Trở Lại Cõi Đời Nầy
Tuệ Khai
--o0o--
 
Cõi đời nầy tức là muốn nói đến tinh cầu mà chúng ta đang sinh sống, là một thế giới nhỏ trong chùm Thế Giới Ta Bà. Để cho có một khái niệm tổng quát chúng tôi xin được giới thiệu từ một bình diện tổng quát đến chi tiết. Ta Bà Thế Giới dịch là Nhẫn Độ là cõi thế nơi ấy các nhà tu hành phải kham nhẫn, phải chịu nỗi sự nhẫn nhục, vì nơi cõi nầy có đủ các sự trược, mà chúng sanh phải chịu. Ta Bà Thế Giới cũng kêu là Đại Nhẫn Thế Giới, vì ở cõi nầy các nhà tu học phải nhẫn nhịn đối với mọi sự khổ não mới có thể tu học
Người ta cũng gọi là Tạp Ác Thế Giới, Tạp Sanh Thế Giới, tức là cõi mà mọi sự ác trược, mọi thứ chúng sanh lộn lạo với nhau. Chính vì vậy mà ở cõi nầy có sáu giống chúng sanh ở chung với nhau, đó là:
- Địa Ngục
- Ngã Quỷ
- Súc Sanh
- Người
- A Tu La
- Thiên
Như vậy Ta Bà là Uế Độ, cho nên chúng sanh ở cõi nầy rất khó mà tu học, và ai tu học được thì có phước nhiều hơn ở cõi Tịnh Độ.
Bàn về Thế Giới Ta Bà, trong cõi Liên Hoa Tạng Trang Nghiêm diễn tả có 20 tầng thế giới, mỗi thế giới là mỗi cõi Phật. Cõi Ta Bà ở về tầng thứ 13, và gồm có nhiều thế giới nhỏ. Tinh cầu mà chúng ta đang sinh sống là một phần nhỏ trong muôn ngàn thế giới nhỏ đó. Chúng tôi nói như vậy bởi vì trong mỗi thế giới nhỏ đó có ba cõi:
- Dục Giới
- Sắc giới
- Vô Sắc Giới.
Trong mỗi thế giới nhỏ đó cũng có một núi Tu Di, và bốn châu nằm chung quanh theo phương vị:
- Phía Đông là Thắng Thần Châu
- Phía Tây là Ngưu Hóa Châu
            - Phía Bắc là Cu Lư Châu
            - Phía Nam là Thiệm Bộ Châu
            Địa cầu nơi chúng ta đang ở đó chính là Nam Thiệm Bộ Châu. Nam Thiệm Bộ Châu cũng gọi là Diêm Phù Đề, là một trong bốn châu thiên hạ, là phần tử nhỏ trong thế giới nhỏ của vô lượng vô số vô biên thế giới nhỏ trong thế giới Ta Bà. Nói là Trở lại Cõi Đời Nầy, có nghĩa là chúng ta đang sinh sống ở cảnh đời hiện tại nầy nhưng sau khi theo định luật vô thường chi phối, chúng ta phải thay hình đổi dạng. Trãi qua những giai đoạn thay đổi sắc thân, con người tùy theo nghiệp duyên, ân quả mà sanh về các cảnh giới khác nhau, có thể là:
- Cảnh giới của chư Phật
- Cảnh giới Chư Bồ Tát
- Cảnh giới A La Hán
- Cảnh giới Bích Chi Phật
- Cõi Trời
- A Tu La
- Cõi người
- Súc sanh
- Ngã quỷ
- Địa ngục
Trở lại cõi đời nầy là muốn nói chúng ta sanh trở lại kiếp con người trong tinh cầu nầy. Sanh trở lại kiếp con người, trên tinh cầu nầy theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng, họ tin tưởng tuyệt đối vào thuyết tái sanh, và vì vậy có những cuộc tìm lại những vị Thầy ngày xưa mà họ tin tưởng là tâm nguyện những vị ấy chưa hoàn thành nên phải sanh trở lại cõi đời nầy để tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp còn dang dở, đây là một quan niệm hết sức là bình thường. Nhưng theo truyền thống Phật Giáo Việt Nam, mặc dầu chúng ta vẫn tin luật nhân quả luân hồi, nhưng truyền thống Phật Giáo Việt Nam không khai triển nhiều về phương diện sanh trở lại, do vậy đây là một ý niệm mà nhiều người cảm thấy khó tin, nhưng có thật.
