Những Nhà Truyền Giáo
Tác Giả: D. C. Ahir
Dịch Giả: Trần Ðức Phi Bằng
(Tiếp Theo)
--o0o--
 
I- NHỮNG NHÀ TRUYỀN GIÁO
01- MAHINDA (Ma Hê Ðà)
Khi vua Ashoka (A Dục), được ngài Moggaliputta Tissa(Mục Kiền Liên Tử Ðế Tu) khuyên, gởi những nhà truyền giáo(Dhamma-duta) đến nhiều nơi trên lãnh thổ Ấn Ðộ và những nước láng giềng để truyền bá Giáo Pháp, ngài Mahinda(Ma Hê Ðà) được giao phó nhiệm vụ truyền bá Phật Pháp ở Tích Lan. Mahinda lúc đó được 32 tuổi. Ngài gia nhập Tăng Ðoàn vào năm hai mươi tuổi, dưới sự hướng dẫn của ngài Moggaliputta Tissa. Ngài thông thạo Tam Tạng. Bốn vị tháp tùng Mahinda là Itthiya (Y-đế-đa), Uttiya(Uất-đế-đa), Sambala(Tam-bà-lâu) và Bhaddasala(Bạt-đà-sa-la), Sa di Sumana(Tu-ma-na), con trai của tì kheo ni Sanghamitta (Tăng-già-mật-đa), và cư sĩ Bhankuka, con trai của con gái cô Ngài. Trước khi khởi hành đi Tích Lan, Ngài Mahinda viếng Sanchi (Vedisagiri) để gặp mẹ Ngài, bà Devi.
            Hai tập biên niên sử của Sri Lanka, Mahavamsa và Dipavamsa, cho chúng ta biết rằng Ðại Ðức Mahinda và đoàn truyền giáo đến Tích Lan vào ngày trăng tròn tháng Jetta (tháng Bảy), đó là một ngày quốc lễ ở đây.  Lúc bấy giờ nhà vua đang săn hươu trên núi Mihitale(Di-sa-ca).  Thấy những vị thera(tăng) đầu trọc quấn y vàng, dáng điệu trang nghiêm và hình dáng đặc biệt, nhà vua cho người hỏi họ là ai và đến từ đâu. Với một giọng trang nghiêm, ngài Mahinda trả lời:[89]
            "Chúng tôi là đệ tử của đấng Pháp Vương.
            Với lòng từ bi thương tưởng đến ngài, Maharaja,
            Từ Ấn Ðộ, chúng tôi đi đến nơi nầy."
            Nghe những lời nầy, vị vua xếp cung tên qua một bên, tỏ lòng cung kính và ngồi xuống cạnh người khách. Sau một lúc đàm đạo, ngài Mahinda thuyết cho nhà vua nghe kinh Culahatthipadopama-sutta  (Tượng Tích Dụ Kinh). Cuối cùng nhà vua và các quan đều hoan hỉ tin theo Phật Pháp. Theo lời mời của nhà vua, ngày hôm sau Ngài Mahinda và đoàn tùy tùng vào thành Anuradhapura, ở đây các Ngài được nhà vua đón tiếp một cách tôn kính. Sau khi thọ trai, Ngài Mahinda giảng về cốt tủy những lời dạy của Ðức Phật cho hoàng gia. Sau đó, Ngài Mahinda tổ chức hai buổi thuyết giảng công cộng:
- Lần đầu trong đại sảnh bên ngoài cung điện
- Lần thứ hai trong vườn ngự uyển. 
Sau những lời giảng dạy của Ngài, hàng ngàn người nam nữ quy y theo Phật Pháp. Sau đó vua Devanampiya Tissa(Thiên Ái Ðế Tu) hiến dâng ngự uyển Mahamegha Ðại Vân) dùng làm nơi cư trú cho Ngài Mahinda và những vị tu sĩ khác. Về sau nơi đây trở nên chùa Mahavihera(Ðại Tự), một trung tâm văn hóa và tu học Phật Giáo xưa nhất trên đảo nầy. Ðồi Mihintale, nơi Ðại Ðức Mahinda và nhà vua gặp nhau lần đầu, một ngôi chùa khác cũng được dựng lên, chùa Cetiyagirivihara, cũng trở thành một tu viện lớn của Phật Giáo Tích Lan tiền kỳ.
