TẬP SAN DƯỢC SƯ

Bài Ca Dao:
Ai Lên Xứ Lạng Cùng Anh
Nguyễn Mộng Khôi
--o0o--
 
Tôi và chú em trai từ Hoa Kỳ về Ninh Bình thăm người chị cả. Chúng tôi ở lại hơn một tuần để gặp họ hàng và bè bạn; rồi sau đó đi Lạng Sơn. Một tỉnh quan ải, có nhiều cảnh đẹp và những di tích cả ngàn năm lịch sử. Hôm từ giả, chị nói, cậu Thư, bạn thân cậu hồi nhỏ hiện đang ở đó. Mấy năm trước về chơi có hỏi thăm. Chị kể hết và cho cả địa chỉ cậu ở Mỹ. Thư thuộc Gia đình liệt sĩ. Cả nhà đều là đảng viên trung kiên. Gặp nhau đừng tranh luận lập trường quốc cộng, cậu nhé.
Ngay chiều hôm tới Lạng Sơn. Chúng tôi đến thăm Thư vì chỉ cách khách sạn có hai nhà. Tôi gõ cửa, anh không nhận ra. Ngày dời quê hương chúng tôi mới 10 tuổi, nay đã hơn 60 năm cả rồi. Tôi phải xưng tên. Anh mừng rỡ ôm tôi, rồi gọi vợ con ra chào. Vợ Thư là em một người bạn khác. Trước kia hai vợ chồng đều dạy học, nay đã nghỉ.
Nhà Thư rộng rãi, ngăn nắp, sắp đặc theo lối xưa. Có sập gụ, tủ chè. Đôi câu đối treo ở cột trước bàn thờ gia tiên. Anh chị ở chung với gia đình người con cả. Hai vợ chồng nhất định giữ chúng tôi dùng cơm tối. Những món đặc sản Lạng Sơn, lạ miệng, ngon tuyệt. Tôi không hỏi nghề nghiệp, nhưng thấy Thư có người tài xế và mấy cận vệ đi theo.
Chúng tôi vừa ăn vừa chuyện trò. Chú em tôi hỏi, nghỉ hưu anh chị làm gì cho hết thì giờ. Anh bảo, hai vợ chồng vẽ và viết sách, những sách về chính trị. Anh đã xuất bản mấy quyển và vẽ được một số tranh đóng khung bằng gỗ cẩm lai treo ở quanh tường. bấy giờ chúng tôi mới để ý đến những bức họa, vẽ bằng sơn trên vải, trông rất sắc sảo. Thư chỉ bức tranh ở chổ gần bàn ăn, bảo đó là hình ảnh xứ Lạng thời xưa và một tranh khác có hình con cò đang bay trên ruộng lúa vàng. Anh vẽ lấy ý bài ca dao:
- Ai Lên Phố Lạng Cùng Anh.
Anh ngâm to bài ca dao mà chúng tôi đều thuộc lòng từ hồi còn học với nhau ở lớp ba.
- Con cò bay lả bay la,
Bay ra ruộng lúa, bay vào Ðồng Ðăng.
Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Ai lên phố Lạng cùng anh.
Bõ công bác mẹ, sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu nắm nem,
Mãi vui quên hết lời em dặn dò.
Gánh vàng đi đổ sông Ngô.
Ðêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương.
Vào chùa thắp một nén hương,
Miệng khấn, tay vái bốn phương chùa nầy.
Chùa này có một ông thày.
Có hòn đá tảng, có cây ngô đồng,
Cây ngô đồng không trồng mà mọc,
Rễ ngô đồng cái dọc, cái ngang.
Ngoài chùa có quả dưa gang,
Ðể anh đi hái tặng nàng làm duyên.
