TẬP SAN DƯỢC SƯ

Làm Mới Lại Cuộc Đời
Bạch Y Thư Sinh
--o0o--
 
Theo như lời dạy của Đức Phật thường dạy chúng ta đã và đang sống trong cõi Ta Bà hay là trong cõi đời ác năm trược, vì thế chúng ta khó mà tránh khỏi những thói quen không tốt. Thói quen không tốt đó theo thuật ngữ thường gọi là: Tâm bệnh. Vì vướng phải Tâm Bệnh nên mỗi ngày thân tâm chúng ta bị tiêm nhiễm sự nhiễm ô càng ngày càng thêm sâu dày. Cho nên muốn giải trừ thói quen không tốt, thì chúng ta phải luôn luôn làm mới lại cuộc đời chúng ta, nghĩa là chúng ta phải hạ quyết tâm sửa đổi những gì mà chúng ta biết, hoặc những người chung quanh chỉ những khuyết điểm cho chúng ta. Người đời thường nói:
- Nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc
Quả thật như vậy, nếu làm cỏ mà không nhổ trừ gốc của nó thì qua giai đoạn lanh lẻo của mùa Đông, gió xuân về lại thì cỏ dại lại tiếp tục mọc lên. Chúng ta cũng vậy, muốn làm mới lại cuộc đời chúng ta, trước tiên chúng ta phải để cho tâm hồn yên tịnh mà xét lại những hành vi của chính mình, nhận thức về chính mình. Có tịnh lặng chính mình chúng ta mới có thể rõ suốt được những khuyết điểm của chúng ta. Những khuyết điểm của chúng ta thì có rất nhiều nhưng tiêu biểu như:
- Sự cuồng vọng,
- Hung hăng,
- Ấu trĩ và
- Sự không hiểu biết của chúng ta.
Chỉ có phương cách Làm Mới Lại Cuộc Đời, chúng ta mới tránh khỏi bệnh tự cao tự đại, hoặc tự ti mặc cảm một cách mù quáng. Một khi chúng ta đã có nhận thức rằng chúng ta phải làm mới lại cuộc đời, thì chúng ta mới theo dõi thói quen và hành vi của chúng ta. Có để ý thói quen và hành vì của chúng ta, thì chúng ta mới nhận thức được ngay lúc chúng ta mới bị nhiễm ô. Nhận thức được là chúng ta đã và đang bị nhiểm ô thì chúng ta phải lập tức quyết tâm sửa lỗi, có quyết tâm sửa đổi thì chúng ta mới có thể sửa đổi những lỗi lầm. Chỉ sợ rằng chúng ta đã bị nhiễm ô mà không tự biết, đến một lúc nào đó những thói hư tật xấu đó nó tiêm nhiểm và theo tuổi tác mà theo năm tháng lớn dần, cho đến một ngày nào đó khi chúng ta biết được sự thật, lúc đó muốn sửa đổi thì cũng không dễ dàng bằng lúc vừa mới bị ô nhiễm. Việc làm mới lại cuộc đời, cũng tương tự như chúng ta giặt giũ quần áo, khi giặc sạch rồi thì đừng cho dính dơ nữa, điều nầy nếu chúng ta cố gắng thì chắc chắn không khó khăn lắm, nhưng vẫn có nhiều khi chúng ta không mấy ai tự biết những cái sai lầm của mình, do vậy mà chẳng mấy ai để ý đến việc làm mới lại cuộc đời. Hoặc có để đến việc làm mới, nhưng không hạ quyết tâm cho nên cứ khó quá làm sao mà làm. Tuy nhiên, không có việc gì khó khi chúng ta quyết tâm, cho nên người đời thường nói:
- Trên đời không có việc gì khó, chỉ sợ chúng ta không có lòng, không nhất định để làm mới lại cuộc đời của chính mình.
Làm mới cuộc đời cho chính mình có nghĩa là sửa đổi những tâm bệnh, những tập khí, những sự mê hoặc, những sự không hiểu biết, cố chấp, những lầm lỗi không lương thiện của chúng ta. Chúng ta phải sửa đổi cho đến khi nào trong chúng ta chỉ có thiện, mà không có ác, hoặc chỉ có mà không đáng kể. Và cứ như thế cho đến khi nào trong tâm chúng ta không khởi niệm ác mới thôi. Tiến xa hơn nữa là cho đến lúc nào mỗi khi khởi niệm thì là thiện, không trở lại ác, tiến tới ngay cả thiện niệm cũng không có. Sửa đổi cho đến khi nào, mặc dầu chúng ta là người có trí, nhưng cách hành xử giống như ngu, như câm như điếc, tốt xấu được mất đều chẳng động tâm, thì tâm của chúng ta mới được thanh tịnh.
