TỪ HOA LƯ TỚI THĂNG LONG
VỚI THIỀN SƯ VẠN HẠNH
Nguyễn Mộng Khôi
--o0o--
 
Từ Khúc Hạo dấy nghiệp đến Dương Ðình Nghệ, Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền, Ðinh Tiên Hoàng, Lê Ðại Hành, nền tự chủ của dân tộc Việt Nam mới thành hình nên mọi qui mô chánh trị, kinh tế, quân sự, văn hóa còn phôi thai, ấu trĩ. Nhưng đến triều Lý, đời sống dân tộc ta bành trướng mỗi ngày một mạnh, Nhà Lý cầm vận mạng dân tộc Việt Nam trong 216 năm, nối tiếp nhau 9 đời vua, sự nghiệp đáng kể là vĩ đại.
Người có công lớn nhất để dựng lên nhà Lý là thiền sư Vạn Hạnh. Ngài đã làm một cuộc đảo chính thật êm đẹp có thể nói là vô tiền khoáng hậu để đưa vương quyền từ nhà Tiền Lê vào tay nhà Lý và Ngài chủ trương dời kinh đô của hai triều đại Ðinh Lê từ Hoa Lư lên Thăng Long; rồi từ đó các vua Nhà Lý đã thúc đẩy dân tộc đi khá xa trên con đường tiến hoá.
Thiền sư Vạn Hạnh họ Nguyễn(Nguyễn Vạn Hạnh) người làng Cổ Pháp, không rõ ngày sinh, nhưng Ngài mất nhằm rằm tháng 5 Mậu Ngọ, Thuận Thiên thứ 8 (30-06-1018), thọ khoảng 80-90 tuổi, Ngài được phong làm Quốc Sư và được đổi họ Nguyễn thành họ Lý, khi Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế. Ngài xuất gia năm 21 tuổi, thọ giới Ðại sư Ðinh Huệ ở chùa Lục Tổ, làng Ðình Bảng, Bắc Ninh là chùa Tiêu Sơn bây giờ.
Năm 1993 dân Ðình Bảng và Phật tử địa phương đã dựng một bức tượng trên đỉnh núi Tiêu Sơn, mô tả Ngài đang ngồi thiền, mắt trông về kinh thành Thăng Long, như tâm nguyện suốt đời hướng về nơi đế đô này.
Thiền Sư Vạn Hạnh thông minh từ nhỏ, học khắp Tam giáo, nghiên cứu cả Bách Luận, và chuyên tập pháp Tổng Trì Tam Ma Ðịa(Dharani Samadhi). Thiền Sư lại giỏi khoa độn giáp nên có khả năng biết trước mọi việc và được vua Lê Ðại Hành tôn kính. Năm 981, nhà Tống đem quân đánh nước ta. Quân Tống mở 2 mặt trận: bọn Hầu Nhân Bảo tiến quân mặt Lạng Sơn. Lưu Trừng đem thủy quân tới Bạch Ðằng Giang. Vua vời Thiền Sư đến hỏi nếu đánh thì thắng hay bại? Thiền sư đáp: 
- Nội trong vòng 3-7 ngày thì giặc sẽ lui. Quả nhiên, Hầu Nhân Bảo bị giết ở Chi Lăng. Lưu Trừng thấy lục quân đã tan vỡ, vội vàng đem thủy quân rút về Tàu. Khi Lê Ðại Hành muốn đem quân vào đất Chiêm để cứu sứ giả Việt Nam bị bắt giữ, nhưng Ông còn do dự thì Thiền sư bảo đây là cơ hội tốt, không nên bỏ qua. Sau quả là đúng, trận ấy quân Lê thành công.
Ngài còn là thầy địa lý tài ba, nên thấy đất Hoa Lư không phải là nơi đất tốt cho một kinh đô của một vương quốc hùng mạnh, nên khi Lý Công Uẩn lên ngôi ở Hoa Lư thì Ngài đã chọn cho Lý Công Uẩn và triều đình một kinh thành mới ở Ðại La, là thành Thăng Long sau này.
