đi
Lấy anh, em biết ăn gì
Lộc sắn thì chát, lộc si thì già
Lấy anh không có cửa nhà
Không người thân thuộc còn nhờ cậy chi
            Mới nghe nàng chê gia đình nghèo, cứ tưởng là nàng ta coi thường gia đình mình, nhưng nhìn ánh mắt nụ cười của nàng thì không phải như vậy. Thật ra lấy một người đàn bà mà bản thân người đó vì giàu sang, phú quý mà lấy, người đàn bà đó không sớm thì muộn họ cũng sẽ không ngần ngại đá mình ra khỏi trái tim họ. Nhưng chàng biết nàng không phải là con người tham giàu khinh nghèo. Tất cả những lời nói đó chỉ là sự thăm dò gia thế, tư cách của anh ta mà thôi, vì thế chàng đã thành thật:
- Con kiến mà kiện củ khoai
Em chê anh khó lấy ai cho giàu
Nhà anh chín đụn mười trâu
Lại thêm ao cá bắc cầu rửa chân
Ra vào đều có gia nhân
Một đời sung sướng em ngần ngại chi.
Ðến đây chàng biết nàng đã có rất nhiều cảm tình với mình, nên chàng đã không ngần ngại lên tiếng thúc dục:
- Ðấy Ðông thì đây bên Tây
Ðây chưa có vợ, đấy nay chưa chồng
Con trai chưa vợ đã xong
Con gái chưa chồng buồn lắm em ơi.
            Quan niệm ngày xưa trai lớn cưới vợ, gái lớn lấy chồng, sanh con đẻ cái là báo hiếu mẹ cha, do đó ở tuổi lớn khôn mà không lập gia đình đó là một lo lắng nhất của những người làm cha làm mẹ. Tâm tư của chàng thì như vậy, nhưng tâm tư của nàng cũng đâu có khác với chàng. Thấy anh ta trêu mình chưa chồng thì, cô nàng cũng chọc lại:
- Trầu già kén ở bờ ao
Anh kia không vợ đời nào có con
Người ta con trước con sau
Thân anh không vợ như cau không buồng
Cau không buồng ra tuồng cau đực
Trai không vợ thì cực anh ơi!
Người ta đi đón về đôi
Thân anh đi lẻ về loi một mình.
Nhịp cầu thông cảm thường khi khởi đầu bằng những sự nhờ vả. Chàng trai là một người con nhà khá giả, không thiếu gì quần áo, nhưng anh phải nhờ cô nàng cắt áo, may quần để có cơ hội gần gũi với nhau. Cũng nhờ thế mà tâm tư nhung nhớ cũng vơi đi phần nào:
- Tình cờ bắt gặp nàng đây
Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần
Lá sen, gấu áo chân quần
Tương tư đã nhẳn bảy phần còn ba
Ngọn đèn thấp thoáng xa xa
Ðêm Xuân ấm áp chỉ ta với người
Vẳng nghe ai hát trên đồi
Tiếng ai xa tận chân trời vang vang.
Hoặc là:
- Em về Ðồng Tỉnh, Huê Cầu
Ðồng Tỉnh bán thuốc Huê Cầu nhuộm thâm
Em có đi chợ Thanh Lâm
Mua dùm anh áo vải thâm hạt dền.
Có lẽ nàng đã thấu rõ tâm tư chàng, nhưng chàng vẫn chưa vừa lòng về sự tỏ tình của mình, nên chàng một lần nữa nói rõ hơn:
- Ước gì anh hóa ra hoa
Ðể em nâng lấy rồi mà cài khăn
Ước gì anh hóa ra chăn
Ðể cho em đắp em lăn trên giường
Ước gì anh hoá ra gương
Ðể cho em cứ ngày thường em soi
Ước gì anh hoá ra cơi
Ðể cho em đựng cau tươi, trầu vàng.
