Chơn Đế & Tục Đế
Thông Trí
--o0o--
 
Nói về Đế có ba nghĩa:
1- Đế: Có nghĩa là chơn lý cần phải thẩm xét tu tập, cũng gọi là đạo lý chơn thật, chánh đáng đưa người lên chỗ tấn hóa giải thoát.
2- Đế: Có nghĩa là chính chắn, chơn chánh, hay thành thật.
3- Đế: Có nghĩa là kỷ cang, tường tận, rành rẻ, rõ ràng.
Trong các kinh Phật có hai chân lý gọi là Nhị Đế. Nhị Đế tức là Chơn Đế và Tục Đế, tiếng Việt gọi là hai chân lý hay còn gọi là hai cỡ hiểu biết:
A- Chân Đế:
            Là nghĩa lý học thuyết chơn thật, không sai chạy. Là chân lý của hạng thoát ly, của bậc thánh giả, chỗ hiểu biết của chư Bồ Tát, chư Phật, đó là chân lý cỡ cao, trọn vẹn. Nói tóm lại, Chân Đế là chân lý cho hàng xuất gia, hàng thánh giả tham cứu. Chơn lý nầy cao siêu, rốt ráo, vô lậu vô vi, cho nên kêu là chơn đế, cũng gọi là Thắng Nghĩa Đế, Đệ Nhất Nghĩa Đế.
            Tiêu biểu cụ thể về chân đế chẳng hạn như, sau khi thành đạo, đức Phật ngự đến Vườn Nai gần Thành Ba La Nại mà chuyển pháp luân, Ngài thuyết pháp về Bốn Đế hay còn gọi Bốn Chân Đế, đó là:
            1- Khổ Đế:
            Cuộc đời là khổ, vì thế con người và chư thiên cứ quanh quẩn trong luân hồi, trong các nổi đau khổ.
            2- Tập Đế:
            Chúng sanh khổ là vì lòng ham muốn, lòng phiền não tích tập.
            3- Diệt Đế:
            Vậy phải lo mà trừ khổ, để chấm dứt phiền não 
            4- Đạo Đế:
            Muốn trừ khổ phải dứt phiền não, phải thi hành đạo Tám Chánh....
Ai tu theo Bốn Chân Đế đó thì thành La Hán nhập Niết Bàn.    
            Về vấn đề quả vị Niết Bàn đệ tử Phật chứng đắc theo Ngài Trí Giả Ðại Sư, tùy trình độ tu chứng mà có Niết Bàn sai khác. Ngài chia pháp Tứ Ðế làm bốn cấp bậc:
a- Pháp Tứ Ðế ở tầng thứ nhất Phàm Phu hiểu được là pháp Tứ Ðế Bất Tư Nghì Sanh diệt. Gọi là Tứ Ðế Bất Tư Nghì sanh Diệt là vì trí Bồ Tát quan sát cảnh Tứ Ðế mầu nhiệm nầy không biết được việc mình làm, chỉ hoàn toàn nhờ Phật lực gia bị để thành tựu công đức nên gọi là nên gọi là Bất Tư Nghì Sanh Diệt Tứ Ðế.
b- Từ pháp ở cấp bậc một nầy, những người có tâm hướng quả vị Niết Bàn như Ngài Kiều Trần Như chỉ chứng được quả Tứ Ðế Tư Nghì Bất Sanh Diệt.
c- Thật chứng được pháp thứ hai, sẽ sanh được pháp thứ ba là pháp mà Xá Lợi Phất đang truy cầu không còn dùng tâm trần quan sát vật được, đó là Tứ Ðế Bất Tư Nghì, Bất Sanh Bất Diệt.
d- Dưới nhãn quan của Ðại Sư Trí Giả, ví các vị Bồ Tát như cái kiến đa thể thấy được muôn vạn màu sắc và đổi dạng liên tục. Tuy nhiên dù biến đổi vật như thế nào cũng nằm trong sự hiểu biết và điều động của Ðức Phật. Bấy giờ mới thật là Pháp Tứ Ðế hoàn toàn Bất Tư Nghì Bất Sanh Diệt là Niết Bàn Thật sự của Ðức Phật.
Chứng đắc quả vị Niết Bàn của Ðức Phật phải chuyển được vật, không phải là để diệt độ riêng rẽ như A La Hán. Ðức Phật chuyển được vật vì Ngài hiểu được tận ngọn nguồn các pháp và không còn sót một vật gì trong vũ trụ mà Ngài không biết gọi là Tri Kiến Ba La Mật. 
Nói tóm lại, nói về Chân Đế là nói về đạo lý chân thật, tri kiến Phật rất sâu rất sâu xa mầu nhiệm. Ðức Phật thấy được tất cả, vì vậy mà nếu một người không có tầm mức tinh thần như Phật thì khó có thể hiểu được tri kiến đó. Về mặt Chân Đế, muốn thấy thật tướng các pháp, đức Phật dạy, đầu tiên xem tướng chân thật của nó là gì. Tướng nầy Ðức Phật bảo là giả tướng, luôn luôn biến đổi không ngừng từ nhỏ đến lớn, từ lớn trở về nhỏ. Ðiều động được sự biến đổi nầy. Cho nên Tổ mới thốt ra câu:
            - Càn khôn tận thị mao đầu thượng
            Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.