Lý Công Uẩn làm con nuôi cho Thiền Sư Khánh Vân ở chùa Cổ Pháp năm 3 tuổi. Một hôm thiền sư Vạn Hạnh đến nơi trông thấy, biết ngay là người có quí tướng: Ðứa bé này không  phải là người thường, lớn lên có thể giải nguy, gỡ rối làm bậc minh chủ trong thiên hạ. Bốn năm sau, khi Công Uẩn tròn 7 tuổi, được Thiền Sư Vạn Hạnh nhận làm đệ tử. Ngài đã chuẩn bị với rất nhiều tâm huyết trong hàng chục năm để biến cậu bé, rồi thanh niên Lý Công Uẩn thành một vị quân vương Bồ Tát, đem chánh pháp để xây dựng quốc gia từ bi, nhân bản, hưng thịnh và vinh quang. Lý Công Uẩn được trang bị một nền giáo dục toàn bích, kết hợp dân tộc tính, Phật Giáo tính. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết:
- Triều đại nhà Lý là triều đại thuần nhất trong lịch sử nước ta. Ðó là nhờ ảnh hưởng Phật giáo .
Việc nhà Lý lên thay nhà Tiền Lê đã được thiền sư tiên đoán trong hàng chục bài sấm thi, sấm ngữ. Nhân sự kiện cây gạo chùa Minh Châu, làng Dương Lôi bị sét đánh gẫy một cành, dân làng mời Ngài đến xem. Nhìn những hình, những vết chi chít nham nhở ở chỗ cây gẫy, Ngài đọc ngay một bài thơ sấm, trong đó có câu:
            - Hoa, đào, mộc lạc (cây hoa đào rụng )
Thập, bát, tử thành(Mười tám hạt thành)
Mọi người nghe xong còn đang ngạc nhiên, nhìn nhau, chưa hiểu đầu đuôi điều lạ ra sao, thì thiền sư đã dùng phép triết tự sở trường của mình để giảng nghĩa rằng:
- Hoa đào mộc ghép thành chữ LÊ.
Câu Hoa đào mộc lạc là nhà Lê mất(lạc).
- Thập bát tử ghép thành chữ LÝ.
Câu: Thập bát tử thành là nhà Lý thành công.
Ðó là điềm trời báo trước hay là lời tiên đoán có chủ ý của Thiền Sư? Chúng ta chỉ biết xã hội bấy giờ, nhà tiền Lê đã quá ư mục nát, vua Lê Long Ðĩnh độc ác, tham tàn, lòng dân chán ghét, thì bài sấm như vậy có tác dụng lớn lao vào công việc vận động cho Lý Công Uẩn giành lấy ngôi báu.
Có thể nói Thiền sư Vạn Hạnh vừa là người đa mưu túc trí, vừa có tâm đức. Ngài đã kết hợp khéo léo Phật Giáo và chính trị, Phật giáo và văn học trong vai trò người hướng dẫn cho sự nghiệp của Lý Công Uẩn.