Cái cử chỉ đột ngột đọc bài ca dao, có lẽ Thư đóan tôi không thích những điều anh viết trong sách để ca ngợi chế độ. Và có lẽ chị tôi đã cho Thư biết tôi là phi công của miền Nam thời trước 75. Vì vậy, thảo luận bài ca dao để không mất lòng bạn. Vả lại, những đề tài loại này vốn là sở trường của anh chị; vì hai vợ chồng từng dạy môn văn ở Đại học. Và tôi đi dạy học trước khi vào Không Quân.
Bốn chúng tôi đều đồng ý là trong cổ văn, người đàn bà Việt Nam, tần tảo nuôi con, hầu chồng, thường ví như con cò:
- Con cò lặn lội bờ sông.
Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non..
Hoặc:
Quanh năm buôn bán ở ven sông.
Nuôi nấng năm con với một chồng.
Lăn lội thân cò khi quãng vắng.
Eo sèo mặt nước, buổi đò đông.
                                    Trần Tế Xương.
Câu đầu của bài ca dao là hình ảnh con cò mệt nhọc bay lả, bay la, như người vợ lính vất vả với ruộng vườn, nay theo chồng lên trấn Đồng Đăng.
- Con cò bay lả, bay la,
Bay ra ruộng lúa, bay vào Ðồng Ðăng.
Người Lạng Sơn thanh lịch, có thị trấn Đồng Đăng sầm uất, phố Kỳ Lừa tấp nập. Đó đây là những thắng cảnh lịch sử như hòn Vọng Phu, nàng Tô Thị, núi đá Chi Lăng, hồ Bản Quyền và những danh lam như Nhất Thanh, Nhị Thanh, Tam thanh.
- Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Anh hảnh diện bảo vợ, ở quê nhà, làm ruộng vất vả, nay được lên xứ Lạng thì thật là niềm hãnh diện của mẹ cha em:
- Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Bỏ công bác mẹ sinh thành ra em.
Chẳng bao lâu, anh đâm ra mê người, mê cảnh Lạng Sơn. Anh thường lui tới những nơi ăn chơi mà người vợ đã hết lời dặn dò, can ngăn:
- Tay cầm bầu rượu, nắm nem
Mãi vui quên hết lời em dặn dò.
Những gánh lúa vàng, dành dụm ở quê nhà, nay đi vào những chỗ xài tiền như nước sông, nước biển (sông Ngô, biển Sở):
- Gánh vàng đi đổ sông Ngô.
Trong giấc ngủ anh cũng mơ được mò đến thăm người đẹp ở bến sông Thương,
- Ðêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương.
Người chồng càng hư hỏng thì người vợ càng buồn tủi. Quá đau khổ nàng chợt nghĩ đến Phật. Cha mẹ thường nhắc đến những linh ứng của cầu nguyện. Thế là ngày hôm đó nàng:
- Vào chùa thắp một tuần hương,
Miệng khấn, tay vái bốn phương chùa này.
Không hiểu do sự mầu nhiệm của Phật pháp hay cái đức tính khoan dung, chịu đựng của vợ đã đánh động lương tâm người chồng; nên có lần, anh theo vợ tới chùa:
- Ngoài chùa có quả dưa gang,
Ðể anh đi hái tặng nàng làm duyên.
Chùa tĩnh mịch như xa trần tục. Có nhà sư trầm mặc:
- Chùa này có một ông thày,
Có một ông thầy sống an lạc trong chùa làm anh nhớ tới kinh Người Biết Sống Một Mình(Buddekaratta Sutta) mà khi còn ở quê được nghe sư cụ thuyết pháp, là sống không phiền lụy, không đắm nhiễm dục lạc. Đó là giải thoát khỏi sự ràng buộc dẫn đến khổ đau. Rồi; cái Cây Ngô đồng không trồng  mà mọc như cuộc sống tự tại, không mong cầu của một pháp tu.
Hình ảnh ông thày và cây ngô đồng làm anh giác ngộ và thay đổi tính tình từ đấy. Tâm trạng anh giống như thi sĩ Chu Mạnh Trinh, ngày đến thăm chùa Hương, ông mới ngửi mùi nhang cúng Phật, bỗng cảm thấy phiền não dứt sạch, như một thiền sư đại ngộ
- Lạ thay vừa bén mùi thiền,
Mà trăm não với ngàn phiền sạch không.
