Ý Nghĩa Kiết Hạ An Cư
Nhất Quán
--o0o--
 
Thông thường khi nói đến kiết hạ an cư, là chúng ta còn phải hiểu thêm là sự kiện kiết hạ an cư không thể tách rời với Lễ Tự Tứ và Vu Lan Thắng Hội, bởi vì mặt dầu ba từ ngữ nầy mới nghe qua dường như ba ngày lễ khác nhau, nhưng thực chất là một, có điều sự kiện diễn tiến trước sau mà thôi, vì vậy muốn rõ ràng chúng ta lần lượt tham khảo ý nghĩa của các ngày lễ, và trước hết là:
1- Ý Nghĩa Kiết Hạ An Cư
Nói về Mùa Kiết Hạ An Cư là nói đến thời gian tu tập trưởng dưỡng đạo tâm của chư tăng sau một năm dài chuyên lo hoằng pháp lợi sanh. Như vậy mùa an cư là mùa chư Tăng an định ở một nơi để chuyên tâm vào việc tu học, nhất là việc giữ gìn giới luật cho chu đáo trong phạm vi đã qui định.
Mùa an cư mỗi năm có 3 tháng, tính từ rằm tháng tư âm lịch cho đến rằm tháng bảy. Trong khoảng thời gian đó, chư tăng tập hợp lại để thực hành pháp Yết-Ma Kiết Giới, tức là qui định ranh giới cho việc cư trú trong suốt mùa an cư. Lấy ngôi chùa làm trung tâm và đánh dấu các góc Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc để giới hạn sự đi lại của chư Tăng trong bốn nơi đã làm phép kiết giới đó. Khi Yết-Ma kiết giới đã được thực hiện, không một vị Tăng nào có quyền đi ra khỏi ranh giới ấy nữa. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, vị Tăng có thể chỉ được phép ra khỏi phạm vi đã ấn định, nếu có làm phép Yết-Ma giải giới trong vòng 24 tiếng đồng hồ hay 48 tiếng, hay nhiều hơn nữa, tùy theo công việc giải quyết mau hoặc chậm của vị ấy.
Trong thời gian lưu trú tại nơi cư trú đã được quy định, chư tăng tinh cần tu tập tùy theo chương trình ban giáo thọ sắp xếp, tuy nhiên dầu sao đi nữa cũng không ngoài các đề mục:
1- Học hỏi kinh, luật
2- Tụng kinh, bái sám
3- Thực hành thiền định.....
Đến hết mùa Kiết Hạ An Cư, chư Tăng một lần nữa thực hiện phép Yết-Ma giải giới và làm lễ đối đầu tỏ bày lỗi lầm của nhau trong thời gian ba tháng vừa qua. lễ nầy gọi là Lễ Tự Tứ, chúng tôi sẽ tuần tự trình bày ở phần sau.
Lý do chư Tăng phải làm lễ tổ chức Kiết Hạ An Cư là vì tôn trọng sự sống của các loài sinh vật chuyên sống những nơi ẩm thấp. Quả thật như vậy, điều nầy rất khá rõ ràng, như chúng ta đã biết, khi Đức Phật còn tại thế, Ngài cùng với các thầy Tỳ Kheo đi khất thực và bố giáo trong khắp xứ Ấn Độ cũng như các vùng phụ cận, nhưng vào giữa tháng tư cho tới giữa tháng bảy là mùa mưa, đồng thời cũng là mùa sanh nở của các loài côn trùng, hay những sinh loại sống ở những nơi ẩm thấp. Để tránh sự dẫm đạp, và có thể làm tổn hại hoặc mất mạng của những sinh vật nhỏ ấy, vì lòng từ bi, Đức Phật chế ra phép Kiết Hạ An Cư để sách tấn chư Tăng cùng nhau tu học các pháp lành, đồng thời hồi hướng các công đức lành ấy về cho khắp pháp giới chúng sanh cùng được lợi nhuần ơn đức.
Như vậy ý nghĩa và mục đích chính của Kiết Hạ An Cư là vì tôn trọng sự sống của các loài sinh vật chuyên sống những nơi ẩm thấp, và cũng là phương pháp tu kiến hiệu nhất. Theo quan niệm ngày xưa, một thầy Tỳ Kheo đã thọ 250 giới, nếu chưa theo học các khóa tu tập ngắn hạn nầy trong mỗi năm thì chưa đủ tư cách của người xuất gia.
2- Lễ Tự Tứ
Như có lần chúng tôi đã nói, sau ba tháng Kiết Hạ An Cư, tính từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy của chư Tăng đã mãn, có một lễ đặc biệt cho chư tăng ni nhập hạ, Phật Tử không được tham dự đó là lễ Tự Tứ, tức lễ nhận tội và chỉ lỗi cho nhau.
Theo lối chiết tự, Tự có nghĩa là tự mình. Tứ là cho phép, là mặc nhiên. Như vậy Tự Tứ có nghĩa là chính mình mặc nhiên nói lên trước chư Tăng những lỗi lầm của mình trong năm qua, và yêu cầu chư tăng nếu thấy mình có lỗi lầm gì thì cứ nói ra để chỉ dạy, người đó sẽ hoan hỷ nhận lỗi của mình và ăn năn hứa xin sửa đổi. Đó gọi là phát lồ sám hối.