Ðiều này lại càng rõ nét hơn trong mấy thế kỷ qua là chúng ta càng ngày càng trở nên quen nghĩ đến những gì được xem là những từ ngữ khoa học, có nghĩa là những gì mà nhiều người cho là khoa học. Quan điểm này đã gây cho nhiều người không chấp nhận ý niệm tái sinh, bởi vì họ nghĩ rằng nó sặc mùi mê tín dị đoan và có cái nhìn lạc hậu về thế giới ngày nay, trong một thế giới văn minh tiên tiến về phương diện kỷ thuật khoa học. Vì lý do này, chúng tôi nghĩ là chúng ta cần tạo nên một thế cân bằng, bằng cách tạo ra một chút phóng khoáng đối với ý niệm sanh trở lại cõi đời nầy trước khi chúng ta bắt đầu xét đến giáo lý Phật giáo về đề tài này.
Có một số phương pháp chúng ta có thể chấp nhận trong việc làm sáng tỏ vấn đề sanh trở lại. Một trong những cách đó là chúng ta phải nhìn một cách khách quan về các triết thuyết, cũng như tôn giáo đương thời nơi đó chúng ta sẽ thấy. Trong hầu hết tất cả các văn hóa lớn của thế giới đã có niềm tin phổ biến về vấn đề sanh trở lại. Ðiều này đặc biệt đúng ở Ấn độ, nơi mà ý tưởng này có thể quay ngược lại vào thời kỳ văn minh cổ đại Ấn độ. Tất cả các tôn giáo chính ở nơi đó, cho dù là hữu thần hay vô thần, các trường phái Ấn độ giáo hay các giáo phái không chính thống đều thừa nhận về sự thật của những trường hợp sanh trở lại.
Trong các văn hóa khác cũng vậy, niềm tin về tái sinh rất phổ biến. Tiêu biểu các giáo phái trong vùng Ðịa trung Hải, cũng có lòng tin về sự thực tái sinh có khắp nơi trước và trong vài thế kỷ đầu Tây lịch. Ngay đến nay, nó vẫn còn trong Hồi Giáo ở Trung Ðông. Do vậy, lòng tin về sự thực tái sinh là một phần quan trọng của lối suy nghĩ của con người về thế giới và vị trí của chúng ta trong đó.
Như vậy chúng ta thấy các tôn giáo trên thế giới đều công nhận đời sống hiện tại không phải là đời sống duy nhất của con người. Trước đời sống nầy chúng ta đã từng có vô số đời trước, và nếu không tu tập đến giải thoát viên mãn, thì chúng ta còn có vô số đời sống chờ đợi chúng ta phía sau. Kiếp sống nầy chấm dứt, chúng ta sẽ sanh trở lại qua một đời khác, theo trong Phật giáo, chính đức Phật đã dạy sự thật về việc sanh trở lại.
Như chúng ta đã được biết rằng, vào đêm giác ngộ, Đức Phật ngài đạt được 3 loại tri thức đó là ba minh:
- Túc Mạng Minh
Đầu tiên là tri thức về cuộc đời quá khứ của riêng Ngài. Ngài nhớ lại những sự việc trong đó Ngài đã sống, và lưu chuyển trong vô số kiếp trước đây.
- Thiên Nhãn Minh:
Thấy cuộc đời của Ngài và của những người chung quanh đời sau luân chuyển như thế nào.
- Lậu Tận Minh:
Biết được những cảnh khổ trong đời hiện tại của Ngài và diệt hết các phiền não.
Ngoài lời chứng minh của Đức Phật, chúng ta còn có những đại đệ tử của Ngài, những người có khả năng nhớ lại các cuộc đời quá khứ của họ, trong số đó có Thầy Ananda chẳng hạn, Thầy đã đạt được các khả năng nhớ lại cuộc đời quá khứ ngay sau Thầy khi được thọ giới làm tu sĩ Phật giáo. Cũng vậy, trong suốt lịch sử của Phật giáo, những hành giả viên mãn đã có thể nhớ lại cuộc đời quá khứ của họ.