            Khi có một phụ nữ muốn gia nhập Tăng Già, vua Tích Lan và Ngài Mahinda xin vua A Dục phái một số ni sư từ Ấn Ðộ sang. Ðể đáp ứng, vua A Dục gởi người con gái của vua là ni sư Sanghamitta(Tăng Già Mật Ða) cùng một số vị ni sư sang truyền giới cho những phụ nữ Tích Lan. Như vậy, Ni Chúng cũng đã được thành lập ở Tích Lan. Vua A Dục cũng gởi sang một nhánh cây Bồ Ðề nơi Ðức Phật thành Ðạo. Nhánh Bồ Ðề nầy được trồng trong vườn Mahamega(Ðại Vân)trong thành Anuradhapura và được tôn vinh và săn sóc cẩn thận. Từ khi đó, cây Bồ Ðề nầy lớn lên như là một đối tượng tôn kính và lễ bái của hàng triệu Phật tử.
            Vua Devanampiya(Thiên Ái Ðế Tu) trị vì bốn mươi năm. Hàng ngàn người nam nữ xuất gia trong thời gian tại vị của ông. Nhà vua xây dựng nhiều ngôi chùa khắp trong nước làm nơi cư trú và tu học cho các tăng ni và cung cấp mọi nhu yếu phẩm. Như vậy Phập Pháp được thiết lập vững chãi ở Tích Lan trong thời gian ông trị vì. Cả hai Ðại Ðức Mahinda và Ni Sư Sanghamitta đều sống lâu hơn ở nhà vua.  Họ sống gần 48 năm tại Tích Lan. Ngài Mahinda sống đến 80 tuổi và ni sư sống đến 79 tuổi. Vua Uttiya, em cũng là người thừa kế vua Devanampiya, làm lễ trà tỳ các Ngài rất trọng thể và cho xây tháp trên xá lợi của các Ngài.
            Ðại đức Walpola Rahuha[90] nói:
- Ngài Mahinda đem đến Tích Lan không phải chỉ một tôn giáo mới, nhưng còn là một toàn bộ của nền văn minh đang ở mức độ tột đỉnh vinh quang. Ngài đem nghệ thuật và kỷ thuật kiến trúc vào đảo, cùng với Sangharama và Cetiya. Ngài có thể được coi như người cha của văn học Tích Lan. Buddhaghosha nói rằng Ngài Mahinda mang vào đảo Tích Lan các luận sớ về Tam Tạng và chuyển sang tiếng Tích Lan để làm lợi ích cho người dân ở đảo. Như vậy Ngài đã làm cho tiếng Tích Lan trở thành một ngôn ngữ văn học và mở đầu cho nền văn học của nó.
Bởi vì những người con, nam và nữ của mảnh đất nầy đã đông đảo dấn thân vào con đường Giáo Pháp, không có một nhà truyền giáo nào khác từ Ấn Ðộ vào đây nữa. Tuy nhiên một biến cố quan trọng xảy ra vào thế kỷ thứ tư. Nguyên vua Gushiva của nước Kalinga(Ca Lăng Già) có giữ một chiếc răng của Phật. Khi biết sắp thua trận, nhà vua giao chiếc răng cho người con gái là Hamamala(Hi-ma-lê). Công chúa Hemamala cùng với chồng là Dandakumara (Xi Vương Tử) mang chiếc răng sang Tích Lan trao cho vua Sirimenghavana(Các Tường Vân Sắc) ở thành Anuradhapura[91]. Ngày nay chiếc răng xá lợi của Ðức Phật nầy được thờ phụng tại chùa Dalada Maligawa(Phật Nha) ở Kandi, Tích Lan.