            Nghĩa là:
            - Lớn như mặt trời, mặt trăng cũng chui vào gọn vào hạt cải
            Cho đến vũ trụ càn khôn có đủ trong đầu một sợi lông.
            B- Tục Đế
            Tức là chân lý của thế tục, thích hợp với đời, hay nói cách khác là chỗ hiểu biết của phàm phu, đó là chơn lý cỡ thấp, còn khuyết điểm chưa được hoàn chỉnh, cho nên cũng kêu là thế đế. 
Cũng gọi là đạo lý về thế tục, là loại lý luận về thế tục, vừa sức dung nạp của người tại thế, vừa với trí thức của người phàm. Đó là cái đạo lý không có tính cách giải thoát, diệt khổ, vô lậu. Vì để thích hợp mọi trình độ của chúng sanh, cho nên chư Bồ Tát, chư Phật thường xử dụng Tục Đế để mà dạy chúng sanh, sau đem mới đem Chân Đế mà giáo hoá họ. Nói tóm lại, Tục Đế hay Thế Đế, hay là Phương Tiện Huệ, Phương Tiện Ba La Mật là chân lý để cho người tại thế, bực phàm phu tu tập lần hồi lên quả thánh. Chữ phương tiện có hai nghĩa:
            a- Nghĩa hẹp
            Phương là Phương pháp, Tiện là thuận tiện thích đáng. Như vậy Phương Tiện là phương pháp thuận tiện thích đáng để dẫn đến một mục đích, một ý muốn gọi đó là Phương Tiện.
            b- Nghĩa Rộng:
            Trong kinh điển diễn ta về cảnh giới giác ngộ của đức Phật thậm thâm vi diệu. Ngoài ra tất cả những cách thức trình bày thuyết giảng dùng đến ngôn ngữ, sắc tướng... cho đến cả sự ra đời của Phật cũng đều là phương tiện. Hay nói rộng hơn tất cả việc làm của Phật từ khi giáng trần tại Vườn Lâm Tỳ Ni, cũng là phương tiện. Ðức Phật ra đời, một tay chỉ lên trời, một tây chỉ dưới đất và nói:
            - Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn.
            Hình tướng đó, lời dạy đó cũng là phương tiện. Nếu ngay lời nói đó chúng sanh tỏ ngộ được thâm ý của đức Phật nói, tức nhiên có thể ngay đó là một bài pháp mà Phật đã dạy quá đầy đủ. Nhưng căn cơ chúng sanh không phải chỉ dùng chừng ấy đã ngộ được mà cần phải dẫn dụ thêm. Cho nên đức Phật mới trải qua những giai đoạn tu hành thành đạo thuyết pháp... và tùy căn cơ chúng sanh mà Phật thuyết ba thừa. Tất cả những thứ đó đều là phương tiện. Và nếu khi nào chúng sanh chưa hiểu hết mục đích của Phật, cảnh giới giác ngộ mà đức Phật muốn trao cho, chỉ dạy cho, thì tất cả những pháp môn mà Phật chỉ dạy đó đều là những pháp phương tiện. Trong kinh có hai câu để chứng minh lời dạy đó:
1- Nhất thiết tu đa la như tiêu nguyệt chỉ
Nghĩa là:
- Tất cả kinh giáo ta dạy như ngón tay chỉ mặt trăng.
Ngón tay là phương tiện, mặt trăng là chân lý, là thật tướng mà Phật đã chứng ngộ.
2- Ngã sổ thuyết pháp như phiệt dụ giã,
Pháp thượng ưng xã hà huống phi pháp.
Nghĩa là:
- Pháp ta nói như chiếc bè qua sông
Pháp còn phải bỏ hà huống phi pháp.
            Ðức Phật đã khéo dùng phương tiện như vậy mà có chúng sanh thành tựu được, tuy nhiên cũng có những chúng sanh chưa thành tựu được, phải chờ đến hội Pháp Hoa, một lần cuối cùng đức Phật khai thị mới ngộ. Cho nên trong Kinh Pháp Hoa trước khi chúng sanh được chánh thức giác ngộ, được thọ ký, thì Phật đã thuyết pháp, phóng hào quang hiện các tướng tốt... Tất cả việc làm trong phẩm tựa đã trình bày cũng là phương tiện, Nếu trong việc phóng quang của đức Phật mà chúng sanh ngộ được, chắc Phật khỏi phải nói thêm Phẩm Phương Tiện. Nhưng không ngộ được, Phật phải dùng phương tiện dùng ngôn ngữ để giảng nói đạo lý, cảnh giới mà chúng sanh cần chứng ngộ, tất cả ngôn thuyết của đức Phật đều là phương tiện, gọi là đạo nhưng mà là đạo phưong tiện, chứ không cần phải đạo đích thực. Tục đế là vậy, phương tiện là vậy, mà chính trong Phẩm Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa là Phẩm mà Ðức Phật dùng ngôn ngữ để nói thẳng điều Ngài muốn nói, nhưng trước kia chưa nói. Trong đó Phật nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu:
            - Ta dùng vô số phương  tiện, chư Phật muười phương cũng dùng vô số phương tiện để khai đạo chúng sanh.