Vạn Hạnh Thiền Sư là nhân vật có thế lực trong triều tiền Lê và là một quân sư tin cẩn của vua Ðại Hành, Ngài đã đưa Lý Công Uẩn vào đội quân bảo vệ hoàng thành và Công Uẩn, nhờ sự thông minh và hăng say đã nhanh chóng nắm được binh quyền trong chức vụ Tả Thân Vệ Ðiện Tiền Chỉ Huy Sứ. Khi vua Ðại Hành mất, Long Ðĩnh nối ngôi, tính tình bạo ngược, nổi tiếng là hiếu sát nhất trong lịch sử nước ta. Sử sách còn ghi lại:
Hể làm thịt các gia súc như trâu, bò, dê, gà, lợn, bao giờ cũng tự tay chọc tiết rồi mới trao cho nhà bếp. Kết tội tử hình ai thì Long Ðĩnh tìm cách nào tàn ác hơn hết như sai lấy rơm quấn vào tội nhân rồi châm lửa đốt. Kẻ xấu số gần chết, Long Ðỉnh cho một tên phường chèo người Tàu tên là Lương Như Tâm cầm dao cắt những mối rơm để tội nhân không chết ngay. Long Ðĩnh lấy làm thú lắm! Khi đi đánh dẹp bắt được giặc, Long Ðĩnh đem ra bờ sông, sai người làm thủy lao(nhà tù dưới nước) nhốt tù vào đấy để khi nước thủy triều dâng lên làm cho họ chết sặc, hoặc có khi bắt họ leo cây rồi cho người đốn gốc. Năm 1008, đi dẹp Man Ðộng, Long Ðĩnh bắt được quân Man, bèn sai người đánh đập để giải trí, quân Man bị đòn đau quá kêu gào, đem cả tên húy của vua cha ra chửi thì Long Ðĩnh lại thích thú vì vua Lê Ðại Hành đã không cho Long Ðĩnh nối ngôi trước đây. Có lần Long Ðĩnh nhốt phạm nhân vào một cái quầy rồi chất củi đốt. Lại nghe sông Ninh Giang có nhiều rắn, Long Ðĩnh bắt trói người vào cạnh thuyền, bơi qua bơi lại để rắn cắn chết. Một trò chơi độc ác nữa của Long Ðĩnh là cho róc mía trên đầu nhà sư Quách Ngang, người róc mía, thỉnh thoảng phải giả lỡ tay sao cho dao bập vào đầu sư cho chảy máu. Trong những buổi chầu, Long Ðĩnh thường nằm(Ngọa Triều) vì bị bệnh trĩ nặng và bệnh hoa liễu. Tệ hại hơn, hễ các quan có điều gì nói thì tên phường chèo Lương Như Tâm đứng bên lại pha trò hay nhại lại để làm trò cười ...
Sự độc ác cùng tư cách của Long Ðĩnh như vậy làm cả đình thần và dân chúng đều chán ngán và oán hờn tột độ, nên bất chấp mọi nguy hiểm, quân sư Vạn Hạnh đã vận động dư luận quần chúng và các quan trong triều để chờ cơ hội đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua một cách êm thấm thì đúng lúc và cũng là cơ may của dân tộc, Ngọa Triều chết đột ngột năm 24 tuổi. Khi Ngọa Triều chết con thì còn bé không thể quyết đoán được việc nước. Ðình thần bèn tôn Lý Công Uẩn lên làm vua và nhà Lý khai sáng sự nghiệp từ đây.
Là một người thầy của Lý Công Uẩn. Quốc Sư Vạn Hạnh có một tầm nhìn xa cho sự nghiệp lâu dài của nhà Lý và tương lai của đất nước, nên đã khuyên nhà vua đang đóng đô ở Hoa Lư, dời đô lên Thăng Long.
Trung tâm cố đô Hoa Lư thuộc khu vực đền Ðinh và đền Lê thờ Ðinh Tiên Hoàng và Lê Ðại Hành, bây giờ là xã trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Thời nhà Tần ở Trung Quốc(221-206 trước CN) thì vùng Hoa Lư là Tượng Quận, đời Ngô-Tấn(265-279) miền đất này có tên là Châu Giao, tương đương với thời Lương(520-557) có tên là Châu Ðại Hoàng, đến đầu nhà Tống(960-1010) mới đổi là Hoa Lư. Trong cuốn Việt Sử Học, Phan Huy Chú(1782-1840) cũng ghi:
- Năm đầu hiệu Khai Bảo đời Triệu Tống(968) Ðinh Bộ Lĩnh xưng là Hoàng đế ở động Hoa Lư ...
Mùa Thu năm 1010, Lý Thái Tổ dời ra Thăng Long, đổi Hoa Lư thành phủ Trường Yên.