Người đời vì thói quen xấu ác đã có từ nhiều đời nhiều kiếp cho đến ngày nay, hơn nữa từ nhỏ, trong cuộc sống của xã hội đã ảnh hưởng những ô nhiễm do mọi hoàn cảnh đưa đẩy, nên hiện khởi ra thân, miệng, ý, và đã trở thành thói quen hư xấu, chứ thật ra mỗi người ai cũng có những đức tánh rất là hiền lương thánh thiện. Cho nên Đức Phật thường dạy:
- Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh
Quả thật con người ai cũng có bản tánh sáng suốt lương thiện. Sáng suốt lương thiện đó chính là Phật Tánh, nhưng Phật Tánh nầy bị sự che ngăn và trở ngại của nghiệp chướng do tập khí vô minh và vọng tưởng chấp trước cho nên Phật tánh không có cơ hội hiển bày. Cũng tương tự như gương sáng bị bụi bặm phủ đầy, nên mất đi cái tánh sáng thanh tịnh sẳn có. Tập khí tức là những bụi bặm, cho nên chúng ta phải triệt để sửa đổi, lau chùi, quét dọn. Tập khí mà chúng ta thường gặp và vấp phải nhiều nhất là lòng ham muốn. Sự ham muốn có loại lương thiện và có loại không lương thiện. Thật sự, sự tham muốn lương thiện cũng là ham muốn, tham muốn không lương thiện cũng là ham muốn. Nghĩa là:
- Cái gì cũng muốn, cái gì cũng cần.
Vì là lòng tham muốn của con người phàm phu nên không biết đâu cho cùng, không biết bao giờ mới biết đủ, không biết bao giờ mới dừng. Do vậy, khi không thành công tốt đẹp theo sự tham muốn của chúng ta thì chúng ta sanh tâm bực bội. Không được theo như ý mong muốn thì chúng ta tức tối. Vậy thì chúng ta phải làm mới lại cuộc đời của chúng bằng cách nên sửa đổi con người chúng ta để chúng ta trở thành một con người có đủ sự nhẫn nhục và khoan dung. Muốn được như thế trước tiên chúng ta phải:
- Không làm việc hung bạo, không nên cứ mỗi khi mở miệng ra là chỉ biết chưởi rủa, động đến thì tay hất chân đá, mà chúng ta cần phải sửa đổi cho tâm bình khí hòa. Luôn luôn giữ cho khôn mặt lúc nào cũng vui tươi trong mọi hoàn cảnh.
- Không nên nói dối, mà chúng ta phải tập nói lời trung thực và thành thật.
- Không giảo quyệt và gian trá, mà chúng ta phải nên thành thật và không khinh khi trịch thượng.
- Không làm việc phù phiếm xa hoa giả tạo, mà chúng ta phải sống mộc mạc giản dị và tiết kiệm.
- Không làm việc riêng tư, xung khắc và đố kỵ, mà chúng ta cần phải vì việc chung mà không riêng tư.
- Không hẹp hòi và nôn nóng, mà chúng ta phải sống rộng rãi và nhẫn nại.
- Không làm sự gan dạ điên cuồng, mà chúng ta cần phải đổi thành sự chín chắn cẩn thận.
- Không nặng lòng đố kỵ, ganh tỵ, mà chúng ta cần phải rộng lượng quảng đại.
- Không nặng lòng nghi kỵ, mà chúng ta cần phải biết tín nhiệm người khác.
- Không tự đại tự mãn, mà chúng ta cần phải thấp giọng hạ mình nhún nhường.