Sự kiện nhận tội, chỉ lỗi cho nhau trong tinh thần Tự Tứ có hai trường hợp để thực hiện:
a- Sự Hiện Diện Của Chư Hòa Thượng
Trong trường hợp nơi trú xứ đó có Chư Tôn Hòa Thượng chứng minh, thì việc Tự Tứ chỉ cần đối diện với hoà thượng chứng minh để làm pháp Tự Tứ. Nghĩa là sau khi làm lễ Tác Pháp Yết Ma, chư đại đức tăng từng ba vị một, lần lượt đối trước hòa thượng xin Tự Tứ.   
b- Không Có Sự Hiện Diện Của Chư Hòa Thượng
Trường hợp nơi trú xứ đó không có chư tôn hòa thượng, thì hai vị Tăng đối diện với nhau một cách chân thành để xin Tự Tứ.
Nguyên tắc của lễ Tự Tứ trong trường hợp không có Chư Tôn Hòa Thượng chứng minh là thỉnh cầu một vị Tăng khác chỉ cho mình biết những khuyết điểm đã lỡ trái phạm, nhất là trong việc giữ gìn giới luật suốt trong thời gian ba tháng kiết hạ, để mình biết lỗi mà sám hối. Trong lễ Tự-tứ, chư Tăng theo như pháp Yết-Ma, đề cử ra 2 vị gọi là nhận lãnh Tự Tứ. Hai vị nầy ra trước chánh điện và chư Tăng để lạy nhau rồi quỳ xuống đối diện nhau, một vị làm phép Tự Tứ trước bằng cách nói với người kia:
- Bạch Đại-Đức, hôm nay là ngày chư Tăng Tự Tứ, tôi là Tỳ Kheo ... cũng xin Tự Tứ với Đại-Đức, nếu Đại-Đức thấy hoặc nghe hay nghi tôi có những khuyết điểm lỗi lầm nào về giới luật thì xin thương xót chỉ bảo cho tôi. Nếu tôi nhận được lỗi lầm, tôi sẽ theo đúng như pháp mà sám hối, vị ấy đọc ba lần.
Nếu thấy vị kia không có khuyết điểm nào, vị Tăng đóng vai Tự tứ đối diện đáp:
- Rất tốt (thiện).
Vị Tăng tự tứ liền đáp:
- Cám ơn Đại Đức(nhĩ).
Và lạy xuống một lạy.
Lạy xong thì quỳ lên để đóng vai nhận lãnh Tự Tứ cho vị kia làm lễ Tự Tứ. Khi hai người đã Tự Tứ xong, đại chúng chia ra làm hai toán. Mỗi vị nhận lãnh Tự Tứ đi về phía một toán, các vị Tăng trong toán bắt đầu thay phiên nhau tới quỳ trước vị nhận lãnh Tự Tứ. Vị nầy thấy vị kia tới quỳ trước mình cũng tự quỳ xuống để Tự Tứ. Tất cả chư Tăng trong chánh điện đều làm y như vậy cho đến khi mọi người trong đại chúng đều Tự Tứ xong.
Phép Tự Tứ để chư Tăng chỉ lỗi cho nhau thấy, và tự nhận lỗi lầm để sửa đổi hầu tấn tu đạo hạnh là một hình thức rất công bằng và dân chủ. Chư Tăng đã cùng nhau tu học trong cùng một hoàn cảnh và cùng thọ nhận pháp kính nhường trong tinh thần hòa hợp.
Lễ Tự Tứ được tổ chức sau 3 tháng tu tập, cũng có nghĩa là mỗi người đã để tâm thanh tịnh và muốn tu sửa những hành vi không lương thiện dù là lớn hay nhỏ, do chính mình không tự hay biết nên cần người khác chỉ lỗi để chúng ta y theo đó mà tu niệm.Để hiểu rộng thêm truyền thống và xuất xứ của Lễ Tự Tứ, chúng tôi xin được trích dẫn một đoạn kinh văn trong Tạp A Hàm, đại tập 2, trang 457A-457C.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Thế Tôn du hóa tại vườn trúc Ca Lan Đà, thuộc thành Vương Xá, đang mùa an cư kiết hạ, cùng với đại chúng Tỳ Kheo gồm 500 vị, đều là bậc A La Hán, đã dứt sạch các lậu, mọi việc làm đã hoàn tất, bỏ hẳn gánh nặng, không còn nghiệp trói buộc, chánh trí, tâm đạt giải thoát, chỉ trừ một vị được Đức Như Lai thọ ký trong đời hiện tại sẽ dứt hết mọi lậu.
