TẬP SAN DƯỢC SƯ

Nghệ Thuật Câu Cá
Tịnh Nghiêm
--o0o--
 
Vào một dịp truyền Ba Quy Y và Năm Giới cho các Phật Tử tại gia, khi hỏi đến:
- Giới thứ nhất không được giết hại sinh mạng là giới của Phât Tử tại gia vậy quý vị có giữ được không?
Cả đạo tràng ai cũng đáp:
- Mô phật giữ được.
Trong số đó có một em thanh niên không nói gì cả, sau khì truyền giới xong, chúng tôi mới gặp riêng em, và hỏi lý do tại sao em không nói gì? Em ấy cho biết:
- Bạch thầy con còn thích câu cá lắm, nên con không dám hứa giữ giới không sát sanh.
Sau đó em kể cho nghe cái thú vui câu cá, và cách xử dụng mồi để cho cá cắn câu. Qua việc trình bày của em Phật Tử đó, chúng tôi thấy giữa con người và con người, giữa con người và những động vật khác có chỗ tương đồng, nhưng cũng có chỗ khác biệt. Tương đồng ở điểm, thị hiếu và tham muốn đều giống nhau, nhưng khác biệt vì nhu cầu của con người khác với các loài động vật.
            Như quý vị biết, mỗi người đều có sở thích riêng, người thì thích ăn ngọt, người thì thích ăn cay, người thì chua... có người thích trái cây, nhưng loài cá không ưa trái cây, mà lại ưa trùn. Vì vậy khi đi câu, muốn bắt được cá nhiều thì người ta không nghỉ đến cái con người thích mà họ chỉ nghĩ đến cái mà cá thích. Một người câu cá họ không móc trái cây vào lưỡi câu để nhữ chúng, mà chỉ móc vào lưỡi câu một con trùn hay một con cào cào để nhử cá?
            Trong chiều hướng nầy, chúng ta thử đem áp dụng chiến thuật đó đối với con người coi ra sao?
Có người khi hỏi ông thủ Tướng Lloyd George tại sao ông nắm quyền được quyền hành lâu mà các ông khác thì bị lật đổ, bị bỏ rơi, thì ông đáp:
- Tôi luôn luôn rán kiếm mồi hợp sở thích của cá.
Tại sao cứ luôn luôn nói tới cái mà chúng ta muốn? Thực là vô ích, ngây thơ và vô lý. Ðã đành, cái gì chúng ta thích thì chúng ta cứ để ý luôn, nhưng chỉ có một mình chúng ta để ý tới nó. Vì những người khác họ cũng nghỉ tới cái họ thích mà không cần biết chúng ta thích cái gì.
Như vậy muốn dẫn dụ người khác theo chúng ta thì chỉ có mỗi một phương pháp là lựa cách nói sao cho lời yêu cầu của chúng ta hợp với sở thích của họ và chỉ cho họ cách đạt được sở thích đó là được.
Chúng ta hãy nhìn kỷ điều đó. Nếu chúng ta muốn cấm con của chúng ta hút thuốc chẳng hạn, đừng thuyết giáo với nó, đừng bảo nó:
- Ba muốn thế nầy, ba muốn thế khác.
Trái lại nên chứng minh cho nó thấy rằng chất độc trong thuốc làm hại bộ phận thần kinh và nếu không bỏ thuốc đi, thì có lẽ tới kỳ thi thể thao sau nó sẽ thua anh em mất. Phương pháp đó luôn luôn công hiệu, dù là áp dụng với con nít, với bò con, hay loài khỉ....
Như đối với trẻ em, khi nghe một em bé khóc, lẽ tất nhiên  cũng có nhiều nguyên do để cho nó khóc, nhưng nguyên do thông thường là nó cần người săn sóc, hoặc cần sữa để bú.
