Phật Giáo Sứ Giả Của Hoà Bình
Trí Hiền
--o0o--
           
Gần 3000 năm trước, dân tộc Ấn Ðộ đã ân hửơng sự xuất hiện của Ðấng Ðại Từ Bi, mà công hạnh độ sanh và những lời dạy bảo của Ngài đã vượt mọi biên giới ngăn cách về lãnh thổ cũng như về tâm tưởng loài người. Ðức Phật đã xuất hiện, lúc xã hội Ấn Ðộ đầy dẫy những xáo trộn bất công và đau khổ. Ðời sống hoang mang và cơ cực của dân chúng, sự hà hiếp bốc lột về mọi mặt từ tinh thần đến vật chất, bởi việc phân định giai cấp, do một số người tự nhận có đặc quyền thiêng liêng thiết đặt luật lệ, cưỡng bắt kẻ khác phải tuân theo, đã gây ra vô số than oán. Trong khung cảnh tư tưởng điên đảo của xã hội bấy giờ, Ðức Phật đã không ngần ngại thuyết giảng chân lý trung đạo, giải thoát mọi giá trị biên kiến, chỉ rõ mọi sự phân loại, căn cứ vào hình thức bên ngoài đều là giả tạm, gạt người và dối mình trong khi ngay từ bản chất, chẳng có gì khác biệt giữa con người với con người, Phật tánh bình đẳng sẵn có của mọi chúng sanh. Ðức Phật từng dạy rõ:
- Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.
Và chính lời dạy đặc biệt này đã làm nền tảng cho mỗi nổ lực vươn lên của con người trong mọi giai tầng xã hội, để gần gũi nhau hơn, thương yêu nhau hơn và từ đó cùng nhau kiến tạo hoà bình vĩnh cữu và hạnh phúc chân chính.
Suốt gần 50 năm du hoá độ sanh, giáo Pháp mà Ngài đã tuyên thuyết chỉ nhằm mục đích duy nhất là con người giải thoát mọi khổ đau trong chính cuộc đời nầy. Toàn bộ giáo Pháp đó được y cứ trên nền tảng Bi, Trí, Dũng. Từ bi san bằng những đối nghịch, trí tuệ chặn chân những đam mê mù quáng để thắng vượt những lầm lỗi của tự thân, dũng lực chiến thắng mọi trở lực nội tâm cùng ngoại cảnh. Sự chiến thắng không phải nhắm đến những mục tiêu thâu đạt quyền hành hay địa vị. Hạnh phúc và hoà bình chỉ có giá trị khi được thực hiện trọn vẹn trong tinh thần tôn trọng sự sống và phẩm giá của con người. Chính giá trị con người và sự sống mới là tối thượng, gạt bỏ giá trị đó mọi học thuyết chủ nghĩa và hành động chỉ còn là một hệ thống tư tưởng xây dựng bằng ngụy ngữ hay bằng thái độ ngụy tín, thường mang lại những tương tranh thù nghịch. Tinh thần hiếu hoà bởi ý thức tôn trọng sự sống của A Dục Vương đại đế xứ Ấn Ðộ sau khi quy y Phật giáo, thường được nhắc nhở như một tấm gương sáng cho mọi người là như vậy. Vị vua bách chiến bách thắng này chỉ có mối bận tâm duy nhất vào cuối đời mình là mong mỏi:
- Con cháu ta đừng bao giờ nghĩ đến một cuộc chinh phạt nào khác nữa. Hãy nghĩ đến cuộc chinh phục duy nhất, đó là chinh phục bằng đạo đức.
Phương châm bất hại trong giáo lý Phật Ðà đã được thực hiện gần như suốt cuộc đời của A Dục Vương và hầu hết vương triều xứ Ấn độ phụng trì Phật Pháp. Chính trong tinh thần đó mà giáo Pháp đã được tuyên dương rộng rãi khắp nơi. Sự du nhập của Phật Giáo đến với các dân tộc đã được thể hiện như các công cuộc truyền bá văn hoá với những phương thức tốt đẹp nhất. Trong lịch sử truyền giáo nhân loại đã đến với Phật Giáo trong cung cách của những tâm hồn tự do khao khát tìm cầu giải thoát, và sự du nhập đó vào mỗi địa phương chỉ dựa trên tinh thần hợp tác trong nỗ lực xây dựng và phát triển sự hiểu biết giữa quần chúng. Giáo lý Phật Ðà không mang theo một ý nghĩa chinh phục hay nhằm vào một mục tiêu quyền lợi nào cả.
Ở Việt Nam vào thời Ðinh, Lê, Lý, Trần, lúc chánh Pháp được hộ trì, và ngay cả gần đây trong cơn thăng trầm của vận nước, Phật Giáo đã luôn luôn đóng góp với tất cả khả năng sẵn có của mình cho sự thịnh vượng và an bình của xứ sở. Phật Giáo chẳng những là nơi quy tụ tinh thần quần chúng trong những lúc loạn lạc, tai ương, ngay trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ mọi mặt lúc bấy giờ của một quốc gia vừa mới vãn hồi độc lập, hầu hết Tự Viện vào những triều đại đó cùng đồng nghĩa với những trung tâm sản xuất nhân tài, cung ứng, đã trở thành một minh quân với sự dẫn dắt của Thiền Sư Vạn Hạnh.
Suốt dòng lịch sử Phật Giáo Việt Nam, công cuộc phụng sự đạo Pháp và dân tộc đã được phát triển không ngừng trong tâm tưởng hoạt động vô cầu của các tu sĩ, và cũng chính bởi tinh thần hoạt động vô cầu ấy mà các Ngài đã mang đạo vào đời làm sáng đẹp cho cuộc đời, nhưng không bị danh lợi của cuộc đời làm ô nhiễm. Với sự phát triển văn minh của nhân loại đòi hỏi mỗi người chúng ta phải luôn luôn ý thức từ trong ý nghĩ và hành động hằng ngày của chính mình, dứt trừ nguyên nhân gây nên đấu tranh, thù hận, đó là lòng tham dục, quyết tâm thực hành lời dạy cao cả của Ðức Phật trong đời sống cá nhân và xã hội. Ðược như thế chính là chúng ta đã góp phần xây dựng một nền hoà bình an vui và hạnh phúc trên thế gian này.
-- o0o --