Ðêm đã về khuya, những tiếng ồn ào huyên náo của buổi hát vào dịp xuân cũng đã giảm bớt dần, chỉ còn chăng là những tiếng vỗ tay tán thưởng, hoặc những tiếng hò reo khích lệ. Tâm sự của đôi trai gái nầy dường như còn dài, nhưng đêm thì đã gần mãn. Chàng trai trẻ ấy thấy cô nàng có vẻ như ngại ngùng khi phải nói thẳng đến chyện hôn nhân, nên chàng ta phải chủ động tình hình để trình bày những ý định của mình:
- Lại đây anh nói câu nầy
Cưới em nhà ngói anh xây ba toà
Trong nhà anh lót đá hoa
Chân tảng đồng bạch, nền nhà tiền trinh
Bức màn đóng kín thủy tinh
Hai bên bức thuận tứ linh rồng chầu
Nhà anh kín trước rào sau
Tường xây bốn mặt, hào sâu rõ ràng
Trong rương vóc nhiễu nghênh ngang
Nhiểu điều lót áo, cho nàng đi chơi
Áo dài sắm đủ mười đôi
Chăn hoa đệm gấm tiện nghi trên giường
Nếu mà nàng có lòng thương
Thì anh lại đóng cái giường ngỗ lim.
Càng nói càng hiểu rõ lòng nhau hơn, và tâm sự càng thắm thiết hơn. Thương nhau vì nết trọng nhau vì hiền, đó là căn bản để sống chứ không phải tiền bạc là căn bản của hạnh phúc, nàng nói:
- Ðêm qua trời sáng trăng rằm
Anh đi qua cửa em nằm không yên
Mê anh chẳng phải mê tiền
Thấy anh lịch sự, có duyên dịu dàng
Thấy anh, em bổng mơ màng
Tưởng rằng đây đấy Phụng, Hoàng kết đôi.
Chuyện trò đã dài, tình đã thắm thiết, và đã biết rằng chàng trai trẻ kia vẫn còn chưa có gia đình, nhưng cô nàng cũng thăm hỏi anh chàng về việc gia đình, cũng như sự hầu hạ săn sóc mẹ già. Ðiều nầy cũng là gián tiếp cho chàng biết rằng cô nàng đã quyết ý sống chung với anh:
- Anh đà có vợ hay chưa
Mà anh ăn nói đong đưa ngọt ngào
Mẹ già anh để nơi nao
Ðể em tìm vào hầu hạ thay anh.
Chỉ chờ cô nàng nói như thế, là trong đầu của chàng trai trẻ kia đã vạch lên một chương trình của ngày cưới ngay. Dự định anh ta sẽ mời tất cả các nơi về trong ngày cưới, không phải chỉ có quốc nội không thôi mà cả Tàu, Tây, Mỹ, Úc..v..v... Không những mướn cảnh sát đứng làm dàn chào, mà có cả thiên lôi địa tướng phụ trách dọn đường:
- Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng
Trong ngày anh lấy được nàng
Hà Nội, Nam Ðịnh sửa đàng rước dâu
            Thanh Hoá cung đón trầu cau
Nghệ An thì phải mổ trâu thui bò
Phú Thọ quạt nước hoả lò
Hải Dương rọc lá giã giò gói nem
Tuyên Quang nấu bạc đúc tiền
Ninh Bình dao thớt, Quảng Yên đúc nồi
An Giang gánh đá nung vôi
Thừa Thiên, Ðà Nẳng thổi xôi nấu chè
Quảng Bình, Hà Tỉnh thuyền ghe
Ðồng Nai, Gia Ðịnh chặt tre bắc cầu
Anh mời khắp cả chư hầu
Tàu, Tây, Mỹ, Úc toàn cầu đều sang
Nam Tào, Bắc Ðẩu dọn đàng
Thiên Lôi, Thổ Ðịa đứng dàng hai bên.