Con bò cũng thế, nhân đây xin kể cho đại chúng nghe một câu chuyện:
- Hai cha con ông triết gia R. W Emerson muốn dụ con bê vào chuồng. Nhưng họ mắt phải cái lỗi thông thường là chỉ nghĩ tới cái họ muốn. Cho nên cha kéo con đẩy, nhưng tai hại thay! con bê cũng như họ. Nó chỉ nghỉ tới cái nó muốn thôi, cho nên chân nó bám vào đất cứng ngắc, khôn chịu rời đồng cỏ. Người tớ gái thấy tình cảnh đó, chị không biết nghệ thuật viết sách hoặc tùy bút, nhưng ít nhất trong trường họp nầy chị cũng có nhiều lương tri hơn triết gia Emerson. Chị nhử con bê, đưa ngón tay vào mỏm con vật như mẹ cho con bú, và con vật ngoan ngoản đi theo ngón tay chị mà vào chuồng.
Ðối với con khỉ thì tính nó hay bắt chước như một câu chuyện tại Việt Nam. Có một người đi buôn quạt, trên đường đi từ thôn nầy đến thôn khác phải qua một đoạn đường rừng dài. Vì quá nóng nực nên anh buôn quạt để gánh quạt bên vệ dường, nằm nghỉ mát trong tay phe phẩy chiéc quạt lông. Một lúc lâu hết mệt anh ta tỉnh giấc định gánh gánh quạt tiếp tục đi về hướng xóm phía trước. Nhưng khi nhìn lại thấy trong gánh không còn một cây quạt nào hết. Từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, anh không hiểu ai mà ăn cắp số quạt của anh. Nhưng khi nhìn lên trên cây thì thấy nguyên một bầy khỉ đang cầm quạt cũng quạt như anh ta vậy. Thấy vậy anh ta la hét đòi quạt lại. Anh ta la hét khỉ cũng chí choé la hét lại. Nghĩa là anh làm thế nào thì nó làm lại cho anh ta như thế nó. Cuối cùng anh ta nghỉ ra một cách:
- Cây quạt trong tay anh ta liệng xuống dưới đất.
Bầy khỉ thấy thế cũng liệng cây quạt giống như anh đã làm, và cuối cùng anh buôn quạt thu lại được số quạt.
            Nhiều khi chúng ta giúp một người nào đó, có chắc là hoàn toàn không vụ lợi không? Cũng có thể là không phải như vậy, vì đôi khi chúng ta cho là để được người ta khen là người tốt, để thỏa lòng ưa làm một việc nhân từ, đẹp đẻ và để phước về sau. Nhưng dù sao đi nữa thì cũng có một điều chắn chắn là chúng ta đã vì thỏa mãn lòng ham muốn, có điều chính đáng hay không chính đáng mà thôi. Trong cuốn Thuật Dẫn Dụ Cách Cư Xử của loài người giáo sư Harry A. Overstreet viết về hành động do những thị dục căn bản của phát sanh để tặng những ai muốn dẫn dụ người khác trong việc làm ăn, trong chính trị cũng như trong trường học hay gia đình. Ông nói:
- Trước hết phải gợi trong lòng người một ý muốn nhiệt liệt nghe theo ta.
            Làm được như vậy thì cả thế giới giúp ta thành công và suốt đời chẳng bao giờ ta bị thất bại vì cô độc. Quả thật như vậy, chúng ta hãy nghiền ngẫm kỷ cách dạy cháu của ông Andrew thì rõ:
- Ông Andrew có hai đứa cháu làm cho mẹ lo lắng nhiều lắm vì đi học xa mà không bao giờ viết thư về nhà. Đã nhiều lần nhắc nhở nhưng chúng cứ làm thinh, việc nầy lọt đến tai ông Andrew. Thấy thế ông  Andrew mới viết thăm hai cháu. Ông viết thư ngọt ngào lắm rồi tái bút:
- Gởi cho mỗi cháu $5. Nhưng ông làm bộ quên không gởi tiền. Tức thì có thư hồi âm liền, trong đó hai cháu cảm ơn:
 - Chú Andrew thân mến và... và gì nữa chắc các bạn đã đoán được.