02- NGÀI KUMARAJIVA(CƯU MA LA THẬP)
Phật Giáo được truyền vào Trung Hoa đầu tiên do hai vị Tăng Ấn Ðộ là Kasyapa Matanga(Ca Diếp Ma Ðằng) và Dharmarksha(Trúc Pháp Lan). Hai Ngài đến Trung Hoa vào năm 67 sau Tây Lịch theo lời thỉnh mời của vua Hán Linh Ðế. Chúng ta được biết rằng Kinh Tứ Thập Nhị Chương do hai Ngài dịch sang tiếng Trung Hoa. Ðể làm nơi cư ngụ cho hai Ngài, một ngôi chùa cũng được xây cất ở Trường An, sau nầy là kinh đô của Trung Hoa. Vì kinh sách Phật Giáo và tranh ảnh của Ðức Phật được những nhà truyền giáo đem vào Trung Hoa bằng một con ngựa trắng, ngôi chùa nầy được gọi là Chùa Bạch Mã. Trong ba thế kỷ tiếp theo, một số đông tăng sĩ Phật Giáo từ Trung Á và Ấn Ðộ viếng Trung Hoa và tạo sức đẩy cho sự phát triển Phật Giáo tại đây. Nhà truyền giáo lớn lao và nổi bậc nhất trong những vị đó là ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) đến Trung Hoa vào sau năm 383 sau Tây Lịch. Cuộc đời của Ngài trở thành một điển hình của hoạt động truyền giáo ở Trung Hoa.
            Theo truyện của Ngài Cưu Ma La Thập ghi trong Cao Tăng Truyện [92] soạn vào năm 519, cha Ngài là Kumarayana thuộc một gia đình vọng tộc cha truyền con nối làm tướng quốc trong một vương quốc thuộc Ấn Ðộ. Tuy nhiên Kumarayana từ chối sự truyền thừa để xuất gia tu hành. Sau đó Kumarayana đi đến nước Kucha (Tàu dịch là Quy Tư), một vương quốc Phật Giáo thuộc vùng Trung Á. Vua của nước nầy tiếp đón Ngài nồng hậu và tôn làm quốc sư. Ở đây, công chúa Jiva, em gái của vua phải lòng thương yêu đối với Ngài và lấy Ngài làm chồng. Công chúa nước Kucha sinh hạ một người con trai đặt tên là Kumarajiva, hợp tên của cha là Kumara và mẹ là Jiva. Kumarajiva sinh vào năm 344 sau Tây Lịch. Về sau, Jiva xuất gia theo Phật Giáo và trở thành một vị ni. Kumarajava xuất gia làm sa môn vào lúc được chín tuổi, mẹ Ngài đem Ngài qua Kasmir để Ngài học hỏi thông suốt nền tảng của văn học và triết học Phật Giáo. 
            Ở Kasmir, Kumarajiva học Phật Pháp với Ngài Buddhadatta, vị nầy về sau chuyển sang Ðại Thừa. Trong một ít năm, Ngài Kumarajiva thông thạo mọi ngành học Phật Giáo. Sau khi học xong, Kumarajiva, cùng với mẹ trở về Kucha, và được vị vua xứ nầy tiếp đãi rất cung kính. Ở Kucha, Ngài cư ngụ trong một ngôi chùa mới do nhà vua xây cho Ngài. Ở đây Ngài học Giới Luật trong mười học thuyết(của Hữu Bộ) với Ngài Vimalaksha, một vị tăng Kasmir đã từng đến Trung Hoa qua con đường Trung Á. Không lâu sau đó, chiến tranh xảy ra giữa Kucha và Trung Hoa. Quân Kucha đầu hàng, tướng Trung Hoa là Liu-Kuang bắt một số đông tù nhân về Trung Hoa, trong số đó có Ngài Kumarajiva. Việc nầy xảy ra vào năm 383. Ngài Cưu Ma La Thập ở gần mười lăm năm tại Mãn Châu dưới sự cai trị của Ku-tsang. Ðến năm 401, vua Trung Hoa thỉnh Ngài về kinh đô. Tại kinh đô, vua Diêu Tần tiếp đãi Ngài rất nồng hậu và yêu cầu Ngài truyền bá Phật Pháp tại Trung Hoa.
