Nguồn Năng Lực Nội Tại
Trí Tòan
--o0o--
 
Thực tập Quán Chiếu có thể được xem như tiến trình phát triển một số Tâm Sở trong việc thực tập chế ngự tâm. Những tâm sở có khả năng kiểm soát thân tâm không xa lạ với chúng ta, đó chính là năm căn. Năm căn bao gồm: Tín, Tấn, Niệm, Ðịnh, Tuệ.
Trong năm căn, Tuệ căn hay còn gọi là trực giác trí tuệ, có khả năng thấu suốt chân lý thực tại sâu xa nhất. Vì thế nếu là nghịch duyên thì nó cũng chính là hung thủ hướng dẫn chúng ta vào con đường tội lỗi. Nếu đó là thắng duyên thì nó sẽ giúp ta giải thoát khỏi si mê và hậu quả của nó. Khi si mê không còn thì những khổ đau, ảo tưởng và những bất hạnh sẽ không phát khởi nữa.
Muốn phát triển tâm của chúng ta đến trình độ nầy, nghĩa là muốn cho nguồn năng lực nội tại được dồi dào, chính chúng ta cần phải chấp nhận và thực tập một số điều kiện. Xin được đơn cử một vài điều kiện, yếu tố hổ trợ cho nguồn năng lực nội tại ngày càng thêm phong phú như:
- Nhận thức vô thường.
- Tôn trọng giáo pháp
01- Nhận Thức Vô Thường.
Yếu tố đầu tiên giúp cho năm căn được phát triển là phải ghi nhận rằng mọi vật sinh ra rồi liền diệt ngay tức khắc. Tất cả đều ở trạng thái sinh rồi diệt không ngừng.
Trong lúc tu tập tụng kinh, niệm Phật hay hành thiền, chúng ta phải luôn luôn theo dõi quan sát hân và tâm qua sáu cửa:
- Tai,
- Mắt,
- Mũi,
- Lưỡi,
- Thân,
- Tâm.
Chúng ta phải quan sát hiện tượng xảy ra với chủ tâm để ghi nhận và thấy rõ rằng mỗi vật có sinh ra thì có hủy diệt. Chân lý nầy có thể minh xác khi chúng ta thật sự quan sát một cách chánh niệm không chút hoài nghi. Ðây là thái độ rất quan trọng để chuẩn bị cho việc tu tập
Sự chấp nhận ngay từ lúc ban đầu, rằng là tất cả mọi vật đều vô thường và biến đổi giúp chúng ta tránh được những phản ứng bất lợi có thể xảy ra khi ta thực sự khám phá ra chân lý nầy.
Sự thật ở đời nhiều khi quá phủ phàng, ê chề cho nên nếu chúng ta biết được định luật vô thường, thì khi gặp nghịch cảnh ngộ nào chúng ta cũng sẽ rất dễ dàng thích ứng với môi trường hiện tại đó. Sự hiểu biết rõ ràng về lý thuyết: Vô thường, khổ, vô ngã sẽ giúp ta có sự chuẩn bị và sẳng sàng để đương đầu với chúng.
Nếu không có một sự chấp nhận trước, một sự nhập tâm về vô thường, và không biết rõ ràng việc tu tập của chúng ta là để thấy rõ: Vô thường, khổ, vô ngã thì chúng ta dễ có một tư tưởng trái ngược lại. Ý tưởng nầy có thể cản trở cho việc hành thiền. Bởi thế ở giai đoạn khởi đầu chỉ là lý thuyết xuyên qua kinh sách. Về sau, khi thực tập tiến triển và tâm định được đào sâu, khi chính chúng ta kinh nghiệm về vô thường, khổ, và vô ngã thì sự tin tưởng nầy trở thành hiện thực.
Điều nầy tương tự như một sinh viên khoa học, trước khi vào phòng thí nghiệm, việc đầu tiên là phải biết anh ta muốn chứng minh và thực nghiệm công thức gì. Người tu học chúng ta cũng thế, muốn cho niềm tin được vững chãi việc đầu tiên là chấp nhận vô thường, sau đó thực hành để kinh nghiệm rằng vô thường là chuyện có thật.