Ðinh Tiên Hoàng chọn Hoa Lư là vùng núi non kỳ tú nhưng hiểm trở để làm thủ đô. Tại đây Ông cho xây cung điện, đặt triều nghi, đắp lũy, đào hào, dựa vào thế núi, làm thành một công trình phòng ngự kiên cố như một pháo đài biệt lập với bên ngoài. Phía Tây kinh đô là dãy núi đá vôi hình vòng cung chạy từ Bắc xuống Nam. Phía Ðông có núi Cột Cờ. Núi cao hơn 200 thước, như một cột cờ thiên nhiên khổng lồ. Phía Ðông Nam có Gềnh Tháp là một mỏm núi thấp, nhô ra sát ngòi Sào Khê. Mỏm núi này tương truyền là nơi vua Ðinh, vua Lê thường dùng để duyệt thủy quân. Ngòi Sào Khê chạy từ Ðông Nam xã Trường Yên, bọc xuống phía Nam rồi xuyên qua núi thành Hang Luồn( còn gọi là Xuyên Thủy động) qua làng Văn Lâm. Phía Bắc Hoa Lư có sông Hoàng Long, chảy ra sông Ðáy để từ đó nhập vào hệ thống Nhị Hà, có thể ngược lên miền núi hoặc xuôi ra biển. Chính bằng đường thủy nầy từ đất Tàu vào sông Bạch Ðằng, qua sông Luộc, sông Ðào ở Phủ Lý, theo sông Ðáy mà các sứ giả đời Tống đã tới Hoa Lư để yết kiến vua Lê Ðại Hành năm 990.
Hoa Lư quả thật là một quân thành vững chắc được bao bọc bởi núi và sông. Ðể tiện cho việc giao dịch với bên ngoài, vua Ðinh cho bắc hai chiếc cầu ở phía Ðông và phía Tây kinh đô là cầu Ðông và cầu Rền. Ngày nay hai cây cầu lịch sử đó vẫn còn. Cầu bằng đá chỉ dài chừng 30 thước, nhưng bấy giờ là một kỳ công của nhà Ðinh:
            - Trên trời thì có cầu vồng
Dưới đất thì có cầu Ðông, cầu Rền
                        (Ca dao )
Từ Hoa Lư đi đường bộ về phía Ðông khoảng nửa cây số là thôn Áng Ngũ, nơi mà các quan trong nước về đây trước khi vào kinh chầu vua, dừng lại để sửa sang triều y. Ra khỏi Áng Ngũ một cây số là Quèn Ổi, là một trạm gác lớn, cửa ngỏ vào kinh đô. Tiếp tục theo hướng Ðông khoảng nữa dặm, phía tay trái là Ðộng Thiên Tôn, động này rất đẹp và là tiền đồn của Hoa Lư, động nằm trong núi Dũng Dương(Dũng Dương Sơn), thờ thần Trấn Vũ. Khi Ðinh Bộ Lĩnh đem quân đi dẹp các sứ quân, có mang lễ vật tới đây để cầu xin, mong Thần phù hộ. Sau khi thu phục được đất nước, lên ngôi Hoàng Ðế Ðinh Tiên Hoàng cho tu sửa đền và động; rồi sắc phong cho ngài Trấn Vũ là: An Quốc Tôn Thần(Vị Thần gìn giữ cho đất nước được bình an).
Tuy Hoa Lư ở vào một vị trí hiểm trở, nhưng bên ngoài kinh đô chừng mười cây số, từ hướng Ðông Bắc theo hình giải quạt xuống Ðông Nam là những cánh đồng phì nhiêu của huyện Gia Khánh, Gia Viễn, có những thôn làng trù mật như: Ða giá, Lực giá, Ðại nhân, Cam giá, Phúc Am vv... . Ðó là những vựa lúa để nuôi quân.