Ngòai ra chúng ta còn phải tích cực làm mới con người chúng ta bằng cách:
- Luống dối đổi làm thành kính,
- Sự bộp chộp nôn nóng đổi thành trầm tĩnh,
- Kiêu ngạo đổi thành khiêm tốn,
- Biếng nhác, trác tán đổi thành siêng năng cần mẫn,
- Tàn nhẫn đổi thành nhân từ,
- Cay nghiệt đổi thành khoang dung,
- Thiên kiến đổi thành hòa bình,
- Keo kiệt đổi thành bố thí
- Sửa đổi trừ bỏ tâm ghét hận, tâm ngạo mạn, tâm thờ ơ, tâm phẫn nộ, tâm tình nghi, tâm buồn rầu, tâm cố chấp, tâm hẹp hòi, tâm sợ sệt, tâm quên ơn, tâm thấp hèn, tâm cuồng vọng tự đại, tâm không phục thiện, tâm riêng tư tự lợi, tâm trong mắt không có người, tâm bất bình bất mãn, tâm bất an thô tháo... Ác khẩu tất cả đều phải làm mới lại hết.
Nói chung những vấn đề ác niệm ác hạnh thì nhiều vô số kể, chúng ta là người học đạo cho nên những tư tưởng, hành vi và ngôn ngữ nào có tính cách tổn hại đến chúng sinh đều nên làm mới lại. Làm mới lại con người chúng ta, là bước đầu tiên tu hành học Phật, vì đối với những ai không biết làm mới cho chính mình, mà bảo là tu thiện như thế là tu không tốt rồi. Như vậy không  phải là người học Phật.
Muốn làm mới lại con người chúng ta cần phải minh tâm, và thành tâm:
a- Minh Tâm:
Minh tâm là trí tuệ. Nghĩa là đối với tất cả sự tướng, sự lý đều có thể thông đạt rõ hiểu mà không sai lầm thì gọi là Minh Tâm. Có minh tâm thì chúng ta mới biết được thế nào là thiện, thế nào là ác. Cái gì đáng làm, và cái gì không đáng làm. Chúng ta biết một cách rõ ràng sáng suốt như vậy cho nên gọi là Minh Tâm.
b- Thành Tâm:
Được gọi là thành tâm, là chúng ta phải hiểu cho đủ là trong mỗi người chúng ta phải có đủ: Chơn tâm, trực tâm, chí thành tâm.
Một người mà không có Minh Tâm thì không thể rõ ràng phân biệt thiện, ác, thị, phi. Một người mà không có Thành Tâm thì chúng ta dễ dối gạt người khác, và ngay có khi cũng dối gạt với chính mình. Bởi vậy Minh Tâm và Thành Tâm chính là công phu soi xét sẽ đóng một vai trò hết sức là quan trọng ở nơi sự học Phật và tu hành của chúng ta. Chúng ta cần phải luôn luôn sống tỉnh thức, kiểm tra, quán sát, thì chúng ta mới có thể làm được việc sửa lỗi, mới có thể làm được việc tu thiện. Nếu như chúng ta không có minh tâm và thành tâm, thì chúng ta sẽ không hiểu được thế nào là thiện, ác, như thế còn bàn gì đến việc sửa lỗi, tu thiện hoặc làm mới lại cuộc đời. Như vậy chỉ có con người sáng suốt thì mới biết được thế nào là thiện, thế nào là ác. Cái gì nên làm, và việc gì không nên làm một cách rõ ràng minh bạch. Chúng ta là người đang từng bước đi tìm nguyên lý sống, để thấy được con người thật của chúng ta. Khi thấy được con người thật của chúng ta rồi thì chúng ta sẽ sẳn sàng làm mới lại cuộc đời bằng chơn tâm thành ý, siêng năng tu thiện, một cách tích cực hơn.
Con người trên cuộc đời nầy, hẳn nhiên không phải mới sinh ra, thì đã là thánh nhân liền, cho nên việc lầm lỗi nếu có thì cũng là chuyện thường. Do đó nếu có lỗi lầm thì chúng ta không nên sợ sửa đổi lỗi lầm. Phải biết là lỗi nhỏ còn phải sửa đổi, thì huống chi là tội lỗi quá lớn, đương nhiên chúng ta phải gấp rút tạo điều kiện cải thiện càng sớm càng tốt. Bàn đến việc sửa lỗi thì chúng ta phải biết:
- Thứ nhất cần phát tâm hổ thẹn,
- Thứ hai cần phát tâm sợ lỗi,
- Thứ ba cần phát tâm dõng mãnh.