Theo chiều hướng nầy, trong truyền thống Phật Giáo Tây Tạng dã phát triển về khía cạnh nầy rất mực sâu rộng. Qua đó chúng ta thấy khi còn bé có những vị Lạt Ma thường kể về tiền kiếp của mình. Gần đây báo chí thế giới có đưa tin về em bé Tenzin Osel Rinpoche, người Tây Ban Nha, mới có 6 tuổi nhưng đã có một đạo hạnh vững chắc và trí thức như một nhà sư Tây Tạng ở Los Angeles mất năm 1984. Em sinh năm 1985 trong một gia đình nghèo ở ngoại ô Madrid, tức là thủ đô của Tây Ban Nha, mà thời gian vừa qua, như chúng ta đã nghe cùng một lúc ba nhà ga tại thủ phủ nầy bị bom nổ. Em có tư thái rất kỳ lạ từ lúc mới lên ba. Năm lúc năm tuổi, em đã có thể ngồi thiền suốt 2 giờ đồng hồ không nhúc nhích. Em kể lại tiền thân, mà người ta kiểm tra lại thì ăn khớp với tiểu sử của đức Lạt Ma Tây Tạng tên là Thubten Yeshe. Nhà sư Thubten di cư đến Mỹ từ năm 1959 và viên tịch ở Los Angeles vào năm 1984.
Sau đó Em bé Tenzin Osel Rinpoche liền được một nhà sư Tây Ban Nha đạo hiệu là Basili Lloria bảo trợ nuôi dạy và cho xuất gia. Trong một lần cùng với Basli Lloria đi qua các nước Phương Đông để chiêm bái Phật tích, em đã đến Kuala Lumpur, nước Malaysia tại Trung Tâm Phật Giáo Thean Hou. Tại đây Em đã thuyết pháp và cầu nguyện cho tín đồ Malaysia hoàn toàn giống như một vị cao tăng.   
Qua những sự kiện như vậy, chúng ta thấy, đối với luật nghiệp báo thì luân hồi, sanh trở lại là một điều đã được khẳng định. Tuy nhiên trong việc dựng lên một trường hợp thực tế về tái sinh, chúng ta có thể suy nghĩ cặn kẽ với kinh nghiệm riêng của mỗi người. Chúng ta chỉ cần nhớ lại và xem xét kinh nghiệm ấy theo lối Phật giáo để rút ra được các kết luận. Mọi người đều nhận rằng, mỗi người trong chúng ta có những khả năng đặc biệt riêng, chúng ta gọi là có khiếu hay không có khiếu. Chúng ta nên biết rằng, tất cả những cuộc đời may mắn hay không may mắn đều là kết quả của sự tình cờ hay do sự tác động có chủ ý của chúng ta đã sống, và sinh hoạt của xã hội trong cuộc đời trước của chúng ta, chẳng hạn:
- Một số người trong chúng ta có khả năng xuất sắc về thể thao hơn những môn khác.
- Một vài người trong chúng ta có tài về toán học, trong khi những người khác có thiên khiếu về âm nhạc.
- Người này thích bơi, trong khi người khác sợ nước.
- Có những người thông minh, nhưng cũng có những người đần độn .....
Tất cả những sự khác nhau về khả năng và tinh thần, thái độ của chúng ta cũng đều do kết quả của sự ngẫu nhiên hoặc tính tác động có chủ ý của chúng ta trong đời trước để có những kết quả tương ưng nào đó trong cuộc sống hiện tại hay tương lai, tất nhiên đó là điều chắc chắn. Do vậy mà có những khúc ngoặc lớn lao và không ngờ trên con đường phát triển để hình thành đời sống và nhân cách của một cá nhân. Do đó chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có những tình trạng, trong đó đôi khi chúng ta cảm thấy một linh tính mạnh mẽ rằng chúng ta đã từng ở một nơi đặc biệt nào trước đây, mặc dầu chúng ta không viếng thăm nơi đó trong cuộc đời hiện tại. Vào những dịp khác, chúng ta cảm thấy rằng mình đã biết người nào đó trước đây:
- Chúng ta gặp một người lần đầu tiên, vậy mà tức thì chúng ta cảm thấy rằng mình đã biết người đó từ lâu.