Bấy giờ là ngày Rằm tháng Bảy, đến lúc tự tứ, Đức Thế Tôn trải tòa ngồi trước chúng Tăng, bảo các Tỳ kheo:
- Các thầy nên biết! Như Lai là bậc phạm hạnh, đối với con đường giải thoát, thọ thân này là thân sau cùng, là bậc lương y vô thượng nhổ mũi tên độc. Các thầy đều là con của Như Lai vì đều từ tâm, từ miệng của Như Lai sinh ra, là con của giáo pháp Như Lai, vì từ pháp hóa sinh. Hôm nay Như Lai muốn Tự Tứ, vậy nơi thân, miệng, ý của Như Lai có lỗi lầm gì chăng?
Tôn giả Xá Lợi Phất đang ngồi giữa đại chúng bèn đứng dậy, sửa lại y phục, chắp tay hướng về Phật, thưa:
- Kính thưa Đức Thế Tôn! Như Phật vừa nói, Như Lai là bậc phạm hạnh... Chúng con chẳng thấy nơi thân, miệng của Đức Thế Tôn có chút lỗi lầm nào cả. Bởi vì Thế Tôn đối với người chưa được điều phục khiến trở thành thuận hợp, người chưa tịch tĩnh được tịch tĩnh, làm cho người khổ não được an ổn, người chưa giải thoát khiến đạt giải thoát. Đức Thế Tôn là bậc hiểu rõ về đạo, là bậc chỉ bày về đạo, là bậc giảng nói về đạo, là bậc dẫn dắt theo đạo. Các đệ tử nối tiếp bất tuyệt giáo pháp của Thế Tôn. Thứ lớp tu học, thuận theo chánh pháp, luôn dạy bảo nhau, thân ái giúp đỡ nhau trong pháp thiện. Chúng con không thấy nơi thân, miệng, ý của Đức Thế Tôn có chút lỗi lầm nào.
Tôn giả Xá Lợi Phất nói tiếp:
- Thế Tôn! Hôm nay Tự Tứ, xin Thế Tôn từ bi chỉ dạy về thân, miệng, ý của con có những lỗi lầm, khuyết điểm gì.
Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất:
- Như Lai không thấy thầy có chút lỗi lầm nào cả. Bởi vì Tôn Giả là người luôn giữ vững giới thanh tịnh, là hàng đa văn, ít ham muốn, biết đủ, xa lìa chốn ồn ào, ưa thích nơi vắng lặng, có đầy đủ tinh tấn, tâm định, là hàng trí tuệ, nhanh nhạy, mẫn tiệp, uyển chuyển, đặc biệt, thuộc chủng trí lớn, chỉ trừ Như Lai, còn trí tuệ của những vị khác không ai bằng thầy. Vì thầy đã thành tựu thật trí sâu rộng, luôn hoan hỷ chỉ dạy đem lại lợi ích cho người học, tâm không ganh ghét, thấy người có khả năng thì luôn hết lòng chỉ dạy, vui vẻ, tùy hỷ tán thán, nếu vì bốn chúng mà giảng nói pháp thì không hề chán mệt. Thế nên nay thầy không có chút lỗi lầm nào nơi thân, miệng, ý.
Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Phật:
- Thế Tôn! Năm trăm vị Tỳ kheo ở đây, Thế Tôn có thấy những lỗi lầm nào nơi thân, miệng, ý của chư vị không?
Phật nói:
- Như Lai không thấy nơi thân miệng ý của năm trăm Tỳ kheo ở đây có chút lỗi lầm nào cả. Bởi vì năm trăm Tỳ kheo này đều là A La Hán, các lậu đã dứt, mọi tạo tác đã hoàn thành, gánh nặng đã được bỏ xuống, đạt được lợi mình, không còn bị trói buộc, chánh trí, tâm đạt giải thoát. Vì ý nghĩa ấy, Như Lai chẳng thấy họ có chút lỗi lầm nào nơi thân, miệng, ý.
Tôn giả Xá Lợi Phất lại thưa:
- Thế Tôn! Thế Tôn không chê trách năm trăm Tỳ kheo ở đây có khuyết điểm nhỏ nào, cũng không thấy họ có chút lỗi lầm gì về thân, miệng, ý. Thưa Thế Tôn! Năm trăm Tỳ kheo này có bao nhiêu vị đầy đủ ba minh, bao nhiêu vị chứng đắc câu phần giải thoát, đắc huệ giải thoát!
Phật dạy :
- Trong chúng Tỳ kheo này có 90 vị đầy đủ 3 minh, 180 vị chứng đắc câu phần giải thoát, số còn lại đều chứng đắc huệ giải thoát.
Tôn giả Xá Lợi Phất thưa:
- Năm trăm vị Tỳ kheo này đã xa lìa mọi phiền não cấu uế, không có phần hư mục, đều là phần tinh túy.
Lúc này, Tôn Giả Bà Kỳ Xa hiện có mặt trong đại chúng, bèn suy nghĩ:
- Hôm nay Phật Tự Tứ, ta muốn nói kệ để tán thán việc này.
Tôn giả liền chắp tay hướng về chỗ Phật, thưa:
- Thưa Thế Tôn! Xin Thế Tôn cho phép con nói kệ.
