Ðường Vào Tĩnh Lặng
Tâm Như
--o0o--
 
Vào khoảng 624 năm trước công nguyên, một hoàng tử ra đời tại Ấn Ðộ. Tuy sống trong cung vàng điện ngọc, nhưng tâm tư lúc nào cũng nghĩ đến nhân quần xã hội. Bởi vì thực tế xã hội Ấn Ðộ lúc bấy giờ luôn luôn sống trong tình trạng báo động, nghi ngờ áp bức bất công do giai cấp Bà La Môn giáo gây ra. Nền luân lý cổ truyền gần như sụp đổ. Thái Tử đau buồn nổi đau của nhân loại. Vốn là người giàu lòng thương người, hơn nữa Thái Tử lại là một người thông minh tuyệt vời, ưa tìm hiểu mọi việc. Nên sau khi du ngoạn bốn cửa thành Thái Tử đã cảm nhận bao nỗi thống khổ của trần gian: Sanh, Già, Bệnh, Chết bốn cảnh buồn tê tái của kiếp người.
Ðó là bốn lý do chính đáng thúc giục Ngài phải đi tìm đạo để cứu nhân độ thế. Lúc ấy ngài 29 tuổi, Ngài từ bỏ Ngai vàng đầy hứa hẹn về quyền thế và vinh quang dấn thân trên con đường thiên lý để tìm phương thuốc cứu chửa bệnh trầm kha cho chúng sanh. Ngài đi tìm con đường an toàn nhất, vượt ra ngoài mọi ràng buộc, con đường dẫn đến Niết Bàn.
Qua bao nhiêu ngày tháng Thái Tử đã đi khắp đó đây tìm Thầy học đạo. Thái Tử đến những vị Thiền Sư lỗi lạc nhất thời bấy giờ, hy vọng được dẫn đến giác ngộ và giải thoát Ngài thực hành thiền định, là phương pháp thực hành để giúp cho tâm hồn thảnh thơi, an lạc. Tuy nhiên Ngài cảm thấy không thỏa mãn vì tri kiến và sự chứng ngộ giới hạn của những vị Thiền Sư ấy không đủ đáp ứng nhu cầu khẩn thiết mà Thái Tử mong mỏi. Do đó, mà Thái Tử lại tiếp tục lên đường ra đi tìm một cái gì mà chính bản thân người chưa biết. Giai đoạn nầy chúng ta được hiểu như là giai đoạn:
- Tìm Ðường đi đến tĩnh lặng.
Trước hết Thấi Tử đến rừng tu khổ hạnh, ở đây theo những bậc thầy đang tu họ tin tưởng rằng muốn thoát khỏi mọi khổ đau thì phải tu ép xác. Thái Tử quyết định thử chân lý nầy và bắt đầu thực hiện phương pháp chế ngự thân xác, với hy vọng rằng tâm sẽ đươc thoát khỏi vòng ràng buộc của thân và từ đó, sẽ vượt lên đến đỉnh cao cùng tột của sự giải thoát.
Sau sáu năm trường tu theo phương cách chế ngự thân xác như thế, nhưng Thái Tử cảm thấy không gần mục tiêu chút nào.
Kinh nghiệm bản thân Thái Tử nhận thức rõ ràng và tường tận rằng lối sống khổ hạnh quả thật không có ích. Bởi vì một thân thể suy nhược thì không bao giờ có một tinh thần sáng suốt được. Cố gắng đầu tiên để đạt đến giác ngộ Ngài đã thất bại.
Tuy nhiên không sờn chí, không chùng bước, tâm vẫn dũng mảnh và tích cực hoạt động, Ngài tìm lối khác để thành đạt mục tiêu. Ngài dứt bỏ lối tu ép xác và trở lại dùng vật thực như thường. Thân thể khổ cằn của ngài từ từ phục hồi, và sức khỏe kiệt quệ của Ngài cũng từ từ hồi sinh.
Ngài nhận định con đường đưa đến thành quả thiết tha mong mỏi từ bấy lâu nay phải hướng trở lại nội tâm, đó là phương cách duy nhất dẫn tâm hồn đến chỗ tĩnh lặng. Có tĩnh lặng mới thấy rõ được mọi sự việc, và mới có được thảnh thơi và an lạc. Giai đoạn nầy chúng ta có thể nói là:
- Ðường vào tĩnh lặng.
Với ý chí sắc đá và lòng tin tưởng mảnh liệt vào bản thân và ý chí hùng mạnh của chính ngài, Ngài quyết định đơn độc thực hành để đạt đến mục tiêu cuối cùng. Ngài ngồi kiết già dưới một cội cây cổ thụ tên là tất bát la, sau nầy khi ngài đắc đạo cây ấy mang tên là cây Bồ Ðề, bên dòng sông Ni Liên Thiền tại xứ Goya một khung cảnh vô cùng thanh tịnh. Nơi đây Ngài phát nguyện:
            - Nếu ta ngồi đây mà không tìm ra đạo lý nhiệm màu, không tìm ra lẽ huyền bí của vũ trụ vạn pháp thì dù chỉ còn da bọc xương và gân, dầu máu có cạn, thịt có khô và tàn héo ta quyết không rời khỏi nơi nầy.