            Từ đó đến khi Ngài viên tịch vào năm 413, Kumarajiva lưu ngụ tại kinh đô Trung Hoa và nỗ lực dịch những kinh điển Phạn văn ra Hán văn và giảng giải Phật Pháp và triết học Phật Giáo. Theo các tài liệu lịch sử Trung Hoa, Ngài Kumarajiva thành lập một ban phiên dịch gồm trên tám trăm vị tăng và học sĩ. Chúng ta được kể lại rằng, chính nhà vua, một Phật tử sùng tín, nâng các bản văn gốc trên tay khi công tác phiên dịch tiến hành. Trong khoảng thời gian mười hai năm(401-412) có hơn 425 quyển kinh được dịch dưới sự chỉ đạo của Ngài Kumarajiva. Trong số những vị tăng Ấn Ðộ giúp ngài Kumarajiva trong việc phiên dịch, có các Ngài Vimakaksha, thầy của Ngài Kumarajiva; các Ngài Buddhayasha và Sanghabhadra đến Trung Hoa ít lâu sau.
            Công trình của Ngài Kumarajiva mở một giai đoạn mới trong việc truyền bá và phát triển Ðạo Phật ở Trung Hoa. Ảnh hưởng của Ngài lên tư tưởng và văn học Trung Hoa thật lớn lao. Ngài rèn luyện hàng ngàn người Trung Hoa dưới sự hướng dẫn của Ngài. Tuy nhiên, đóng góp quan trọng nhất của Ngài là việc giới thiệu hệ thống triết học Phật Giáo Trung Quán do Ngài Long Thọ khởi xướng. Thật sự Ngài được coi như vị Thầy đầu tiên của giáo lý Trung Quán ở Trung Hoa. Tam Luận Tông thiết lập trên ba tác phẩm quan trọng của trường phái Trung Luận do Ngài dịch sang Hán văn, đó là Madhyamika(Trung Luận) và Dvadasanikaya(Bách Luận) của Ngài Nagarjuna(Long Thọ) và Sata-Sastra(Thập Nhị Môn Luận) của Araydava(Thánh Thiên). Ngài cũng dịch Kinh Ðại Phẩm Bát Nhã và viết bằng Hán văn tiểu sử Ngài Long Thọ và Thánh Thiên. Ngài cũng viết một tập tiểu sử Ngài Asvaghosha(Mã Minh). Kumarajiva cũng được coi như người thuyết minh của Thành Thật Tông(Satyasiddhi) và Niết Bàn Tông(Nirana).
            Kumarajiva được coi là đã dịch 98 tác phẩm gồm 425 quyển kinh luận sang Hán văn. Trong 98 tác phẩm nầy có thể tìm thấy trong tạng Najio [93]. Chúng ta được kể lại rằng khi sắp viên tịch, Ngài Kumarajiva dặn đệ tử rằng hãy lấy những việc làm chứ không phải lấy cuộc đời của Ngài làm lý tưởng. Lời nói cuối cùng của Ngài là:
- Hoa sen mọc từ bùn, hãy yêu hoa sen, đừng yêu bùn.