01- Cần Phát Tâm Hổ Thẹn,
Nếu chúng ta là người biết hổ thẹn, thì chúng ta mới có thể thành tâm thành ý sửa lỗi, chúng ta mới có thể hăng hái chấp nhận sự sửa lỗi. Chư Phật, chư Bồ Tát ở vô lượng kiếp về trước cũng như chúng ta, nghĩa là các Ngài cũng là phàm phu như chúng ta, nhưng các Ngài ngày nay đã thành Phật thành Bồ Tát rồi, trong khi đó chúng ta vẫn còn luân hồi trong sáu đường, do vậy chúng ta cũng nên phát khởi tâm hổ thẹn để mà tự sách tấn cho chính mình. Như nếu chúng ta thường thường phản tỉnh, thì tư lương nầy sẽ là chất liệu cần thiết hổ trợ cho chúng ta dõng mãnh tinh tấn. Nếu chúng ta là người chỉ biết tham luyến âm thanh, sắc đẹp, danh vọng, lợi dưỡng, buông lung tình ý, không biết xấu hổ chút nào, thì lần lần sẽ làm mất tư cách của con người chúng ta lúc nào mà chúng ta không tự biết. Trên cõi đời nầy không có gì để so sánh được với hành vi nầy. Khi chúng ta có thể thực hành và có tâm biết hổ thẹn thì có thể nói đó là hiện tượng tốt, và chắc chắn quả vị Phật không xa lắm.  
02- Cần Phát Tâm Sợ Lỗi
Một con người thường lo sợ là chúng ta sẽ phạm lỗi lầm, thì sư sợ phạm lỗi đó nó sẽ có một sức mạnh kềm chế hành vi không lương thiện của chúng ta rất lớn, và khiến cho chúng ta không dám làm ác. Bởi vì gạt người dễ, gạt mình cũng dễ, nhưng mà gạt Chư Phật, Bồ Tát, Trời thần thì không dễ. Đó là chưa nói đến Phật, Bồ Tát, Trời Thần mà ngay cả quỉ thần phần lớn đều có năm món thần thông, trong đó có: Thiên nhãn thông, tha tâm thông ..v.v... Mặc dầu các loại quỷ thần còn luân hồi sanh tử nên không có thần thông giống như chư Phật và chư Bồ Tát, nhưng dẫu sao cũng hơn con người, cho nên con người nếu khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm gì đó, dù chỉ là một điểm nhỏ lỗi lầm, thì quỉ thần cũng biết được rất là rõ ràng. Cho nên chúng ta là người học Phật không nên có mảy mún nào lừa dối, để tạo nên những lỗi lầm.
03- Cần Phát Tâm Dõng Mãnh.
Đối với người học Phật thì sự phát tâm mạnh mẽ và quyết tâm mạnh mẽ hướng về phía trước là một việc làm cần thiết. Một người đã có lỗi lầm mà chẳng chịu sửa đổi lỗi lầm, là do không có dũng khí, cho nên không muốn, hoặc không dám sửa đổi. Là con người có chí nguyện làm mới lại cuộc đời, cần phải biết sửa lỗi, nhất định ngay nơi cơ sở lỗi lầm do chính chúng ta tạo ra phải lập tức dứt bỏ, phải sửa đổi ngay, không nên dần dà nghi hoặc. Chúng ta phải tự mình ghi nhận:
- Lỗi nhỏ giống như gai châm trong thịt, chúng ta phải mau chóng diệt trừ.
- Phạm lỗi lớn, thì sự tai hại giống như rắn độc mổ ngón tay, vì cần cứu sinh mạng cho nên cần phải cắt bỏ ngón tay tức khắc để cứu nguy tánh mang.
Đây là sự so sánh, ví dụ để dẫn tới cái tâm quyết định, dứt tất cả các điều ác, mà không được có ý niệm do dự, nghi ngờ, chậm chạp. Một cách ngắn gọn, là con người có chí nguyên làm mới lại cuộc đời thì phải có đầy đủ ba cái tâm là:
- Tâm hổ thẹn,
- Tâm e sợ và
- Tâm mạnh mẽ quyết định,
Có được như vậy thì tội nào cũng diệt, phước nào cũng sanh. Như vậy khi nói đến tội lỗi thì chúng ta đừng nên câu nệ là tội lỗi lớn nhỏ, miễn là có lỗi, thì phải sữa đổi ngay, thì việc sửa lỗi để được thiện duyên thiện quả chắc chắn sẽ thành công.