Anh không còn bị trói buộc với những ham muốn tầm thường trước kia. Tâm anh không còn buông lung; mà chắc nịch như Ộhòn đá tảngỢ để đáp lại tấm lòng chung thủy của người vợ như Ộrễ ngô đồngỢ bám cứng, bám dọc bám ngang vào hòn đá:
- Có hòn đá tảng, có cây ngô đồng,
Cây ngô đồng không trồng mà mọc.
Rễ ngô đồng cái dọc cái ngang.
Người chồng nghĩ đến chuyện ăn chơi, trụy lạc cũ mà hối hận. Anh hái quả dưa gang đưa cho vợ như một hành động làm lành để bắt đầu cuộc đời mới,
- Ngoài chùa có quả dưa gang,
Ðể anh đi hái tặng nàng làm duyên.
Hai câu cuối kết thúc thì bửa cơm cũng vừa xong. Anh em tôi chào anh chị để về khách sạn.
Về phòng ngủ, chú em bảo tôi:
- Anh và chị Thư hoàn toàn đồng ý bài ca dao, nhưng lập trường thì khác nhau xa.
Ghi Chú:
1- Đường lên xứ lạng quanh co
.... Để vượt qua đọan quốc lộ 1A (mới) Hà Nội Lạng Sơn (LS) dài 150 km, chỉ cần 2giờ ngồi xe hơi hoặc 3giờ đi xe gắn máy. Từ lúc bắt đầu vào địa phận Lạng Sơn là xuất hiện những rặng núi trùng trùng điệp điệp và những đọan đường quanh co.
            LS là thị trấn biên giới, sầm uất và lâu đời nhất của Việt Nam. Hiện nay LS được du khách biết đến vì có nhiều hang động, đền chùa cỗ kính và vì có các chợ đông đúc, nhiều mặt hàng giá rẻ. Ở phường Tam Thanh có dấu tích của thành nhà Mạc, có động Tam Thanh và Nhị Thanh, có hòn vọng phu mang hình nàng Tô Thị ôm con chờ chồng. Ở phường Chi Lăng có chợ Đông Kinh, có chùa Tiên, đền Ngũ Nhạc, Đền Quan Tam Phủ, chùa Thành. Ở phường Vĩnh Trại có đền Kỳ Cùng, đền Tả Phù.
2- Chùa Tam Thanh có từ thời Hậu Lê, trong chùa có hồ Cảnh, hay hồ Âm Ty, rất sâu. Chưa ai biết chắc độ ssâu là bao nhiêu. Đặc biệt có tấm bia Thiền Động Pháp Luân Thường Chuyển từ thời Vĩnh Thịnh năm thứ 2 nhà Lê (1677) và bức phù điêu Phật Di Lặc thời Lê Mạc.
3- Ải Chi Lăng Vùng đất địa linh, nhân kiệt và rực rở những chiến công. Với địa thế hiểm yếu. Chi Lăng được coi như bức tường thành của kinh đô Thăng Long trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh khét tiếng từ phương Bắc tràn sang. Chi Lăng là ải có qui mô hoành tráng và đồ sộ chạy dài gần 20 km, rộng 3km. Lịch sử oai hùng của nó gắn liền với những hoạt động của các nhà quân sự thiên tài như Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi và đặc biệt nhất là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong khi cả thế giới kinh hoàng trước vó ngựa Nguyên Mông, thì năm 1282, tướng Nguyên Nghê Nhuận bị giết chết tại chỗ, chính Hưng Đạo đã thể hiện thiên tài quân sự ở đây bằng hố bẫy ngựa. Phục binh của ta từ dưới hố, dùng mã tấu phạt đứt chân ngựa, tách bọn Nguyên Mông thiện chiến ra khỏi ngựa mà tiêu diệt chúng.
--o0o--