03- PARAMARTHA (CHÂN ÐẾ)
Một vị đại sư Ấn Ðộ khác, giống như Ngài Kumalajiva, sống và dạy ở Trung Hoa trong nhiều năm là Ngài Paramartha(Chân Ðế). Ngài là người Ujjayini ở Madhya Pradesh. Sau khi học xong ở Ujjain, Ngài Paramartha đi đến Magadha(Ma Kiệt Ðà) và lưu tại thành Pataliputra(Hoa Thị). Ngài học ở trường đại học danh tiếng Nalanda và thông thạo về các ngành Phật Học. Thời gian nầy, một vị hoàng đế Trung Hoa được nói là đã gởi một sứ thần sang Magadha để xin nhà vua ở đây cho một vị cao tăng Phật Giáo có thể dạy Phật Giáo ở Trung Hoa. Ngài Paramartha được nói là đã sang Trung Hoa với vị sứ thần. Ngài đi bằng đường biển và đến Nam Kinh vào năm 548 sau Tây Lịch. Nhà vua đón tiếp Ngài rất trọng thể và thỉnh ngài ở lại trong cung. Theo sự thỉng cầu của nhà vua, Ngài Paramartha bắt đầu dịch những kinh điển Phạn ngữ ngài mang theo từ Ấn Ðộ. và công việc kéo dài khoảng mười năm. Sau đó, Ngài bị buộc phải dời hết chỗ nầy đến chỗ khác vì tình hình chính trị bất ổn ở Trung Hoa.  Vì vậy, những năm cuối cùng Ngài sống trong cô đơn. Ngài nhập diệt vào năm 569 sau Tây lịch, thọ bảy mươi mốt tuổi.
            Trong thời gian lưu tại Trung Hoa, Paramartha đã dịch hơn 70 tác phẩm Phạn ngữ, gồm có 275 quyển [95] sang tiếng Trung Hoa. Giống như Ngài Kumaraijiva(Cưu Ma La Thập) giới thiệu Nagarjuna(Long Thọ) cho Trung Hoa, ngài Paramartha giới thiệu Ngài Vasubandhu(Thế Thân). Ngài Paramartha cũng thiết lập Câu Xá Tông ở Trung Hoa. Tông nầy đặt cơ sở trên những kinh điển Phạn văn do Ngài dịch sang Hán văn. Tông phái nầy kéo dài được khoảng 80 năm và về sau sáp nhập vào Pháp Tướng Tông của ngài Huyền Trang.
04- BODDHIDHARMA (BỒ ÐỀ ÐAT MA)
Một nhà truyền giáo Ấn Ðộ tuyệt vời khác đã đến Trung Hoa là ngài Boddhidharma(Bồ Ðề Ðạt Ma), một nhà tiên tri thuộc gia đình hoàng tộc Kanchi ở miền Nam Ấn Ðộ. Khi xuất gia, Ngài được Prajnatara (Bát Nhã Ða La), một vị Tổ thiền dạy dỗ. Sau khi sư phụ viên tịch, Boddhidharma truyền bá giáo lý Thiền ở Ấn Ðộ một ít năm. Về sau, Ngài sang Trung Hoa vào năm 526 để truyền bá.
            Boddhidharma được vua Lương Võ Ðế, một Phật tử thuần thành, đón tiếp trọng thể tại kinh đô Nam kinh. Một giai thoại thú vị được ghi chép về lần gặp gỡ đầu tiên giữa Ngài Boddhidharma và vua Trung Hoa. Trong cuộc đàm đạo[59], nhà vua hỏi:
- Từ khi lên ngôi, trẫm đã xây dựng nhiều chùa, làm nhiều Phật sự. Như vậy có công đức gì? 
Câu trả lời của Boddhidharma là: 
- Không có công đức gì!
Vua hỏi: 
- Tại sao không có công đức?
            Trả lời: 
- Những việc làm đó chỉ có quả nhỏ vì là nhân hữu lậu. Nó chỉ như bóng đi theo hình, không có gì chân thật.
            Nhà vua hỏi: 
- Như vậy cái gì  là công đức chân thật? 
Boddhidharma trả lời: 
- Trí thanh tịnh tròn đầy rỗng lặng. Công đức đó không thể lấy việc thế gian mà cầu được. 
Vua hỏi: 
- Cái gì là chân lý cứu cánh?
Boddhidharma trả lời: 
- Mọi pháp đều không có tự tánh, không có chân lý nào gọi là cứu cánh.