            Vậy ngày mai, nếu chúng ta muốn cho ai làm một việc gì, ta hãy thong thả suy nghĩ và tự hỏi:
- Làm sao dẫn dụ ai đó muốn làm việc mình cần ông ấy đây? Như vậy khỏi phải chạy lại nhà người ta để rồi chỉ nói về dự định của mình, ý muốn của mình mà luống công vô ích.
Để giải đáp một phần nào về câu hỏi, xin kể cho đại chúng nghe một câu chuyện:
Có một gia đình người Việt Nam đặc tiệc cưới cách đó một năm tại một nhà hàng lớn nhất ở Nữu Uớc. Ngày dự tiệc gần đến đột nhiên gia đình nầy nhận được một lá thư cho hay rằng tiền của buổi tiệc tăng lên gấp ba giá cũ. Khi đó gia đình nầy in thiệp, mời bạn bè xa gần đâu vào đó rồi. Tất nhiên là gia đình nầy không muốn trả giá đó, làm sao bây giờ.
Ði kêu ca với người quản lý nhà hàng? Hay đem cái thắc mắc của mình bày tỏ với người ta ư? Chắc chắn không có ích lợi gì hết, bởi vì người đó cũng như chúng ta, chỉ quan tâm tới điều họ muốn thôi. Theo như lời đại diện gia đình Việt Nam nói, sau khi suy nghĩ hai ba ngày, họ liền tìm nhà hàng đó gặp ông quản lý nhà hàng và nói:
            - Nhận được thư ông tôi hơi ngạc nhiên. Nhưng tôi không trách ông đâu. Ở vào địa vị của ông có lẽ tôi cũng hành động như ông. Bổn phận của ông quản lý nhân viên, và làm sao thâu được nhiều lợi. Nếu ông không làm như vậy thì người ta sẽ mời ông ra và như vậy là đáng lắm... Nhưng nếu ông quyết giữ cái giá mới đó thì xin ông lấy một mảnh giấy và chúng ta cùng xét xem lợi và hại ra sao.
            Rồi dại diện cho gia đình người Việt nam đó chia tờ giấy ra làm hai, một bên để lợi và một bên để hại.
            Trong cột lợi anh ta biên mấy dòng chữ nầy:
- Nhà hàng sẽ trống, và anh ta bàn miệng thêm: Như vậy ông có thể nhận tiệc khác vào lời lắm, vì khi đó giá đặt hàng sẽ cao hơn nhiều. Bây giờ chúng ta hãy xét tới hại. Trước hết đáng lẽ ra tăng số lợi lên được, ông sẽ không thu một đồng nào hết, vì tôi không đủ sức trả giá ông định, tôi sẽ đi đặc tiệt ở nhà hàng khác cho đám cưới con tôi.
            Vả lại còn mất cái lợi nầy nữa. Tiệc của tôi sẽ có nhiều nhân vật thượng lưu, có học giàu sang và có danh tiếng tới tham dự. Thực là một sự quảng cáo rất tốt cho ông. Ông cứ bỏ ra 5000 đồng quản cáo trên báo không chắc đã quyến rũ được một số người đông như vậy tới nhà hàng ông. Cái đó cũng đáng kể phải không ông?
            Vừa nói anh ta vừa viết hai điều hại đó trong cột hại, rồi đưa tờ giấy cho quản lý nhà hàng và nói:
            - Xin ông cân nhắc kỹ lưỡng lợi và hại đi rồi cho tôi biết sự quyết định của ông ra sao.
            Hôm sau, Gia đình người Việt Nam đó nhận được một bức thơ cho hay rằng tiền bữa tiệc đáng lẽ tăng lên 200 phần trăm thì chĩ tăng lên 20 phần trăm thôi.