Đến đây xin được lưu ý với đại chúng. Như chúng tôi đã nói:
- Một người có lỗi, thì ai cũng có thể làm mới lại cuộc đời của chính mình.
Đó là nói về việc sửa đổi làm mới lại cuộc đời, trong trường hợp vì vô minh mà gây tạo lỗi lầm, nhưng tuyệt đối không được cho rằng phạm lỗi có thể sửa đổi được, rồi thì tha hồ, thường xuyên phạm phải lỗi lầm để có cớ làm, thì không thể được. Nếu có cái tâm như vậy, tức là đã có tâm phạm lỗi, thì tội lại càng nặng thêm.
Nên nhớ rằng cuộc đời vô thường, chỉ cần một hơi thở ra mà không trở lại, thì thân thể nầy không phải là của ta nữa, do đó đừng nên cố tình gây tội tạo lỗi, bởi vì khi Vô Thường đến thì có muốn sửa đổi lỗi lầm cũng không còn kịp.
Một người biết làm mới lại cuộc đời mình thì có rất nhiều phước báo, cái  dễ thấy nhất đó là trong cuộc sống hằng ngày, luôn luôn sống an bình tốt đẹp, tự tại, vui vẻ. Còn việc khó thấy là sự nghiệp thuận lợi, con cái ngoan hiền, gia đình hòa mục, được nhiều người tôn kính. Phương pháp làm mới lại cuộc đời, là chúng ta phải sửa từ tâm, tu tâm, để làm cho:
- Tâm được thanh tịnh
- Tâm không động niệm
- Không riêng tư ham muốn.
Những yếu tố nầy nếu áp dụng vào việc làm mới lại cuộc đời của chúng ta thì lúc đó nếu có niệm xấu xuất hiện thì chúng ta cũng sẽ biết rõ, và ngay tức khắc chúng ta kềm chế không cho tâm động niệm. Tâm không động, thì niệm dầu xấu xa cũng đều tiêu mất, cũng sẽ không thể phạm lỗi được. Ðây tức là bí quyết chân chánh tu tâm sửa lỗi, và cũng là phương pháp tinh luyện duy nhất. Bởi vì lỗi lầm của con người có trăm, ngàn, vạn kiểu sai biệt, nhưng ta cả đều tạo ra từ nơi tâm. Tâm chúng ta và người không động niệm thì các việc thiện, ác cũng không thể nào xảy ra, do vậy mà lỗi lầm cũng không nương vào đâu để sinh ra. Chúng ta sửa đổi từ nơi tâm địa, tức là sự sửa đổi của chơn tâm muốn dứt ác, chơn tâm muốn tu thiện. Cho nên chúng ta chỉ cần nhất tâm hướng thiện, phát tâm bồ đề. Niệm đầu phải luôn luôn có mặt, để dẫn đến hành động làm việc thiện, nói lời thiện, như thế những niệm tà sẽ tự nhiên tiêu mất.
Việc sửa lỗi, nhiều khi mới bắt đầu, tất cả mọi người chúng ta đều gặp trạng thái tiến tiến, lùi lùi, sửa rồi lại phạm.... Vì vậy không nên nhân vì lúc nhất thời sửa không xong, là nổi nóng trong lòng, mà vấn đề cần phải có là:
- Giữ tâm sáng suốt,
- Giữ tâm nhẫn nại lâu dài,
Hai tâm nầy rất là quan trọng! Chỉ cần có hai tâm nầy, thì chúng ta sẽ có tâm thường hằng, chúng ta sẽ có nghị lực, và có quyết tâm, thiết tha cần sửa đổi cái sai lầm ngày trước. Có được tâm nầy thì những tập khí, tâm bệnh sẽ theo thời gian cố gắng và chúng ta cũng tu sửa được. Chúng tôi nói thời gian để tu sửa là vì tập khí của chúng ta đã bao nhiêu đời rồi, nên không thể nói dứt là dứt được liền, hoặc nói dứt là dứt được liền trong chốt lác.