            Sau thấy rằng vua không thể hiểu được khuynh hướng triết lý bí mật của Ngài, Boddhidharma rời kinh đô, và đi vào trong núi Thiếu Lâm, ở miền Bắc Trung Hoa.
            Ngài Boddhidharma ở chùa Thiếu Lâm ngồi nhập sâu vào thiền định Bích Quán, mặt xoay vào vách trong chín năm[96]. Tiếng Trung Hoa: Bích có nghĩa là tường và Quán có nghĩa là chú ý theo dõi. Do đó Ngài Boddhidharma được biết rộng rãi ở Trung Hoa với thiền Bích Quán. Trường phái được Ngài xây dựng ở Trung Hoa là Thiền Tông. Thiền Tông dạy rằng cần phải từ bỏ việc chấp nhận một cách mù quán thẩm quyền của kinh điển. Nó cũng chống lại việc tôn sùng hình tượng và tu sĩ. Theo thiền:
- Phật là Tâm của mỗi người.  Và Phật Tánh luôn luôn thanh tịnh và sáng suốt, chiếu soi khắp nơi. 
Triết lý của Boddhidharma đã gieo một ảnh hưởng khó phai nhạt lên tinh thần người Trung Hoa, và đặc biệt là giới Phật tử Nhật Bản, nơi mà Thiền Tông trở thành Zen[97] với một số biến cải.
II- NHỮNG VỊ KHÁC
01- Trung Hoa
Trong số những tăng sĩ đến Trung Hoa từ các nơi trên Ấn Ðộ là:  Lokaraksha(147 sau Tây lịch), Dharmapala(207), Dharmakala(222), Vighna(224) và Kalyana(281), Sanghabhuiti từ Kashmir đến Trung Hoa vào năm 381. Ngài dịch một số tác phẩm về Luật của Hữu Bộ(Sarvastiveda). Dharmamitra cũng đến Trung Hoa từ Kahmir vào năm 424, dịch 12 tác phẩm sang Hán văn. Dharamaksena từ Trung Ấn đến dịch 25 tác phẩm sang Hán văn. Khi trở về Khotan người ta nói rằng Ngài bị giết chết trong sa mạc vào năm 433. Upasunya từ Ujjayini đến Trung Hoa năm 538-539. Ngài dịch 6 tác phẩm sang tiếng Trung Hoa. Jinagupta từ Gandhara đến Trung Hoa năm 559 và dịch 4 tác phẩm. Dharmagupta từ Kanauj đến Trung Hoa vào năm 610 qua đường Trung Á. Trên đường đi, Ngài có lưu lại một hay hai năm trong các ngôi chùa tại Trung Á. Ngài Prabhakaramitra từ Trung Ấn đếng Trung Hoa vào năm 627 và cùng đi với nhiều đồ đệ. Ngài dịch 3 tác phẩm sang tiếng Trung Hoa. Atigupta từ Trung Ấn đến Trung Hoa vào năm 652. Ngài dịch nhiều tác phẩm sang tiếng Trung Hoa với sự giúp đỡ của hai vị tăng đến từ Bodh Gaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) tên của hai vị là Sanghanandamoksha và Kasyapa đã ở Trung Hoa từ trước. Một số các tăng sĩ khác đã đến Trung Hoa là: Gautama Sanghadeva(410), Budhjiva(423) từ Kasmir; Gunabhadhara(435-468), Dharmakrityasas(481) từ Trung Ấn; Prajnaruci(516-543) từ Varanasi; Nalandayasas(558), Yasagupta và Vinitaruchi(580) từ Trung Ấn; và Bodhiruci (thế kỷ thứ bảy) từ Nam Ấn. Bodhiruci có nghĩa là Tuệ Ái, trước có tên là Dharmaruci. Tên Dharmaruci của Ngài được đổi sang Bodhiruci theo lệnh của hoàng đế Vũ Tắc Thiên(684-705). Bodhiruci rời Nam Ấn để đi Trung Hoa trong khoảng thời gian đầu nhà Ðường. Ở Trung Hoa, Ngài học Phật Pháp với Ngài Yasaghosa, một vị Ðại Thừa, và thông thạo ba tạng kinh điển chỉ trong vòng ba năm. Budhirici hiến trọn đời vào công tác dịch thuật các kinh điển từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Hoa. Trong thời gian từ năm 693-713, Bodhiruci dịch 53 tác phẩm gồm 111 quyển. Chúng ta được biết rằng Ngài viên tịch vào năm 727 khi ngài được 156 tuổi.