            Chúng ta thấy trong câu chuyện nầy gia đình người Việt Nam không hề xin giảm giá. Trong suốt câu chuyện chúng ta chỉ thấy gia đình nầy nói đến điều mà ông ta quan tâm tới, gia đình nầy chỉ tìm kiếm và bày tỏ cho ông quản lý nhà hàng cách đạt được ý muốn mà thôi.
Trong trường hợp nầy nếu cứ theo sự xúc động thường tình, chạy tới kiếm ông quản lý nhà hàng la lên:
- Cái gì lạ lùng vậy? Tự nhiên ông tăng tiền mướn lên 200 phần trăm trong khi ông biết chắc rằng tôi đã phát thiệp mời bạn bè rồi, kỳ cục không? Ðiên rồi mà! Không khi nào tôi chịu giá đó đâu.
Nếu hành xử như vậy thì chuyện sẽ xảy ra sao? Chắc chắn là sẽ xảy ra một cuộc cãi nhau. Chúng ta đã biết, việc cãi nhau thường thường kết quả không bao giờ tốt đẹp. Do vậy mà ông Henry Ford nói:
- Bí quyết thành công nếu có là biết tự đặt mình vào địa vị người và suy xét vừa theo lập trường của người vừa theo lập của mình.
Trong nghệ thuật dùng người, chưa có lời khuyên nào chí lý bằng lời nói đó, cho nên tôi muốn nhắc lại:
- Bí quyết thành công là tự biết đặc mình vào địa vị người và suy xét vừa theo lập truờng của người, vừa theo lập trường của mình.
Chân lý đó giản dị và rõ ràng lắm. Thế mà trong một trăm người, thì có tới chín mươi chín người không biết đến, trong chín mươi chín trường hợp khác nhau. Bất kỳ trong nghề nghiệp nào, trong giai cấp nào, người ta cũng thấy lỗi lầm quan trọng đó.
            Một nhà kinh tế trứ danh nói:
            - Người nào tự biết đặt mình vào địa vị người khác, hiểu được tư tưởng và ý định của họ, người đó không phải lo về tương lai của mình.
            Người Phật Tử chúng ta phải tập được một khả năng nầy là:
            - Bất cứ trong trong trường hợp nào cũng đứng vào địa vị của người khác mà xét, thì những điều nghe thấy trong kinh điển, từ nơi hướng dẫn của các Thầy đã đánh dấu được một quảng đời mới trong cuộc đời tu tập của quý vị.
            Trong các môn học, môn tâm lý học cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống. Tuy nhiên rất ít người chú trọng đến. Xin kểcho đại chúng nghe một câu chuyện:
Lúc chúng tôi ở Michigan, trong một gia đình đạo hữu của chùa, có đứa con trai làm biếng ăn. Vợ chồng người đó rầy nó suốt ngày, không cho nó yên:
            - Má muốn con ăn cái nầy, cái kia...
            - Ba muốn con mau lớn...
            Chú bé đó cứ tỉnh bơ không thèm đếm xỉa tới lời rầy la của cha mẹ. Ngay cả cha mẹ lo thức ăn bổ dưỡng cho ăn thì có khi chú đem bỏ thùng rác, có khi đem đổi Ice Cream. Sự lo lắng của cha mẹ thực sự là đúng, nhưng nhìn kỷ cũng có phần vô lý, bởi vì bắt một đứa bé bảy tám tuổi có quan niệm của người lớn bốn năm chục tuổi thì khó mà nó có thể chấp nhận được.
Sau đó gia đình người Phật Tử nầy tự hỏi:
- Thử coi xem cái gì làm cho nó thích? nó muốn gì? Nếu biết được nó muốn gì thì mình sẽ có thể khiến nó làm cái mình muốn được.
Và gia đình đó kiếm ngay được cách giải quyết. Ðứa nhỏ thích đạp xe ba bánh lắm, nhưng cũng cùng dãy phố đó có một đứa nhỏ lớn hơn, hung hăn ăn hiếp nó, thường chận xe và bắt nó xuống rồi leo lên xe đạp đi. chú bé nầy khóc la chạy về nhà mách má. Má nó ra đuổi theo đứa bé lớn tuổi kia, lấy xe lại cho con. Ngày nào cũng như vậy.