Tục Đế hay Phương Tiện mục đích là làm cho chúng ta hiểu là tùy theo sở cầu trong mỗi giai đoạn của mỗi người mà tạm thời làm lợi ích. Nói cách khác, phương tiện là từng bậc thang đưa người đi từ chỗ dễ đến chỗ khó, từ thấp lên cao, từ chỗ tạm đến chỗ chân thật rốt ráo. Trí tuệ Phật viên mãn nên có vô số phương tiện hướng dẫn chúng sanh từ mê tới giác, là chỗ cứu cánh chân thật.
Như vậy, ngoài Chân Đế tức là Tri Kiến Ba La Mật, không có việc gì trên đời đức Phật không làm được gọi là Phượng Tiện Ba La Mật. Tri Kiến là Minh và Phương Tiện là Hành, đầy đủ tri kiến Ba La Mật là Phương Tiện Ba La Mật, đức Phật xưng là Minh Hạnh Túc. Với hiểu biết cùng tột trong vũ trụ và làm được tất cả nên Ngài hướng dẫn chúng sanh nhất định thành Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Pháp chư Phật khó gặp, khó được, giống như hoa linh thoại khi nào có điềm lành, như Phật hay chuyển Luân Thánh Vương ra đời nó mới xuất hiện. Ðiều nầy ý Ðức Phật muốn hiển bày những điều khó hiểu, khó tin, hàng có trí tuệ như Thanh Văn, Duyên giác, Bồ  Tát không thể suy lường mà có thể hiểu. Vì thế truớc khi Ðức Phật giảng về Tục Đế, tức là pháp phương tiện, Ngài xác định rằng pháp chân thật Ngài chứng được chỉ có chư Phật mười phương đồng đẳng với Ngài mới hiểu. Ngay cả các Bồ Tát còn không thể hiểu huống chi Thanh Văn, và đối với chúng ta tất nhiên còn xa cách vạn dặm.  
Pháp chư Phật là cái tinh hoa mà đức Phật đã có từ khi giác ngộ, nhưng chưa bao giờ Ðức Phật Ngài dạy, tại vì chưa đến lúc, cũng như loài hoa Linh Thoại đến lúc nở thì nó mới nở, nó không thể nở trước. Sự có mặt của Ðức Phật trên cõi đời nầy, nên biết rằng chỉ vì một lý do duy nhất đó là chỉ cho chúng ta thấy được cái tri kiến vô cùng thâm sâu của chư Phật đó là sự thật tuyệt đối. Mục đích xuất hiện trên cõi đời nầy là để mở ra và chỉ cho người ta thấy được cái tri kiến của Phật, giúp cho người ta bừng tỉnh, thấy được cái tri kiến đó là cuối cùng và chứng nghiệm được cái tri kiến đó. Bốn chữ trong nguyên văn đó là: Khai, Thị, Ngộ, Nhập.
- Khai có nghĩa là mở, như là một kho tàng phải có người mở ra mới được. Khai tri kiến tức là mở kho tàng tri kiến của Phật ra. Kho tàng đó là cái thấy, cái biết của Phật, mà trong nầy dùng chữ Tri kiến để diễn tả.
- Thị tức là chỉ cho ta thấy. Dùng ngón tay chỉ cho rõ ràng thì gọi là thị. Thị Phật tri kiến tức là chỉ cho người ta thấy rõ cái tri kiến của Phật
- Ngộ tức là bừng tỉnh mà thấy được một sự thực nào đó, cũng giống như khi thở mà mình biết mình đang còn sống, hiện giờ ở đây. Ngộ Phật Tri Kiến là bừng tỉnh và thấy được cái tri kiến của Phật.
- Nhập có nghĩa là đi vào, để chứng nghiệm chứ không phải chỉ đứng ở ngoài mà dòm ngó. Mình được cái pháp vị thì gọi là chứng.
Thật ra tri kiến Phật không phải chỉ có Phật mới có mà tất cả chúng sanh, mọi người ai cũng có sẵn, nhưng vì vô minh, tham vọng che phủ, nên bây giờ Phật mới dùng pháp thế tục, hay Tục Đế tức là phương tiện Khai tri kiến đó, rồi từ phương tiện đó Phật mới chỉ cho nhận ra Tri Kiến Phật, và sau đó cố gắng tiến tu để nhập tri kiến Phật mình.
Vậy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng vì quên nên Phật mới dùng phương tiện Khai, Thị, Ngộ, Nhập, khiến cho chúng sanh nhận ra Phật tánh của chính mình để thành Phật như Ngài. Ðó là bản hoài của chư Phật nên nói là vì một đại sự nhân duyên mà Ðức Phật ra đời.