Mặc dầu hai tiếng Vô Thường ai cũng thường nghe, và ai cũng đã biết, nhất là đối với người học Phật. Nhưng trong lãnh vực hành trì khó mà đo lường được. Yếu tố cần thiết để chúng ta dễ dàng chấp nhận vô thường là phải diệt trừ cái thấy sai lầm, mà thuật ngữ thường gọi là kiến hoặc. Để cho rõ ràng ở điểm nầy, chúng tôi xin kể quý vị nghe một câu chuyện:
- Thuở xưa, có anh chàng nọ, con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi... Có thể nói Anh là mẫu người lý tưởng nhất, nếu không có bệnh bắc chước thiên hạ, chạy theo thời trang.
Thấy bạn bè đeo kính trắng, có vẻ sang trọng và trí thức, anh cũng đi khám mắt và mua một cặp kính trắng. Bác sĩ tuyên bố anh bị cận thị. Thế là anh chàng mua ngay một cặp kính cận.
Từ khi mang kính, anh thường bị nhức đầu, chóng mặt và buồn nôn. Nên vài bữa sau đó anh lại đi khám mắt ở một bác sĩ khác. Bác sĩ nầy tuyên bố là anh bị viễn thị, và bắt anh phải mua một cặp kính viễn thị.
Từ khi anh đeo cặp kính mới, bệnh chóng mặt buồn nôn lập tức biến mất... nhưng khổ nỗi anh lại bị chảy nuớc mắt sống cả ngày, cho nên Anh đành phải đi một bác sĩ khác để tìm bệnh lý.
Vị bác sĩ thứ ba, quả quyết là anh bị loạn thị và đề nghị là nên mua một cặp kính khác. Lần nầy anh không còn chảy nuớc mắt sống nữa mà là thấy tất cả mọi sự mọi vật đều loạn xà ngầu...
Và cứ thế, mỗi cặp kính mới lại mang đến cho anh một chứng bệnh mới. Ðể trị bệnh anh đành thay kính liên tục. Cho đến một hôm, trong lúc vô tình, anh trợt chân và té xuống, anh đột nhiên thấy trời đất phong quang, mọi vật sáng sủa rõ ràng hiện ra trước mắt.
Mừng vô kể anh bước vội về nhà, nguời nhà chào anh ngạc nhiên hỏi:
- Ủa cặp kính của anh làm sao thế?
Anh lột kính cầm lên xem, hóa ra đôi tròng kính đã rớt đâu mất từ cú trợt khi nảy. Từ đó anh không đeo cặp kính nào cả, vì Anh thấy không cần thiết nữa.
Qua câu chuyện trên, chúng ta hiểu lý do tại sao trong Kinh A Hàm Đức Phật dạy:
- Muốn bước vào thánh quả đầu tiên, người ta phải đoạn Kiến Hoặc.
Kiến Hoặc là những thứ nhận định, thấy lầm hiểu bậy của chúng ta về thân, tâm của chúng ta và của người khác, về môi trường thế giới của chúng ta đang sống. Những nguồn sầu khổ của chúng ta đều bắt nguồn từ các nhận định sai lầm đó.
Khi chúng ta đã trừ sạch Kiến Hoặc, vị đó gọi là đắc pháp Nhãn Tịnh. Nghĩa là được con mắt pháp Thanh Tịnh. Vẫn đôi mắt ngày xưa, đôi mắt mà thuở còn Kiến Chấp, tư dục nặng nề, nhìn đâu cũng thấy bực dọc, phiền muộn. Một khi đã gột sạch tình chấp, chúng ta sẽ có cuộc sống vui tươi, thoải mái, an tịnh hơn, nên đôi mắt ấy chính là đôi mắt pháp.
Trong câu chuyện trên, điều làm cho chúng ta chú ý là anh chàng con nhà giàu kia vốn biết mình không có bệnh, không đau, nhưng vì lòng háo danh, ưa thích thời trang mà anh cố tình hành hạ đôi mắt của mình. Từ bệnh háo danh dẫn tới bệnh tưởng, và từ bệnh tưởng hoá ra bệnh thật. Cho đến lúc tình cờ vấp ngã, bị vở kính, anh mới trở lại đôi mắt bình thường như dạo trước.