            Lời phát nguyện đó tương tự như một bức thơ tuyến chiến với vô minh tham dục, biểu lộ một sự tinh tấn vô cùng mãnh liệt, một lòng nhiệt thành cực kỳ vững chắc, một ý chí bất khuất, quyết khám phá chân lý cho kỳ được và chứng được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.
            Cũng từ đó Ngài tập trung mọi nổ lực nhắm thẳng vào tận góc hẻm sâu xa nhất của tâm linh để tìm một phương pháp thực hành khả dĩ đưa đến an lạc, giác ngộ và giải thoát. Cuối cùng Ngài đã đạt được như ý nguyện, và Ngài đã thành tựu đạo quả hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật.
            Thành quả trong suốt 49 ngày đêm Ðức Phật ngồi suy tư dưới gốc Bồ Đề cho chúng ta một khái niệm:
1- Cơ thể của mỗi cá nhân chúng ta là một dòng sông trôi chảy bất tuyệt và những tế bào trong cơ thể của chúng là những giọt nước xô đẩy nhau trên dòng sông sinh khởi, trưởng thành và biến diệt. Do vậy nơi đó, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy một cái gì đồng nhất bất biến có thể gọi là ngã cả.
2- Xen lẫn trong cơ thể, chúng ta còn có thể nhận thấy có một dòng sông khác, đó là:
- Dòng sông cảm thọ, trong đó mỗi cảm giác đều là một giọt nước. Những giọt nước nầy xô đẩy nhau trong một quá trình sinh khởi, trưởng thành và bất biến của chúng.
- Có những cảm giác dễ chịu: Khi chúng ta được khen, mọi người niềm nở săn đón....
- Có những cảm giác khó chịu: Khi bị chê, hoặc khi bị ruồng bỏ....
- Có những cảm giác không dễ chịu không khó chịu: Khi có một chút ý thức về sự việc....
- Tự thân của những cảm giác ấy cũng vô thường và luôn luôn sanh diệt giống như thân của những tế bào trong cơ thể.
3- Với cái nhìn thật vững chải chúng ta sẽ biết và khám phá ra dòng sông tri giác cũng xô đẩy nhau và ảnh hưởng lẫn nhau trên đà sinh trưởng và hoại diệt của chúng.
Quả thật, cơ thể và những sự cảm thọ được điều khiển bởi tri giác, vì thế tri giác của chúng ta có ghi nhận những sự kiện xảy ra chính xát thì thực tại an lạc. Tri giác của chúng ta ghi nhận không đúng thì thực tại sẽ làm phát sanh không biết bao nhiêu cảm giác khổ đau trong dòng cảm thọ. Con người sở dĩ lặn hụp trong trong đau khổ vì nhận thức không đúng của mình, do vậy:
- Vô thường mà chúng ta cho là thường,
- Vô ngã chúng ta cứ cho là ngã,
- Có sinh diệt mà chúng ta cứ cho là không có sinh diệt ...
Nếu chúng ta chịu khó quán chiếu đau khổ từ đâu mà ra, thì chúng ta sẽ thấy những hiện tượng tâm lý thường được xem là nguồn gốc của các cảm thọ một cách rõ ràng, tiêu biểu như:
- Những tâm lý sợ hải: Vì thiếu tự tin
- Giận dữ: Vì người kia không thỏa mãn với yêu cầu của mình.
- Căm thù: Vì thiếu bản chất hoà hiếu
- Kiêu mạn: Vì thấy mọi người nhỏ, thua kém mình.
- Ganh ghét: Vì thấy người hơn mình.
- Tham đắm và u mê: Vì tham cầu quá độ.
Quán chiếu được như thế thì chánh niệm bừng tỏa nơi tâm tư của chúng ta như mặt trời vừa mới mọc. Nếu chúng ta đem mặt trời chánh niệm nầy soi vào lòng của các hiện tượng tâm lý kia thì chúng ta sẽ thấy rằng bản chất của chúng đều là u mê. U mê tuy là một nhưng nó có nhiều tên khác nhau:
- Tên của nó là vô minh: Vì nó ưa sai sử mình.
- Tên của nó là mờ ám: Vì dám làm mà không dám chịu.
- Tên của nó là thiếu sáng suốt: Vì hay hành động vội vã.
- Tên của nó là giặc cướp: Vì nó cướp đi những phước lành tốt đẹp của chúng ta.