Sau khi được Phật chấp thuận, Tôn giả Bà Kỳ Xà đọc kệ:
- Hôm nay là Rằm, ngày thanh tịnh
Năm trăm Tỳ Kheo cùng hội đủ
Thảy đều đoạn trừ mọi kiết sử
Là bậc đại tiên dứt hết nghiệp
Tâm thành gần gũi Đức Thế Tôn
Tất được giải thoát, không đời sau
Việc dứt sinh tử đã hoàn thành
Các lậu đã tận, bặt vọng động
Tham, kiết, kiêu mạn cũng thảy trừ
Nhổ tên độc ái, diệt nghiệp ái
Sư tử trong đời, lìa các thủ
Trói buộc, sợ hãi đều dứt, diệt
Như bậc chuyển luân đại thánh vương
Quần thần, tùy tùng vây chung quanh
Du hành khắp chốn, đến biển cả
Nơi chiến trận luôn được thắng lớn
Đệ tử của thương chủ vô thượng
Thảy đủ ba minh, vượt sinh tử
Thật đúng là con của Đức Phật
Hoàn toàn thanh tịnh, không cấu nhiễm
Kính lễ bậc thân thuộc mặt trời.
Như vậy nói về ý nghĩa của lễ Tự Tứ có hai sự sự kiện đáng được ghi nhận:
- Tự mình nhận thấy lỗi, rồi tự nói ra, và hứa sẽ hối cải. Đó là tinh thần tự giác.
- Nếu mình không tự thấy lỗi, nhưng nhờ người khác chỉ cho mới thấy, thấy rồi thì hoan hỷ nhận lỗi, xin không dám tái phạm. Đó là tinh thần diệt trừ ái, phá ngã chấp.
Tinh thần của người con Phật là tự giác, tự nhận lỗi lầm, nhưng nếu không nói ra thì sau nầy vẫn có thể tái phạm. Nay đã nói ra cho chư tăng thấy thì về sau không dám gây tội nữa. Mình đã nói ra, đã xin chừa lỗi đó trước mặt các bạn đồng tu, mà lại còn phạm lỗi lần nữa thật quá xâu hổ. Đó là điểm tốt của phát lồ sám hối.
Tuy nhiên có những lỗi lầm mà mình tự không thấy, nay nhân lễ Tự Tứ nhờ bạn đồng tu nói cho biết, đó chính là tinh thần giúp nhau, sửa chữa lỗi lầm, đồng tu đồng sửa, tự giác giác tha chứ không phải chỉ trích, bêu xấu nhau. Nghe biết lỗi lầm tỉnh thức, hoan hỷ cám ơn và hứa sẽ sửa đổi vì khi trước mê không biết phát lồ, nay đã giác thì không còn gây lỗi lầm nữa.
Thông thường ai cũng có tự ái, chỉ thấy lỗi người, không nhận lỗi mình, Đức Phật đặt ra Lễ Tự Tứ để diệt trừ ngã chấp. Nhờ tinh thần tự giác giác tha, nhờ phương pháp diệt trừ tự ái và phá chấp, nhờ Lễ Tự Tứ mà người tu hành sẽ vươn lên, tiến cao mãi chứ không chịu đứng yên một chỗ.
3- Rằm Tháng Bảy
Như chúng ta đã biết cứ mỗi kỳ nhập hạ là chư tăng ni được thêm một tuổi, gọi là tuổi hạ, do vậy mà mỗi khi gặp nhau, để tiện việc xưng hô và kính nhường nhau, quý Thầy nếu chưa biết nhau trước đây, các Thầy thường hỏi đã tu được bao nhiêu tuổi hạ, chứ không hỏi tuổi đời. Ai nhiều tuổi hạ thì ngồi trên, danh từ thượng tọa do đây mà có. Nếu vì một lẽ gì mà không nhập hạ thì các tăng ni không được thêm tuổi hạ, tuy tuổi đời theo thời gian tăng, do đó nhập hạ và cần thiết cho việc tu hành.
Như vậy ngày rằm tháng bảy âm lịch là ngày xuất hạ, việc cấm túc kiết hạ an cư của chư tăng đã hoàn mãn, là ngày chư Phật hoan hỷ thấy các tăng ni tu hành chân chính và sửa soạn lên đường hoằng pháp độ sanh. Các Phật Tử tại gia cũng hân hoan cúng dường chư tăng để các Ngài có phương tiện làm Phật Sự. Như vậy, nếu Tết Nguyên Đán là ngày vui của dân thường vì được thêm một tuổi đời, thì Lễ Vu Lan là ngày Tết của chư tăng ni được thêm tuổi hạ.
Nhìn chung chúng ta thấy, việc Kiết Hạ An Cư, Lễ Tự Tứ và Lễ Vu Lan có từ thời kỳ Đức Phật còn tại thế, và theo thời gian tuy có sự thay đổi chút ít về phương diện văn hóa, phong tục, tập quán của từng mỗi địa phương của mỗi quốc gia, nhưng cả hai truyền thống bắc truyền và nam truyền đều ghi nhận những ý nghĩa và những nguyên tắc căn bản như nhau. Ngày rằm tháng bảy Lễ Vu Lan cũng theo đó mà ghi sâu trong lòng dân tộc của các nước có truyền thống Phật Giáo. Riêng về Phật Giáo Việt Nam, rằm tháng bảy theo tục lệ nhân gian Việt Nam gọi là ngày xá tội vong nhân và cũng từ những ý nghĩa mà chúng tôi vừa trình bày với quý vị cho nên ngày Rằm Tháng Bảy có nhiều tên gọi khác nhau:
1- Ngày Phật Hoan Hỷ.