Kinh Pháp Hoa, nhất là Phẩm Phương Tiện có đề cập đến ba thừa, nhưng sự thật chỉ có thuyết minh về Phật Thừa, và mục đích quan trọng, điểm cốt là chỉ tức tâm, tức Phật. Tri Kiến là tâm, là Giác, là Phật. Nói thì như vậy nhưng chúng ta tự hỏi:
- Tri kiến nào là Phật còn tri kiến nào là chúng sanh?
Như trong Kinh Pháp Hoa chúng ta thấy hai nhân vật được đề cập ngay từ đầu, đó là Cầu Danh Bồ Tát và Văn Thù Bồ Tát, như vậy có thể trả lời:
- Tri kiến theo cầu danh là tri kiến chúng sanh. Tri kiến theo Bồ Tát Văn Thù là Tri Kiến Phật.
Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy:
- Tri kiến lập tri tức vô minh bổn
Tri kiến vô kiến tư tức Niết Bàn.
Nghĩa là:
- Trong lúc thấy biết mà nhận được là thấy biết là gốc vô minh
Thấy biết mà không thấy biết là Niết Bàn.
Ðiều nầy ý Ðức Phật Ngài muốn dạy cho chúng ta biết khi tâm con người chúng ta thấy những hiện tượng của danh sắc mà khởi tâm đắm nhiễm, thì trong lúc đó là chúng ta bị vô minh dẫn dắt. Còn Thấy biết những danh sắc hết sức rõ ràng nhưng không khởi niệm phân biệt, an nhiên tự tại. Giống như mặt gương trong sáng người đến thì hiện bóng người trong gương, vật đến thì hiện bóng vật, nguời và vật có qua rồi thì mặt gương không còn lưu lại gì, vẫn sáng trong như trước. Cũng vậy, đối với ngoại cảnh, chúng ta vẫn thấy biết mà tâm không lưu lại hình bóng để phân biệt. Ðó là Niết Bàn.
Ðức Phật Ngài xác nhận rõ ràng ý nghĩa không có ba thừa mà chỉ một Phật Thừa. Sở dĩ Phật nói ba thừa vì chúng sanh trong đời năm trược sanh lòng bỏn xẻn, tham lam, ganh ghét... Vì vậy mà Phật tạm dùng phương tiện nói ba thừa để dẹp bỏ những tâm cấu uế đó.. Vì thế mà có ba khuynh hướng tu học trong đạo Phật, khuynh hướng đầu gọi là:
01- Thanh Văn, Là những người được nghe giáo lý của Ðức Phật mà tu học để thành đạo. Họ theo một con đường gọi là Thanh Văn Thừa
Trong hàng ngũ của những người Thanh Văn thường thường người ta nghĩ rằng mục đích tu học là để chấm dứt khổ đau của chính mình và để đạt tới quả vị A La Hán người ta mới chấm dứt được sự sanh tử luân hồi cho chính bản thân mình. Vì vậy mà quả vị A La hán là cái ước mong cao nhất của người Thanh Văn. Trong con người Thanh Văn có cái mặc cảm là mình không thể thành Phật được. Cái tối đa là mình có thể thực hiện là thành A La Hán thôi. Họ nghĩ rằng Phật là một người rất đặc biệt trên cõi đời nầy, chỉ có một người như Phật thôi, còn tất cả chúng ta, tối đa là đạt tới quả vị A La Hán. Vì vậy trong tâm người Thanh Văn không có chí lớn, chí lớn mà chúng tôi muốn nói đó còn gọi là tâm Bồ Ðề. Sở dĩ người có tâm Bồ Ðề được gọi là người có chí lớn là vì một người có tâm Bồ Ðề tức là người có những suy tư, và có khuynh hướng giúp đỡ người khác, để đem lại sự giải thoát và an lạc cho cả thế gian.
Khi một người có chí nguyện lớn đó, có cái Bồ Ðề tâm đó thì họ được gọi là Bồ Tát. Bồ Tát là con đường lớn, là chiếc xe lớn có thể chở được nhiều người cùng một lúc, chứ không phải như những người chỉ lo chuyên giải thoát cho bản thân. Ðó là những tư tưởng căn bản của Ðạo Phật Ðại Thừa. Vì lý do đó nên phải khai mở Bồ Tát thừa, đem Bồ Ðề tâm vào trong trái tim của tất cả mọi người.
Nhận xét cho cùng thì quan niệm của chư Thanh Văn không hoàn toàn sai. Ðức Phật Ngài cũng nhận thấy điều đó, nghĩa là Ngài nhận thấy thể lực chúng ta không tốt, khả năng hiểu biết của chúng ta kém, đó là hai vốn liếng quý giá để đắc đạo, chúng ta không có đủ nên Ðức Phật động lòng từ bi, thương xót khai phương tiện cho chúng ta tu.