Biết được chàng trai kia đã thực sự thương, và đang nhem nhúm trong lòng một niềm vui của ngày cưới, thì lòng của cô gái đang độ xuân xanh tất nhiên cũng rung cảm:
- Núi kia ai đắp nên cao
Sông kia bể nọ ai đào mà sâu
Một lòng sầu, năm bảy lòng sầu
Ðấy vui có biết đây sầu cùng chăng
Muốn sao tháng hai tuần trăng
Muốn sao đấy ở cho bằng lòng đây.
           Ðể bày tỏ thiện chí nàng cũng đã ân cần mời chàng đến nhà để thăm cha mẹ, đồng thời để dùng chung rượu giao tình, và dùng ly nước dừa non nơi miền thôn dã:
- Anh kia lịch sự đi đàng
Mời anh hãy ghé vào nhà thăm chơi
Tay nâng chén rượu miệng mời
Tay cầm thân mật nói lời ái ân
            Hoặc là:
- Nhà tôi có dãy vườn hoa
Dẫy cam dẫy quít với ba dẫy dừa
Dù anh đi sớm về trưa
Sao anh chẳng ghé dẫy dừa nhà tôi.
Khi đã hiểu được lòng nhau, mọi tranh chấp hơn thua không còn nữa, giờ đây chỉ còn chăng là một mối chân tình. Tuy nhiên nàng sợ chàng viện cớ chối từ nên đã thúc dục:
- Thuyền tình ghé bến tới nơi
Khách tình sao chẳng xuống chơi với tình
Thuyền không đổ bến giang đình
Em nay chỉ quyết lấy chàng mà thôi.
            Ðược nàng chiếu cố mời mọc, lẽ dĩ nhiên chàng rất vui lòng. Bởi lẽ nếu không có duyên nợ thì kẻ bắc người nam chắc chắn không bao giờ gặp nhau. Vì có duyên phận nên ông tơ bà nguyệt đã rong rủi chàng và nàng tìm đến để gặp nhau:
- Tay tiên chuốc chén rượu đào
Ðổ đi thì tiếc uống vào thì say
Chẳng chè chẳng chén, sao say
Chẳng duyên chẳng nợ sao hay đi tìm!
Những lời nói ôn nhu, những cử chỉ thân thương trìu mến, của hai người chắc chắn không qua mắt được những cặp mắt bàng quang. Do đó nàng nhắc nhở cho chàng biết rằng, những ngôn từ thân mật, những ánh mắt đưa tình chan chứa đó là câu trả lời chính xác cho những người chung quanh biết được sự quan hệ tình cảm giữa chàng và nàng:
- Ðôi ta không ở một làng
Nhưng duyên đã gặp, ngỡ ngàng chi anh
Em nghe họ nói mong manh
Dường như họ biết chúng mình với nhau.
Cuộc vui nào rồi cũng có lúc phải tan, cho nên sự gặp gỡ giữa chàng và nàng cũng như thế. Ðêm đã gần tàn, trong giờ phút chia tay sao mà lưu luyến thế, nàng đã không ngần ngại nói lên tấm lòng của mình:
- Ðêm nay nguyệt lặn về Tây
Sử tình kẻ đấy người đây còn dài
Trúc với mai, mai về nhớ trúc
Trúc trở về, trúc nhớ mai không?
Bây giờ kẻ Bắc người Ðông
Kể sao cho xiết tấm lòng nhớ thương.
            Tuy là mới gặp, nhưng đã là nhân duyên từ đời kiếp nào nên đôi thanh niên nam nữ nầy họ đã ngồi lại gần nhau với những cử chỉ trìu mến bình thường, họ lưu luyến rất mực:
- Mới gặp đầu gối, má kề
Lòng nào mà bỏ mà về cho đang
Ân tình sâu nặng cưu mang
Về sao cho đứt cho đang mà về.