Ngày rằm tháng bảy gọi là ngày Đức Phật hoan hỷ, bởi lẽ trong bảy chúng đệ tử của Phật, Chúng Tỳ Kheo là chúng đệ tử gần gủi nhất với đức Phật, là chúng mang sứ mệnh đem Phật Pháp để truyền bá giáo hóa cho chúng sinh, chúng mang hình dáng của Phật làm gương mẫu ở thế gian, chúng tu tập trong ba tháng an cư kiết hạ đã viên mãn và kết thúc vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Thông thường, khi chư Tăng thọ giới pháp xong là tu niệm, nhưng vì Phật sự đa đoan nên sự tu niệm ấy không được chuyên cần bằng ba tháng an cư kiết hạ. Ba tháng an cư kiết hạ theo Luật Phật chế, Chúng Tỳ Kheo phải cấm túc ở yên, hạn chế tối đa sự đi lại:
- Thứ nhất, như có lần chúng tôi đã nói, là vì phong thổ Ấn Độ lúc bấy giời mùa hạ là mùa mưa, các loại côn trùng sinh sản ra nhiều, mà chúng Tăng đi khất thực sẽ dẫm đạp lên nhiều loại côn trùng, làm tổn thương đến các sinh mạng của những loài côn trùng nhỏ bé.
- Thứ hai là, chúng Tăng đi khất thực thì y, áo, bình bát sẽ bị thấm ướt, mất trang nghiêm, nên thế gian có phần chê trách.
Vì vậy, nên Đức Phật dạy Chúng Tỳ Kheo trong ba tháng mùa mưa phải cấm túc an cư, hạn chế việc đi ra ngoài để tập trung vào sự tu niệm, củng cố sự sống trong thanh tịnh hòa hợp, cảnh tỉnh thân tâm để tinh tấn trong con đường đạo hạnh. Cho nên một khi đệ tử của Phật tu hành trong ba tháng viên mãn thanh tịnh, kết thúc ba tháng an cư, Đức Phật vui mừng lắm. Mừng cho đệ tử của mình đã hoàn thành ba tháng an cư thanh tịnh, cho nên gọi là ngày Phật vui mừng.
2- Ngày Tăng Tự tứ.
Mặc dầu đã đề cập ở phần Lễ Tự Tứ, tuy nhiên ở phần nầy chúng tôi xin được nhắc lại cho liên tục câu chuyện. Như chúng ta đã biết, ngày Tăng Tự Tứ là ngày chúng Tăng sau ba tháng an cư tu tập nghĩ rằng:
- Tuy mình đã gắng tu như thế nhưng không chắc đã tránh hết lỗi lầm, nên ngày rằm tháng bảy cùng nhau tập trung lại, cầu mong những vị có giới đức thanh tịnh hơn mình chỉ lỗi lầm cho.
Nếu mình tự thấy mắc phải lỗi lầm đó, phải phát lộ sám hối. Đó là một việc hết sức đặc biệt trong ngày Tự Tứ.
Thông thường, mỗi khi có lỗi là tìm cách né tránh, tìm cách che dấu kẻo sợ người khác biết thì xấu hổ, hoặc sợ nếu biết lỗi của mình thì lần sau mình không làm lại được nữa, cho nên thường thường là che dấu, không bộc lộ, trừ khi có ai hỏi đến, kẹt lắm mới nói tới có phạm, có vấp lỗi nọ lỗi kia. Hoặc giả, có phát lộ sám hối chăng thì cũng phát lộ âm thầm trước ngôi Tam Bảo, chớ ít khi công khai nhờ người chỉ lỗi cho mình ra giữa đại chúng. Nhưng theo đạo Phật, ba tháng hạ an cư xong rồi, Đức Phật dạy hàng Tỳ Kheo phải cầu người khác chỉ lỗi cho mình, nghĩa là không phải để đợi người khác chỉ mà tự mình phải cầu người khác tự do chỉ cho, mình phải đối trước người đó mà thưa:
- Thưa Đại đức, ngày nay chúng Tăng Tự Tứ, tôi cũng Tự Tứ, tôi có điều gì sai phạm mà Đại đức thấy, nghe hoặc nghi, xin Đại đức thương xót chỉ cho, nếu tôi thấy có phạm thì xin như Pháp sám hối.
Nói như vậy ngầm ý rằng:
- Tôi không phàn nàn, không thắc mắc và tôi không có oán trách chi Đại đức hết!