Nếu chúng ta chịu khó quán chiếu, trên phương diện cầu tiến, quán sát cuộc đời tu hành của đức Phật và các vị Tổ, chúng ta thấy rõ đức Phật có sức khỏe phi thường, khi chưa xuất gia lịch sử đã ghi không có một lực sĩ nào mạnh hơn ngài. Nhờ sức khoẻ kỳ diệu, Ngài trắc nghiệm các pháp một cách tường tận như thí nghiệm pháp tu khổ hạnh trong 6 năm, ngày ăn một hột mè vẫn sống được, và hạ thủ công phu 49 ngày đêm ngồi tư duy, không ăn, không uống vẫn không ngã gục, trái lại còn đạt đến đỉnh cao của sự minh mẫn gọi là giác ngộ. Các vị thiền sư cũng có thể lực vượt bình thường điển hình như Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma, chín năm nhìn vách tu trên núi Thiếu Lâm, và vào thời điểm đó điều kiện vệ sinh chắc chắn không đầy đủ như ngày nay, nhưng sự đề khán của cơ thể mảnh liệt, các Ngài đã vượt qua những chướng khí, nóng lạnh và bệnh tật của núi rừng và dễ dàng đắc đạo. Còn chúng ta ngày nay, điều kiện ăn ở, thuốc men tiện nghi quá nhiều nhưng nay đau mai yếu, thời khoá công phu bình thường không trọn còn nói chi gì đến việc trắc nghiệm các pháp cao hơn.
Thể chất là điều cần thiết để duy trì cuộc sống, tuy nhiên, phần trí lực hay khả năng tri giác của người tu mới thực quan trọng. Ở điểm nầy chúng ta thấy Ðức Phật có sức thông minh tuyệt vời, lúc chưa xuất gia, không một vị thầy nào ở thế gian đủ sức dạy Ngài, đến khi đắc đạo Ngài được tôn làm bậc chánh Biến Tri vì thấy biết các pháp diễn tiến tận cội nguồn.
Trình độ tri thức các vị Tổ, chư thiền sư cũng vậy, luôn luôn vượt hơn thế gian và chỉ đạo cho cuộc đời. Ngày nay trình độ dân trí bên ngoài tương đối cao, trong khi hiểu biết của chúng ta không bằng thế gian huống chi vượt qua thế gian, làm Thầy thiên hạ. Với thể lực yếu, trí lực kém, ác nghiệp quá sâu, biết bao nhiêu khó khăn chờ đón chúng ta, chúng ta không có cách nào hơn là nương pháp phương tiện tu.
Tuy nhiên Ðức Phật xử dụng Tục Đế, Ngài phương tiện lập ra tam thừa, nhưng không có ý niệm rằng mọi người chỉ nên chứng quả A La Hán rồi nhập vào Niết Bàn vắng lặng:
- Vắng cái xôn xao của năm dục, của cái tư tưởng để đừng bị vướng víu vào cái khổ đau triền miên của cuộc đời.
Ðức Phật không nghĩ như vậy, nhưng có những vị Thanh Văn nghĩ như vậy, và do đó con đường Thanh Văn là con đường tuy không hẳn là con đường đẹp nhất mà Phật muốn dạy, nhưng vì có người muốn như vậy, nên Ðức Phật phải chỉ dẫn như vậy. Vì thế trong chiều hướng nầy Ðức Phật dạy bảo chư Thanh Văn rằng:
- Muốn bớt khổ thì hãy thực tập đi những điều mà ta đã hướng dẫn, nhưng giáo pháp của ta không phải chỉ nhắm tới sự diệt khổ. Giáo pháp của ta còn có mục tiêu cao hơn.
02- Con Ðường Duyên Giác
Ðức Phật Ngài dạy con đường thứ hai là Duyên Giác Thừa, gồm những người, tuy không được Phật giảng dạy, nhưng nhờ quán chiếu duyên sanh, và cũng có thể thành đạo, cho nên gọi là Duyên Giác Thừa, hay còn gọi là Ðộc Giác thừa. Con dường Duyên Giác nầy cũng là con đường lành, nhờ quán chiếu 12 nhân duyên mà quý vị có thể vượt thoát được những sự ràng buộc và thấy thảnh thơi trong người thì điều đó tốt, quý vị cứ thực tập như vậy đi.
03- Con Ðường Của Bồ Tát.
Ðối với con đuờng của chư Bồ Tát thì lại khác. Các vị có khuynh hướng tu theo hạnh Bồ Tát, là những vị phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, và muốn cho tất cả mọi loài được thừa hưởng kết quả của sự thực tập chứng ngộ của mình.