Ngược lại, chúng ta có thể biết một người nào khác nhiều năm mà vẫn cảm thấy không thực sự biết người đó. Các kinh nghiệm như khi cảm thấy rằng chúng ta ở trong một tình trạng đặc biệt trước đây, rất thông thường và phổ thông là ngay cả trong văn hóa đương thời của Việt Nam, hầu như nó hoàn toàn không biết về việc sanh trở lại, như đã có một nhà thơ nói:
- Lòng em nhớ lòng anh từ vạn kỷ
Gặp hôm nay nhưng hẹn đã ngàn xưa
Yêu giữa đời mà hôn ơ trong mơ
Tình rộng quá đời không biên giới nữa.
Nếu chúng ta không giáo điều, hoặc võ đoán thì khi chúng ta tổng hợp lại tất cả những điều đã biết này, tức là chúng ta có lòng tin về thuyết sanh trở lại cõi đời nầy, trong nhiều nền văn hóa, và thời đại trong suốt lịch sử văn minh của nhân loại. Sự chứng nhận của đức Phật và những đệ tử nổi tiếng của Ngài, các bằng chứng được cung cấp bởi sự nghiên cứu khoa học, và những điều biết được do chính cá nhân chúng ta chứng minh rằng chúng ta đã có mặt ở thế gới nầy trước đây. Chúng tôi nghĩ, chúng ta sẽ phải thú nhận rằng, sanh trở lại cõi đời nầy là một thực tế chắc chắn có thể xảy ra, như trong văn học Việt Nam có nhà thơ đã nói:.
- Xin hẹn luân hồi hãy gặp nhau 
Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau
Chờ anh dưới gốc sim già nhé
Em hái đưa anh đóa mộng đầu.
Trong Phật giáo, quan niệm tái sinh là phần thiết yếu của một tiến trình thay đổi liên tục. Thật vậy, chúng ta không chỉ tái sinh vào lúc chết mà chúng ta tái sinh từng lúc một. Ðiều này, giống như những lời dạy quan trọng khác của Phật giáo, dễ dàng được chứng nhận bằng cách dẫn chứng đến kinh nghiệm riêng của chúng ta, và vào những điều tìm thấy của khoa học. Chẳng hạn, đa số các tế bào tạo thành thân thể con người, chết đi và được thay thế nhiều lần trong tiến trình liên tục của một đời người. Dù rằng một vài tế bào kéo dài suốt một đời người vẫn chịu sự thay đổi liên tục ở bên trong. Ðây là một phần của tiến trình sanh, tử và tái sanh. Nếu xét đến cái tâm, chúng ta thấy rằng các tâm hành như:
- Lo lắng, đau khổ, hạnh phúc .. v... v...
Những cảm giác nầy xuất hiện và biến mất từng chặp một. Chúng mất đi và được thay thế bởi những tình trạng mới mẻ và khác nhau, cho dù chúng ta xét đến thân thể hay tâm não, kinh nghiệm của chúng ta thay đổi luôn bởi sự sống, chết và sống lại một cách liên tục.
Phật giáo dạy rằng sự hiện hữu có những cảnh giới, phạm vi hay quy mô khác nhau. Vài kinh sách liệt kê có đến 31 cảnh giới hiện hữu, nhưng riêng cho mục đích ở đây, chúng ta chỉ cần ghi nhận sáu cảnh giới. Sáu cảnh giới này có thể được chia ra thành hai nhóm:
1- Tương Đối May Mắn
Nhóm nầy bao gồm các cảnh giới của chư Phật và của các cõi thánh, và cõi người. Tái sinh trong những cõi may mắn này là kết quả của nghiệp lành mạnh.
Và nhóm kia
2- Không May Mắn.
Nhóm nầy bao gồm các cảnh giới súc sanh, ngạ quỉ và địa ngục. Tái sinh trong những cõi thống khổ này là kết quả của nghiệp không lành mạnh.