Đó chính là ý nghĩa mà mình phát tâm cầu mong được thanh tịnh, không có chút nào che dấu, thành tâm cầu người khác tự do nói không e dè chi hết, nếu thấy có lỗi thì cứ chỉ cho. Đó là một thái độ rất cao thượng cởi mở để làm cho mình hết sạch tội lỗi. Vì vậy trong ngày đó gọi là ngày Tăng Tự Tứ. Tự Tứ nghĩa là cầu người khác không ngần ngại chỉ lỗi mình ra, để cho mình biết mà sám hối, nên gọi là Tăng Tự Tứ.
3- Ngày Tăng Thọ Tuế.
Thọ tuế là nhận tuổi. Theo thế gian, nếu cha mẹ sinh ra đủ năm 12 tháng thì mới gọi là tròn một tuổi. Nhưng trong Luật Phật chế, hàng xuất gia thọ giới của Đức Phật không tính tuổi theo năm tháng kiểu thế gian trên, mà tính tuổi theo hạ lạp. Nghĩa là năm nào có an cư kiết hạ được trọn vẹn thì được tính một tuổi.
Thí dụ:
- Vị nào an cư kiết hạ từ 15-4 âm lịch đến 15-7 âm lịch là mãn hạ, như vậy được tính một năm hạ, tức một tuổi hạ. Ai đã thọ Cụ túc giới nhưng không an cư thì không tính tuổi hạ, còn ai kiết hạ an cư liên tục thì được tính nhiều tuổi hạ.
Cho nên chúng ta thường nghe ở các chùa khi đọc tiểu sử của một vị Tăng nào viên tịch, thường nhắc đến tuổi đời và hạ lạp.
Thí dụ:
Vị đó 80 tuổi đời và 60 hạ lạp, nghĩa là vị đó có tuổi cha mẹ sinh là 80 năm, còn tuổi hạ là 60 hạ lạp. Hạ lạp được tính và ngày rằm Tự tứ, sau khi đã tu hành tròn ba tháng hạ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, đúng theo Luật Phật chế, 20 tuổi thì được thọ giới Tỳ Kheo, nhưng vì thiếu duyên, có vị 25 tuổi mới thọ giới Tỳ Kheo và sau khi thọ giới mỗi năm đều có kiết hạ. Nếu vị ấy viên tịch vào tuổi 70, thì vị ấy được 45 tuổi hạ và 70 tuổi đời. Nếu một vị Tỳ Kheo thọ giới rồi mà không an cư lần nào cả thì coi như vị ấy hoàn toàn không có tuổi hạ, khác với cha mẹ sinh ta ra, dù ta có làm hay không làm gì đi nữa hoặc giả có ngủ cả năm đi nữa thì tròn một năm cũng vẫn được tính tuổi từng năm một. Trái lại, vị Tỳ Kheo thì phải có kiết giới an cư thì mới nhận tuổi, còn không an cư, thì không tính hạ lạp cũng gọi là giới lạp, hay là pháp lạp.
4- Ngày Xá Tội Vong Nhân.
Ngoài những ý nghĩa như:
- Ngày Phật hoan hỷ,
- Tăng Tự Tứ,
- Tăng Thọ Tuế,
Ngày Rằm Tháng Bảy cũng còn được gọi là ngày Lễ Vu Lan hay ngày xá tội vong nhân. Bởi vì ngày Lễ Vu Lan là ngày cầu siêu độ cho tiền nhân quá cố của người con Phật. Tích Vu Lan bắt nguồn từ việc báo hiếu của Tôn giả Mục Kiền Liên. Tích này được chép trong kinh Vu Lan Bồn. Chữ Vu Lan Bồn phiên âm từ chữ Sanskrit là Ulambana. Người Trung Hoa dịch nghĩa là:
- Giải đảo huyền.
Nghĩa là:
- Giải cái tội của những người bị treo ngược.
Câu chuyện trên ý nói rằng, những người nào tạo tội ác thì phải thọ quả báo nơi địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, chịu sự hành hạ thống khổ cùng cực giống như người bị treo ngược. Nghĩ đến công ơn cha mẹ, vì vậy khi ngày Vu Lan đến, Phật tử thường đem tâm chí thành, chí hiếu sắm sửa vật dụng cúng đường Tam Bảo để cầu nguyện cho thân nhân nhiều đời quá vãng của mình thoát khỏi cảnh khổ đau cùng cực, y như giải tội bị treo ngược.
Như vậy, ngày Vu Lan là ngày của Phật tử đền ơn đáp nghĩa bằng cách đến chùa cầu thỉnh chư Tăng sau ba tháng ăn cư thanh tịnh, chú nguyện cho cha mẹ nhiều đời quá vãng của mình thoát khỏi cảnh đọa đày tăm tối của địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh, đồng thời cầu nguyện cho tất cả người khác cũng thoát khỏi tội khổ đau cùng cực như Tôn giả Mục Kiền Liên đã làm khi cứu mẹ. Chúng ta ngày nay học theo gương của Ngài Mục Kiền Liên, cho nên khi tụng kinh chúng ta hay niệm:
- Nam mô Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát
Để tưởng niệm Ngài là một người con hiếu thảo. Tuy xuất gia tu hành mà Ngài vẫn còn lo sợ cha mẹ không có phước, sanh chỗ không tốt nên Ngài tìm kiếm xem mẹ đã sanh ở đâu. Khi thấy mẹ sanh trong kiếp ngạ quỷ, động lòng thương mẹ, Ngài liền thỉnh Phật chỉ dạy phương cách cứu mẹ. Chính nhờ lòng thành đó mà có truyền thống khi đến Rằm tháng Bảy là ngày tự tứ của chúng Tăng, Phật dạy chúng ta nên cúng dường chư Tăng, nhờ chư Tăng phụ lực mà thân mẫu trong nhiều đời của chúng ta được siêu thăng. Nên ngày này còn gọi là ngày báo hiếu.