Từ ngữ Bồ Tát có một ít người theo truyền thống Nguyên Thủy không chấp nhận, vì cho rằng Phật Giáo Ðại Thừa phịa ra, nhưng về từ ngữ Bồ Tát, trong đạo Phật Nguyên Thủy danh từ Bồ Tát đã được xử dụng rất quen thuộc, nhưng chỉ được sử dụng để gọi Phật khi Ngài chưa đạt đến quả vị toàn giác. Nghĩa là đối với tiểu thừa chỉ có một Bồ Tát, đó là tiền thân của Phật Thích Ca. Nhưng chính vì Ðức Phật Thích Ca nói rằng, trong thế giới có rất nhiều vị Phật cho nên cái kết luận tất nhiên đi tới là nếu trong thế giới có nhiều Phật, thì trong thế giới cũng có rất nhiều vị Bồ Tát. Và ý niệm có hằng hà sa số các vị Phật và hằng hà sa số Bồ Tát phát xuất từ căn bản đó. Chính Ðức Phật Thích Ca nói rằng trước ngài đã có nhiều vị Phật khác đã ra đời. Căn cứ câu nói đó mà người ta đã đến kết luận, nếu có nhiều Phật khác đã ra đời, thì cũng có nhiều Bồ Tát khác cũng ra đời. Vì vậy mà cái ý niệm hằng hà sa số Phật và Bồ Tát cũng bắt nguồn từ đó.
Kết Luận:
Nhìn chung về ba con đường đức Phật đã xử dụng Tục Đế, hay nói khác là Ngài phương tiện vạch ra, chúng ta thấy được ý của Ðức Phật, Ngài chấp nhận rằng con đường của Thanh Văn và của Duyên Giác, là chính do Ngài đã vì phương tiện tạo ra. Chủ đích quan trọng nhất của Phật là hướng dẫn chúng sanh đi vào con đường Phật Thừa tức là con đường: Khai, Thị, Ngộ, Nhập tri kiến của Phật. Vì vậy cho nên cái triết lý nầy, cái con đường nầy gọi là
- Khai Tam Hiển Nhất,
Nghĩa là:
- Mở ba cái nhưng chẳng qua chỉ là một cái thôi.
Khai Tam Hiển Nhất cũng còn được gọi là:
- Hội Tam Quy Nhất
Nghĩa là:
- Gồm cả ba cái lại để đưa về một cái tức là cái Diệu Pháp mà Phật sắp nói ngày hôm nay. Ðó mới chính là Diệu Pháp chứ không phải như thị tướng, như thị tánh....
Như vậy Tục Đế hay mục đích Phương tiện là dùng cho người mới phát tâm vào đạo nương theo đó thành vô Thượng Giác, nhưng đắc đạo rồi mở cửa phương tiện để giáo hoá chúng sanh như đức Phật Thích Ca. Chúng ta cần phân định rõ như vậy. Chúng ta chỉ mở phương tiện được với điều kiện chúng ta đã thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ðức Phật là người mở phương tiện cho chúng ta, Ngài đưa ra 84000 pháp môn tu, chúng ta tu pháp môn nào cũng được, nhưng đừng lạc ra khỏi những pháp nầy, tạo những phương tiện khác là tự đẩy mình ra khỏi Phật Pháp.
Nếu chúng ta dùng phương tiện đúng từng bước, thì tự thân chúng sẽ phá bỏ nhiểm ô, trần cấu và trí tuệ phát sanh, và đưa chúng ta lên quả vị giác ngộ. Ngược lại sử dụng sai để trầm luân sa đọa, chúng ta sẽ phạm tội phá pháp. Kinh Phật để lại là một việc, mà sữ dụng lợi ích cho bản thân mình và cho cuộc đời, hay tác hại cho bản thân mình và cho cuộc đời là tùy ở nơi ta.
Chúng ta phải cẩn thận, không nên lầm giáo pháp Tục Đế với Chân Đế, phương tiện với cứu cánh. Nếu chúng ta không hiểu rõ lợi ích sâu xa mà bác bỏ pháp phương tiện nầy để tìm giải thoát cũng sai. Chúng ta cần cân nhắc suy nghĩ sử dụng phương tiện thế nào để phá trừ phiền não cho mình và giáo hoá chúng sanh thành tựu mới là điều quan trọng. Chúng ta học phật pháp nghĩa là đi qua cửa Tục Đế hay phương tiện để ra khỏi sanh tử. Trong Kinh Pháp Hoa diễn tả muốn ra khỏi nhà lửa Tam Giới chỉ có một cửa duy nhất nhỏ hẹp, đó là cửa phương tiện của đức Phật.
Chính vì sự khó khăn trong việc thâm nhập thế giới bản thể vắng lặng không nói được, cho nên đức Phật mở các pháp phương tiện tương ứng và người trên trái đất chỉ làm một việc duy nhất bàn đi, bàn lại phương tiện nầy hay nói cách khác đưa Phật pháp vào tâm của những chúng sanh tâm còn sơ cơ hạn hẹp. Phương tiện nầy luôn luôn được xử dụng, cho đến ngày nào đó tâm của chúng ta bừng tỉnh, sáng suốt ngộ tánh thành Phật mới thôi.
            Điều cũng cần xát định, phương tiện thì tùy thời, tùy chỗ, tùy người thay đổi nên có những pháp phương tiện thích hợp khác nhau. Suốt quá trình thuyết pháp của đức Phật hơn 300 hội từ Lộc Uyển đến Ta La Song Thọ, Ngài đã hướng dẫn cho chúng ta vô số pháp phương tiện, và ghi lại thành văn tự kinh điển, tuy nhiên trong kinh Văn Thù đức Phật đã khẳng định suốt 49 năm, Như Lai chưa từng nói một lời nào.