Cũng như thế từ một bản tâm bình thường, thoải, mái, trong sáng... do xã hội môi trường chung quanh huân tập, chúng ta đã khoát lên nó không biết bao nhiêu là thành kiến, cố chấp quan niệm lý tưởng, truyền thống ... cho hợp thời trang. Từ chủ động biến thành thụ động, dần dần bị đè nặng dưới hàng khối vọng tưởng rối ren đó, tâm chúng ta bắt đầu loạn động xao xuyến, bất an, vọng tưởng ......
Muốn trở lại với bản tâm bình thường, để thấy rõ bản chất thật sự của đời sống. Bản chất thật sự của đời sống chính là vô thường. Cũng y hệt như cũng hệt như anh chàng con nhà giàu kia, chúng ta không nên đổi thầy thay kính, không nên buông pháp nầy bỏ pháp kia, mà chỉ cần buông xả hết tình chấp quan niệm, thành kiến mà chúng ta đang khư khư nắm giữ chấp chặc như một thứ gia bảo của mình. Làm được như vậy thì mọi sự việc đến hay đi, còn hay mất nó không phải là điều đáng bận tâm.
Mặt lý thuyết thì như vậy, tuy nhiên phần thực tập cần phải tinh chuyên hành trì đúng mức mới có kết quả như ý muốn. Nói như thế là muốn xác định rằng chỉ cần những yếu tố nầy thiền sinh đã có thể tiến xa trong việc hành thiền.
Nếu thiền sinh quan sát chánh niệm, kiểm soát sự sinh diệt của các hiện tượng về tâm và vật lý một cách tinh tế, tỉ mỉ, liên tục duy trì chánh niệm không để cho gián đoạn thì chắc chắc không lâu, các chướng ngại bên trong sẽ được loại trừ. Các năng lực kiểm soát tâm hay năm căn sẽ loại bỏ những quấy nhiểu trong tâm và làm cho tâm an tịnh.
Nếu chúng ta có một quá trình thực tập, chúng ta sẽ cảm nhận một sự an tịnh, tĩnh lặng là kết quả của những ngày tháng thực tập được đền bù xứng đáng. Lúc đó chúng ta sẽ cảm thấy tràn đầy niềm tự tin. Tất cả những sự an lạc, tỉnh lặng mà chư tổ, chư thiền sư đã dạy cho chúng ta bây giờ chính chúng ta đã đạt dược.
Như thế là đức tin, yếu tố đầu tiên của năm căn đã phát sanh. Lọai đức tin nầy được gọi là đức tin đầu tiên khởi sinh từ kinh nghiệm của chính mình khiến chúng ta cảm thấy rằng những gì mà Ðức Phật dạy trong kinh điển tất cả đều được bảo đảm, nếu chúng ta thực tập sẽ đạt được kết quả một cách hiển nhiên.
Nhờ có đức tin, chúng ta sẽ có hứng khởi mà tăng thêm năng lực. Khi năng lực hùng mạnh thì tinh tấn xuất hiện. Lễ tất nhiên đây là bước đầu. Khi chúng ta tiếp tục nổ lực thêm hơn thì chúng ta sẽ gặt hái những kết quả tốt đẹp hơn thế nầy nữa. Nếu tiếp tục tinh tấn, tâm sẽ khắn khít trên đề mục từng thời điểm một, và chánh niệm được củng cố và đào sâu.
Chánh niệm có khả năng kỳ diệu tập trung tâm ý, giúp tâm chuyên chú trên đề mục. Khi chánh niệm quán thấu đối tượng quan sát từng thời điểm một, thì tâm có khả năng ổn định trên đề mục không thối chuyển. Cứ thế, sự tập trung tâm ý càng mạnh mẻ và ổn định hơn. Một cách tổng quát, khi chánh niệm càng mạnh lên, thì sự định tâm cũng càng mạnh lên.