Công cuộc làm Mới Lại Cuộc Đời, chúng ta cần phải có năng lực để rõ biết các việc thiện, ác. Như chúng ta đã biết, việc thiện lớn thì có công nhiều, việc thiện nhỏ thì có công ít. Việc ác lớn thì lỗi nhiều, việc ác nhỏ thì lỗi ít, do đó trong công cuộc làm mới lại cuộc đời, chúng ta cũng nên đặc ra một cái quy định, nghĩa là công, tội, qui định tất cả hành vi thiện ác để chúng ta tự phải nhớ lấy. Trước tiên là chúng cần có:
- Tâm thường xuyên,
- Tâm nhẫn nại và
- Tâm quyết định,
Là con người có chí nguyện làm mới lại cuộc dời, không nên sợ phiền toái, hoặc so tính. Nếu cứ sợ phiền toái, hoặc cứ so tính như thế thì chúng ta sẽ khó thành công. Chúng ta phải ghi nhận rằng, lúc mới bắt đầu thực tập, nhất định thiện và ác sẽ xen lộn với nhau, cho nên mỗi ngày chúng ta nên nhớ lấy để thực hành, rồi lần lần thiện nhiều ác ít, và cuối cùng chỉ có thiện mà không có ác. Cho đến khi nào tất cả đều là thiện, không có ác, khi đạt đến giai đọan nầy thì việc tiêu trừ nghiệp chướng nhất định thấy hiệu quả. Nói cách khác, một năm làm được thì một năm thấy hiệu quả, mười năm làm được thì mười năm thấy hiệu quả.
Thời gian mới học của chúng ta, mọi người đều giống nhau, lúc ban đầu đều rất khó, thiện và ác lộn xộn, công và tội cũng lẫn lộn. Để biết chúng ta đã khởi bao nhiêu niệm ác hạnh ác, và đã khởi bao nhiêu niệm thiện hạnh thiện. Trong một ngày thiện nhiều hay ác nhiều, chúng ta cũng nên thành lập một cái sổ: Phước và Tội. Chúng ta cứ so sánh hàng ngày, cho đến hàng tháng, hàng năm. Nếu như chúng ta có thể thật sự làm được như thế nầy, không ngoài năm năm thì chúng ta có thể chỉ làm thiện, mà không có ác. Ngay cả như ở trong tâm không khởi niệm thì thôi, nhưng nếu có, thì chỉ có hoàn toàn là thiện, chứ không có ác. Đến lúc nầy mà chúng ta có làm việc gì đi nữa thì cũng tự nhiên tự tại, xứng họp với tâm từ bi rộng lớn của một con người biết làm mới lại cuộc đời.
Làm mới cho chính mình, là một công trình tích lũy công đức nếu có thể tu tất cả thiện, lìa tất cả tướng, thì sẽ tiêu nghiệp trừ chướng, quả báo nặng mà nhận thọ nhẹ, là công dụng hiệu quả tốt nhất. Tốt nhất là niệm ác không sinh, ngay cả niệm thiện cũng không có, làm được tâm chẳng động niệm, lìa tất cả tướng, tất cả không chấp trước, niệm Phật không dứt, trong tâm có Phật, vãng sanh thế giới Cực Lạc là điều chắc chắn.
Chúng ta bị sai sử bởi tâm bệnh từ rất lâu xa đến nay, cho nên không dễ dàng có thể sửa đổi trừ bỏ trong một sớm một chiều mà được. Nên biết rằng tâm tham và sự phẩn nộ của chúng ta đều đã được gom góp từ nhiều đời nhiều kiếp rồi, vì thế bây giờ đây chúng ta muốn làm mới và chuyển hóa nó nhất định cần phải từ từ, trải qua một khoảng thời gian mới có thể thành công được. Chỉ cần chúng ta từng bước từng bước, tự mình tiến tới, theo từng bước nhận thức được thói quen tật xấu của mình. Ðồng thời tích cực, nổ lực không nên lười mỏi, thì cuối cùng cũng sẽ đạt được cảnh giới như mong ước.
Tóm lại, người tu hành muốn làm mới lại cuộc đời cho chính mình, trước sau gì vẫn tùy thuộc vào sự phát tâm của chúng ta, người khác chỉ khuyên nhắc, nếu chúng ta không biết làm mới, thì người khác cũng không làm gì được cho mình, làm mới hay không hoàn toàn ở chính chúng ta.
--o0o--