Trong mùa này, mỗi Phật tử chúng ta nhớ lại công ơn cha mẹ sanh thành nuôi dưỡng cực khổ, cho nên chúng ta nhờ sức chú nguyện của chư Tăng, Ni; nếu cha mẹ có sa vào đường khổ thì nhờ phúc đức này mà được thoát khỏi. Còn nếu cha mẹ không đi trong đường khổ thì nhờ phúc đức này mà được tăng trưởng thiện căn. Nếu cha mẹ hiện tiền cũng nhờ đó mà tăng trưởng tuổi thọ và phát tâm Bồ đề. Đó là ý nghĩa báo hiếu của người con Phật.
Vì những lý do nầy cho nên ngày Vu Lan còn có tên là ngày xá tội vong nhân. Đó là ngày tha thứ mọi lỗi lầm, ngày mà mọi người đều ăn năn, xin cải đổi sám hối, mong các vị lớn tha thứ cho. Nhờ ý nghĩa tha thứ những lỗi lầm đó, cho nên cũng chính ngày này chư Tăng, Ni thành tâm cầu nguyện cho các vong nhân được khỏi những kiếp khổ đau.
Chúng ta phải nên nhớ rằng, chúng ta không nên đặt bất cứ một việc gì lên trên cha mẹ, mà hãy coi và đặt cha mẹ là trên hết tất cả. Suốt đời chúng ta phục vụ thờ kính cha mẹ cũng chưa xong, đừng nói gì năm năm, bảy năm, cho nên phải tu tập hiếu hạnh. Đó là chúng ta đã tạo một nền tảng phúc đức cho chính mình mà cũng chính là tạo dựng duyên lành cho con cháu bắt chước ở mai sau. Mong rằng quý vị nhớ và cố gắng thực hành theo. Được vậy mới thật xứng đáng người con hiếu thảo, là người Phật tử chân chính trong đạo.
Trong chiều hướng nầy, chúng tôi xin được khuyến khích, chơi bạn thì nên chọn bạn mà chơi, nghĩa là chúng ta nên gần gũi bạn lành, lo tinh tấn tu niệm thì mới trở thành những người con có hiếu. Trong Kinh Trường A Hàm, Đức Phật có chỉ cho chúng ta cách báo hiếu tốt nhất là:
- Nếu gia đình nào có những người con mà biết Bố Thí, biết nói lời Ái ngữ, biết thực hành hạnh Lợi Hành và biết hài hòa với những Đồng Sự của mình thì cha mẹ mới nhận được sự hiếu kính của con.
1- Bố Thí.
Kinh A Hàm dạy:
- Người hiếu kính cha mẹ là người biết tu hạnh Bố thí. Người biết bố thí thì luôn luôn đem tâm hoan hỷ bố thí cho mọi người, dù chỉ là một nụ cười, dù chỉ là một cử chỉ cung kính.
Thực tế, nụ cười ấy, cử chỉ cung kính ấy, sự dịu dàng ấy, cách ăn nói ôn hòa ấy là của chúng ta, nhưng nếu chúng ta không làm, không thể hiện là không có bố thí. Do vậy khi chúng ta làm và thể hiện thì sẽ đem an vui đến cho mọi người, chứ không nhất thiết phải hạn cuộc ở bố thí tiền bạc. Đôi lúc một nụ cười khiến cho người ta tiêu tan đau khổ, trong khi chúng ta đem một túi tiền cho họ chưa chắc họ đã hết đau khổ. Như vậy, người con biết bố thí là người đối với cha mẹ, hay anh chị em trong gia đình luôn luôn phải có nụ cười trên môi, luôn có nụ cười trên môi thì nếu cha mẹ còn trẻ thấy con cái của mình luô uôn vui tười thì cha mẹ cũng yên lòng vì hạnh phúc, nhưng nếu cha mẹ đã già thì cha mẹ cũng ấm lòng khi thấy con cái lo cho mình mà không hề than thở cực nhọc, có như thế cha mẹ mới hưởng được sự hiếu kính của con.
2- Ái Ngữ.