Vì vậy chìa khóa của sự giải thoát là sự đập tan sự u mê, là thể nhập vào lòng thực tại để có được một cái biết trực tiếp và chân thực về thực tại. Cái biết nầy không phải là cái biết của tri thức suy luận, tưởng tượng, mà cái biết nầy phải là cái biết của sự trực tiếp kinh nghiệm của sự thực chứng. Nếu có lúc chúng ta tìm đủ mọi cách để chế ngự:
- Sự sợ hải,
- Sự giận dữ,
- Sự tham đắm,
Và những phương cách ấy không có hiệu quả vì chúng ta cố tình đè nén, và đàn áp. Như chúng ta đã biết, bản ngã của chúng ta được cấu tạo bởi Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, trong khi đó trừ sắc, phần còn lại đều là những tâm lý, do vậy khi chúng ta giận dữ thì cái ta của chúng ta trong lúc đó chính là giận dữ. Vì thế xua đuổi hoặc đè nén cái giận, chính là xua đuổi, đè nén cái ta của chúng ta trong lúc đó.
Khi mà chúng ta biết được bản chất cái ta của chúng ta là u mê, và muốn giải tỏa u mê không phải bằng sự đè nén, xua đuổi mà phải bằng cách làm phát khởi sự hiểu biết và chánh niệm, tức là cách làm cho những u mê tự tan rã, như khi mặt trời lên thì tức khắc bóng tối tự tiêu tan.
Sự hiểu biết và chánh niệm nầy là công trình của quán chiếu giải thoát không phải là kết quả của một sự lẫn tránh thực tại giãi thoát, trái lại là hiểu biết được tự thân của thực tại để đạt tới tự do, từ sự cắt đứt mọi sợi dây khống chế của u mê mà có được.
Từ sự xuyên qua công trình quán chiếu, chúng ta thấy những cánh bông, những chiếc lá ngoài vườn, ngoài đồng nội là một thực tại mầu nhiệm. Nhìn vào những cành bông, những chiếc lá chúng ta thấy mặt trời và trăng sao. Nếu không có mặt trời, không có ánh sáng và sức nóng, chiếc lá không thể nào có mặt. Theo định luật tương quan, tương duyên, cái nầy có vì cái kia có.
Chúng ta lại thấy một đám mây bay lơ lững trong chiếc lá. Nếu không có đám mây thì không có mưa, và nếu không có mưa thì không có nươc để trưởng dưỡng chiếc lá. Chúng ta còn thấy:
- Ðại địa,
- Thời gian,
- Không gian,
- Tâm thức.
Tất cả đều đang ở trong chiếc lá. Tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ đều có mặt trong chiếc lá, tiêu biểu như: Đất nước, gió, lửa, không gian, thời gian.... tất cả đều có mặt trong chiếc lá. Đó là một thực tại mầu nhiệm, như thực tại thân của chúng ta. Thực tại của chiếc lá cùng thực tại của bản thân của chúng ta là một.
Chiếc lá, cành bông... mới nhìn qua dường như chỉ mới có mặt từ khi nắng ấm, nhưng thật ra chiếc lá đã có mặt không biết tự bao giờ. Trong ánh nắng đã sẳn có chiếc lá, trong đám mây đã sẳn có chiếc lá và trong người của chúng ta đã sẳn có chiếc lá.
Chiếc lá thực ra chưa bao giờ sanh ra, chiếc lá chỉ được biểu hiện ra mà thôi.
Chúng ta cũng chưa bao giờ sanh ra, chúng ta cũng chỉ biểu hiện.
Ðức Phật cũng chưa bao giờ sanh, Ngài chỉ biểu hiện ra mà thôi. Bởi thế sự ra đời của Ðức Phật có ba từ ngữ khác nhau:
- Ðản Sanh: Là một sự ra đời vui vẻ.
- Giáng Sanh: Là từ một nơi cao sanh xuống dưới thấp.
- Thị Hiện: Là hiện ra đời bằng xương bằng thịt để cho chúng ta thấy
Những ý niệm sanh sanh diệt diệt, và còn mất là những ý niệm phát xuất từ nhận thức sai lầm, từ vô minh. Trong khi đó tự thân của sự vật và tự thân của chính chúng ta chưa bao giờ có sanh diệt. Phải biết rằng sự có mặt của một hiện tượng nầy sẽ kéo theo sự có mặt của tất cả mọi hiện tượng khác trong vũ trụ. Vì thế mà từ một chiếc lá, cành bông cho đến những to lớn nhất trong sơn hà đại địa cũng đều không có một thực thể biệt lập, không có một cái ngã thường tại bất biến.