Chúng ta nghĩ gì khi nghe Ðức Phật tuyên bố trong Kinh Văn Thù Như vậy?
Một lời là pháp chân thật người thường không thể diễn nói được, và Như Lai đã thuyết trong trạng thái vô sanh, nghĩa là không từ đâu đến mà cũng không đi về đâu, như thế thì làm thế nào để có thể nói với người trên cuộc đời. Vì lý do đó nếu đứng trên lập trường bản thể, Kinh Văn Thù xác định Như Lai chưa nói một lời nào là đúng.
Nhưng nếu nói trong quá trình 49 năm thuyết pháp là của đức Phật Thích Ca mở phương tiện cho người ở trong sanh tử, cho nên Ðức Phật Thích Ca tuy đã nhập Niết Bàn rồi, nhưng Như Lai thì không bao giờ chết không bao giờ vào Niết Bàn, đức Phật chân thật Tỳ Lô Xá Na không chết. Ðức Phật Thích Ca niết bàn để đức Phật thực, tức là pháp thân phổ biến khắp thế giới, trở thành con người vĩ đại của nhân loại và luôn hiện hữu trong pháp tánh của người tu hành đắc đạo.
Trong chiều hướng nầy, nếu chúng ta chứng được một pháp nào, chúng ta sẽ thấy Phật ở khía cạnh đó. Như vậy hai mặt chân đế và tục đế dung thông, hay cứu cánh và phương tiện vẫn là một trong con người Phật.
Chân đế hay cứu cánh là Phật thực hay chơn như tâm không sanh không diệt trên cuộc đời và Tục đế là phương tiện hiện ra con người sanh diệt thuyết pháp. Nói cách khác, thân Phật 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp và tất cả giáo pháp Ngài đều là phương tiện của đức Tỳ Lô Xá Na.
Trong công cuộc tu tập, có lẽ việc đầu tiên chúng ta nên tập bỏ tất cả những thứ lặc vặc ở bên ngoài bằng cách đóng kín năm giác quan hay năm cửa tiếp xúc với bên ngoài. Ngăn chận năm tiền trạm nầy xong còn lại phần tinh thần: Thọ, tưởng hành, thức, cũng theo đó bị xóa sạch. Vì sáu căn không tiếp với sáu trần nên vấn đề không được đặt ra, việc hiểu biết chuyện thế tục vui buồn vinh nhục do mắt thấy tai nghe đều bị cắt đứt, thì tâm hồn chúng ta trở nên lắng yên. Tuy sanh thân tứ đại của chúng ta vẫn còn mà tác động của thân làm tâm đau khổ không còn.
Ý thức được trước đây chúng ta dại khờ lấy cái khổ làm Ta, nhưng nay xoá cái khổ chỉ còn lại cái ta là chơn ngã. Nếu chúng ta cứ luôn kiểm soát thân tứ đại như vậy, từ từ nó sẽ không còn đòi hỏi những cái vô lý như trước vì: Thọ, tưởng, hành, thức đã bị dẹp bỏ, thân đòi hỏi rất ít, có thể là không còn nữa, từ đó nó giúp chúng ta rất nhiều trên bước đường tu học. Trên bước đường tu hành, chúng ta chấp nhận cuộc sống tối thiểu bằng tuệ giác sẽ dễ dàng bắt gặp những cảm nhận như vậy.
Thật vậy, yêu cầu của cuộc sống con người không nhiều nhưng lòng tham của con người bao nhiêu cũng không đủ. Tuy nhiên xóa lòng tham rồi những gì không cần thiết cho thân, không chi phối ta được nữa. Ý thức như vậy chúng ta giảm thiểu việc ăn uống nên có một đời sống hoàn toàn thanh thản khác với người thế tục, đó là trạng thái chuẩn bị bước vào cửa thiền, thâm nhập Phât Huệ. Ăn uống đơn giản vẫn khoẻ mạnh và sinh hoạt cơ thể của chúng ta không giống người bình thường, nhịp tim đập tự hạ xuống hơi thở rất nhẹ, số lượng máu lưu chuyển trong cơ thể cũng chậm nên lương hữu cơ không bị đốt nhiều.
Trong thời gian đức Phật ngồi Bồ Ðề Ðạo Tràng nhập thiền định, Người thế gian không biết Ngài làm gì. Nhưng trở lại thực tế cuộc sống đi giáo hoá chúng sanh, chúng ta mới biết có đức Phật ở thế gian, và đức Phật ở thế gian là phương tiện, cho nên đối với đức Phật thiệt và pháp thân của Phật Phương tiện nói tất nhiên cũng là pháp phương tiện.