Chúng ta bây giờ hãy xét từng cõi này, bắt đầu với cái thấp nhứt cho đến cao nhất.
a- Điạ Ngục:
Có một số cõi địa ngục trong Phật giáo, bao gồm tám địa ngục nóng và tám địa ngục lạnh. Trong các địa ngục này, các chúng sinh ở đây phải chịu đựng những đau khổ không thể tính ra, và không thể mô tả được. Người ta nói rằng cái đau khổ phải chịu trong cảnh giới này là phải bị đâm bởi ba trăm ngọn giáo trong một ngày, đây là những cực hình, đau khổ phải chịu đựng bởi các dân cư của cảnh giới địa ngục. Cái nguyên nhân của việc tái sinh trong địa ngục là tánh tình bạo động triền miên như giết người, hại vật theo thói quen độc ác của từng cá nhân ... v.v...
Những hành động như thế được sinh ra do sự ghét bỏ, và những chúng sinh phạm tội này phải chịu đựng những cái đau khổ của địa ngục, cho đến khi nghiệp không lành mạnh mà họ đã trả xong thì họ sẽ được sanh về các cảnh giới khác. Đây là điểm mấu chốt quan trọng, bởi vì nó cho chúng ta cơ hội để ghi nhận rằng, trong Phật giáo không ai mãi mãi bị nguyền rủa, hay chịu đau khổ triền miên. Khi nghiệp báo không lành mạnh của họ đã đền trả xong rồi, các chúng sanh của địa ngục được tái sinh trong những cõi hiện hữu may mắn hơn.
b- Ngã Quỷ:
Cõi kế tiếp là cõi của quỷ đói. Sinh vật trong cõi này chịu đựng phần lớn là sự đói, khát, nóng, lạnh. Họ hoàn toàn mất hết các món vật mà họ thích thú. Người ta nói rằng khi quỷ đói thấy một núi cơm hay một dòng sông nước mát và chạy về hướng đó để tìm cơm ăn nước uống, nhưng khi đến nơi họ cảm thấy rằng một núi cơm chỉ là một đống sỏi và con sông chỉ là một dãy đá xanh. Giống như vậy, người ta nói rằng trong mùa hè ngay cả mặt trăng cũng nóng đối với họ, trong khi trong mùa đông ngay cả mặt trời cũng lạnh.
Nguyên nhân gần nhất của việc tái sinh làm quỹ đói là:
- Tính tham lam và keo kiệt.
Nó được sanh từ sự gắn bó chặt chẽ và tham danh lợi, tham ăn ngũ, tức là đắm chìm trong năm món dục:
- Tiền tài, sắc dục, danh lợi, thực uống, ngũ nghỉ.
Cũng như các chúng sanh của địa ngục, các chúng sanh trong cõi này không bị kết tội mãi mãi dưới hình thức của ngạ quỹ, bởi vì khi nghiệp không lành mạnh của họ đã trả quả báo xong rồi, họ sẽ được tái sinh trong một cõi giới khác may mắn hơn.
c- Súc Sanh:
Cõi kế là cõi của thú vật, sinh vật chịu đựng từ một số hoàn cảnh không hạnh phúc. Chúng chịu đựng từ sự lo sợ và đau khổ gây ra từ sự giết chóc thường xuyên và ăn thịt lẫn nhau. Chúng chịu đựng từ những con người giết họ để lấy thịt, lấy da, hay răng tóc. Dù rằng không bị giết, chúng bị nuôi trong nhà, bị bắt buộc phải làm việc cho những người điều khiển họ với roi đòn đau đớn. Tất cả những việc này là nguyên nhân của đau khổ.
Nguyên nhân chánh của việc tái sinh làm thú vật là vô minh. Sự theo đuổi mù quáng, buông lung vì những dục vọng, quá bận bịu với sự ăn, ngủ và thỏa mãn tình dục, không để ý đến sự cần thiết phát triển tinh thần và tu tập giới đức cho bản thân, tất cả những việc này dẫn đến việc con người tái sinh làm thú vật. Cho nên chư tổ đức đã từng dạy:
- Sân nhuế là nguyên nhân tái sinh vào cõi địa ngục. Tham ái là nguyên nhân tái sinh vào cõi ngạ quỹ, và Si Mê là nguyên nhân tái sinh vào cõi thú vật.