Thị xã Ninh Bình ngày nay ở phía Ðông Nam Hoa Lư có nhiều danh lam thắng cảnh: Ðộng Tiên thờ Phật. Vùng Tam Cốc, Bích Ðộng, được mệnh danh là Vịnh Hạ Long trên cạn. Núi Ngọc Mỹ Nhân(núi Cánh Diều). Núi Dục Thúy(núi Non Nước). Ðặc biệt núi Dục Thúy có nhiều di tích lịch sử. Có nhiều bài thơ khắc vào đá. Theo tư liệu của lịch sử cho biết thì núi này có 42 bản văn bia qua các đời bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ  Quốc Ngữ. Người ta còn đọc được Thánh chỉ của Thượng Hoàng Trần Minh Tôn vào niên hiệu Thiệu Phong, Kỷ Sửu(1349) và mấy bài thơ của vua Lê Thánh Tôn, vua Tự Ðức... Ngoài ra còn có hàng trăm bài thơ khác trên núi của các thi nhân nổi tiếng như: Nguyễn Trãi, Lê Qúi Ðôn, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tản Ðà ...
Bài Dục Thúy Sơn của Nguyễn Trãi có câu:
- Liên hoa phù thủy thượng
Tiên cảnh trụy trần ai.
Nghĩa là:
            - Cảnh tiên nơi cõi tục
Mặt nước nổi hoa sen.
Cũng ở núi Dục Thúy, cách nay hơn hai thế kỷ, khi vua Quang Trung ra Bắc lần thứ hai(1788) đã đặt tổng hành dinh ở đây để khích lệ ba quân.
Hoa Lư, đến đời Lê Ðại Hành lại được xây thêm nhiều cung điện lộng lẫy góp phần cho kinh đô ngày càng thêm hoàn chỉnh, trong đó có những cung điện xây cột dát vàng, mái lợp bằng ngói bạc. Sử gia Ngô Sĩ Liên trong bộ Ðại Việt Sử Ký toàn thư có ghi:
- Năm Giáp Thân thứ năm (984), Lê Ðại Hành lập nhiều cung điện, làm điện Bách Bảo Thiên ở núi Ðại Vân, cột điện dát vàng, bạc làm nơi chầu; bên Ðông là điện Phong Lưu, bên Tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Ðại Vân rồi lại dựng điện Trường Xuân làm nơi Vua ngự, bên cạnh điện Trường Xuân dựng điện Long Lộc lợp bằng ngói bạc.
Ðời Lê Ðại Hành lại có thêm một kiến trúc lịch sử nữa là lăng mộ của vua Ðinh Tiên Hoàng. Khi nhà vua bị Ðỗ Thích giết (979), thì vua Lê Ðại Hành và quần thần đem long thể Ngài an táng ở Mã Yên Sơn (núi Mã Yên nằm đối diện với núi Ðại Vân, là núi Phi Vân bây giờ ). Lăng mộ của vua Ðinh bây giờ là một thắng cảnh. Hàng năm có hàng vạn du khách tới thăm. Lăng ở trên đỉnh núi, rộng bằng một gian nhà, được xây bằng đá.. Ðầu lăng có đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. Muốn lên núi thăm làng phải leo lên 265 bậc đá. Ðứng trên tầm cao của núi Mã Yên ta sẽ quan sát được cả một vùng non nước rộng lớn và hùng vĩ, nhìn về hướng nào cũng sẽ thấy một bức tranh sinh động toàn bích hiện ra. Hai khu đền Ðinh, Lê ở phía dưới có thể thu gọn vào ống kính mà trong đó vẫn hiện ra từng mái cong, cột trụ, sân gạch, lối đi, cổng tam quan cổ kính xen lẫn bên những lùm cây xanh biếc. Những đền nầy được xây dựng ngay khi nhà Lý rời đô ra Thăng Long. Trải qua năm tháng, hai đền cũ không còn. Ðến đầu thế kỷ XV11 Phong quận Công Bùi Thời Trung(1600) đã xây lại hai ngôi đền ngay trên nền hai cung điện xưa nhưng mặt tiền của hai đền đều quay về hướng Ðông (lúc đầu quay về hướng Bắc)