Ái ngữ tức là cách nói hết sức dịu dàng và thân thiện, cách nói nầy nó cũng rất dễ làm, mà cũng rất khó làm. Có người cho rằng: Lời nói dịu dàng có chi đâu mà khó làm. Thế nhưng khó vô cùng, nếu không tu không thể nói ái ngữ được, như câu chuyện sau đây:
- Ngày xưa, một người chỉ nuôi sống gia đình với một con ngựa đi chở thuê, nhờ nó mà hàng ngày gia đình có ăn có mặc. Ngày kia, người ta đem đồ đến thuê chở trễ quá, anh ta nóng lòng chờ đợi đến chiều mới có đồ người ta thuê chở về.
Sẵn bực tức trong lòng, nên vừa bỏ đồ lên xe ngựa, anh liền đánh con ngựa một cái và nói:
- Đồ nhãi ranh, đi, đi, đồ ăn hại, đồ chết bằm.
Nghe vậy, con ngựa ì ra đó, không đi, đánh mấy cũng cứ ì ra đó. Anh đành chịu và xuống xe. Một hồi sau, cơn nóng giận trôi qua, anh dịu dàng đến vuốt ve con ngựa, âu yếm nói với nó:
- Thôi gắng đi đi con, còn ít giờ nữa là về nhà, giúp ta chở về nhà đi con.
Con vật nghe vậy, nó nhẹ nhàng dùng sức kéo chiếc xe đi ngay. Con vật mà cũng biết được giá trị của ái ngữ huống chi là người ta. Do đó, đối với cha mẹ nhất là những lúc tuổi về già chúng ta phải hết lòng chăm sóc, chăm sóc về miếng cơm chiếc áo và cả những lời nói dịu dàng. Thông thường là những lúc về già người lớn tuổi thường hay suy nghĩ nhiều, và cũng thường tủi thân nhiều, cho nên chúng ta phải dùng ái ngữ để cho cha mẹ cảm thấy là chúng ta hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, nếu để cha mẹ buồn phiền vì những cử chỉ, hoặc lời nói vô tình của chúng ta, thì chúng ta sẽ trở thành người con bất hiếu.
3- Lợi Hành.
Lợi hành là làm việc lợi ích. Khoan nói lợi ích cho xóm làng, cho xã hội mà nói lợi ích cho mình, cho gia đình mình. Có những người con coi việc gia đình mình như việc ai xa lạ, không liên quan đến mình, không thèm sờ tay tới, thậm chí như bưng chén nước, chén cơm cho cha già mẹ yếu cũng không hề làm tới. Đó là những việc lợi hành mà không làm, không làm như vậy thì cha mẹ làm sao hưởng được sự hiếu kính của con!
4- Đồng Sự.
Cùng làm chung với nhau, cùng làm lụng đồng sự với nhau, gây cảm tình thương yêu vui vẻ lẫn nhau. Sống trong một gia đình, đối với cha mẹ là người đã sanh ra chúng ta, đối với anh chị em là người đã từng chia ngọt xẻ bùi mà còn không chia xẻ, nâng đỡ cho nhau thì làm sao có được tình cảm cũng như hiếu kính với cha mẹ được. Cho nên Phật dạy một cách thấm thía rằng:
- Người nào biết Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự thì cha mẹ mới hưởng được sự hiếu kính của người con.
Nói tóm lại, Ngày Lễ Kết Hạ An Cư là ngày chư tăng đồng một lòng phát nguyện cấm túc một chỗ để trau giồi giới đức để cho tâm hạnh được trang nghiêm, thanh tịnh. Ngày Lễ Tự Tứ là lúc chính bản thân của mỗi người tự bày tỏ chỗ dở, và sự thiếu xót của chính mình và đồng thời nhờ những người bạn đồng tu chỉ dạy nếu có những sai lầm thiếu xót nếu có. Và ngày Lễ Vu Lan như là một kết quả phải có từ nơi Kiết Hạ An Cư và pháp Tự Tứ. Có thể nói Lễ Vu Lan là ngày nói lên tinh thần phục thiện, hối cải của Tăng Ni, vừa gợi lại lòng hiếu thảo của người con Phật, vừa là ngày tha thứ mọi lỗi lầm của chúng sinh. Vì tính cách quan trọng như vậy, cho nên mỗi năm cứ vào độ rằm tháng tư đến là chư tăng các nơi đều vân tập về một trụ xứ nào đó được coi là nơi có đầy đủ điều kiện và phương tiện để Kiết Hạ An Cư. Vì vậy nhân đây xin được gợi ý chư Phật Tử xa gần, những ai hiểu được sự lợi của người tu thiện và muốn làm người con hiếu thảo, xin quý vị lưu ý tích cực về tham gia những nơi có kiết hạ để tu tập, cúng dường, cầu nguyện, hồi hướng đến cho thân bằng quyến thuộc, người quá vãng được siêu thoát, người hiện còn được bình an phước lợi. Cứ như thế mà tinh tấn vun bồi cội phúc cho đến ngày Rằm Tháng Bảy mãn kiết hạ an cư mới thôi, thì qúy vị sẽ là những người thảo, cháu hiền, chắc chắn quý vị sẽ là người hạnh phúc nhất trần gian.
 
Tài Liệu Tham Khảo
            - Phật Học Phổ Thông
            - Phật Học Từ Ðiển
            - Phật Giáo Thánh Kinh
-- o0o --