Điều này không có nghĩa là một hành động đơn phương bị tác động bởi tham, sân, hay si sẽ gây tái sinh trong các cõi sinh vật liên hệ. Thực sự nó có một sự liên hệ rõ ràng và có chứng minh từ những hành động sẽ sanh vào những cảnh giới tương đương như:
- Lòng ghét bỏ với sự tái sinh trong các cõi địa ngục;
- Lòng tham ái với sự tái sinh vào các loài ma đói;
- Lòng si mê với sự tái sinh thành thú vật.
Nếu không được ngăn chận và không được cản trở bởi những hành động đạo đức bù lại, thì các hành động tham, sân, si nầy được tác động theo thói quen không lành mạnh chắc chắn sẽ dẫn đến tái sinh trong 3 tình trạng đau buồn này.
d- Cảnh Giới Loài người:
Tạm thời chúng tôi sẽ bàn sau về cõi người và xin tiếp tục nói về cõi A Tu la và cõi trời
e- Cảnh Giới A Tu La:
Cảnh giới nầy về cả 2 mặt thân và tâm thì đều mạnh khỏe và tốt đẹp hơn con người. Tuy thế họ vẫn đau khổ vì lòng ghen tỵ và mâu thuẩn chống đối lẫn nhau. Theo sách vở cho chúng ta hay là các chúng sanh trong cảnh giới nầy mặt dầu có phước hưởng như vậy, nhưng vẫn còn tâm ganh tỵ và mâu thuẩn, cho nên việc tái sinh trong cảnh giới nầy là không hạnh phúc và không may mắn.
Nguyên nhân làm sanh vào cảnh giới A Tu La có hai:
- Ở mặt tích cực, cái nhân là sự rộng lượng,
- Ở mặt tiêu cực, cái nhân là ganh ghét và thèm muốn.
f- Cảnh Giới Trời hay Tiên
Cõi Trời là cõi hạnh phúc nhất trong sáu cõi. Do kết quả của các hành động lành mạnh được làm trong quá khứ, hành trì các giới hạnh và thực hành thiền định. Những chúng sinh được sinh ra trong các cõi Trời, nơi họ vui hưởng các thú vui tính dục, hạnh phúc tinh thần, hay sự tĩnh mịch tuyệt đối, tùy thuộc vào cấp độ của cõi mà họ được sinh ra. Tuy nhiên, cõi nầy cũng bị chi phối của vô thường. Không cần biết là họ có thể vui hưởng được bao nhiêu hay bao lâu, một khi cái lực của nghiệp báo lành mạnh đã hết đi, cái hiệu quả của giới đức và kinh nghiệm của thiền định đã tiêu cạn, các chúng sanh ở cõi nầy sẽ rời khỏi thiên đàng và được tái sinh vào một cõi khác. Lúc đó, người ta nói rằng các vị ấy chịu đựng sự thống khổ tinh thần còn hơn là các sinh vật trong các cõi khác chịu đựng về thể xác.
Những chúng sanh được tái sinh trong cõi thiên đàng do kết quả của sự thực hành giới hạnh và thiền định, nhưng cũng có một yếu tố tiêu cực khi tái sinh trong cõi thiên đàng. Ðó là tính hãnh diện.
Như chúng ta đã thấy, chúng ta có sự phiền não, nhiễm ô hay phước đức đều gắn liền với từng cõi một:
- Ðịa ngục, ngạ quỹ, súc sanh, A Tu La và cõi Trời đó là, sân, tham, si, ganh tị và ngã mạn.
Tái sinh vào bất cứ một trong 5 cõi này thì đều không phải là điều tốt. Ba cõi thấp nhất không tốt vì những lý do hiển nhiên đó là:
- Vì sự quá đau khổ và vì sự vô minh hoàn toàn của các sinh vật sống trong đó.