Chúng ta cũng vậy, không thể có mặt biệt lập với vũ trụ vạn hữu, chúng ta không có một cái ngã thường tại bất biến. Thấy được tính cách trùng trùng duyên khởi của vạn hữu cũng là đồng thời chứng nghiệm được sâu xa tính vô ngã của vạn hữu. Và vì vậy chìa khóa để mở cánh cửa giải thoát là nguyên lý vô ngã, nguyên lý duyên sinh.
            Chúng ta có thể lấy cái thấy nầy và soi chiếu lại vào dòng sông của:
- Cơ thể,
- Cảm thọ,
- Tri giác,
- Tâm tư và nhận thức của con người.
Từ đó chúng ta sẽ thấy hầu hết những khổ đau đều được phát xuất từ nhận thức sai lầm của con người. Nếu con người chúng ta thấy được tính cách vô thường vô ngã, của thực tại thì chúng ta mới giải thoát được mọi khổ đau. Quả thật như vậy. Như chúng ta biết, vô thường và vô ngã là điều kiện tất yếu của sự sống, nhưng nếu không có vô thường và vô ngã thì không có biến chuyển sinh diệt, vì vậy không có gì có thể sinh trưởng và phát triển, chẳng hạn như:
- Hạt lúa nếu không vô thường vô ngã thì không thể mọc thành cây lúa.
- Ðám mây nếu không có vô thuờng vô ngã thì không thể thành cơn mưa.
- Em bé nếu không có vô thường và vô ngã thì không thể nào lớn lên được.
Từ trong chiều hướng nầy mà một khi chúng ta chấp nhận cuộc sống, tức là chấp nhận cuộc sống vô thường và vô ngã. Chứng nhập được tự tánh vô thường và vô ngã của vạn vật tức là thoát ra được vòng khổ đau.
Với cách quán chiếu nầy chúng ta có thể gội rửa tâm, làm cho tâm chúng ta trở nên trong sạch. Một khi tâm ý thanh tịnh, bằng trí tuệ quán chiếu thì chúng ta sẽ nhận thức được thực tướng của vạn pháp, thấy sự vật đúng như sự vật, là như vậy, tức là thấy ba đặc tướng của các pháp hữu vi là:
- Vô Thường,
- Khổ,
- Vô Ngã.
Nếu tiếp tục tư duy, trí tuệ sẽ minh mẫn, và chúng ta sẽ thấu đạt được mọi sự vật một cách tường tận và sâu sắc, từ đó chúng ta có thể phá tan, lớp vỏ vô minh dày đặc, thấu triệt được đầy đủ trọn vẹn về:
- Khổ,
- Nguyên nhân sanh ra Khổ,
- Dứt khổ,
- Con đường dứt khổ.
            Biết rõ như vậy, thấy rõ như vậy với tri kiến siêu việt tĩnh lặng ấy, tâm của chúng ta sẽ ra khỏi mọi bợn nhơ của ái dục và của Vô Minh. Chúng ta sẽ thấu triệt được lẽ huyền bí của vạn pháp về vũ trụ, con người, về quan niệm sống, và cả về tâm lý lẫn vật thể.         
Năm tháng trôi qua, nghĩ cho cùng hình như Ðức Phật không cách xa chúng ta lắm, tiếng nói của ngài vẫn còn thì thầm, trong tai chúng ta. Ngài dạy, không nên bỏ chạy, lẫn tránh mọi sự:
- Ðối nghịch,
- Thù hằn,
- Bạc đãi,
- Vu khống
- Mạ lỵ
- Phản bội
Không những chúng ta không nên bỏ chạy mà phải lắng tâm để đối phó trong tinh thần hết sức nhu hòa, và bình thản. Hãy  nhìn vào các diễn biến của cuộc sống như là những cơ hội trọng đại để cho ta trưởng thành và thành đạt trong sự nghiệp tu tập đạo giải thoát.
Nói tóm lại, nhân cách của một con người thật vô cùng quan trọng, cho nên đối với một con người đã vì nhân loại mà bỏ tất cả sự giàu sang phú quý như Ðức Phật, cho đến ngày nay vẫn còn là một cái gì sống động và rung cảm mỗi khi ta tưởng nhớ đến Ngài. Chắc chắn ngài là một con người siêu tuyệt trong số người siêu tuyệt.
Bức thông điệp tuy cũ nhưng rất mới mẻ đối với hàng hậu học như chúng ta, bởi vì mỗi khi chúng ta đọc và thành tâm thực hành thì chúng ta thấy có một sự tiến bộ vượt bực và an lạc thảnh thơi trong cuộc sống, nhất là hình ảnh và những nét đặc thù của ngài rất là sinh động đối với những ai đã và đang dấn thân đi trên Đường Vào Tĩnh Lặng.
 
Tài Liệu Tham Khảo
- Sen Búp Từng Cánh Hé
- Con Ðường Chuyển Hóa
- Phật Học Phổ Thông
- Vô Ngã Là Niết Bàn.
-- o0o --