            Giây phút êm đềm bên nhau, có dài lâu đến đâu rồi cũng phải chia tay. Trước khi chia tay, họ đã thề non hẹn biển:
            - Ðêm Hè gió mát trăng thanh
Em ngồi chẻ lạt, cho anh chắp thừng
Lạt có mỏng thì thừng mới tốt
Duyên đôi ta đã trót cùng nhau
Trăm năm thề những bạc đầu
Chớ tham phú quý đi cầu trăng hoa.
Và rồi nàng đã ân cần căn dặn người yêu:
- Ai làm kẻ ở người về
Anh đừng quên hết lời thề hôm nay
Anh về, em nắm cổ tay
Em dặn câu nầy, anh chớ có quên
Ðôi ta đã trót lời nguyền
Chớ xa xôi mặt mà quên tấc lòng.
Và nàng lại dặn dò:
- Anh đi, anh nhớ non Côi
Nhớ sông vị thủy nhớ người tình chung
Quản bao non nước ngại ngùng
Lấy ai san sẻ gánh gồng đường xa.
Lẽ tất nhiên khi nàng đã ân cần căn dặn chàng, thì chàng cũng lịch sự đáp lễ, và cũng dặn dò như nàng đã nhắc nhở chàng:
            - Ai về đường ấy hôm mai
Gửi dăm điều nhớ, gửi vài điều thương
Gửi cho đến chiếu đến giường
Gửi cho đến chốn buồng hương em nằm.
            Ðể cho cuộc nhân duyên sớm được thành tựu. Trước khi chia tay chàng trai còn nhắc nhở nàng: Em phải thưa với cha mẹ tất cả những sự tình chúng mình đã quen nhau, còn riêng anh, anh cũng sẽ thưa lại với cha mẹ, để đem lễ vật đến nhà cầu hôn em:
            - Em về thưa mẹ cùng thầy
Có cho anh cưới tháng nầy anh ra.
Anh về thưa mẹ cùng cha
Bắt lợn sang cưới, bắt gà sang chơi
Nếu như lời ấy không sai
Tháng giêng đẵn gỗ, tháng hai làm nhà.
Tháng ba ăn cưới đôi ta.
Lưu luyến cho lắm rồi cuối cùng cũng đến phút chia tay:
- Còn đêm nay nữa, mai đi
Lạng vàng không tiến tiếc khi ngồi kề
Còn đêm nay nữa mai về
Lạng vàng không tiếc tiếc kề má son.
            C- Duyên Tình Ngang Trái
            Cuộc tình nầy khởi đầu chúng ta cứ ngỡ là cặp thanh niên nam nữ nầy họ sẽ được hai bên cha mẹ ưng thuận, họ sẽ cưới nhau và cuộc sống sẽ rất hạnh phúc. Nhưng chuyện đời lắm nỗi trớ trêu, khó mà biết được chuyện gì có thể xẩy ra khi mà mình chưa nắm chắc trong tay. Trong khi một gia đình phú ông sửa soạn đón tiếp nàng dâu, thì một quan lớn đã dùng quyền uy cướp đoạt mối tình son trẻ:
            - Anh về đóng ván cho dầy
Ðóng thuyền đợi bến rước thầy em sang.
Chuyện đời cũng lắm trái ngang
Lệnh quan thế mạnh bắt người anh thương.
Thuyền lớn quan bắt chở lương
Còn chiếc thuyến nhỏ chở nàng qua sông
Thương nàng anh đứng anh trông
Trông xa xa khuất mà lòng chơi vơi.
Chuyện xảy ra bất ngờ, như sét đánh ngang tai, khi nghe người tình đi lấy chồng làm cho người con trai phải sửng sốt:
            - Ðồng tiền Vạn Lịch chữ vàng
Công anh đi lại với nàng đã lâu
Bây giờ nàng lấy chồng đâu
Ðể anh giúp đở trăm cau nghìn vàng
Năm trăm anh đốt cho nàng
Còn năm trăm nữa giải oan lời thề.