Nhưng cho dù sanh trở lại trong các cõi A Tu La và Cõi trời cũng không tốt luôn, bởi vì mặc dù họ hưởng được một mức độ hạnh phúc và quyền lực nào đó nhưng vẫn bị chi phối bởi định luật vô thường. Ngoài ra, các trò tiêu khiển và vui thú trong những cõi này làm cho các chúng sanh ở đó lãng quên việc tìm một lối thoát ra khỏi vòng sinh và tử. Ðây là lý do tại sao người ta nói rằng, trong 6 cõi hiện hữu, cõi may mắn, đầy cơ hội và đặc ân nhất là cõi người. Ðây cũng là lý do tại sao chúng tôi đã để phần thảo luận của chúng ta về cõi người đến phần cuối.
Cõi người là cõi được coi là đặc ân nhất của 6 cõi, bởi vì là con người, chúng ta có động cơ thúc đẩy và cơ hội để thực hành giáo pháp và hoàn thành đạo quả giác ngộ. Con người có động cơ và cơ hội bởi vì các điều kiện dẫn đến việc thực hành con đường đạo là có sẵn ở đó. Ở cõi người, chúng ta có cả hai hạnh phúc và đau khổ. Cái đau khổ trong cõi này, dù kinh khủng, cũng không to lớn như cái đau khổ trong Địa Ngục và Ngạ Quỹ. Cái vui thú và hạnh phúc được trải qua trong cõi người thì không to lớn như cái thật vui thú và rất hạnh phúc được kinh nghiệm bởi các vị trên cõi Trời, con người cũng không bị tràn ngập đau khổ như các súc vật phải chịu. Và không giống như thú vật, con người có sở hữu đầy đủ sự thông minh để nhận ra sự cần thiết của việc tìm phương tiện để hoàn thành sự chấm dứt đau khổ.
Muốn sanh trở lại làm người cần phi có một số quan điểm cần phải hội đủ:
- Trước tiên, phải nói về giới hạnh tốt là nguyên nhân tối cần của việc tái sinh làm người.
- Thứ hai nếu là người không có tôn giáo nào hết thì phải là một con người tốt trong việc làm người, nói như vậy có nghĩa là làm một con người cho ra người, bởi vì có rất nhiều người không biết quý trọng cái cơ hội làm người của họ.
Nói chung:
- Thân người khó được đã là một cơ hội, Phật Pháp khó gặp lại là một cơ hội không phải ai cũng được.
Trong khi đó chúng ta đã có được thân người, và lại được gặp Phật Pháp thì phải nói là phước của chúng ta rất lớn. Để nói lên sự may mắn nầy, Đức Phật dùng một dẫn dụ để chứng minh sự hiếm có và tính chất quí giá, may mắn khi được sanh làm người.
- Giả dụ toàn thể thế giới là một đại dương to lớn và trên mặt biển có một cái bộng cây trôi nổi trong đó, bị gió thổi qua lại. Lúc đó dưới đáy biển có một con rùa, cứ mỗi một trăm năm nó nổi lên trên mặt nước một lần và đã gặp được bng cây nổi đó.
Ðức Phật nói rằng thật là hiếm có để đạt được cơ hội tái sinh làm người giống như con rùa đặt cái cổ của nó qua bộng cây khi nổi lên trên mặt nước. Người ta cũng nói rằng được sanh làm người với cơ hội thực hành Phật Pháp cũng hiếm như là ném một nhúm đậu khô vào một bức tường đá và có một hạt đậu dính vào một lỗ nẻ trong đó.
Vì thế thật là oan uổng khi chúng ta đã để phí sự hiện diện làm người của chúng ta, đó là chưa nói đến những điều kiện may mắn mà chúng ta được hưởng trong những xã hội tự do đầy đủ cơ hội để thực hành giáo pháp. Một điều rất quan trọng là có được cơ hội thì chúng ta phải dành lấy nó. Nếu thất bại trong việc thực hành Phật Pháp trong cuộc đời này, thì không có cách nào để biết khi nào chúng ta sẽ tái sinh trong 6 cõi, hoặc khi nào chúng ta sẽ có cơ hội sanh làm người một lần nữa.