Như vậy cố đô Hoa Lư là nơi có qui mô, đẹp đẽ, uy nghi, lộng lẫy, được lồng với quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nhưng đất Hoa Lư mà hai triều Ðinh, tiền Lê ở thế không ổn định. Loạn không phải từ ngoài đánh vào mà từ trong dòng họ thống trị, từ nội bộ triều đình mà ra. Cảnh vua tôi, cha con, anh em, dòng họ luôn nghi kỵ nhau, giành giật ngôi báu của nhau, ám hại nhau liên tục xảy ra. Ðinh Liễn giết em là Hạng Lang lúc Ðinh Tiên Hoàng còn sống, rồi Ðỗ Thích là bề tôi trong cung, giết cả Ðinh Tiên Hoàng và Ðinh Liễn. Nhân khi con Ðinh Tiên Hoàng còn nhỏ và quân nhà Tống đang tiến tới Lạng Sơn. Triều đình vội vàng tôn Thập Ðạo Tướng quân Lê Hoàn lên làm vua. Lê Hoàn trị vì được 24 năm thì mất. Các con của Ông đánh lẫn nhau để tranh ngai vàng: Long Ðĩnh giết em là Long Việt mới làm vua được ba ngày để tự mình lên ngôi. Chỉ 42 năm trị vì mà có tới 5 đời vua của 2 triều đại(nhà Ðinh có 2 đời vua được 13 năm, nhà tiền Lê có 3 đời, được 29 năm). Cảnh tượng đó khiến cả Quốc Sư và Lý Thái Tổ đều có tâm trạng hoang mang, phải đối phó. Quốc Sư thuyết phục vua dời đô từ Hoa Lư lên Thăng Long càng sớm càng tốt. Chính Lý Thái Tổ cũng nhận thấy việc chọn đế đô của hai triều Ðinh và Tiền Lê là có tính chất phòng ngự, cố thủ, thiển cận. Ông đã phán trong Chiếu dời đô:
- Hai triều Ðinh Lê vẫn theo ý riêng mình... cứ đóng yên đô thành ở đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số phận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau lòng về việc đó! Không thể không dời đô.
Lý Thái Tổ chọn đất Thăng Long để tính kế muôn đời cho con cháu, nơi trung tâm của đất nước lúc bấy giờ, nơi có thế đất bằng phẳng, không bị thiên tai đe doạ, nơi có sản vật phong phú, nơi có thể tụ hội bốn phương đất nước...
Tháng 7 năm Thuận Thiên nguyên niên(1010). Lý Thái Tổ và triều đình quyết định dời đô, Quốc Sư là người trông nom việc xây cất Thăng Long Thành: Ngài cho đào những hồ rộng, những con kinh lớn, xây những đê điều vĩ đại và dựng nên thủ đô của nước Ðại Việt độc lập, nhân bản, hưng thịnh và vinh quang. Thăng Long có 5 cửa ô với 5 đường phân giác là những con đường chính chạy thẳng đến trung tâm thủ đô, nơi có hồ Từ Bi bây giờ là Hồ Hoàn Kiếm. Giữa hồ Từ Bi có tháp Phật Tích, ngày nay là Tháp Rùa. Chung quanh hồ, nào là cung điện vua, nào là tháp Bảo Thiên, chùa Thiên Phúc, điện Thiên Trường.. v..v.. Nhìn vào thế địa lý của thành Thăng Long, chúng ta không khỏi thán phục Quốc Sư Vạn Hạnh:
- Cái đường vòng chạy chung quanh nội thành biểu tượng cho thái cực(thái cực là nguyên lý cùng tột của tạo hoá sanh âm dương)
- Hai nhánh sông Tô Lịch bên hữu có hồ Lăng Bạc là Úng thủy. Bên tả thông ra sông Nhị Hà là Lưu Thủy. Ðó là biểu tượng cho lưỡng nghi(trời đất).