Nàng đã cất bước sang ngang đi theo người chồng mới. Giờ đây có lẽ, nếu một dịp tình cờ nào đó gặp nhau bên đường, chắc nàng sẽ ngoảnh mặt làm ngơ:
- Xưa kia nói nói thề thề
Bây giờ bẻ khóa trao chìa cho ai
Bây giờ nàng đã đổi thay
Gặp anh ghé nón đụng vai chẳng chào.
            Khi nào thân mật ngồi kề, đầu gối tay ấp, vậy mà bây giờ gặp nhau không chào, thế thì còn gì xót xa cho bằng:
            - Thà rằng chẳng biết thì đừng
Biết ra dan díu nửa chừng bơ vơ
Bao năm anh đợi anh chờ
Bây giờ gặp mặt làm ngơ sao đành.
Biết được nàng đi lấy chồng mà trong lòng không khỏi khởi lên niềm chua xót. Trách trời trách đất, hay trách ông tơ bà nguyệt xe tơ duyên không bền! Dù cho trách ai đi nữa cũng không vơi bớt nổi niềm sầu muộn:
            - Ai làm cho bướm lìa hoa
Cho chim xanh nở bay qua vườn hồng
Ai đi muôn dặm non sông
Ðể ai chứa chất sầu đong vơi đầy.
Mặc dầu cô nàng đã sang ngang, nhưng chàng trai không vì vậy mà quên đi mối tình đầu, nên chàng đã tự nguyện giữ tròn chung thủy:
- Sông sâu cá lội biệt tăm
Chín tháng cũng đợi một năm cũng chờ
Sông sâu cá lặn vào bờ
Lấy ai thì lấy, anh vẫn chờ đợi em.
Khi tìm hiểu cặn kẽ về việc cô nàng thay lòng đổi dạ, chàng thanh niên mới biết cuộc tình duyên nầy do hoàn cảnh trái ngang, nên nàng phải tuân theo sự sắp xếp của cha mẹ:
- Chưa quen đi lại cho quen
Tuy rằng cửa đóng mà then không gài
Kẻ khinh người trọng vãng lai
Song le cũng chẳng có ai bằng lòng
Ðôi ta làm bạn thong dong
Như đôi đủa ngọc nằm trong mâm vàng
Bởi chưng thầy mẹ nói ngang
Ðể cho đủa ngọc mâm vàng cách xa.
           Sầu càng đong càng lắc càng đầy, những giây phút êm đềm thơ mộng hẹn hò quá ngắn ngủi, nhưng ân tình lại sâu nặng. Những nụ cười ánh mắt, làn da thơm trắng mịn màng cứ ẩn hiện trong trí của người con trai mới biết yêu thương. Thế là sự suy diễn trong ký ức, cứ liên tục, nên vì ai mà chàng thanh niên trai trẻ nầy thương nhớ không nguôi:
            - Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay.
Cầm tay anh nắm cổ tay
Ngày xưa em trắng, mà rày em đen
Hay là lấy phải chồng hèn
Cơm hẩm canh mặn em đen thế nầy.
Và rồi những nuối tiếc cứ hằn mãi trong lòng:
- Bấy lâu lên ngọn sông Tân
Muốn tìm cá nước phải lần trời  mưa
Công anh đắp đập be bờ
Ðể ai quảy đó đem lờ tới đơm.
Chàng đã trách nàng phụ tình, nhưng chàng đâu biết rằng tâm tư của người con gái đi lấy chồng theo lệnh mẹ cha cũng đâu có vui gì, bởi vì một dặm đường đi là một dặm dài than thở:
- Chân đi mỏi lắm chân ơi
Chân đi chẳng tới, chân ngồi xuống đây
Ngồi buồn tính đốt ngón tay
Tính đi tính lại, ngón nầy hơn trăm
Tính tháng rồi lại tính năm
Tính tháng tháng trọn, tính năm năm rồi
Tình ta biết thủa nào nguôi.