Chúng ta phải nỗ lực để tự giải thoát ra khỏi vòng tái sinh, bởi vì không làm được như vậy, có nghĩa là chúng ta tiếp tục vòng luân hồi bất tận trong sáu cõi hiện hữu này. Khi nghiệp báo, dù lành mạnh hay không lành mạnh, gây cho chúng ta sanh ra trong bất cứ 6 cõi bị cạn kiệt, tái sinh sẽ xãy ra, và chúng ta lại ở vào một cõi khác nữa. Cho nên Đức Phật đã nói:
- Tất cả chúng ta đã luân hồi trong 6 cõi này từ vô thỉ.
Chư Phật cũng thường dạy:
- Nếu tất cả các bộ xương có trong nhiều đời trước đây của chúng ta, nếu được chất chồng lên, nó sẽ cao quá chiều cao của núi Tu Di, và nếu tất cả sửa mẹ chúng ta đã uống trong vô số lần hiện hữu được thu tập lại, nó sẽ lên đến hơn tất cả số nước trong tất cả đại dương.
Do vậy, bây giờ chúng ta có cơ hội để thực hành Phật pháp, thì chúng ta phải tinh cần tu tập các thiện nghiệp mà không nên trì hoãn.
Trong những năm sau này, đã có một khuynh hướng giải thích 6 cõi bằng những từ tâm lý. Vài bậc thầy đã gợi ý rằng các kinh nghiệm của 6 cõi đang hiện có ngay trong cuộc đời này. Ðiều này cũng có vẻ hợp lý:
- Ðàn ông hay phụ nữ nào không may ở trong nhà tù, bị tra tấn, bị giết, v.v... thì chắc chắn là đang chịu đựng những tình trạng giống như những người ở địa ngục.
- Những người keo kiết trải qua một tâm trạng tương đương với các quỉ đói;
- Có những người giống như thú, trải qua một tình trạng tâm tính tương tự như tính của thú vật;
- Những người hay la rầy, đói khát quyền tước và địa vị và ghen tỵ đang trải qua một tình trạng tâm tính tương tự như các a tu la.
- Và những người trinh bạch, sống trong lành, thanh thản và được đề cao thì đang trải qua một tình trạng tâm tính tương tự với tâm tính của các vị ở cõi Trời.
Tuy thế, mặc dù các kinh nghiệm trải qua của 6 cõi, ở một mức độ nào đó có xãy ra cho chúng ta dưới hình thức là người, chúng tôi nghĩ sẽ là một điều sai lầm khi giả dụ hay tin rằng 5 cõi hiện hữu kia không có một thực tế, không có thật như kinh nghiệm làm người riêng của chúng ta. Những cõi địa ngục, cõi ngạ quỹ, súc sanh, a tu la và cõi Trời là có thật như cõi người của chúng ta. Quý vị hẵn nhớ lại rằng, tâm là vật tạo ra tất cả các sự vật. Hành động được làm với một cái tâm thanh bạch, nghĩa là được tác động bởi lòng quảng đại, tình thương .. thì sẽ có kết quả hạnh phúc, được ở trong những tình trạng hiện hữu như cõi người và cõi Trời. Hành động được làm với một cái tâm nhiễm ô, nghĩa là được tác động bởi lòng tham lam, sân hận, si mê ... sẽ gây kết quả không hạnh phúc giống như ngạ quỹ và các sinh vật ở cõi địa ngục. Do vậy chúng ta muốn sanh trở lại cuộc đời nầy để làm thân phận của một con người, thì chúng ta phải tích cực trong việc ăn hiền ở lành, tu tập giáo pháp giải thoát của Đức Phật chỉ dạy bằng cách thực tập:
- Bố thí
- Trì giới,
- Nhẫn nhục
- Thiền định....
Nghĩa là thực hành giới hạnh một cách trang nghiêm thì chắn chắc chúng sẽ trở thành những vị bồ tát siêu phàm thoát tục, hoặc ít ra nếu phước chúng ta chưa đủ để sanh về các cảnh giới của chư Phật, thì chúng ta cũng đủ phước để trở lại cõi đời nầy để tiếp tục tu hành cho đến ngày giác ngộ.
 
Tài Liệu Tham Khảo
- Vãng Sanh Tịnh Ðộ Luận
- Nghiệp Và Kết Quả
- Vì Sao Tôi Tin Phật
- Phật Học Quần Nghi
 
-- o0o --