            Vậy đứa nhỏ muốn gì?
            Dễ biết lắm. Ðứa bé bị ăn hiếp, nó tức, muốn trả thù, làm sao đánh cho đứa kia một cú nên thân, để cho nó ớn tới già. Ba nó hiểu vậy, bảo nó:
            - Nếu con chịu ăn những món nầy thì con mau mạnh lắm, một ngày kia đánh nó văng nhào liền.
Và vấn đề ăn của đứa bé được giải tức thì. Từ đó về sau cho nó cái gì nó cũng ăn, nó hy vọng một ngày nào đó sẽ đập thằng du côn kia đã từng làm cho nó tủi nhục chạy không kịp.
Một trường hợp khác, có một đứa bé có tật đái dầm. Nó ngủ với bà ngoại nó, sáng dậy thấy tấm dra lót giường ướt sủng nước, bà ngoại bảo nó:
- Ngó nầy đêm qua con lại đái dầm nữa.
Nó cãi:
- Không phải con đâu, bà ngoại đái đó.
Cha mẹ rầy nó, đánh nó, làm nhục nó, nhắc cho nó rằng:
- Má không muốn cho con như vậy nữa. Bà không thích con đái như vậy, hôi quá....
Chắc chắn rằng những lời trách mắng quở phạt không có ý nghĩa. Vậy thì làm sao cho nó muốn sửa lỗi được?
Trước hết là tìm hiểu coi đứa nhỏ muốn cái gì? Và cuối cùng cha mẹ nó biết được nó muốn mặc Bijama giống như ba nó. Ba nó hứa mua cho nó một bộ nếu nó hết đái dầm. Ðiều thứ nhì là nó muốn nằm giường sạch. Thế là má nó dắt nó tới một tiệm lớn, đưa mắt làm hiệu với người bán hàng và nói:
- Ðây cậu nầy muốn mua đồ đây
Người bán hàng làm bộ coi đứa bé như người quan trọng hỏi:
- Cậu muốn mua chi?
Ðứa nhỏ đáp:
- Tôi muốn mua giường.
Giường chở về nhà rồi đứa nhỏ chạy đi kiếm ba nó khoe:
- Ba ba lên coi giường của con đi, chính con đã mua đó.
Cha nó hết lời khen nó rồi kết luận:
- Con đừng làm dơ cái giường đó nghe chưa!
- Không, không khi nào. Ðứa nhỏ giữ lời hứa.
Kể từ đó trở đi nó không hề đái dầm nữa, vì cha mẹ chú bé đã khéo gợi lòng tự ái của nó, cái giường đó là giường của nó. Rồi nó lại bận bijama như người lớn, nó muốn hành động cũng như người lớn và quả nhiên được như vậy.
Môt gia đình khác có đứa con gái nhất định không ăn cháo buổi sáng. Rầy la, quở trách, giảng giải, dỗ ngọt đều vô hiệu. Cha mẹ hỏi nhau:
- Làm thế nào cho nó ăn sáng bây giờ?
Và cuối cùng cha mẹ cô bé nầy tìm hiểu con của họ và họ biết cô bé thích bắt chước má nó lắm. Môt hôm má nó chỉ cho nó nấu cháo. Rồi đúng lúc nó đương vinh hạnh là nó đã học nấu được món cháo, ba nó bước vào, giả bộ như vô tình không thấy gì hết, đứa bé khoe:
- Ba coi nầy hôm nay chính con nấu cháo.
Rồi tự nó ăn không ai mời mọc nó hết. Chính nó đã nấu cháo đó nó tự đắc lắm, nó tự thấy nó thông minh, quan trọng lắm, cho nên tự ăn mà không cần ai mời bảo nó.