Và chàng đâu biết rằng nàng ngày đêm tưởng nhớ, ngay cả trong giấc chiêm bao cũng luôn luôn tưởng nhớ đến người tình xưa mà trở thành bệnh tương tư:
- Thấy anh, chưa kịp ngõ lời
Ai ngờ anh đã vội dời gót loan
Thiếp tôi mê mẫn canh tàn
Chiêm bao như thấy có chàng ngồi bên
Tỉnh ra lẳng lặng yên yên
Tương tư bệnh phát liên miên cả ngày
Phải rằng duyên nợ đó đây
Xin chàng hãy lại chơi đây chút nào.
            D- Gương Vỡ Lại Lành
            Bao nhiêu ngày tháng xa nhau, xa mặt nhưng không xa lòng, vì trong lòng luôn nhớ đến lời thề son sắt ngày xưa:
            - Sông kia bên lở bên bồi
Bên lở lở mãi, bên bồi bồi thêm
Bao giờ gió đứng sóng êm
Thuyền anh xuôi ngược qua đêm lại về
Với em trót nặng lời thề.
Vì nhớ mãi lời thề không nguôi nên chàng phải đi tìm nàng cho vơi đi niềm nhung nhớ:
            - Gió đưa cành mận, cành đào
Vì em anh phải ra vào tối tăm
Tối tăm thì mặc tối tăm
Chờ cho tất cả đi nằm sẽ hay
Cầm tay anh nắm cổ tay
Em đừng hô hoán sự nầy ra to.
Sau khi tâm sự đã hiểu được lòng nhau, chàng trai đã khuyến khích người tình bỏ nhà trốn đi:
- Ai về đường ấy mấy đò
Mấy cầu, mấy quán anh cho mượn tiền
Ước gì quan đắp đường liền
Ðể ta đi khỏi tốn tiền đò ngang
Em về chọn quán bán hàng
Ðể anh là khách đi đàng trú chân.
Ngày xưa khi lập gia đình theo lệnh mẹ cha thì con không dám cãi, nhưng ở với một người không thương thì làm sao cuộc sống có hạnh phúc, mà bỏ đi thì biết trốn đi đâu? Ðây là vấn đề hết sức phức tạp và người con gái kia không khỏi bâng khuâng:
- Chim khôn mắc phải lưới lồng
Hễ ai gở được đền công lạng vàng?
Thấy nàng bâng khuâng, lo lắng khi từ bỏ cuộc sống gia đình sẽ không biết nương cậy vào đâu. Tuy nhiên chàng trai đã trả lời dứt khoát: Nếu anh gỡ rối tơ lòng cho em, thì anh không cần gì cả, anh chỉ cần em đi theo anh là được:
- Anh rằng, anh chẳng lấy vàng
Hễ anh gở được thì nàng lấy anh.
Sau khi nàng đã quyết định dứt khoát bỏ nhà đi theo người tình, tuy rằng đã xa rời khỏi nơi giam cầm, nhưng trong lòng như có một cái đó chưa yên, nên chàng đã xác định:
- Sao em chẳng đứng, chẳng ngồi
Hay tình duyên đã lôi thôi nên buồn
Buồn thì ở lại đây luôn
Anh lo lễ cưới, có buồng ngủ chung.
            Và rồi cả hai họ đã đi đến một nơi thật xa, nơi đó sẽ không có ai biết, nơi đó là vùng đất đầy hứa hẹn, là nơi lý tưởng nhất. Một túp lều tranh hai quả tim vàng:
            - Cô kia thắt bao lưng xanh
Có về Nam Ðịnh với anh thì về
Nhà anh ruộng đất bề bề
Em về làm chủ, phủ phê sang giàu.
            Thấy người thương tỏ dạ chung tình, nên nàng đã quyết đi theo chàng để xây tổ ấm gia đình, mà không cần đặt nặng nhà cao cửa rộng, hay nhà tranh vách lá. Vì nàng biết nơi đó sẽ không còn phiền muộn của người ra kẻ vào:
            - Chẳng tham nhà ngói bức màn
Trái duyên coi cũng bằng gian chuồng gà
Ba gian nhà lá lòa xòa
Phải duyên coi tựa chín toà nhà lim.