02- TRUNG Á
Vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, vua Ashoka (A Dục Vương) phái những nhà truyền giáo sang Mesopotamia và Syria thuộc vùng Tiểu Á, Egypt và Macedonia thuộc châu Âu. Trong thời gian đó, Phật Giáo được truyền bá ở Trung Á, một khu vực rộng lớn trải từ bờ phía đông biển Caspin đến Trường Thành của Trung Hoa. Cao nguyên Pamirs chia vùng này thành hai khu vực. Khu vực miền tây ngày nay thuộc Nga Sô và khu vực miền đông thuộc Trung Hoa. Trung Á cũng còn được gọi là Ấn Hoa.  Phật Giáo đến miền đông Trung Á trước xa kỷ nguyên Cơ Ðốc và những Phật Tử Ấn Ðộ đã thiết lập ít nhất bốn thuộc địa tại đây, là Kashgar, Kucha, Turfan và Khotan. Theo một truyền thuyết xưa của người Khitan, một người con trai của vua Ashoka (A Dục) tên là Kustan đã thiết lập một vương quốc riêng ở Kucha và vùng lân cận, và cháu của ông ta là Vijava-Sambhaya đã đưa Phật Giáo vào Khotan. Một học giả Phật Giáo từ Ấn Ðộ tên là Vairocana là thầy giáo của nhà vua. Tất cả các vương quốc ở Trung Á đã phát triển Phật Giáo ít nhất đến thế kỷ thứ bảy và thường xuyên có những tăng sĩ Phật Giáo từ Ấn Ðộ đến Trung Á. Ða số các vị này đi tiếp tục đến Trung Hoa. Như vậy Trung Á được coi là vùng nối liền giữa Ấn Ðộ và Trung Hoa.
03- Miến Ðiện
Phật Giáo được đem vào Miến Ðiện trong thế kỷ thứ ba do Sona (Tu Na) và Uttara (Uất Ðà La). Hai Ngài được vua Ashoka (A Dục) phái đến Suvannbhumi để giảng dạy Giáo Pháp tại đây. Theo truyền thống Miến Ðiện, Buddhaghosha (Phật Âm), một học giả và là nhà luận giải lớn về văn học Pali vào thế kỷ thứ năm cũng viếng Miến  Ðiện.  Ngài đến từ Tích Lan (Sri Lanka) và có mang theo nhiều kinh sách Phật Giáo và dịch sang tiếng Miến Ðiện.
04- Thái Lan
Theo truyền thống Thái Lan hai Ngài Sona(Tu Na) và Uttara(Uất Ðà La) là những người đầu tiên truyền Phật Giáo vào Thái Lan. Trước kia nước này gọi là Siam vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch là một phần của Suvanabhumi.
05- Cam Bốt
Một người Ấn Ðộ tên là Kaundinya được nói là đã xây dựng một vương quốc tên là Funan(Phù Nam) ở Kampuchia vào thế kỷ thứ năm sau Tây lịch. Vua Phù Nam, Kaundinya Jayavarman(478-514) được cho biết là đã gởi phái đoàn truyền giáo sang Trung Hoa dưới sự dẫn đầu của vị tăng tên là Nagasena. Vào năm 503, ông gởi một phái đoàn khác đến vua Vũ Ðế và gởi hai vị tăng tên là Sanghapala và Mandrasena đến triều đình Trung Hoa để dịch kinh. Những tăng sĩ Phù Nam được ủy nhiệm đi Trung Hoa là những tăng sĩ Ấn Ðộ đã đến Kampuchia.