Ngày nay trên bước đường tu hành, chúng ta thường lầm lẫn chấp Tục Đế tức là pháp phương tiện làm Chân đế tức là cứu cánh, cho nên lúc bấy giờ phương tiện không còn tác dụng giải thoát, mà lại trở thành ràng buộc chúng ta, ví dụ tượng Phật nhằm giúp chúng ta hình dung ra đức Phật thiệt, từ đó chúng ta bắt đầu quan sát lời nói, hành động suy tư của đức Phật để học theo, làm theo mới là việc chính yếu, thế nhưng phần lớn chúng ta vẫn coi tượng là phật.
Hiểu được rằng tất cả các pháp đều là phương tiện, thì tượng Phật xi măn cũng là phương tiện. Tuy nhiên, nếu hiểu rằng nương với Phật tượng trưng là phương tiện để chúng ta tìm ra ông Phật độ thoát chúng sanh, thì chúng ta sẽ có những kết quả tốt. Nếu chúng ta ý thức được tác dụng của Phật phương tiện, và siêng năng lạy phật xi măng tụng kinh bằng giấy, nhờ đó trí tuệ sẽ mỗi ngày một phát huy, giải quyết việc xảy đến với mình tốt đẹp hơn.
Ðối trước tượng Phật, khởi lòng thành kính giúp chúng ta phá được màn vô minh ngăn che chúng ta, và Phật Tượng có sức thu hút mạnh kéo chúng ta rời thực tế, phiền não vụt tan biến theo, chúng ta tập trung tư tưởng đến quên cả sinh mệnh, quên đi sự hiện hữu của thân tứ đại, thì thấy được Phật chân thật hiện 32 tướng tốt và tác dụng vào tâm chúng ta, khiến cho tâm chúng ta sanh lòng hoan hỷ, lúc đó mới cảm thông liên hệ với Phật được. Tượng chỉ có giá trị đối với những người nhận được hương vị giải thoát, ngược lại người thấy tượng vẫn sừng sững một khối bê tông thì hoàn toàn không lợi ích gì, muôn đời họ vẫn đứng ngoài thế giới an vui mầu nhiệm của chư Phật.
Tuy rằng Đức Phật đã xử dụng tục đế hay nói khác là dùng nhiều phương tiện như vậy, nhưng mục đích chánh cũng chỉ đưa tới một cái gọi là Phật Thừa, tức là con đường duy nhất. Và mục đích của công trình đó là đưa tất cả chúng sanh đến cái gọi là Nhất Thiết Chủng Trí, mà nghĩa lý cũng tương đương với tri kiến của Phật, với cái thấy, cái trí tuệ của Phật. Ðó là cái trí tuệ cao siêu nhất, và đó cũng là cái mục đích của tất cả những người tu học. Bản hoài của Phật là trao truyền cái đó, chứ không trao truyền một cái gì giá trị hơn. Thế nhưng người ta chưa có điều kiện để tiếp nhận điều đó thì chúng ta phải dùng cái gọi là phương tiện để giúp cho họ từ từ tiến tới, để một ngày nào đó họ có cái khả năng, họ hội dủ duyên để tiếp nhận được điều quý nhất mà họ có quyền tiếp nhận. Vì thế cho nên nếu Phật đã khai mở ra làm ba con đường chẳng qua đó chỉ là phương tiện thôi. Muốn thực hiện một điều gì mà thời gian và không gian chưa thuận tiện thì chúng ta phải dùng những phương tiện nầy, phương tiện kia để làm cho những điều kiện hội đủ. Khi có đủ phương tiện rồi thì mình mới có thể thực hiện điều chính yếu.
Mặc dầu vậy Ðức Phật Ngài cũng xác định là A La Hán hay Duyên Giác phải thực sự là những người có Bồ Ðề tâm, nếu không thì họ chưa phải là những vị A La Hán hay Duyên Giác.
Ðức Phật Ngài định nghĩa A La Hán đích thực phải có lòng từ bi phải có thái độ dấn thân cứu khổ. Còn cái thái độ trốn tránh những khổ đau trong cuộc đời thì không phải là A La Hán đích thực, không thể đạt Niết Bàn đích thực. Vì vậy nếu phân chia ra và cho rằng A La Hán là những người chỉ lo tự độ và các vị Bồ Tát là những vị lo độ cho người, là một sự phân biệt hời hợt. Trong các kinh xuất hiện trước đó có thể đã có ý niệm rằng A La Hán là những người chỉ lo tự độ, còn Bồ Tát là những người lo độ tha. Tuy nhiên ở Kinh Pháp Hoa chúng ta thấy một quan điểm khác, đó là A La Hán đích thực cũng lo độ tha, nếu chưa có cái niệm độ tha thì họ chưa phải là A La Hán đích thực. Hiểu như vậy thì chúng ta mới thấy trọn vẹn ý nghĩa chân đế và tục đế dung thông của Ðức Phật.
 
Tài Liệu Tham Khảo
- Lược Giải Kinh Pháp Hoa
- Phật Học Tự Ðiển
- Phật Học Tinh Hoa
- Thanh Tịnh Ðạo
-- o0o --