Chấp nhận đi theo người tình, sống ẩn nơi thôn dã là một thử thách lớn. Tuy nhiên chính bản thân của nàng cũng là con người của thôn dã thì có quản gì việc cực nhọc gian lao, nên có những lúc gánh lúa trưa hè họ đã nhẹ nhàng chọc ghẹo nhau:
- Trời mưa cho lúa chín vàng
Cho anh đi gặt cho nàng đem cơm
Ðem thời bát sứ mâm son
Chớ đem bát đất anh hờn không ăn.
Sau những lúc đồng áng mệt mõi, họ réo gọi nhau, và những lúc giải lao họ chia nhau những ngọt bùi trong đời:
- Cô kia cắt cỏ bên sông
Có ăn nhãn chín thì lồng sang đây
Sang đây, anh nắm cổ tay
Anh hỏi câu nầy: Em lấy anh không?
Cuộc sống không bon chen, ồn ào nơi miền quê đã là nếp sống lý tưởng nhất, mặc dầu cuộc sống tay lấm chân bùn với rẫy sắn nương dâu, người con gái đã mặn mà thì sống nơi nào cũng đẹp và mặn mà, nên chàng cứ luôn luôn chọc ghẹo. Có lẽ càng chọc ghẹo thì tình của họ càng nồng nàn hơn:
            - Cô kia má phấn môi son
Nắng dầu mưa dãi, càng dòn càng ưa
Hoặc là:
- Vào vườn trẩy quả cau non
Anh thấy em dòn, muốn kết nhân duyên
Hai má có hai đồng tiền
Càng trông càng đẹp, càng nhìn càng ưa.
Còn gì hạnh phúc bằng khi cả hai đều tâm đầu ý hợp, như chim liền cánh, như cây liền cành:
- Tờ giấy hồng anh găm chữ thọ
Gửi thư nầy cả họ bình yên
Ðầu rồng mà gối tay tiên
Ước gì đầu ấy gối trên tay nầy
Ðầu ấy gối trên tay nầy
Như chim loan phượng như cây ngô đồng
Bây giờ nên vợ nên chồng
Như cá gặp nước, như rồng gặp mây.
Cuộc sống với dẫy sắn nương dâu, nhưng cả hai họ cùng chung hưởng niềm hạnh phúc, và niềm in yêu tràn đầy với năm rộng tháng dài:
- Sáng trăng sáng cả bờ sông
Ta được cô ấy ta bồng đi chơi
Ta bồng ta thảy lên trời
Hỏi ông nguyệt lão, tốt đôi chăng là.
Hoặc là:
- Rủ nhau xuống suối bắt cua
Ðem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc, ta đừng quên nhau.
Trải qua bao nhiêu giông tố bảo bùng, gian nan thử thách trong cuộc đời, bây giờ đây đôi thanh niên nam nữ nầy họ đã cùng nhau xây tổ ấm gia đình, và cũng từ đây họ cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, luôn luôn sống bên nhau chẳng giây phút chia lìa:
- Cái quạt mười tám cái nan
Ở giữa phất giấy hai nan hai đầu
Quạt nầy anh để che đầu
Ðêm đêm đi ngủ che nhau quạt nầy
Bây giờ chung mẹ chung thầy
Ðể em giữ cái quạt nầy làm thân
Rồi ta chung chiếu chung chăn
Chung giường chung gối chung khăn đội đầu.
Nằm thời chung cái giường tàu
Dậy thời chung cả hộp trầu ống vôi
Ăn cơm chung cả một nồi
Gội đầu chung cả dầu hồi nước hoa
Chải đầu chung cái lược ngà
Soi gương chung cả cành hoa giắt đầu.
-- o0o --