Khi bốn yếu tố: Ðức Tin, Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Ðịnh đã được thiết lập thì trí tuệ sẽ được tự nhiên hiện khởi. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ bắt đầu thấy rất rõ và trực giác rằng thân và tâm mặc dù là hai thứ hoàn toàn tách biệt, nhưng cũng bắt đầu hiểu biết sự tương quan nhân quả của danh sắc, hay thân tâm. Khi trí tuệ càng phát triển, thì đức tin trở nên mạnh mẻ hơn.
Nếu chúng ta là một trong những thiền sinh đã thấy được sự sinh diệt của đối tượng qua từng thời điểm một, thì sẽ cảm thấy hân hoan và tin tưởng rằng:
- Những hiện tượng thay đổi qua từng thời điểm một, thật sự không có một tác nhân nào sau nó ngoài chính bản thân của chúng ta.
Do sự khám phá nầy, tâm của chúng ta sẽ có được trạng thái an lạc và tĩnh lặng lớn lao hơn khi chúng ta tuần tự thấy rõ vô thường, khổ, và vô ngã thì đức tin của chúng ta sẽ mạnh mẽ thêm.
Như vậy việc thực tập quan chiếu chẳng khác nào mài sắc để thành kim. Người mài sắc phải kiên trì và cho đúng cách, đừng thẳng đứng quá, mà cũng đừng nghiên quá. Ðè thỏi sắc trên đá mài đúng cách. Ðưa tới đưa lui thỏi sắc trên đá mài. Tiếp tục mài cho đến khi nào thỏi sắc đó trở thành cây kim thỏa đáng như mình mong muốn.
Giữ cho thỏi sắc đúng độ nghiêng thích hợp, là hành thiền một cách tỉ mỉ tinh tế. Ấn thỏi sắc trên đá mài và mài tới mài lui là liên tục chánh niệm. Nếu yếu tố tỉ mỉ, tinh tế và liên tục nầy được duy trì, thì chẳng bao lâu tâm chúng ta sẽ sắc bén, nguồn tự tin sẽ tràn đầy, đủ năng lực nội tại để xuyên thủng nền chân lý thực tại.
02- Tôn Trọng Giáo Pháp
Yếu tố thứ hai tôn trọng giáo pháp có nghĩa là quan tâm và tôn trọng đến phương pháp chúng ta đang thực tập. Chẳng hạn như chúng ta đang tụng kinh cầu an cho một người nào đó, tâm lực chúng ta phải chuyên nhất vào việc trì niệm. Tâm chuyên nhất vào việc trì niệm thì năng lực và sự cảm ứng. Ðó là lý do mỗi khi tụng kinh chúng ta cứ đọc câu:
- Năng lễ sơ lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì
Nói chung, dù là tụng kinh, niệm Phật, hay hành thiền cũng thế. Ðiều quan trọng là phải có lòng tôn kính nhất và thật thận trọng cẩn mật. Một trong những cách có hiệu quả và giúp chúng ta có được thái độ tôn trọng và cẩn mật trong việc hành thiền là chúng ta phải luôn luôn suy ngẩm đến những lợi ích do việc tụng kinh, niệm Phật hoặc hành thiền đem lại.
Nhớ đến những lợi ích của việc tụng kinh, niệm Phật và hành thiền sẽ là những yếu tố giúp chúng ta phấn chấn tinh thần, đồng thời khiến chúng ta thận trọng và tỉ mỉ trong việc quan sát các đối tượng đang xảy ra qua sáu giác quan. Trong một khoá thiền tập, chúng ta phải cố gắng làm các động tác nầy một cách chậm rãi, giống như một đứa bé mới tập đi, tập đứng.
Nói tóm lại, muốn phát huy nguồn năng lực nội tại, chúng ta phải biết trân quý, và cứ xem sự chánh niệm của chúng ta mới vừa thu gặt được tương tự như lúc chúng ta còn đang ở trong thời kỳ thơ ấu mới chập chửng biết đi, mà qua đó chúng ta phải biết là làm chậm các động tác, cũng chính là làm cho tốc hành tâm của chúng ta chậm. Tốc hành tâm của chúng ta chậm lại sẽ giúp chánh niệm có cơ hội theo kịp các chuyển động của thân và ghi nhận chúng từng chi tiết một.