Riêng về đức Phật Ngài đã thấy được điều đó, cho nên ngài đã độ rất nhiều người, trong số đó có một người em họ của Ngài đó là Thầy Nan Ðà. Lúc đầu chúng ta không biết Ngài dụ cách nào để cho Thầy Nan Ðà đi tu, nhưng sau khi đi tu Thầy cứ lén về nhà thăm cô vợ mới cưới vừa trẻ vừa đẹp của Thầy. Có lần đức Phật muốn trắc nghiệm coi phản ứng của Thầy Nan Ðà ra sao, thì Ngài giao cho gánh nước đổ vào lu, trong lúc đức Phật có việc phải đi ra ngoài, nhưng lạ làm sao, nước đổ hoài mà không thấy đầy. Phần thì mệt, phần thì muốn nhân cơ hội không có Phật Thầy Nan Ðà định lén về nhà thăm vợ. nhưng vừa bước chân ra tới cửa tịnh xá thì gặp đức Phật trở về, thấy thế Thầy phải quay trở lại Tịnh Xá.
Có lần đức Phật lên các cõi Trời thuyết  pháp, có cho Thầy Nan Ðà đi theo. Lên đến cõi Trời, Thầy thấy các cô tiên nữ đứng nhóm năm nhóm ba, mắt có vẻ như đang mong đợi một người nào đó, thấy thế Thầy mới hỏi:
- Các cô đang chờ đợi ai?
Các cô tiên nữ trả lời:
- Ðang chờ đón Thầy Nan Ðà em của đức Phật.
Thầy nan Đà mừng quá và trả lời:
- Tôi là Nan Ðà đây!
Các cô Tiên Nữ bảo:
- Nếu đúng thực Thầy là Nan Ðà thì phải ráng tu thâm nữa chứ bây giờ chưa đủ phuơc nên các em không muốn sống với anh được.
Trên đường về lại trần gian, đức Phật hỏi Thầy Nan Ðà:
- Ông thấy các cô tiên nữ với Tôn Ðà Lợi bà xã của Thầy như thế nào?
Thầy Nan Ðà trả lời không do dự:
- Bạch Thế Tôn, da của Tôn Đà Lợi giống như da gà, thì làm sao so sánh nàng ta với các cô tiên nữ được!
Sau khi ở thiên cung trở về, được biết các cô tiên nữ đang chờ đợi mình, nên Thầy Nan Ðà tinh tấn tu tập không kể đến ngày đêm. Và rồi một lần khác, đức Phật đưa Thầy Nan Ðà cùng đến địa ngục. Khi Thầy đến, thì thấy mỗi tội nhân đều có những hình phạt, nhưng chỉ còn một chão dầu sôi sùng sục, và ngục tốt đứng đó để canh giữ có vẻ nôn nóng, như đang chờ đợi một người nào đó, Thấy thế Thầy Nan Ðà hỏi:
- Vì sao mỗi người đều có mỗi hình phạt, mà còn một chảo dầu chưa có người, coi bộ ông đang chờ đời tội nhân nào đó phải không?
Ngục tốt trả lời:
- Thầy nói phải lắm, chảo dầu nầy đang chờ đợi ông Nan Ðà em của đức Phật...
Nghe nói đến đây chắc quý vị biết được sự dứt khoát của Thầy Nan Ðà rồi...
Qua những sự kiện trên, chúng ta có thể dùng cái thuật trên kia trong sự nghiệp tu học của chúng ta. Khi chúng ta gặp những khó khăn nào đó, chúng ta phải kiên nhẫn tìm hiểu coi đối phương hay đối tượng cần gì, khi chúng ta biết cần gì thì chúng ta sẽ có cách để dẫn dụ họ, như chúng ta câu cá vậy.
Nói tóm lại, muốn dẫn dụ ai, phải trước hết phải khêu gợi cho người đó có lòng ham muốn nhiệt liệt. Làm được như vậy thì không có việc gì mà chúng ta không thành công, và lúc đó người trong bốn biển sẽ là bạn của chúng ta.
--o0o--