- Cung điện vua ở giữa có bốn mặt đều nhau là Tứ Tượng(thái dương, thiếu dương, thái âm, thiếu âm).
- Thêm bốn kiến trúc, 4 cổng là bát quái(tám quẻ).
Tất cả các đường ấy đều bắt đầu từ vòng thái cực mà đi chi chít không biết bao nhiêu, ấy là biến hoá vô cùng vậy.
Trong nội thành cung điện cũng sắp đặt theo 8 hướng để ứng với tám quẻ(bát quái) là:
- Càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài.
Mỗi hướng có một ý nghĩa và mỗi hướng có một sự xây dựng theo ý nghiã đó.
Trong gần 1000 năm lịch sử. Thăng Long đã thay đổi nhiều tên gọi:
- Tên đổi từ Ðại La ra Thăng Long (Triều Lý).
- Từ Thăng Long ra Ðông Ðô(Triều Trần),
- Từ Ðông Ðô ra Ðông Quan (Nhà Minh),
- Từ Ðông Quan ra Ðông Kinh (Triều Lê),
- Từ Ðông Kinh ra Bắc Thành(Tây Sơn),
- Từ Bắc Thành ra Hà Nội(Triều Nguyễn).
Thời nhà Tùy, nhà Ðường cai trị nước ta thì thành Ðại La có tên là Tống Bình và Long Ðỗ. Thăng Long đúng là quí địa, cái thế rồng cuộn, hổ nằm.
 Có những người vì hoàn cảnh đất nước phải xa Thăng Long, nhưng vẫn nhớ nơi đây. Nguyễn Du rời Thăng Long lúc còn trẻ, hồi vua Quang Trung đánh tan quân Thanh năm 1789. Hai mươi năm sau trở lại Thăng Long Ông xúc động thốt lên:
- Bạc đầu còn được thấy Thăng Long
(Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long)
Ðất Thăng Long quả thật là chốn ngàn năm văn vật, nhưng có thể nói, có kinh đô Hoa Lư thì mới có kinh đô Thăng Long sau đó. Hoa Lư là hình thành bước đầu phát triển một nền văn minh Hoa Lư:
- Chẳng thơm cũng thể hoa nhà
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
                        (Ca dao)
Một nền tiền văn hóa Hoa Lư có thể coi là thời tiền văn hóa Thăng Long rực rỡ về sau.
Thiền Sư Vạn Hạnh là người đã góp công xây dựng hai triều đại Ðinh, Lê ở Hoa Lư, Triều Lý ở Thăng Long và Thiền sư cũng là người nối truyền tâm ấn thế hệ thứ 12 dòng Thiền Nam Phương(dòng thiền Tỳ Ni Ða Lưu Chi). Như vậy Ngài vẫn phục vụ cho đời, mà không quên đạo để giải thoát tâm linh. Ðiều kỳ diệu là sau khi đã hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp lớn lao vô song này và giữa lúc đại thịnh của dân tộc Việt và Ðạo Phật Việt, Thiền Sư Vạn Hạnh đã ra đi. Ngài đã để lại cho đời bốn câu thơ siêu thoát và bay mất hút trong cõi vô cùng của lịch sử:
            - Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
            Vạn mộc xuân tươi thu hựu khô
            Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,
            Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
            Dịch nghĩa:
            - Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Thịnh suy, ngọn cỏ giọt sương hồng.
           
         Sách Tham Khảo:
         - Việt Nam Sử Lược
         - Việt Nam Phật Giáo Sử Luận
         - Việt Sử Toàn Thư
         - Hai Ngàn Năm Việt Nam & Tôn Giáo
         - Cương Lĩnh Nhập Thế Của Phật Giáo Việt Nam
         - Danh Thắng Ninh Bình.
-- o0o --