06- Việt Nam
Phật Giáo đến Việt Nam từ Trung Hoa nhưng nó phát triển ở đây đầu tiên do vị tăng Ấn Ðộ Vinitaruchi(Tỳ Ni Ða Lưu Chi) đến Việt Nam vào năm 580. Ngài được coi là một vị Tổ Thiền Tông Việt Nam.
07- Indonesia
Phật Giáo được mang vào Java do hoàng tử Gunavarman của Kasmir là một tăng sĩ Phật Giáo. Ngài đến đảo và biến cải vị vua Bà la môn và gia đình của ông ta quay về Phật Giáo vào thế kỷ thứ năm sau Tây lịch. Java trở thành một thành trì của Phật Giáo. Phật Giáo đồng thời cũng được truyền vào đảo Sumatra, đặc biệt là trong vương quốc Sri-vijaya. Những câu khắc còn lại chứng tỏ rằng vua Sri-vijaya trị vì trong những năm 683-684 là một Phật tử sùng tín. Ngài Nghĩa Tịnh viếng Sri-vijaya vào thế kỷ thứ bảy nói rằng những tăng sĩ Phật Giáo ở Sri-vijaya có đến trên ngàn vị và các Ngài đều học những môn học được học ở Madhyadesa(Ấn Ðộ). Ngài Dharmapala, một giáo sư danh tiếng của Ðại Học Nalanda, và Vajrabodhi, một tăng sĩ đến từ Ấn Ðộ, cũng đến Indonesia hay Survarnadvipa, tên về sau của nước này, vào thế kỷ thứ bảy.
08- Ðại Hàn
Phật Giáo truyền vào Ðại Hàn vào năm 372 sau Tây lịch khi một vị tăng Trung Hoa là Sundo đếnKaguryu, vương quốc miền Bắc. Mười hai năm sau, năm 384, một tăng sĩ Ấn Ðộ tên là Marananda hay Mallananda đến vương quốc láng giềng Paekche và truyền bá Phật Pháp. Trong vương quốc Ðại Hàn thứ ba, Silla, Phật Giáo đến thế kỷ thứ bảy mới được chấp nhận. Sau đó, Phật Giáo lan truyền khắp nước Ðại Hàn.
09- Nhật Bản
Từ Ðại Hàn, Phật Giáo truyền vào Nhật Bản vào năm 552.  Thiền Tông do Ngài Bodhidharma từ Ấn Ðộ truyền vào Trung Hoa, về sau truyền vào Nhật Bản tạo nên phái Zen. Tam Luận Tông đặt cơ sở trên các bản dịch của Ngài Kumaraijiva về ba tác phẩm quan trọng của phái Trung Luận là Trung Luận, Bách Luận, Thập Nhị Môn Luận cũng được truyền vào đất Nhật, được biết đến dưới tên Nhật là Sanron.
10- Tây Tạng
Mặc dù Phật Giáo được truyền vào Tây Tạng trước tiên vào thế kỷ thứ tư sau Tây lịch, đến thế kỷ thứ bảy Phật Giáo mới mọc được gốc rễ ở đây nhờ những nỗ lực lớn lao của vua Ston-btsan-sgam-pa trị vì từ năm 620-650. Trong thời gian này, ở Tây Tạng không có chữ viết. Nhà vua phái một vị Ðại Thần cũng là thần đồng về ngôn ngữ là Thommi Sambhota đi Ấn Ðộ để học về nghệ thuật viết. Ông đến đại học Nalanda và học Phạn ngữ (Sancrit), triết học và văn học Phật Giáo. Khi trở về Tây Tạng, ông chế ra bộ chữ Tây Tạng dựa trên chữ viết Ấn Ðộ. Từ đó, mọi thứ văn học ở Tây Tạng được dịch hay viết bằng thứ chữ này.
-- o0o --