Sự thực tập cho các động tác chậm lại, giống như hình ảnh của chúng ta đang băng qua sông trên một cây cầu nhỏ hẹp chỉ vừa một người đi. Dưới sông thì nước chảy xiết. Nếu vô ý rơi xuống thì chắc chắn sẽ bị giòng nước cuốn trôi như trong văn học nhân gian Việt Nam có câu:
- Ví dầu cầu váng đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Dĩ nhiên chúng ta không thể nhảy hay chạy trên cầu. Chúng ta phải quan sát tỉ mỉ, và thận trọng bước từng bước từng bước một đi chậm chậm qua cầu.
Điều nầy chúng ta cũng có thể so sánh với một người phải đi trên một đoạn đường khó khăn nguy hiểm, mà không được quyền té xuống, vì biết rằng khi chúng ta té xuống nước sẽ cuốn trôi đi. Xem như thế, nếu chúng ta là một người thực tập thiền, thì cũng phải thận trọng và duy trì chánh niệm như vậy trong mọi lúc.
Chúng ta có thể kiểm nghiệm điều nầy bằng cách thận trọng, tỉ mỉ trong việc hành thiền. Làm chậm lại mọi động tác, đi đứng, nằm ngồi một cách chậm rãi, cung kính. Cung kính pháp hành, cung kính từng tác động, thì chính chúng ta sẽ thấy rõ kinh nghiệm. Càng làm các tác động chậm bao nhiêu, chúng ta càng tiến bộ nhanh chóng trong pháp hành trì bấy nhiêu.
Tuy nhiên, chúng ta phải biết rằng, sự thành công nhanh hay chậm, là tùy thuộc vào mỗi người chúng ta. Nghĩa là, chúng ta phải biết áp dụng theo từng mọi trường hợp cho đúng mức, một cách thông minh và đầy sáng tạo để thích mọi hoàn cảnh và mọi trong trường hợp. Có những trường hợp động tác của chúng ta phải nhanh chóng, chẳng hạn như khi chúng ta lái xe trên xa lộ mà chúng ta lái chậm thì sẽ gây ra việc cản trở lưu thông, cho nên chúng ta bị bắt buộc phải lái nhanh. Trong khi đó tại các thiền viện, đối với những người cùng tu học với chúng ta, chúng ta phải thực tập nhẹ nhàng từng mọi lời nói, cử chỉ và hành động, nếu động tác chúng ta mà nhanh quá, chúng ta khó mà kiểm soát được những hành động do thân và tâm gây ra, như thế chúng ta đã làm tổn thương đến vị Phật sơ sinh của mình và của mọi người. Cho nên chúng ta cũng phải tùy theo từng trường hợp mà áp dụng sự mau hay chậm cho thích đáng. Đặc biệt trong một khoá tu thiền hay trong mọi trường hợp, nếu đàng sau chúng ta có nhiều người đang chờ đợi, thì hãy làm với tốc độ nhanh hơn bình thường một chút. Tuy nhiên, phải luôn luôn nhớ rằng mục đích chính của chúng là phát triển chánh niệm. Vì thế, ngoài nhưng lúc cần thiết phải làm mau hay làm với tốc độ nhanh hơn bình thường, những lúc khác nhất là khi chỉ có một mình, chúng ta hãy làm chậm lại các động tác. Chúng ta có thể ăn chậm, rửa mặt, đánh răng hay tắm một cách chậm rãi chánh niệm nếu sau lưng bạn không có ai đang sắp hàng chờ. Tuy rằng những động tác đơn sơ như vậy, nhưng mà là cách huân tập để phát huy nguồn năng lực nội tại một cách tích cực.
 
Tài Liệu Tham Khảo
- Khóa Hư Lục
- Hư Hư Lục
- Cây Giác Ngộ
- Phật Học Phổ Thông
- Kiến Thức Phật Học
-- o0o --